Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.211.833
 
Phạm Công Thiện - “Bay đi những cơn mưa phùn”
Phan Văn Thạnh

 

Tôi vẫn còn lưu giữ và cũng không quên một chiều cuối tuần Saigon đầu thâp niên 70 thế kỷ trước – một mình lang thang qua phố Lê Lợi ghé ngang hiệu sách của ông Khai Trí Nguyễn Hùng Trương mang về “Bay đi những cơn mưa phùn” – Phạm Công Thiện – (NXB Phạm Hoàng,Saigon1970).

Cũng như nhiều bạn trẻ SVHS ngày ấy, đứng dưới chân núi nhìn lên ngất ngưởng đầu non, tôi rất thần tượng tác giả Phạm Công Thiện.

Sau này thông tin nhiều hơn, tôi được biết ông sở hữu một “lý lịch khoa học” đáng nể để làng văn Saigon trước 75 có bình phẩm gì cũng phải kiêng dè, ngã mũ chào.

- Phạm Công Thiện ra đời (01/6/1941) bên dòng Tiền giang thơ mộng, ven bờ phố thị Mỹ Tho, một thị xã nhỏ nhắn, lặng lẽ hiền hòa ở miền Nam.

Ông xuất hiện trên văn đàn Việt Nam như một “thần đồng” – một thiên tài lỗi lạc biết nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hán, Phạn, Pali, Tây Tạng, Tây Ban Nha…

– Năm 1957, mới 16 tuổi đã xuất bản tự điển “Anh ngữ Tinh âm” – 19, 20 tuổi viết “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học” – 23 tuổi, viết “Tiểu luận Bồ Đề Đạt Ma” – 25, 26, 27 tuổi, viết “Hố thẳm tư tưởng”, “Im lặng hố thẳm”, “Ý thức bùng vỡ”, “Bay đi những cơn mưa phùn”, “Ngày sinh của rắn”, “Mặt trời không bao giờ có thực”, “Nikos Kazantzaki”, “Rainer Maria Rilke”, “Henry Miller”…

Ông đã dịch thuật từ tiếng Anh, tiếng Đức những tác giả vĩ đại: Krishnamurti, Nietzsche, Heidegger, Rainer Maria Rilke, Nikos Kazantzaki … làm chấn động giới văn nghệ sĩ trí thức Sài Gòn miền Nam thời bấy giờ.

– Đầu năm 1964, ông chuyển ra Nha Trang sống để an dưỡng sau một cuộc “khủng hoảng tinh thần”. Tại đây ông quy y ở chùa Hải Đức, lấy pháp danh Nguyên Tánh. Một thời gian sau ông lại về Sài Gòn.

– Từ 1966 đến 1970, Phạm Công Thiện làm Khoa trưởng Văn khoa Đại học Vạn Hạnh (Saigon), đồng thời là giám đốc soạn thảo Chương trình giảng dạy cho tất cả các phân khoa Xã hội Nhân văn và chủ biên tạp chí Tư Tưởng cùng với những tên tuổi: Bùi Giáng, Tuệ Sỹ, Hoài Khanh, Lê Mạnh Thát, Nguyễn Đăng Thục, Ngô Trọng Anh, Thạch Trung Giả, Trúc Thiên, Lê Tôn Nghiêm, Doãn Quốc Sỹ, Nghiêm Xuân Hồng, Trần Ngọc Ninh, Phạm Thiên Thư, Trần Xuân Kiêm, Nguyễn Hữu Hiệu, Thích Nữ Trí Hải…- những cây bút cốt cán trong tạp chí Tư Tưởng, tiếng nói của Viện ĐH Vạn Hạnh ở Sài Gòn, do Thượng tọa Thích Minh Châu làm Viện trưởng.

Nhà thơ đã từng ngao du sơn thủy nhiều nơi qua Paris, London, New York, Washington – từng diện kiến, tiếp xúc với những nhân vật kiệt xuất nổi danh trên thế giới như Krishnamurti, Henry Miller.

Từ năm 1970, ông rời Việt Nam chuyển sang sống ở Israel, Đức, trụ lại lâu dài tại Pháp – tốt nghiệp Tiến sĩ Triết học tại ĐH Sorbone – giảng dạy triết học Tây phương tại ĐH Toulouse (Pháp).

Năm1983, định cư ở Los Angeles (Hoa Kỳ) giữ chức giáo sư Phật Giáo viện College of Buddhist Studies – tiếp tục viết sách – phần lớn nghiên cứu về đạo Phật.

Ngày 8/3/2011 (mùng 04 tháng Hai năm Tân Mão), ông qua đời tại thành phố Houston, Texas, Hoa Kỳ, trụ thế 71 năm.

- Phạm Công Thiện trước tác nhiều thể loại truyện ngắn, tùy bút, thơ, dich thuật, khảo luận. Tác phẩm của ông thuôc loại khó nuốt nhưng lại có sức cám dỗ kỳ lạ. Trang viết đầy chữ – mỗi đơn vị chữ đồng thời là hồn vía của ý, lối viết phá cách đầy ngẫu hứng khiến người đọc hoặc tùy nghi suy diễn mông lung hoặc bó tay không hiểu ông muốn nói cái gì?

Ông viết theo kiểu “Tôi tư duy, nên tôi tồn tại – Je pense, donc je suis” – (René Descartes, 1596-1650). Ông khua khoắng con chữ, hiện thực trong tay ông được ghi chép, phản ánh xô bồ tùy tiện. Ông mở ra “hố thẳm tư tưởng” – ông “hành hạ” người đọc, bắt họ phải ra sức truy tìm cái tôi cảm xúc, cái tôi nhận thức, cái tôi tồn tại trong ma trận chữ nghĩa ngẫu hứng lênh láng, trùng trùng những ẩn dụ, những liên tưởng rối rắm, bực bội đến thú vị !…

– “Hắn ho khan vài tiếng cho đỡ buồn; trời lạnh quá, im lặng quá, nhiều khi mình phải bày đặt ho khan để thấy rằng mình vẫn còn đó, vẫn sống, vẫn thở và thổi những cơn mưa phùn vào nghĩa địa của ngoại ô đầu thu. Đầu thu hay cuối thu ? A, tôi phải đi. Paris chỉ nằm bên kia sự chết: Saigon, Hà Nội, Huế, Đà Lạt chỉ là thành phố Paris nằm bên kia sự chết. Giết hết tất cả những thành phố, bôi sạch chữ Paris trong tâm hồn mình, bôi tên, quên họ, bỏ quốc tịch, vứt lại đằng sau lưng những bao thuốc lá xanh, vứt lại đàng sau lưng những con đường rầy, những đêm tối, những mùa xuân, những quê hương. Làm một kẻ phản quốc, phản bội bạn bè, phản bội tổ tiên, phản bội văn chương, phản bội tùy bút, truyện ngắn và truyện dài. Trung thành với nỗi chết xa và gần, nỗi chết long đong, nỗi chết của những cơn ho gượng, ho cho đỡ buồn. Chỉ có những cơn ho khan là quan trọng, tất cả chỉ còn lại văn chương.” (Bay đi những cơn mưa phùn (BĐNCMP) …tr 8, 9)

– Ông nhìn hình thấy vong, thấy rõ sự sống trùng khít với sự hủy diệt – /không như chiếc bánh da lợn: “Một cánh cửa mở, một người bước ra đường. Một người hay một bóng ma? Tôi là một con ma nhớ khói nhà, bước ra đường để tìm một gói thuốc Gauloises xanh, bước ra phố để đốt lên một nhúm lửa cho ấm hồn phiêu dạt. Paris phơi phới đầu xuân, những mùa xuân không bao giờ nở trọn. Tôi ca hát một mình. Ma có ca hát không? Mặt trời đã nổ hôm qua. (Trời tháng Tư,BĐNCMP,tr.105).

Ông rất tỉnh khi đang chiêm bao. Ông gợi liên tưởng đến qui luật diễn biến của tư duy – mê lầm rồi tỉnh thức, tin yêu rồi thất vọng: “Cái gì cũng trở thành thói quen. Ngay đến mộng ảo cũng trở thành thói quen. Tôi không ngờ Đà lạt cũng trở thành thói quen. Có một đêm, tôi nằm chiêm bao thấy mình nghe chim kêu, không phải một con, hai ba con, hình như một bầy, hai ba bầy chim kêu. Khi thức giấc thì chẳng nghe con nào kêu cả, tôi liền dụ dỗ tôi ngủ lại để được nghe chim kêu lại, nhưng thức tỉnh lại là một thói quen khác. (Biển xanh trộn lẫn mặt trời – BĐNCMP tr.59,60).

Ông luôn bị ám ảnh – chẳng hạn khi nghĩ về dòng sông thời thơ ấu: “Con sông ấy đã đầu độc tuổi thơ tôi. Những mùa nước lớn có những chiếc bè, những đám lục bình, những con chó chết trôi và những xác chết trôi lềnh bềnh. Người lớn và con nít gọi những xác chết trôi là “thằng chổng chết trôi”. Thường khi mưa đổ liên hồi trên mặt sông, làm nước tràn lên tận bờ. Mùa nước ròng tôi thường đi chân xuống bờ sông để tìm những con còng bé nhỏ. Mười lăm năm đầu tiên trong đời, tôi đã bị con sông đầu độc một cách tàn nhẫn, man rợ, vô phương cứu chữa…”- (Thấp thoáng bóng huỳnh trên con sông tàn bạo – BĐNCMP tr 155) .

Ngồi trong không gian Nữu Ước, ông nhớ quay quắt về Đà Lạt: “Tôi chỉ là một con ma đói ở giữa thành phố lớn nhất ở thế giới. Quán cà phê này là nơi tôi lai vãng để tìm lại một chút khí dương giữa cõi chết. Đà Lạt và Nữu Ước, Đà Lạt gần gũi tôi hơn đang lúc bước vào quán cà phê ở Nữu Ước này. Tôi cần một chút Đà Lạt để sống, xin cho tôi một chút Đà Lạt,chỉ một chút, một chút thôi. Trời Nữu Ước trở lạnh, tôi cuộn khăn nỉ quanh cổ, đốt một điếu thuốc, ngồi giữa sự bình an của một mớ hình ảnh trong đầu. Một ngôi nhà to lớn, cũ, đầy rêu, nhện, chim và bồ câu, trước nhà có một hàng cây sưa cao vút và già như mấy cây thông rừng, ngôi nhà nằm trên một ngọn đồi ở ngoại ô Đà Lạt, trên đường đi về Dran.” (Thực sự hôm nay – BĐNCMP tr 80).

Có lẽ do ông đọc quá nhiều chăng – vác nặng “bồ chữ”trên vai, nên cảm hứng của Phạm Công Thiện luôn xuất thần phóng cuồng. Ông phát ngôn như Thánh nhập, coi trời bằng vung khi “ngông cuồng”phủ nhận tất cả các triết gia,văn nghệ sĩ khét tiếng trên quả đất này :  “Ngay đến Heraclite, Parmenide và Empédocle, bây giờ tao cũng xem thường, xem nhẹ; tao coi ba tên ấy như là ba tên thủ phạm của nền văn minh hiện đại, chưa nói đến Socrate, đó là một tên ngu dại nhất mà tao đã gặp trong đời sống tâm linh của tao”. Ông coi những nghệ sĩ như Shakespear, Goethe, Dante hay Heidegger như những thằng hề ngu xuẩn. Và, đối với Sartre, Beauvoir : “Nếu họ muốn xin gặp tao, tao sẽ không cho gặp mà còn chửi vào mặt họ”. Về thiền tông: “Tao đã gửi thiền tông vào một phong bì tối khẩn đề địa chỉ của bất cứ ngôi chùa nào trên thế giới”. Việc thụ giáo học tập: “Thời gian tao học ở Hoa Kỳ, tao đã bỏ học vì tao thấy những trường Đại học mà tao học như Yale, Columbia chỉ toàn là nơi sản xuất những thằng ngu xuẩn, ngay đến giáo sư của tao chỉ là những thằng ngu xuẩn nhất đời, tao có thể dạy họ nhiều hơn là họ dạy tao… Bây giờ nếu có Phật Thích Ca hay Chúa Giê Su hiện ra đứng giảng trước mặt tao, tao cũng không nghe theo nữa. Tao là học trò của tao và chỉ có tao làm thầy cho tao. Tao không muốn làm thầy ai hết và cũng không để ai làm thầy tao”. Với các văn sĩ ở Sài Gòn: “đọc các bài thơ của các anh, tôi thấy ngay sự nghèo nàn của tâm hồn anh, sự quờ quạng lúng túng, sự lặp đi lặp lại vô ý thức hay có ý thức: trí thức “mười lăm xu”, ái quốc nhân đạo “ba mươi lăm xu”, triết lý tôn giáo “bốn mươi lăm xu” – (Hố Thẳm Tư Tưởng)

Ông trút hết ngôn từ xưng tụng tác giả “Chơi giữa mùa trăng”: “Hàn Mặc Tử vỗ cánh phượng hoàng và bay xuống đậu giữa Thiên Thanh,Rimbaud và Hoelderlin đứng dậy chắp tay, đứng về phía trái; Keats và Leopardi đứng dậy chắp tay,đứng về phía mặt; Hàn Mặc Tử bay sà xuống đậu ngay chính giữa; ngay lúc ấy,lập tức hai Thi Sĩ bên trái và hai Thi Sĩ bên mặt quì xuống lạy ba triệu lạy; khi bốn Thi Sĩ lạy xong và ngước mặt lên thì Hàn Mặc Tử đã vụt biến mất và hoả diệm sơn biến thành một quả trứng phượng hoàng khổng lồ: quả trứng phượng hoàng cô liêu xoay tròn năm vòng và thu hình nhỏ lại thành trái đất; từ ấy, trái đất liên tục xoay tròn giữa vũ trụ vô biên và con người không còn làm thơ nữa.

Thoạt nghe những lời lẽ“cao ngạo” của ông, thể nào cũng có người “ù tai – phẫn nộ” nhưng rồi Nguyễn Hưng Quốc cũng có ý kiến chia sẻ: Phạm Công Thiện “Lúc nào cũng nồng nhiệt. Lúc nào cũng rộng rãi. Lúc nào cũng cực đoan. Có người cực đoan vì đần. Phạm Công Thiện cực đoan nhưng vẫn toát lên vẻ thông minh và rất thông thái. Sự cực đoan ở nhiều người khác gợi lên ấn tượng hẹp hòi và hung bạo. Phạm Công Thiện cực đoan một cách hồn nhiên và vô hại. Bao trùm lên tất cả, ông cực đoan một cách chân thành và duyên dáng. Đọc, thấy ngay ông cực đoan, nhưng không ai nỡ bắt bẻ. Bắt bẻ, tự nhiên có cảm giác là mình tỉnh táo một cách nhỏ nhen […] Không ít người vẫn cho văn của Phạm Công Thiện là tối tăm. Tôi(NHQ) nghĩ ngược lại. Vấn đề không chừng là ở cách đọc […] Tôi đã đọc (lại) các tác phẩm của Phạm Công Thiện như đọc những bài thơ. Với một tâm cảm thơ. Và tôi thấy mọi thứ đều dễ dàng. Trong vắt”.( Đọc lại Phạm Công Thiện -Tiền Vệ 2009)

Tác giả Tâm Nhiên trong một bài viết(*) đã ví hành trình của ông là: “Cuộc lữ dữ dội bi tráng, mở ra những phương trời hoằng viễn như Rimbaud, Hoelderlin, như Nietzsche, Henry Miller, những đồng thanh tương ứng với thi nhân nên luôn luôn xuất thần, ngất trời túy lúy, phóng cuồng phiêu đãng hoan say. Đó là những cuộc đi vô định, vô sở trú, chất ngất trên tuyệt đỉnh núi cao và hun hút tận nguồn sâu hố thẳm tâm linh, vừa bừng bừng thần khí rực ngời lửa tim hồn cháy, vừa ầm ầm cuồng nộ, trào tuôn lai láng như sóng vỗ đại dương. Cháy và chảy, cháy và chảy mãi trong hồn, như một lần đặc biệt, nhà thơ đã từng nhắn gởi cho giới trẻ thanh niên Việt Nam: “Gởi một người đọc không quen, cùng cháy một thứ lửa thiêng như tôi, cùng được nuôi bằng một thứ nước điên nào đó chảy trôi như tôi, cùng sống như tôi đang sống: Cháy và chảy, cháy và chảy không ngừng…”

 

Có thể nói Phạm Công Thiện sở hữu “ba ngàn quyển sách trong bụng” (**)nên chi ông tha hồ vung bút làm văn. Ông quan niệm: “Viết văn là diễn tả những gì thành thật nhứt trong ý nghĩ của mình, bằng tất cả những xúc cảm và tưởng tượng, để nói lên những gì đè nặng trong tâm tư, bằng một ngôn ngữ khúc triết mạch lạc để sống trong sự có mặt của mình và kẻ khác” – ông cho: “viết văn là đi đái, viết tuôn trào như nước đái, nóng, sôi, reo lên xè xè như tiếng ve bãi trường” – (Dù đến đâu thì cứ đến – BĐNCMP tr 42,43).

Phong cách trí tuệ uyên bác, cầu kỳ khúc mắc đã khiến văn chương của Phạm Công Thiện trở nên “độc &lạ”, ngược với phong cách bình dị truyền thống – Học giả Nguyễn Hiến Lê đã chỉ ra :“Văn bình dị khó nhất ở điểm có ý cao, tình đẹp, nếu không thì hóa ra nhạt nhẽo, vô vị”. Và Lâm Ngữ Đường trong cuốn “The importance of living”diễn giải thêm: “Sự bình dị là điều khó đạt được nhất trong văn chương. Muốn được bình dị thì trước hết phải tiêu hóa nổi tư tưởng và óc cũng phải già giặn: khi chúng ta về già tư tưởng của chúng ta sáng sủa hơn; ta bỏ ra một bên những phương diện không quan trọng mà có lẽ sai lầm của vấn đề đó nữa; ý tưởng ta thành hình một cách rõ ràng hơn và những chuỗi tư tưởng lần lần hiện lên thành những lời văn gọn gàng, giản dị. Ta không thấy phải gắng sức nữa mà sự thực hóa ra sáng sủa và do đó hóa ra bình dị …” (***)

Văn Học Nghệ Thuật dẫu sao vẫn là sản phẩm văn hóa của Con Người với vô vàn mối quan hệ xã hội bấu chặt, vây quanh. Con Người – với tư cách đối tượng phản ánh, là điểm xuất phát đồng thời là đích đến của tất cả các loại hình sáng tác. Con người thuộc hàng sinh vật thượng đẳng – bao gồm hai trong một : “con + người” – bóc tách cực đoan một mặt nào đó sẽ phá vỡ tính tổng thể hoàn chỉnh của nó,văn nghệ sẽ trở nên xa lạ và sẽ chẳng là gì cả.

Đọc Phạm Công Thiện phải nói rất mệt, người đọc dễ mất kiên nhẫn bỏ lửng – riêng tôi chẳng biết mình thuộc loại nào sau đây dưới mắt ông: “Bậc thượng học lấy thần mà nghe, bậc trung học lấy tâm mà nghe, bậc hạ học lấy tai mà nghe. Tai nghe thì học ở ngoài bì phu, tâm nghe thì học ở cơ nhục, thần nghe thì học ở cốt tủy”. (Theo Vân Đài Loại Ngữ – Lê Quí Đôn).

Người viết Nguyễn Mạnh Trinh nhận xét: “Phạm Công Thiện là một thi sĩ nghệ sĩ. Không phải là cung cách một phù thủy chữ nghĩa hoa tay vào bùa chú ,vào hư vô để thành một văn phong khúc mắc khó hiểu. Mà, là một người ôm tất cả những rộng khắp vào lòng và đi vòng quanh để tìm chân lý. Cái tâm thức vốn tịch lặng của một người thâm cứu Phật giáo pha trộn vào ý thức muốn nổi loạn phá bỏ cung cách cũ khiến văn chương trở thành một hành trình của một người luôn xông tới đằng trước và không dừng lại. Trong đời sống,phong cách du tử, làm những điều mình thích khiến ông thành một người luôn thấy đêm ngày là hoang vu …” (****)

Thượng tọa Thích Minh Châu,Viện Trưởng viện Đại học Vạn Hạnh đã xem hiện tượng Phạm Công Thiện như là “kết quả oan trái của thời cuộc loạn ly suốt hai mươi năm nay mà những thế hệ trẻ đã phải chịu đựng vì họ là nạn nhân”.  

GS Nguyễn Văn Trung tuy bị “động chạm” khá nặng nề nhưng cũng  bày tỏ sự “cảm kích thái độ độ lượng của T.T. Viện trưởng và sẵn sàng thông cảm với hiện tượng Phạm Công Thiện mà dư luận giới cầm bút thời đó có người gọi là một quái thai, một đứa con hoang của văn học, và chịu đựng trong yên lặng”.(*****).

Dẫu sao khi mọi sự lắng xuống Phạm Công Thiện vẫn “lộ diện” là nhân vật kỳ tài xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh –  Ông còn đó một góc trời !

 

 

 (Saigon,26/3/2014 – bổ sung lần 2, 14/4/2022)

 

 

-(*) “Phạm Công Thiện-Một Thi Sĩ Kỳ Tuyệt Thiên Tài”-Tâm Nhiên(nguồn phusaonline.free.fr)

-(**) “Trong bụng không có được ba vạn quyển sách, trong mắt không có được núi sông kỳ lạ của thiên hạ thì chưa chắc đã làm được văn”. (Ngô Lai – “Kiến Văn Tiểu Lục” – Lê Quí Đôn).

-(***) “Hồi ký Nguyễn Hiến Lê”- NXB Văn Học 1993,tr 397

-(****) “Phạm Công Thiện - Khi Thi Ca thành Tôn Giáo” – Nguyễn Mạnh Trinh (nguồn thuvienhoasen.org.)

 

-(*****) VH-NN - Đăng lại bài viết của GS.Nguyễn Văn Trung về“Ông Phạm Công Thiện”(Thông Luận – 2007) - với lời dẫn : Việc ông Phạm Công Thiện phê phán kịch liệt GS. Nguyễn Văn Trung và thái độ im lặng khó hiểu của GS.Nguyễn Văn Trung được coi như một “nghi án” trong đời sống văn chương triết học của Sài Gòn trước 1975. Nhân ông Phạm Công Thiện mới qua đời, chúng tôi xin đưa bài viết của GS. Nguyễn Văn Trung viết cách đây mấy năm để làm rõ một vấn đề có liên quan, và cũng là “trả hết cho đời” những thị phi về một con người có ảnh hưởng lớn trong đời sống trí thức Sài Gòn trước đây.(http://www.khoavanhoc-ngonngu.edu.vn)

 

 

 

 

Phan Văn Thạnh
Số lần đọc: 808
Ngày đăng: 18.04.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tình yêu thương tộc người trong “Yao” của Lý Hữu Lương (*) - Nguyễn Tiến Nên
Cảm thức - Võ Công Liêm
Tháng Hai. Lấy mực ra và khóc! - Lê Đức Thịnh
Cảm nhận về vài địa danh ở vùng đất La Gi (Bình Thuận) khi đọc tập sưu khảo “La Gi đất xưa…” của Phan Chính - La Thụy
Nhà văn Nguyễn thị Hoàng - Niềm đam mê ngôn ngữ (phần 6) - Đỗ Nguyễn
Nhà văn Nguyễn thị Hoàng - Niềm đam mê ngôn ngữ (Phần 5) - Đỗ Nguyễn
Nhà văn Nguyễn thị Hoàng - Niềm đam mê ngôn ngữ. (Phần 4) - Đỗ Nguyễn
Nhà văn Nguyễn thị Hoàng - Niềm đam mê ngôn ngữ ( Phần 3). - Đỗ Nguyễn
Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng - Niềm đam mê ngôn ngữ (phần 2) - Đỗ Nguyễn
Đọc lại Hoàng Cầm - Nguyễn Đức Tùng
Cùng một tác giả
Tự khúc cuối năm (truyện ngắn)
Đà lạt & Tôi (tạp văn)
Tản mạn với CAFE (tiểu luận)
Trôi trong mơ (truyện ngắn)