Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.113
123.229.283
 
Ấn tượng từ một trại viết
Bùi Trần Lê Văn

Hàng năm, nhằm tạo điều kiện cho văn nghệ sỹ sáng tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật hay phục vụ đời sống, Bộ Văn hóa Thông tin phối hợp với các Hội văn học nghệ thuật địa phương mở những trại sáng tác ngắn hạn tại một trong số Nhà Sáng tác do Khu Sáng tác (Bộ VHTT) quản lý. Theo kế hoạch, trại sáng tác năm 2005 dành cho Hội VHNT Tiền Giang diễn ra từ ngày 5 đến ngày 20-09-2005 tại Nhà Sáng tác Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

 

Trại viết lần này có tất cả 15 trại viên thuộc các chuyên ngành Văn học, Âm nhạc, Sân khấu và Nhiếp ảnh. Dường như văn nghệ sĩ Tiền Giang rất có duyên với Nhà sáng tác Đà Lạt bởi vì hai năm trước cũng đã có một trại viết tương tự tại thành phố ngàn hoa. Thế nhưng, nếu như trại viết trước chỉ có Văn học và Nhiếp ảnh thì năm nay số lượng trại viên trải đều ở 4 chuyên ngành khiến cho không khí trại trở nên sôi nổi, tạo điều kiện giao lưu, gắn bó giữa các hội viên thuộc các phân hội khác nhau. Trại viên tham gia trại nhiều tuổi nhất là nhà thơ - nhà giáo Trần Công Tùng đã bước sang ngưỡng thất thập và trẻ nhất đoàn là cây bút trẻ Minh Châu chỉ vừa mới bước qua tuổi hai mươi.

 

Đến thành phố Đà Lạt hôm trước thì hôm sau đoàn đã có buổi giao lưu thân tình với một số văn nghệ sĩ Lâm Đồng. Riêng các tác giả Vũ Ngọc Thu, Nguyễn Thánh Ngã, Đào Hữu Thức, Phan Thành Minh,… là những “thổ địa” đầy nhiệt tình đã gắn bó với đoàn suốt từ đầu đến cuối trại. Những đêm giao lưu văn nghệ giữa văn nghệ sĩ hai tỉnh chỉ với cây đàn ghi-ta và vài món nhâm nhi dân dã xứ cao nguyên cũng đủ để mọi người say mê đọc thơ và luôn phiên ca hát góp vui đến tận khuya.

 

Những ngày ở trại viết có lẽ là những ngày bận bịu nhất đối với chúng tôi. Buổi sáng, được sự hướng dẫn của một số anh em văn nghệ sĩ ở đây, chúng tôi đã được đến tham quan nhiều thắng cảnh đẹp của thành phố Đà Lạt như: dinh Bảo Đại, đỉnh LangBian, Trúc Lâm Thiền Viện, chùa Tàu, Suối Vàng, Thung Lũng Vàng,… Buổi tối khi về đến Nhà Sáng tác, đó là lúc chúng tôi đến với những trang viết, những nốt nhạc. Không có đêm nào mà phòng của các tác giả âm nhạc như: Phúc Ánh, Mạnh Khang, Bùi Tuấn Kiệt,… lại thiếu vắng tiếng đàn ghi-ta réo rắt. Nghe riết đâm ghiền, các anh em bên các chuyên ngành còn lại hễ không viết được lại ra ban công để nghe nhạc trộm. Các trại viên nhiếp ảnh như anh Duy Anh, chị Ngọc Minh… thì sáng mới bảnh mắt đã không thấy đâu. Hỏi ra thì mới biết họ đã thuê xe gắn máy chạy lòng vòng để chụp cảnh Đà Lạt vào buổi sáng. Riêng các trại viên văn học và sân khấu có lẽ là những người thích thức khuya nhất vì đêm nào trong phòng cũng sáng đèn.

 

Kết quả là mới ra Đà Lạt ít hôm, nhà thơ Trần Công Tùng đã mang “khoe” với chúng tôi những sáng tác mới về đỉnh LangBian rồi Hồ Xuân Hương,… Tác giả Thu Trang trong trại viết lần này có truyện ngắn “Ngược dốc” với bối cảnh chính tại Nhà Sáng tác Đà Lạt. Chị Trần Thị Ngọc Hồng thì có bài thơ rất hay về những cơn mưa ở Đà Lạt vì những ngày đầu trại viết trời cứ mưa rả rích suốt. Anh Trần Đỗ Liêm ra tham dự trại trễ hơn mọi người ít hôm do bận công tác nhưng vẫn “phấn đấu” hoàn thành bài ký về những đổi thay ở phố núi và 3 bài thơ cho bằng với mọi người… Riêng các tác giả âm nhạc thì có cả một sê-ri ca khúc về Đà Lạt: Một chiều Đà Lạt (Lê Ngân), Đà Lạt sương tan (Mạnh Khang), Đà Lạt hoài niệm (Bùi Tuấn Kiệt),…

 

Đặc biệt trong chuyến đi lần này, được sự hướng dẫn và giúp đỡ nhiệt tình của các văn nghệ sĩ Lâm Đồng, đoàn đã được đến tham quan Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Đây là nơi duy nhất trong cả nước và một trong những nơi hiếm hoi ở khu vực Đông Nam Á có khả năng nghiên cứu và ứng dụng các vấn đề về năng lượng nguyên tử hạt nhân. Tại đây, chúng tôi được mặc đồ bảo hộ và tận mắt chứng kiến hoạt động của lò phản ứng hạt nhân. Không biết đã có trại viên nào đưa sự kiện này vào sáng tác của mình chưa? Ra Đà Lạt lần này, đoàn cũng tranh thủ đã đến thăm “X.Q Sử quán” để tìm hiểu về nghệ thuật tranh thêu độc đáo của dân tộc và “Ngôi nhà mạng nhện” với kiến trúc độc đáo và lạ mắt. Những chuyến đi thực tế thế này luôn để lại trong lòng chúng tôi nhiều cảm xúc và cảm hứng sáng tác.

 

Với 15 ngày trại viết đầy thú vị, các văn nghệ sĩ Tiền Giang đã được gặp gỡ, giao lưu học hỏi kinh nghiệm, cùng nhau trao đổi ý tưởng, suy nghĩ về nghề nghiệp đồng thời mọi người cũng đã được hiểu thêm về vùng đất và con người cao nguyên. Trại viết đã thu được nhiều kết quả rất khả quan. Tính đến ngày tổng kết, Ban tổ chức đã nhận được tổng cộng 49 tác phẩm, trong đó có 4 truyện ngắn, 1 bài ký, 24 bài thơ, 10 ảnh nghệ thuật, 7 ca khúc, 2 vở kịch ngắn, 1 chập cải lương.

 

Hành trang của những văn nghệ sĩ Tiền Giang khi trở về đồng bằng sau chuyến đi này đã nặng hơn. Những cảm xúc thu nhận từ trại viết, tuy chưa có dịp thể hiện đầy đủ qua những tác phẩm và qua kết quả tổng kết cuối trại do thời gian quá ngắn, nhưng chắc rằng sẽ gắn bó lâu bền và phát huy hiệu quả trên bước đường sáng tác của các văn nghệ sĩ tỉnh nhà.

Bùi Trần Lê Văn
Số lần đọc: 3120
Ngày đăng: 15.12.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đến Trung Quốc nhìn lại mình - Dương Ðình Hùng
Canh bạc cạnh giòng sông. - Dương Ðình Hùng
Người nhà quê - Nguyễn Ngọc Tư
Làm nghề giang hồ mà chẳng "giang hồ" - Trần Đổ Liêm
Cội nguồn - Dương Ðình Hùng
Quê hương ở đâu? - Thu Nguyệt
Bạn nhậu cũ - Nguyễn Ngọc Tư
Nhớ tím - Phạm Minh Châu
VIỆT NAM trong tim - Dương Ðình Hùng
Quán nhớ - Nguyễn Ngọc Tư