Bài thơ tưởng chừng đã phân hủy dưới ba tấc đất không mong chi gặp lại, ấy thế mà nó đang đứng lù lù trước mắt - “Nỗi buồn chưa hết” (bút danh Phan Nguyễn Song Linh – nhật báo Đất Tổ,17/4/1966),đưa tôi gặp lại “tôi” ở cái tuổi 17 non choẹt - sớm “suy tư” thời cuộc…
Cả một bầu trời văn hóa Miền Nam ùa về - đứng giữa thành đô - một thời nhiễu nhương – tuổi trẻ Saigon-Gia Định bị lôi kéo vào những “việc làm của người lớn” - biểu tình xuống đường chống độc tài gia đình trị NĐD - chịu tác động của phong trào phản chiến - chống bắt lính,đốt xe Mỹ - đòi “US go home”! Bọn trẻ SVHS “hồn nhiên tranh đấu” nhưng mù mờ chẳng rõ sẽ về đâu?
Nội bộ chính trường miền Nam phân hóa,rối ren - đảo chánh,chỉnh lý liên miên,bầu cử độc diễn - súng đạn từng lúc không còn xa xôi đèo heo hút gió nữa mà đã ập đến phố thị gõ cửa từng nhà .Giải pháp nào cho tương lai ??
Quê hương điêu tàn,xác người đầy đồng,đau thương cùng khắp 4 vùng chiến thuật – Văn nghệ (thơ,nhạc…)là sản phẩm của con người – nhãn tiền thấy sao phản ánh vậy - chỉ dám chấp tay kêu van : “tôi xin thôi chuốc oán thù - để con mắt trắng khỏi mù vào đêm”.
Câu hỏi lớn ném lên trời xanh : “ngồi đây mấy kiếp để chờ đổi thay”? - Phải gần mười năm sau đó (1965,66 đến 1975) mới thành hiện thực - Được sờ tận tay “hòa bình”,còn mong gì hơn.Chỉ vậy thôi .
1-tôi ôm thế kỷ than dài
cho quê hương đó lưu đày lên môi
nuốt từng bọt đắng đơn côi
chiến chinh mấy bận đau vùi nước non
nồi da thịt xáo rửa mòn
vòng tay nhức nhối phiên buồn lên cao
2-từ hương tóc ấy điên cuồng
âm thừa kỳ quặc theo buồn đi hoang
-tôi xin trái đất úa vàng
Chút ân tình cũ lỡ làng mấy thu
-tôi xin thôi chuốc oán thù
để con mắt trắng khỏi mù vào đêm
3-cỏ cây giờ rướm máu tanh
đêm về rũ rượi mấy cành xương khô
từ cơn sóng biển nhấp nhô
ngồi đây mấy kiếp để chờ đổi thay ?
(TpHCM,11/7/2022)