Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.119
123.228.889
 
Bản nhiên phó tướng
Đỗ Nhựt Thư

 

           Những năm 80 của thế kỷ trước, trại Hà Nam Ninh là nơi nhà nước giam giữ, cải tạo những tướng tá Sài Gòn đủ loại đã một thời ngang dọc. Cuộc chiến giành lãnh thổ của 2 khối đã khiến bọn Mỹ đổ bao tiền của, sinh mạng, sa lầy ở đây và đã nhẫn tâm dứt áo ra đi trong ê chề. Bị bỏ rơi họ nhanh chóng sụp đổ và mắc vòng lao lý.

 

            Những ngày chủ nhật được nghỉ ngơi, bọn họ xúm lại uống trà tâm sự và đàn ca hát xướng tìm vui, anh chị em coi trại rất ngạc nhiên khi các trại viên toàn tướng tá trận mạc cũng đàn, hát, thơ phú ra trò. Lê Minh đệm ghi-ta, Nguyễn Xuân  gõ bàn cầm nhịp, Phan Đình, Lý Tòng  ông ổng hát hò.

     Họ mặc nhiên coi Đình như đàn anh, chả gì lão cũng lớn tuổi hơn, xem thường danh lợi hơn - tướng tá gì mà nghèo kiết xác, chỉ ham chơi, rượu chè, hát xướng và gái; lão ngang tàng khí khái hơn và đời lão nhiều va đập hơn. Lúc ôn lại những chuyện xưa cũ họ thường bắt lão kể về những lần đánh nhau với bọn Mỹ của mình, ai nấy cười bò mà lòng đầy hãnh diện.

Lời lão: - Mẹ, mấy thằng Mỹ làm trời, khinh chúng ta như rác, đúng là phận ăn theo. Năm 58 đã là đại tá, tao theo học khóa Tham mưu tại Fort Leawoth tại nước nó, một quan huấn luyện thấy tên tao viết sát vào nhau, nó tưởng tao xu nịnh, kẻ cả: “Ai chẳng biết mày là dân An Nam, sao lại  lấy tên theo lối Mỹ.”  Lập tức máu yên hùng nỗi lên, tao đấm một thoi như trời giáng vào mặt, nó lảo đảo, trước khi bị dẫn đi tao còn kịp nói: “Nhãi con, đó là tên tao. Trung úy năm 44 tại chiến trường Bắc Phi, lúc mày còn ở trong đầu gối thằng bố mày.”

   Tòng hì hì: -  Ngon cho lắm rồi phải lủi khỏi nước nó trong vòng 24 giờ như con chó.

    Lão trợn mắt: - Mày …

    Minh bỏ đàn: - ‘Ai can you.’ Thôi mấy cha nội. Để Đình huynh kể tiếp chuyện ở trường Thủ Đức nghe lại cho sướng cái lỗ tai.

    Lão rỉ rã: - Ờ, có gì đâu. Năm 1962 tao là Chỉ huy trưởng trường ấy. Mẹ cái bọn Mỹ, thằng Đại tá cố vấn coi mình như con nít. Đầu tuần chào cờ, huấn thị, tao và hắn đi qua hàng quân danh dự, nó dừng lại thò ngón tay chọc vào đầu súng chào của một sinh viên sĩ quan để kiểm tra, ngón tay dính đầy dầu, nó giận dữ quẹt vào mặt người lính trẻ vì lỗi cẩu thả; lửa giận bốc lên, tao tát hắn một cái nảy lửa, cảnh cáo: “Tao tát mày để mày phải nhớ đời. Đừng nên coi thường người lính đất nước tao, một đất nước đã đánh bại bọn Mông Nguyên và Đại Pháp. Nếu họ có lỗi hãy xử họ theo quân kỷ. Nghe chưa?” 

   Lại Tòng: -  May mà Tông-tông (Tổng thống) vốn có lòng tự tôn dân tộc nên ông mới thoát tội, chứ không thì giờ xanh cỏ chứ ngồi đó mà nói ta đây. Thôi! Dô, trăm phần trăm.

    Họ nâng ly trà Bắc nhấp một ngụm, vị ngọt thanh thấm trong cổ họng mát lừ.

            Nghe kể sau này  ra trại, lão được Mỹ đồng ý nhận định cư theo diện HO nhưng lão lại từ chối. Năm 1989 bạn chiến đấu năm xưa của lão ở Tunisie, tướng Guy Simon đã xin cho lão qua Pháp. Lối sống khác lạ, không thân gần, thiếu ton ti thượng hạ khiến lão không chịu nỗi, năm 1995 lão giã từ gia đình, một mình về lại quê nhà - để được chết trong lòng đất mẹ.

 

                                                         ***

1 năm sau ngày mất nhóm chiến hữu lão tại Ca-li tổ chức một buổi gặp mặt để tưởng niệm và cà kê đủ thứ trên đời về lão và về thế thái nhân sinh.

    Tá Đạt nhỏ nhẻ: -  Thời ổng làm phó vùng hai, Ngô tướng công biết trên đưa lão về để làm vì, chứ trình độ thực vừa thấp vừa lạc hậu lại không chịu rèn dũa nên lơ ngơ trước sự biến hóa chiến lược của đối phương. Từ 72 họ đã có chiến pháp chính quy, linh hoạt, dựa vào kỹ năng đánh lừa, nghi binh, vu hồi, tập trung dứt điểm từng vị trí chiến lược, cũng pháo phủ đầu sấm sét, bộ binh tùng thiết, cao xạ phòng không. Vì thế chỉ một ngày là họ lấy Tân Cảnh, Ngô tư lệnh thất sắc, lo đau đáu cho Kon Tum vì hở sườn, nỗi cơn đau tim lại thấy ổng say mềm, ngài ngã quỵ.

    Quế công buồn bực: - Trên điều tôi lên thay, ngày đêm cùng cố vấn bố trí lại binh lực, họp Ban tham mưu lão đã sừng sừng lại dè bỉu mình, nể bậc trưởng thượng mình phải nhịn. Nè, năm 56 mình mới trung úy mà lão đã là đại tá, lúc đó lão 46, mình mới 30.  Vì ta đây kiểu Lương Sơn Bạc, lại tưởng mình giỏi, xem thường cấp trên nên lão bị đì suốt chẳng được thăng cấp, dùng rượu giải buồn mà nghiện sinh hư.

    Nguyễn râu nóng nảy lớn tiếng: -  Mẹ, cái dân mình. Cứ nghĩ ai trước đây là cấp dưới của mình là cứ coi thường, nay họ ở trên mình lại dè bỉu, phá bĩnh. Chẳng biết phù trọng nhân tài, đất nước khó mà khá nỗi. Nhớ đận  tướng Khá chỉnh lý, lão chê quyết định lên tướng do ổng ký không xứng, thế là sổ toẹt. 

    Đạt vốn dân được học hành bài bản, có thành tích trong tham mưu tốt nên được các lão tôn trọng cho chung bàn, sẽ sàng: -  Thưa quý quan huynh, hình như mỗi người trời định cho một phận, ai đi sai thiên khiếu sẽ thất bại. Đình huynh cả đời phóng túng, lậm vào ma men, mê gái, làm tướng sao được.

    Mọi người im lặng, xấu hổ không dám ngó mặt nhau khi Đạt nhắc tới cái tật mê rượu hám gái của đồng đội. Con ma men thật ghê gớm cho những kẻ phóng đãng, nó làm mờ lý trí dẫn dụ con người vào nhiều việc vô tâm bại lý. ‘Tửu sắc tương liên’, thú tính nổi lên lại ngựa quen đường cũ đã dẫn đến tội ác, hủy hoại danh phận con người.

    Lão Chánh vốn có ân oán với Nguyễn râu, nãy giờ im lặng bỗng cất tiếng:- Thôi vô một ly đi quý ông, mừng cho lúc này còn sống mà ngồi đây uống rượu. Nào! Trăm phần trăm đi. Rồi ư ử đọc: - ‘Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu. Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.’

    Nguyễn râu bực bội: - Sống! Mà sống vinh hay sống nhục đây. Ha … ha… Lão rớt nước mắt: - Thà như Hưng, Phú mà hay.

     Lại thêm một lần thẹn lòng đắng miệng, họ xấu hổ cho cái hàm tướng đã trót mang. Tướng gì mà tướng, gặp lúc chiến tranh phải cầm súng, phải giết nhau để sống, để chiến thắng, may thì lên chức, rủi thì xanh cỏ. ‘Ai công hầu? Ai khanh tướng? Trong trần ai ai dễ biết ai’. Tất cả như chỉ là một thời thôi. Nghênh ngang mà chi, giờ đây nếu không chính danh, không nhân bản sẽ phải sống ru rú như gián ngày vì ánh mắt coi khinh của thiên hạ.

    Đạt lại thẻ thọt: - Sài gòn giờ giàu đẹp lắm quý huynh. Không nhỏ bé, nhếch nhác, xô bồ như những năm ta sống. Buồn bã: - Cố hương! Đất mẹ! Sao mà nghìn trùng xa cách. Cuối đời rồi, chuyện ân oán chắc cũng phôi pha, em mong được về sống những ngày tàn trong lòng đất mẹ, giữa những bà con ta tuy nghèo thật, nhếch nhác thật  nhưng thấm đẫm nghĩa tình.

    Nguyễn râu bưng ly rượu lên không mời ai nốc cạn cái ực, khà một tiếng rồi loạng choạng đứng lên lơ lãng bước như kẻ mộng du.   

 

             Trời Ca- li chiều nay buồn như chấu cắn, họ lại nhớ lại phố núi Pleiku ngày xưa cũ, hồ Tơ-nưng đẹp như viên ngọc lớn trời ban cho cao nguyên ba-dan khô khát, thác Ya-ly hùng vỹ, núi Phượng Hoàng đẹp man mác trong những chiều ráng hồng nhòa nhạt.

    Nhìn những mái đầu bạc trắng, họ ngậm ngùi rưng cảm trước những phận đời giông bão, làm kẻ tha hương nơi xứ người xa lạ. Trong thâm tâm ai cũng mong ước được sống một đời an vui và chết trong lòng Tổ quốc thiêng liêng.                                                                                                                                                

 

 

 

Đỗ Nhựt Thư
Số lần đọc: 840
Ngày đăng: 08.04.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cô độc trong nhà và cuộc trò chuyện với mẹ - Nguyễn Anh Tuấn
Nội trú - Võ Công Liêm
Sương khói quê nhà - Võ Anh Cương
Khu vườn trồng hoa - Nguyễn Chí Kham
Về trong lá úa - Nguyễn Chí Kham
Đón xuân trên đường - Phan Tấn Uẩn
Hà Nội Penthouse - Hải Âu
Đôi bạn - Nguyễn Đại Duẫn
Giờ trước Giáng Sinh - Mỹ Ca
Đàn bướm quanh chân ngựa - Nguyễn Chí Kham