Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.150
123.226.353
 
Gia tài của Võ Hồng
Nguyễn Lệ Uyên

 

Võ Hồng mất đi, không chỉ để lại một gia tài khá lớn, góp phần tô thắm cho dòng văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, mà hơn thế, ông còn được các thế hệ lớn nhỏ tôn kính, từ những học trò học trực tiếp với ông, các nhà văn cùng thế hệ, các nhà văn trẻ viết sau ông và cả những độc giả từng đọc các tác phẩm của ông… tạo thành một vòng đai ấm áp mà không phải nhà văn nào cũng nhận được.

Với học trò học ông từ thời kháng chiến chống Pháp gọi Thầy đã đành, nhưng những người không học với ông, khi tiếp xúc vẫn luôn xưng Thầy, em mỗi khi đến căn gác nhỏ 51 Hồng Bàng?

Rất dễ hiểu để nhận ra, từ thông điệp ông gửi gắm cho các bạn trẻ, đầy chất nhân văn: “Người yêu người, sống để yêu nhau” bàng bạc trong mọi tác phẩm. Điều này có thể lý giải bởi “cuộc sống đơn chiếc đeo đuổi Võ Hồng từ ngày vợ mất sớm, mái gia đình sum họp trở thành dĩ vãng xa xôi. Từ khi các con trưởng thành, lần lượt rời bỏ ngôi nhà sinh trưởng, cuộc sống của ông chỉ còn hiu quạnh. Vắng bóng vợ, xa cách con cái… Cuộc sống của ông càng quạnh quẽ trong ngôi nhà nhỏ” (www. vnthuquan.net) do vậy mà ông rất yêu mến các học trò nhỏ của ông, ông quý trọng bất kỳ ai đến số 51 Hồng Bàng có tấm bảng ghi “kéo dây gọi Võ Hồng” và 3 cái lon sữa bò leng keng rung lên (nó hiện diện từ đầu thập niên 1960s đến tận ngày ông qua đời!). Ông tiếp khách không theo phong cách các nhà văn lớn làm dáng, luôn tự coi mình là “chúa tể” văn học (chữ của Viên Linh) mà như ông già nhà quê giữ đúng mực lễ nghĩa chủ khách. Nếu như thay bộ pyjama hay bộ bà ba thường mặc ở nhà bằng chiếc áo dài khăn đóng, với đôi guốc mộc thì rõ ràng Võ Hồng là một thầy đồ còn sót lại ở cuối thế kỷ XX?

Với tình cảnh của ông lúc đó vắng bóng vợ, xa cách con cái, nên chi mối thân tình giữa ông với những người đến thăm viếng ông là điều dễ hiểu; bởi ông chịu nhiều mất mát trong đời sống: mất “một nửa” cuộc đời mình rồi, để có thể tưởng tượng các bạn viếng là các hình bóng xa xôi hiện lại gần hơn với  ông!

Chất dung dị, không màu mè đến dễ thương của ông khiến ai gần gũi hay tiếp xúc chỉ một lần đều lưu lại những ấn tượng khó phai. Nhớ năm 1967, khi học Classe Terminale Philosophie trường Võ Tánh Nha Trang, có lần tôi đánh bạo kéo chuông “lon sữa bò”, 3 phút sau ông bước xuống, mở nụ cười chắp hai tay “mời anh vào”. Ông đưa lên gác, tôi vừa kể về nhân thân của mình, vừa quan sát căn phòng nhỏ: không thể tưởng tượng nổi, nó bừa bộn những kim chỉ, lon ống, sách báo chen lẫn nhau trên chiếc giường to khổ. Sau này khi biết tôi có viết lách chút đỉnh, ông mở lòng và coi như người chung chiếu, không phân biệt lớn nhỏ, trước sau, nhất là năm 2005, anh em Thư Quán Bản Thảo quyết định thực hiện số đặc biệt Võ Hồng , đề nghị tôi về Nha Trang gặp ông và thưa trước. Hai thầy trò nói chuyện khá lâu. Ông hỏi TQBT có bán được không, độc giải đông không, phát hành ở HK hay nhiều nước khác…?  Cuối cùng ông ngỏ ý “qua muốn về thăm Phú Yên một lần”. Tôi trả lời Thầy cứ tĩnh dưỡng, khi nào thật khỏe chúng em sẽ đưa thầy về. Nghe nói, nước mắt ông như dân dấn. Sau đó ông lại hỏi “liệu qua có thể tặng những tác phẩm của mình cho thư viện Tuy An và các em sắp xếp giúp qua việc này, như một món quà để trả hiếu cho quê hương?” rồi ông miên man nói về làng An Thạch của ông, Tuy An của bà con, Phú Yên quê hương ông đã rời xa khá lâu (chỉ một lần duy nhất, đâu năm 1970, 1971 gì đó đi cùng Duyên Anh, Mai Thảo… ra Tuy Hòa thăm viếng anh em văn nghệ, và chỉ dừng lại tại đây, không xa hơn, không qua bờ sông Cái tuổi thơ ông!)

Như vậy, với ông, quê hương chỉ còn trong trí nhớ, tuy Nha Trang và Tuy An cách nhau một ngọn đèo và dặm đường dài hơn 130 cây số!,

Hơn nửa thế kỷ cầm bút, khởi đi từ truyện ngắn đầu tiên Mùa Gặt trên Tiểu thuyết Thứ Bảy, ông đã để lại cho kho tàng văn học VN hơn 30 đầu sách gồm truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, và một tập thơ mỏng… chưa kể những bài biên khảo về giáo dục.

Đề tài ông chọn cho những tác phẩm của mình là quê hương, là tình yêu của giới trung lưu học thức và sự lao dốc về mặt đạo đức của xã hội thời bấy giờ, mà cái trục là không gian rộng từ Tuy Hòa – Đà Lạt – Nha Trang; hiếm khi thấy bóng dáng chiến tranh trong tác phẩm, khiến cho thế hệ sau ông, bị ném vãi vào chiến trường đã lên tiếng: “Thành thật mà nói, hồi ấy tác phẩm của Võ Hồng ít để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí tôi… Bởi tác phẩm của VH ít đề cập thẳng  về chiến tranh, và những suy nghĩ, thao thức của một thế hệ mà nhà thơ Viên Linh cho là một thế hệ bị thiệt thòi” (Trần Hoài Thư – TQBT số 21, tháng 10/2005, chuyên đề về nhà văn Võ Hồng).

Có thật VH đã quay lưng lại với cảnh nhà cháy, bom nổ, những người dân chạy đạn như Trần Hoài Thư ngờ vực? Tôi thì không nghĩ vậy, khi đọc kỹ Người Về Đầu Non và nhất là truyện Bên Đập Đồng Cháy với cảnh người dân quê nháo nhào gồng gánh chạy giặc để thấy người dân quê lam lũ phải gồng gánh chiến tranh như thế nào? Bối cảnh trong truyện là làng quê chứ không phải bãi chiến trường ngập ngụa thuốc súng, và làng quê ấy, nhất định là quê ông với xóm Dương, Đồng Dài, với củ sắn, bụi duối… phải bỏ lại phía sau, khiến: “Bà Xự ngồi yên trên ngạch cửa, hai dòng nước mắt mắt lặng lẽ chảy dài trên gò má” (Bên Đập Đồng Cháy). Bối cảnh, nội dung của truyện này khó đoán ra nó xảy ra nào lúc nào, có thể khoảng nửa cuối thập niên 1960s, mà cũng có thể vào thời kỳ kháng chiến chống thực dân! (Nó cũng gần như Y Uyên, hầu như tất cả tác phẩm đều không có cảnh bom rơi đạn nổ, nhưng dòng nào, truyện nào cũng toát lên cái lạnh lùng, bi thương của chiến tranh hằn lên). Riêng Võ Hồng với chỉ một hai truyện khiến độc giả cũng thấy được bộ mặt chiến tranh nó hãi hùng như thế nào rồi.

Vả lại, Thế hệ Võ Hồng không ai có mặt ngoài mặt trận thì làm thế nào để bớt cái  ít đề cập thẳng  về chiến tranh như nhận xét của Trần Hoài Thư? Ngay cả đến những Mặc Đỗ, Võ Phến, Phan Du, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam… độc giả cũng khó tìm thấy chữ nghĩa có bóng dáng chiến tranh trong tác phẩm của họ? Đây cũng là trường hợp của Nguyễn Mộng Giác, thế hệ sau Võ Phiến, Sơn Nam... cũng đã phải mượn nguyên bản gần 150 trang của Cao Xuân Huy và Hoàng Khởi Phong viết về chiến tranh để đưa vào trường thiên tiểu thuyết Mùa Biển Động, khiến nhà phê bình văn học Đặng Tiến phải lên tiếng: “Nguyễn Mộng Giác dựa theo cuốn Ngày N của Hoàng Khởi Phong, một cựu sĩ quan quân cảnh ở Pleiku, và cuốn Tháng ba gãy súng của Cao Xuân Huy, cựu sĩ quan thủy quân lục chiến đóng tại Trị Thiên, dĩ nhiên là với sự đồng tình của hai tác giả. Dù sao, viết theo tác phẩm người khác, vừa được ấn hành, vẫn là một việc không nên, gây ra một tiền lệ phiền phức. Nguyễn Mộng Giác giải thích: «Tôi thiếu những kiến thức và kinh nghiệm cụ thể về quân sự [...]. Mỗi lần viết về chiến tranh là ngòi bút tôi trở nên gập ngừng, lúng túng.» (tr.1858). Lý do chính có lẽ còn vượt xa lời tâm sự và trường hợp cá nhân Nguyễn Mộng Giác. Văn chương Việt Nam, ở đâu cũng vậy, vẫn có những khu rừng cấm” (https://nguyenmonggiac.com/bai-viet-ve-nguyen-mong-giac/231-doc-sach-mua-bien-dong.html).

Và vì vậy, nhất định không thể đòi hỏi một nhà văn như Võ Hồng phải có trách nhiệm tham dự, dấn thân kiểu như Ernest Hemingway với Chuông nguyện hồn ai (For Whom the Bell Tolls)  hay Giã từ vũ khí (A Farewll to Armes)…

2. Với đề tài quê hương trong thơ văn, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đã được xây dựng dưới nhiều hình thức khác nhau và để lại cho hậu thế những áng thơ văn bất hủ: từ quê hương lưu đày của Tô Đông Pha đến Những vì sao của Alphonsse Daudet trong Contes du Lundi… nhưng hình bóng quê hương trong mỗi tác phẩm đều được sáng tạo theo một phong cách (styles) khác nhau. Chẳng hạn, quê hương của Nguyễn Tuân là hương vị của một bát phở, của Bình Nguyên Lộc là những con rắn, con rùa, là gát ong, hay Sơn Nam là con người và cọp cùng thưởng thức một vở tuồng hát bộ, mà trong đó các nhân vật đều tham dự như một vở kịch được phân hồi, thắt mở… khiến người đọc hồi hộp với tâm trạng háo hức theo ngòi bút của tác giả để khám phá!

 

Võ Hồng thì đủ cả, từ hương vị, hình ảnh, giọng nói chí đến những phương ngữ quê mùa của một vùng đất nghèo khó: “Dạ không. Em đi này ngọn để dặm vào vạt mía bị rầy áp” (Trầm mặc cây rừng). Này là phương ngữ của Bình Định, Phú Yên, chắc chắn độc giả sinh trưởng những nơi khác không thể hiểu nghĩa của từ này! Khi mô tả thị xã Tuy Hòa thập niên 1960s ông ví đường sá ngay ngắn, thẳng đuột như khung xương con cá liệt. Rồi, đến cái bánh bèo Tuy Hòa cũng khác với những nơi khác: bánh màu trắng sữa, làm nổi bật lớp nhưn vàng đậu xanh và lá hành hẹ xắt nhỏ ở giữa, nhất là lớp mỏng tôm chà bông màu đỏ nổi bật lên…

 

Cuộc đời của ông là ngòi bút và trang giấy để trả nợ quê hương từng nuôi dưỡng ông. Và ông tiếp tục viết. Viết vì những cảm xúc không thể dằn lòng, viết vì trách nhiệm trước ngòi bút như ông đã từng viết và người đọc đã từng khóc với những trang sách của ông (Một Bông Hồng Cho Cha, Áo Em Cài Hoa Trắng…) chứ không viết bằng thái độ dứt khoát bên này bên kia như nhiều nhà văn miền Nam thời bấy giờ. Điều này khiến nhà phê bình Đặng Tiến nghi ngờ Võ Hồng có thái độ “dửng dưng, vô tích sự như thế là việc lạ, vì đồng hương Khu Năm với ông phần đông là những người có ý chí, lập trường, động cơ chính trị mạnh mẽ, thậm chí quá khích, không chống bên này thì chống bên kia. Thái độ ngoại cuộc của ông không được lòng cả hai phe đương chiến, cả độc giả dấn thân, nhưng ngày nay, lại là chứng từ khách quan quý hiếm. Điều này giải thích địa vị của Võ Hồng trước và sau 1975”. (https://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/hoai-co-nhan-vo-hong).

Những lần được hầu chuyện ông trên căn gác nhỏ bừa bộn sách báo, mền gối, bút mực, chén đũa, bàn ủi, lược gương, kim chỉ… bày la liệt, tứ tung như gánh hàng xén trong phiên chợ quê cuối ngày (ông ngồi trên chiếc ghế đẩu long chân, khách tự tìm chỗ ngồi), bình thản nhắc lại “khu Xóm Mới hồi đó toàn cát, gai bàn chải, lộn xộn mà êm”, hỏi thăm Lò Gốm quê ông còn hay mất. Và rồi ông nhắm mắt lại: “Suốt cuộc đời tôi, chỉ có một tâm niệm duy nhất là trả được Hiếu cho quê hương qua từng trang sách. Tôi còn nợ quá nhiều, tôi sẽ cố gắng ”. Ông nhẫn nại làm công việc đó bằng thứ ngôn ngữ đặc sệt nhà quê của quê hương ông.

 

Lấy bối cảnh cho một cốt truyện, ông cũng đưa vào tên làng tên xóm nơi ông từng sinh ra và lớn lên và rời xa nó; chọn tên một nhân vật, ông cũng tìm những cái tên chơn chất cha mẹ đặt cho bạn bè ông thời thơ ấu. Ông mang tất cả vào những trang sách với niềm vui tột cùng, bởi Nha Trang-Tuy Hoà chỉ cách một ngọn đèo nhưng với ông nó thăm thẳm, khiến tâm can luôn cồn cào, nao nao để hoài nhớ, để thổn thức…

Ta hãy nghe những dòng chữ mang nỗi lòng của ông: “Từ quê tôi ở Tuy Hoà, tôi mang ruột nghé gạo đi ra Tuy An để theo học trường Lương Văn Chánh. Đi bộ bốn mươi cây số, từ nhà ra tới Định Trung, xã An Định, nơi mở trường. Khi ra đi, tiền túi còn đầy, có hồi tôi cao hứng leo ngồi xe ngựa. Lọc cọc… Lọc cọc… Vút!… Trót!… Rầm rầm… Lịch kịch. Đường cái bị phá hoại, đồng bào được huy động đào xới, có đoạn vết đào chạy xiên xiên, sóng sóng nhau, rất ngay ngắn, rất mỹ thuật, như cái xương cá. Có đoạn thì hăng quá, hốt gọn luôn một quãng, phi tang biến mất tiêu, khiến lòng đường còn sâu hơn mặt ruộng xung quanh. Và nước đọng thành ao. Cỏ gấu, cỏ mực, cỏ may, cỏ chỉ… rau chóc, rau sam, móc mèo, móc ó… vội vàng xâm chiếm, xây dựng thành an toàn khu. Và khi hoàng hôn xuống thì biến thành hội trường cho ễnh ương toàn vùng hoà tấu” (Những Ngày Lương Văn Chánh).

Trong truyện ngắn Bên Đập Đồng Cháy (được cả độc giả và giới phê bình thời bấy giờ đánh giá là truyện ngắn đặc sắc nhất, cảm động nhất) mô tả cảnh những người dân quê lam lũ, nghèo khó gồng gánh nhau chạy giặc ở quê ông trong cuộc chiến khốc liệt (không rõ thời kháng Pháp hay trước năm 1975?), mà nghe chừng như chính ông cùng gồng gánh chạy theo những bà Xự, trùm Đẹt, bà thủ Hai…. Những hoảng loạn của họ chính là nỗi hoảng loạn của bản thân ông: “Đã đến nước cùng rồi, đã đến mức chót rồi, không còn trì hoãn được nữa. Bà con lối xóm đi đâu hết. Vơ vét gạo củi, đùm túm quần áo đi hết. Lùa bò, dắt trâu đi hết. Quẩy lúa gánh đường đi hết. Trên xóm Dương không còn tiếng người nói. Dưới Đồng Dài không có tiếng gà gáy trưa.Bà Xự ngồi yên trên ngạch cửa, hai dòng nước mắt lặng lẽ chảy trên gò má”.

Cái làng quê thất thần giữa sự sống và cái chết mà ông mô tả, dường như người đọc có thể bất gặp bất kỳ nơi làng quê nào trong cảnh chiến tranh tương tàn trước đây. Nhưng khi đọc đoạn mở đầu của truyện, người đọc dễ nhận ra những giọt nước mắt lặng lẽ chảy trên gò má của bà Xự, đấy chính là giọt nước mắt tủi cực của ông. Rồi ông lại để cho nhân vật bà Xự thay ông làm cái việc mà ông không thể làm được, luôn có mặc cảm như người quay lưng lại với quê nhà, một thứ mặc cảm luôn dày vò ông mỗi khi có dịp thố lộ với người quen thân: “Tôi không còn đủ sức để chống chọi. Cho tôi an nghỉ. Tôi sẽ không về ở trên xóm, tôi sẽ về ở cái chòi tranh giữ bắp nhỏ trên doi đất này, nơi đó tôi đã gặp chồng tôi, ngày xưa. Tôi sẽ sống lây lất với củ lang củ mì, với rau má rau dền, với hến với ốc. Thôi, bà con đi đi. Chúc bà con mạnh giỏi. Cho tôi ở lại. Không, xin cho tôi ở lại. Tội nghiệp thân tôi. Tôi đã” (Bên Đập Đồng Cháy).

 

Trong hầu hết các tác phẩm của mình, Võ Hồng luôn nhắc đến quê hương Phú Yên, lúc thì tan nát khói lửa, khi thì trong trẻo tuổi thơ. Ông luôn hoài nhớ với nhiều tâm trạng khác nhau, như cái cớ để được giải bày, thương nhớ xa gần. Lùi chút xíu về quá khứ thuở thanh bình, thì vùng quê Tuy An, Phú Yên, của ông là những cánh đồng trải dài, nước lấp xấp, là những ngọn núi xanh lơ, là những dòng sông, chiếc thuyền nan cùng cái xóm nghèo nàn với những bà con nghèo đến xác xơ: “Tôi thương yêu cái xóm nhỏ của tôi, con đò bằng nan tre chèo qua lại trên dòng sông, những người láng giềng nghèo nàn. Tôi thương yêu những đứa trẻ chăn bò vốn là bạn chơi đáo, chơi bi…” (Hoa Bươm Bướm).

Ông luôn nghĩ về họ, những số phận hẩm hiu, bị trói buộc trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất của thời chiến, và điều đó khiến ông day dứt, bắt ông phải nghĩ về họ, làm được điều gì đó để mọi người bớt cảnh cơ cực. Tuy nhiên ông không phải là triệu phú theo nghĩa thông thường để ra tay cứu vớt, ông chỉ có tấm lòng và triệu phú chữ nghĩa để nghĩ về họ, những thân phận bọt bèo trong guồng máy chiến tranh phi nghĩa, bạo tàn đè nghiến đến xác xơ, vật vờ: “Biết bao nhiêu bà con khác ở quê tôi phân tán đi đến miền nào tôi chưa biết hết. Giống như những mảnh giấy vụn bị gió lốc cuốn đi, có mảnh bay xa, có mảnh tấp gần, trên các chặng đường ra vô lên xuống họ đều hiện diện. Và xơ xác như những mảnh giấy” (Khoảng Mát).

Tại sao nhà văn lại thiết tha với quê hương đến như vậy? Phải chăng là chữ Hiếu phải đền đáp như ông vẫn thường tâm sự, hay đó là một khoảng trống của sự mất mát quá lâu, quá dài để cảm thấy mình là người ngoại cuộc, không có mặt để sẻ chia những đau khổ với đồng bào từng là bạn ông thời nhỏ? Nửa thế kỷ trước đây, trả lời phỏng vấn của tạp chí Văn, ông đã hé lộ những dằn vặt xót xa không cùng của mình đối với Phú Yên, với Tuy An, An Thạch, với Gò Duối, Đồng Dài, Phong Thăng, Long Hoà, Đồng Miếu… và nhiều nơi khác nữa: “Nếp sống của quê tôi chưa hề được một nhà văn nào nhắc đến… Thế hệ của chúng tôi bị chiến tranh tàn phá quá nhiều, một số lớn đã chết, những nếp sống cũ bị lần lượt xoá đi, thay thế bằng nếp sống mới. Tôi nghĩ rằng nếu tôi dâng trọn cả cuộc đời của tôi để dựng lại cái Dĩ vãng đó cũng vẫn còn chưa đủ… Vậy viết về những kỷ niệm Dĩ vãng tôi nhằm vào việc lấp một cái hố trống. Tôi muốn các thế hệ đàn em có dịp thiết tha gắn bó với quê hương hơn,,,” (tạp chí Văn số 299 ngày 1.9.1972).

Ông sống đúng vào hai thời kỳ chiến tranh cao độ nhất: một giành độc lập và một giải phóng đất nước, hiểu rất rõ về xã hội, về sự phân hóa, xuống cấp mọi mặt của đời sống, nhưng không bi phẫn gào lên, không buồn nôn, chẳng đứng về phe nào; chỉ nêu lên thực trạng bi đát của xã hội. Độc giả dễ dàng nhận ra điều này khi quyển tiểu thuyết Thiên Đường Ở Trên Cao khởi viết từ 1972, đã trích đoạn đăng trên tập san Văn và mãi đến 1978 mới cho xuất bản, là lời cảnh báo nghiêm túc về tình trạng ma túy đang tấn công vào giới trẻ, hủy hoại thân xác và tương lai của cả một dân tộc!

Cũng vậy, trước đó, khi Mỹ tham chiến cùng đồng minh, đạn bom cày nát xóm làng khiến hàng triệu nông dân phải tản cư lên những vùng an tòan, mọi trật tự xã hội bị đảo ngược, phải cố bám víu vào bất cứ cái gì có thể để nuôi sống bản thân và gia đình. Trong Khoảng Mát vẽ ra đôi trai gái yêu nhau, nhưng chiến tranh đã đẩy Huệ vào con đường phải làm đĩ, sau lấy chồng Mỹ; còn Bân con ông thông phán, cháu nội một lãnh binh phải làm nhân viên sở rác để  mưu sinh, tình cờ gặp nhau: Bân khai “Anh làm… lăng nhăng. Chả ra chi. Mình chạy tản cư đến chỗ lạ, may có việc làm ăn là quý rồi” . Và Huệ thì thay đổi hẳn tính cách, sống buông thả, chạy theo kim tiền và chê quê nhà “chật hẹp như cái đáy lò, như cái vũng nước”.

 

Khi Mỹ dồn dập đổ quân vào, thì xã hội miền Nam càng bị đảo lộn, bị đồng mỹ kim hủy hoại mọi giá trị đạo đức, văn hóa vốn dĩ được nuôi dưỡng, nâng niu gìn giữ trước đó đến mức phi nhân bản. Gió Cuốn đã để lại những hình ảnh nhức nhối trong tâm trí người đọc, tưởng chừng như đang bước vào thế giới âm binh, ma quỷ chỉ vì cái ăn và cuộc sống. Nhàn rồi Huệ đi làm sở Mỹ. Thuyên chồng Nhàn một trí thức thời đại sau khi bỏ vợ thì chạy theo Kiều Nga một vũ nữ nhan sắc và hái tiền như nước. Từ một trí thức, từng có cái nhìn sâu sắc về cuộc sống, về mối quan hệ giữa người và người, Thuyên bắt đầu cảm thấy nhục nhã vì thiếu tiền, căm thù cảnh nghèo khổ và lợi dụng Nhàn như một phương tiện mưu sinh. Nhưng cuối cùng, tất cả đều tan vỡ. Dấn sâu vào bùn nhơ, rồi Nhàn cũng nhận ra, quay về quê nhà với mẹ và triết lý vụn: “Thành phố làm con ghê sợ. Con muốn sống đơn giản bằng gạo giã, bằng rau, bằng cá đồng, bằng tương…Thành phố thúc đẩy con người đua đòi và con người biến thành những hình giấy chạy quuanh ngọn đèn cù” (trg 294).

 

Khi viết về đề tài xã hội, vô hình trung, ông rơi vào loại tiểu thuyết luận đề! Nói cho cùng thì điều này cũng dễ hiểu, bởi ông là một nhà giáo có lương tâm, luôn lo lắng về sự tan vỡ, phân hóa của thế hệ trẻ như ông từng trả lời phỏng vấn của Nguyễn Nam Anh trên tập san Văn số 209 ra ngày 1/9/1972 được Võ Phiến dẫn lại trong Văn Học Miền Nam, phần tổng quan! Trước sau, thì “điều làm ông lo lắng nhất đó là cái tinh thần của lớp trẻ sau này, của các thế hệ đàn em. Ông đã than thở với Nguyễn Nam Anh: Nếu tôi không mô tả một người đàn bà bưng rổ đi chợ chẳng hạn thì ông nghĩ xem người thanh niên hôm nay có thể tưởng tượng ra được không? Bây giờ ở nông thôn, chị nông dân nào đi chợ cũng xách giỏ bằng nhựa. Nguyên một cái rổ đã thế, huống chi bao nhiêu chuyện khác trong cuộc sống cũ đang bị mất đi nhanh chóng: Thế hệ chúng tôi bị chiến tranh tàn phá quá nhiều… những nếp sống cũ lần lần bị xóa đi, thay thế bằng nếp sống mới. Tôi nghĩ rằng nếu tôi dâng trọn cả cuộc đời tôi để dựng lại cái Dĩ Vãng đó cũng vẫn chưa đủ… Tôi muốn các thế hệ đàn em có dịp để thiết tha gắn bó với quê hương hơn. Rõ ràng việc ông làm nhằm mục đích giáo dục. Đó là sứ mênh văn nghệ của ông” ( Võ Phiến, Văn Học Miền Nam, tổng quan, trg 326).

  

3. Võ Hồng là nhà giáo viết văn, do vậy văn phong và nội dung cẩn trọng, chừng mực khó tìm thấy một truyện nào, thậm chí một đoạn, một câu nào trong truyện của ông phóng túng, bay bổng như những bạn văn cùng thời: Võ Phiến trong Đêm Xuân Trăng Sáng hay Nguyễn Mạnh Côn với Mối Tình Cao Thượng! Sự mực thước trong tình yêu giữa chàng và nàng trong hầu hết các truyện ông viết về tình yêu có vẻ giống với tính cách Vân Tiên và Nguyệt Nga vốn rất được yêu chuộng với người dân Nam bộ! Các nhân vật của ông không còn trẻ, khoảng trên dưới ba mươi, thường là công chức, là thầy cô giáo cũng yêu nhau tha thiết theo dung dịch sinh học và rồi ông cho dừng lại, không tiến xa hơn như một sinh phẩm trong ống nghiệm ở phòng thí nghiệm, thể hiện rất rõ trong Hoài Cố Nhân, Trầm Mặc Cây Rừng hay Hoa Bươm Bướm. Ví dụ một đoạn ngắn sau đây trong Trầm Mặc Cây Rừng: “Tôi muốn đổi hết tất cả để lấy một căn nhà tranh sơ sài có bức tường đất trét màu vàng, có vuông sân nơi đó có một cây xoài quý, có người yêu dịu dàng là Thịnh, dòng suối mát của tôi, niềm an ủi của tôi, bàn tay Thiên thần nơi tôi gục vầng trán nhàu nát ưu tư” (trg 125). Vòng lễ giáo chính ông đặt ra cộng với những tố chất rụt rè, ươn yếu trong hầu hết các nhân vật nam, khiến độc giả có cảm giác như bị nhà văn “lừa dối”. Cao Huy Khanh nhận xét rằng: “…mẫu nhân vật đàn ông chuyên môn ngồi một chỗ, bất động và lặng lẽ, mà vác mặt ngó đám người tình yêu dấu của mình hết người này đến ngưới khác lũ lượt bỏ nhau đi lấy chồng” (Giai phẩm Văn 1974). Đó là những Hoàng Gia Lý (Hoài Cố Nhân), của Diệp (Ngày Xưa), của Sơn (Lá Vẫn Xanh)… Tất cả họ, các nhân vật nam trước tình yêu luôn để lộ ra lỗ hổng: yếu đuối, bất lực, buông xuôi, đầu hàng trước số phận, chưa thấy ông xây dựng nhân vật nào bộc lộ rõ chất nam tính để xấn tới, chiếm giữ, sở hữu thậm chí chiếm đoạt làm của riêng, để cuối cùng phải âm thầm chịu đựng mọi đau khổ của cuộc tình tan vỡ do chính mình gây ra.

Đọc truyện tình của Võ Hồng nó đều đều, có không khí lành lạnh nhẹ nhàng buổi chớm thu, bằng phẳng, đều đều của không khí Tự Lực Văn Đoàn mấy mươi năm trước: “Người con gái của thôn Diêu Viên quê mùa mà giờ đây mỗi lần âm thầm nghĩ đến là tâm hồn tôi chợt thấy man mác nhớ và buồn…” (Trầm Mặc Cây Rừng), khác xa với những hừng hực, nồng cháy dữ dội của Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng; đặc biệt nhà văn nữ xuất hiện sau Trần Thị NgH thì lột truồng tình yêu ra sàn nhà! Hai thế hệ trước sau chưa mười năm nhưng lại có một khoảng cách khá xa khi xây dựng hành động, tâm lý các nhân vật cho tác phẩm? Không hẳn Võ Hồng không theo kịp thời đại, khi văn chương phương tây bắt đầu tràn ngập miền Nam với nhiều trào lưu tư tưởng khác nhau: từ lãng mạn, hiện sinh, tượng trưng, đa đa đến siêu thực … Và nhận xét như Đặng Tiến là “ông không màn đến”, nhất là giữa thập niên 1960s, ông và nhà tư tưởng Phạm Công Thiện rất thân nhau, nhưng ông không xem trọng Hố Thẳm Của Tư Tưởng, Ý thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học chỉ thích mỗi câu thơ bột phát PCT viết ở chùa Hải Đức Nha Trang rồi mang tới tặng ông: “Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn/ cây khế đồi cao trổ hết bông”, để thấy rằng ông luôn là một nhà giáo đúng mực, lại là nhà giáo viết văn!

Tóm lại, Những gì nhà văn Võ Hồng để lại cho dòng văn học VN cuối thế kỷ XX là đáng trân trọng, dù không đồ sộ, chỉ khoảng trên dưới 40 tác phẩm, nhưng đó là dòng văn chương nhân bản…

Xin mượn phần kết của nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Vy Khanh viết về Võ Hồng, nhà giáo để kết thúc tham luận này: “Trong thời chiến tranh và phân chia đất nước cũng như gần hai thập niên gần đây, tác phẩm của Võ Hồng lúc nào cũng được trân quý, chứng tỏ chúng thật có giá trị tinh thần và lịch sử và đã trải qua được sàng lọc của thời gian. Ông đã là nhà văn lớn của hậu bán thế kỷ XX, bề thế văn nghiệp của ông lớn không phải ở những triết lý, học thuyết có thể đề xướng trong tác phẩm, mà là ở sự già dặn, phong phú và chân thật của tác giả…Ở một đất nước như VN đã nhiều truân chuyên, đau khổ, có thể nói tác phẩm của Võ Hồng là một phần văn hóa Việt cũ đã ra đi không bao giờ  trở lại… Phải chăng, sau một thời liên tục chiến tranh, phân ly, loạn lạc, sai lầm con người sống sót và hậu sinh của họ muốn vớt vát lại phần nào những đạo lý, văn hóa đã bị rẻ rúng?” (Nguyễn Vy Khanh, Văn Học Miền Nam 1974 – 1975, quyển hạ, Toronto, Canada 2016, Trg 1457)

Trân trọng,

 

 

 

Nguyễn Lệ Uyên
Số lần đọc: 509
Ngày đăng: 28.04.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bản trường ca huyền mặc khởi sinh từ loài hoa thiêng - Tống Phước Bảo
Lý thuyết văn chương - Võ Công Liêm
Phạm Công Thiện - “Bay đi những cơn mưa phùn” - Phan Văn Thạnh
Tình yêu thương tộc người trong “Yao” của Lý Hữu Lương (*) - Nguyễn Tiến Nên
Cảm thức - Võ Công Liêm
Tháng Hai. Lấy mực ra và khóc! - Lê Đức Thịnh
Cảm nhận về vài địa danh ở vùng đất La Gi (Bình Thuận) khi đọc tập sưu khảo “La Gi đất xưa…” của Phan Chính - La Thụy
Nhà văn Nguyễn thị Hoàng - Niềm đam mê ngôn ngữ (phần 6) - Đỗ Nguyễn
Nhà văn Nguyễn thị Hoàng - Niềm đam mê ngôn ngữ (Phần 5) - Đỗ Nguyễn
Nhà văn Nguyễn thị Hoàng - Niềm đam mê ngôn ngữ. (Phần 4) - Đỗ Nguyễn
Cùng một tác giả
Nhớ…. (truyện ngắn)
Chiếc ly vỡ (truyện ngắn)
Cha con và chị và em (truyện ngắn)
A lô... Tôi xin lỗi (truyện ngắn)
Nhan sắc (truyện ngắn)
Bão xa (truyện ngắn)
Vợ chồng già (truyện ngắn)
Thở dài (truyện ngắn)
Từ mái trường xưa (truyện ngắn)
Sông xa (truyện ngắn)
Buổi sáng mát mẻ (truyện ngắn)
Sông chảy về núi (truyện ngắn)
Cưới vợ ăn tết (truyện ngắn)
Đồng làng (truyện ngắn)
Mưa trên sông ĐăkBla (truyện ngắn)
Lá thư bỏ quên (truyện ngắn)
Vòng trắng (truyện ngắn)
Về Tuy Hòa (truyện ngắn)
Bóng Nắng (truyện ngắn)
Cả làng hát karaoke (truyện ngắn)
Hương Cau (truyện ngắn)
Về Làng (truyện ngắn)
Mùa Tết (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Chân dung tự họa (truyện ngắn)
Nhân dân ơi, xin chào (truyện ngắn)
Lên Non Hái Trái (truyện ngắn)
Những Kẻ Căm Lặng (truyện ngắn)
Buổi Sáng Trong Làng (truyện ngắn)
Còn cọng rau dền (truyện ngắn)
Chìm Sâu Xuống Đáy (truyện ngắn)
Văn Hoá Đọc, (tạp văn)
Đĩ Xược (truyện ngắn)
Vàng Bông Vạn Thọ (truyện ngắn)
Tàu Khuya (truyện ngắn)