Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.120
123.228.781
 
Người con dâu nhà họ Phan
NP Phan

 

 

1.

Thuở nhỏ, tôi cứ đinh ninh họ Phan nhà tôi toàn là người bên lương, không có ai và không có nhà nào theo đạo Thiên chúa. Đối với tôi, những người bên đạo rất xa lạ bởi không cùng tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên như mình, mặc dù làng tôi rất gần hai giáo xứ lớn của tổng Trung Châu, phủ Diên Khánh xưa: Giáo xứ Đại Điền và giáo xứ Cây Vông.

Vậy mà, có đôi lần, cha tôi đã dẫn tôi đi thăm những người (bà con) bên đạo ở làng Đại Điền Nam, thuộc xã Diên Sơn, nơi tọa lạc nhà thờ Cây Vông. Tôi chỉ còn nhớ hai người. Một người là một phụ nữ lớn tuổi mà cha tôi gọi là cô Ba (tôi gọi là bà Ba) và một người đàn ông cao lớn, mặt rỗ mà cha tôi gọi là anh Tư (tôi gọi là bác Tư). Bác Tư là một viên chức cảnh sát của chính quyền VNCH, mà hình như cha tôi đang có việc nhờ che chở. Ở cả hai nhà, tôi chỉ nhớ mang máng là có bàn thờ chúa Jesus rất trang trọng.

Tôi chỉ nhớ có vậy, không hề nghĩ là có mối liên hệ gì giữa họ Phan nhà tôi và những người bà con ấy. Tuổi còn nhỏ, chỉ lo học và chơi nên tôi chẳng quan tâm hay hỏi cha tôi về mối quan hệ này.

Bẵng đi hàng chục năm, tôi cũng quên đi những chuyến viếng thăm của hai cha con tôi thuở nào.

Mãi hơn hai mươi năm sau ngày thống nhất, qua lời kể của cha tôi và những câu chuyện góp nhặt từ những người lớn tuổi, tôi mới biết được mối liên hệ giữa họ Phan nhà tôi và những người bà con bên đạo kia.

Họ vốn là những người cháu của bà cao tổ (bà sơ) họ Phan nhà tôi, một tín đồ Thiên chúa giáo ngoan đạo.

 

2.

Ông bà cao cao tổ (trên ông bà sơ) chỉ sinh hạ hai người con. Người con trai đầu là ông cao tổ (ông sơ) Phan Văn Huân. Người con thứ hai là gái, mất sớm, không có chồng con.

Như vậy, ông sơ tôi là con trai duy nhất của người đứng đầu chi nhất của họ Phan.

Có lẽ đó là vào những năm giữa thế kỷ 19, dưới triều Nguyễn.

Dưới thời nhà Nguyễn, việc cấm đạo Gia tô (Thiên chúa giáo) bắt đầu từ thời vua Minh Mạng (1791 - 1841) với các chỉ dụ cấm đạo năm 1833 và năm 1836 rất khốc liệt. Đến thời vua Tự Đức (1829 - 1883) việc cấm đạo, diệt đạo càng khốc liệt hơn. Năm 1851, nhà vua tiếp tục ban hành dụ cấm đạo trên cả nước, ngay trước mối nguy ngoại xâm của phương Tây.

 

Bà sơ tôi là con trong một gia đình theo đạo Thiên chúa ở thôn Phú Ân Bắc, xã Diên Phú, phủ Diên Khánh. Trước sự truy nã gắt gao và bức hại khốc liệt của triều đình, giáo xứ Đại Điền mới hình thành không lâu hầu như bị xoá sổ: nhà nguyện bị đốt, người bị cột đá thả xuống sông, nhiều người bị giết, trong đó có mẹ con bà Nguyễn Thị Phiên bị đập đầu bằng đá đến chết rồi vùi lấp xuống cái giếng lạng ngay trong nhà thờ. Hiện nay trong nhà thờ vẫn còn ngôi mộ ngay trên cái giếng lạng xưa nơi hai mẹ con bà tử đạo, đã được xây dựng, có khắc bia đàng hoàng.

Bà sơ tôi là người sống cùng thời với bà Nguyễn Thị Phiên. Để tránh sự bắt bớ, giết hại của quân lính triều đình, bà phải trốn vào vùng Đại Điền, giáp với vùng núi Đại An. Chính tại nơi đây, bà đã gặp ông sơ tôi. Và cũng chính gia đình ông sơ tôi đã cưu mang, che giấu bà sơ tôi thoát khỏi sự truy đuổi của lính triều đình. Và, hai người, một lương một giáo đã nên vợ nên chồng.

Cho đến tận bây giờ, tôi cũng vẫn không hiểu được là tại sao, vào thời ấy, ông bà cao cao tổ nhà tôi lại có thể bao dung, che chở cho một người con gái bên đạo đang bị truy cùng giết tận bởi triều đình mà không sợ bị liên lụy và chấp thuận cho làm con dâu nhà họ Phan, làm vợ người con trai duy nhất của mình? Mãi mãi, đó là câu hỏi không có câu trả lời.

Cũng vì lấy vợ là một người có đạo mà ông sơ tôi suýt bị truất mất vị trí đích tôn của chi nhất họ Phan và suýt mất quyền thừa kế do âm mưu của những người đứng đầu của chi nhì đầy thế lực. May mà nhờ một tay bà sơ chống chọi, “dẹp loạn” nên ông sơ tôi vẫn đường hoàng giữ được từ đường hương hỏa của tổ tiên truyền lại từ mấy đời trước.

Tôi cũng nghe kể lại rằng, mỗi khi có cúng giỗ trong nhà, trong họ, bà sơ đã chuẩn bị cho đáo hết mọi thứ, giao lại cho ông tôi và con cái rồi lánh sang nhà hàng xóm chứ không ở nhà.

Bà đã sinh hạ cho ông sơ tôi tám người con: ba người con trai và năm người con gái.

Bà sống đến 75 tuổi, tuổi thọ hiếm hoi vào thời ấy.

 

3.

Trong khu mộ của gia tộc Phan (do cha tôi cải táng và sau đó tôi cùng với mấy anh em tôi trùng tu), có gần đầy đủ mộ của tổ tiên, từ ông sơ, ông bà cố, ông bà nội, ông ngoại tôi, bà cô tổ… Nhưng tuyệt nhiên tôi không thấy có mộ của bà cao tổ.

Hỏi ra tôi mới biết là trước khi bà sơ tôi mất thì bà có di nguyện để lại là muốn được trở về bên Chúa, nơi quê hương bản quán, bên người thân của bà. Bà được an táng bà ở khu nghĩa trang của giáo xứ.

Khi biết được điều này, tôi nảy sinh ý định là phải đi tìm thăm mộ bà cao tổ.

 

4.

Trong ngôi nhà từ đường, nơi tôi sinh ra và lớn lên có mấy đồ vật có từ nhiều đời trước, cứ ghi mãi trong ký ức tuổi thơ tôi.

Thứ nhất là bộ hoành phi gồm ba bức treo ở ba gian chính của ngôi nhà. Cả ba bức hoành viết bằng chữ Nho nên lúc đó tôi không hiểu gì. Chỉ duy bức ở giữa thì tôi có nghe một ông khách đến chơi đã đọc to lên khi đến thăm cha tôi và trầm trồ là chữ viết quá đẹp. Đó là ba chữ PHAN 潘 TỪ 祠 ĐƯỜNG 堂. Chính bức này, sau đó đã bị một mảnh bom từ trên mái nhà xuyên thủng, rách bươm.

Cả ba bức hoành sau đó đã bị gỡ xuống hết, phá bỏ hay đem đi đâu tôi không rõ.

Thứ hai là bộ ván ngựa kê ngay bên phải gian thờ. Bộ ván ngựa dày hơn nửa tấc, gồm 4 tấm, kê trên hai “con ngựa” cũng bằng gỗ. Bộ ván ngựa, chẳng có gì đặc biệt ngoài công dụng là chỗ ngủ, nghỉ ngơi của người lớn. Chỉ có chi tiết này: nó rất “linh”, không được phép bất kính. Nghe nói rằng chính ông bác ruột của tôi, trong một lần nằm ngủ đã bị quăng xuống đất. Và, chính tôi, tôi chứ không phải ai khác, lúc còn nhỏ khoảng bảy tám tuổi, trong một đêm cùng ngủ với cha tôi trên bộ ván ngựa này, cũng đã bị té lăn xuống đất, đau điếng, khóc bù lu bù loa. May mà không việc gì. Cha tôi phải dỗ dành mãi.

Thứ ba là những đồ tằm tang. Cho đến khi hơn mười tuổi, tôi vẫn thấy bỏ ngồn ngang phía sau chái nhà. Ban đầu, tôi chẳng biết là những vật này dùng để làm gì. Sau mới biết đó là những vật dụng cho nghề nuôi tằm, dệt vải. Nghề này của nhà họ Phan có từ bao giờ? Có mối liên hệ gì với bà sơ tôi không?

Cuối cùng là một cái rương gỗ to lớn, cao đến ngang ngực tôi, chiều dài khoảng mét rưỡi, rộng khoảng sáu tấc, màu xam xám, có bốn bánh xe bằng gỗ, cái khoá sắt rất lạ và chắc chắn. Đây là một cái rương đựng đồ đạc, của cải của những nhà có “của ăn của để” thời xưa. Chính cái rương này là nơi ông sơ đã giấu bà sơ tôi mỗi khi lính triều đình đi lùng sục bắt người có đạo.

Cái rương này cho đến bây giờ vẫn còn nhưng đã được di chuyển đến một nơi khác, không còn ở vị trí trang trọng như trước.

 

5.

Trời đã về chiều.

Nắng vẫn còn rát mặt.

Sau khi về thăm nhà từ đường thắp nhang cho tổ tiên, tôi đến thẳng nhà thờ Đại Điền.

Nhà thờ vắng vẻ vì là ngày thường. Tiếp tôi là vị linh mục của giáo xứ. Tôi lên tiếng chào hỏi và nói mục đích chuyến viếng thăm của mình:

- Thưa cha, con muốn thăm mộ của bà cao tổ nhà con. Bà là người Thiên chúa giáo, mất cách đã lâu, có thể đã trên trăm năm rồi ạ.

Ông nhìn tôi dò xét rồi hỏi:

- Mộ bà chôn ở đâu?

Tôi mạnh dạn trả lời:

- Dạ, thưa cha, con nghe nói ở ngay phía sau nhà thờ này ạ!

Ông hơi xẵng giọng:

- Không có mồ mả gì trong nhà thờ này hết!

Tôi hơi bất ngờ về thái độ của vị linh mục nhưng vẫn nhã nhặn hỏi lại:

- Thưa cha, có thực là không có ngôi mộ nào trong khuôn viên nhà thờ này ạ?

Ông trả lời ngay:

- Không có. Anh không tin tôi sao?

Ngưng một lúc, ông nói thêm, giọng có vẻ bực tức:

- Nếu anh muốn tìm mồ mả thì hãy tới nghĩa trang công giáo phía sau nhà thờ một quãng.

Ông đứng lên, có vẻ như không muốn tiếp vị khách bất đắc dĩ, đến làm phiền mình không phải lúc.

Tôi lễ phép cám ơn vị linh mục và chạy xe ra khỏi cổng, theo con đường bên hông nhà thờ, tìm nghĩa trang công giáo.

Thì ra nghĩa trang chỉ cách nhà thờ một quãng ngắn.

Nghĩa trang không lớn, có vẻ như mới tạo lập khoảng vài chục năm trở lại. Cỏ dại mọc đầy, có vẻ ít được chăm sóc.

Tôi hầu như bỏ cả thời gian còn lại của buổi chiều để tìm mộ bà cao tổ. Tôi đã đọc những tấm bia của hầu hết các ngôi mộ cũ mới, lớn nhỏ, mộ chung hay riêng… trong nghĩa trang mà không hề có tấm bia nào mang tên bà NGUYỄN THỊ HUỆ, nhũ danh của bà cao tổ nhà tôi, mất vào khoảng những năm đầu thế kỷ hai mươi.

Trong khuôn viên nhà thờ không có.

Ở nghĩa trang công giáo không có.

Vậy thì mộ của bà sơ tôi ở đâu?

Tôi cảm thấy hơi thất vọng.

 

6.

Có tiếng điện thoại reo. Tôi bắt máy.

Đó là cuộc điện thoại của đứa em, con ông chú họ, cùng chung ông cố với tôi.

- Anh Hai ơi, em Thuận con chú Năm Hoà đây.

- Thuận hả? Lâu quá không gặp em. Có việc gì không em?

- Em báo cho anh Hai tin này: Đứa em gái út của em lấy chồng theo đạo ở Diên Phú. Vừa rồi nó gọi cho em nói rằng nhà thờ Đại Điền đang chuẩn bị cải táng mồ mả phía sau nhà thờ để xây dựng nghĩa đường gì đó. Nghe nói rằng họ Phan mình có một ngôi mộ của bà tổ cao đời. Họ yêu cầu phải cải táng để đưa vô nghĩa đường. Anh về gấp để coi sự thể ra sao nhà anh. Em bận lắm, không đi cùng với anh Hai được.

- Cám ơn em đã báo tin. Anh sẽ thu xếp về ngay.

Tôi rất mừng khi biết tin này.

Sáng hôm sau, tôi vội vàng về quê và đến ngay nhà thờ.

Tôi vào thẳng khu nhà khách và gặp ngay người phụ trách công việc của họ đạo đang ngồi ghi chép gì đó, chứ không phải vị cha xứ hôm trước. Tôi chào hỏi và biết được chú tên Thiền và là người quản lý công việc họ đạo. Ông rất niềm nở khi biết được mục đích của tôi. Ông đưa tôi ra khu đất phía sau nhà thờ rồi nói:

- Chỉ còn vài ngôi mộ ở đây. Anh ra xem, tìm ngôi mộ của bà và chuẩn bị cho công việc cải táng. Khu này sẽ xây dựng một nghĩa đường cho toàn giáo xứ và cho những gia đình nào có nhu cầu đưa tro cốt người thân đã mất của mình về yên nghỉ ở đây, bên Chúa.

Tôi cám ơn ông rồi bước ra khu mộ.

Quả thật, cả khu đất chỉ còn lại hai ba ngôi mộ, trong đó có ngôi mộ của bà cao tổ nhà tôi.

Ngôi mộ không có hình thù gì. Chỉ là mặt đất phẳng, cỏ mọc lưa thưa, trên có đặt một tấm bia đá màu vàng nhạt, cỡ 40 x 60 cm. Trên tấm bia ghi tên thánh MARIA và tên người mất là NGUYỄN THỊ CÚC!

Tôi bất giác hoang mang. Trong gia phả, tên của bà sơ tôi là NGUYỄN THỊ HUỆ. Sao tên trên tấm bia này lại là một tên khác. Sực nhớ lại, lúc nhỏ, cha tôi có lần nói ông phải xin một người không đặt tên CÚC cho con gái của họ vì đó là tên của bà cố (tức là bà sơ tôi). Tôi nhìn xuống các hàng dưới ghi quê quán, ngày mất theo âm lịch, (không có ngày sinh và năm sinh, năm mất), tuổi thọ và dòng cuối cùng: “Phan tộc đồng phụng lập” và khẳng định: Chính xác đây là mộ của bà sơ nhà tôi!

Thì ra, bà tôi ngoài tên thánh MARIA, bà có hai tên là NGUYỄN THỊ HUỆ và NGUYỄN THỊ CÚC, đều là tên hai loài hoa đẹp và ý nghĩa.

Tôi cũng có nghe kể lại rằng: họ Phan cũng đã có lần định cải táng mộ bà nhưng các ông em của ông nội tôi (nội tổ thúc) không dám tiến hành, chẳng hiểu vì sao.

Sau khi thăm mộ xong, tôi vào bàn với ông Thiền về việc cải táng bà tôi để đưa bà vô nghĩa đường.

Tôi báo cho người chú họ, đại diện cho họ Phan, chọn ngày giờ tốt để về nhà từ đường thắp nhang, xin phép tổ tiên cho chúng tôi được phép đưa bà về nơi an nghỉ mới.

Mọi công việc đều tiến hành thuận đối với anh em tôi, cho đến khi bà tôi được an vị nơi nghĩa đường vừa được xây dựng rất đẹp và trang trọng ở khu vực phía sau nhà thờ, nơi khu mộ cũ, trong một thánh lễ hết sức trang nghiêm và xúc động.

Tôi cũng không có ý định tìm gặp vị linh mục mà tôi đã gặp lần trước, khi tôi về nhà thờ để tìm mộ bà tôi.

Vợ chồng tôi, khi về quê vào dịp Tết mỗi năm, vẫn viếng thăm nơi an nghỉ của bà, cầu nguyện cho linh hồn bà mãi mãi bên Chúa và phù hộ cho con cháu họ Phan.

 

7.

Một buổi trưa, trong giấc ngủ chập chờn, tôi có một giấc mơ kỳ lạ.

Một người phụ nữ đã già, mặc một bộ đồ trắng, khuôn mặt phúc hậu, tay cầm thánh giá màu đen, nói với tôi bằng một giọng ôn tồn:

- Ta là bà sơ của con. Cám ơn con đã đưa ta về yên nghỉ nơi ngôi nhà của Chúa một cách đàng hoàng trong một thánh lễ trang trọng của giáo xứ. Cháu yêu của ta, cháu là đích tôn của chi trưởng họ Phan. Ta đã bỏ ra cả một đời để cố giữ cho được mồ mả tổ tiên, mảnh đất hương hỏa, từ đường của dòng họ thì con phải có trách nhiệm giữ gìn để dòng họ Phan vẫn giữ được gốc tích, không để rơi vào tay người ngoại tộc. Ta nghe có người còn mưu toan dời mồ mả tổ tiên, hạ giải nhà từ đường, phân chia đất đai hương hỏa làm của riêng. Họ không biết làm như vậy là có tội lớn với vong linh tiên tổ hay sao?

Tôi định cất tiếng trả lời thì bất giác giật mình tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa, bên tai vẫn văng vẳng lời dặn dò của bà cao tổ.

 

 

 

 

NP Phan
Số lần đọc: 726
Ngày đăng: 28.06.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cha lo ngày mới - Hoàng Xuân
Võ bằng hữu - Đỗ Nhựt Thư
Hạ Long du ký - Phan Ngọc Anh
Chiến tranh, ở loài người - Nguyễn Hàng Tình
Quan hộ đê bắc thành Lê Đại Cang - Nguyễn Anh Tuấn
Cơm gà - Hoàng Xuân
Dọc đường văn nghệ (Phần 84) Hải Thụy, nhà thơ giang - hồ - văn - nghệ thực sự dễ thương - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (Phần 82) Trường Thi, sự nghiệt ngã của một người làm thơ - Trần Dzạ Lữ
Tháng Tư, Lê Đạt - Nguyễn Đức Tùng
Một thoáng Hồ Thác Bà - Phan Anh
Cùng một tác giả