Sắc màu thu đã gieo nhiều cảm hứng cho hồn thơ tứ nhạc. Nhiều bài thơ, bản nhạc viết về THU dù đã trải qua bao năm tháng phôi pha vẫn in đậm nét trong lòng người thưởng lãm. Là người yêu nhạc (loại nhạc có air “bán cổ điển”), ai mà không thuộc các bản “Buồn tàn thu” của Văn Cao, “Giọt mưa thu”, “Đêm thu”, “Con thuyền không bến”… của Đặng Thế Phong , “Thu quyến rũ” của Đoàn Chuẩn Từ Linh , “Thu vàng” của Cung Tiến, “Em ra đi mùa thu” của Phạm Trọng Cầu, “Chiếc lá thu phai” của Trịnh Công Sơn , “Mùa thu Paris” của Phạm Duy, “Thu hát cho người” của Vũ Đức Sao Biển, “Thu ca” của Phạm Mạnh Cương v.v… Đặc biệt, bản “Mùa thu Chết” của Phạm Duy, bản nhạc hay nhưng có nhiều thắc mắc về xuất xứ của ca từ.
Bản nhạc này lấy ý của bài thơ “L’ADIEU” của Guillaume Apollinaire, điều này có lẽ được nhiều người chấp nhận. Tuy nhiên lời Việt của bản nhạc “Mùa thu chết” thì không ít ý kiến cho rằng là do chính thi sĩ Bùi Giáng chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Pháp bài “L’ADIEU” nói trên, Phạm Duy chỉ phổ nhạc mà thôi. Để nhìn nhận cho khách quan, ta thử đối chiếu nguyên tác với bản dịch của Bùi Giáng và lời nhạc của Phạm Duy.
a/ Bài thơ của Apollinaire:
L'ADIEU
J'ai cueilli ce brin de bruyère
L'automne est morte souviens-t'en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t'attends
GUILLAUME APOLLINAIRE
b/Bản dịch của thi sĩ Bùi Giáng:
LỜI VĨNH BIỆT
Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo (*)
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ không tương phùng được nữa
Mộng trùng lai không có ở trên đời
Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi
Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó...
BÙI GIÁNG
(*) Câu này còn có dị bản:
Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo
c/ Ca từ trong bản “Mùa thu chết” của Nhạc sĩ Phạm Duy :
MÙA THU CHẾT
Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
Em nhớ cho Mùa Thu đã chết rồi !
Mùa Thu đã chết, em nhớ cho
Mùa Thu đã chết, em nhớ cho
Mùa Thu đã chết, đã chết rồi. Em nhớ cho !
Em nhớ cho,
Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa!
Trên cõi đời này, trên cõi đời này
Từ nay mãi mãi không thấy nhau
Từ nay mãi mãi không thấy nhau...
Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
Em nhớ cho Mùa Thu đã chết rồi !
Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo
Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em.
Vẫn chờ em, vẫn chờ em
Vẫn chờ....
Vẫn chờ... đợi em !
PHẠM DUY
Như vậy, xem hai bản dịch nói trên, chúng ta thấy, chỉ có 2 câu đầu tiên là giống nhau thôi, thi sĩ Bùi Giáng chuyển ngữ tựa đề “LỜI VĨNH BIỆT” rất sát với nguyên ngữ “L’ADIEU”, trong bản dịch ông có dùng từ Hán Việt: “tương phùng”, “mộng trùng lai”, toàn bài dịch hơi thoát (thêm câu “Mộng trùng lai không có ở trên đời”). Riêng nhạc sĩ Phạm Duy thì trừ cái tựa bài nhạc “Mùa thu chết” là dịch có khác với nguyên ngữ, còn lại lời nhạc toàn bài dịch khá sát với nguyên tác. Lời dung dị nhưng cảm động. Phạm Duy khi phổ nhạc thì ở phần ca từ có thể chuyển dịch vị trí các câu thơ và có thể thay đổi từ ngữ, nhưng nhờ vậy bản nhạc có sắc thái riêng làm cho bài thơ được phổ có sức sống mới và giới yêu nhạc đón nhận nồng nhiệt, chính ngay nhiều tác giả có thơ được phổ nhạc cũng đồng tình như thế. Riêng Bùi Giáng, chính trong bài “Lời vĩnh biệt”ông lại chuyển dịch 2, 3… lần nữa thậm chí chuyển dịch ra lại tiếng Pháp. (Mời xem tiếp phần sau: “BÙI GIÁNG BÌNH THƠ APOLLINAIRE” và vài hình ảnh HOA THẠCH THẢO cũng trong bài viết này.)
Khi bản nhạc MÙA THU CHẾT xuất hiện, nhiều người cho rằng Phạm Duy đang ám chỉ điều gì đó, có không ít ý kiến phản hồi. Riêng nhạc sĩ Châu Kỳ sáng tác bản nhạc "MÙA THU CÒN ĐÓ" với ca từ như sau:
MÙA THU CÒN ĐÓ
Cảm xúc vì nghe mùa thu chết
Tôi viết bài này thương tiếc bởi mùa thu
Châu Kỳ
Mùa thu ơi! Nghe nói rằng em đã chết
Mùa thu ơi! Em còn đó hay chết rồi
Em còn đó, em còn đó hay chết rồi…
Thu! Em hãy nói, em hãy nói, nói đôi lời
Rằng mùa thu vẫn sống dài trên sông núi
Hồ thu xưa, trăng nhìn nước vẫn sáng ngời…
Xin đừng nói, xin đừng nói thu chết rồi
Không! Thu vẫn sống, em vẫn sống, sống đời đời…
Lạc vào vườn thu nghe lá vàng rơi xao xác
Lạc vào vườn thu thương nai buồn đang ngơ ngác
Dáng thu xưa vẫn chưa mờ, vẫn chưa mờ
nói sao vừa, nói sao vừa
nỗi mong chờ, đến bao giờ
Này thu ơi, thương bóng hình em năm đó...
Dù thu đi, trăng và gió vẫn ngóng chờ
Xin đừng nói, xin đừng nói thu chết rồi !
Không, thu vẫn sống
Đem hình bóng cho cuộc đời…
Châu Kỳ
*
BÙI GIÁNG BÌNH THƠ APOLLINAIRE
Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
L'ADIEU
J’ai cueilli ce brin de bruyère
L’automme est morte souviens-t’en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t’attends.
AP0LLINAIRE
Và nhớ nhé! Ta đợi chờ em đó
Bài thơ chỉ vẽn vẹn chỉ có năm câu. Năm câu phiêu hốt mang thiên nhiên nằm giữa nền thi ca Tây Phương Hiện Đại – năm câu cũng đồ sộ như toàn khối Đường Thi Trung Hoa hay mấy vần tứ tuyệt của một Thôi Hộ.
Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo
Em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ không tao phùng được nữa
Mộng trùng lai không có ở trên đời
Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi
Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó…
Dịch ra làm sáu câu, tôi có phần áy náy. Nhưng không biết phải làm sao. Cái chất đạm nhiên bát ngát trong bài thơ Apollinaire đang trừ khử hết mọi lối dịch diễn, dịch di, dịch tinh, dịch thể. Cứ thử liều một trận xem sao.
Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo
Em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ chẳng nhìn nhau trên đất nữa
Hương thời gian nhành thạch thảo tí hon
Và nhớ nhé ta đợi chờ em nhé…
Cũng tạm gọi là được. Nếu ta đem bài thơ bát ngát kia đặt vào giữa nguồn thơ mênh mông của Apollinaire ắt ta dám dịch nó ra làm lục bát Huy Cận, lục bát Nguyễn Du hoặc làm thất ngôn Du Nguyễn.
Đã hái nhành kia một buổi nào
Ngậm ngùi thạch thảo chết từ bao
Thu còn sống sót đâu chăng nữa
Người sẽ xa nhau suốt điệu chào
Em nhớ anh quên và em cũng
Quên rồi khoảnh khắc rộng xuân xanh
Thời gian đất nhạt mờ năm tháng
Tuế nguyệt ta đà nhị hoán tam.
Dịch như thế là diễn giải một mùi hương ẩn tàng trong nếp gấp. Nhưng đâu có cần gì. Nếu như cần, thì tớ cứ buông bừa bút mực viết bừa thơ.
Mùa thu chết liễu nhớ chăng em?
Đã chết xuân xanh suốt bóng thềm
Đất lạnh quy hồi thôi hết dịp
Chờ nhau trong Vĩnh Viễn Nguôi Quên
Thấp thoáng thiều quang mỏng mảnh dường
Nhành hoang thạch thảo ngậm ngùi vương
Chờ nhau chín kiếp tam sinh tại
Thạch thượng khê đầu nguyệt điểu mang
Xa nhau trùng điệp quan san
Một lần ly biệt nhuộm vàng cỏ cây
Mùi hương tuế nguyệt bên ngày
Phù du như mộng liễu dài như mơ
Nét my sầu tỏa hai bờ
Ai về cố quận ai ngờ ai đi
Tôi hồi tưởng lại thanh kỳ
Tuổi thơ giọt nước lương thì ngủ yên.
Dịch ra như vậy thì tiếp giáp với bài thơ “JE ME SOUVIENS":
Je me souviens de mon enfance
Eau qui dormait dans un verre
Avant les tempêtes l’espérance
Je me souviens de mon enfance
Tôi hồi tưởng tuổi thơ ngày trước
Đáy ly nào giọt nước ngủ yên
Trước khi giông bão muộn phiền
Giậy cơn hy vọng cuối miền thơ ngây.
Je songe aux métamorphoses
Qui s’épanouissent dans un verre
Comme l’espoir et la tristesse
Je songe aux métamorphoses
C’est ma destinée que je lis
Dans les reflets incertains
Les jeux sont faits rien ne va plus
C’est ma destinée que je lis
Tôi nghĩ tới tháng ngày chuyển dịch
Những thay hình đổi dạng mở phơi
Trong ly nước mộng tuyệt vời
Với sầu dao động nỗi đời giao thoa
Linh hồn định mệnh âm ba
Bóng vang khép mở đầu hoa mơ hồ
Hỡi ôi dâu biển xô bồ
Hồn trong định mệnh bây giờ đọc ra
(Sương Bình Nguyên)
BÙI GIÁNG
*
HOA THẠCH THẢO
Nguồn: Tài liệu tổng hợp từ internet
Hoa bruyère trong thơ Guillaume Appolinaire đã được Bùi Giáng và Phạm Duy dịch là hoa thạch thảo. Tự điển Pháp - Việt giải thích hoa bruyère là một loài hoa chuông dại mọc trên cát sỏi. Nhưng ở Việt Nam, hoa Thạch thảo chính là Cúc Sao, Cúc Cánh mối, Cúc Nhật. Chúng ta thử tìm hiểu về HOA THẠCH THẢO nhé!
* Hoa thạch thảo ở Việt Nam
Hoa Thạch thảo (Aster amellus L) thuộc họ Cúc (Asteraceae). Tại Việt Nam, người miền Nam hay gọi là Cúc Sao, Cúc Cánh mối, người Bắc gọi là Thạch thảo. Thạch thảo hay mọc thành bụi, nhiều bông với cánh đơn xoè rộng ra. Hoa Thạch thảo có ba màu chính: tím, hồng, trắng. Thạch thảo ngày nay được lai tạo thêm thành loại hoa cánh kép. Hoa Thạch thảo cánh mối cũng như các loại hoa cúc thường nở vào mùa Thu, khi mà đa số các loại hoa khác đã tàn.
Như vậy, hoa Thạch Thảo (hay cúc Sao, cúc Nhật, cúc Cánh Mối) là 1 tên Việt của loài Aster amellus L. thuộc họ Cúc (Asteraceae), tên Anh ngữ là Aster và Pháp là Astère.
Nhóm Cúc (cả trồng làm hoa hay mọc hoang) thường được gọi chung là Chrysanthemum/Aster, trong đó các loài mọc hoang thường có 1 chùm lông ở cuối mỗi hột (khi trái chín) và phát tán nhờ gió (nên mọc hoang, rải rác vào mùa xuân khi có nắng ấm ở Âu châu, hoa chỉ sống trong vài tháng!). Các loài cúc trồng thì không phát tán tự nhiên được vì hột không có lông như Vạn Thọ (marigold), cúc Giấy (zinnia). Có loại được trồng từ hột, có loại trồng bằng củ; cúc Thạch Thảo (cúc sao/Aster), và nói chung loại nhiều loại cúc thường trồng từ cây con nhảy chồi (do mọc thành bụi, hoa thường bất thụ)
* Hoa Thạch Thảo ở Âu Châu
Hoa Thạch thảo Âu châu là thuộc cây Bruyère (tiếng Pháp) hay Heather (tiếng Anh) còn gọi là Common Ling hay Briar.
Từ điển Sinh Học Anh Việt và Việt Anh, nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật dịch heather là cây thạch nam. Erica. Trung hoa gọi là Hồng phương bách hay Thạch nam. Từ điển phổ thông Pháp Việt gọi là cây Thạch thảo.
Phân loại:
Tất cả các loại thạch thảo đều trong gia đình Ericaceae, có một loại hoa thạch thảo duy nhất thuộc giống Calluna, ngoài ra là loại Erica. Dưới đây là một số giống Erica khác nhau trong hàng vài trăm loại khác nhau trên thế giới.
Loại Calluna vulgaris là loại thạch thảo thật sự (true heather), loại cây nhỏ, có hoa nhỏ hình chuông màu tím, hay hồng nhạt.
Loại Erica gồm nhiều giống khác nhau từ giống cây nhỏ mọc từng bụi nhỏ hoặc có thể là cây lớn.
- Erica arborea, treeheath, briar, brier: cây nhỏ ở vùng Địa Trung Hải có chùm hoa trắng hình chùy, thơm và có rễ cứng như gỗ được dùng để làm ống điếu hút.
- Giống Erica carnea, spring heather, winter heather, là loại cây hoa nhỏ mùa đông hay mùa xuân, ở Âu châu có hoa hình chuông màu đỏ hay hồng.
- Giống E. cinerea: loại thạch thảo có lá nhỏ, hoa hình chuông màu đỏ tím
- Giống E. tetralix, bellheather, cross-leaved heath là loại cây nhỏ lùn có hoa màu hồng
- Giống E. vagans hay còn gọi là Cornish heath là loại thạch thảo mọc cả bụi có hoa màu hồng hay trắng thường thấy ở cánh đồng hoang tại Cornish và đông nam Ấu châu.
- Giống E. lusitanicahay Portugese heath, Spanish heath mọc rậm rạp ở vùng bán đảo Iberia , có hoa trắng hồng.
- Giống E. perspicua hay Prince of Wales heath mọc rất nhiều ở Anh quốc và Nam Phi châu, có hoa màu trắng. Hoa dài và trông tựa như chùm lông của huy hiệu trên Coat of Arms của Hoàng tử xứ Wales- Anh Quốc, nên mang tên Prince-of-Wales heath
- Erica mammosalà loại Erica có nhiều màu nhất từ màu trắng, tím, cam đến màu đỏ. Hoa chuông đặc biệt dài hơn các loại Erica khác
Nếu nói về ý nghĩa của màu hoa thạch thảo thì thạch thảo trắng tượng trưng cho sự che chở, cho sự mong mỏi. Thạch thảo mầu hồng tượng trưng cho may mắn, và màu xanh lạt lavender tượng trưng cho cô đơn, sự hâm mộ thán phục.
Mùa thu về, nhìn lá vàng chao nghiêng trong gió, thấm đẫm nắng hanh vàng, bất chợt bừng trải lòng lắng nghe tiếng thu man mác bâng khuâng
La Thụy Đoàn Minh Phú