Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.176
123.222.866
 
Có thiệt là ca dao Khánh Hòa không?
Lê Ký Thương

 

Trước khi vô đề mục chính, cũng cần xác định lại ca dao là gì? Theo tôi, tốt nhứt là mượn lời của Vũ Ngọc Phan, nhà sưu tầm và nghiên cứu văn hóa dân gian: “Cũng như tục ngữ, ca dao và dân ca là những bài văn vần do nhân dân sáng tác tập thể, được lưu truyền bằng miệng và được phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Nói sáng tác tập thể nghĩa là có câu, có bài do một người xướng lên, sáng tác lần đầu, hoặc được chị em sửa chữa, thêm bớt ngay tại chỗ, được truyền miệng ngay, rồi những người khác sửa chữa, thêm bớt, có khi từ địa phương này sang địa phương khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, câu tục ngữ, câu ca dao vẫn được sửa chữa cho đến khi hoàn chỉnh về cả lời lẫn ý”.

Dựa theo tiêu chí trên, tôi là người con của vùng đất Khánh Hòa, với ước muốn tìm hiểu tục ngữ và ca dao của vùng đất mưa thuận gió hòa này, nên đã sưu tầm những trước tác như:

-        NON NƯỚC KHÁNH HÒA của NGUYỄN ĐÌNH TƯ (Sông Lam xb, SG. 1969)

-        XỨ TRẦM HƯƠNG của QUÁCH TẤN (Lá Bối xb. SG. 1970)

-        THƠ CA DÂN GIAN PHÚ KHÁNH (Ty Thông tin và Văn hóa xb. 1982)

-        ĐẤT NƯỚC – CON NGƯỜI KHÁNH HÒA (Trung tâm Thông tin cổ động Khánh Hòa xb. 1989)

-        KHÁNH HÒA NGÀY NAY (Nxb Tổng hợp Phú Khánh, 1989)

Qua những tác phẩm này, có mấy vấn đề liên quan tới ca dao Khánh Hòa tập trung ở các quyển: THƠ CA DÂN GIAN PHÚ KHÁNH, ĐẤT NƯỚC – CON NGƯỜI KHÁNH HÒA và KHÁNH HÒA NGÀY NAY (đều xuất bản sau 1975), tôi thiết nghĩ cần trích dẫn và trình bày ý kiến của mình mong mọi người thẩm định có thiệt là ca dao Khánh Hòa không?

A.   - NHỮNG CÂU CÓ GHI TÊN TÁC GIẢ (viết tắt).

1.   Về trầm hương và yến sào: (XỨ TRẦM HƯƠNG, tr 9):

Khánh Hòa là xứ trầm hương

Non cao biển rộng người thương đi về.

T.X.

Tiếp theo là trang 356, khi giới tiệu, khi giới thiệu trầm hương có đoạn: “cho nên hễ nói đến trầm hương là nói đến Khánh Hòa, mà nói đến Khánh Hòa là nói đến trầm hương. Do đó Thi nại Thị có mấy vần ca:

-        Khánh Hòa là xứ trầm hương

Non cao biển rộng người thương đi về

Yến sao thơm ngọt tình quê

Sông sâu đá tạc lời thề nước non.

Tới trang 375, in lại 4 câu trên và thêm đoạn II, bốn câu:

          Chung tình biển rộng non cao

          Trầm hương Vạn Giã, yến sào Nha Trang

          Lỡ khi mưa gió phủ phàng

          Vàng chôn ngọc chứa sẵn sàng là đây.

Tác giả ghi chú ở cuối trang: “Thi phẩm của Trường Xuyên”. Như vậy: T.X., Trường Xuyên và Thi nại Thị là một người. Và Trường Xuyên chính là bút hiệu của nhà thơ Quách Tấn.

 

Vậy mà trong THƠ CA DÂN GIAN PHÚ KHÁNH, ĐẤT NƯỚC – CON NGƯỜI KHÁNH HÒA và cả quyển “TRÍCH GIẢNG VĂN HỌC – PHẦN VĂN HỌC ĐỊA PHƯƠNG” của Sở Giáo dục Phú Khánh xuất bản 1986 đều đưa nguyên văn đoạn I vô phần ca dao Khánh Hòa!!!

 

Tôi nghĩ bốn câu lục bát trên có mang hơi hướm ca dao thiệt. Nhưng xét cho kỹ thì nó chưa được “phổ biến rộng rãi trong nhân dân” và cũng chưa được “hoàn chỉnh cả về lời lẫn ý”. Trong nhơn dân mấy ai được ăn yến sào mà biết được mùi thơm ngọt? Người không có chữ mấy ai gọi Khánh Hòa là xứ Trầm Hương? Dân quê tôi chỉ nói: trầm, trầm kỳ, kỳ nam để chỉ các sản phẩm quí này thôi.

 

2. Về Sông Dinh:

-  XỨ TRẦM HƯƠNG trang 101: “Trường Xuyên có bài ca “Tự lân hoàn tự tiểu”  bắt nguồn từ ngọn sông Dinh:

 

Sông Hinh có ba ngọn nguồn

Nhớ em, anh băng nguồn vượt suối
Nhưng không biết đường đến thăm em

Ghé vô chợ Ninh Hòa

Mua một xâu nem

Mua chai rượu trắng

Anh uống cho say mèm

Để quên nỗi nhớ nhung

Rượu không say anh nghĩ lại ngại ngùng

Con gái mười hai bến nước

Biết em thủy chung bến nào?

 

- NON NƯỚC KHÁNH HÒA trang 70: “Vì sao sông Dinh có ba nguồn cho nên có người đặt ra bài ca:

 Sông Hinh có ba ngọn nguồn

Anh nhớ em, băng đèo vượt suối

Nhưng không biết đường tìm đến thăm em

Ghé vô chợ Ninh Hòa mua một xâu Nem

Một chai rượu bọt, anh uống cho say mèm

Để quên nỗi nhớ thương.

 

-         KHÁNH HÒA NGÀY NAY (trang 76) in nguyên văn, cả cách ngắt câu bài của Trường Xuyên;

-         THƠ CA DÂN GIAN PHÚ KHÁNH (trang 33) và ĐẤT NƯỚC CON NGƯỜI KHÁNH HÒA (trang 85) in y như đoạn trong NON NƯỚC KHÁNH HÒA, kể cả cách ngắt câu. Như vậy bài thơ “tự lân hoàn tự tiểu” của Trường Xuyên có phải là ca dao Khánh Hòa như trong KHÁNH HÒA NGÀY NAY, THƠ CA DÂN GIAN PHÚ KHÁNH, và ĐẤT NƯỚC, CON NGƯỜI KHÁNH HÒA không? Người viết xin miễn có lời bàn.

 

3. Về Hồ Tiên, Suối Tiên:

- XỨ TRẦM HƯƠNG trang 200: “Định Phong đến chơi Suối Tiên có mấy câu ngẫu tác:

Suối Tiên nước chảy lững lờ

Tiên đi đâu để bàn cờ rêu phong

Mây trôi ngày tháng theo dòng

            Bền gan đá vẫn ngày mong đêm chờ

            Chờ mong sắp lại cuộc cờ

Thú vui chung cả cuộc cờ Bắc Nam

            Động Tiên chưa bén gót phàm

Hồ Tiên sống vẫn gợn chàm long lanh

            Cây cao hoa lá sum cành

Ráng mây nỡ để nặng tình nhớ thương.

 

Tôi thì nghĩ đây là một bài thơ tả cảnh rất hay của một nhà thơ có tài.  Nhưng trong ĐẤT NƯỚC, CON NGƯỜI KHÁNH HÒA, phần “Ca dao, dân ca trữ tình Khánh Hòa” (trang 85) có in hai câu đầu của bài thơ trên rồi tiếp hai câu câu:

Nước mây vắng vẻ tăm mòng

Bền gan nay vẫn rày mong mai chờ.

 

Hai câu trích dẫn trên sao “tăm mòng” quá!  Tôi cố tìm trong các tự điển như:  Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức,  Tự điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học,  đều không thấy chữ “tăm mòng” nằm ở chỗ nào hết.  Tự điển tiếng Việt không có, tôi lại tìm trong Tự điển Hán Việt của Đào Duy Anh,  Tự điển Từ và Ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân cũng không thấy.  Hay là chữ Nôm?  Tôi sợ mình mang tiếng dốt mà thích nói chữ nên rán tìm trong sách Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa rồi Từ ngữ Thơ Văn Nguyễn Đình Chiểu cũng… “tăm mòng” luôn.  Tôi chỉ thấy trong Tự điển Truyện Kiều có chữ “vân mồng” thôi!

 

2.  Về Hòn Chữ:

 

-                     XỨ TRẦM HƯƠNG trang 184, 185: “ thời thái bình khách văn chương thường tổ chức những cuộc ngâm vịnh nơi Hòn Chữ,  và họ cũng mượn Hòn Chữ để gửi gắm tâm tình:

 Ai về Xóm Bóng, Hà Ra

 Đi ngang Hòn Chữ cho ta nhắn lời

 Nhắn ai nuôi chí vá trời

 Lòng trung tạc đá, muôn đời còn bia

 

II

 

 Anh đứng Nha Trang

 Trông sanh Xóm Bóng

 Sáng trăng lờ mờ lượn sóng lăn tăn

 Gần nhau chưa kịp nói năng

 Bây giờ sông cách biển ngăn ngại ngùng

 Biển sâu con cá vẫy vùng

 Sông sâu khôn dễ mượn lòng đưa thư

 Anh nguyện cùng em

 Bao giờ Hòn Chữ bể tư

 Biển Nha Trang cạn nước,

 Anh mới từ nghĩa em

 

" Bìa hát” này phải là một nhà Nho lịch lãm, thích ngao du sơn thủy và ngâm vịnh như những nhà Nho xưa. Dân quê tôi không nói trông mà nói ngó, nhìn. Không nói xem mà nói coi. Không nói tòa Hải học mà nói Sở Cá, ai có chữ nghĩa đôi chút thì nói Hải học viện. Không nói Trường Tây mà nói Cầu Đá. Lại càng không nói Qua Sơn vì họ không biết Qua Sơn nghĩa là gì? Họ chỉ biết Núi Chúa, nơi bà Thiên Y A Na giáng trần, theo truyền thuyết chứ không phải là “chốn thần tiên đi về”. Đó là xét về cách dùng chữ. Còn cách đặt câu, theo tôi “bài hát” này có nhiều câu văn chương rất lão luyện,  nhưng rất tiếc có vài câu lại rất “ngô nghê”. Không phải cái “ngô nghê” của ca dao và là cái “ngô ngê” cách…  ghép vần cho nó đúng luật. Chẳng hạn:

 Xuống tòa Hải học trong vùng Trường Tây

 Lên chùa Hải Đức gần kề Nha Trang.

 

Vậy mà trong KHÁNH HÒA NGÀY NAY trang 73, 74  lại in nguyên văn bài trên trong phần “ca dao”.

 

Tôi thiết nghĩ người sưu tầm ca dao phải có trình độ thẩm định văn bản trước khi công bố bố chứ không phải góp nhặt được câu nào,  bài nào rồi đem in lên hết.  Như vậy, ca dao đâu còn là vốn quý của một địa phương, một dân tộc? Và dễ dàng như vậy thì ai cũng là nhà sưu tầm ca dao hết sao?

 

2.  Lệ múa bóng:

 

-         XỨ TRẦM HƯƠNG Trang 178: “ Lệ múa Bóng ngày vía Bà đã bỏ từ thời Bảo Đại,  trước đệ nhị thế chiến.  Nhân đó có câu hát:

             Ai Về Xóm bóng thăm nhà

             Hỏi xem điệu múa dâng bà còn trăng?

             Thế thường tre lụn còn măng

             Lẽ đâu tham đó bỏ đăng cho đàng.

 

Xét qua đoạn đầu, tôi nghĩ tác giả XTH không có ý nói bốn câu trên là ca dao.  Nhưng tôi lại gặp trong KHÁNH HÒA NGÀY NAY,  trang 74 hai câu cũng nhắc tới lệ múa Bóng được gọi là ca dao:

 

             Ai về Xóm Bóng, Hà Ra

             Hỏi xem điệu múa dâng bà còn không?

 

 

3.-  Những câu lẻ tẻ khác có nhắc tới địa danh Nha Trang:

 

            Trong quyển THƠ CA DÂN GIAN PHÚ KHÁNH,  ĐẤT NƯỚC CON NGƯỜI KHÁNH HÒA và KHÁNH HÒA NGÀY NAY tôi còn đọc được những câu ca dao (?.) như:

-          Tiếng đồn con gái Nha Trang

 Nụ cười ánh mắt mơ màng dễ say

-           Gái đâu bằng gái Nha Trang

 Dáng đi giọng nói dịu dàng dễ yêu.

 

            Về hai câu đầu,  người viết vốn sinh trưởng ở Nha Trang thiết tha mong muốn rằng “tiếng đồn” kia ngay từ bây giờ đừng có bay xa hơn nữa,  kẻo thiên hạ ngờ rằng gái Nha Trang đều lẳng lơ, đa tình hết.  Tôi thì nghĩ, giả dụ hai câu này của cụ Tản Đà làm để ca ngợi gái Nha Trang đi nữa ra thì họ cũng không lấy làm hãnh diện đâu.

Xin dẫn thêm hai câu:

- Em đi chợ tết Nha Trang

- Nhớ mua một nhánh mai vàng tặng (cho) anh.

 

            Hết sức ngô nghê! Không qua thời gian gạn lọc để trở thành ca dao.

 

Kết:

 

Những điều trình bày trên đây của tôi chỉ nhằm mục đích dẫn chứng cho quý bạn đọc thấy những câu hoặc bài ghi là ca dao trong các sách:  THƠ CA DÂN GIAN PHÚ KHÁNH,  ĐẤT NƯỚC CON NGƯỜI KHÁNH HOÀ và KHÁNH HÒA NGÀY NAY đều không phải là ca dao,  lại càng không phải là ca dao Khánh Hòa.  Chúng đều có “lý lịch” rành rành trong quyển XỨ TRẦM HƯƠNG của Quách Tấn và NON NƯỚC KHÁNH HÒA của Nguyễn Đình Tư trước đó. Ai cũng biết bài ca dao nào cũng có tác giả ban đầu của nó. Nhưng theo tôi những bài hoặc những câu trên chưa phải là ca dao, vì chưa được lưu truyền bằng miệng và phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Chúng chỉ được sao lục từ sách này tiếp sang sách khác,  hoặc sao chép ở đâu đó mà thiếu kiểm chứng.  Nếu nhận xét này không trúng, tôi mong các tác giả, các nhà biên tập và các nơi xuất bản các sách TCDGPK, ĐNCNKH, KHNN và các nhà nghiên cứu văn học dân gian cho biết ý kiến để bản thân tôi tránh được sai lầm.  Còn quả thiệt nó trúng như tôi nghĩ thì mong rằng cái gì của César hãy trả lại cho César …. Đừng lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia.  Làm văn hóa mà không trung thực với chính mình và với mọi người thì sẽ dẫn tới những hậu quả tai hại không lường.

 

 

Bãi Dương 12-10-1989. 

 

 

Lê Ký Thương
Số lần đọc: 1047
Ngày đăng: 30.06.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nén hương lòng cho anh - Đỗ Tư Nghĩa
Vài mạn đàm về câu “49 chưa qua 53 đã tới” - Đặng Xuân Xuyến
Lại nói về bộ môn Lịch Sử - Phan Văn Thạnh
Chùa Phúc Khánh – Ngôi chùa linh thiêng đất Hà Thành - Đặng Xuân Xuyến
Một xã hội trong guồng “chạy” điên cuồng - Nguyễn Anh Tuấn
Tản mạn chuyện nghệ danh của các “Sao” Việt - Đặng Xuân Xuyến
Gọi Đấng tối cao toàn năng của Hồi Giáo là “Thánh Allah” có sai không? - La Thụy
Phản kháng của Nietzsche - Võ Công Liêm
Kỷ niệm 2 năm ngày mất nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển 6/5/2020 - La Thụy
Triết lý nhân sinh của người Nam bộ qua truyền thuyết dân gian buổi đầu chống thực dân Pháp - Võ Phúc Châu
Cùng một tác giả
Biển của tôi (tạp văn)
Hồn Sách Cũ (tạp văn)
Sài Gòn – Ăn (tạp văn)
Sài Gòn - Sách (tạp văn)