Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.175
123.223.007
 
Sắc thái Nam Bộ qua truyền thuyết dân gian
Võ Phúc Châu

 

TÓM TẮT

 

Truyền thuyết  dân gian Nam Bộ tiếp nối dòng chảy hào hùng của truyền thuyết Việt Nam từ buổi đầu dựng nước và giữ nước. Tuy nhiên, truyền thuyết nơi vùng đất mới này lại toát lên một vẻ đẹp rất riêng. Đó là những cảnh quan, những tên đất, tên người… không thể tìm thấy ở truyền thuyết những giai đoạn trước. Đó còn là cách kể chuyện lịch sử theo phương ngữ Nam Bộ thật hồn nhiên, bình dị như tính cách của con người phương Nam.

 

Southern folk legends have been being continued the heroic Vietnamese folk  legends flow since the beginning of buiding and defending Vietnam. However, folk legends in South Vietnam show theirs own special beauty. That beauty consists in its landscapes, place names, person names,... which can not be found in the other legends at the early period. Moreover, the way telling historical story by Southern dialect is as extremely natural and simple as Southerner character that contributes to the beauty of folk legends in South Vietnam.

 

ĐẶT VẤN ĐỀ

 

1. Truyền thuyết dân gian Nam Bộ tiếp nối dòng chảy hào hùng của truyền thuyết Việt Nam từ buổi đầu dựng nước và giữ nước. Nó thể hiện cách nhìn, cách đánh giá của nhân dân về con người và sự kiện lịch sử. Nó như nguồn than đước âm ỉ dưới lớp đất bùn U Minh, nuôi giữ ngọn lửa truyền thống yêu nước của đồng bào Nam Bộ. Nó như kênh rạch ngọt lành, tưới mát cho nhiều thửa ruộng công cằn cỗi, khắc nghiệt của chính sử triều Nguyễn bấy giờ. Trầm tích trong nó là ký ức dân gian về một thời “khổ nhục nhưng vĩ đại”. Bồi tụ nên nó là hào khí của đất đai và con người Nam Bộ.

 

2. Truyền thuyết dân gian Nam Bộ đã làm thiêng hóa biết bao địa danh, bất tử hóa biết bao con người trên khắp nẻo đường mở cõi. Không gian sống chủ yếu của truyền thuyết là những lễ hội, những lăng mộ, đền chùa... Tác giả của nó có lẽ phần nhiều là những nho sĩ yêu nước, những trí thức về quê ẩn dật… Do vậy, khác với cổ tích, truyện cười, truyền thuyết thường được kể bằng một lối văn trang trọng; ngôn ngữ toàn dân; đa phần từ Hán Việt. Tuy nhiên, qua khảo sát bước đầu, chúng tôi nhận ra truyền thuyết nơi vùng đất mới này toát lên một vẻ đẹp rất riêng. Đó là những cảnh quan, những tên đất, tên người… không thể tìm thấy ở truyền thuyết miền ngoài những giai đoạn trước. Đó còn là cách kể chuyện lịch sử theo phương ngữ Nam Bộ thật hồn nhiên, bình dị như tính cách của con người nơi này.

Bằng tình cảm yêu quý quê hương xứ sở, cùng ước mong nhận diện vẻ đẹp, sức sống của một thể loại văn học dân gian Nam Bộ, chúng tôi xin được tìm hiểu đề tài “Sắc thái Nam Bộ qua truyền thuyết dân gian”.

 

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

 

1. Vài nét về truyền thuyết dân gian Nam Bộ

 

Lịch sử vùng đất Nam Bộ gắn liền quá trình mở mang bờ cõi và chống giặc ngoại xâm của cha ông thời các triều vua nhà Nguyễn.

Song hành với chính sử, bổ sung cho chính sử và khác chính sử, truyền thuyết dân gian Nam Bộ đã kịp lưu giữ, theo cách của mình, tất cả nhân vật và sự kiện làm nên lịch sử vùng đất mới này.

Xin khảo sát một vài truyền thuyết về buổi đầu chống thực dân cướp nước.

Năm 1859, thực dân Pháp tấn công Gia Định. Khi triều đình chưa kịp chống giặc an dân, bao sĩ phu yêu nước, với hào khí Đồng Nai, đã tự nguyện đứng lên gồng gánh chuyện non sông. Sử quan triều Nguyễn không biết đến họ, hay cũng không cần biết. Chỉ có truyền thuyết dân gian ghi nhận tất cả. Đó là lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng mưu trí dùng trái mù u rải đường, phục kích giặc. Đó là Hồ Huân Nghiệp, Phan Văn Đạt, Phan Công Hớn chiêu mộ nghĩa binh; dù sa cơ vẫn khẳng khái, hiên ngang trước giờ bị kẻ thù hành quyết.

Cuộc khởi nghĩa Trương Định được lưu vào sử sách. Nhưng triều đình chỉ ghi công vị Bình Tây đại nguyên soái. Riêng truyền thuyết đã phục dựng đầy đủ, sống động cuộc đời bi tráng của hàng loạt tướng lĩnh cùng bao người dân dũng liệt: Nguyễn Nhựt Chi, Trịnh Viết Bàng, Trương Điền, Trần Văn Thiện, Võ Đăng Được, Mạc Bảo Đường, Đặng Khánh Tình, Trần Văn Thiện, Dương Văn Hạnh, bà Trần Thị Sanh, bà Lưu, nàng Hai Bến Nghé…

 

Cuộc khởi nghĩa Thiên Hộ Dương không có trong chính sử. Nhưng huyền thoại về người anh hùng, các bộ tướng của Ông và chiến địa Gò Tháp đã trở thành một pho truyền thuyết phong phú về số lượng và thuộc loại hấp dẫn nhất trên đất phương Nam.

Rồi cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực, triều đình từng xem vị thủ lĩnh xuất thân làng chài là kẻ phiến loạn, không phải thần dân nước ta. Thế nhưng, con người ấy lại được nhân dân Nam Bộ yêu thương và kính trọng. Mới 29 tuổi nhưng Ngài đã được gọi là Ông, là Cụ, Ông Nguyễn, Ông Soái, Cụ Nguyễn. Nhân dân kiêng gọi tên húy của Ngài. Cho đến nay, Nguyễn Trung Trực vẫn còn hiển linh trong truyền thuyết và hiện hữu trong đời sống tinh thần người dân Rạch Giá, Phú Quốc (Kiên Giang)…

 

… Xét từ phương diện văn bản học, hầu hết truyền thuyết dân gian Nam Bộ còn lưu truyền đến hôm nay là nhờ công lao của các nhà sưu tầm - nghiên cứu văn hóa dân gian, các nhà sử học, nhà văn: Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Nguyễn Hữu Hiếu, Huỳnh Minh, Hồ Văn Hiếu, Đinh Văn Hạnh, Lê Trí Viễn, Bùi Mạnh Nhị, Nguyễn Phan Quang, Nguyễn Văn Khoa, Sơn Nam…  

Những công trình sưu tầm, biên soạn trên tinh thần khách quan, khoa học, đầy tâm huyết của các tác giả đã góp phần bảo lưu vẹn nguyên sắc thái Nam Bộ cùng vẻ đẹp, sức sống của lịch sử - văn hóa vùng đất phương Nam.

 

2. Sắc thái Nam Bộ qua cảnh quan; tên đất, tên người

 

2.1. Cảnh quan Nam Bộ

 

Truyền thuyết dân gian Nam Bộ sinh thành giữa một miền đất mênh mang gò bãi, ruộng đồng. Đất Nam Bộ lắm sông nhiều rạch. Thiên nhiên kiến tạo cho đất này biết bao vàm sông, doi vịnh, cù lao, cồn bãi, láng, bưng… Khởi thủy, chúng chỉ là những vùng đất không tên. Chỉ đến khi đất bùn in dấu chân các bậc “tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai canh” thì thiên nhiên mới trở thành không gian sinh tồn. Và chỉ đến khi những con người vô danh biết cầm dao phay chống ngoại xâm thì thiên nhiên mới thành không gian lịch sử. Khi đó, từng rẻo đất nơi này đã thực sự “mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha” (thơ Nguyễn Khoa Điềm).

 

Qua truyền thuyết, những vàm sông hoang vắng được đặt tên. Mỗi tên gọi gắn liền một cuộc đời, một kỳ tích. Đó là vàm Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ, Long An), nơi người trai làng chài Nguyễn Trung Trực dùng kế hỏa công nhấn chìm tàu giặc. Đó là vàm Bà Bầy (Cao Lãnh, Đồng Tháp) – vàm sông mang tên người đàn bà hiến đất nhà làm thủy lộ bí mật cho nghĩa quân Gò Tháp. Việc bại lộ, bà bị kẻ thù tra tấn và hãm hiếp đến chết, để lại niềm tiếc thương và kính phục cho đời sau. Đó còn là vàm Hổ Cứ (Cao Lãnh, Đồng Tháp), nơi lưu danh anh hùng Quản Bạch. Năm 1867, Pháp đánh An Giang. chánh quan thủ thành tử trận, chính tùy tướng Quản Bạch đã kéo quân về vàm rạch hoang vắng này, lập căn cứ hùng mạnh, tấn công đồn giặc.

 

Tiếp nối vàm sông là những con rạch. Qua truyền thuyết, Đồng Tháp có rạch Ông Voi, tương truyền xưa là lối đi của những đàn voi vận chuyển lương thực, vũ khí cho nghĩa quân. Ở đó còn có rạch Nàng Hai, rạch Bà Bướm – tên những thôn nữ đã đem tuổi xuân và cả sinh mệnh mình sống chết cùng nghĩa lớn…

Giữa dòng sông, phù sa bồi tụ trăm năm thành những cù lao, cồn bãi. Bến Tre có cù lao An Hóa. Nơi đây, tùy tướng Trương Định là Trịnh Viết Bàng đã đưa một nhóm nghĩa quân về lập căn cứ, bày trận địa chận đánh quân thù. Rồi cồn Rồng ở Mỹ Tho là nơi chứng kiến giờ khắc đau thương, ông bị kẻ thù hành quyết.

 

Trên vùng châu thổ, Đám lá tối trời (xã Gia Thuận, Gò Công Đông) là nơi âm vang thanh thế anh hùng Trương Định. Hay Bưng Sen (xã Long Bình, Gò Công Tây) là nơi ông Trương Điền, anh trai Trương Định chọn làm căn cứ dưỡng quân. Rồi Gò Tháp (Đồng Tháp) - khu gò cao hiểm trở với nhiều huyền tích, nổi lên giữa mênh mông đồng hoang - chính là đại bản doanh của nghĩa quân ngài Thiên Hộ. Hay Láng Linh, cánh đồng trũng phèn bao la của An Giang, chính là nơi lắng đọng bao truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa của Đức Quản Cơ Trần Văn Thành cùng những người con anh dũng: Trần Văn Chái, Trần Văn Nhu...

Có thể nói, cảnh quan trong truyền thuyết dân gian Nam Bộ không chỉ mang vẻ đẹp hoang sơ của một vùng đồng bằng châu thổ. Nó còn mang sắc thái của một miền đất thấm đẫm mồ hôi, được đổi bằng máu xương của những con người hào sảng, khí khái và yêu nước.

 

2.2. Tên đất, tên người Nam Bộ

 

Hiếm có nơi nào như ở Nam Bộ, trên khắp các nẻo đường khai hoang, mở đất, tên những người dân thường luôn được nhân dân ưu tiên chọn đặt cho những cây cầu, con rạch, làng quê. Đó là “Ông Đốc, ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm” (thơ Nguyễn Khoa Điềm). Xin kể thêm, Tiền Giang có cầu Bà Tồn, chợ Bà Đắc, rạch Bà Từ… Long An có rạch Bà Kiểu. Cần Thơ có rạch Bà Chính, rạch Bà Bộ. An Giang có rạch Ông Chưởng. Đồng Nai có rạch Bà Chèo, rạch Ông Nhiêu. Gia Định xưa có đường rạch Bà Miêng, rạch Bà Tánh, rạch Ông Đồ, rạch Ông Buông… Những địa danh ấy gắn liền với những mảnh vụn truyền thuyết, những giai thoại vẫn còn lưu giữ trong ký ức người dân đất phương Nam. 

Và thiêng liêng hơn, chính là những tên đất gắn liền với công đức các bậc anh hùng dũng liệt. Họ là những con người đã “biết hóa thân cho dáng hình xứ sở” (thơ Nguyễn Khoa Điềm), làm nên một “miền Nam anh hùng, thành đồng Tổ Quốc”. Những tên người trong truyền thuyết còn được gìn giữ qua các chứng tích văn hóa mang đậm tín ngưỡng đất phương Nam. Đó là lăng mộ Trương Định, mộ Thủ Khoa Huân, lăng Tứ Kiệt, mộ Đốc Binh Kiều, đền thờ Thiên Hộ Dương, đền thờ Thống Linh, đền thờ Nguyễn Trung Trực…

Có thể nói, những tên đất, tên người trong truyền thuyết dân gian Nam Bộ đã khiến cho bất cứ ai, dẫu đi khắp chân trời góc bể cũng rưng

rưng tự hào mà nhớ về Gia Định – Đồng Nai và chín nhánh sông Rồng.

 

3. Sắc thái Nam Bộ qua nghệ thuật kể chuyện dân gian

 

3.1. Thời gian – không gian nghệ thuật

 

Truyền thuyết là những tác phẩm tự sự dân gian nên mọi câu chuyện đều được xây dựng trên nền thời gian và không gian nghệ thuật.

Về thời gian, có lẽ do các nhà sưu tầm có điều kiện đối chiếu chính sử nên không ít truyện đã ghi chép lại những thời khắc lịch sử cụ thể, chính xác. Tuy nhiên, phần lớn các truyện được kể theo cách ước lệ, mang phong vị cổ tích: bắt đầu tự “ngày xưa”, “thời đó”; từ “một hôm” sang “ngày nọ”; hết “từ đó” lại đến “ít lâu sau”… Có thể xem, tương đối, mơ hồ là đặc điểm, sắc thái riêng của thời gian nghệ thuật trong nhiều truyền thuyết dân gian Nam Bộ.

Về không gian, các truyện lần lượt phục dựng vẻ đẹp mênh mông kỳ bí của miền đất phương Nam.

Không gian trong những truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Thiên Hộ Dương là cảnh sắc sống động của chốn bưng biền. Ở đó, lắm gò bãi, rừng hoang, nhiều rạch con, sông cái. Ở đó, đồng ruộng mênh mông, có cảnh chim đàn phá lúa, mạ non chất kín ghe lườn. Rồi kênh rạch dọc ngang, giúp nghĩa binh bắc cầu, cắm chông, luyện võ… Ở đó, còn cảnh heo rừng táo tợn vào phá nhà dân; còn những động rắn, hang rắn, với những con rắn chúa sáu khoang nay teo lại chỉ bằng mút đũa, những con rắn hổ mây mình to như chiếc thúng... Không gian còn là khu căn cứ hiểm trở, với những huyệt lộ, đồn canh, trạm nghỉ… Tại những không gian này, nghĩa quân tận dụng địa hình, sáng tạo bày mưu, đánh kẻ thù tan tác.

Qua truyền thuyết về những cuộc khởi nghĩa ở miền Đông Nam Bộ, không gian là vùng đất của buổi đầu khai canh, lập chợ. Đó là khu rừng Sác âm u; là vườn trầu xanh ngắt đêm đêm lởn vởn bóng cọp và những bầy rắn “theo đóm ăn tàn”. Đó còn là không gian tấp nập chợ búa, bến thuyền của khu Sài Gòn, Chợ Lớn...

Qua truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa vùng Thất Sơn (An Giang), không gian là núi Cấm huyền diệu, tương truyền sẽ có ngày hiện ra cung son, điện ngọc, khai mở Hội Long Hoa. Không gian còn có vùng Láng Linh – căn cứ kháng chiến của Đức Cố quản Trần Văn Thành. Đó là cánh đồng bao la bát ngát, lau sậy dày đặc, có lắm bưng sâu, quanh năm ngập nước. Từ căn cứ Láng Linh, nhìn phía Bắc thấy giáp núi Sam; phía Đông gặp bờ sông Hậu; phía Tây tựa vùng Bảy Núi; phía Nam ngút mắt cánh rừng Bảy Thưa. Không gian còn có núi Tượng, tuy còn là đất hoang rừng rậm nhưng đã có chùa mới xây, có làng mới lập, có ruộng mới cày. Nơi đây đã từng hứng chịu những đợt càn quét đốt phá tan tành của giặc Pháp và bọn Việt gian. Nhưng đây cũng là nơi diễn ra những buổi tập luyện võ nghệ âm thầm của nghĩa quân. Nhìn chung, vùng Thất Sơn đúng là  không gian của đất thiêng và đất hiểm.

Rõ ràng, thời gian và không gian nghệ thuật trong truyền thuyết Nam Bộ đã mặc nhiên mở ra một miền dã sử, mang sắc thái đặc thù của đất phương Nam.

 

3.2. Hình tượng nhân vật

 

Trung tâm của truyền thuyết dân gian Nam Bộ là những nhân vật anh hùng. Trong chính sử, một số họ chỉ được sử quan ghi lại tước vị, phẩm hàm cùng đôi dòng công trạng. Nhưng qua truyền thuyết, họ đã là những con người bằng xương bằng thịt. Họ là những tấm gương miệt mài lao động, kiên cường chiến đấu và lẫm liệt hy sinh. Ở họ, toát lên sức mạnh, vẻ đẹp và tính cách hào sảng của những lực điền Nam Bộ buổi đầu khẩn hoang, lập ấp.

Xin đơn cử một vài hình tượng kỳ vĩ trong truyền thuyết phương Nam.

Đó là ông Thiên Hộ Dương (Võ Duy Dương) ở Đồng Tháp Mười, hồi nhỏ nổi tiếng ăn nhiều. Lớn lên, ông một mình có thể cử được năm trái linh (linh là quả sắt hình tròn, có khoen, mỗi quả nặng chừng 60 kg). Cắn ở miệng một trái, xách hai tay hai trái, ông kẹp thêm hai bên nách hai trái mà vẫn đi lại như không. Bởi kỳ tích này, ông được dân trong vùng tôn kính gọi là Ngũ Linh Thiên Hộ (ông Thiên Hộ cử năm trái linh).

Đó là ông Phòng Biểu, cũng người Đồng Tháp, tùy tướng của Thiên Hộ Dương. Ông có sức khỏe phi thường. Tình cờ gặp chiếc ghe lườn to chở đầy mạ, mắc cạn không đi được, ông lội ngay xuống sông, xốc mũi ghe, kéo sềnh sệch trên đất bùn… Lần khác, giặc Pháp sai lính đến nhà bắt ông. Giả bộ xin rửa chén; ra đến sân, phốc một cái, ông đã nhảy qua nóc nhà, trốn thoát.

Đó là “Tứ Kiệt” ở Cai Lậy. Bốn Ông vóc người to lớn khác thường, nước da màu đồng đen. Ai nấy đều có võ nghệ cao cường, tướng pháp lanh lẹ, râu rậm, tóc dài chấm gót. Các vị có biệt tài chạy nhanh và nhảy cao. Có lần, để thoát vòng bố ráp của giặc, một trong Bốn Ông đã cặp thêm bên nách một cháu nhỏ khoảng 10 tuổi, chạy vun vút như tên, tóc xổ ra phất phới như lá cờ.

 

Đó là ông Nguyễn Văn Nghề, người liên lạc tài giỏi của Thiên Hộ Dương vùng Gò Tháp. Vóc người to lớn, vạm vỡ, gân tay gân chân ông nổi như những con đỉa trâu. Thường mỗi bữa ăn, ông nấu hai lít gạo. Nhưng sức ông một lần có thể ăn hết mười hai lít. Chè trôi nước, ông ăn trăm viên vẫn chưa ngán. Rượu đế, ông tu một hơi cạn một tô đầy. Con kinh Xẻo Muồng khá rộng, ông nhảy phốc một cái là qua.

Đó là ông Lê Huy Nhạc – tùy tướng của Thủ Khoa Huân, vóc người cao lớn, vạm vỡ. Hồi chưa mộ nghĩa, có lần, trên cánh đồng năn lát mênh mông của Đồng Tháp, ông Nhạc chạy như bay, đuổi theo một con rắn khổng lồ. Người và rắn quần nhau dữ dội. Rắn đuối sức dần. Ông Nhạc dùng chân đè mạnh lên khúc đuôi, một tay nắm chặt cổ rắn, còn tay kia mổ bụng giết rắn.

 

Đó là ông Nguyễn Trung Trực (Ông Soái) có tài bắt rắn độc. Một lần, nghĩa quân đang nằm phục chờ giặc thì một con rắn hổ mây chúa, mình dài ba thước, to như bắp chân người, da sần sùi, mắt xanh lè, lưỡi đỏ rực, không biết từ hướng nào bất thần xuất hiện. Theo sau nó có cả một bầy rắn hổ mây. Cả vùng bỗng dưng như có khí lạnh tràn tới. Ai nấy nín thở. Con rắn chúa cứ điềm nhiên bò thẳng tới chỗ Ông Soái núp. Nó leo luôn tới cổ ông. Mọi người run lên, vã hết mồ hôi mà không dám kêu vì lệnh quân rất nghiêm. Bất ngờ, Ông Soái đã lấy tay tóm cổ rắn độc, vặn mạnh một cái, làm nó lăn ra mềm nhũn. Bầy rắn theo sau cũng không còn con nào thoát khỏi tay ông. Ông Soái còn có biệt tài phi thân. Chỉ cần lấy cây gậy chống xuống mép kinh, phốc một cái, ông đã tung người nhảy qua bờ kinh cách đó mấy mươi thước.   

Những nhân vật anh hùng trong truyền thuyết Nam Bộ ít nhiều đều được phủ lên một màn sương huyền ảo, nhất là sự hiển linh sau khi đền nợ nước. Nhưng hoàn toàn không có kiểu nhân vật ra đời kỳ lạ như ở truyền thuyết Đàng Ngoài những giai đoạn trước. Họ cũng không có thế lực siêu nhiên phù trợ như nhân vật tài giỏi trong cổ tích thần kỳ. Hun đúc nên tài năng phi thường, xuất chúng của họ chính là môi trường sống đầy khắc nghiệt của đất phương Nam. Ca dao xưa còn ghi lại cảm giác hãi hùng của những lưu dân miền ngoài lần đầu thấy cảnh trời rộng sông dài:

“Đến đây xứ sở lạ lùng

Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh”

Quả thật, đất phương Nam đồng hoang cây rậm. Người khẩn đất khai canh đồng nghĩa với việc tuyên chiến, giành lãnh địa của mãng xà, heo rừng, cọp dữ. Đây là cuộc quyết đấu một mất một còn, buộc họ phải có được khí phách của một Võ Tòng đả hổ, một Thạch Sanh chém chết trăn tinh. Thêm nữa, dù rằng đất lạ đãi người xa, ruộng đồng cò bay thẳng cánh nhưng đất mới vỡ hoang, người thưa xóm vắng. Nó buộc mỗi người phải trở nên phi thường mới làm chủ được một môi trường lao động khác thường như vậy.

Có thể nói, vẻ đẹp độc đáo của nhân vật anh hùng trong truyền thuyết Nam Bộ chính là sản phẩm độc đáo của hoàn cảnh sống đặc thù phương Nam, mang đậm sắc thái miền Nam.

 

3.3. Cách kể, giọng điệu theo âm sắc phương ngữ Nam Bộ

 

Truyền thuyết là thể loại văn học dân gian mà việc sáng tác không chỉ cần có cảm xúc (như ca dao) hoặc kinh nghiệm bản thân (như tục ngữ). Người kể truyền thuyết phải am hiểu lịch sử; phải nhìn lịch sử bằng quan điểm của nhân dân; phải biết cách chọn lọc chi tiết để làm sáng rõ được phẩm chất người anh hùng; tôn vinh được chiến công tập thể của những người vô danh, bình dị. Và thêm nữa, truyền thuyết phải được kể bằng chính kho từ ngữ toàn dân kết hợp với  âm sắc riêng của từ ngữ địa phương – nơi tạo ra cái lõi lịch sử cho câu chuyện.

Truyền thuyết dân gian Nam Bộ có sức hấp dẫn đặc biệt phần lớn nhờ sắc thái ngôn ngữ Nam Bộ vô cùng độc đáo.

Xin trích dẫn vài minh họa.

Truyền thuyết sử dụng phương ngữ để thuật lại những tình tiết, sự kiện lịch sử. Đây là hành động của anh hùng Trương Định khi bị kẻ thù bao vây: “Quản Định ở giữa đám đông này. Ông cầm gươm chém cái nón của một tên mã tà rồi thúc gươm ngược lại, làm rớt súng một tên khác” (Phút cuối cùng của Trương Định –theo Nguyễn Phan Quang). Những từ ngữ “chém cái nón”, “rớt súng” rặt ròng phương ngữ Nam Bộ. Còn đây là những biến cố dồn dập xảy ra với đức Bổn Sư Ngô Lợi ở vùng Thất Sơn: Một hôm, Phủ Miên chơi cờ gian bạc lận sao đó nên bị bọn kia nắm đầu, đánh cho một trận nên thân. Theo lệnh quan thầy, Năm Củi lần mò vào Núi Tượng, xin thọ phái làm tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Năm Củi ăn dầm nằm dề ở đó một thời gian (…) Tín đồ ở ba thôn An Định, An Hòa, An Thành hay tin Bổn sư của mình bị bắt, thảy đều xôn xao.” (Bổn sư Ngô Lợi - theo Huỳnh Ngọc Trảng – Trương Ngọc Tường).  Những từ ngữ “cờ gian bạc lận sao đó”,“nắm đầu”,“lần mò”,“ăn dầm nằm dề”,“thảy đều xôn xao”… quả là cách nói không trộn lẫn của người Nam Bộ.

Truyền thuyết còn khai thác sự đa dạng của từ đồng âm, lối chơi chữ phổ biến ở Nam Bộ. Trong “Chuyện kể về Trịnh Viết Bàng”, để ngầm tưởng nhớ sự hy sinh dũng liệt của các anh hùng, người dân Nam Bộ có thơ rằng:

“Ô hô! Tô Kiểu bể rồi

 Bàng kia trốc gốc, Diệm ngồi khoanh tay”

(Theo Huỳnh Ngọc Trảng – Trương Ngọc Tường).

Ở đây, dân gian đã chơi chữ bằng các từ đồng âm. “Bàng” là cây bàng, cũng là tên ông Trịnh Viết Bàng. “Diệm” là cái vại nước nhỏ, là tên ông Diệm. Còn “tô kiểu” là cái bát sứ, cũng là tên ông Tô, ông Kiểu.

Và cứ thế, hàng loạt truyền thuyết dân gian Nam Bộ đã được kể lại bằng phương cách và chất giọng sinh động, quen thuộc của người dân Nam Bộ.

 

KẾT LUẬN

 

Sự hiện hữu của truyền thuyết dân gian về tiến trình mở đất và giữ nước của người dân Nam Bộ hơn ba trăm năm qua là minh chứng cho sức sống trường cửu của thể loại truyền thuyết. Trong các thể loại tự sự dân gian, nếu như thần thoại đã không còn tồn tại ở các giai đoạn sau, nếu như cổ tích bắt đầu tìm không gian sống trong văn học viết, thì truyền thuyết vẫn giữ được sứ mệnh của nó: là bộ sử dân gian; nơi thể hiện quan niệm, cách nhìn, cách đánh giá của nhân dân về các sự kiện, nhân vật lịch sử ở các giai đoạn lịch sử tiếp theo.

Truyền thuyết dân gian Nam Bộ thực sự là một dòng riêng hòa vào nguồn chung. Sắc thái Nam Bộ đã tạo cho nó một sức hấp dẫn đặc biệt. Nó góp phần chứng minh truyền thuyết vừa mang đậm tính dân tộc, vừa mang đậm tính địa phương. Sắc thái Nam Bộ đã giúp nó dự phần khắc sâu thêm những phẩm chất truyền thống của con người Việt Nam đồng thời trực tiếp vẽ nên những tính cách riêng, phẩm chất mới của con người Nam Bộ trong tiến trình mở đất và giữ nước.

 

Xin cảm ơn các nhà sưu tầm – nghiên cứu văn học dân gian, các nhà sử học đã dày công lưu giữ cho đời sau sắc thái Nam Bộ vô cùng độc đáo của truyền thuyết dân gian trên vùng đất mới phương Nam.

 Tháng 10/2016

 

(Bài đăng Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Những vấn đề văn học

và ngôn ngữ Nam bộ”, tổ chức tại trường Đại học Thủ Dầu Một, ngày 28/10/2016)

 

Tài liệu tham khảo chính

 

1. Võ Phúc Châu (2010), Truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ (1858 – 1918), NXB Thời Đại, Hà Nội.

2. Từ điển bách khoa toàn thư mở < https://vi.wikipedia.org >

 

------

 

Võ Phúc Châu
Số lần đọc: 821
Ngày đăng: 08.07.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Có thiệt là ca dao Khánh Hòa không? - Lê Ký Thương
Nén hương lòng cho anh - Đỗ Tư Nghĩa
Vài mạn đàm về câu “49 chưa qua 53 đã tới” - Đặng Xuân Xuyến
Lại nói về bộ môn Lịch Sử - Phan Văn Thạnh
Chùa Phúc Khánh – Ngôi chùa linh thiêng đất Hà Thành - Đặng Xuân Xuyến
Một xã hội trong guồng “chạy” điên cuồng - Nguyễn Anh Tuấn
Tản mạn chuyện nghệ danh của các “Sao” Việt - Đặng Xuân Xuyến
Gọi Đấng tối cao toàn năng của Hồi Giáo là “Thánh Allah” có sai không? - La Thụy
Phản kháng của Nietzsche - Võ Công Liêm
Kỷ niệm 2 năm ngày mất nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển 6/5/2020 - La Thụy
Cùng một tác giả