Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.155
123.224.950
 
Võ bằng hữu
Đỗ Nhựt Thư

 

                                     Tặng VTH.

 

 

            Võ thân với tôi từ khi cùng học trường Sư phạm.

   Hình như quý thầy lúc ấy khi thi vấn đáp để nhìn, nghe, kiểm tra từng người trong việc tuyển vào trường đã khiến cả khóa trên 100 anh chị em hầu hết là người nhân hậu, có trình độ nhất định và nhất là có một chút sĩ.

    Năm thằng thân nhau: một ông to nhất là Phó một ban tỉnh ủy, một ông là đại gia tận Quảng Ngãi, ông ở Tam Kỳ thì nghèo và bị bệnh mất khi mới 50, tôi thì dạt sang ngang cầu đường, chinh nam phạt bắc trên 30 năm, còn Võ: hắn có cha tập kết; tôi tưởng nó gặp thời sẽ lên cao nào ngờ …

    Sau 1975 lưu lạc mỗi đứa mỗi nơi, bặt tin nhau từ ấy. Năm 1992 chuyển về thành Kỳ tôi mới gặp lại 2 ông. Còn Võ, về hưu mới gặp lại, cùng nhâm nhi cà phê rỉ rả nhiều lần mới biết đời nhau.

 

            Năm 1976 Võ đã là Hiệu phó một trường cấp 2 một xã bên kia sông, đường công danh tưởng như rộng mở. Năm 78 khi xét kết nạp, ông phụ trách tổ chức chỉ phán một câu: “Ông không phải là họ Võ, cha ông mang họ Thái, ổng là con nuôi của lão người Hoa và từng làm việc cho bọn Bảo Đại.”

   Chết không? Lại đang lúc việc ngoại giao với Trung Hoa đang sóng gió.

   Gã này cùng lứa tuổi nhưng từ xã vùng ven nhờ công lao mà lên, từng học lớp bổ túc đặc biệt dành cho các công thần mà số bạn của Võ tham gia việc giảng dạy. Xem xét nhân thân của các anh chị trong tiêu chuẩn của tổ chức và số đối tượng thì Võ có bằng cấp hạng nhất lại có cha từng công tác cấp cục ngoài Hà Nội; nhưng tính Võ vốn sĩ nên cứ ngang ngang không xun xoe nịnh bợ nên bị họ không ưa; họ ưu tiên những người cùng xã kháng chiến. Cũng phải: họ trực tiếp chiến đấu, gian khổ cùng cực, sống chết trong gang tấc trong lúc Võ sung sướng cắp sách dung giăng đến trường, lại nữa là Võ chẳng có nhận thức đấu tranh giai cấp, thương người quá độ, không cho là bọn nhà giàu nhờ bóc lột mà nên. Vì mẹ gã từng bảo: “Xóm mình ai kha khá đều là biết lo buôn bán, làm ăn, họ thức khuya dậy sớm, họ còn cho mình mua chịu khi có tiền thì trả. Mẹ cũng từng  tham gia công tác hồi trẻ bên quê, cơm là nhờ mấy nhà trung nông ủng hộ lúa gạo, thuốc thang, tiền bạc là do mấy nhà buôn bán ủng hộ, chẳng thấy bị bóc lột, phản động chi cả.” Nhưng việc kết nạp của Võ phải dừng lại.

             Võ chỉ biết cha tập kết năm 1954 khi mình mới chập chững. Bao năm tảo tần lam lũ mẹ nuôi Võ nên người, dấu biệt cái tung tích có cha ở phía bên kia. Khi còn nhỏ bao lần hỏi mẹ bà chỉ nói là cha con đã mất. Lại thấy mấy lần bọn an ninh kêu bà lên xét hỏi: “Ông họ Thái này là gì của gia đình bà? Hắn là một mắc xích trong đường dây tình báo của Cộng sản được gài vào làm nhân viên tòa tỉnh, biết bị phát hiện đã kịp trốn thoát. Mẹ!” Bà chỉ bảo: “Chồng tôi họ Võ, cái ông họ Thái là ai tôi đâu có biết.”  

    Ông kể với bà: mới 12 tuổi tổ chức đã cho ông vào làm con nuôi một ông Hoa kiều họ Thái ở tỉnh lỵ có thân thế với các quan trong tòa tỉnh, được ông này cho đi học và khi lớn ông ấy đã chạy cho ông vào làm việc trong toà hành chính tỉnh Nam những năm đầu 1950.

            Đất nước thống nhất, bà mừng như được vàng, người tươi trẻ lại, xốn xang hy vọng, từng ngày nôn nóng ngóng chồng. Võ được mẹ nói thật về cha mình, gã tự hào và nôn nao không kém. Từng ngày qua, từng ngày qua,… nó đốt dần niềm hy vọng thiêng liêng cháy bỏng của mẹ con bà, rồi hết năm 75 vẫn bặt vô âm tín, bà tìm hỏi cũng không ai biết. Đợi chờ mòn mỏi bà bán mấy cây vàng dành dụm cả đời ra Bắc hỏi tin chồng, dò tìm từng địa chỉ. May mà cũng lần mò ra điểm đầu tiên, họ hứa sẽ giúp bà.

    Mãi 2 năm sau mới có thư báo là chỉ biết loáng thoáng về ông sau khi tập kết năm 1954, đã mất năm 1974 nhưng lại mang họ Vũ, là cán bộ ngành Thể thao quân đội. Thế nên rắc rối quá, vì hoạt động cách mạng ông có đến 3 họ, có thánh mới lần ra được nhân thân vì sự lưu tán của các tổ chức, sự vô cảm của con người. Thời gian hoạt động trước đó ở tòa tỉnh chỉ biết sơ sài, đường dây ấy đã vỡ từ vụ bị lộ năm 1953 ấy, chỉ có mấy người biết giờ chẳng biết họ ở nơi đâu, còn sống hay đã chết, không ai xác nhận được việc ấy. Và vì thế đời gã bạn tôi gặp nhiều trắc trở. 

    Sau đó Võ chưa được kết nạp và chuyển về phòng làm nhân viên một tổ chuyên môn. Anh chị em ở phòng nhiều phần e ngại, xa cách.

  • Buồn lắm ông ơi! Lão bảo.

             Tổ chức tỉnh sau 15 năm đã xác minh chứng nhận nhân thân cho cha Võ, đúng là gốc ông họ Võ ở xã bên kia sông, tham gia cách mạng từ năm 1945 và có thời gian hoạt động tình báo ở tòa tỉnh, tập kết năm 1954 nhưng ông mất vì bệnh nên gia đình chỉ hưởng chế độ tử tuất, số tiền còm cỏi không đủ cho người vợ thủy chung ăn được 10 ngày. Ừ, đất nước mình nghèo rớt lại quá nhiều liệt sĩ, thương binh, người có công,…; lại đang lo cho nước bạn còn bị bọn phía Bắc đánh đấm xâm chiếm, lại bị Mỹ cấm vận, được công nhận là vui rồi, bao nhiêu người còn đói khổ.

    Võ kể: “Năm 2000 kinh tế khá lên, nhà nước có chế độ cho cán bộ thời chống Pháp được nhận 50 triệu, gia đình mừng lắm, gần 10 cây vàng chứ ít đâu, mong có tiền để mua miếng đất cắm dùi và thờ ông cha. Làm hồ sơ đủ thứ rồi ngóng mãi, ngóng mãi ... Hơn 7 năm sau mới được nhận, giá trị chỉ còn hơn 3 cây, cũng may cộng vào số tiền bà mẹ và vợ chồng tôi dành dụm, mua được miếng đất trong hẻm ni, xây ngôi nhà lợp tôn này.”

    Nhìn ngôi nhà cấp 4 lợp tôn của Võ tôi cố nén thở dài. Vợ chồng đều là giáo viên, một thời khó thiếu, nay được trên tính nâng cao thu nhập thì đã về hưu. Tội. Lão ngậm ngùi:

- Buồn nhất là những cái Tết, người của các đơn vị sản xuất kinh doanh được tiền thưởng, rồi quà; giáo viên bọn tôi thì được ứng lương tháng sau,’nghèo cũng ba ngày Tết’  nên phải lo đủ thứ nát cả ruột, ra giêng phải dưa mắm cầm hơi cho qua tháng ấy.

    Tôi ray rứt, lão lại thở dài: - Lúc ấy nghèo khổ quá phải tranh thủ đạp xe thồ lúc rãnh rỗi, bán sức lao động kiếm thêm ít tiền nuôi con. Chở mấy bà chạy chợ là mẹ của học sinh mình, chúng biết, thế là giá trị người thầy gần như mất hết trong mắt chúng, coi thường mình ra mặt, sau khó quá nhiều người phải dạy thêm, đặt nặng chuyện tiền bạc, dần dần không còn được ‘tôn sư trọng đạo’ như xưa nữa.

   Tôi cũng thở dài: - Vì lúc ấy thành phần trí thức giá trị bị đặt ở cuối bảng, lao động cơ bắp làm ra sản phẩm giản đơn hữu hình được đề cao. Hì … Sĩ bị đánh đổ, khí tiết triệt tiêu, hà … rồi sẽ sinh ra toàn bọn ham mê danh lợi nên xu nịnh, đó là nguy cơ của đất nước. Và ..., nếu lãnh đạo không phải là Sĩ thì không hiểu dân tộc sẽ đi về đâu? Vì mất sĩ khí thì chẳng còn biết nhục vong quốc.

            Nhưng đời Võ còn long đong nhiều. Về phòng làm được ít ngày, một sáng ông tổ trưởng bảo gã: - Ông đến sớm 15 phút lo bàn trà cho anh em đọc báo.

   Võ phừng mặt: - Tôi không phải là nhân viên phục vụ cho mấy ông.

   Chả là sáng nào mấy ông cũng trà lá, điếu đóm khề khà, rồi đọc báo, công việc vô thưởng vô phạt, làm không ra làm, chỉ ngồi đọc gọi là nghiên cứu chủ trương chính sách, chế độ, thi thoảng xuống kiểm tra các trường một cách oai quyền hoặc hoạnh họe khi lãnh đạo nhà trường lên làm việc. Lương tâm Võ cắn rứt, ngán đến tận cổ, muốn xuống trường làm một anh giáo viên quèn mà hữu ích hơn.

   Võ xin và được đưa xuống trường làm giáo viên thật, nhưng là giáo viên môn Thể dục trái sở trường, môn Văn lâu nay Võ dạy gã thường diễn giải theo cảm tính không đúng với giáo trình, hậu quả là khi thi học kỳ một nửa học sinh không đạt điểm 5 đã ảnh hưởng đến thành tích chung của lớp, của trường.

  • Lại buồn. Lão ủ rủ.

            Sau đợt xác minh lần thứ 7 năm 2003 ấy gã được tổ chức bảo làm hồ sơ xin kết nạp. Anh bí thư chi bộ trẻ làm việc với thái độ kẻ cả, ban ơn. Gã đã 50 – ‘ngũ thập tri thiên mệnh’. Võ lạnh lùng cảm ơn và đi thẳng.

- Hà … nhờ thế mà về hưu lại sướng nghe ông. Lão bảo: - Khỏi lo công tác xã hội tại địa phương, khỏi phải họp - họp suốt mà làm có ra mẹ gì đâu. Nước mình nghe nói là thua cả Lào, Kampuchia rồi.

 

               Lão thở hắt ra, cả bọn thở dài. Trời mùa xuân đẹp quá; nắng vàng, mây bạc, mấy chậu hoa vẫn đẹp nao lòng và đang cợt đùa cùng làn gió nhẹ.

                       Trọng xuân,  BT - 2016

 

Đỗ Nhựt Thư
Số lần đọc: 563
Ngày đăng: 10.06.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hạ Long du ký - Phan Ngọc Anh
Chiến tranh, ở loài người - Nguyễn Hàng Tình
Quan hộ đê bắc thành Lê Đại Cang - Nguyễn Anh Tuấn
Cơm gà - Hoàng Xuân
Dọc đường văn nghệ (Phần 84) Hải Thụy, nhà thơ giang - hồ - văn - nghệ thực sự dễ thương - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (Phần 82) Trường Thi, sự nghiệt ngã của một người làm thơ - Trần Dzạ Lữ
Tháng Tư, Lê Đạt - Nguyễn Đức Tùng
Một thoáng Hồ Thác Bà - Phan Anh
Hải hành mùa đại dịch 10 - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Dọc đường văn nghệ (Phần 81) Cao Nhật Quyên, những trăn trở của nhà thơ xứ Ninh Hòa – Khánh Hòa - Trần Dzạ Lữ