Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.220.267
 
Con số trên cánh tay (Dacia Maraini)
Trương Văn Dân

 

Dacia Maraini (1936- )  là tác giả của nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản sân khấu thơ và tiểu luận. Năm 1990  tiểu thuyết “ Cuộc đời thật dài của Marianna Ucrìa” của bà đã đoạt giải thưởng văn học Campiello, năm 1999  tác phẩm “Bóng tối” bà đã đoạt giải thưởng văn học Strega, năm 2012 bàn còn nhận được giải thưởng văn học Campiello về sự nghiệp viết văn.

 

 

                                          

        ( Nguyên tác tiếng Ý :  un numero sul braccio)

        Bản dịch của Trương Văn Dân

 

             Trong chuyến nghỉ hè ở Buenos Aires Mara Grado  đi dạo trên con phố lịch sự De Gama và nhìn ngắm các tủ kiếng. Nhưng thật ra đó không hẳn là chuyến nghỉ hè: Bà đã đến Argentina để giúp cô con gái đang gặp khó khăn về sinh nở. Kết quả từ siêu âm cho thấy đứa bé nằm thu hình và cuộn tròn trong bụng mẹ và có  sợi dây nhau quấn quanh người như một đòn bánh tét.

            Chồng của cô con gái là nhân viên của hãng hàng không Alitalia thì luôn bận việc. Ở nhà có một cô gái người Paraguay giúp việc nhưng công việc để làm thì rất nhiều mà thời gian thì như không có đủ.

 Thế nhưng khi cô con gái Teresa nằm ngủ và hai đứa con nhỏ đi ra ngoài với cô giúp việc thì bà cũng có chút thời gian để đi dạo.

Bà bước đi nhẹ nhàng và có cơn gió nhẹ làm chiếc váy vỗ nhẹ vào đầu gối. Bầu trời màu thanh thiên trong như một mặt kính trong suốt và mặt trời chiếu xuống ấm áp và ôn hoà. Mara Grado hít một hơi dài, đã bao lâu rồi bà không cảm thấy tự do và thanh thản, những khó khăn nghề nghiệp như trở thành nhỏ bé và vô nghĩa trước hằng triệu sóng biển, khi một mình bà giữa lòng một thành phố lạ có những con người đang nói một thứ ngôn ngữ nhịp nhàng nghe như tiếng hát.

 Nhưng đây rồi, trước mắt bà hiện ra một cửa hàng sáng rực, trên các kệ có chưng bày những món hàng bằng mã não giữa những hoa hồng và hoa đinh tử hương, màu xanh da trời và xanh nước biển, màu xanh ve chai và màu đen. Đó là những bộ chén, đĩa, gạt tàn, bình hoa, những con rùa, con voi, con két… tất cả làm bằng đá trong suốt.

  “Hay mình mua một thứ gì để làm quà cho con gái?” bà suy nghĩ khi nhìn thấy một cái bình đựng nước bằng mã não màu xanh có những đường viền đồng tâm màu xanh nước biển.

Đẩy cánh cửa kiếng bà nghe tiếng chuông gió làm bằng các ống kim loại kêu lanh canh.Và chưa kịp nhìn kỹ người đứng sau quầy bà đã chỉ tay về hướng chiếc bình. Cầm nó trên tay, bà quan sát và nghĩ là nó như được làm bằng màu trời mà bà vừa bỏ ở bên ngoài cửa tiệm rồi chợt nghe giọng nói “bà có thấy có thích không?”.

Như vừa có một ngọn roi quất vào chân. Trong cửa hàng sáng rực bỗng như có một đám mây đen đang chùng xuống. Mà tại sao? Cái gì đã làm bà cảnh giác? Giọng nói của người đàn ông trước mặt, vâng, chính là điều ấy: một cái giọng ngoại quốc, có cái chữ “k” kéo dài cùng với nguyên âm méo mó. Bà không dám ngẩng đầu lên. Sợ phải thấy cái điều mà bà không muốn thấy.

Vài phút hoảng loạn. Định bước nhanh ra ngoài để tránh nhìn vào mặt người chủ của giọng nói. Nhưng sau đó là một quyết định can đảm: “Phải nhìn  thẳng vào mặt để xem có phải là hắn không!”

Mara Grado nhướng đôi mắt nghi ngờ và bắt gặp cái nhìn của một người đàn ông lớn tuổi,  thân thiện, đang mỉm cười. Không, không thể nào là hắn, bà nghĩ. Và bà lại cúi xuống ngắm nghía cái bình nước có màu xanh da trời. Trái tim trong lồng ngực bà đang quay như con vụ. Người đàn ông vô tình không biết, ông cứ tiếp tục nói về chất lượng của món hàng “loại đá cổ, được khai tác từ trung tâm trái đất, được người ta gọi là mã não xạ hương, dân da đỏ cho rằng nó có thể chữa lành các vết thương…”

Thế thì không còn nghi ngờ gì nữa: Giọng nói đó chính là của Hans Kurtman, một kẻ tàn bạo nhất trong trại tập trung của SS[1] Đức.  Mara cúi đầu nhìn cái vật đang cầm trong tay, đầu óc  hoang mang. Bấn loạn. Dù có muốn bà cũng không thể  di chuyển đôi chân, nó sắp quỵ xuống.

Người đàn ông vẫn nhìn bà mỉm cười thân thiện. Thấy mặt bà tái xanh, ông hỏi bà có cần uống nước không. Nước? Nước? Chữ ấy đang ghim trong đầu bà như một cái đinh: nước!

“Không, tôi không cần nước.” ông có thể nói cho tôi biết tên của ông không?”

Trời, cái câu hỏi ngu ngốc! Chắc chắn là nếu sống ở đây thì hắn đã đổi tên đổi họ từ lâu rồi. Nhưng dù thế nào thì hắn cũng không thể bỏ được cái dấu giọng đặc sệt của người Đức. Lúc này bà nhìn cái bàn tay của hắn tuy có hơi sần sùi nhưng được chăm sóc rất công phu, các móng được cắt ngắn. Làm thế nào bà có thể quên được đôi tay đó?

Những hình ảnh, trái với ý muốn, cứ trồi lên trước mắt bà. Hans Kurtman trong trang phục của một nhân viên SS, tóc luôn được chải bóng và hất ngược ra phía sau và cái cổ tuy nhỏ nhưng cứng cáp. Một gã đàn ông lịch sự, luôn đi nhón gót để khỏi lấm đôi ủng vì bùn trong sân trại.

 

 

Hans Kurtman thường đi tuần với một chiếc roi da trên tay và “zac” trong lúc bất ngờ nhất hắn quất chiếc roi vào chân, lên mặt hay lên ngực kẻ xấu số. “Tên kia, sáng nay đôi guốc mày bẩn quá! Xấu hổ chưa!” Mà làm thế nào để có thể giữ được đôi guốc sạch sẽ trong  một vũng lầy?

Bà đã từng tìm lời chống chế biện hộ nhưng hắn không cho bà nói hết lời: một cú quất của chiếc roi da đã làm lời nói bị gián đoạn. Máu chảy ròng ròng từ vết thương trên miệng.

Một buổi sáng, Hans Kurtman mày râu nhẵn nhụi, đang cúi xuống một em bé vừa bước xuống xe lửa chở hàng trăm người Do Thái sau một hành trình dài 3 ngày ba đêm mà không có thức ăn hay nước uống. Đứa bé quấn quanh người một chiếc ác khoác rộng quá khổ. Trên ngực nó có gắn một ngôi sao vàng. Khi nó bước xuống chiếc mũ lưỡi trai rơi xuống đất. Viên sĩ quan cúi xuống nhặt và đặt lên đầu bé. “Trời lạnh, cháu nên đội mũ” gã nói thế và đứa bé nhìn gã với ánh mắt biết ơn. Ngay lúc ấy có tiếng gọi của một người đàn bà. Đứa trẻ quay đầu và sắp chạy về phía người mẹ trẻ. Nhưng một cánh tay gân guốc của một cô giám thị kéo bà vào hàng của đám người đang đi về phía dãy nhà lều. Hans Kurtman nắm chặt bàn tay đứa bé đang cố sức quẫy đạp để chạy về hướng mẹ. Viên sĩ quan ghì đứa bé vào lòng và nói với nó  bằng giọng vỗ về rằng tất cả đều ổn và lát nữa mẹ nó sẽ trở về và bây giờ ông sẽ dẫn bé đi tắm, “weine nicht… Alles ist gut” ông nói vào tai đứa bé “đừng có khóc”.

 

Cũng với cái giọng thân thiện và lịch sự  ấy ông ta tiếp tục nói về những ưu điểm và chất lượng của mã não Argentina.

Sau khi an ủi em bé Hans Kurtman cầm tay dắt nó đến chỗ tắm. Gã đưa cho thằng bé cục xà phòng rồi đẩy nó đến nơi thay quần áo. Đứa bé  hoảng sợ nhưng gã trấn an bằng “weine nicht” “ mẹ đang đợi cháu, tắm nhanh rồi quay lại kẻo mẹ trông”.

Lúc này thì đứa bé đã cởi quần áo, trần truồng, nó có cái bụng hơi to, hai cái tai hình cánh quạt, bờ vai gầy và cái cổ xanh xao, dơ bẩn. Hans Kurtman kéo tay nó dẫn vào phòng tắm. Sau lưng họ có một đống thi thể, hằng trăm đứa bé thuộc đủ quốc tịch: Ba Lan, Đức, Pháp và Hoà Lan. Cửa phòng tắm khép lại che khuất các bờ vai trần và bàn tay nắm chặt miếng xà phòng lừa dối. Thay vì phun nước, từ những vòi sen gắn trên tường đang phun ra  một loại hơi độc, đó là khí Zyclon B và  sau vài phút có thể bóp chết mọi tiếng kêu gào, run rẩy  hay nôn mửa từ những chiếc cổ họng bị ngạt thở.

Bằng tất cả sự tử tế Hans Kurtman đã  hoàn thành “sứ mệnh” của một người lính qua các pha trình diễn, dù là áp dụng những quy trình kêu gọi ở ngoài trời, quất roi da làm tội nhân chảy máu hay an ủi một em bé trước khi đưa nó vào phòng hơi ngạt.

Thời đó Mara Grado chỉ mới 15 tuổi. Bà được sống sót nhờ có một thân hình khoẻ mạnh. Khi chuyển đến trại bà được đưa vào làm việc ở xưởng sản xuất đạn. Bà bị bắt muộn, vào tháng 9 năm 1944 vì có một tên bạn làm chỉ điểm nơi ẩn náu ở thành phố Torino. Lúc đó người Đức đang rất cần nhân công  nên quyết định đưa tất cả những nạn nhân Do Thái khoẻ mạnh đi làm việc không công và sau “chiến thắng” mới đưa vào lò sát sinh.

“ Thưa bà, bà không khoẻ à?” Giọng nói tử tế và thân thiện, có phần lo lắng của người đàn ông đứng sau quầy.

“Hans Kurtman” bà Mara Grado lẩm bẩm trong miệng và đột nhiên hoảng sợ. Nếu bây giờ lão giết mình? Nếu lão ta đánh mình? Nếu lão lấy roi da và quất lên mặt mình?

Khuôn mặt người đàn ông trắng bệch. Nhưng sau một giây ông lấy lại bình tĩnh và nhỏ giọng.. “Tôi là Georgy Ricciotto. Là người Áo, vùng Tirolo. Xin lỗi, bà đang tìm ai à?”

“Hans Kurtman, tôi đã nhận ra ông. Ông không còn làm tôi sợ nữa đâu. Không sợ đâu!”

“Thưa bà, bà nhầm người rồi. Tôi là Georgy Ricciotto”.

“Chính là ông! Tôi đã nhận ra giọng nói của ông, hai bàn tay ông. Tôi còn nhớ cái ngày mà ông cúi xuống cậu bé đến từ Amsterdam. Ông đã hỏi tên và cậu bé mỉm cười đáp “Hans” “như tên tôi à”  ông đã nói như thế. Sau đó ông kéo cậu bé đi tắm”

“Bà lầm rồi, thưa bà” ông ta đáp bằng cái giọng đều đều, như thể cố thuyết phục mình hơn là thuyết phục người đối diện.

“Tôi còn nhớ cái ngày mà cô bạn tôi Marlene không được khoẻ trong lúc  nghe điểm danh, cô té quỵ xuống đất và ông đã ra lệnh cho cô ấy đứng lên. Vì không đứng lên nổi nên ông đã bắn một phát vào đầu cô. Ông còn nhớ đôi chân cô ta giãy dụa như thế nào không? Cô ấy không thể chết ngay. Và ông đã không thèm phí viên đạn thứ hai. Ông cứ tiếp tục điểm danh trong khi cô ấy tiếp tục quằn quại ở dưới đất trước mặt tất cả chúng tôi đang run vì lạnh và kinh hoàng. Đó là người bạn gái duy nhất mà tôi có ở trong trại tập trung. 15 tuổi, như tôi lúc ấy. Và ông đã giết chết. Và bây giờ ông đứng ở đây, như một công dân lương thiện để hưởng thụ  số tiền lương kiếm được”.

“ Thưa bà, tôi bảo đảm với bà là…”  gã tiếp tục, kiên nhẫn.

“Ông đừng diễn kịch nữa với tôi, vô ích. Dù có trải qua nghìn năm tôi vẫn nhận ra ông”.

Bây giờ hắn sẽ giết mình. Hắn sẽ nhào đến và đánh mình đến chết. Bà Mara nghĩ, cái bà Mara khác, người mà trong đầu vẫn đang tiếp tục nghĩ mình là người đàn bà đang lê đôi guốc nặng nề trong vũng bùn tuyết bẩn thỉu ở trong trại tập trung vào cái thời điểm  tháng 9 năm 1944.

Bà đã từng làm mọi cách để quên đi hay ít ra cũng  không để cái quá khứ khốn nạn ấy ám ảnh và đeo đuổi mình. Bà đã lấy chồng, sinh được hai con. Bà đã tìm được một công việc , bà đã có những vui thú và thoả mãn và bây giờ bà đang chăm sóc đứa cháu ngoại, một sự tuần hoàn bình thường giữa các thế hệ.

 Nhưng cái gã đàn ông này đang làm đảo lộn mọi trật tự trong nội tâm bà: sự bình an đã biến mất, hồi ức như con rồng trong tâm trí bà, như con sói đang tàn nhẫn đuổi theo bà.

 Gã đàn ông khép mình trong im lặng như thể bị xúc phạm. Ông đang diễn vai của người có trước mặt là một mụ điên và chưa biết xử trí ra sao. Gã dang hai tay, nhướng mắt và thổi xì hơi như thể muốn nói “sao tự nhiên sáng nay lại gặp cái mụ điên này!”

Mara Grado kéo ống tay áo và chìa cánh tay ra trước mặt để cho gã thấy hàng chữ số: 4448327. Gã đàn ông thoáng giật mình. Như thể vừa nhìn thấy chuỗi số xăm trên cánh tay vừa xác minh là bà khách không chờ đợi này một sự thật lịch sử, một nhìn nhận thực tế.

“Có lẽ ngày xưa tôi đã là người đàn ông đó” bà nghe giọng nói thì thầm và xâu hổ của ông ta “nhưng bây giờ thì không thế nữa… Con người thay đổi, biến đổi. Tuổi già rồi cũng đến với tôi, thưa bà, người được sống sót và trở về từ trại tập trung Auschwitz. Tại sao bà lại có mặt ở nơi đây? Tại sao cuộc đời bà có thể gặp lại tôi?  Chúng ta có chung cái gì ngoài cái hồi ức xa xôi  của chiến tranh và như đã chết lâu rồi?”.

Bằng thái độ tử tế ông ta đẩy chiếc ghế về phía bà, nhưng Mara từ chối. “Hắn đang đổi chiến thuật” bà nghĩ “ và định lừa gạt mình đây!”

“Tôi không còn là Hans Kurtman nữa. Người thanh niên ấy đã chết và được chôn rồi. Bây giờ tôi là Georgy Ricciotto. Cái tên mới này, tuy giả nhưng nó khá phù hợp với tôi và đã trở thành máu thịt. Tại sao bà cũng không tìm cách quên đi? Nhất là lúc này bà đang có một cuộc sống an lành, chỉ cần nhìn khuôn mặt bà là thấy ngay điều đó. Tại sao bà lại muốn đạp đổ tất cả với một việc trình báo ngu ngốc và vô nghĩa?”

Mara Grado không có nói đến việc trình báo nhưng hiển nhiên là gã đã  đoán ra ý định đó. Vâng, tôi sẽ trình báo, bà nghĩ, mà trình báo với ai đây?
            “Mặt khác, tôi bảo đảm với bà là nếu người ta có tin lời bà thì họ cũng không thể bắt được tôi đâu. Ngày mai tôi sẽ biến mất như đã từng biến mất bao lần. Và bà không có nhận được gì ngoài việc ngăn cản một lão già, không cho lão được   sống an lành vào những năm cuối đời.”

“Nhưng tôi sẽ tìm ra ông, Hans Kurtman ạ, bởi vì tôi muốn ông bị trừng phạt, dù quá muộn màng, nhưng điều này không quan trọng. Sau chiến tranh chúng tôi đã tìm ông khắp nơi. Có người nói rằng ông đã chết. Nhưng ông đã trốn đến đây. Tôi không muốn ông chết, tôi chỉ muốn ông bị tống giam vào tù để suy nghĩ về những tội ác của mình trong quá khứ.”

“Tại sao bà cứ kiên trì đến thế? Bà không có một chút xót thương nào sao? Bà không biết tha thứ cho một lão già tội nghiệp và bệnh tật hay sao? Tôi chỉ còn sống được vài năm nữa thôi, sau hai lần giải phẩu vì bệnh ung thư. Tại sao bà muốn mang lại đau đớn cho các con tôi  mà chúng chẳng hề có tội lỗi gì?”

“Vậy cậu bé người Hoà Lan mà ông nắm tay và kéo vào phòng hơi ngạt thì có tội gì?”

“Đó là bổn phận của tôi, chiến tranh buộc chúng tôi phải tự vệ.”

“Tự vệ từ cái gì? Từ những đứa bé?

“ Tự vệ  từ sự xâm lược của cộng sản”

“ Như thế là viên sĩ quan Hans Kurtman giờ đã già, lão đã thay tên, thay nơi ở, thay đổi ngôn ngữ và nghề kiếm sống nhưng ông ta cũng chẳng học được gì, ngay cả việc được một lần nói ra sự thật với chính mình và cứ luôn mồm nói ra những công thức giả dối?”

“Tôi đã học cách sống cho chính mình. Không làm phiền một ai; Những ý tưởng tôi chỉ giữ cho riêng mình. Cả ký ức cũng thế. Bà không thể đến đây để huỷ diệt tất cả chỉ vì một ý muốn báo thù ngu xuẩn.”

“Ít ra ông cũng có thể nói ra một lần là mình rất tiếc chứ!”

“Đáng tiếc về việc gì, thưa bà? Mỗi người mỗi định mệnh. Bà đi trình báo đi, nếu bà muốn. Tôi chắc là có nhiều người trong cảnh sát hay quân đội đều suy nghĩ như tôi thôi. Đi đi, và hãy để tôi yên.”

Mara Grado cảm thấy là nước mắt đang trào lên khoé.

Một sự thương hại kinh tởm cho chính mình, cho cậu bé người Hoà Lan có tên Hans,  cho cái gã đàn ông ngu xuẩn và kiêu ngạo… và trái tim bà như thắt lại. không thể có thứ ngôn ngữ nào nằm giữa đao phủ và nạn nhân, bà nghĩ, dù 50 năm đã trôi qua.

 Bà cố thu hết nước bọt trong miệng và phun thẳng vào mặt gã nazist với sức mạnh của lòng khinh bỉ, sau đó bà kiêu hãnh bước về phía cửa.

 

 Milano 8- 2021

 Năm covid thứ hai.

 

 


[1] Schutzstaffel, viết tắt là SS, cơ quan quan trọng nhất về an ninh, giám sát và khủng bố thời Đức Quốc Xã. (Nd)

 

Trương Văn Dân
Số lần đọc: 589
Ngày đăng: 13.04.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hư cấu hai tình hận - Mỹ Ca
Bản nhiên phó tướng - Đỗ Nhựt Thư
Cô độc trong nhà và cuộc trò chuyện với mẹ - Nguyễn Anh Tuấn
Nội trú - Võ Công Liêm
Sương khói quê nhà - Võ Anh Cương
Khu vườn trồng hoa - Nguyễn Chí Kham
Về trong lá úa - Nguyễn Chí Kham
Đón xuân trên đường - Phan Tấn Uẩn
Hà Nội Penthouse - Hải Âu
Đôi bạn - Nguyễn Đại Duẫn
Cùng một tác giả
Những sợi tóc (truyện ngắn)
Ngã Rẽ (truyện ngắn)
Một áng mây bay (truyện ngắn)
Những gã thợ săn (truyện ngắn)
Colombre (truyện ngắn)
Thời hạn (truyện ngắn)
Chiếc áo dị kỳ (truyện ngắn)
Quyển Sách (truyện ngắn)
Ngọn tháp (truyện ngắn)
Một ngày của Chuá (truyện ngắn)
Những người bạn (truyện ngắn)
Tâm lý trị liệu (truyện ngắn)
Một ngày của Chuá (truyện ngắn)
Paris, ngày trở lại (truyện ngắn)
Về với hư không (truyện ngắn)
Lỗi kết nối (truyện ngắn)
Tòa soạn Quán Văn (tiểu luận)
Cuộc hội ngộ câm (truyện ngắn)
Quán Văn, số 100 (tiểu luận)