Lời ngỏ
Ý tưởng viết để kể lại chuyến “Bay về tâm dịch” đã bắt đầu nhen nhúm trong trí tôi lúc ở sân bay Tân Sơn Nhất chờ máy bay về Doha, nhưng lúc ấy còn rất mơ hồ. Và nó chỉ thực sự hình thành khi ngồi ở Doha chờ chuyến bay chuyển tiếp về Roma.
Lúc đó, sau khi nối được mạng và nhận được các tin nhắn thăm hỏi từ những người thân trong gia đình và bạn bè trong văn giới, tôi thật sự xúc động và hiểu rằng, tuy mình bay một mình về tâm dịch nhưng không đơn độc, vì những yêu thương lo lắng và tình cảm mà mọi người dành cho tôi và theo dõi cuộc hành trình thì khác gì họ đã đồng hành cùng tôi. Và thế là từ ý tưởng kể lại thế nào nếu mình còn sống sót đã được mở rộng ra với các bài viết của các bạn mà tôi được nhận để hình thành một tập truyện: “Bay về tâm dịch.”
Tập truyện là một tập hợp các bài viết để tri ân, được sắp xếp theo thứ tự thời gian, và hoàn toàn không có biên tập hay sắp xếp chủ quan theo một trình tự nào.
Do tính cách đặc biệt nên trong tập sách này ngoài những trang thơ văn, tuỳ bút viết trong mùa dịch còn có cả những bài báo, bài phỏng vấn liên quan hay các dòng trạng thái trên Facebook, có khi còn được giữ lại các bình luận của các độc giả quen hay không quen biết.
Các bài báo kể về chuyến bay về tâm dịch, tuy câu chuyện kể vẫn là một nhưng cách trình bày và diễn đạt có khác nhau, tôi vẫn xin được giữ lại như một kỷ niệm hiếm có, xảy ra trong một trận đại dịch kinh hoàng gây bao đau thương cho toàn thế giới.
Tôi xin cảm ơn tất cả các bạn đã cho tôi cơ hội để thực hiện tập sách này. Những trang viết bằng cảm xúc của các bạn trong thời điểm đặc biệt đó đã mang lại cho chúng tôi một cảm giác được thương yêu như được sưởi ấm trong vòng tay thân ái. Không có những quan tâm đó chắc chúng tôi sẽ thấy mình lạc lõng biết bao!
Tình bạn là một điều quan trọng trong đời sống. Và điều này thì văn chương còn có thể gắn kết tuyệt vời vì đó là chia sẻ tâm hồn và tri thức.
Có người nói tình bạn được xem như một quyển sách, có người chiếm một trang, người chiếm được một chương nhưng cũng có người gắn bó và hiện diện cùng ta trong toàn bộ chuyện đời.
Nhưng dù gì thì văn chương là thứ không thể thiếu. Tất cả các nền văn học của mọi thời đại, trong mọi ngôn ngữ, trên tất cả các châu lục, kể, hát và dàn dựng con người trên sân khấu đều nhằm thể hiện nhu cầu của con người cần tìm đến nhau để mang lại ý nghĩa cho đời sống, đơn giản bởi vì văn học nói lên được tình yêu và nỗi khổ, làm đẹp thế giới và làm đẹp cuộc đời.
Xin chân thành cảm ơn những người bạn yêu quý của tôi.
Trước khi vào chuyện:
CÙNG NHAU ĐI ĐẾN THIÊN ĐƯỜNG
Một người đàn ông đang đi dạo với con chó của mình. Anh ấy đang tận hưởng phong cảnh, rồi bỗng nhiên nhớ là mình đã chết.
Anh chợt nhớ là lúc mình sắp chết thì chú chó đi bên cạnh đã chết từ nhiều năm. Anh tự hỏi con đường đang đi sẽ đưa mình về đâu. Sau một lát họ đến trước một bức tường trắng rất cao xây dọc theo con đường và hình như làm bằng đá cẩm thạch. Ở phía trên đỉnh đồi, bức tường bị gián đoạn bởi một vòng cung rất cao, đang tỏa sáng dưới ánh nắng mặt trời.
Đến gần anh thấy cửa vòng cung bị đóng bởi một cánh cổng bằng ngọc trai đóng và nhìn thấy có một con đường, hình như được lát bằng vàng ròng.
Anh dắt chó đi về phía cổng, ở một bên có một người đàn ông ngồi bàn làm việc.
Anh hỏi: '' Xin lỗi ông, chúng ta đang ở đâu vậy?
“Đây là Thiên đường, thưa ngài” người đàn ông trả lời.
- Xin lỗi ông, tôi có thể xin một chút nước chứ?
- Chắc chắn rồi, thưa ngài. Vào đi, tôi có nước ướp lạnh bên trong.
Người đàn ông phẩy tay và cánh cổng được mở ra.
- Bạn tôi có thể cùng vào được không? Anh vừa hỏi vừa chỉ con chó.
- Xin lỗi ngài, ở đây chúng tôi không chấp nhận động vật.
Anh khựng người, suy nghĩ một lát rồi sau đó liền quay lui và tiếp tục đi dạo với con chó của mình.
Sau một hồi đi bộ anh đã lên đến đỉnh một ngọn đồi khác, anh nhìn thấy một con đường bẩn thỉu dẫn đến lối vào một nông trại, trước cửa có một cánh cổng dường như chưa bao giờ đóng lại. Cũng không có hàng rào xung quanh.
Khi anh đến gần cổng vào, anh ấy thấy một người đàn ông đang ngồi đọc một cuốn sách lưng dựa vào một thân cây.
'Xin lỗi ông,' anh hỏi. – Ông có thể cho tôi một ít nước uống không?
- Vâng, chắc chắn rồi. Có một cái bơm ở chỗ kia, ông vào đi!
- Còn bạn tôi đây thì sao? Vừa nói anh vừa chỉ vào con chó.
- Không sao! Gần máy bơm có một cái bát.
Họ bước qua cổng và đi một chút nữa thì thấy có một cái bơm tay loại cổ và một cái bát đặt bên cạnh.
Anh bơm nước đổ đầy bát và uống một ngụm thật lâu sau đó mời chú chó của mình. Họ tiếp tục như thế cho đến khi đã khát, sau đó quay lại với người ngồi dưới gốc cây.
Thưa ông, nơi này tên gì nhỉ? - Anh hỏi.
- Đây là thiên đường!
- Ủa, sao lạ vậy? Ở dưới kia họ cũng nói với tôi rằng đó là thiên đường.
- À, ý bạn là nơi có con đường dát vàng và cánh cổng làm bằng ngọc trai hả? Không, đó là địa ngục.
- Thế ông không phiền vì họ đã sử dụng tên và thương hiệu của ông sao?
- Không, rất tiện cho chúng tôi nữa là khác, vì nó giúp chúng tôi loại bỏ những kẻ vì quyền lợi cá nhân mà buông bỏ bạn thân của mình.
(Trích và dịch từ FB bạn gửi- không rõ nguồn)
Bay về tâm dịch.
-
Từ Milano đến Sài Gòn.
Chỉ trong thời gian một tháng mà tôi đã có hai chuyến bay xa, hai lần chọn lựa!
Mà chọn lựa nào cũng đều là sinh/tử. Lúc từ Ý về Việt Nam thì nước Ý an toàn, bạn bè và người thân khuyên không nên về; Còn khi từ Việt Nam về lại Ý, thì nước Ý đã trở thành một ổ dịch nguy hiểm nhất Châu Âu, có người bảo đừng đi. Nói chung, cả đi / về đều có nguy cơ lây nhiễm coronavirus rất cao.
Chuyến về lại Ý báo chí đã viết nhiều. Từ báo giấy đến báo mạng như báo Thanh Niên,[1] Vnexpress[2], BBC [3], Báo Phụ Nữ [4], Vietnamnet, Dân Trí,… + rồi sau được nhiều bạn comments hay chia sẻ lại trên FB. Tuy nhiên tôi vẫn muốn viết lại với góc độ là người trong cuộc, vừa để tri ân đến những người thân đã quan tâm, theo dõi và chia sẻ những buồn lo, vừa để nói về những tâm trạng và suy nghĩ của mình trong suốt cuộc hành trình. Viết lại, cũng là để cho lòng nhẹ nhõm.
&
Mọi năm chúng tôi thường về Ý vào mùa Hè, nhưng tháng 12- 2019 chúng tôi phải về vào mùa đông để tham dự buổi ra mắt sách do nhà xuất bản Calibano tổ chức: Tập truyện “Một Phút Tự Do” của Elena được nxb Văn Hóa Văn Nghệ in ở VN (2014) vừa được nxb Calibano, Milano in lại bằng nguyên tác tiếng Ý với tựa sách là “Un Istante di libertà.”
Sau khi đón Tết cùng cộng đồng người Việt tại Milano, đầu tháng 2-2010 chúng tôi có nghe nói đến bệnh dịch Coronavirus rất nguy hiểm đang xảy ra ở Vũ Hán nhưng lòng cứ nghĩ rằng nó ở quá xa nên sẽ chẳng liên quan gì đến mình.
Thế nhưng chẳng mấy chốc mà những lao xao bỗng biến thành nỗi ám ảnh vô hình khi tin tức coronavirus vượt thoát khỏi biên giới TQ để lan sang các nước láng giềng.
Theo chương trình thì tôi sẽ khởi hành về VN vào ngày 13 tháng 2, còn Elena thì ở thêm một thời gian với gia đình, nhân tiện giải quyết một vài công việc rồi sẽ về sau.
Thấy tình hình dịch bệnh đang lan rộng, số người lây nhiễm và chết ở Vũ Hán càng ngày càng tăng, các em tôi và bạn bè nhắn tin hay gọi điện khuyên tôi hãy dời ngày, đừng về VN vội. Sự chọn lựa về hay ở thật không dễ. Tôi còn phải về SG để duyệt lần cuối hai bản thảo tập truyện Một Phút Tự Do của Elena (đang tái bản) và tiểu thuyết Trò Chuyện với Thiên Thần. Thấy Elena không an lòng, tôi nói là nếu có gì không ổn thì tôi sẽ bay ngược về Ý.
Trong khi chờ ngày bay thì số người lây nhiễm và chết ở Vũ Hán mỗi ngày mỗi tăng lòng chúng tôi thấp thỏm những âu lo. Để trấn an Elena tôi đi siêu thị và nhà thuốc để mua khẩu trang nhưng không nơi nào có. Xưa nay, người phương Tây không quen dùng nên không dễ tìm. Dù chúng tôi đã nhờ đặt hàng nhưng sau đó được báo lại là không nơi nào sản xuất. Cuối cùng tôi đành phải làm vài khẩu trang bằng giấy để mang theo dự phòng.
Chuẩn bị hành lý xong một ngày trước khi đi, buổi trưa nằm đọc báo và thiếp đi được một lát, khi thức dậy thì thấy Elena đã cắt vải và may tay một chiếc khẩu trang, kiểu bán ở Việt Nam. Lòng tôi vô cùng xúc động.
Ở sân bay Malpensa, sinh hoạt vẫn bình thường, chỉ có vài hành khách mang khẩu trang, đa phần là dân châu Á. Trên máy bay về Bangkok cũng thế. Thấy cô tiếp viên người Thái có mang khẩu trang nên tôi hỏi và sau đó cô mang đến tặng tôi một chiếc khẩu trang y tế. Đến Bangkok, hành khách quá cảnh được phân làm hai luồng để phân biệt khách bay từ Trung Quốc. Qua các sảnh, transit đều được kiểm tra thân nhiệt. Dọc lối đi tôi thấy có nhiều chai nước rửa tay để hành khách tiệt trùng.
Chờ, rồi bay về Sài Gòn, tôi hình dung là sẽ phải làm tờ khai y tế và được đo nhiệt độ nhưng mọi thủ tục vẫn bình thường. Sài Gòn lúc này khá yên ổn.
Đến đón tôi như mọi lần vẫn là cháu Thịnh. Lần này cháu còn tặng tôi 5 chiếc khẩu trang y tế.
Mọi sinh hoạt ở thành phố Sài Gòn ngày tôi về đều bình thường, chỉ khác là mọi người được khuyến cáo mang khẩu trang khi đi đến chỗ đông người. Tôi vẫn gặp các bạn, làm các công việc như mọi ngày. Một tuần lễ có thể nói là bình an. Tình hình bên Ý lúc này vẫn ổn.
Nhưng không ngờ là tuần lễ sau đó có nhiều biến cố liên tục xảy ra, ập đến với một vận tốc khủng khiếp. Ngày 21 tháng 2 ở Ý bắt đầu có một người chết và vài ca lây nhiễm. Rồi sau ngày ấy ở vùng Lombardia, nói như Elena, “tình hình lây nhiễm càng lúc càng tăng, giống như một tảng đá từ trên đồi cao lăn xuống, vận tốc càng lúc càng nhanh. Mỗi ngày đều có thêm rất nhiều ca lây nhiễm và có nhiều người chết”. [5]
Ở Sài Gòn tôi theo dõi tình hình ở Ý, mỗi ngày mỗi xấu. Nếu ban đầu tôi nghĩ là dịch bệnh sẽ được dễ dàng khống chế thì sau đó niềm tin liền bị lung lay. Trong lòng chỉ còn lo lắng: Lệnh hạn chế di chuyển, nội bất xuất, ngoại bất nhập, ở Milano và 10 thành phố được xem là tâm dịch. Ngày 23.02, các trường học của 3 vùng Lombardia, Veneto và Emilia-Romagna đều đóng cửa. Mọi sự kiện lớn và lễ hội ở Bắc Ý đều bị hủy bỏ.
Mặc dù Elena đã đặt vé về Việt Nam vào ngày 10 tháng 3, nhưng với tốc độ lây nhiễm như thế này thì cần gấp rút bay về sớm. Năm nay nhuần và người Ý cho rằng năm nhuần thường mang lại những thay đổi lớn. Đã đổi ngày bay sớm hơn dự định, Elena sẽ bay ngày 29.2 và sẽ đến Việt Nam vào sáng ngày chủ nhật 1.3 để tránh là bắt đầu thứ hai tuần sau các sân bay ở Milano có thể bị phong tỏa.
Tuy sắp đặt chi ly nhưng tôi vẫn chờ đợi đón Elena trong trạng thái phập phồng. Ngày 25, 26, 27 rồi 28. Sáng ngày 29, đang họp mặt ở nhà chị Dạ Ngân vì là giỗ 3 năm ngày mất của nhà văn Nguyễn Quang Thân thì bác sĩ Thái gọi điện báo: “Anh Dân ơi, mới hồi khuya có thông tư của Sở Ngoại vụ là bắt đầu từ 0.0 h ngày 29, tất cả các hành khách đến từ Italia đều phải bị cách ly 14 ngày và trong trường hợp xấu có thể sẽ không cho công dân Ý nhập cảnh!” Tôi rúng động toàn thân. Trưa đó về nhà, kiểm tra các thông tin qua lãnh sự quán Italia và các hãng bay tôi quyết định gọi ngay cho Elena: “Tốt nhất là em đừng khởi hành. Ngày mai Thai Airways cũng sẽ ngừng các chuyến bay đi/về Ý. Khả năng bị mắc kẹt rất cao!”. Lúc đó ở Ý là 9h sáng, và Elena sắp chuẩn bị gọi taxi để buổi chiều đưa đến phi trường. Bên kia đầu dây im lặng. Chúng tôi nghe được cả tiếng thở của nhau. Tâm trạng này sau đó được Elena viết trong tạp bút Cuộc chạy đua với thời gian[6].