Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.179
123.222.686
 
1926 - Grazia Deledda (Ý, 1871 – 1936)
Lê Ký Thương

Nobel văn chương thế kỷ 20 (từ năm 1901 đến năm 2000) 

 

(Biên dịch theo Tài liệu của Viện Hàn Lâm Thụy Điển)

 

 

Grazia Deledda sống suốt thời thơ ấu ở Nuoro, một thị trấn của Sardinia, nơi chôn nhau cắt rún của bà. Khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống của người dân ở đó đã trở thành nguồn cảm hứng và là linh hồn cho những tác phẩm văn học của bà sau này. Trong một ngôi nhà đơn sơ mang vẻ cổ kính, xung quanh là thiên nhiên hoang dã xinh đẹp và những con người có dáng vẻ oai vệ sơ khai, ''các cô gái chúng tôi'', Grazia Delleda viết ''không bao giờ được phép đi ra ngoài trừ dịp đi dự lễ Tro hay dịp đặc biệt dạo chơi miền quê''. Bà không có cơ hội để tiếp thụ một nền học vấn tiên tiến, và giống như những đứa trẻ thuộc tầng lớp trung lưu trong vùng, bà chỉ học ở trường địa phương. Sau này bà theo học một số lớp dạy tư về tiếng Pháp và tiếng Ý vì gia đình bà chỉ giao tiếp bằng thổ ngữ Sardinian. Vì thế nền giáo dục mà bà hấp thụ không rộng. Tuy nhiên bà làm quen và say mê những bài dân ca địa phương như những bài thánh ca, những khúc ballad, những bài hát ru. Bà cũng rất quen thuộc những truyền thuyết và truyền thống của Nuoro.

 

Để đánh giá giá trị nghệ thuật về văn phong của bà,  một trong những nhà phê bình nổi tiếng của Ý đã viết: ''Văn phong của bà là văn phong của những bậc thầy vĩ đại về thể loại truyện kể, mang dấu ấn đặc biệt của tất cả những nhà văn lớn. Ngày nay không ai ở Ý có thể viết những cuốn tiểu thuyết với văn phong có khí lực, điêu luyện hay những sự hiểu biết về xã hội mà tôi đọc được trong một số tác phẩm, nhất là những tác phẩm mới nhất của Grazia Delleda như Người mẹ - La Madre (1920) và Bí mật của người đàn ông độc thân - Il Segreto dell'uomo solitario (1921)”.

 

Người ta chỉ chú ý đến bố cục trong những tác phẩm của bà  không chặt chẽ, có những đoạn chuyển tiếp bất ngờ khiến người đọc có cảm giác hụt hẩng. Nhưng nhược điểm này lại được đền bù nhờ nhiều tính năng khác của bà. Như một họa sĩ của thiên nhiên, bà ít có điểm tương đồng trong nền văn học châu Âu. Bà không tiêu phí một cách vô ích những màu sắc sinh động của mình. Thiên nhiên mà bà mô tả có những đường nét phóng khoáng, bình dị như những bức tranh phong cảnh cổ, đúng với vẻ uy nghi, hoang dại của nó. Đó là một thiên nhiên sống động một cách kỳ diệu, có sự  giao hòa tuyệt đối với đời sống tâm lý của các nhân vật của bà. Như một nghệ sĩ tài ba thật sự, bà đã thành công trong việc kết hợp chặt chẽ cách diễn tả tình cảm và thói quen của con người với cách mô tả thiên nhiên .

 

Trong những tiểu thuyết của Grazia Delleda con người và thiên nhiên hòa hợp làm  một. Người ta có thể nói rằng con người là cây cối nẩy mầm trên chính mảnh đất Sadinia. Đa số họ là những nông dân chân chất, với tính nhạy cảm và kiểu suy nghĩ đơn sơ, nhưng lại có một cái gì đó lớn lao trong bản chất tự nhiên của người Sardinia. Một số người mang vóc dáng của những nhân vật lạ thường trong Cựu ước. Và bất kể họ khác nhau như thế nào, họ vẫn cho chúng ta cái cảm giác hiển nhiên của những con người có thực trong đời sống thực. Họ không giống chút gì gọi là những con búp bê trên sân khấu. Grazia Delleda là bậc thầy của nghệ thuật vừa theo khuynh hướng hiện thực vừa theo khuynh hướng duy tâm . Bà không thuộc về nhóm nhà văn làm việc theo một chủ đề và tranh luận nhiều vấn đề. Bà luôn luôn giữ mình tránh xa các trận bút chiến của thời đại.

 

Mặc dù bà ít quan tâm đến lý thuyết, nhưng bà lại rất quan tâm đến mọi mặt của đời sống con người. Bà viết trong một bức thư: ''Nỗi lo lắng lớn của chúng ta cuộc đời đi quá nhanh. Đó là lý do tại sao chúng ta phải cố gắng làm cho cuộc sống chậm lại, làm cho nó mãnh liệt hơn, làm cho nó có ý nghĩa phong phú nhất. Người này phải cố gắng sống trên cuộc sống của người kia, như mây ở trên biển''. Chắc chắn là vì cuộc đời phong phú và đáng yêu đối với bà, bà không bao giờ muốn tham gia vào các cuộc tranh luận văn chương, xã hội hay chính trị của thời đại. Bà yêu con người hơn các lý thuyết và sống cuộc đời yên tĩnh cách xa những náo động của cuộc sống. Trong một bức thư khác, bà viết: ''Số phận đã xui khiến tôi sinh ra  trong lòng xứ Sardinia cô độc. Nhưng dù cho tôi có sinh ra ở Rome hay ở Stockholm, tôi cũng sẽ chẳng khác đi. Tôi vẫn sẽ luôn luôn là tôi - một tâm hồn say sưa với những vấn đề của cuộc sống, nhận thức rõ ràng về con người đúng với tư cách người của họ,  đồng thời vẫn tin rằng họ có thể tốt hơn và chính họ chứ không ai khác ngăn cản họ giành được sự thống trị của Đức Chúa Trời trên cõi đời này. Lòng căm ghét, sự tàn ác và nỗi đau có lẽ một ngày nào đó, người ta có thể chinh phục nó bằng tình yêu và thiện chí''.

 

Những lời cuối cùng này diễn tả cách nhìn của bà về cuộc sống, một cách nhìn nghiêm túc và sâu sắc mang màu sắc tôn giáo. Đó thường là một cái nhìn buồn nhưng không bao giờ bi quan. Bà tin tưởng rằng cuối cùng cái tốt sẽ chiến thắng./

 

 

 

 

 

Lê Ký Thương
Số lần đọc: 629
Ngày đăng: 14.04.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lời trần tình ( phần cuối ) - Đỗ Nguyễn
1925 - George Bernard Shaw (Anh, 1856 –1950 - Lê Ký Thương
Lời trần tình (phần 15) - Đỗ Nguyễn
Lời trần tình (phần 14) - Đỗ Nguyễn
Lời trần tình ( phần 13) - Đỗ Nguyễn
Lời trần tình (phần 12) - Đỗ Nguyễn
NĂM 1924 Wladyslav Reymont (Balan, 1867 – 1925) - Lê Ký Thương
Lời trần tình ( phần 11) - Đỗ Nguyễn
Lời trần tình (phần 10) - Đỗ Nguyễn
Lời trần tình (phần 9) - Đỗ Nguyễn
Cùng một tác giả
Biển của tôi (tạp văn)
Hồn Sách Cũ (tạp văn)
Sài Gòn – Ăn (tạp văn)
Sài Gòn - Sách (tạp văn)