Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.216.975
 
Nhà văn Nguyễn thị Hoàng - Niềm đam mê ngôn ngữ (phần 6)
Đỗ Nguyễn

 

           

                         Phần 6.   Nguyễn thị Hoàng và độc giả.

 

     Nhà văn Nguyễn thị Hoàng có nhận định rằng chính độc giả đã định giá một cách chuẩn  xác văn chương của bà : « Có lẽ nó thắm thiết,  nồng nàn và chuẩn xác hơn là qua những nhà phê bình, hay sự nhìn ngắm của báo chí, dư luận. »

    ( Tiểu luận  Đâu Biết Đời Kia Vẫn Đợi Chờ của Hoàng Kim Oanh - Diễn Đàn Thế Kỷ, tháng 01/2021).

    « Vì quen sống rất yên và rất riêng trong góc đời mình, tôi xa lạ và ái ngại với sự biểu lộ ân cần của những độc giả. Dù vô cùng cảm kích những người yêu mến nồng hậu ấy, tôi băn khoăn không biết đền đáp lại cách nào đúng đủ ... Điều duy nhất có thể đền đáp lại những ân tình như gió mây từ bốn phương trời ấy là tôi phải viết nhanh viết nhiều với phần thời gian sẽ còn quá ít từ đây. »

       (Phỏng vấn của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, tháng 04/ 2021 nguồn Tuổi Trẻ online)

     Qua từng thế hệ, chúng tôi, những độc giả của nhà văn Nguyễn thị Hoàng, vẫn yêu thích và theo dõi, mang ơn bà rất nhiều đã viết và cho thưởng ngoạn nét đẹp của văn chương, là tài sản tinh thần vì từ văn chương của bà, người đọc có thể khám phá, tìm thấy bản thể và hiểu thêm về chiều sâu tâm hồn mình và học hỏi rất nhiều, biết rõ thêm về cuộc sống cũng như về con người của xã hội và thời đại đó, nhất là mọi trạng thái của con người trẻ trong cuộc chiến. Dù với khuynh hướng tự truyện, bà từng khẳng định không viết từ những ẩn tình riêng tư hay để giải toả mà bà cần viết như thúc đẩy của tinh thần sáng tạo. Nhà văn viết và độc giả cảm nhận. Điều thành công nhất là bà luôn để mặc cho độc giả loay loay vướng mắc trong tác phẩm với những cảm nhận và suy tưởng về mọi chiều kích, tìm bắt được những tín hiệu qua ngôn ngữ và ý tưởng theo cách diễn đạt từ thế giới tưởng tượng của tác giả.

    Ý nghĩ của bà về độc giả mới đây, sau khi đồng ý với nhà xuất bản Nhã Nam cho in lại năm quyển tiểu thuyết :

    « Biết đâu, đọc lại những hàng chữ xưa, ai đó sẽ bâng khuâng hoài cảm với thoáng hiện về của bóng thời gian đã khuất.» 

              

                 Trước 1975, độc giả của Nguyễn thị Hoàng là ai?

    Thành phần trí thức đương đại. Giới trẻ cấp tiến. Họ là những giảng viên đại học, thầy cô giáo, quân nhân, sinh viên và các văn nghệ sĩ. Trong mọi thời đại, đội ngũ này là nền tảng của tiến bộ xã hội, là nòng cốt của sáng tạo nghệ thuật, vai trò của họ là truyền đạt tri thức, hiện đại hóa một đất nước.

    Theo nhà phê bình Thụy Khuê thì « Những độc giả thầm lặng mới là đối tượng của văn chương ».

    Một cách khác, những độc giả có tâm thức kết nối với tâm thức của tác giả, cảm và nhận được giá trị văn chương mà tác giả viết về thời cuộc và phận người, trong thời điểm văn học Việt Nam được xây dựng từ sáng tạo cách tân với khuynh hướng Siêu Thực và Hiện Sinh hiểu đúng nghĩa, trong nghệ thuật văn chương, thêm vào đó là khuynh hướng Hiện Thực Huyền Ảo xuất hiện ở Pháp các nước Tây phương từ 1961.

    Nguyễn thị  Hoàng và sáng tạo văn chương theo dòng chuyển động văn học nghệ thuật của thế kỷ của bà để lại một giá trị nghệ thuật đặc biệt và dấu ấn thời đại cho đời sống tinh thần của độc giả.

    Những biến động của đất nước và thời chiến là nguyên nhân chính khiến đời sống nội tâm của con người đổi khác trong những xung đột một cách trầm trọng và sâu sắc và đó cũng chính là nền tảng cho sự cách tân một nền văn học phong phú năng động, trẻ trung. Dù còn mang ảnh hưởng của văn học Pháp, các nhà văn miền Nam trăn trở nhiều trong khuynh hướng sáng tạo mới lạ với những chất liệu sáng tạo hoàn toàn khác, mỗi nhà văn có cảm nhận và quan điểm của họ từ thực tại cuộc đời. Ở thời ấy, những độc giả chờ đợi từ những nhà văn sự truyền tải tư tưởng hơn là cốt truyện, kết cuộc như thế nào … Tính tự truyện là cách viết được độc giả hưởng ứng rất nhiều vì họ tìm thấy, khám phá thêm ít nhiều tâm tư và ý thức của mình qua suy tưởng của tác giả.

         Có thể chia làm hai loại độc giả :

    Loại thứ nhất : Là những độc giả trí thức và có trình độ văn hoá, nam lẫn nữ với một sự trưởng thành đúng đắn về ý thức và phát triển tâm sinh lý cũng như xã hội. Họ là những người muốn biết rõ về sự hiện hữu của chính mình, quan trọng cách trau dồi tâm thức và có cái gu thưởng thức nên rất chọn lọc (sélectif ) thể loại văn chương, cũng có khuynh hướng về giòng văn học dịch thuật do nhu cầu muốn tìm hiểu, có tầm nhìn ra thế giới, muốn khảo sát thêm về con người và cuộc đời qua các nhà văn ngoại quốc. Họ thường nhìn nhận mình là  « độc giả khó tính » và đó cũng là những « độc giả thầm lặng ».

     Và sau năm 1975 ?

     Loại độc giả thầm lặng này trở thành « độc giả thầm lặng trong bóng tối », nhất là ở Đà Lạt, một môi trường sống rất kín đáo, trong các trường đại học và một số người trí thức « bất đắc chí » tiếp tục đọc và chuyền tay nhau những tác phẩm của Nguyễn thị Hoàng cùng nhiều tác giả khác cũng như sách truyện dịch thuật bị ngăn cấm đã được gìn giữ cất giấu được một cách kỹ lưỡng và một số sách cũng được âm thầm chuyển ra miền Bắc. Người dân vẫn mua bán một cách « bất hợp pháp » nguồn văn học quý báu này. Như trong thời chiến tranh lạnh, có những sáng tạo nghệ thuật luôn được bí mật chuyển đi từ những nơi không có tự do tư tưởng như trường hợp của tác phẩm Bác sĩ Jivago của Boris Pasternak (1890-1960).

    Loại thứ hai : Những người đặc biệt có máu « ghiền » văn chương và có óc tò mò lạ thường, ham đọc hơn ham sống, hoặc với họ, đọc đồng nghĩa với thở. Và họ đọc tất cả mọi thể loại, mọi tác giả các thời đại, lúc nào cũng kè kè bên mình một quyển sách, vui thích khi nói đến văn chương, luôn muốn phân tích các nhân vật và tình huống một tác phẩm nào đó, muốn mở rộng kiến thức về nghệ thuật này. Đó là những người có khuynh hướng viết văn hoặc đã (hay sẽ) là nhà văn, chuyên viên nghiên cứu phê bình văn học. Nếu không sáng tạo, có người trở thành bị « tẩu hỏa nhập ma ».

    Quan điểm của nhà văn Nguyễn thị Hoàng về việc đọc : « Văn hoá đọc sách và tiểu thuyết là một trong những yếu tố tinh thần, còn có thể giải tỏa những căng thẳng của thần kinh, chống đỡ những áp lực bức bách mệt mỏi ngoài đời, người đọc tìm lại những xúc động hồn nhiên từ tự tính chôn vùi hay quên lãng. Từ đó cảm sống trọn vẹn hơn với tổng hợp ngoại giới nội tâm, thăng hoa giá trị sống nơi con người trong bất cứ tình thế biến động nào từ xã hội. Nếu còn tìm thấy trong tác phẩm những ý nghĩa ẩn dụ, những ký hiệu bí mật diễn tả qua ngôn từ đối thoại … người đọc có thể giải mã những băn khoăn tâm lý, khám phá những cung cách đối đãi, những phản ứng tinh tế trong tương giao, vốn là những nguyên tắc tinh thần thời nào cũng còn tác dụng và hiệu lực đẹp. ».

    Miền Nam Việt Nam, trước 1975, dù trong bối cảnh chiến tranh, văn chương báo chí được phát triển muôn màu ngàn vẻ, cực kỳ phong phú với nhiều tác giả và cách viết đa dạng phục vụ lực lượng độc giả hùng hậu trong không khí sôi động, có nhu cầu rất lớn ; trình độ tri thức, tuổi tác, tầng lớp nào cũng có thể tìm cho họ những sách báo thích hợp. Người ta không ngạc nhiên khi thấy các em nhỏ hay tuổi vừa lớn say mê đọc và sáng tác, giới phụ nữ có những sách báo và tiết mục riêng, giới quân nhân có tác giả và tác phẩm, những người tài xế taxi hay các bác xích lô thường đọc văn chương bình dân. Họ có thể mua hoặc trao đổi với nhau hay mượn sách rất dễ dàng.

    Người Việt đặc biệt yêu thích âm nhạc cũng như thơ văn và mỗi thể loại âm nhạc, văn chương đáp ứng yêu cầu của một thể loại độc giả, từ bình dân đến cao cấp. Những nhà văn miền Nam thời kỳ này (1954- 1975) đã khoác lên một sắc thái mới lạ và sinh động cho văn chương trong những sáng tạo tự do của họ. Điểm ghi nhận khác là giòng văn học ngoại quốc đã có một chỗ đứng quan trọng với vô số sách truyện được dịch do sự tiếp cận của ta với tiếng Anh, tiếng Pháp, với trình độ ngoại ngữ cũng như tiếng Việt rất giỏi và đáng tin cậy của các dịch giả đã chú ý đặc biệt đến chất lượng của văn học các nước khác. Trình độ hiểu biết của độc giả được nâng cao dần nhờ văn học nước nhà từ nền tảng văn hoá Hán Việt, Pháp và Việt, tư tưởng con người được phát triển và trưởng thành theo đà văn minh thế giới.

    Nước Pháp, một tổ quốc của văn chương, cái nôi của sự chuyển động tất cả các chủ nghĩa văn học nghệ thuật cho ảnh hưởng toàn cầu, từ thế kỷ thứ 16, đã không có được sức đọc cũng như không khí văn chương hào hứng như miền Nam Việt Nam trước 1975.

    Đọc Nguyễn thị Hoàng, nếu chỉ muốn biết nội dung tác phẩm, cốt truyện và nhân vật, bối cảnh … thì đã bỏ qua phần quan trọng là tính tư tưởng mà những người thật sự yêu văn chương, tìm được nơi trú ẩn trong đó, có khuynh hướng sống nội tâm, thích tìm hiểu ý nghĩa của tình yêu, phận người và cuộc đời trong toàn bộ suy tưởng một cách thâm trầm sâu sắc và tìm thấy trong văn chương của bà những bí ẩn chôn giấu ở trong tận cùng và độc giả vừa khám phá, thấy được những gì có trong thẳm sâu con người mình mà nhà văn đã diễn tả hộ.

     Những độc giả trẻ hôm nay nhận định thế nào về văn chương của Nguyễn thị Hoàng?

     Bà là một hiện tượng, một cây bút đương đại của thời thế chiến tranh, đã làm được một dời chuyển đích thực của văn chương ngày đó, một cánh cửa mở rộng trong một xã hội khép kín bởi những bức tường luân lý đạo đức mà trong đó quan điểm của con người xã hội còn nặng nề định kiến … Cho đến nay, sau nhiều biến động, sau chuỗi thời gian dài, người trẻ Việt Nam được tiếp cận với văn chương đương đại một cách khác, rộng rãi hơn, phong phú hơn về số lượng, nhưng chất lượng của văn học mọi quốc gia trên thế giới đều xuống cấp thảm hại. Người ta đã từng nói đến cái chết của nghệ thuật và sự biến dạng của thể loại văn chương ở thời đại này.

     Nguyễn thị Hoàng nói về người trẻ hôm nay : « thông thái rất nhiều vấn đề cũng nhờ vào công nghệ thông tin và một phần từ sinh hoạt xã hội. Nhưng những hiểu biết đó chỉ thuộc vào phần ngoại thân của con người và cuộc sống. Thế giới nội tâm, tâm hồn, cảm tính tâm lý, bao nhiêu khúc chiết phức tạp của thế giới bên trong con người và nơi đời thì tuổi trẻ không hề biết đến … »

      Theo bà, nếu đọc sách và tiểu thuyết « người trẻ dần khám phá nhờ soi bóng được bản thân mình, và thế giới con người bên trong lẫn những vấn đề phức tạp lẫn bi hoan của cõi đời, để thấy trước biết trước, nhận ra được cái giá trị sống đích thực không chỉ là cân đo phần trị giá như thời nay ». 

     ( Phỏng vấn của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, nguồn Tạp chí Da Màu, tháng 02/ 2021).

     Riêng về tác phẩm Vòng Tay Học Trò, có những độc giả trẻ, họ ra đời sau tác phẩm khoảng 30 năm. Hôm nay, cảm quan tiếp nhận của độc giả cho thấy được rõ về cuộc hành trình của tác phẩm qua sự gặp gỡ giữa nguồn tư tưởng và xúc cảm, tất cả đã được bắt đầu từ sự mẫn tiệp của dự cảm mà nhà văn đã sống và đã viết.

     Với cái nhìn tổng thể khá trung thực và chính xác nhưng vì không phải là người làm công việc phê bình văn học, họ không mổ xẻ đào sâu hơn mọi khía cạnh ngoài việc có ý kiến khá chung chung nhưng rất đáng ghi nhận cách tư duy của người trẻ của xã hội hôm nay hoàn toàn khác với thời đại của tác phẩm lúc ra đời, khi mọi chủ đề về tình yêu đã được khai thác.

    Vậy một tiểu thuyết như Vòng Tay Học Trò liệu có mang phẩm chất vượt thời đại để trở thành một tác phẩm kinh điển?

    Nhận định của Hiền Trang, một nhà văn trẻ ở Hà Nội : « So với những dâm thư khác thì khó có thể hiểu tại sao Vòng Tay Học Trò lại bị xem là một văn hoá phẩm nguy hiểm và đồi bại? Nội dung tác phẩm không nói đến tình dục … Khi tôi tìm đến Vòng Tay Học Trò, tôi hoàn toàn không phải muốn biết về một lịch sử nào mà tôi muốn thưởng thức nó theo đúng nghĩa thưởng thức một cuốn truyện. Tôi đọc theo cách đọc một khát vọng kể chuyện, như nhìn một cây lớn lên, rất tự nhiên. Tôi thưởng thức toàn bộ ngôn từ, vần điệu của nó một cách rất văn chương. Như thế thôi. Tôi đọc và tìm được sự đồng cảm với chính mình thay vì cố gắng giải nghĩa nó hay gán ghép cho nó một ý nghĩa nào khác, hay cố tìm kiếm những thông điệp lớn lao hơn. Tôi đọc nó như một người bạn của mình. Tôi tìm thấy trong đấy những điều trùng hợp với cuộc sống của tôi. »

    Đã có những nhận định cẩu thả và nông cạn đến tắc trách, phi lý, vô lương tâm từ cách cố ý cho đến ngờ vực, ngộ nhận, lầm lạc, ngược đãi … từ cái nhìn thiển cận đầy định kiến về một sáng tạo nghệ thuật của một nghệ sĩ là phụ nữ mà từ đó, người ta có thể còn thấy được bao vẻ đẹp và ý nghĩa của văn chương ngoài việc người ta chỉ hiểu rằng đó là một chuyện tình để nhắm vào việc khai thác một vài khía cạnh. Và có lần bà đã khẳng định : « Khi viết, không phải là viết cái gì đã sống, mà trên khung cảnh, sự kiện, nhân vật của khoảnh khắc thoáng qua trong vai « cô giáo » ấy, tăng giảm biến đổi để đúng vóc dáng một câu chuyện. Đã không tính đến chuyện viết tiểu thuyết hay hình thành một tác phẩm có dụng ý, mục đích nào mà chỉ góp nhặt lại những mảnh vụn của một khúc đời đã vỡ. » 

                       (Phỏng vấn của Mai Ninh, Hợp Lưu, năm 2003).

     Hiền Trang cho rằng : « Ở mặt nào đó cuốn Vòng Tay Học Trò đã lỗi thời … chỉ được tìm lại như được tìm lại một đứt gãy lãng quên trong lịch sử văn chương hiện đại hay như tìm lại một toàn cảnh văn chương đầy đủ hơn về văn học nước nhà ». 

     Điều này không sai nhưng thời đại làm ra nhà văn hay nhà văn làm ra thời đại? Nhà văn lớn sống thời đại lớn, trong môi trường sống đầy biến động lịch sử.

     Nhà văn Nguyễn thị Hoàng :

    « Tuy nhiên, một dòng văn học đích thực sẽ không bao giờ chìu theo tâm thức của quần chúng mỗi thời. Và mỗi tác phẩm sẽ tự định vị để vùi lấp tồn tại trên dòng chảy biến cố lẫn thời gian. Tác phẩm không đi tìm người đọc. Mà người đọc đi tìm tác phẩm. Khi đôi bên tìm thấy nhau, một hấp lực tương tác xảy ra. Hiệu ứng là xúc động tâm hồn hoặc cao hơn, là tâm linh, sẽ đánh thức căn tính nguồn cội của mỗi con người. Một tác phẩm văn học nghệ thuật đích thực có thể khơi gợi tiềm năng suy tư và sáng tạo, nuôi dưỡng phẩm tính của tâm hồn, bảo toàn sự sống chan hòa của tinh thần tình cảm. Cuộc hòa hợp nội tâm và ngoại giới hình thành một phẩm chất và nhân cách người trọn vẹn. »

    Những nhà văn sống và viết cách đây hơn nửa thế kỷ trong bối cảnh đất nước chiến tranh, ngày hôm nay, tác phẩm của họ được in lại để phổ biến nhưng vẫn trong một số điều kiện giới hạn, không thể có thế mạnh của thời đại công nghệ trong những xã hội cơ giới, vào thời đại mà tiểu thuyết chỉ còn là công cụ để phục vụ một cách đại chúng, để người viết khẳng định sự thành công trong xã hội. Đương nhiên, dòng thiểu thuyết với khuynh hướng thời thượng có một giá trị nào đó và có độc giả riêng.

     Ở Nhật, nhà văn nữ Ayako Miura (1922-1999), sống qua thời điểm lịch sử bi thảm của đất nước, thế chiến thứ hai, sau tác phẩm lớn Hyõten (Băng Điểm, bản dịch Liêu Quốc Nhĩ) và kho tiểu thuyết đồ sộ giá trị của bà, giờ đây cũng được xem như « lỗi thời », so với phong cách viết « mới » của các nhà văn hiện giờ, được tung hô vạn tuế, được ngưỡng mộ, một cách nào đó làm nhạt mờ giá trị những tác giả một thời xưa cũ.

    Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy có sự mẫn cảm trong cái nhìn chủ quan lẫn khách quan : « Đã tình cờ ngã vào một thoáng Vòng Tay học Trò  trong ngỡ ngàng rung động … Nguyễn thị Hoàng đã khai thác chuyện tình yêu ở nhiều góc độ đa dạng mà thường là những mối tình lỡ làng, khác biệt và thách thức các ranh giới. Thứ cấm kỵ bao giờ cũng hấp dẫn. Ở đó các nhân vật bộc lộ mọi trạng thái yêu, niềm đam mê, sự giằng xé, nỗi ngất ngây, khát vọng vẻ đẹp tuyệt bích  … và những người trẻ tìm thấy mình trong đó … Chúng ta luôn tìm hiểu quá khứ để cắt nghĩa cho hiện tại. »

    Thưởng ngoạn văn chương của Nguyễn thị Hoàng là điều không dễ dàng vì văn chương của bà đòi hỏi một trình độ kiến thức cao và chiều sâu tâm hồn để có thể thẩm thấu. Cảm nhận được cũng như đánh giá đúng văn chương của Nguyễn thị Hoàng là quá trình từ khởi điểm của sự đọc nghiền ngẫm, với tất cả đam mê, cho tới lúc thấy mình đến gần, dần phá được bức tường ngăn cách giữa tác giả và độc giả, cho đến lúc thấy bóng mình thấp thoáng trước vùng tâm thức rồi xâm nhập được vào đó, vào vùng tâm thức là vũ trụ của một tác giả đã biết nâng cao tầm cảm thụ nghệ thuật, làm thăng hoa tư tưởng và ý thức cũng như mang lại sự trầm lắng vào tiềm thức những nét đẹp của nghệ thuật văn chương. Bà nói :

   « Viết không phải là một sự nghiệp ở trường hợp tôi mà là một ước nguyện, một hành trình tâm tưởng không thể hiện, vì thế chẳng biết đến bao giờ thành tựu. Mấy mươi năm nếu viết là sự nghiệp, tôi đã đeo đuổi đến cùng những cơ hội, những thành tựu thường tình, với chút tên tuổi phù du, để đạt tới một mục đích hay một vị trí nhỏ nhoi nào đó trên văn đàn. Ngược lại, tôi đứng mãi hay đi hoài cũng một mình bên lề đời, không phe nhóm, không hội hè, không lễ lạc, không kết giao …

    Con đường đôi khi chỉ bắt đầu ở đoạn cuối. Nhưng sau khoảng vắng mấy mươi năm, tôi vẫn là người đi qua và bây giờ đang đi, chút tên tuổi chẳng qua là mảnh vé đi vào cõi tạm. Đời hiện tại cũng như đời sau trước, chỉ là những cây số trên đại lộ kiếp … »

     ( Phỏng vấn của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, nguồn Tuổi Trẻ online).

    Với nhà văn Nguyễn thị Hoàng, cuộc hành trình trên con đường văn học nghệ thuật ý thức mà hướng đi của nó là từ sự khởi động phản ứng quyết liệt của con người đòi hỏi quyền sống và chủ động đời sống qua nghệ thuật văn chương và từ nghệ thuật văn chương, nhà văn có thái độ phản tỉnh với ý thức đối kháng mà hình thái xây dựng đích thực là tự giải phóng tư tưởng và đời sống con người..   

    « Nhưng sau cuộc trải qua, người viết không còn thản nhiên yên vui trong cuộc đoàn viên với người đọc. Cần ý thức và trách nhiệm đối với văn hoá nói chung và văn học nói riêng, hiện tại và mai sau những thời kỳ phát triển và toàn vẹn. »

    « Biết đâu, những giọt chữ rơi rớt từ quá khứ sẽ là những giọt nước lung linh tín hiệu của một cơn mưa muộn cho êm dịu lại mùa màng tâm hồn cho bao nhiêu năm rồi hạn hán hanh hao. »

      ( Bài phỏng vấn của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, nguồn Tạp chí Da Màu, tháng 02/2021).

     Sự sáng tạo trong ngôn ngữ độc lập của bà đã làm nên tính cách văn chương đặc sắc,  khẳng định sự hiện hữu của nghệ thuật văn chương trong mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống. Thời gian và sự trung thực trong lòng độc giả cũng như sự trưởng thành của ý thức xác định được giá trị văn chương và vinh danh tài năng cũng như sự làm việc của bà đã cống hiến cho nền văn học Việt Nam vẻ đẹp phong phú của niềm đam mê tiếng Việt.

 

      Chân thành cảm tạ các nhà văn, các nhà phê bình và các nguồn sách báo đã cung cấp tài liệu  để Đỗ Nguyễn thực hiện được tiểu luận này.

                                  Bussy Saint Georges, Pháp - Mùa đông 2022.

 

 

 

 

Đỗ Nguyễn
Số lần đọc: 847
Ngày đăng: 23.03.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhà văn Nguyễn thị Hoàng - Niềm đam mê ngôn ngữ (Phần 5) - Đỗ Nguyễn
Nhà văn Nguyễn thị Hoàng - Niềm đam mê ngôn ngữ. (Phần 4) - Đỗ Nguyễn
Nhà văn Nguyễn thị Hoàng - Niềm đam mê ngôn ngữ ( Phần 3). - Đỗ Nguyễn
Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng - Niềm đam mê ngôn ngữ (phần 2) - Đỗ Nguyễn
Đọc lại Hoàng Cầm - Nguyễn Đức Tùng
Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng - Niềm đam mê ngôn ngữ. - Đỗ Nguyễn
Tu thiền - Võ Công Liêm
Bàn về đi du lịch ngày Tết - Hoàng Xuân Hoạ
Bỏ tết để…văn minh. - Thiếu Khanh
Chọn tuổi xông nhà – vài lưu ý cần biết - Đặng Xuân Xuyến
Cùng một tác giả
Ngọn gió nào… (truyện ngắn)
Tả ngạn (truyện ngắn)
Cây rừng vô cảm (truyện ngắn)
Chân mây xa vời (truyện ngắn)
Triền dốc lãng quên (truyện ngắn)
Chiều phai Dã Quỳ (truyện ngắn)