Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.194
123.208.114
 
Về một số nhầm lẫn trong cách đánh giá Lược Khảo Văn Học của Nguyễn Văn Trung
Bùi Đức Hào

                    

 

       "Huyền nhiệm của ngôn ngữ rất lớn lao; đảm nhiệm bảo vệ ngôn ngữ, duy trì vẻ trong sạch của nó là gánh lấy một  

                   trách nhiệm thiêng liêng có ý nghĩa như một sự tượng trưng, chứ không phải chỉ là mặc ý nghĩa nghệ thuật"

                                           (Thomas Mann)

 

 

Tháng tư 2019, nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM in lại cùng lúc ba tập [1] bộ sách Lược khảo văn học (LKVH) mà Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã cho phát hành trong giai đoạn 1963-1968 [2] dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Tháng 10 năm 2020, tác phẩm này được vinh danh cùng vài ấn phẩm khác tại giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba.[3]

 

Muộn còn hơn không, những sự kiện này chỉ ra tầm quan trọng mà ngay cả chính quyền – qua giới sách báo họ lãnh đạo – ở Việt Nam hiện nay cuối cùng cũng đã phải nhìn nhận, đối với một khuôn mặt trí thức Đại học tiêu biểu nói riêng, và những văn hóa phẩm đích thực nói chung, của Miền Nam Đất nước trước 1975.

 

Trong giới phê bình, có những người như Huỳnh Như Phương từ 2008 đã nhận định rằng “cho đến thời điểm ấy ở nước ta, đây là bộ sách cập nhật những tư tưởng hiện đại một cách hệ thống nhất” [4], và công nhận “Nguyễn Văn Trung là nhịp cầu chính dẫn chủ nghĩa hiện sinh đi vào xã hội miền Nam và tỏa ra đến tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên”.[5] Gần đây hơn, Đỗ Lai Thúy cũng khẳng định “có một điều hẳn sẽ còn tồn tại lâu dài, như một bài học kinh nghiệm, cho các thế hệ sau : đó là thái độ dấn thân khoa học của học giả Nguyễn Văn Trung.” [6]

 

Sự xác nhận những phẩm tính cao đẹp đó là hết sức bổ ích. Để chống lại tình trạng xuống cấp về trình độ và giá trị tinh thần giữa lòng một chế độ tự cho là «ưu việt» đã đành, nhưng đồng thời nó còn bao hàm ý thức sâu sắc về một yêu cầu chung ngày càng trở nên bức thiết, cần phải được biến ra hành động : trả lại sự thật tất cả sự thật –, trong lãnh vực học thuật cũng như văn chương và cuộc đời, sau những đảo lộn lịch sử.

 

Bởi vì, giữa sự đồng thanh trong suốt đó, vẫn còn gợn lên đây đó đôi chút ngộ nhận hoặc sai lầm đáng tiếc. Điển hình là trường hợp nhà văn Vũ Hạnh (mới mất năm ngoái), người đầu tiên – và có lẽ duy nhất – đã gồng mình vận dụng ý thức hệ «cách mạng» riêng của bản thân để chỉ trích LKVH khi Tập 1 ra mắt độc giả [7]. Việc đã quá cũ kỹ, lẽ ra không đáng để được trình bày ra đây (nhất là giữa cơn đại nạn Covid đang gieo bao khốn đốn đau thương này), nếu như không có những sự kiện lạ lùng ở Việt Nam trong thời gian qua nhằm tôn vinh các hoạt động bề trái «nằm vùng» chống phá mọi thành tựu thời VNCH, kể cả những gì nhân bản nhất xuất phát từ xã hội dân sự , đặc biệt của chính tác giả cái công trình «có một không hai» mang danh … Người Việt cao quý [8]: ca ngợi Vũ Hạnh, chẳng những qua truyền thông báo chí [9-12] mà còn cả dưới dạng một … luận án tiến sĩ [13]!

 

Các luận điểm Vũ Hạnh đưa ra để phản biện Nguyễn Văn Trung có đứng vững không, đó là điều mà bài phân tích này mang mong ước góp phần làm sáng tỏ, trong tinh thần yêu chuộng chân lý và công bằng (vượt lên trên những áy náy tình cảm riêng tư khó tránh khỏi, nơi những người đã từng ngưỡng mộ bề mặt tài năng – thể hiện qua một số tác phẩm không thể nói là không giá trị – của nhà văn, trong đó có cá nhân người viết [14]).

 

Nhưng trước tiên, như một tiền đề cần thiết, xin mời bạn đọc hãy bắt đầu bằng việc thử tìm hiểu xem Nguyễn Văn Trung viết LKVH 1 trong ý hướng nào, và có vay mượn gì ở quyển tiểu luận nổi tiếng

Qu’est-ce que la littérature ? [15] của Jean-Paul Sartre – như một vài câu chữ mập mờ đó đây hàm ý – hay không.

 

                                              

   Bộ sách Lược khảo văn học của Nguyễn Văn Trung do                      

                                                                                                          

 NXB Tổng hợp TP.HCM tái bản [ảnh sưu tầm trên mạng(sttm)]                                                  

 

                                         

 

Giáo sư NGUYỄN VĂN TRUNG (Canada, 2019)                                                                                                            

                                                  [sttm]                                                                                                                                                                                                                                                                      

                                                                                                                                                                                                                                                             

1. Vài so sánh sơ bộ giữa LƯỢC KHẢO VĂN HỌC 1 và QU’EST- CE QUE LA LITTERATURE

Đặt vấn đề

 

Bộ LKVH bắt đầu bằng Tập 1, với tiểu tựa NHỮNG VẤN ĐỀ TỔNG QUÁT. Ngay từ những dòng đầu tiên – trong phần Cùng bạn độc giả –, Nguyễn Văn Trung, với tư cách một nhà giáo, đã xác định : «Bộ sách này được biên soạn chủ đích là nhằm gửi tới những sinh viên bắt đầu bước vào ngưỡng cửa Đại Học […] để đề nghị với họ một vài cách đặt vấn đề và thử đưa ra một vài hướng phân tách những vấn đề đó». Tác giả báo trước những giới hạn của nó, bởi vì «bị gò bó trong chủ đích đã đặt ra, nên lối trình bày không khỏi đôi khi […] nhắc đi nhắc lại với cái giọng giảng dạy, nghĩa là có tính cách giáo khoa». Chính vì thế, ông gọi tập sách này là một «tài liệu».[16]

 

Liền sau đó, trong Lời mở đầu, ông nhấn mạnh đến sự cần thiết phải biết «hấp thụ được một phương pháp nghiên cứu, một tinh thần phân tách trong khi tiếp xúc với các nền văn học ngoại quốc», để có thể tiến tới mục đích «góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa nước nhà». Và ông tuyên bố «sẽ cố lợi dụng những kiến thức, những tìm tòi mới mẻ và hiện đại nhất về văn học để trình bày»[17] cho người học hỏi.

 

Như vậy thì từ vị trí, đối tượng đến chủ đích cách đi tới (démarche) của Nguyễn Văn Trung, ta không thấy có gì giống với điểm xuất phát cũng như mục tiêu lẫn kiểu làm của Jean-Paul Sartre khi ông này viết Qu’est-ce que la littérature ?, một thứ tuyên ngôn (manifeste) lập trường và lý luận văn học – nhằm trả lời cho đủ loại chỉ trích của các phê bình gia cùng văn sĩ đã chĩa mũi dùi vào người được xem là cha đẻ chủ nghĩa hiện sinh Pháp và quan niệm văn chương dấn thân trong một bối cảnh luận chiến –, mà lời mở đầu tối giản không đầy tới hai trang [18]được tác giả dành trọn để nhắc tới : hai động cơ thúc đẩy chấp bút hoàn toàn khác biệt.

 

Khi đi vào nội dung, người đọc lại càng thấy rõ những nét đặc thù của mỗi tác phẩm, vượt lên trên cái vẻ đồng dạng nào đó có thể có về phương diện hình thức, ngôn từ.

 

Thế mà, một mặt, qua lời giới thiệu quá đỗi đơn sơ của Thụy Khuê về LKVH 1, ta lại gặp những dòng dễ gây băn khoăn hoặc hiểu lầm, như lối nói tập sách có «sườn dựa trên những câu hỏi mà Sartre đề ra trong tác phẩm Qu'est-ce que la littérature (Văn chương là gì) ? : Viết là gì ? Viết cái gì ? Tại sao viết ? Viết thế nào ? Viết cho ai ?».[2]

 

Người đọc không khỏi thắc mắc : vậy trong ý tưởng của Thụy Khuê, «sườn» một tác phẩm chính thực là gì, bà muốn nói phần xương cốt nội tại hay cách bố trí dàn bài ? Và, nếu lấy theo giả thuyết sau, không lẽ Nguyễn Văn Trung phải chờ đọc đến Sartre mới biết đặt tựa cho các trang sách giảng dạy của ông ? Nói thế, sao không quy luôn ra rằng Sartre đã vay mượn của… cộng sản Việt Nam, bởi vì – như Đỗ Lai Thúy có nhắc –, ngay từ hồi đầu kháng chiến chống Pháp[6], họ cũng đã biết «đề ra» vấn nạn “Viết để làm gì, viết cái gì, viết cho ai, viết thế nào ?rồi đấy chứ ?![19]

 

Mặt khác, khi đề cập đến LKVH 1, thì cũng chính nhà phê bình họ Đỗ – mặc dù niềm trân trọng trên kia đối với Nguyễn Văn Trung – đã cho rằng tác giả «chịu ảnh hưởng mô hình kiến tạo của Jean-Paul Sartre trong cuốn Văn chương là gì ?». «Mô hình kiến tạo» ư ? Một cụm từ hoa mỹ để tránh tiếng «sườn» quá nôm na khi nãy, nhưng cũng mơ hồ không kém. Thế rồi – đáng ngạc nhiên hơn –, ông tự cho phép đánh giá LKVH một cách gọn lỏn, kèm theo cả một lối «định lượng» chớp nhoáng và «truy nguồn» chắc mẽm như sau : «Một nửa câu trả lời là ở lý thuyết văn học thế giới đương đại, chủ yếu từ cuốn sách của Sartre, còn nửa kia là ở những dữ kiện, nhận xét, phê phán hiện trạng nghiên cứu văn học của Việt Nam dưới cái nhìn mới».[6]

 

Sự thật rất đơn giản : bất cứ ai có đọc hai cuốn sách của Sartre và giáo sư họ Nguyễn đều sẽ khó lòng đồng ý với những nhận xét quá ư giản lược và thiếu cơ sở đó, đáng tiếc là lại đến từ hai nhà phê bình văn học khá quen thuộc của chúng ta.

 

Những nét riêng Nguyễn Văn Trung trước Jean-Paul Sartre

 

Chính xác mà nói, LKVH 1 bao gồm cả thảy 6 chương, trong đó Thụy Khuê chỉ kể ra 5, bỏ sót chương cơ bản đầu tiên, mang tên Văn chương và văn học. Tiểu luận của Sartre thì được chia làm 4 chương, tuần tự có tựa đề nguyên văn như sau : Qu’est-ce qu’écrire ?, Pourquoi écrire ?, Pour qui écrit-on ? Situation de l’écrivain en 1947.

 

Để khảo sát cặn kẽ và đối chiếu sát sao hai cuốn sách, do khuôn khổ hạn chế của bài viết trên diễn đàn này, mà chủ đích không phải là để tóm tắt tác phẩm cũng như không nhằm nêu trọn hết toàn bộ (exhaustivité) các dữ liệu ra đây, xin mạn phép chỉ trình bày những gì được ghi nhận chủ yếu ở hai chương đầu, có tính tiêu biểu, của LKVH – trong mối tương quan với tác phẩm của Sartre –, nghĩa là gần như theo lối «chiết mẫu» (échantillonnage) áp dụng cho việc xử lý một đối tượng kích cỡ tương đối lớn. Khi sang phần 2 – liên quan đến Vũ Hạnh –, ta sẽ có dịp trở lại với đầy đủ nội dung các chương sách.

 

 

 

Nguyễn Văn Trung bắt đầu chuyên khảo của mình, ở Chương I, bằng việc phân định hai khái niệm – tuy gần nhưng lại rất khác nhau trong tiếng Việt – là văn chương văn học (mà trong tiếng Pháp/Anh chẳng hạn, người ta đều dùng chung một từ littérature/literature để chỉ định), cùng với một số định nghĩa những thuật ngữ cần thiết khác.

 

Trong mục đích xác định thế nào là một tác phẩm văn chương, tác giả lần lượt nêu các quan điểm không đồng nhất của nhiều học giả Việt Nam, từ Đặng Thái Mai, Thanh Lãng đến Nguyễn Sĩ Tế, Hồ Hữu Tường, trước khi đề xuất ý kiến của mình để tìm ra câu trả lời thích đáng, trên hai bình diện khác nhau : văn chương nói chung và văn chương Việt Nam nói riêng.

 

Ở mức độ tổng quát [20], để phân biệt tác phẩm văn chương so với những tác phẩm sử ký, triết lý, tôn giáo hoặc chính trị…, ông đề nghị phải căn cứ vào chủ đích, ý hướng viết và phương tiện diễn tả. Tuy nhiên, để có thể xử dụng đúng đắn những tiêu chuẩn này, tác giả đã không quên đề cập tới những trường hợp giới hạn, những khía cạnh tế nhị của việc phán đoán cùng vạch định biên giới đó – cũng như sự giao thoa pha lẫn đương nhiên giữa các thể loại –, qua nhiều ví dụ điển hình và đặc biệt nhấn mạnh đến ảnh hưởng của khái niệm ông gọi là « bầu khí » văn hóa, trong quá trình thai nghén tác phẩm văn chương.

 

Ở mức độ nước nhà[21], vị giáo sư họ Nguyễn lấy một lập trường triệt để : chỉ được coi là thuộc về văn chương Việt Nam những tác phẩm viết thuần bằng tiếng Việt (hoặc một thổ ngữ dân tộc trên đất Việt) mà thôi. Ông loại bỏ những áng văn của tác giả Việt Nam viết bằng tiếng nước ngoài (mà ông khắt khe gọi là « trí thức vong bản »), bất luận với chủ đích nào, trừ một ngoại lệ là văn chương chữ Hán – tuy vẫn không được ông xếp vào loại « thuần túy » –đã hình thành trong quá khứ, do hoàn cảnh lịch sử đặc thù thời Bắc thuộc cùng những hậu quả về mặt văn hóa, tư tưởng của nó : không chỉ dừng ở chức năng nghề nghiệp sư phạm đơn thuần, Nguyễn Văn Trung đã dấn thân qua những lựa chọn cá nhân có lý lẽ, mà người đọc dĩ nhiên có quyền đồng ý hay không. Đằng khác, không thể chối cãi được rằng ông đã có mối quan tâm trích dẫn thấu đáo các tác giả tham khảo – Tây (Maurice Durand) cũng như ta (xem trên) –, kể cả những người ông chỉ mới biết qua thông tin mà chưa thể đọc được vào thời điểm Đất nước còn bị chia cắt, do họ xuất bản và quảng bá ở riêng nội địa miền Bắc như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Lương Ngọc…

 

Như vậy, ta thấy rõ ràng rằng sở dĩ tác giả không nêu tên sách của Sartre, là vì ông chưa cần phải mượn gì ở đó cả lúc viết Tập1 (trong khi Tập 2 LKVH thì có đầy đủ những trích dẫn và kê khai xuất xứ ở phần thư mục) : nói ngược lại mà không có bằng cớ, thậm chí còn thêm thắt cân chia kiểu « nửa này…, nửa nọ… » như vừa kể trên, là vu khống đến hai lần Nguyễn Văn Trung vậy.

 

 

Tác giả tiếp tục đi sâu vào những vấn đề then chốt liên quan đến văn học, được hiểu như «sinh hoạt nghiên cứu, biên khảo về văn chương» – mà ông gọi là «khoa văn» –, bao gồm ba bộ môn : lý luận, phê bình và lịch sử văn học, trong đó lý luận văn học theo ông là quan trọng nhất. Bằng một lối suy diễn chặt chẽ, mạch lạc, giáo sư họ Nguyễn tra vấn cả về chính cái nền tảng tồn tại của khoa này, qua nhiều dẫn chứng liên quan tới «ý hướng cắt nghĩa» trong mọi thao tác nghiên cứu, lý giải, bình luận về văn chương thường gặp,  làm nổi bật ra như thế cái thực chất hoàn toàn nằm ngoài văn chương – và thường chỉ nhắm xử dụng văn chương như công cụ – của nó.[22] Từ nhận thức đó, tác giả phác họa «một lối thoát» cho «tình cảnh bế tắc» ghi nhận, dựa trên việc thay thế ý hướng «cắt nghĩa» bất toàn kia bằng ý hướng «lý hội» hoàn hảo hơn [23] : Nguyễn Văn Trung như vậy có lẽ là người đầu tiên đã đưa nghiên cứu văn học Việt Nam vào tầm soi rọi của hiện tượng luận (phénoménologie). Nền tảng triết luận này, ở LKVH 1, khác với mô thức lý luận chủ đạo của Qu'est-ce que la littérature?. Bởi lẽ Sartre tuy có nhắc đến Merleau-Ponty [24], có đề cập đến ý niệm – kế thừa từ Husserl và Heidegger – được ông gọi là «dévoilement (sự vén mở)» của tác phẩm văn chương đối với người đọc, nhưng phần lớn vẫn dựa trên biện chứng pháp lịch sử là chính để triển khai ý tưởng.

 

 

Đề cập tới văn nghệ, qua 17 trang sách phong phú sống động, giáo sư họ Nguyễn vẽ ra bức tranh toàn cảnh của tiến trình «nghệ thuật tự phủ nhận» nói chung, từ tuyên ngôn của nhóm Sáng Tạo nước ta đến phong trào Tiểu Thuyết Mới ở Pháp – qua những Camus, Sartre, Musil, Ionesco, Beckett –, những gì không nhất thiết chỉ diễn ra trên văn đàn hay kịch nghệ mà cả trong các lãnh vực hội họa, điêu khắc và âm nhạc.[25] Đáng chú ý là ông không xem tình trạng «một văn học không có ngôn ngữ, một âm nhạc không có âm điệu, một hội họa không khuôn mặt» – lạ lùng như thế đó – là «tai họa», là biểu hiện «khủng khoảng» hay «thoái hóa», như phần đông những người thủ cựu thường nói [26], mà ông bày tỏ một thái độ rất cởi mở : «…một nghệ thuật phủ nhận đôi khi cũng là một tiến bộ. Nó có giá trị của một phản kháng».

 

Những điều thật quá mới, dễ gây «sốc» hoặc hoang mang, đối với độc giả truyền thống nước ta thời ấy ! Song, chương I kết thúc không phải dưới góc độ «đả phá đạp đổ», mang hơi hướng thời thượng ấy, mà trên những dòng dịu êm, thấm đẫm tình người, cùng tư tưởng lạc quan, trải tròn một trang sách, để lại dấu ấn rất riêng của một Nguyễn Văn Trung quảng đại, thong dong, đầy nội lực và thi hứng, không chút chi là mờ nhạt bên cạnh ngay cả một Jean-Paul Sartre huyền thoại :

 

«… Dù chỉ còn là tiếng kêu hay một tiếng động, văn chương vẫn là văn chương vì tiếng kêu, tiếng động đó là của con người […] Và bao lâu con người có thể còn kêu được, văn nghệ sẽ vẫn còn vì vẫn còn con người, dù con người đó thế nào mặc lòng».

 

Cả một sự tương phản làm thú vị mát lòng, khi đem so với câu cuối cùng – phảng phất đôi chút gì chan chát cay cay, như vẫn còn xa lắm mới với tới được cái mức diệu vợi hư vô mà cũng chính bản thân Sartre đã từng định danh lập thuyết – trĩu nặng nhiệm vụ khép lại, dù cố giữ giọng điệu dửng dưng ra vẻ, quyển Qu'est-ce que la littérature ?, một thứ sách «kinh» của chủ nghĩa dấn thân :

 

«Bien sûr, tout cela n’est pas si important : le monde peut fort bien se passer de la littérature. Mais il peut se passer de l’homme encore mieux (Dĩ nhiên, tất cả những thứ đó cũng chả quan trọng gì lắm : thế giới hoàn toàn có thể không cần đến văn chương. Nhưng, còn hơn cả thế nữa, nó có thể chẳng cần chi đến con người)».[27]

 

 

 

Chương II có tên trùng với chương đầu cuốn sách của Sartre «Viết là gì ?», nhưng thể hiện đường hoàng nghiêm chỉnh tính độc lập và óc khai phá, lấp lánh đằng sau các triển khai thú vị của tác giả LKVH.  Trích dẫn một bài thơ Phùng Quán (đăng trên tờ Giai Phẩm Mùa Thu tháng 11 năm 1956), giáo sư họ Nguyễn minh họa tầm quan trọng của hình ảnh trong văn chương, mà ông gọi là «văn ảnh». Bởi văn chương theo ông là một thứ «ngôn ngữ ám chỉ» trong đó phần hình thức hoàn toàn không phải là phụ thuộc, không thể tách rời với nội dung, và phải được xem là «yếu tố cấu tạo», «kiến trúc» của tác phẩm, là «bút pháp» hiểu theo nghĩa rộng, gắn liền với một «hoàn cảnh (situation)» của mỗi tác giả hoặc trường phái xuất phát từ một quan niệm viết, một «bầu khí» nghệ thuật giống nhau …[28]

 

Để tìm hiểu đâu là tính nghệ thuật của văn chương, Nguyễn Văn Trung không tách biệt văn với thơ – cũng không đi vào phân tích tỉ mỉ bác học về sự khác biệt giữa văn chương với hội họa qua tranh của những le Tintoret, Greuze, Picasso… – như Sartre đã làm một cách ngoạn mục và triệt để trên cả hai chủ đề, mà chỉ chọn cách nêu thẳng luận điểm mỹ học của Hegel và Belinski trong việc đánh giá chung các loại hình nghệ thuật nhân loại, từ thấp đến cao, trên tiêu chuẩn «lệ thuộc vào yếu tố cấu tạo vật chất» : bắt đầu là kiến trúc rồi cuối cùng mới tới văn thơ, sau khi đi qua điêu khắc, hội họa và âm nhạc.[29]

 

Tưởng cũng cần ghi nhận rằng, nói về hội họa, sự tương phản giữa LKVH với Qu'est-ce que la littérature ? còn sâu đậm hơn nữa, bởi vì tác giả LKVH dám lấy một quan niệm hoàn toàn đối cực với Sartre : “màu sắc đường nét trong hội họa cũng giống như những chữ nghĩa trong văn chương đều chỉ là những dấu hiệu (LKVH, tr.94). Lập trường của triết gia Pháp thì đã được xác định trong phần đầu quyển sách của ông, ví dụ ở trang 13 : “le peintre ne veut pas tracer des signes sur sa toile, il veut créer une chose (người họa sĩ không muốn vẽ những dấu hiệu trên tấm tranh, anh ta muốn tạo ra một vật thể)” ; “Pour l’artiste, la couleur, le bouquet, le tintement de la cuiller sur la soucoupe sont choses au suprême degré ; il s’arrête à la qualité du son ou de la forme […] ; il est donc le plus éloigné de considérer les couleurs et les sons comme un langage (Đối với người nghệ sĩ, cái màu sắc, bó hoa, tiếng khua động của chiếc thìa trên cái dĩa lót đều là vật thể ở mức độ cùng cực của chúng ; anh ta chỉ dừng ở phẩm chất của âm thanh và hình dạng […] ; vì vậy anh ta xa lơ xa lắc với việc xem những thứ màu sắc, âm thanh, như một ngôn ngữ) ” ; v.v…

 

 

Nói về văn chương, chẳng những sách vở là một công trình « hoàn toàn của tinh thần » theo các lý giải trên, tác giả còn đi xa hơn để xác định nó là «tiếng nói trong im lặng». Nguyễn Văn Trung khẳng định : «Nói cái không nói ra là tiêu chuẩn nghệ thuật […] Tác phẩm chỉ là văn chương khi nhà văn xử dụng ngôn ngữ ám chỉ». Rồi qua những ví dụ lấy từ ca dao, thơ Hồ Xuân Hương, truyện ngắn Khái Hưng, cùng với mấy nhận định ngữ học của Saussure, ông chắt lọc và khái quát lên thành một chuỗi khái niệm ông cho là nền tảng : đó là sự phân biệt hai loại ngôn ngữ, trực tiếpgián tiếp, trong văn học [30] (Nguyễn Văn Trung tỏ ra rất tâm đắc về điểm này, đến độ –  vào đầu chương III «Viết cái gì ?» – ông không ngần ngại cho rằng ngay cả Paul Valéry cũng đã nhầm lẫn do chưa «ngộ» ra sự khác biệt đó [31]). Cho nên, cái «viết ra» thường chỉ mới là «nội dung minh bạch», khác với «nội dung hàm súc» là cái chính thực phải hiểu.

 

Xin mở một dấu ngoặc để nhắc thêm rằng Sartre, với tư cách triết gia, dĩ nhiên là rất quan tâm đến việc đặt tên cho các phạm trù lý luận, điều này dẫn tới – chẳng hạn ở chương Pour qui écrit-on ? – sự tách bạch rõ ràng giữa công chúng thực (public réel) với công chúng tiềm thực [từ xuất sắc của Nguyễn Văn Trung trong bối cảnh này, thay vì là ảo máy móc thông thường] (public virtuel) [32] , đặc biệt được ông ta xử dụng khi phân tích trường hợp nhà văn da đen Richard Wright : đó cũng là một trong những ý niệm quan trọng của Sartre, nhưng chỉ được giáo sư họ Nguyễn nói qua ở trang 233, và cũng là để bày tỏ sự không nhất trí của mình…

 

 

Đến đây, cũng đã khá đủ để thấy rằng Nguyễn Văn Trung trình bày một cách rõ ràng – với óc phê phán và sáng tạo – các vấn đề đặt ra cùng những giải đáp, trên cơ sở kiến giải cá nhân và sự khai thác đúng chỗ tri thức nhân loại trong các lãnh vực liên quan đã đành, nhưng ông còn có những đề xuất mới lạ về mặt ý niệm (concept) cũng như từ ngữ. Những phân tích mẫu mực của ông, về Hồ Xuân Hương và Bà Huyện Thanh Quan [33] chẳng hạn, vượt xa mọi phiên bản bình giảng văn học có trước, kể cả của những tác giả chuyên ngành gạo cội.

 

Trên một mạch suốt 255 trang LKVH đầy cảm hứng và cá tính như vậy, ta không hề tìm thấy đâu ra bóng dáng của sự «bắt chước» theo Sartre, như có người đã ám chỉ quy chụp (hay không chừng chỉ do đã quá vụng về, cẩu thả, chứ không ác ý gì chăng?).

 

Tất nhiên, nếu đi rà từng chữ từng câu thì cũng có thể ai đó cảm thấy vài từ ví dụ như «tác phẩm tinh thần» hay – đặc thù hơn – «tính phủ định» của văn chương, là có vẻ… giống trong sách triết gia Pháp. Nhưng như thế có nghĩa lý gì đâu : trên điểm này, chỉ cần nhớ lại câu tuyên ngôn “phủ nhận văn nghệ tiền chiến” của nhóm Sáng Tạo chẳng hạn, mà Nguyễn Văn Trung có trích (tr. 46), ta cũng thấy đã có đề cập đến vấn đề [vận động biện chứng của] «hủy diệt» [và sáng tạo] trong nghệ thuật rồi !

 

Hoặc như ở trang cuối Chương VI «Viết cho ai ?», Nguyễn Văn Trung – sau đoạn dẫn Roland Barthes – có dùng từ «ảo vọng» khi bàn về chuyện mơ đến một nền văn chương phổ biến, viết cho mọi người :  kẻ chi li tất nhiên sẽ kết luận ngay là có sự nhại lại tiếng «utopie» trong trang kết thúc [34]phần III «Pour qui écrit-on ?» của Sartre.

 

Bởi làm sao anh ta hiểu được cho rằng hai tác phẩm thực sự song song, không trùng nhập gì nhau trước mắt, vẫn có thể được xem là giao nhau ở vô cực như hai đường thẳng hình học, vô cực của đồng đạt tư duy hay của đồng cảm tâm hồn, của những ý lớn gặp nhau, điều mà nhà thơ – với cõi lòng rộng mở trong vũ trụ thi ca – lãnh hội và diễn đạt tài tình :

 

“Sao người đi sâu vào không gian trong

Bức tường vô hình nên bức tường dày mênh mông

Và sao lòng tôi không là vô tận

Cho gặp gỡ những đường tàu đi song song…”  (Nguyên Sa – Tiễn Biệt)

 

Không gian trong” ấy, Nguyễn Văn Trung đã dấn bước hòa nhập. Đã vượt những “bức tường vô hình, mênh mông” trùng khắp ấy để đến bờ hạnh ngộ. Đã tổng hợp được một lối viết chuẩn xác và tình cảm, vừa lôgíc, thuần lý (rationnel) phương Tây vừa nhuần nhị, tinh tế hồn Việt : LKVH xứng đáng là quyển sách «gối đầu giường» cho tuổi trẻ nước ta muốn tìm hiểu văn học, cũng giống như – trong một chừng mực song song nào đó – cuốn Qu'est-ce que la littérature? dưới mắt các thế hệ đọc Sartre ở Pháp và trên thế giới.

 

Hào quang của vị giáo sư họ Nguyễn đối với sinh viên học sinh Miền Nam những năm 1960, dĩ nhiên đã làm khó chịu không ít kẻ ghen tị. Nhưng thâm hiểm hơn, đối với những người muốn thủ tiêu chế độ VNCH bằng mọi giá, thì việc làm giảm uy tín nhà trí thức tiến bộ hàng đầu, hiện thân của tự do tư tưởng và học thuật tân tiến vào thời điểm đó, – bằng cách chê bai gạt bỏ sách vở ông ta – chính là một mục tiêu chiến thuật không thể nào để hụt : nhà văn Vũ Hạnh đã thực hiện điều ấy, trong chiến lược “đặc công văn hóa” toàn diện được giao cho.

 

LKVH, vì thế, đã trở thành bia nhắm trong chiến dịch tinh vi này. Song, đối với những ai công tâm nhận xét thì cuối cùng, như ta sẽ thấy ở phần sau, nạn nhân hay, đúng hơn, kẻ mất mát – ít ra trên bình diện trí tuệ, trong khuôn đạo lý “nghìn năm bia miệng” của dân tộc – rốt cuộc không phải là người họ tưởng.                                                                                                                                                                                                                  

 

  (Kỳ tới: Những bất cập và sai trái trong nhận định của Vũ Hạnh về LƯỢC KHẢO VĂN HỌC)

Nguồn : Diễn Đàn Forum, bản cập nhật của tác giả gửi

Chú thích

[1] Theo ghi chú của các nhà sách:

 https://www.netabooks.vn/luoc-khao-van-hoc-tap-1-nhung-van-de-tong-quat  ; https://www.khaitam.com/sach-moi/luoc-khao-van-hoc-tap-3-nghien-cuu-va-phe-binh-van-hoc

[2] Đã được Thụy Khuê đề cập trong Nguyễn Văn Trung, http://thuykhue.free.fr/stt/n/NguyenvanTrung01.html

 

[3] https://tuoitre.vn/giai-thuong-sach-quoc-gia-2020-vinh-danh-nha-tho-quang-dung-20201009225334563.htm

 

=>Thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông, chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo thay mặt ban tổ chức đánh giá đây là "bộ sách có giá trị về mặt văn học sử, góp phần giúp những người nghiên cứu và yêu văn học hôm nay hiểu thêm về bộ phận văn học, văn chương tiến bộ thời kỳ đất nước còn bị chia cắt trước năm 1975".

 

[4] Những nguồn cảm hứng trong văn học, Huỳnh Như Phương, Nxb. Văn Nghệ, TP. HCM, 2008, tr.173

[5] Huỳnh Như Phương, sđd, tr.172

[6] Nguyễn Văn Trung và thái độ trí thức, Đỗ Lai Thúy (18/04/2016):

https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/nguyen-van-trung-va-thai-do-tri-thuc.html

(Câu trích dẫn được in nghiêng trong bài này nên phần tác giả Đỗ Lai Thúy nhấn mạnh được in chữ đứng để phân biệt)

[7] Nhận định về những mâu thuẫn trong quyển LKVH của Nguyễn Văn Trung, cô Phương Thảo (tức Vũ Hạnh), Tạp chí Bách Khoa số 179 (Sài Gòn,15/6/1964), tr. 41-54: đây là bài đầy đủ, còn trước đó – như đã được nhắc tới -, tác giả có nhanh chóng viết một phê bình ngắn trên tờ Tin Sách của Trung Tâm Văn Bút VNCH.

[8] Người Việt Cao Quý, Vũ Hạnh (dưới bút danh A. Pazzi):

https://123hoang.wordpress.com/2011/05/31/ng%C6%B0%E1%BB%9Di-vi%E1%BB%87t-cao-qui/

=> Khó có thể tưởng tượng trên thế giới có người cầm bút không ngần ngại bịa ra tên một người nước ngoài để tiện viết sách ca ngợi chính dân tộc mình, trong mục đích tâng bốc lừa mị dư luận bản địa. Khó tưởng tượng hơn nữa là, hơn nửa thế kỷ sau, « Cách mạng » và một số người Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì, tôn vinh sự « tự hào » về “mưu chước” hành động cùng nội dung « tác phẩm » ấy!

[9] Vũ Hạnh và những tác phẩm lý luận phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 (28/12/2019), TRẦN HOÀI ANH:

https://vanhocsaigon.com/vu%CC%83-ha%CC%A3nh-va-nhu%CC%83ng-tac-pha%CC%89m-ly-lua%CC%A3n-phe-binh-van-ho%CC%A3c-o-mien-nam-truoc-1975/

[10] Vũ Hạnh: Đời văn, chiến sĩ (5/10/2015) https://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/vu-hanh-doi-van-chien-si-20151005220807985.htm

[11] Nhà văn Vũ Hạnh: “Không có mùa xuân nào tôi vui hết…” (20/01/2016):  http://tuanbaovannghetphcm.vn/nha-van-vu-hanh-khong-co-mua-xuan-nao-toi-vui-het/

[12] Bản lĩnh ngòi bút Vũ Hạnh và sức sống của những tác phẩm, Nguyễn Công Lý, Nghiên cứu văn học số 8- 2016, tr. 52-61

[13] Nhà văn Vũ Hạnh, lý luận, phê bình, nghiên cứu, sáng tác, Nguyễn Xuân Huy, Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội, luận án tiến s TS: http://luanan.nlv.gov.vn/luanan?a=d&d=TTcFqWrNMZPm2013.1.17

[14] Do chỗ qua quan hệ gia đình (thời trung học ở Sài Gòn), đã có cơ hội quen biết tác giả và khâm phục tài năng, trước khi biết chuyện ông giả danh A. Pazzi viết Người Việt Cao Quý.

[15] Qu'est-ce que la littérature, Jean-Paul Sartre, Collection Idées, nrf, Gallimard, Paris (1948)

[16] Lược khảo văn học, Tập I, Nguyễn Văn Trung, nxb Nam Sơn, Sài Gòn (1963), tr.5

[17] Nguyễn Văn Trung, sđd, tr.8

[18] Jean-Paul Sartre, sđd, tr.9-10

[19] http://baophutho.vn/chinh-tri/201406/viet-de-lam-gi-viet-cai-gi-viet-cho-ai-viet-the-nao-8407

[20] Nguyễn Văn Trung, sđd, tr. 22-24

[21] Nguyễn Văn Trung, sđd, tr. 25-31

[22] Nguyễn Văn Trung, sđd, tr. 34-39

[23] Nguyễn Văn Trung, sđd, tr. 40-44

[24] Jean-Paul Sartre, sđd, tr.12

[25] Nguyễn Văn Trung, sđd, tr. 46-62

[26] Về vấn nạn chung của nghệ thuật đương đại, mời đọc thêm:

   a/ Cái Đẹp như thách thức trong Văn Nghệ và Triết Học, https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/cai-dep-thach-thuc

   b/ Mấy vấn đề chung quanh việc tiếp cận tư tưởng và nghệ thuật đương đại – Phác thảo phân tích nguyên nhân khủng khoảng cùng triển vọng giải pháp (phần “Nguyên nhân chủ quan của khủng khoảng nghệ thuật”), https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/cai-dep-thach-thuc-2

[27] Jean-Paul Sartre, sđd, tr.357

[28] Nguyễn Văn Trung, sđd, tr.71-75

[29] Nguyễn Văn Trung, sđd, tr.76-84

[30] Nguyễn Văn Trung, sđd, tr.85-95

[31] Nguyễn Văn Trung, sđd, tr.99

[32] Jean-Paul Sartre, sđd, tr.100-106

[33] Nguyễn Văn Trung, sđd, tr.202-211

[34] Jean-Paul Sartre, sđd, tr.196

 

Bùi Đức Hào
Số lần đọc: 698
Ngày đăng: 28.06.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cung Tiến, đời lập từ những đêm hoang sơ - Nguyễn Đức Tùng
Hành trình thơ Trần Thương Bá, chặng 3: “Tập Vô Ngôn Kinh” - Đỗ Tư Nhơn
Nhà văn miền Bắc và sự hiện hữu trong văn học miền Nam 1954-1975 - Trần Hoài Anh
Đinh Thị Như Thúy, đã có sai lầm ở đâu đó - Nguyễn Đức Tùng
Thơ, em và quê hương trong “thơ Trần Vấn Lệ” - Đặng Xuân Xuyến
Nhà thơ Chế Lan Viên - Phan Văn Thạnh
Hành trình thơ Trần Thương Bá 2 “La Poesie Candide, thơ ngây ngô” - Đỗ Tư Nhơn
Tình Huế, trong hành trình thơ Trần Thương Bá - Đỗ Tư Nhơn
Dòng sông Hoài – dòng đời chảy suốt trong thơ - Hoàng Lộc
Một giọng thơ lạ về tình yêu - Yến Nhi
Cùng một tác giả