"Huyền nhiệm của ngôn ngữ rất lớn lao; đảm nhiệm bảo vệ ngôn ngữ, duy trì vẻ trong sạch của nó là gánh lấy một
trách nhiệm thiêng liêng có ý nghĩa như một sự tượng trưng, chứ không phải chỉ là mặc ý nghĩa nghệ thuật"
(Thomas Mann)
-
Những bất cập và sai trái trong nhận định của Vũ Hạnh về LƯỢC KHẢO VĂN HỌC
Ra mắt độc giả dưới bút danh “cô Phương Thảo” trên tạp chí Bách Khoa (BK) số 179 năm 1964, bài phê bình của nhà văn Vũ Hạnh (tên thật là Nguyễn Đức Dũng [1926-2021], thầy dạy Việt văn tại một số trung học tư thục Sài Gòn-Gia Định thời ấy) dài không dưới 14 trang và xoáy quanh 5 điểm chính. Phương pháp của người viết nói chung là trích rải rác nhiều chỗ từ các trang LKVH, rồi bắt bẻ trên-dưới-trước-sau, để đi đến kết luận đó là những “mâu thuẫn” nội tại của tác giả quyển sách. Phương pháp – hay đúng hơn, chiêu phép – này có cái lợi là ít ai sẽ chịu khó đối chiếu kỹ lưỡng văn bản để có thể thật sự có ý kiến riêng vững vàng, và do đó kẻ bày cuộc chơi cứ xem như sẽ giành được phần thắng khá dễ dàng : cái “thông điệp” tiêu cực hủy phá kia, phát đi từ nhà “phê bình”đầy hậu ý của chúng ta, cứ tự nhiên thoải mái lan truyền…
Hình bìa số Bách Khoa đăng bài báo của Vũ Hạnh dưới bút danh «cô Phương Thảo»
[sttm]
Hình chụp trang khai mào các luận điểm bài báo [35]
[sttm]
Thực ra, người đọc thấy ngay trong phần mở đầu bài báo rằng, sau mấy câu khen ngoại giao chiếu lệ, Vũ Hạnh đã “khai pháo” bằng một phán xét với giọng điệu bề trên, theo lối “đánh phủ đầu”:
“…Tuy nhiên một công trình lớn – đáng lẽ phải là do nhiều người hợp sức tạo thành – không thể đạt ngay đến một giá trị mong muốn khi chỉ có một cá nhân thực hiện”.
Một cách đánh giá kỳ lạ : chưa chi đã muốn nhận chìm tác phẩm chỉ vì lý do tác giả viết có… một mình, chứ không làm chung với tập thể !
Tập 1 nói về những nhận định tổng quát, một loại giáo trình đại học, thì có gì là vượt quá khả năng một giáo sư tiến sĩ phụ trách ? Tưởng cũng nên lưu ý rằng, các Tập 2 và 3 (rất chuyên biệt và được có người[6] cho là trội hơn Tập 1) của bộ LKVH, mà Nguyễn Văn Trung xuất bản sau đó, đã cung cấp thêm bằng chứng hùng hồn về bút lực của tác giả, và do đó càng làm triệt tiêu tận gốc điều mà Vũ Hạnh (chẳng biết dựa vào đâu ?!) đã khẳng định về sự “bất khả” đương nhiên,tự động, của “một cá nhân” như trường hợp giáo sư họ Nguyễn trước “công trình lớn”.
Chỉ có một cách trả lời cho những xác quyết máy móc chủ quan đó : Vũ Hạnh không đọc bằng con mắt của người bình thường, mà qua lăng kính giáo điều dày cộm cố hữu. Chỗ nào cũng chỉ thấy toàn những “mâu thuẫn”, “nô lệ”, “thực dân”, “đế quốc” v.v… : đích thị một thứ chỉ “đỏ” đã xâu xuyên suốt năm vấn đề – do ông ta nặng óc nghĩ ra và tin sẽ gây ấn tượng trên văn đàn – mà ta sẽ tuần tự xem xét sau đây, cùng với lời tóm lược chủ ý tổng quát ở cuối bài báo.
2.1 Trên vấn đề thứ nhất : “Đi trước, đi sau hay không đi đâu hết”
Dưới tiêu đề này, như ta có thể đọc chính xác nguyên văn trên hình chụp bài báo[35], Vũ Hạnh cho rằng Nguyễn Văn Trung đã có mâu thuẫn giữa hai điều viết ở trang 33 và 43, bởi lẽ “hai quan niệm ấy hoàn toàn trái ngược hẳn nhau như sừng với mỏ”. Chữ nghe rất “ép-phê”, nhà nghề. Nhưng lý đưa ra thì lại yếu ớt, lệch lạc.
Thật thế, khi Nguyễn Văn Trung viết “Lý luận văn học […] soi sáng cho cả sáng tác văn chương nữa” thì đâu có nghĩa là ông ta chủ trương đối nghịch với việc “nhà văn trong khi sáng tác dựa vào những tiêu chuẩn do chính mình đề ra”; và, hơn nữa, bản thân điều sau này đâu có gì sai trái, mà Vũ Hạnh lại đả kích : nếu sáng tác mà không do chính mình đề ra thì chỉ còn có nước đi.. đạo văn, hoặc làm bồi bút cho Đảng như ai đó, hay sao ?
Vế đầu, tác giả viết rất rõ, và vả lại ngay Vũ Hạnh cũng có dẫn đầy đủ nhưng lại không chịu hiểu hoặc giả vờ như thế : “Lý luận văn học là nền tảng […], là đầu não cung cấp vũ khí, đường lối, tiêu chuẩn cho phê bình văn học”. Tức là gì? Là trang bị, về mặt phương pháp luận tổng quát, cho nhà phê bình có thể xử dụng được những công cụ cần thiết trong quá trình đào sâu – khởi sự bằng nhát cuốc đầu tiên của anh ta trên vùng đất mới – nhằm khám phá cái hay, cái lạ nằm giữa lòng sáng tác. Chứ hoàn toàn không có nghĩa là lý luận văn học xác định một cách tiên nghiệm (a priori) nội dung phê phán đúng sai hay dở được in trước trên cái nhãn đã có sẵn, nhân danh một thứ chủ nghĩa nào đó, để dán vào tác phẩm tự thân vốn là đặc thù, cá biệt.
Về vế thứ nhì, trong mục phê phán này, Vũ Hạnh có làm chuyện không hay là đã cắt xén đầu đuôi ý tưởng những câu viết mạch lạc của LKVH ở trang 43, nguyên văn như sau :
“Trong phê bình văn học, vấn đề đặt ra là có những tiêu chuẩn phổ biến xác định giá trị nghệ thuật của tác phẩm hay những tiêu chuẩn chỉ đạo việc xây dựng tác phẩm không? Không có, mỗi nhà văn trong khi sáng tác dựa vào những tiêu chuẩn do chính mình đề ra. Cho nên, không có một mỹ học độc nhất chung cho mọi người, nếu có thì đã không có lịch sử văn học vì đã chỉ có một loạt tác phẩm giống nhau mà thôi”.
Vì thế, vẫn theo Nguyễn Văn Trung, nhiệm vụ của nhà phê bình “không còn phải là đề ra, những tiêu chuẩn khách quan và đánh giá tác phẩm theo những tiêu chuẩn đó như thể tác phẩm chỉ là một áp dụng nguyên lý văn học tiên nghiệm”. Mà phải ngược lại, nghĩa là : “nhà phê bình tìm hiểu tác phẩm bằng cách rút ra những tiêu chuẩn sáng tác bao hàm trong chính tác phẩm và nhân danh những tiêu chuẩn đó để xác định giá trị của tác phẩm”.
Giá trị ở đây là giá trị nghệ thuật. Tiêu chuẩn nói tới là tiêu chuẩn mỹ học. Mỗi vế đều chứa đựng một nội dung độc lập, thuộc một phạm trù riêng, không thể nói là đối chọi với nhau. Mọi chuyện đã quá rạch ròi như thế, nhưng Vũ Hạnh cũng nặn ra cho được một… “mâu thuẫn”, và lại còn chua thêm rằng “chỉ xin giới hạn trong những mâu thuẫn rõ nhất – mà có lẽ tác giả không sao kiểm soát được hết trong một vấn đề quá đỗi phong phú – để mong gợi ý chừng nào cho vài sửa đổi về sau” !
“Trông gà hóa cuốc” như thế, nhưng – qua câu nói – đương sự cố làm ra vẻ độ lượng, có sự cảm thông và tích cực hy vọng ở những sửa đổi trong tương lai : cực kỳ đúng chuẩn “lạc quan cách mạng”! Chưa hết. Sau vài “bổ sung” khá thừa – nếu không nói là lạc đề – được ông gọi là “tiêu chuẩn khách quan về kỹ thuật” viết văn, Vũ Hạnh tự chọn một ví dụ thẳng thừng về cái gọi là “chủ trương phá hoại” (!) của nhà văn để minh họa (một ví dụ đúng là không còn gì có thể phát lộ [révélateur] rõ hơn cái chủ ý của đương sự) : chẳng có chi đáng bàn, nhưng ít ra cũng cho ta thấy thêm, qua đó, những giới hạn hiểu biết của ông dưới nhiều khía cạnh.
Một là Vũ Hạnh hoàn toàn không kể gì tới những giải thích công phu dài 6 trang (LKVH, tr.35-40) mà Nguyễn Văn Trung đã kiên nhẫn làm, nhằm biện minh cho việc ngày nay người ta không còn dùng lối lý luận văn học “cắt nghĩa” quá …phản văn chương nữa, để đi tới ý hướng mới – tiến bộ vì tôn trọng văn chương và do đó tiến gần đến chân lý hơn – là sự “lãnh hội” tác phẩm.
Hai là việc Vũ Hạnh, mặc dù cũng mang tư cách nhà văn (giải Nhà nước về Văn học Nghệ thuật 2007), đã tỏ ra không nắm được ý tưởng cốt lõi do giáo sư họ Nguyễn trình bày (sđd, tr. 44) về quá trình biện chứng mà người sáng tác đích thực nào cũng trải nghiệm :
“…đối với nhà văn, cái cốt yếu, lý do tồn tại của mình là sáng tạo, nghĩa là phủ nhận. Như thế, nhà văn là người luôn luôn bất mãn với tác phẩm đã ra đời, với cái đã có. Sáng tạo là một vận chuyển biện chứng dệt bằng những hủy diệt liên tiếp : phải từ bỏ cái có mới vươn tới cái chưa có.”
Vì không nắm rõ như vậy, Vũ Hạnh mới viết ra những dòng kết án cay nghiệt như ta có thể đọc trong trang hình chụp phía trên (BK, tr.43) :“… những loại văn chương phủ nhận văn chương (thực ra chỉ là trạng thái điên loạn của một thời đại) cũng không khước từ được những tiêu chuẩn cơ sở…”
Ai “điên loạn”?!
Ông tự cho phép khoát tay gạt bỏ cả một mảng ý niệm nền tảng của khoa nghiên cứu văn học hiện đại mà LKVH đã giới thiệu, theo kiểu đánh giá bi thảm thế này :“ Nhà phê bình nếu chỉ lẽo đẽo theo sau tác phẩm làm kẻ nhắc tuồng cho độc giả, thật đã trở thành vô duyên và vô ích vậy […]. Khi tác phẩm ấy là một công trình xấu hổ […] mà nhà phê bình lại cứ «đi sau tác phẩm» thì sự phê bình thật đáng tủi nhục chừng nào”.
Rồi tiếp tục châm chích : “Có lẽ vì sự phê bình trở nên tồi tàn như vậy cho nên tác giả có lúc chủ trương thủ tiêu hẳn nó, nghĩa là không cần đi trước hay đi sau nữa” (“Thủ tiêu” ư? Lại một thói quen ngôn ngữ đáng rùng mình!).
Thế nhưng, để dẫn chứng, thì dĩ nhiên ông gặp khó khăn nên “xuất chiêu” một cách khá vụng về : trích một câu hoàn toàn không ăn nhập gì (LKVH, tr. 95), lấy từ đoạn tác giả bàn về bản chất “ngôn ngữ ám chỉ” khác với “ngôn ngữ trực tiếp” của văn chương như thế nào trong mục đích làm tỏ rõ tính chất thâm trầm, đa nghĩa của nó (như đã được nhấn mạnh ở Phần 1 bài viết này). Tệ hơn nữa, nhà “phê bình” đã cắt bỏ, trước sau chỗ trích, những câu then chốt soi sáng văn cảnh và ý tưởng tác giả, đó là :
-
2.1.a/ “Nếu ngôn ngữ văn chương là ngôn ngữ ám chỉ, gián tiếp, không thể phê bình văn chương bằng phân tách cắt nghĩa vì bất cứ ý tưởng phân tách nào cũng đều thiết yếu bao hàm một ngôn ngữ trực tiếp trong đó người ta có thể tìm thấy tất cả những gì người ta đã đặt vào và chỉ thấy những gì đặt vào đấy mà thôi.”
(Câu trước)
-
2.1.b/ “Một tác phẩm như truyện Kiều sẽ không bao giờ chấm dứt được tranh luận và phê bình văn học chung quanh nó. Mỗi người đi vào truyện Kiều đều có thể đem tới cho tác phẩm Nguyễn Du một ý nghĩa mới và cứ như thế vô hạn, như thể những chữ, câu thơ trong truyện Kiều vẫn là những chữ chưa có nghĩa, sẵn sàng chờ đợi được gán cho ý nghĩa này ý nghĩa kia”. ([Hai] câu sau)
Môt điều, duy nhất, mà độc giả có thể tự an ủi : dẫu sao, qua đó, cuối cùng ông giáo Việt văn vô hình trung cũng đã chạm được tới một vấn đề văn học cơ bản, là mối tương quan giữa tác phẩm và lý luận, cần được nhắc thêm.
Vũ Hạnh đặt tựa số 1 là “Đi trước, đi sau hay không đi đâu hết” một cách tưng tửng châm biếm, rồi than thở trách móc về những “công trình xấu hổ”, “sự phê bình thật đáng tủi nhục” v.v… Tiếc thay, có lẽ vì không quen với triết học bằng giáo sư họ Nguyễn (hoặc cũng có thể do đã không có điều kiện tiếp thu học thuật ngay trên đất châu Âu giống như tác giả LKVH), nên ông không biết rằng – trong nghệ thuật nói chung – lý thuyết không thể đi trước tác phẩm được. Đó là một trong những điều cơ bản mà Kant đã phát biểu, chính xác 231 năm trước đây, trong tác phẩm nền tảng của mỹ học Critique de la faculté de juger (1790), đặc biệt qua câu nổi tiếng “Le génie est le talent (don naturel), qui donne les règles à l'art.” [36].Thiên tài (génie) ở đây không phải là “thần linh hiển thánh” mà chỉ có nghĩa như một ý niệm (concept) bao gồm chủ yếu hai khả năng kỳ diệu được triết gia xác định : óc tưởng tượng (imagination) – với tư cách là đại lực sáng tạo và tự do (puissance d’invention et de liberté) của con người– cùng với trí năng (entendement)[37] . Đáng chú ý là Kant đã không quên nhấn mạnh đến sự song hành, gắn bó mạnh mẽ giữa sáng tạo với tự do. Tự do như một điều kiện tất yếu cho sự sống, cho mọi con người, càng cần thiết cho văn nhân và cả những thiên tài : ta sẽ còn nhiều lần gặp lại điểm này sau.
Nếu không muốn ngược dòng quá khứ xa xôi, ta cũng có thể dựa vào câu nói mới hơn của một Arthur Danto nhiều uy tín và … «uy-mua», để ghi nhận thêm rằng chuyện lý luận «đi sau» (mà Vũ Hạnh chối bỏ) chưa bao giờ bị đặt lại vấn đề, ngay cả trong «bầu khí» hoài nghi hậu hiện đại, bởi vì luôn luôn chính sáng tạo nghệ thuật – như một xung lực tự nhiên – dẫn tới việc lập thuyết, chứ không phải ngược lại :
“Je serais enclin à penser qu'il ne serait jamais venu à l'idée des peintres de Lascaux qu'ils étaient en train de produire de l'art sur ces murs. À moins qu'il n'y ait eu des esthéticiens néolithiques (Tôi thì chắc thiên về suy nghĩ là những người vẽ trong các hang động tiền sử tại Lascaux hẳn chưa bao giờ ý thức rằng họ đang tạo tác nghệ thuật trên các bức tường ở đó. Trừ phi là đã hiện hữu những nhà mỹ học thời đại đồ đá mới rồi).” [38]
Mặt khác, như đã thấy, Vũ Hạnh tìm mọi cách để loại trừ một quan niệm quan trọng khác nữa mà Nguyễn Văn Trung có đề cập : không thể dùng lý luận bên ngoài mà phải dựa trên – và rút từ – tác phẩm những tiêu chuẩn nghệ thuật cần thiết. Thế nhưng, nếu tham khảo chung quanh, ta sẽ gặp những nhân vật rất gần – nếu không nói là “đồng chí” cùng guồng máy – với Vũ Hạnh như nguyên Phó viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) Nguyễn Văn Dân chẳng hạn, một chuyên gia dày dặn, mới đây cũng khẳng định đúng trong chiều hướng của LKVH : “… đã viết lý luận phê bình văn học (LLPBVH) thì nên chú tâm vào văn bản tác phẩm, không nên để các yếu tố bên ngoài tác động, như thế mới rút ra được những nhận định chính xác, khoa học. Uy tín, bản lĩnh cá nhân người viết LLPBVH thể hiện ở điểm này.” [39]
Ai đúng ai sai, trắng đen đã khá tỏ tường. Song, để mở rộng tầm nhìn, ta cũng phải khách quan nhìn nhận rằng quan hệ giữa thuyết lý và sáng tạo, giữa tác phẩm với thời đại, là một chủ đề lớn làm chảy nhiều bút mực : từ tác động «cục bộ địa phương» của báo chí trên tiểu thuyết Flaubert [40] chẳng hạn đến khái niệm hypertextualité mênh mông rộng khắp (triển khai bởi Genette[41] và được cơ bản duyệt lại gần đây [42]), thông qua những quan điểm về vấn đề ảnh hưởng đối với sáng tác văn chương [43], bất luận là sáng tác viết kiểu «truyền thống» hay theo lối creative writing [44] phổ biến hiện nay tại các đại học Anh Mỹ. Một thứ ảnh hưởng đa tầng – không nhất thiết mang tính «nhân quả (causal)» đã lỗi thời [43] –, chẳng phải chỉ dừng trên sự hình thành tác phẩm mà còn lan tới cung cách những nhân vật khắc họa [45], và được xem là vận hành theo cả hai chiều kích thời gian (với khái niệm lịch sử tính [historicité] tuy cổ điển, nhưng vẫn luôn cần thiết [46]) lẫn không gian (qua những cách tiếp cận đương đại lấy yếu tố địa lý làm tâm điểm [géocentrées] chẳng hạn)[47]. Tiến trình khai sinh tác phẩm, như vậy, là vô cùng phong phú và phức tạp – đến nay vẫn còn chứa nhiều bí ẩn – và, trên thực tế, đã trở thành đề tài cho nhiều luận án đại học nhân văn [48- 50] cũng như những thăm dò nghiên cứu trong lãnh vực khoa học thần kinh não bộ (neurosciences)…[51-52]
Nhà văn VŨ HẠNH
(ảnh chụp năm 2020) [sttm]
Dĩ nhiên, Vũ Hạnh vào thời đó chưa có được tất cả những kiến thức này. Tuy nhiên, ông vốn là người ham đọc và theo dõi lý thuyết văn học, nên khó có thể nói rằng ông không hề biết đến, chí ít cũng một phần. Vì thế, việc Vũ Hạnh một mực khăng khăng phủ nhận lý lẽ của Nguyễn Văn Trung càng làm nổi bật sự mù quáng bản thân nhiều hơn là sự hiểu biết ít ỏi của một người phản biện. Điều đó nghiễm nhiên biến thành mẫu số chung cho mọi lập luận, và bao trùm hết thảy những vấn nạn chẳng những sai mà có khi còn là giả, thể hiện trong năm câu chất vấn trớ trêu của ông giáo Việt văn chúng ta.
2.2 Trên vấn đề thứ hai : “Có lập trường hay không có lập trường”
Vũ Hạnh tái bản «kỹ xảo» đã xài ở Điểm 2.1 : các «bằng cớ», do ông bứng đi từ những đoạn LKVH mang nội dung riêng biệt – không có quan hệ ý tưởng gì trực tiếp giữa nhau –, được đem đặt ở hai vị trí đối kháng để nói rằng có «mâu thuẫn». Nếu, họa hoằn, một đôi chỗ trong bài báo thoạt trông có vẻ cũng tạm «nghe được» đi nữa – trong vai trò minh họa cho luận cứ ông bảo vệ – thì cuối cùng, hóa ra, lại chỉ toàn một thứ bị bóp méo thành loại «cười nhạo» (caricature) cấp thấp, theo một lối cưỡng bức ép uổng chứ chưa đáng gọi là khiên cưỡng văn chương. Ta hãy thử lần lượt tháo gỡ từng nút một, trong cái mớ «bòng bong» rối ý này.
Trước hết, LKVH có nhiều trang rất đẹp về ngôn ngữ ám chỉ, đặc biệt qua ví dụ truyện Kiều. Thế nhưng, những điều hay lạ ấy không sao lọt nổi vào các «nơron» của nhà văn đã từng đoạt giải Nhà nước này. Quả thật khó hiểu ! Bởi vì, như đã trích ở trên ( 2.1.b/), quan điểm của tác giả – mà Vũ Hạnh đem ra hủy phá (BK, tr. 43-44) – là nhất quán, hợp lý, và được lập lại kỹ lưỡng nhiều lần : cái viết ra thành chữ (ai cũng đọc giống nhau) chỉ là ngôn ngữ trực tiếp và diễn tả chuyện chết ngắt, cứng khô, bất di dịch, có đó vì phải có mà thôi ; cái không viết thành chữ (mỗi người nhận ra mỗi cách tùy chỗ đứng, trình độ) là cái tác giả muốn nói qua ngôn ngữ gián tiếp và đó mới là chuyện sống động, không tất định, đa chiều, đa sắc, làm nên bề sâu giá trị tác phẩm. Vì thế, bao lâu còn có người đọc, tác phẩm sẽ tiếp tục còn được khám phá dưới những góc nhìn mới.
Điều ấy khác – chứ không nghịch – với sự kiện người sáng tác lúc nào cũng gửi gắm một tâm sự nỗi niềm, bộc lộ một lập trường nhất định qua tác phẩm : việc chủ thể phát đi một tín hiệu không thể nào lại bị lẫn lộn với việc khách thể nhận và diễn dịch tín hiệu đó. Mà đã diễn dịch thì mỗi cá thể một cảnh đời, một tâm tính, một cách tiếp nhận, cộng hưởng khác nhau đối với dấu hiệu nguyên thủy đến từ tác phẩm, nguồn của những tra vấn và gặp gỡ không cùng.
Chuyện đơn giản như vậy, nhưng Vũ Hạnh lại cứ mãi lòng vòng trong những thắc mắc không đâu, với nỗi lo sợ vô căn cứ về “bài văn tự nó không có nội dung nhất định, không có lập trường rõ rệt”. Trầm trọng hơn, ông ta đã tự xuống cấp khi bày ra những «ví dụ» phi lý và thô thiển, phản tác dụng, vì chỉ cho thấy một Vũ Hạnh quá coi thường chẳng những chỉ tác giả LKVH không thôi mà cả người đọc bài ông : những giả định đẩy tới cùng cực một cách quá đáng đại loại như, do «lỗi» lý luận của Nguyễn Văn Trung cho nên theo ông, thứ nhất, văn thơ yêu nước của hai cụ Phan sẽ đi đến chỗ bị “một tên cầm quyền thực dân có thể cho đó là loại văn chương tán thưởng chế độ cai trị của Pháp” ; thứ hai, sẽ xảy ra tình trạng hiểu nhầm “Lục Vân Tiên[…] là chuyện khiêu dâm, Đoạn Trường Tân Thanh là thơ cách mạng” v.v… Nhưng, gớm ghiếc nhất, có lẽ là việc tác giả Bút Máu trổ tài làm khôi hài đen để phản bác Nguyễn Văn Trung bằng cách xiên xỏ qua chuyện thời sự giai đoạn ấy, liên quan đến …«thủ cấp của Ngô Đình Cẩn» (BK, tr. 44) : thành tích «biện luận» khá ghê rợn đó được ranh mãnh ghép chung với thủ thuật chơi chữ rất Tây, dựa trên cái nghĩa thực tế (áp dụng cho việc xử án họ Ngô) – có thể xem như là “nghĩa đen”– của cụm từ «en sursis (triển hạn)» mà Nguyễn Văn Trung đã dùng trong LKVH, nhưng là theo nghĩa bóng bẩy văn chương (và ông giáo gốc Quảng Nam không bỏ lỡ cơ hội nhét/nhắc thêm phần xuất xứ, để chứng tỏ sự sành sỏi uyên bác của mình, rằng nó được mượn từ Merleau-Ponty).
Trong một chừng mực nào đó, Vũ Hạnh đã lập «mê hồn trận» để đánh lạc hướng và chối bỏ sự thật rành rành trên giấy trắng mực đen. Song, chuyện đập vào mắt người đọc ngay từ đầu là ông giáo Việt văn đã cố tình… «bỏ sót» hai chữ «như thể» (comme si/as if), vô cùng quan trọng trong toàn câu của LKVH mà ông ta đem ra bắt bẻ :“… như thể những chữ, câu thơ trong truyện Kiều vẫn là những chữ chưa có nghĩa, sẵn sàng chờ đợi được gán cho ý nghĩa này ý nghĩa kia” (LKVH, tr.95). Thiếu hai chữ «như thể» đó, câu văn đương nhiên trở thành lố bịch và phản chân lý !
Thái độ của Vũ Hạnh bắt buộc ta chỉ muốn mời ông đọc lại Nguyễn Văn Trung một cách nghiêm túc hơn : “Ngôn ngữ gián tiếp, ám chỉ, không bao giờ dừng lại ở một ý nghiã nhất định nào, nhưng luôn luôn có thể mở ra những viễn tượng mới như không bao giờ hết được” ; “Cho nên khi đọc văn chương, chúng ta […] nên theo dõi những chữ đã viết ra đưa chúng ta vượt quá nó, tới những miền ý nghĩa xa xăm, như khi ta xem tranh theo hướng chỉ dẫn của màu sắc đường nét” (LKVH, tr.94).
«Miền ý nghĩa xa xăm» đó chính là mảnh đất màu mỡ để nảy mầm những ý mới gieo từ mỗi cách đọc, là hiện trường hứa hẹn để khai quật những giá trị chôn sâu đang nằm lắng đợi chờ… Là chỗ dựa cho nhiều quan điểm, lý thuyết văn học, chẳng hạn như khái niệm Sartre hằng tô điểm, thiết tha, về vai trò trung tâm của người đọc trong sự sáng tạo lại cái hình hài của tác phẩm, mà nhà văn theo ông chỉ là kẻ đề nghị phiên bản đầu tiên được tung đi như một lời mời gọi : tác phẩm văn chương sẽ không bao giờ thật sự hoàn tất mặc dù tác giả đã viết xong, mà chỉ hiện hữu qua sự dự phần, tiếp sức, sở hữu hóa cụ thể của người đọc.[53] Đó cũng là gốc rễ của công thức nổi tiếng, phát biểu bởi Roland Barthes : «La naissance du lecteur doit se payer de la mort de I'Auteur».[54]
Nguyễn Văn Trung mượn tranh để nói văn. Cho nên, câu ông nối sang lãnh vực văn chương (đặc biệt với hai chữ in đậm) trong tâm thế đó, rất đáng được lập lại thêm một lần nữa, để thấy rằng Vũ Hạnh hoàn toàn lạc hậu và lạc lõng trên sân chơi học thuật : “màu sắc đường nét trong hội họa cũng giống như những chữ nghĩa trong văn chương đều chỉ là những dấu hiệu.”
Ở đây, tưởng cũng cần lưu ý rằng Goldman, triết gia mác-xít mà Vũ Hạnh tỏ ra hãnh diện kéo làm đồng minh với mình trong bài báo chống Nguyễn Văn Trung, cũng chính là người từng được Barthes đánh giá đã có công và đi xa nhất trong quan niệm xem văn chương như là… dấu hiệu [55].
Như vậy, hiển nhiên, có sự bất nhất trong lập trường của ông giáo Việt văn ; và lại không phải chỉ riêng trên điểm này ! Bởi vì Vũ Hạnh, một mặt, kể tên hàng loạt các tác giả danh tiếng của Tây Âu – từ Goethe, Nietzche, Diderot, Proust, đến Merleau-Ponty, Malraux (BK, tr.44,46) –, trích dẫn thoải mái những Goldman, Carboni, Filloux (tr. 47), để cẩn thận «bảo kê» cho ý tưởng mình nhưng, mặt khác, lại lớn tiếng trịch thượng trách người viết LKVH «đã có lòng tin dễ dàng đối với lập luận của những triết gia ngoại quốc, và đã áp dụng vội vàng những ý kiến họ để nhìn vào các vấn đề mình đang tìm hiểu.»
Kế đó, ông giáo Việt văn bèn đổi «tông» sang nói mỉa : «tiếng nói ở trong văn học không đến nỗi quá mơ hồ bí hiểm như giáo sư Nguyễn Văn Trung quan niệm». Rồi xuống giọng, trở về với «âm giai» nói… lối, quen thuộc trong cách đạo diễn giọng điệu của chàng, để đánh giá rằng «nếu có những người […] cố làm cho ngôn từ họ trở nên tối tăm cầu kỳ là vì đầu óc của họ cầu kỳ tối tăm hoặc là trống rỗng đấy thôi.»
Ô hay : nhìn kỹ hơn, ta mới kịp nhận ra rằng – ngay từ đầu (trước hết là với cái bút danh“cô Phương Thảo” ký tên bài báo) – Vũ Hạnh chẳng qua cũng chỉ muốn… giả vờ «đấy thôi» ! Vì sao vậy ?
Rất dễ hiểu, đối với những ai đã biết đến quyển sách nổi tiếng Đọc lại truyện Kiều của ông : một tiểu luận giá trị, sâu sắc, một cái nhìn riêng lạ (singulier), rất mới [56], chỉ có thể hoàn mỹ ra đời như thế nhờ sự vận dụng thành công chủ bài tái tạo tác phẩm nằm trong tay người thưởng ngoạn nói chung, trên từng bước «nhập tâm»… đọc lại Nguyễn Du, theo đúng nghĩa đúng hướng với những gì mà Nguyễn Văn Trung viết ra, y như các lý thuyết gia văn học đã xác lập !
Vũ Hạnh tự dối mình và tự mâu thuẫn với bản thân như vậy khi lên tiếng chỉ trích LKVH. Bởi ông thừa biết những nguyên lý văn học trình bày đó hoàn toàn hợp chuẩn, nếu không muốn nói là «khuôn vàng thước ngọc» : Vũ Hạnh là kẻ ngụy tín (mauvaise foi), nói như người Pháp thông thường (một từ mà Sartre đã lấy dùng, nhưng để chỉ định một ý niệm rất chuyên biệt trong triết học hiện sinh). Độ ngụy tín nặng trình trịch như thế, ông giáo Việt văn còn khệnh khạng đem ra khoe tiếp, khi cố ý thòng thêm vài câu «đá móc» Nguyễn Văn Trung, tỉ như : “điều thiên lệch đáng tiếc là ông trích dẫn quá nhiều câu đố […] không mấy tao nhã, để mà chứng minh tính cách gián tiếp của các ngôn ngữ văn chương” (BK, tr. 45).
Sự ham hố tấn công loạn xạ đó chỉ làm phương hại đến chính người động thủ. Thật thế, một mặt, sự việc trách cứ là hoàn toàn lạc đề – chẳng liên can chi đến chuyện «lập trường» (do chính ông đặt tựa) – và, mặt khác, câu đố thực ra chỉ là một «trường hợp giới hạn» mà Nguyễn Văn Trung chọn cho dễ minh họa, chứ không hề có «điều thiên lệch» hay khuynh hướng để nó chiếm đa số gì cả, trong toàn bộ những trích dẫn phong phú của LKVH.
Cho đến đây, tất cả những sai trái kỳ lạ mà ta ghi nhận đều phát xuất từ chính tác giả của những trang thanh thoát tuyệt vời trong Vượt thác, Chất ngọc, Mùa xuân trên đỉnh non cao…, người đã từng có vinh dự được thi sĩ Đông Hồ tự tay đề tặng lời “trân trọng cám ơn vì chưa bao giờ được đọc một bài lý thú như thế viết về Truyện Kiều” [57] : nghịch lý này không khỏi làm ta băn khoăn, thất vọng. Do duyên cớ nào mà nhà văn Vũ Hạnh lại bị đi đến chỗ đánh mất cái tinh anh mẫn tuệ của chính mình, hạ thấp ngòi bút một cách quá dễ dàng như vậy, qua cái bài báo «phản biện» quá kém, ác ôn này ?
Trên thực tế, ông đã bị tha hóa (aliéné) – nói theo thuật ngữ của Sartre – bởi ý đồ chính trị và có lẽ bởi cả cái ảo ảnh «thế giới đại đồng tương lai» (nếu ông thật tình là người «cộng sản vì lý tưởng»), dẫn đến việc nhà văn can tâm phản lại những nguyên tắc văn hóa cơ bản nhất. Vậy cơ chế tâm lý nào đã biến con người nói chung – trong đó Vũ Hạnh là một trường hợp – thành công cụ phục vụ đắc lực cho một ý thức hệ khủng khiếp như chủ nghĩa cộng sản ?
Câu trả lời vó vẻ như còn bỏ ngõ. Nhưng trước mắt, ta có thể khẳng định một điều – đồng thời cũng là một bài học lớn cho những trí thức đã có lần «lầm lỡ» – đó là : Jean-Paul Sartre «mê» cách mạng mác-xít hết mình nhưng không bao giờ để đến nỗi bị mê hoặc, luôn luôn biết giữ nguyên vẹn khả năng phê phán của mình, đặc biệt đối với guồng máy chuyên chính vô sản mà triết gia đã không ngừng vạch mặt chỉ tên, trước nguy cơ lẫn thực tế nó chà đạp nhân phẩm, tước đoạt tự do, nghiền nát con người. Hai khía cạnh «tương phản» ấy, không phải lúc nào cũng tìm thấy được trong cùng một cá nhân, cho dù cá nhân đó tài giỏi đến mức độ nào. Một dị biệt lớn nữa, giữa một nhân vật xuất chúng như Sartre so với kẻ khác, còn nằm ở sự chân thành không hám danh – và sự trung thành với điều mình nói – nơi người đã từng khước từ mọi tước vị trao cho, từ ghế giáo sư Collège de France, huân chương Légion d’honneur cho đến cái vinh dự tột đỉnh mà ai cũng mơ tưởng : giải Nobel văn học, năm 1964.
Sartre bỏ hết mọi thứ trên đời để làm người tự do. Không lệ thuộc quyền lực chính trị hay ngay cả những danh hiệu quang vinh – theo ông, có tính «đền đài» định chế (institution) – mà người ta muốn ông đeo vào. Vũ Hạnh thì làm ngược lại : thí hết cả sự trong sáng lương thiện trí thức để đổi lấy cái gật gù hài lòng của lãnh đạo ; ngụy tín, ngụy biện bằng mọi giá để đẩy thêm cho kỳ được một nước cờ – dù ngược ngạo, vô nghĩa – trên địa bàn cuộc chiến.
Tự do là giá trị nền móng, biện minh cho triết lý văn học dấn thân trong Qu'est-ce que la littérature ?. Ở vị trí đối cực, chủ nghĩa tiện ích (utilitarisme) mà Sartre cũng đã lên án (Sartre, sđd, tr.316) – đáng buồn thay – lại chính là kim chỉ nam hành động cho một Vũ Hạnh miệt mài xử dụng ngòi bút để lập «thành tích» với cấp trên, trong cái «sự nghiệp giải phóng» lắm oan khiên, như ta đã biết. Ngôn ngữ và tư duy của ông không vượt ngưỡng những cụm từ «bùa ngãi», được nhai đi nhai lại bởi một thứ loa phóng thanh vang khắp «hang cùng ngõ hẻm», xoáy sâu trong óc não người hiện diện : hễ hết nói «lập trường» thì phải nói «giai cấp». Cho nên, sẽ chẳng có gì đáng để ngạc nhiên về cái tên được chỉ định cho «vấn nạn» ông đưa ra tiếp theo.
(Còn một kỳ nữa)
Nguồn : Diễn Đàn Forum, bản cập nhật của tác giả gửi
Chú thích
[1] Theo ghi chú của các nhà sách:
https://www.netabooks.vn/luoc-khao-van-hoc-tap-1-nhung-van-de-tong-quat ; https://www.khaitam.com/sach-moi/luoc-khao-van-hoc-tap-3-nghien-cuu-va-phe-binh-van-hoc
[2] Đã được Thụy Khuê đề cập trong Nguyễn Văn Trung, http://thuykhue.free.fr/stt/n/NguyenvanTrung01.html
[3] https://tuoitre.vn/giai-thuong-sach-quoc-gia-2020-vinh-danh-nha-tho-quang-dung-20201009225334563.htm
=>Thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông, chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo thay mặt ban tổ chức đánh giá đây là "bộ sách có giá trị về mặt văn học sử, góp phần giúp những người nghiên cứu và yêu văn học hôm nay hiểu thêm về bộ phận văn học, văn chương tiến bộ thời kỳ đất nước còn bị chia cắt trước năm 1975".
[4] Những nguồn cảm hứng trong văn học, Huỳnh Như Phương, Nxb. Văn Nghệ, TP. HCM, 2008, tr.173
[5] Huỳnh Như Phương, sđd, tr.172
[6] Nguyễn Văn Trung và thái độ trí thức, Đỗ Lai Thúy (18/04/2016):
https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/nguyen-van-trung-va-thai-do-tri-thuc.html
(Câu trích dẫn được in nghiêng trong bài này nên phần tác giả Đỗ Lai Thúy nhấn mạnh được in chữ đứng để phân biệt)
[7] Nhận định về những mâu thuẫn trong quyển LKVH của Nguyễn Văn Trung, cô Phương Thảo (tức Vũ Hạnh), Tạp chí Bách Khoa số 179 (Sài Gòn,15/6/1964), tr. 41-54: đây là bài đầy đủ, còn trước đó – như đã được nhắc tới -, tác giả có nhanh chóng viết một phê bình ngắn trên tờ Tin Sách của Trung Tâm Văn Bút VNCH.
[8] Người Việt Cao Quý, Vũ Hạnh (dưới bút danh A. Pazzi):
https://123hoang.wordpress.com/2011/05/31/ng%C6%B0%E1%BB%9Di-vi%E1%BB%87t-cao-qui/
=> Khó có thể tưởng tượng trên thế giới có người cầm bút không ngần ngại bịa ra tên một người nước ngoài để tiện viết sách ca ngợi chính dân tộc mình, trong mục đích tâng bốc lừa mị dư luận bản địa. Khó tưởng tượng hơn nữa là, hơn nửa thế kỷ sau, « Cách mạng » và một số người Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì, tôn vinh sự « tự hào » về “mưu chước” hành động cùng nội dung « tác phẩm » ấy!
[9] Vũ Hạnh và những tác phẩm lý luận phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 (28/12/2019), TRẦN HOÀI ANH:
https://vanhocsaigon.com/vu%CC%83-ha%CC%A3nh-va-nhu%CC%83ng-tac-pha%CC%89m-ly-lua%CC%A3n-phe-binh-van-ho%CC%A3c-o-mien-nam-truoc-1975/
[10] Vũ Hạnh: Đời văn, chiến sĩ (5/10/2015) https://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/vu-hanh-doi-van-chien-si-20151005220807985.htm
[11] Nhà văn Vũ Hạnh: “Không có mùa xuân nào tôi vui hết…” (20/01/2016): http://tuanbaovannghetphcm.vn/nha-van-vu-hanh-khong-co-mua-xuan-nao-toi-vui-het/
[12] Bản lĩnh ngòi bút Vũ Hạnh và sức sống của những tác phẩm, Nguyễn Công Lý, Nghiên cứu văn học số 8- 2016, tr. 52-61
[13] Nhà văn Vũ Hạnh, lý luận, phê bình, nghiên cứu, sáng tác, Nguyễn Xuân Huy, Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội, luận án tiến s TS: http://luanan.nlv.gov.vn/luanan?a=d&d=TTcFqWrNMZPm2013.1.17
[14] Do chỗ qua quan hệ gia đình (thời trung học ở Sài Gòn), đã có cơ hội quen biết tác giả và khâm phục tài năng, trước khi biết chuyện ông giả danh A. Pazzi viết Người Việt Cao Quý.
[15] Qu'est-ce que la littérature, Jean-Paul Sartre, Collection Idées, nrf, Gallimard, Paris (1948)
[16] Lược khảo văn học, Tập I, Nguyễn Văn Trung, nxb Nam Sơn, Sài Gòn (1963), tr.5
[17] Nguyễn Văn Trung, sđd, tr.8
[18] Jean-Paul Sartre, sđd, tr.9-10
[19] http://baophutho.vn/chinh-tri/201406/viet-de-lam-gi-viet-cai-gi-viet-cho-ai-viet-the-nao-8407
[20] Nguyễn Văn Trung, sđd, tr. 22-24
[21] Nguyễn Văn Trung, sđd, tr. 25-31
[22] Nguyễn Văn Trung, sđd, tr. 34-39
[23] Nguyễn Văn Trung, sđd, tr. 40-44
[24] Jean-Paul Sartre, sđd, tr.12
[25] Nguyễn Văn Trung, sđd, tr. 46-62
[26] Về vấn nạn chung của nghệ thuật đương đại, mời đọc thêm:
a/ Cái Đẹp như thách thức trong Văn Nghệ và Triết Học, https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/cai-dep-thach-thuc
b/ Mấy vấn đề chung quanh việc tiếp cận tư tưởng và nghệ thuật đương đại – Phác thảo phân tích nguyên nhân khủng khoảng cùng triển vọng giải pháp (phần “Nguyên nhân chủ quan của khủng khoảng nghệ thuật”), https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/cai-dep-thach-thuc-2
[27] Jean-Paul Sartre, sđd, tr.357
[28] Nguyễn Văn Trung, sđd, tr.71-75
[29] Nguyễn Văn Trung, sđd, tr.76-84
[30] Nguyễn Văn Trung, sđd, tr.85-95
[31] Nguyễn Văn Trung, sđd, tr.99
[32] Jean-Paul Sartre, sđd, tr.100-106
[33] Nguyễn Văn Trung, sđd, tr.202-211
[34] Jean-Paul Sartre, sđd, tr.196
[35] Bạn đọc có thể tham khảo trọn bài ở đây: https://nhatbook.com/2019/02/27/nhung-mau-thuan-trong-luoc-khao-van-hoc-cua-nguyen-van-trung/
[36] Critique de la faculté de juger (1790), § 46, Kant [bản dịch tiếng Pháp của Alexis Philonenko, Vrin (1965), tr.138-139]
(Những ý này được trình bày theo trình tự bố cục lớp lang như sau: Critique de la faculté de juger, Première partie: "Critique de la faculté de juger esthétique", Première section: "Analytique de la faculté de juger esthétique", Livre II: "Analytique du Sublime", § 46.)
[37] Bạn đọc có thể tham khảo chẳng hạn ở đây: https://grandes-ecoles.studyrama.com/espace-prepas/prepa-litteraire/preparer-le-concours/le-genie-dans-l-art-selon-kant-5320.html
[38] "Le Monde de l'art", Philosophie analytique et esthétique (1998), Arthur Danto, Méridiens-Klincksiek, tr.195.
[39] Làm lý luận phê bình văn học cần lao động nghiêm túc, khách quan (26/03/2021):
http://baovannghe.com.vn/lam-ly-luan-phe-binh-van-hoc-can-lao-dong-nghiem-tuc-khach-quan-22585.html
[40] La presse dans L’Éducation sentimentale : https://www.amis-flaubert-maupassant.fr/article-bulletins/043_032/
[41] Palimpsestes, G. Genette (Paris, Editions du Seuil, 1982, Points Essais n°257)
[42] Les hypertextes en questions:(Note sur les implications théoriques de l’hypertextualité), Frank Wagner, Études littéraires (2002), 34 (1-2), 297–314: https://www.erudit.org/fr/revues/etudlitt/2002-v34-n1-2-etudlitt694/007568ar/ ;
Plasticité du récit : de la transmodalisation à l’intermédialité1, Frank Wagner: http://vox-poetica.com/t/articles/wagner2016.html
[43] Grandeur et décadence de l’influence en histoire littéraire, Jérémy Naïm: http://www.revue-silene.com/f/index.php?sp=comm&comm_id=210
[44] https://fr.wikipedia.org/wiki/%C3%89criture_cr%C3%A9ative ; https://theconversation.com/creative-writing-en-france-une-formation-universitaire-en-voie-de-legitimation-72475
[45] La théorie dans le rétroviseur (2013), Simon BROSSEAU: http://salondouble.contemporain.info/lecture/la-theorie-dans-le-retroviseur
[46] Đó là một trong những kết luận đáng chú ý trong bài giới thiệu về quyển Eléments pour une théorie de la création littéraire của Bernard Lahire :https://www.franceculture.fr/oeuvre/franz-kafka-elements-pour-une-theorie-de-la-creation-litteraire
[47] La littérature et l’espace, Antje Ziethen: https://www.erudit.org/fr/revues/arbo/2013-n3-arbo0733/1017363ar/
=> Ta có thể ghi nhận nhiều khái niệm và lãnh vực mới được hình thành , dưới những thuật ngữ nguyên văn tiếng Pháp mới lạ như la géographie de la littérature, la géocritique, la narratologie spatiale, la géopoétique, la pensée-paysage et l’écocritique…
[48] La création littéraire anglo-saxonne en théorie et en action, Elise Bayle, Thèse de Doctorat d’Université de Jean Monnet Saint Etienne (19/3/2011): https://tel.archives-ouvertes.fr › file › docid › filename
[49] Processus Agora. Approche bioculturelle des théories de la création littéraire, Montréal, Les Herbes rouges (2015), Jean-Simon Desrochers, được giới thiệu ở đây: https://publications-prairial.fr/iris/index.php?id=1525 (Thèse de Doctorat en études littéraires, Université du Québec à Montréal: https://archipel.uqam.ca/6082/)
[50] Mener une thèse en théorie et pratique de la création littéraire: https://www.fabula.org/actualites/atelier-mener-une-these-en-theorie-et-pratique-de-la-creation-litteraire_85049.php
[51] Littérature et neurosciences. Appel à une collaboration interdisciplinaire (12/2009), Marc-Mathieu Münch: https://effet-de-vie.org/articles-de-fond/36-litterature-et-neurosciences-appel-a-une-collaboration-interdisciplinaire ; Création, Neurosciences, Littérature: https://www.fabula.org/actualites/creation-neurosciences-litterature_24544.php ; Littérature et neuroscience (2021): https://www.ailc-icla.org/fr/litterature-et-neuroscience/
[52] Entre théorie de la littérature et neurosciences (24/2/2020): https://www.implications-philosophiques.org/implications-epistemologiques/entre-theorie-de-la-litterature-et-neurosciences/; Littérature et sciences cognitives : apports et légitimité d’une lecture transversale (2017), Gabriella Bandura : https://journals.openedition.org/carnets/2113
[53] Jean-Paul Sartre, sđd, tr.58-59
[54] La mort de l’auteur, Roland Barthes, tạp chí Manteia, số 5, 1968 (in lại trong Essais critiques IV — Le bruissement de la langue, Paris, Seuil, 1984 và Le plaisir du texte, Seuil, 1973)
[55] A propos de Racine, Roland Barthes, trong Annales. Économies, Sociétés, Civilisations/ năm thứ 15, số 3 (1960), tr. 531
[56] Đọc lại Truyện Kiều, sự sáng tạo trong nghệ thuật phê bình của Vũ Hạnh, Nguyễn Xuân Huy (11/08/2015) :
https://trieuxuan.info/Doc-lai-Truyen-Kieu-su-sang-tao-trong-nghe-thuat-phe-binh-cua-Vu-Hanh/
[57] Nhớ lại những ngày... Vũ Hạnh (Nhân lần in thứ tư Đọc lại Truyện Kiều, 2015) : http://www.honvietquochoc.com.vn/bai-viet/4889-doc-lai-truyen-kieu.aspx