Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.183
123.210.871
 
Lời trần tình ( phần cuối )
Đỗ Nguyễn

 

Dịch thuật

 

DE  PROFUNDIS

 

OSCAR  WILDE

 

      

                   Wilde và  Douglas vào năm 1895, London.

 

    

      Trong mọi bi kịch, tớ không thấy gì đặc sắc hơn, không có gì gợi lên được trong sự tế nhị khi quan sát cảnh được dựng lên bởi Shakespreare về Rosencrantz và Guidenstern. Đó là những bạn học của Hamlet, đã là đồng đội của anh. Họ gợi lại kỷ niệm những ngày vui đã cùng sống với nhau. Trong vở kịch, lúc họ gặp lại nhau, Hamlet lảo đảo dưới gánh nặng không thể chịu đựng với người tính tình như anh. Thần chết ra khỏi ngôi mộ, mặc áo choàng, để giao phó cho anh một nhiệm vụ vừa quá lớn vừa quá thấp. Đó là một người mơ mộng mà người ta bắt phải hành động. Bản chất của anh là một thi sĩ và người ta đặt anh vào thế khó khăn rắc rối của nguyên nhân và hiệu quả, với đời sống trong khuynh hướng thực tế mà anh không biết gì về nó, và không trong đời sống có tinh chất lý tưởng của nó, mà anh biết rất rõ. Anh không có ý tưởng gì về điều anh phải làm và sự điên rồ của anh là kềm hãm sự điên rồ. Brutus đã dùng từ sự điên rồ như chiếc áo khoác để giấu thanh kiếm là ý đồ của mình, con dao găm của ý chí mình, nhưng đối với Hamlet, sự điên rồ chỉ là cái mặt nạ để che đậy sự yếu đuối. Cùng lúc chế ra những điều tưởng tượng quái đản và bỡn cợt, anh tìm một cơ hội trì hoãn. Anh không ngừng chơi với những cử động như một nghệ sĩ chơi với lý thuyết. Anh tự trở thành mật thám của những hành động của mình và lắng nghe những lời của mình, anh biết đấy chỉ là « những từ ngữ, từ ngữ, từ ngữ ». Thay vì định làm anh hùng cho chuyện riêng của mình, anh muốn làm khán giả của chính bi kịch của mình. Anh không tin gì cả, ngay cả vào chính mình, nhưng sự hoài nghi không giúp được gì cho anh, bởi nó không đến từ chủ nghĩa hoài nghi, mà từ một tinh thần không dứt khoát.

    Guildenstern et Rosencrantz chẳng hiểu gì về điều đó cả, họ nghiêng mình, cười với sự hào phóng, làm duyên, và người này nói thì người kia lập lại với giọng điệu gớm ghiếc nhất. Đến khi, sau cùng nhờ vào cảnh trong đó và vào sự đùa cợt của những người nộm này, Hamlet làm « thức tỉnh lương tâm » của nhà vua và truất phế được ông khỏi ngai vàng, Guildenstern và Rosencrantz  không thấy trong thái độ của Hamlet sự trừng phạt khốn khổ của cái nhãn hiệu triều đình. Đó là điều họ có thể đạt được trong « sự chiêm ngưỡng cảnh tượng cuộc đời với những cảm xúc giống nhau ». Họ cấu kết với bí mật của Hamlet mà không hiểu gì cả. Và sẽ tuyệt đối vô ích để nói với họ. Họ chính là những cái bình nhỏ chứa đựng một dung lượng nhất định và không gì hơn. Vào phút cuối, Hamlet cho ta cảm giác rơi vào một cái bẫy giăng ra bởi một người khác. Nhưng một cái chết bi đát theo kiểu này, dù cho được tô màu bởi sự hài hước của Hamlet với ít công bằng của vở kịch, không dành cho người như anh. Loại người này không bao giờ chết.

      Hãy chấp nhận còn phải hít thở không khí bi thảm của thế giới tàn nhẫn này.

      Nhưng Guidenstern và Rosencrantz cũng bất tử như Angelo và Tartuffe được xếp ngang hàng với họ. Họ đã mang lại tính hiện đại cho lý tưởng thời cổ xưa của tình bạn. Người  viết lại một bản De Amicitia sẽ phải tìm cho họ một chỗ hổng và khen ngợi họ bằng thể thơ văn xuôi. Đó là những loại người bất tử. Bỏ qua họ sẽ là một « thiếu sót của sự định giá ». Đơn giản là họ chỉ ở trong phạm vi của họ. Sự thăng hoa của tâm hồn không thể truyền đạt. Những tư tưởng thanh cao và những cảm xúc thanh cao ở riêng biệt. Điều mà ngay cả bản thân Ophélie đã không thể hiểu được và không thể được hiểu bởi « Rosencrantz và chàng Guildenstern tử tế » và cũng không thể được hiểu bởi « Guildenster và chàng  Rosencrantz tốt bụng ».

     Đương nhiên, tớ không có ý so sánh gì với cậu đâu. Sự khác biệt giữa cậu và những người đó là quá lớn. Những gì xảy đến cho họ tình cờ thì với cậu là một sự lựa chọn. Một cách quả quyết và chẳng đợi sự mời mọc của tớ, cậu đã lăn xả vào đời tớ, chiếm đóng ở đó một chỗ mà cậu không có quyền cũng chẳng đủ chất lượng, với một tính cách lì lợm kỳ cục và áp đặt tớ phải chịu đựng sự có mặt của cậu một phần lớn trong từng ngày, cậu đã thành công trong mục đích làm chìm đắm cả cuộc đời tớ, nhưng rồi cậu đã không thể làm gì khác hơn là đập vỡ nó thành từng mảnh vụn. Lạ lùng là việc đó như thể thật tự nhiên đối với cậu. Nếu ta cho đứa trẻ con nào đó một cái đồ chơi quá tuyệt vời đối với bộ óc nhỏ xíu của nó hoặc quá đẹp đối với đôi mắt vừa mở tầm nhìn của nó, nó sẽ đập vỡ món đồ chơi một cách cố ý hoặc làm rơi nếu nó vô tình, để bò về phía những đứa trẻ khác. Cậu cũng như thế đấy. Sau khi đã sở hữu đời tớ, cậu chẳng biết làm gì với nó. Cậu đã không thể biết được phải làm gì. Đấy là một điều quá tuyệt vời trong tay cậu. Đáng lẽ cậu phải bỏ rơi nó để trở về với bạn bè khác của cậu thì cậu lại cố ý đập vỡ nó. Đó có thể là, lúc mà tất cả đã được nói xong, sự bí mật sau cùng của những gì đã xảy ra. Vì những bí mật luôn nhỏ hơn là những thể hiện của chúng. Sự di chuyển một nguyên tử có thể làm lung lay vũ trụ. Và để không tha cho chính mình cũng như cậu, tớ sẽ thêm điều này : với tớ cuộc gặp gỡ của tụi mình vốn đã nguy hiểm, nó đã sát hại tớ bởi giây phút đặc biệt xảy đến. Vì cậu đã tự tìm thấy ở giai đoạn này của cuộc đời không gì khác hơn là thời điểm của sự gieo hạt, và tớ là ở giai đoạn của cuộc đời không gì khác hơn là thời điểm của sự gặt hái.

    Còn một vài điều mà tớ phải cho cậu biết. Điều đầu tiên liên hệ đến sự khánh kiệt của tớ. Tớ có tin cách đây vài ngày, với nỗi thất vọng lớn, tớ thú nhận, rằng quá muộn để gia đình tớ có thể hoàn tiền cho bố cậu, sẽ trái luật và tớ sẽ phải ở trong tình trạng khốn đốn như hiện tại một thời gian dài sắp tới. Thật cay đắng vì người ta quả quyết với tớ rằng, trên nguyên tắc, tớ sẽ không được quyền ngay cả in một quyển sách mà không có sự cho phép của công đoàn phá sản, nơi mà mọi tài khoản phải bị kiểm soát. Tớ không thể ký một hợp đồng với một giám đốc nhà hát nào hay sản xuất một vở kịch nào mà tiền thu được không về tay bố cậu hoặc những chủ nợ khác. Tớ tin rằng giờ phút này cậu đã tự nhìn nhận được rằng cái plan để « chơi lại một đòn » với ông Bô cậu đã cho ông cơ hội làm tớ bị phá sản và cậu không thành công sáng chói như đã mường tượng.

    Ít ra, trong mọi trường hợp, đấy không phải là hệ quả đầy đủ cho tớ, đáng lẽ nên chú trọng đến nỗi buồn và sự hổ thẹn mà cái nghèo khổ đã gây ra cho tớ hơn là sự thích thú của cậu, quá tổn hại và bất ngờ. Thêm nữa, khi gây ra sự khánh kiệt của tớ, như xúi giục tớ thử đệ đơn kiện lần đầu tiên, thật ra cậu đã tham dự trò chơi của bố cậu và đã hành động như ông ấy mong muốn. Một mình và không chỗ dựa, ông ấy tỏ ra bất lực ngay từ lúc đầu. Rồi từ cậu - dù rằng cậu đã không có ý định đóng vai trò ghê gớm này - mà ông đã tìm thấy người hợp tác chính.

    More Adey, trong thư viết vào mùa hè năm ngoái, cho tớ biết rằng cậu đã thật sự bày tỏ muốn trả lại cho tớ « một chút gì mà tớ đã tiêu xài cho cậu ». Như thế này tớ đã viết trả lời bạn ấy, rằng đau khổ thay tớ đã tiêu đi cho cậu nghệ thuật của tớ, cuộc đời, tên tuổi, chỗ đứng của tớ trong lịch sử ; và nếu gia đình cậu có nhặt nhạnh được theo ý họ những gì tuyệt vời nhất của nhân loại, hoặc những gì nhân loại có được rất tuyệt vời : thiên tài, vẻ đẹp, gia sản, một địa vị cao sang và những gì khác nữa, và họ đặt tất cả những thứ đó dưới chân tớ, điều đó cũng sẽ không trả lại được một phần mười những gì tớ đã bị tước đoạt cũng như sẽ không là một giọt nước mắt của những giòng nước mắt tớ đã khóc.

    Dù sao chăng nữa, chắc chắn ta phải trả giá cho những gì ta đã làm, đấy là điều mà kẻ phá sản  rồi cũng còn phải trả giá.

    Dường như cậu còn tin rằng sự phá sản là một cách tiện lợi để trốn nợ? « Là việc chơi lại bọn chủ nợ », hoàn toàn trái lại, đó chính là cách để chủ nợ « chơi lại » kẻ mắc nợ, để tiếp tục áp dụng đường lối tốt nhất, bởi luật pháp, để tịch thu mọi tài sản, bắt buộc hắn ta phải trả từ món nợ nhỏ nhất, nếu hắn đã kiệt quệ thì sẽ bị bỏ rơi trần trụi như một thằng ăn mày trước cửa nhà thờ hay lê lết trên đường đi, chìa tay xin bố thí, ít ra ở nước Anh này, hắn sợ phải hỏi xin như thế. Luật pháp đã lấy của tớ không những mọi thứ tớ sở hữu, những quyển sách, những đồ dùng, những bức tranh, bản quyền tác giả của những tác phẩm đã in ra cũng như những vở kịch, tất cả, từ Hoàng Tử Hạnh Phúc và từ Chiếc Quạt của Lady Windermere cho đến tấm thảm và tấm lau chân của nhà tớ, mà còn lấy luôn tất cả những gì đáng lẽ tớ có được. Chẳng hạn như những quyền lợi định sẵn trong hợp đồng hôn nhân đã bị bán, may mắn nhờ bạn bè giúp, tớ có thể mua lại được. Nếu không, trường hợp vợ tớ qua đời thì hai đứa con chắc cũng sẽ phải sống trong sự nghèo khó như tớ. Sắp đến lượt lợi nhuận đất đai ở Ái Nhĩ Lan mà bố tớ để lại, tớ nghĩ thế, ý tưởng này thật tàn nhẫn nhưng tớ đành phải cam chịu.

 

    Và bảy trăm xu thuộc về ông Bô cậu - hay đó là bảy trăm bảng Anh? - lại là một chướng ngại khác mà tớ vẫn phải trả. Ngay đã lục lọi tất cả những gì tớ từng sở hữu, và ngay cả nếu tớ khai báo không có khả năng trả nợ, tớ vẫn còn bị bắt phải trả nợ. Những bữa ăn tối ở Savoy : súp thịt ba ba, thịt chim rừng mềm mại cuốn trong lá nho đảo Sicile, rượu Champagne nồng nàn màu hổ phách, và cái gì thơm thơm gần giống như nước hoa nhỉ - Dagonet 1880 là thứ rượu vang mà cậu thích nhất, tớ còn nhớ -, tất cả những thứ này tớ chưa trả xong. Những bữa ăn khuya ở Willis, rượu vang thượng hạng đặc biệt của Perrier Jouet mà bọn mình vẫn đặt, những patê đến thẳng từ Strasbourg, Champagne siêu hạng luôn được rót dưới đáy cốc tròn lớn để hương vị có thể được thưởng thức bởi những tay sành ăn uống nhất, những tay sành điệu mà đời sống tặng cho những gì thật sự tuyệt diệu, tất cả những điều này không thể không trả tiền, như những món nợ xấu xa của một khách hàng bất tín. Ngay cả những nút manchette tuyệt đẹp - bốn hạt ngọc hình quả tim cẩn xà cừ xinh xắn, bọc quanh bởi hồng ngọc và kim cương xen kẽ - mà tớ đã tự vẽ mẫu và đặt làm ở Henry Lewis, món quà nhỏ đặc biệt riêng cho cậu để mừng thành công vở hài kịch thứ hai của tớ, cũng còn đang phải trả nợ, dù cậu đã bán chúng đi với một giá bèo, tớ chắc thế, mấy tháng sau đó. Cho dù cậu đã làm gì với nó, tớ cũng không thể để người chủ tiệm kim hoàn bị lỗ lã bởi một món quà mà tớ đã tặng cậu. Cậu thấy rõ là dù đã khai báo không còn khả năng trả nợ, tớ vẫn sẽ phải trả nợ.

 

    Điều thật đối với một kẻ bị phá sản là thật đối với tất cả. Từ điều nhỏ nhất mà ta đã làm, phải có người phải trả. Chính cậu, mặc nỗi mong muốn được tự do tuyệt đối với mọi trách nhiệm, sự lì lợm để có được mọi thứ từ người khác, những dự định cậu muốn vứt bỏ bằng mọi cách cho sự thân tình, niềm tôn trọng hay sự biết ơn của cậu, cậu sẽ suy nghĩ một cách nghiêm chỉnh một ngày nào đó về những gì cậu đã làm hoặc định làm, ngay cả vô ích, một cố gắng để chuộc tội. Việc cậu sẽ không đủ khả năng đạt đến điều này là một trừng phạt. Cậu không thể phủi tay với mọi trách nhiệm và nhún vai hoặc mỉm cười, để đến với một người bạn khác và một buổi tiệc khác đã sẵn sàng đợi cậu. Cậu sẽ không thể xem tất cả những gì cậu đã gây ra cho tớ như một hồi ức về tình cảm chỉ để dùng thỉnh thoảng vào dịp cần thiết, với thuốc lá và rượu, một cơ sở huy hoàng cho một đời sống hiện đại vui thú, như một tấm thảm cổ treo tường căng ra trong một căn nhà tồi tàn. Cuộc đời đó có thể trong lúc nào đó, có vẻ đẹp của một loại sốt mới hay một loại rượu vang lâu năm không có tên tuổi, nhưng những địa hình của buổi yến tiệc làm hôi hám nó và cặn đóng dưới đáy chai sẽ bị chua đấy. Ngày hôm nay, ngày mai hay một ngày nào khác, cậu sẽ phải thấy được sự việc. Nếu không, cậu sẽ chết mà không hiểu được nó và hỡi ơi cuộc đời ti tiện, bần cùng, không trí tưởng tượng ra sao cậu đã sống! Trong thư viết cho More, tớ nhấn mạnh ở điểm mà tốt hơn hết cậu nên đề cập vấn đề ngay lúc có thể. Anh ấy sẽ nói với cậu. Nhưng để hiểu điều này, cậu sẽ phải trau giồi trí tưởng tượng. Hãy nhớ rằng trí tưởng tượng là chất lượng cho phép chúng ta thấy được sự kiện và con người dưới mối quan hệ thực và lý tưởng. Nếu cậu không thể tự hiểu, hãy nói chuyện với người khác. Tớ đã tự  nhìn quá khứ của mình mặt đối mặt. Hãy tự nhìn quá khứ của cậu mặt đối mặt. Hãy ngồi xuống bình tĩnh để xem xét nó. Thói xấu cực điểm là sự nông cạn. Tất cả những gì ta thu thập được đều tốt. Hãy nói với anh cậu. Percy là người thật sự cậu có thể nói. Đưa anh ấy xem thư này và nói cho anh ấy biết về tất cả những điều của tình bạn chúng ta. Khi ta nói với anh ấy rõ ràng mọi chuyện, không có sự phán xét nào tốt hơn của anh ấy. Nếu chúng ta nói với anh ấy sự thật trước đây, tớ đã tránh được mọi đau khổ và hổ thẹn. Cậu sẽ nhớ  lại rằng tớ đã đề nghị làm điều này buổi chiều cậu từ Alger trở về London. Cậu đã cương quyết từ chối. Và lúc anh ấy đến sau bữa cơm tối, bọn mình đã phải đóng kịch và khẳng định rằng ông Bô cậu dở hơi và đấy là chuyện vô lý, ảo tưởng không thể diễn tả được, chừng nào chuyện này còn kéo dài thì đó còn là một hài kịch tuyệt vời, đến nỗi Percy đã tưởng thật. Đau khổ thay, nó đã chấm dứt bằng cách khủng khiếp nhất. Vấn đề tớ nói ở đây với cậu là một trong những hậu quả, nếu cậu phật ý thì đừng quên rằng đấy là nỗi hổ thẹn sâu đậm nhất và tớ sẽ phải chịu đựng nó đến cùng. Tớ không có sự lựa chọn nào khác. Và cậu cũng thế.

 

    Vấn đề thứ hai mà tớ muốn nói với cậu liên hệ đến những điều kiện, những trường hợp và nơi chốn ta sẽ gặp nhau lúc tớ được trả tự do. Theo những đoạn trích trong thư cậu viết cho Robbie, vào đầu mùa hạ năm ngoái, tớ hiểu rằng cậu đã gói lại những thư từ và quà cáp mà tớ đã gửi cậu - ít ra, những gì còn lại - và cậu mong muốn sẽ tự tay cậu trao lại cho tớ. Đương nhiên ruồng bỏ những thứ này là điều cần thiết cho cậu. Cậu đã chẳng hiểu tại sao tớ đã viết những lá thư đẹp đẽ cũng như cậu đã chẳng hiểu tại sao tớ đã tặng cậu những món quà xinh xắn đó. Cậu đã không thấy rằng những thư đó được gửi đi không phải để đem in lại và cũng như những quà đó là để đem cầm cố. Hơn nữa, chúng thuộc về một dạng đời sống đã qua lâu rồi, và một tình bạn mà cậu đã không có khả năng đánh giá đúng giá trị của nó. Giờ đây cậu hãy  nhìn lại, cậu sẽ cảm thấy được nỗi kinh ngạc về thời gian cậu đã giữ cuộc đời tớ trong hai tay. Tớ nhìn lại, tớ cũng thế, với nỗi kinh ngạc và với những cảm xúc khác rất xa lạ.

     Nếu mọi sự tốt đẹp, tớ sẽ được trả tự do vào cuối tháng năm và tớ hy vọng đi ngoại quốc ngay sau đó, đến một làng nhỏ nào đó cạnh bờ biển, với Robbie và More Adey. Như Euripide nói trong một vở kịch về Iphigénie : biển rửa sạch những vết thương và những nhơ nhuốc của nhân loại.

     Hy vọng có được ít nhất một tháng với những người bạn và tìm thấy được nơi họ sự yên ổn và quân bình, một tâm hồn bớt giao động, một khí sắc thanh thản hơn. Tớ cảm thấy có một niềm khao khát lạ lùng với những điều cơ bản và đơn sơ, như biển, một điều mà với tớ không kém gì đất, là một bà mẹ. Dường như mỗi người chúng ta ngắm nhìn quá nhiều thiên nhiên và sống quá ít với nó. Tớ nhận thức được trong quan niệm người Hy Lạp một lý do lớn và lành mạnh. Họ không hề để ý đến những lúc mặt trời lặn và không tha thiết tìm hiểu bóng cây trên cỏ màu tím hay không. Nhưng họ chỉ thấy biển là để cho người bơi lội và cát để cho người chạy đua. Họ yêu cây cối vì bóng mát và cánh rừng bởi sự im lặng của nó ban trưa. Người trồng nho quấn trên tóc họ dây thường xuân để che nắng lúc nghiêng người trên những cành leo. Còn người nghệ sĩ và người thi thể thao, hai loại người mà dân Hy Lạp đã cho chúng ta, họ bím lại thành vòng hoa những lá cây trúc đào và cây ngò dại, những thứ mà đối với con người đáng lẽ không dùng vào việc gì được.

 

     Chúng ta cho là thời đại này thực dụng và không một điều gì ta không biết đến sự tiện dụng của nó. Ta đã quên rằng nước có thể rửa sạch, lửa cho ánh sáng và đất là mẹ của tất cả mọi sinh vật. Ngoài ra, nghệ thuật của chúng ta là ánh biếc của vầng trăng và chơi với những chiếc bóng, trong khi nghệ thuật Hy Lạp có ánh sáng của mặt trời và giải quyết một cách trực tiếp mọi sự kiện. Tớ tin chắc rằng có sự trong sạch trong những sức mạnh sơ khởi. Tớ muốn quay về với chúng và sống với sự hiện diện của chúng.

    Chắc chắn, với một con người hiện đại như tớ, một đứa con của thế kỷ của mình, ngắm nhìn vũ trụ sẽ luôn là điều thú vị. Tớ run lên vì sung sướng khi nghĩ đến những cánh hoa bươm bướm và lilas hé nở và tớ sẽ thấy gió làm uốn cong những chùng hoa vàng óng thành một vẻ đẹp rộn ràng và làm rung động những chùm hoa màu tím nhạt theo cách mà không khí sẽ mang ngập hương thơm của Arabia. Linnaeus đã quỳ xuống và khóc vì sung sướng lúc anh nhìn thấy lần đầu tiên nhìn thấy vùng đất hoang mênh mông của một cao nguyên ở Anh quốc vàng óng những hoa Kim Tước thơm ngạt ngào. Và tớ biết đối với mình, hoa là một phần của khát vọng, nó là những giọt nước mắt chờ đợi tớ trong những cánh hoa hồng. Điều đó đã luôn như thế với tớ từ lúc trẻ thơ. Không bao giờ tâm tư tớ không rung động bởi tình cảm tế nhị của tâm hồn những sinh vật, sắc màu của một đài hoa hay đường vòng của một vỏ sò. Như Gautier, tớ đã luôn thuộc loại người mà với họ, thế giới hữu hình hiện hữu.

 

     Còn nữa, giờ đây tớ nhận thức được rằng sau tất cả vẻ đẹp đó, thật hoàn hảo như nó có thể thế, có một tinh thần ẩn náu mà tất cả những hình thức được vẽ chỉ là những cách biểu lộ, và với tinh thần này tớ mong mỏi được hòa điệu cùng nó. Tớ đã chán những đề tài về con người và sự vật. Sự Huyền Bí của Nghệ Thuật, sự Huyền Bí của Đời Sống, sự Huyền Bí của Thiên Nhiên là điều tớ tìm kiếm. Và trong những hòa khúc tuyệt diệu của Âm Nhạc, trên lối đi vào nỗi Đớn Đau, trong những vực thẳm sâu của Biển, tớ có thể tìm thấy nó. Điều cần thiết một cách  tuyệt  đối cho tớ là tìm được nó ở một nơi nào đó.

 

    Mỗi lần chúng ta bị xét xử là cả một vụ án cho toàn bộ cuộc đời chúng ta, cũng như mọi sự phán quyết đều là phán quyết của thần chết. Tớ đã bị xử ba lần tất cả. Lần đầu tiên, tớ rời hàng  ghế những người phạm tội để bị bắt tạm giam, lần thứ hai để bị mang đến nhà tù chờ đợi, lần thứ ba để bị tống giam hai năm. Theo những gì đã được thiết lập, tớ không có chỗ ở trong xã hội, nhưng Thiên Nhiên, mà những giọt mưa ngọt ngào rơi trên những gì gọi là công lý hay bất công sẽ tặng cho tớ, trong những tảng đá của nó là những cái hốc ngoằn ngoèo mà tớ sẽ có thể trốn vào đó và những thung lũng bí mật trong im lặng ở đó tớ có thể yên ổn mà khóc. Thiên Nhiên sẽ trải ra trên màn đêm trời đầy sao sáng để tớ có thể bước đi không vấp ngã trong bóng tối và sẽ gửi gió về thổi bay đi hết những dấu vết của tớ để không một ai có thể săn đuổi cũng như làm tớ tổn thương. Thiên nhiên sẽ rửa sạch tớ và với cỏ đắng, tớ sẽ được  khỏe mạnh lại.

 

     Trong một tháng nữa, lúc những đóa hồng tháng sáu nở rộ, tớ sẽ thu xếp, nếu tớ có khả năng, với sự chu đáo của Robbie, để gặp cậu một lần ở một thành phố yên tĩnh nào đó ở ngoại quốc, chẳng hạn ở Bruges, nơi có những căn nhà màu xám, những khúc sông xanh, những con đường nhỏ mát rượi và yên tĩnh đã từng làm tớ rung động ngày xưa. Cậu sẽ phải đổi tên cho dịp gặp gỡ này - bỏ đi cái titre mà cậu rất kiêu hãnh vì nó - nó gợi nhớ thật sự đến một loài hoa -, ngay cả tớ sẽ cũng bỏ tên mình đi, cái tên lừng lẫy có cả điệu nhạc mà ngày xưa vẫn thường  ở  trên môi mọi người.

 

     Thế kỷ ta sống mới hẹp hòi, keo bẩn ra sao! Thế kỷ không có khả năng mang những gánh nặng của nó! Nó có thể cho sự thành đạt những cung điện nguy nga, nhưng không cho được nỗi  đau đớn và niềm hổ thẹn một túp lều tre nhỏ để nương thân. Tất cả những gì thế kỷ này có thể làm cho tớ là bắt buộc phải đổi tên, trong khi nếu ở vào thời Trung Cổ, tớ sẽ có thể được một cái áo choàng trùm cả đầu của một thầy tu hoặc của một thằng cùi hủi mà tớ sẽ có thể  được yên thân  khi khoác nó vào người.

      Hy vọng rằng cuộc gặp gỡ của bọn mình sẽ là điều phải có, sau tất cả những gì đã xảy ra. Ngày trước, giữa bọn mình đã luôn là một vực thẳm lớn, vực thẳm của nghệ thuật được hoàn thiện và văn hoá được thiết lập : đó mãi còn là một vực thẳm lớn hơn giữa bọn mình giờ đây, vực thẳm của đớn đau. Nhưng với sự Nhục Nhã, không gì còn có thể nữa và với Tình Yêu tất  cả  đều đã dễ dàng.

 

      Còn về lá thư mà cậu sẽ viết cho tớ để trả lời thư này, nó có thể dài, hoặc có thể ngắn tùy ý cậu thôi. Để nó và trong một phong bì mở ngỏ rồi lại trong một phong bì khác theo địa chỉ của « ông Giám đốc nhà tù Reading ». Nếu giấy cậu viết quá mỏng, đừng viết hai mặt, vì sẽ rất khó đọc đấy. Tớ đã viết cho cậu tự do thoải mái. Cậu sẽ viết cho tớ y như thế. Điều tớ muốn biết về cậu là tại sao cậu đã không hề có ý viết cho tớ từ hồi tháng tám năm kia đến giờ? Hơn nữa, sau đó vào tháng năm năm ngoái - cho đến nay đã cả mười một tháng - cậu đã biết, và đã công nhận với cả trăm người, rằng cậu đã làm tớ khổ ra sao và bao nhiêu tớ đã cảm nhận.

     Tháng này qua tháng khác, tớ đã đợi tin cậu. Ngay cả nếu tớ chẳng đợi chờ gì và đóng sập cửa vào mặt cậu, đáng lẽ cậu phải nhớ rằng không bao giờ có ai đóng cửa trước tình yêu. Vị chánh án bất công của Thánh Kinh cuối cùng đã có sự phán quyết công minh chỉ vì công lý đến gõ cửa từng ngày.

 

Không có nhà tù trên thế giới này mà tình yêu không thể xông vào được. Nếu cậu đã không thể hiểu điều đó, cậu đã chẳng hiểu gì về tình yêu cả. Và hãy nói với tớ về bài báo cậu viết về tớ đăng trên báo Mercure de France. Tớ có biết một chút về nó. Cậu cứ trích vài đoạn cho tớ là được. Nó được soạn mà. Cậu cũng cho tớ biết luôn về những từ ngữ chính xác của sự đề tặng những bài thơ của cậu cho tớ nhé! Nếu nó là thơ văn xuôi, cậu viết lại thơ văn xuôi. Nếu nó là thơ bằng câu, cậu viết nó lại từng câu. Tớ tin rằng nó chứa đựng nhiều vẻ đẹp. Hãy viết cho tớ thẳng thắn về cậu, về đời sống của cậu, về bạn bè, những bận rộn của cậu, những quyển sách cậu đọc. Nói với tớ về tập thơ đó và nó đã được đón nhận thế nào. Dù cậu muốn nói gì về cậu chăng nữa cũng hãy cứ nói đừng sợ gì cả. Đừng viết những gì cậu không nghĩ, thế thôi. Nếu thư cậu có chứa đựng vẻ gì giả tạo hay vờ vịt, tớ sẽ nhận ra ngay do tiếng vang của nó. Không phải vì không đâu mà tớ đã dâng hiến cả đời mình cho văn chương, tớ đã tự làm mình trở thành « kẻ hà tiện tiếng vang và âm tiết, không  kém gì  Midas với vàng của anh ta ».

     Hãy nhớ rằng tớ vẫn còn muốn biết về cậu. Có thể bọn  mình sẽ còn biết  thêm về nhau.

    Với cậu, tớ chỉ còn điều cuối cùng này để nói : đừng sợ gì quá khứ ! Nếu người ta nói với cậu rằng nó không thể thay đổi được, đừng tin gì cả. Quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là thoáng chốc trong cái nhìn của Thượng Đế, dưới mắt ngài chúng ta sẽ phải thử sống. Thời gian và không gian, sự chuyển tiếp và khuyếch trương chỉ là những điều kiện bất trắc của Tư Tưởng. Sự tưởng tượng có thể vượt lên chúng và tự khuấy động trong một phạm vi tự do có đầy những sự hiện hữu lý tưởng. Mọi điều cũng thế, trong tinh chất của chúng mà ta lựa chọn để thực hiện. Ta nhận định một điều hiện hữu tùy theo hình thức của nó. « Nơi mà những người khác thấy bình minh vượt lên ngọn đồi, tôi thấy những đứa con của Thượng Đế reo những tiếng vui mừng. » Blake đã nói thế. Điều mà với nhân loại và với tớ, dường như sẽ phải là tương lai của tớ, tớ đã mất nó một cách không thể cứu vãn được từ lúc tớ để bị xúi giục hành động chống lại ông Bô cậu. Trên thực tế, tớ dám nói, tớ đã mất nó từ lâu. Hiện giờ tớ có trước mắt là quá khứ của mình. Tớ sẽ phải thấy được nó bằng con mắt khác, làm cho nhân loại thấy nó bằng con mắt khác, làm cho Thượng Đế thấy nó bằng cái nhìn khác. Tớ sẽ không thể phớt lờ nó nổi đâu, cũng không thể khinh bỉ nó, cũng không thể ca ngợi hoặc chối bỏ nó. Tớ chỉ có thể thành công hoàn toàn khi chấp nhận nó như một giai đoạn không thể tránh khỏi của sự tiến triển trong đời sống và tâm tính mình. Cùng lúc cúi đầu trước những gì phải chịu đựng, tớ ở xa biết bao cái phẩm chất thật sự của tâm hồn. Lá thư này, bởi vẻ đổi khác và mơ hồ của nó, sự khinh bỉ và cay đắng của nó, những mong mỏi và sự bất lực không thể thực hiện được của nó, cho cậu thấy tất cả một cách minh bạch. Nhưng đừng quên cái trường học khủng khiếp mà tớ đang ngồi trước lầm lỗi của mình. Và thiếu sót quá như tớ, không hoàn thiện như tớ, mà cậu lại có thể còn nhặt nhạnh được nhiều thứ lắm nhờ vào tớ đấy. Cậu đã đến với tớ để học hỏi những Hoan Lạc của Cuộc Đời và Thú Vị của Nghệ Thuật. Có thể tớ đã được lựa chọn bởi định mệnh để chỉ dẫn cho cậu một điều còn hơn cả tuyệt vời : ý nghĩa của nỗi Đớn Đau và vẻ đẹp của nó.  

             

      Người bạn chân thành của cậu,

 

      Oscar Wilde.

 

 

Đỗ Nguyễn
Số lần đọc: 573
Ngày đăng: 05.04.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
1925 - George Bernard Shaw (Anh, 1856 –1950 - Lê Ký Thương
Lời trần tình (phần 15) - Đỗ Nguyễn
Lời trần tình (phần 14) - Đỗ Nguyễn
Lời trần tình ( phần 13) - Đỗ Nguyễn
Lời trần tình (phần 12) - Đỗ Nguyễn
NĂM 1924 Wladyslav Reymont (Balan, 1867 – 1925) - Lê Ký Thương
Lời trần tình ( phần 11) - Đỗ Nguyễn
Lời trần tình (phần 10) - Đỗ Nguyễn
Lời trần tình (phần 9) - Đỗ Nguyễn
William Butler Yeats - Lê Ký Thương
Cùng một tác giả
Ngọn gió nào… (truyện ngắn)
Tả ngạn (truyện ngắn)
Cây rừng vô cảm (truyện ngắn)
Chân mây xa vời (truyện ngắn)
Triền dốc lãng quên (truyện ngắn)
Chiều phai Dã Quỳ (truyện ngắn)