Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.192
123.204.844
 
« Trầm Tử Thiêng » giữa mơ thiêng và trầm tích phận người
Bùi Đức Hào

 

Gần nửa thế kỷ sắp vĩnh viễn trôi qua kể từ ngày hòa bình được lập lại, nhưng vết hằn các biến động lịch sử giai đoạn 1945-1975 vẫn in sâu trên Đất nước và con người Việt Nam. Những con người chưa hoàn toàn lấy lại được sự hồi phục mong đợi và, cho đến hôm nay, vẫn mãi còn bị trăn trở giằng co với chính mình giữa nhiều vấn nạn, mà phần lớn chừng như đã trở thành một thứ nợ chưa trả.

 

Một trong những món nợ lớn, có tính khách quan và vô cùng cơ bản, là việc phải trả lời cho câu hỏi nhức nhối về sự chính đáng của phương thức tiến hành cuộc chiến tranh đó – đặc biệt trong thời kỳ hai mươi năm cuối –, trước cái giá ghê gớm đã phải trả và hiệu quả sau cùng thật đáng mỉa mai cho xứ sở, dĩ nhiên trong mối tương quan so sánh với những đáp án khác có thể có và cục diện thế giới ngày nay : nó thuộc về một sự đánh giá toàn diện, nghiêm túc và nghiêm khắc của sử học cũng như của nhân dân.

 

Một món nợ khác, mang tính chủ quan và có tầm độ gần hơn, là sự cần thiết phải nghiệm chứng rằng thế hệ chúng ta chưa hề lẩn trốn hay làm kẻ xa lạ : nếu không cương quyết dấn thân hay biết tự sở hữu cho nội tâm mình (s’approprier) những thử thách đau thương của dân tộc, thì ít ra cũng đã có lúc dám nhìn thẳng vào bộ mặt những tháng năm thảm khốc diễn ra trên Quê hương. Điểm này, ngay đến bây giờ vẫn chưa phải là quá muộn cho những ai trót bị thiếu sót, sẽ có thể phần nào được giải quyết ở mức cá nhân như một liệu pháp với sự trung gian tích cực và khả năng tuyệt vời của nghệ thuật, bằng cách thử nhận diện lại Quê hương đó – dưới góc độ truy tầm, đối chiếu để cảm thông, chia sẻ – qua dấu tích cuộc chiến trong âm nhạc miền Nam.

 

Bởi vì, một mặt, chỉ ở miền Nam khi ấy, con người – kể cả nghệ sĩ – mới còn có được chút quyền, dù nhỏ nhoi đến mấy, để khẳng định cái nhìn riêng và do đó tự khẳng định giữa lòng bức tranh bi tráng của lịch sử.

Mặt khác, nếu các nhà văn hình như hầu hết đã lỗi hẹn với sứ mạng cao cả là tạo ra tác phẩm tầm cỡ, thì không thiếu những nhạc sĩ – cũng vào thời điểm đó ở bên này vĩ tuyến 17– đã để lại nhiều bài hát tuy không lẫy lừng vĩ đại nhưng có giá trị chẳng những về mặt nghệ thuật mà, trong một chừng mực nào đó, còn ít nhiều mang cả tính cách chứng từ. Điều thiết yếu là, ở đây, ta cần nỗ lực tránh thoát sự chi phối của nhãn quan ý thức hệ, nguyên nhân của vô số tai họa trong suốt hành trình nhân loại, để chỉ lắng nghe tiếng nói thật thà, đích thực, đến từ trái tim. Để có thể nhìn sự kiện, sự vật, như nó . Để ghép lại những mảnh quá khứ, của dân tộc cũng như của đời người, đã vô tình vuột khỏi tâm tư.

 

Bởi vì, may thay, trong số những tác giả đáng nói nhất, có một người tuy đã không chọn con đường nhạc phản chiến, không được nổi tiếng như Trịnh Công Sơn, nhưng cũng đầy tài năng và đặc điểm riêng lạ. Một con người trung trực, khiêm tốn. Một nghệ sĩ chân chính và quảng đại, đã trao tận tay ta – qua những ca khúc ông viết về Quê hương, thân phận – chiếc gương đáng trân quí để soi lại thế sự và tình người một thời chinh chiến, trong tất cả chiều kích cuồng nộ, ray rứt hiện thực đã đành, nhưng đồng thời cũng không thiếu mặt thâm trầm, ấp ủ mộng mơ : Trầm Tử Thiêng.  

 

Mãi cho đến khi lìa đời, con tằm nghệ sĩ ấy đã cần cù lặng lẽ nhả từng sợi tơ kỳ diệu dẫn đưa ta ra khỏi mê lộ những nỗi đau trần thế.

 

 

Bên kia nỗi bất lực trước cuộc chiến

 

Sinh ra trước hai tuổi và mất sớm hơn một năm so với họ Trịnh, Trầm Tử Thiêng (1937- 2000) có thể được coi như nằm trong số những nhạc sĩ kém may mắn, gặp lắm bất công : ít xuất hiện, ít được nói tới (ngay cả lúc qua đời [1]) ; thậm chí, một số bài hát được yêu thích của ông trên thực tế cũng phải chịu cảnh gần như… khuyết danh vì không phải ai cũng biết tác giả ! Nghịch lý này, phần lớn là do bệnh không nêu rõ xuất xứ, nhất là tên người làm ra tác phẩm, của người Việt. Thêm vào đó, cũng có thể vì nhạc ông không hẳn dành cho giới trí thức thành thị, mà cũng chẳng phải thuộc loại « thời trang » hay « thương mại », theo cách nói thông dụng thời ấy.

Trầm Tử Thiêng tên thật là Nguyễn văn Lợi, quê quán đất Quảng Nam, nơi sản sinh lắm anh tài mà trong số những khuôn mặt đương đại nổi bật, ta không thể không nhắc đến một đàn anh xuất sắc thuộc cùng lãnh vực là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu…

Theo Wikipedia, « Trầm Tử Thiêng bắt đầu ca hát từ năm lên 10 ở các thôn quê miền Nam Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945 đến 1949. Sau đó ông lên Sài Gòn tiếp tục học và tham gia hoạt động âm nhạc ở các học đường và các đoàn thể trẻ. Năm 1958, Trầm Tử Thiêng tốt nghiệp trường Sư phạm và bắt đầu dạy học » [2].

Thế rồi, cũng như hầu hết thanh niên thời ấy, ông bị gọi nhập ngũ nhưng may mắn lọt vào số những văn nghệ sĩ được tuyển dụng về Phòng Văn Nghệ, Cục Tâm Lý Chiến, năm 1966.

Theo Hoài Nam, Trầm Tử Thiêng bắt đầu viết nhạc ngay từ cuối thập niên 1950, nhưng những sáng tác đầu tay của ông hầu hết đã bị « thất truyền » [3]. Nói về nhà soạn nhạc này, Du Tử Lê có cho rằng :

 « Trầm Tử Thiêng không là một nhạc sĩ viết bài ca tuyên truyền ; anh dùng nét nhạc để ghi lại những giai thoại lịch sử, đôi khi có gởi gấm một vài phê phán với cảm xúc đầy nhân bản của một bộ môn nghệ thuật, ngợi ca những mối tình trong thời chiến, những lần hẹn hò, những xao xuyến chờ mong, những lo âu bồi hồi, những cách ngăn ly biệt » [4].

Nhận xét này bao trùm toàn bộ sự nghiệp sáng tác họ Trầm, trong đó có bộ tam (trilogie) ba ca khúc ra đời sau 1965 – năm quân đội Mỹ bắt đầu trực tiếp tham chiến tại Việt Nam –, đáng được xem là tiêu biểu nhất : Bài hương ca vô tận (1966), Đưa em vào hạ (1967) [5]Kinh khổ (không rõ năm phát hành).

       

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng (1937-2000) [sưu tầm trên mạng (sttm)]

 

Bài thứ nhất mang tính cách tân ngay trong tựa đề, bởi trước Tử Thiêng chưa nghe nói đến từ « hương ca » (chữ h thường) : một ca khúc viết về quê hương và cho quê hương. Sự kiện cái tên riêng Hương được đưa vào ca từ, mà Du Tử Lê đã từng dẫn ra như một điều mới lạ, phải chăng chỉ đơn thuần xuất phát từ việc nhân cách hóa – và do đó viết hoa – cái danh từ mang nghĩa thôn làng trong cụm từ quen thuộc đã thành bất tử với hai bài thơ nổi tiếng của Giang Nam và Đỗ Trung Quân ?

Bài hát mở ra bằng một lời nài nỉ thân tình và khẩn thiết :

Hát nữa đi Hương, hát điệu nhạc buồn, điệu nhạc quê hương/ Hát nữa đi Hương, hát lại bài ca tiễn anh lên đường.

Không có gì lạ. Điệu buồn là ADN của nhạc Việt : cái da diết não nùng của một mảng lớn dân ca, cái u uẩn phảng phất trong từng đoạn « Chinh phụ ngâm khúc », phải chăng là tiếng vọng của khói lửa triền miên – thực chất là những cuộc phân tranh Nam Bắc – trải đều suốt hằng thế kỷ ?

Tử Thiêng tiếp ngay bằng lời giải thích :

Ngày đao binh chưa biết còn bao lâu/ Cuộc phân ly may lắm thì qua maụ/ Hát nữa đi Hương hát để đợi chờ.

Đợi chờ ư ? Vào thời điểm đó, chẳng ai biết khi nào chiến tranh chấm dứt. Nhưng có lẽ không ai đủ can đảm nghĩ tới giả thuyểt sẽ còn phải chịu đựng thêm đến trên dưới mười năm nữa !

 Hát nữa đi Hương, câu nhạc thành nguồn gợi chuyện đau thương/ Hát kể quê hương, núi rừng đầy hoa bỗng thành chiến trường/ Đồng tan hoang nên lúa ngại đơm bông …

Hóa ra, hát chỉ là cái cớ để nói chuyện non sông. Nhạc là nguồn để dòng tâm sự tuôn chảy. Và trên quê hương yêu dấu đó, ta còn thấy được những gì ?

Những hình ảnh gợi ra ở đây nói chung hãy còn khá tiết chế như chính tâm hồn tác giả đang hãy còn rất tự chủ, đầy tin yêu, vào những năm đầu chiến trận. Hát ở thời điểm ấy chưa phải là tụng lời tang niệm. Nó chỉ mới dừng ở mức xướng thanh để nói lên rằng nước đang có chiến tranh. Vì vậy, với tư cách một nghệ sĩ, họ Trầm đã không ngần ngại gửi gấm thêm vào đó nhiệm vụ làm phát hiện cái đẹp và vinh danh cuộc sống, vốn ngon ngọt tự nhiên, hấp dẫn và đầm ấm, như bến cảng bình yên dành cho những giấc « mộng bình thường » [6] :

Hát chuyển vai em, tóc xõa bồng mềm dịu ngọt môi em/ Hát mãi nghe Hương cho hồng làn da kẻo đời chóng già/ Ngày xa xưa em vẫn nằm trong nôi/ Mẹ ru em câu hát dài buông lơị/ Hát để yêu cha ấm lại ngày già. 

Cho nên, Trầm Tử Thiêng mong sẽ được nghe ngân mãi điệu ca dài vô tận :

Hương ơi, sao tiếng hát em, nghe vẫn dạt dào, nghe vẫn ngọt ngào/ Dù em ca những lời yêu đương, hay chuyện tình gãy gánh giữa đường/ Dù em ca nỗi buồn quê hương, hay mưa giăng thác đổ đêm trường […] Hát nữa đi Hương, hát đi Hương, hát mãi đi Hương ! 

Được giới thiệu với công chúng lần đầu bởi Duy Khánh, bài hát lọt ngay vào mắt xanh của Thái Thanh, người đã đưa ca khúc lên đỉnh cao ở miền Nam [7]. Sự đồng cảm giữa nữ danh ca vào hàng số một của nền tân nhạc Việt và Trầm Tử Thiêng trên tác phẩm này còn được thể hiện qua việc, sau 1975, Thái Thanh đã ghi âm một phiên bản mới tại Mỹ [8].

Cuộc chiến leo thang, chưa bao giờ lực lượng quân đội Mỹ và đồng minh đông đến mức như thế [9] ở miền Nam, tính cho đến cái mốc lịch sử Tết Mậu Thân 1968. Trầm rời tư thế chiêm nghiệm độc hành để bước sang nhiệm vụ đánh thức tuổi trẻ thành phố về thực trạng Đất nước, đặc biệt với tác phẩm Đưa em vào hạ[10] như một dự phóng mới đi sát với thời cuộc :

Mùa hè năm nay anh sẽ đưa em rời phố chợ đôi ngày/ Qua miền xa mà nghe rừng thiêng gọi lá. 

Bài hát báo ngay cái sắc thiêng của rừng gọi lá : ẩn dụ về nguồn của một trải nghiệm càng lúc càng trở nên cấp bách.

Tiền tuyến khi ấy tương đối còn ở xa nên người hậu phương, khi nghe bài hát, được đón nhận cận cảnh những hình ảnh mới lạ, chưa từng có trong nhạc Việt, như được chiếu lên từ những thước phim sống động :

Tiếng nỉ tiếng non khi chiến trường nằm im thở khói/ Đứa bé nhìn cha đang chờ giặc dưới giao thông hào.

Thời ấy – một chi tiết về phương diện « xã hội học » hiếm thấy –, lính tráng được đem vợ con theo ở trong các láng trại tiền đồn. Nhưng, thật lạ : tiếng nỉ non nào lại trỗi lên trên chiến địa im lìm ? Lời con tim nhắc tới người yêu, hay câu vọng cổ ngân nga từ anh lính độc thân xa nhà ? Hay chỉ là âm thanh gió hú những oan hồn vất vưởng nơi trận tiền ?

Tác giả không trình bày nguyên si thực tại mà chỉ khéo léo gợi sao vừa đủ để ta tự khám phá, từ chỗ đứng và theo cảm nhận của riêng mình. Người ta không thể không liên tưởng đến câu nói của họa sĩ lừng danh Paul Klee (1879-1940), « nghệ thuật không sao lại cái hữu hình ; nó làm cho trở nên khả kiến (l’art ne reproduit pas le visible ; il rend visible). » [11]

Tử Thiêng đã xuất thần như thế khi pha lẫn lãng mạn với hiện thực. Ông tiếp tục đưa người trẻ phố thị đến gần với thân phận những chàng trai đã phải lên đường, bằng những ca từ quen thuộc, tưởng là sáo mòn nhưng kỳ thực ngầm chứa nhiều sáng tạo :

Tìm về xa xôi em sẽ thương những vùng đất lở sông bồi/ Bạn bè em giờ đây người sương người gió/ Chí cả trót mang nên chẳng cần về thăm trường cũ/ Có đứa từ lâu nay vẫn còn đi biệt chưa về. 

Thông thường, chữ « biệt » được dùng ở các tựa thơ – « Tống biệt » (Tản Đà), « Tiễn biệt » (Nguyên Sa) – hoặc đi đôi như tiếng đệm trong từ kép « biền biệt » (Hữu Loan) chẳng hạn. Nhưng ở đây, Trầm Tử Thiêng dựa vào lối nói nôm na « đi biệt » của người bình dân, để diễn tả ngắn gọn và ý nhị cái mông lung vô định của hành trình kẻ ra đi, cái mất mát, vô vọng của con người, mà tiếng « chưa » trong hai chữ « chưa về » ngấm ngầm nghe như một sự tự dối lòng, nếu không phải là tiếng rung ác nghiệt đáng xua đuổi của hồi chuông định mệnh...

Bức tranh chung, vì thế, khoác một màu thê thiết :

Quê hương đau, nắng hạ cũng buồn/ Nước sông ngăn đôi sơn hà/ Còn gì em, còn gì đâu !

Thế nhưng, bấy giờ, không có chỗ cho bất cứ một chọn lựa nào khác nữa :

Mùa hạ qua mau, đi nữa đi anh, chí con đường quê hương mịt mùng/ Thương những chiều nắng rọi bờ sông.

Còn gì nữa đâu, ngoại trừ những ước mơ hay – đúng hơn – những cơn mơ, để có thể còn tiếp tục sống trong phần mở mắt còn lại của dòng chảy mỗi ngày :

Mùa hè năm nay anh sẽ ru em tròn giấc ngủ trên ngàn/ Em nằm mê mà nghe niềm tâm sự réo/ Trăm họ ước mơ mơ mái nhà chiều khơi lửa ấm/ Lứa tuổi tròn hai mươi tìm lại những đêm ân tình. 

Mở mắt để nhận ra bộ mặt thật của hậu phương, nơi mọc lên những tụ điểm ăn chơi giải trí nhằm trốn tránh thực tại, đồng thời cũng lại là nơi diễn ra những cuộc chia ly chua xót :

Mùa hè năm nay anh sẽ đưa em vòng khắp cả hý trường/ Nghe người ca bài ca lời thương lời nhớ/ Chén tiễn chén đưa cho rã rời một đêm hẹn ước/ Rứt áo tìm vui nơi chiến trường có bạn có thù. 

Thoát thai từ hiện thực máu lửa, các sáng tác của Trầm Tử Thiêng trĩu nặng tâm tư tuổi trẻ thời đại, ngây thơ có, mà gìà trước tuổi cũng có. Từ ngữ ông xử dụng nghe rất cổ điển – như ngay chính cái bút hiệu Trầm Tử –, đôi khi thậm chí có thể gây phê phán, song hoàn toàn không giả dối so với cách nói và suy nghĩ của người trong cuộc, chẳng hạn những từ « bạn, thù » ta vừa thấy hoặc « giết giặc » trong tiểu đoạn kết thúc bài ca :

Thương em đi gót nhẹ chân mềm/ Bước trên quê hương điêu tàn/ Lặng nhìn em, bồi hồi thêm !/ Dù hạ qua mau, anh vẫn đưa em cuối con đường quê hương bùn mềm/ Thương những người giết giặc ngày đêm. 

Chiến tranh dù dưới danh nghĩa nào cũng là đáng ghét. Đáng thương nhất là những người hiền lương vô tội bị nhận chìm trong cơn « gió tanh mưa máu » đó, nói như Nguyễn Đình Toàn [12], nhà văn nổi tiếng cùng thời với tác giả. Tai họa xảy đến cho dân tộc triệt tiêu mọi hy vọng. Không gì có thể còn tồn tại trên một đất nước đã trở nên điêu tàn : Trầm mượn cái tên tập thơ – được xuất bản đúng vào năm ông ra đời, đã từng làm rúng động thi đàn Việt – của một Chế Lan Viên tài không đợi tuổi,[13] để khẳng định như một tính từ chính xác nhất nói lên tình trạng bom đạn dày xéo Quê hương.

Hãy thử nghe lại câu « Thương em đi gót nhẹ chân mềm […] Lặng nhìn em, bồi hồi thêm ! […] anh vẫn đưa em cuối con đường quê hương bùn mềm » : những lời thân thiết, không chút dấu che niềm ái ngại, đến từ một người anh hết lòng quan tâm đến lớp đàn em mới lớn và đồng thời cũng tự thấy nặng mang mặc cảm bất lực của một thế hệ chẳng để lại được gì là vui thú cho kẻ đến sau. Đối diện với tuổi trẻ, Trầm Tử Thiêng có lẽ cũng ở cùng tư thế với một Nhất Hạnh khi thiền sư ra công viết nhanh tập sách nhỏ « Nói với tuổi hai mươi » để kịp thời đáp lại cơn cuồng phong những « nổi loạn » về mặt tư tưởng, vừa được dấy lên khi ấy bởi hiện tượng Phạm Công Thiện đã từng gây tiếng vang sôi nổi một thời.[14]

Nhưng nào ai cưỡng nổi những thế lực vô bờ xâu xé non sông ? Trần tình, dẫn đi thực tế hay đối thoại giữa nhau, cũng chẳng giải quyết được gì. Nỗi bất lực triền miên đương nhiên phải dẫn tới việc tay chắp nguyện cầu, và Trầm đã viết Kinh khổ trong hoàn cảnh ấy, theo một giọng điệu và cấu trúc mới.

Nếu Bài hương ca vô tận  Đưa em vào hạ giàu giai điệu trữ tình trong cùng một nhịp boléro thời thượng, thì lời ca bài Kinh khổ lại như chuỗi tràng hạt rơi đều theo tiếng mõ gỏ khô khan, khổ hạnh. Nếu hai bài hát trước chỉ khắc họa chân dung – dẫu có chút hư hao – của những đôi lứa không may thời chiến, thì bài sau này nói tới cả một dân tộc bị chìm trong khổ đau qua hình tượng Mẹ không ngớt lo khấn vái cho đàn con bất hạnh :

Mẹ ngồi nguyện cầu hằng bao đêm/ Lời kinh vọng xa thật êm đềm/ Mẹ cầu cho con vượt qua ngày tròn/ Mẹ cầu cho con tuổi trời xanh còn nguyên đừng đánh mất. 

Khí hậu ca khúc oi bức, ngột ngạt. Bên trong thì khẩn trương, tang tóc :

Xin cho mẹ trọn lời kinh đêm nay/ Người sẽ về, trước khi mẹ khuất núi/ Xin cho mẹ, ngoài trời im kinh động/ Người sẽ về, dù rách rưới tả tơi… 

Còn bên ngoài là những chuyển động bất thường của đám đông, trong một khung cảnh đầy nghi ngại, nhá nhem đen tối :

Người về một ngày một lưa thưa/ Người đi càng đêm càng đông dần/ Từng dài âu lo, từng quen đợi chờ

Mặc dù tác giả làm ra vẻ như còn hy vọng ở một ngày mai nào đó qua câu « Mộng thật cam go, miễn là mai niềm đau thành nụ cười », người ta thấy rõ Trầm đang hụt hơi gom góp tất cả năng lượng còn lại của lương tri, lẽ phải, để xốc dậy chút tin yêu cứu rỗi :

Còn lại đêm nay với vòng tay tình yêu người và người.

Mặc dù, chính ngay lúc ấy, ông không hề chối sự thực mà nói thẳng với chính mình, cũng như với tất cả mọi người con đất Việt, rằng « Lời nguyện cầu này cho nhau/ Từ khi loạn ly vào đêm đầu/ Tình người tiêu hao, niềm tin bội bạc. »

Song, tất cả sức mạnh của Tử Thiêng là ở đó : cuộc đối chọi ý nghĩa giữa người nghệ sĩ chân yếu tay mềm với nghịch cảnh lịch sử tàn bạo, tất yếu sẽ phải đem lại chiến thắng sau cùng cho tình thiêng liêng máu mủ :

Lạnh lùng một ngày một qua mau/ Lời kinh mù sương mờ trên đầu/ Mộng chờ mai sau, ngày mai thật lạ/ Thù hằn anh em, bỗng nhìn nhau gọi nhau thật đậm đà. 
 

Chính vì vậy, Trầm đã để bài hát chấm dứt trên những nốt ca ngợi lòng tin vào sự nhiệm mầu tại thế – như điểm tựa cuối cùng của một nhân loại xơ xác hoang mang – mà tác phẩm của ông có tham vọng được làm một trong những trang kinh ca nhật tụng cho con người giữa cơn khổ nạn :

Rời ngày sinh ly/ Rời đêm từ biệt/ Còn lại hôm nay những lời kinh tình yêu đầy nhiệm mầu. 

Sự kiện Khánh Ly lấy tựa ca khúc để đặt tên cho một album đặc biệt Trầm Tử Thiêng phát hành tại Mỹ năm 1995,[15] cũng đã nói lên phần nào tầm quan trọng của tác phẩm. Nhiều người đã viết những dòng ca ngợi bài hát, song rõ ràng đã có một sự nhầm lẫn khó hiểu và đáng tiếc trong việc phân tích cấu trúc âm nhạc của nó. Chẳng hạn Du Tử Lê [16], khi đề cập đến sáng tác họ Trầm, đã quả quyết rằng :

« […] ở “Kinh Khổ,” ông cũng lại là một trong vài nhạc sĩ đầu tiên, sử dụng quãng ba, chỉ gồm có ba nốt Ðô, Rê, Mi để hoàn thành tác phẩm của mình. »

Dĩ nhiên, Du thi sĩ có nêu tên hai nhân vật trong ngành nhạc “làm bằng” để nhấn mạnh them :

« […] theo các nhạc sĩ như Trần Duy Ðức, Nguyễn Ðức Cường thì nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng là người duy nhất, tính tới hôm nay, đã gặt hái được sự thành công rực rỡ với một ca khúc trước sau, chỉ dùng quãng ba. »

Tất cả những khẳng định này đều hoàn toàn không phù hợp với những gì được ghi trên bản nhạc Kinh khổ như trong hình chụp dưới đây, điều mà bạn đọc dẫu không rành nhạc lý vẫn có thể kiểm chứng dễ dàng, sau khi tham khảo ký âm pháp cơ bản – vừa đủ để đọc tên các nốt nhạc – và nhất là định nghĩa của quãng được nói khá rõ trên mạng chẳng hạn [17] : không nên đặt ra huyền thoại TrầmTử Thiêng « trước sau chỉ dùng quãng ba » trong bài Kinh khổ, cũng như không thể cho lan truyền chuyện tác giả chỉ sử dụng có …« ba nốt Ðô, Rê, Mi để hoàn thành tác phẩm của mình » !

                  

                                      Lời và nốt nhạc bài Kinh khổ (sttm)       

                                                                                                              

Bài Kinh khổ được viết năm nào, trước hay sau tập Kinh Việt Nam của Trịnh Công Sơn ? Hiện nay, chưa có thông tin chính xác về điều này. Riêng về thời điểm phát hành tác phẩm của Trịnh, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân viết là 1970 [18] trong khi các nguồn đáng tin cậy khác [19] đều ghi 1968.

Khi nghe Kinh khổ, người ta thấy đôi chỗ như na ná có phần giống giọng điệu một số bài phản chiến nhạc Trịnh, ít ra cũng là qua cách hát quen thuộc của Khánh Ly : phải chăng đó chỉ là do ảnh hưởng qua lại tự nhiên của các sáng tác cùng thời ? Tuy nhiên, ngoài nhận xét nhỏ và chủ quan ấy, Kinh Khổ hoàn toàn khác xa tập nhạc rất “dấn thân cách mạng” của Trịnh Công Sơn : bài hát của Trầm, tê tái buồn thương như ta vừa thấy, không có mục đích nào khác hơn là để nguyện cầu cho non nước bình yên, trong khi 12 ca khúc ở tập Kinh Việt Nam – ngoại trừ bài Dân ta vẫn sống – đều có âm điệu « mạnh mẽ vui tươi trong sáng »[18] và nhất là, vẫn theo Nguyễn Đắc Xuân qua công bố của ông năm 2007, đã được « sáng tác cho một kế hoạch đảo chính vận động hòa bình. »

 

Sự thay đổi tiết tấu và ca từ trong Kinh khổ phải chăng đã đánh dấu một bước ngoặc trong tư tưởng và sự nghiệp sáng tác của Trầm Tử Thiêng ? Nó cũng báo hiệu cho một tác phẩm đặc sắc, thể hiện những phút giây hồi nội sâu lắng và sự chín muồi tài năng của nhạc sĩ này, đó là bài Tưởng niệm.

 

Niệm khúc cho nỗi bất lực trước cuộc đời

 

Dưới một tựa đề ấn tượng, ca khúc ra mắt quần chúng vào năm 1972, năm khủng khiếp của “mùa hè đỏ lửa”. [20] Trầm Tử Thiêng khi ấy dường như đang trải qua một cơn thất vọng ghê gớm, có thể do tình hình Đất nước, nhưng chắc chắn là trong đời sống cá nhân, Trầm đã gặp nhiều trắc trở. Người nghệ sĩ có lẽ bị suy sụp nặng, chìm trong lo lắng, bi quan. Tác phẩm như co rút lại, thu mình trong góc nội tâm, để chỉ chuyển tải duy nhất một thông điệp da diết u sầu.

 

Tưởng niệm được viết theo âm giai Sol thứ, nhịp ¾, là một bài hát tương đối ngắn so với ba ca khúc trước mà mỗi khuông nhạc lắm khi có đến ba, bốn tầng lời khác nhau. Ngắn, nhưng chắc nịch tỉ trọng và âm vang khắc khoải ngay từ câu đầu :

 

Ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời, thì hãi hùng hoàng hôn trờ tới. 

 

Vì sao phải « nghe lại cuộc đời » ? Vì sao hoàng hôn gây « hãi hùng » khi bất ngờ tiến tới ?

 

Cuộn phim đời người, một lúc nào đó, sẽ quay đến cảnh chung cho hết thảy nhân loại : giờ phút điểm lại cuộc hành trình nhân sinh, sớm muộn gì rồi cũng đến.

 

Hoàng hôn là lúc ta đi đã gần xong phía triền xuống, trên đồi núi cuộc đời. Nhưng hoàng hôn rất có thể chỉ hiện diện trong tâm trí kẻ tuyệt vọng. Hoàng hôn bất chợt trờ tới – cái từ rất « mộc » của Tử Thiêng – là vì ta chưa bao giờ để ý đến sự can thiệp của bánh xe thời gian : nó lù lù có đó, chiễm chệ ở mỗi góc ngõ đời người, lạnh lùng lăn nghiến trên từng trang kỷ niệm, dữ dội đến độ mới đó mà đã cướp đi của ta màu xanh mái tóc thư sinh… Và cảm giác hãi hùng sẽ xâm chiếm tâm hồn kẻ đang bị hụt hẫng, mất hết mọi điểm tựa cho hiện hữu mỗi ngày.

 

Hoặc cũng có khả năng là niềm cay đắng trong lòng tác giả đã trỗi dậy đúng vào lúc mặt trời bên ngoài sụp bóng : sợ hoàng hôn vì sợ bị nhận chìm trong biển tối cô đơn.

 

Ta nghiêng vai soi lại tình người, thì bóng chiều chìm xuống đôi môi.

 

Trong giờ phút ấy, « soi lại tình người » là hết sức tự nhiên. Bởi động cơ thúc đẩy « nghe lại cuộc đời » chính là mong muốn hình dung lại những mốc chính, những sớm hôm đáng nhớ có bạn bè, người thân – hay có thể kể thêm cả kẻ quen biết gần xa –, đã cho ta đậm vị những đắng ngọt buồn vui trên quãng đường đã bước : giờ phút ấy, còn đếm được mấy ai để mà trông cậy, còn đâu những đợi chờ tri kỷ ?

 

Chất thơ toát ra từ câu nhạc, bàng bạc giữa trời chiều, mời gọi vào thế giới riêng tư của tác giả dưới màu sắc lăng kính mỹ học Trầm Tử Thiêng.

 

« Ta nghiêng vai soi lại » trên dòng sông ký ức có thể là để mê say ngắm chính bóng mình, giống như gã thợ săn Narcisse trong thần thoại Hy Lạp chăng ?

 

Không thể, khi ta đối chiếu với phong cách và tâm hồn người viết. Song, tư thế « nghiêng vai » soi nhìn thì hẳn là một. Mà ngay cả, nói cho cùng, sự cảm thương phận mình – dù đến từ Trầm hay bất cứ ai – cũng không phải là điều đáng ghét bỏ. Cũng như chẳng có gì là bất thường kỳ lạ, một khi động tác nhìn mình ấy không nhằm mục đích tự chiêm ngưỡng mà chỉ để phản tỉnh ngẫm lại những hành động đã qua.

 

                   

  Narcisse [vẽ bởi Caravage(?)khoảng 1598-1599 (sttm)]                    

 

                  

               Lời và nốt nhạc bài Tưởng niệm (sttm)                                                                                                                   

 

 

Trên tấm gương hồi nội ấy, Trầm thấy « bóng chiều chìm xuống đôi môi ».

 

Môi là phần nhạy cảm thông minh bậc nhất trên người : chàng đã truyền đi tín hiệu xúc giác của một cuộc giáp mặt với lòng mình, với bóng dáng những gì đáng lưu luyến nhất.

 

Chắc hẳn, từ lâu, Trầm đã bị ám ảnh bởi hai câu thơ diễm tuyệt của Thâm Tâm :

 

Bóng chiều không thắm không vàng vọt,

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong…    .

 

nên chi đã phổ nhạc toàn bài Tống biệt hành bất hủ này.[21]             

 

Nhưng nếu Thâm Tâm đọc tâm tình người tiễn đưa trên ánh mắt, thì Tử Thiêng mấp máy với kỷ niệm qua làn môi. Môi của những lần tâm sự. Môi của quả cấm ngọt ngào.

 

Môi của tôi hay của em ? Nào có quan trọng gì, khi sự hợp nhất đôi ta đã có lần lên tới tột đỉnh, khi cả không gian quay cuồng nhảy múa như chính vào giây phút này. Như nỗi mê say, rạo rực của một Hoàng Trúc Ly khi dừng chân bên bờ sông cũ :

 

Tôi muốn hôn bằng môi của em

Mùa xưa tha thiết nắng hoe thềm… (Gửi người em, 1953)

 

 

Quả thực, Trầm tựa hồ như đang trong trạng thái hôn mê :

 

 Đang mân mê cho đời nở hoa/ Chợt bàng hoàng đến kỳ trăn trối.

 

“Trăn trối” là một từ rất mạnh, chỉ dùng trước lúc lâm chung : chàng có vẻ như đã mất hết sự tỉnh táo, vì thực tế quá phũ phàng. Vì tất cả đều sụp đổ khi tình yêu tan biến :

 

Đang nâng niu cuộc tình lộng lẫy/ Bỗng ngỡ ngàng vụt mất trong tay.

 

Chàng gào lên, qua phần điệp khúc đang chuyển nhịp dồn dập, để nói lên – một cách không chút rối loạn mà vô cùng chí lý – cái phi lý của cuộc đời :

 

Ta khổ đau một đời, để chết trong tình cờ

Ta tìm nhau một thời, để mất nhau vài giờ,

 

cũng như những hoài mong vô vọng của người bình thường :

 

Bàn tay làm sao níu một đời vừa đi qua

Bàn tay làm sao giữ một thời yêu thiết tha.

 

Gào lên như vậy, chàng được vơi bớt nỗi đau. Thiêng bây giờ bình tĩnh hơn, để chững chạc thốt lên những lời châu báu :

 

Mang ơn em trao tình một lần

Là kỷ niệm dù không đầm ấm,

 

cùng những xác tín bản thân, như được đóng đinh trên cây thập tự đời mình:

 

Mang ơn em đau khổ thật đầy

Là nắng vàng dù nhốt trong mây.

 

Lời đẹp, ý sâu, tâm đầy độ lượng. Ít khi ta được chứng kiến một tấm lòng bao la và một lối diễn tả tinh tế như vậy, trước một cuộc tình tan vỡ. Ẩn dụ “nắng nhốt trong mây” sang trọng, độc đáo. Ở đây, sự quảng đại tỷ lệ thuận với niềm riêng không che dấu, mở ra cùng lúc với những mỹ cảm mà hai câu ca ngắn ngủi đã gợi lên cho ta : một cảm giác lạ thường, như được truyền từ sự hóa thân siêu thoát của khổ đau thành ánh cầu vòng trên vòm tâm thức…

 

Tuyên bố mang ơn người yêu, mặc dù cuộc tình không mặn mà đầm ấm, mặc dù những vết thương còn đau xót trong lòng : một điều quả hiếm, có lẽ chỉ thấy ở riêng Trầm. Từ Công Phụng có viết bản nhạc Tạ ơn em [22] từ thơ Du Tử Lê, nhưng là để vinh danh người bạn đời trăm năm tình nghĩa. Trịnh Công Sơn qua cả hai bài Tạ ơn [23] Cho đời chút ơn [24] đều cũng chỉ nói với đời nhiều hơn là với người yêu. Còn Phạm Duy, trong Nghìn trùng xa cách [25], tuy có viết câu kết cao thượng sáng giá “Đường dài hạnh phúc cầu chúc cho người” – song cũng chỉ là lời gửi vói theo, ngày cô gái ông mê lên xe hoa về nhà chồng –, đã không ngại lấy quyết định rũ bỏ ngay vào lúc ấy :

Trả hết cho người, cho người đi/ Trả hết cho ai cả những chua cay.

Trầm không vậy. Chàng giữ hết cho mình những cay đắng khổ đau và một mực khẳng định lòng biết ơn đối với người tình cũ, cũng như đối với cuộc sống đầy cam go thử thách :

Mang ơn trên cho cuộc đời ta

Vài vạn ngày gió cuồng mưa lũ

 

Thêm một cái lớn nữa của Thiêng. Những cái lớn giúp chàng hiên ngang đối mặt với định mệnh – hay đúng hơn –, với khoảng trống vô biên rình rập sau nấc thang cuối cùng của mọi quá trình hiện hữu :

Trong cơn đau một vừng nhang khói

Kéo ta về, về cõi hư vô.

 

Nguyễn Đình Toàn trong Tình khúc thứ nhất cũng đã từng mường tượng ra hương khói [12]. Nhưng sự tương tự dừng ở đó, bởi Toàn gợi ra không khí cúng bái là để nhắm thâu lại cho mình những gì hằng mơ tưởng :

Trầm mình trong hương đốt hơi bay, mong tìm ra phút sum vầy.

 

Còn Thiêng không thế : trong cơn nghiệt ngã, chàng vẫn sẵn sàng chấp nhận cái tín hiệu khi nó đến cho bước cuối để nhập cõi đi về, với hai bàn tay trắng. Trinh trắng, để dâng lên cao niềm tri ân về những gì đã nhận được từ người và đời…

 

 

                                                                                   

                                                              *

                                                          *      *

 

 

Sau bộ tam ba ca khúc được sáng tác trên nền chinh chiến, Trầm Tử Thiêng đã viết Tưởng niệm như một tự sự, nếu không là một di chúc tinh thần nằm giữa xác tín và tuyệt vọng, lúc mới 35 tuổi.

 

Khói lửa chiến tranh đã cướp đi những gì tươi mát nhất của tuổi trẻ và để lại trên bài ca dấu ấn những ưu tư, bi phẫn của cả một thời đại. Của sự già nua trước tuổi. Của phôi pha cuộc đời.

 

Song, bằng ma lực của ca từ và âm nhạc, bài hát – đặc biệt qua hơi giọng ténor vút thẳm, hiếm có trong hàng ca sĩ Việt, của Tuấn Ngọc [26] – vẫn đưa được người nghe vào chiều sâu hun hút của tác phẩm, cống hiến một trải nghiệm sống cộng sinh cùng nghịch cảnh, một cái nhìn vượt mọi giới hạn.

 

Ngoài sự khám phá bi kịch cá nhân và tấm lòng người nghệ sĩ, nó còn cho ta cái cảm giác song song nắm bắt được những ẩn dụ của tác giả về một bi kịch khác : một giai đoạn lịch sử bội bạc, vô nhân, đã gây bao tang tóc đau thương, đã tước đoạt, đánh tráo, hoặc thủ tiêu mối tình thơ ngây trong sáng mà nhiều thế hệ Việt Nam đã dâng cho lý tưởng cao đẹp.

 

Cho nên, trái hẳn với sự độ lượng đáng quý mà Trầm Tử Thiêng đã gợi ra qua sự chọn lựa cá nhân và số phần riêng tư đời mình trong nhạc phẩm, về cõi hư vô – ở mức độ cộng đồng – sẽ là số phần tập thể tàn khốc đáng sợ nhất mà định mệnh cay nghiệt có thể dành cho tương lai, nếu trước sau vẫn tiếp tục dưới bầu trời quê hương cơn hội chứng đông miên dửng dưng bất động.

 

                                                                                   

                                                                                                                                                                                                                                          Nguồn : Diễn Đàn Forum, bản cập nhật của tác giả gửi

 

Chú thích

[1] http://phiendasau-vongngayxanh.blogspot.com/p/tram-tu-thieng-nguoi-viet-kinh-kho.html

 

[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7m_T%E1%BB%AD_Thi%C3%AAng

 

[3] 70 NĂM TÌNH CA TRONG TÂN NHẠC VIỆT NAM, Hoài Nam - SBS Radio (Úc):

 http://ndclnh-mytho-usa.org/Nhac/Bay%20Muoi%20Nam%20Tinh%20Ca%20VN%20_HoaiNam_%28Phan_54%29.mp3

[4] https://dutule.com/p133a654/23/tram-tu-thieng-voi-2-ca-khuc-huong-ca-vo-tan-kinh-kho-

[5] Theo Nam Lộc, người dẫn chương trình ca nhạc của Trung tâm Asia,

https://nghenhac123.com/video/3854/lk-dua-em-vao-ha-bai-huong-ca-vo-tan-thanh-tuyen-bao-yen.html

Tuy nhiên, có nguồn cho rằng Bài hương ca vô tận được viết từ lúc Trầm Tử Thiêng tốt nghiệp sư phạm ra đi dạy (1958), nghiã là nhiều năm trước khi ông nhập ngũ (1966) : https://vanghe.blogspot.com/2019/02/nghe-nhac-xuan-nho-tram-tu-thieng.html

[6] Ngậm ngùi, thơ Huy Cận, trong tập Lửa thiêng (1940)

[7] Phiên bản Thái Thanh hát Bài hương ca vô tận, trước 1975 : https://www.youtube.com/watch?v=fGKx7Pi546k

[8] Phiên bản Thái Thanh hát Bài hương ca vô tận tại Mỹ : https://www.youtube.com/watch?v=YQHjoFhgGFY

[9] 1963-1975 La guerre du Vietnam, https://www.herodote.net/1963_1975-synthese-1750.php

[10] Đưa em vào hạ, Trầm Tử Thiêng, Duy Khánh hát (trước 1975): https://www.youtube.com/watch?v=jx21xEBOSfk

[11] Xem thêm : Chân dung cái Đẹp, https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=13471

[12] Xem thêm : Hai sắc thái tình yêu qua hai tình khúc Nguyễn Đình Toàn và Trịnh Công Sơn, https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=22435

 [13] Chế Lan Viên và thế giới "Điêu tàn", http://vanthonhactrieuchau.blogspot.com/2014/06/che-lan-vien-va-gioi-ieu-tan.html

 

[14] Ý thức mới trong văn nghệ và Triết học, Phạm Công Thiện, Nxb An Tiêm, Sài Gòn (1965) ;

Nói với tuổi hai mươi, Nhất Hạnh, Nxb Lá Bối, Sài Gòn (1966), https://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/thien-tap/noi-voi-tuoi-20/

[15] Album Kinh khổ (Khánh Ly,1995) : https://www.youtube.com/watch?v=I7_d1JaVImQ

[16] Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và Chuyện một Chiếc Cầu Đã Gảy, Du Tử Lê, http://amvc.fr/Damvc/GioiThieu/DuTuLe/NhacSiTramTuThieng-DTLe.htm

[17] Ví dụ ở http://hocdanghita.net/cung-va-quang-la-gi/ : Số quãng Do-Sol gọi là quãng 5 vì từ Do đến Sol là 5 nốt (C, D, E, F, G) ; số quãng Do-Mi gọi là quãng 3 vì từ Do đến Mi là 3 nốt (C, D, E)

[18] Trịnh Công Sơn sáng tác cho một kế hoạch đảo chính vận động hòa bình, Nguyễn Đắc Xuân,

http://www.gactholoc.com/c6/t6-2/b23/kham-pha-moi-nhac-tap-kinh-viet-nam-1970-trinh-cong-son-sang-tac-cho-mot-ke-hoach-dao-chinh-van-dong-hoa-binh-viet-nam.html

[19]  https://www.tcs-home.org/songs/albums/T04  và  https://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%E1%BA%A1c_ph%E1%BA%A3n_chi%E1%BA%BFn_c%E1%BB%A7a_Tr%E1%BB%8Bnh_C%C3%B4ng_S%C6%A1n

[20] Chiến dịch Xuân - Hè 1972 : https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_d%E1%BB%8Bch_Xu%C3%A2n_-_H%C3%A8_1972

[21] Tống biệt hành (Trầm Tử Thiêng, thơ Thâm Tâm), Khánh Ly hát :  https://www.youtube.com/watch?v=YnzkeKNxi_0

[22] Tạ ơn em, Thơ Du Tử Lê, Từ Công Phụng phổ nhạc và hát : https://www.youtube.com/watch?v=O1kj_unkL6o

[23] Tạ ơn, Trịnh Công Sơn, Lệ Thu hát : https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/ta-on-le-thu.dux6zTFnDJX7.html

[24] Cho đời chút ơn, Trịnh Công Sơn, Trần Thu Hà hát : https://www.youtube.com/watch?v=wLuCNn9gnfM

[25] Nghìn Trùng Xa Cách, Phạm Duy, hát bởi tam ca Bằng Kiều, Thiên Tôn và Đình Bảo :

https://www.youtube.com/watch?v=-2mplz_CotE

[26] Tưởng niệm, Trầm Tử Thiêng, Tuấn Ngọc hát: http://lyric.tkaraoke.com/18107/tuong_niem.html#playMp3

 

 

Bùi Đức Hào
Số lần đọc: 1098
Ngày đăng: 20.07.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
"Cung Tiến" qua Camille Huyền và Walther Giger - Bùi Đức Hào
Nhạc Pháp trong hồn người Việt - Đỗ Nguyễn
Trịnh - Tình yêu và những khúc ca bất tử. - Đỗ Nhựt Thư
Nhạc sĩ Lê Uyên Phương – tình khúc cho đời - Đỗ Nguyễn
"Tháng sáu trời mưa ", một bà hai ông: thơ vào nhạc ... ... - Lê Anh Thu
Vài nét về hai khuôn mặt nổi bậtcủa nhạc Việt đương đại:Lê Cát Trọng Lý và Vũ Cát Tường - Bùi Đức Hào
Bài hát “Bàn tay nhỏ dưới mưa” - Nguyễn Phú Yên
Những hình thức biểu diễn ca nhạc - Tuấn Giang
Nguồn gốc âm nhạc Mông (Hmômgz) - Tuấn Giang
Nhạc tình Boléro trở lại - Phan Văn Thạnh
Cùng một tác giả