Nguyễn Công Trứ sinh năm 1778, là con của Đức Ngạn Hầu Nguyễn Công Tấn – Tri phủ Tiên Hưng, Thái Bình, thân mẫu là con gái quan Quản nội thị tước Cảnh Nhạc Bá thời Lê trung hưng.
Từ nhỏ ông đã nỗi tiếng là người học giỏi, ứng đối như thần, tính cách lại phóng túng, ngông ngạo, có khí tiết, danh vang khắp xứ. Vì thế đường thi cử cứ lận đận do lời thi thư phú lục không hợp ý thời nghiêm trị của vua Gia Long.
Mãi đến năm 41 tuổi ông mới đỗ đầu kỳ thi Hương (Giải nguyên) vào năm 1819. Nghe là Thái tử Đảm được vua Gia Long lâm bệnh giao cho trị nước thấy tên ông trong lòng mừng vui mà ban thưởng thăng cho các quan coi thi trường ấy 1 cấp.
Vận “Rồng mây gặp hội ưa duyên”, có lẽ vì một giấc mơ nên vua Minh Mệnh đã đặc biệt ưu ái nên quan lộ của ông thăng tiến nhanh chóng.
Năm 1820 ông được bổ chức Biên tu ở Quốc sử quán, cấp chánh thất phẩm và bắt đầu một cuộc đời thăng giáng lạ thường. Theo Đại Nam liệt truyện đời ông có đến 26 chức trong đó bị giáng chức nhiều lần.
1823 thăng Huyện doãn Mỹ Hào, Hải Dương cấp tòng lục phẩm.
1824 bổ làm Tư nghiệp Quốc tử giám cấp tòng tứ phẩm.
1825 bổ Phủ thừa Thừa Thiên cấp chánh tứ phẩm.
1826 Tham biện Thanh Hoá.
Thân phụ mất ông xin về chịu tang vua Minh Mệnh ban cho 100 lạng bạc vì biết ông thanh liêm lại ham hát xướng.
1827 bổ chức Tham tán quân vụ Bắc thành, mưu sĩ cho chủ tướng.
Nghe là: Trên đường nhậm chức, Nguyễn Công Trứ ngã bệnh phải nhờ vào các quan sở tại. Lo trễ việc Nguyễn Công Trứ một mặt nhờ tìm danh y chẩn bệnh, một mặt nhờ quan sở tại biểu tấu về kinh trình bày sự việc. Không ngờ chỉ mấy ngày sau, quan sở tại phải quỳ thay ông tiếp nhận chiếu chỉ của vua:
“Nay nghe tin Nguyễn Công Trứ đi đường chẳng may bị bệnh, chẳng hay đã lành hay chưa? Lòng trẫm luống những bất yên, vậy đã phái một tên thị vệ, đem theo một viên ngự y, lập tức bắt trạm đi tới nơi điều trị, cốt được mau lành. Còn Nguyễn Công Trứ thì cứ an tâm mà uống thuốc, bất kỳ một tháng, hai tháng. Khi nào trong mình mười phần khỏe mạnh mới được ra đi, chớ nên vội vàng. Trời mùa đông lạnh lẽo, nếu đau yếu lại, ấy là phụ cái lòng quyến cố của Trẫm."
Làm vua cai trị cả nước mà lại quan tâm đến từng vị quan mới lạ.
1828 bổ Quyền Hình tào Bắc thành.
Sau sai đi đánh bắt được Phan Bá Vành. Vua triệu về khen, ban chức Tả thị lang bộ Hình cấp chánh tam phẩm, thưởng 1 hình núi bằng ngọc trắng, 1 hình ngựa bằng mã não, 1 khánh vàng.
Cùng năm sung chức Doanh điền sứ coi việc khai khẩn đất hoang, mộ dân tha phương, quân nghịch lập huyện Tiền Hải và Kim Sơn.
1831 bổ Hữu tham tri bộ Công cấp tòng nhị phẩm.
Sau đó bị giáng chức 1 cấp, làm Hữu thị lang sung Nội các.
Lại giáng xuống hàm Tri huyện cấp tòng lục phẩm vì tiến cử Phí Quý Trại làm Huyện thừa huyện Tiền Hải, vi phạm quy định bổ dụng của triều đình.
1832 thăng Lang trung phủ Nội vụ cấp chánh tứ phẩm.
1833 được bổ chức Thự Bố chính sứ Hải Dương cấp tòng tam phẩm, ban cho 200 lạng bạc để an cư.
Cùng năm thăng Tuần phủ, Thự lý quan phòng Tổng đốc Hải An cấp chánh tam phẩm.
1838 cùng chư tướng diệt được Nông Văn Vân, được triệu về kinh, vua thân rót rượu ban cho, thưởng các bảo vật, ấm thụ cho 1 người con làm Hiệu uý vệ Cẩm y.
1839 thân hành cầm quân đánh bắt giặc biển được triệu về kinh thăng Hữu Tham tri bộ Binh kiêm Tả Phó Đô ngự sử cấp tòng nhị phẩm.
1840 ông được sung Chủ khảo trường thi Hà Nội.
1841 ông xin vào lo việc Trấn Tây thành, vua khen ngợi xứng danh nho tướng, sung chức Tán lý Trấn Tây.
Tài liệu Châu bản triều Nguyễn cho biết: Sau vì tình thế khó khăn, quan quân Trấn Tây phải rút về tỉnh An Giang, vua Thiệu Trị định tội các quan tướng, ông bị tước hết chức vụ, bị án ‘trảm giam hậu’.
Sau đó cho làm mưu sĩ cùng Phạm Văn Điển đánh tan được giặc Lâm Sâm ở Sâm Đô, Phủ Lạc Hóa nên ông lại được phục chức Thị lang bộ Binh cấp chánh tam phẩm, lĩnh Tuần phủ An Giang.
1844 vì bị vu cáo ông bị cách hết chức vụ giáng làm lính thú Quảng Ngãi.
Do việc Mai Văn Thạch, đồn trưởng Châu Giang bị tố cáo dùng thuyền sang Nam Vang buôn lậu.
1845 ông được minh oan bổ làm Chủ sự Thự viện bộ Hình quyền Viên ngoại lang cấp chánh ngũ phẩm, quyền Thự Án sát sứ Quảng Ngãi
Sau đó được thăng Thự Phủ thừa phủ Thừa Thiên cấp chánh tứ phẩm.
1847 ông thăng làm Phủ doãn phủ Thừa Thiên cấp tòng tam phẩm.
Cũng năm này, ông gần tròn bảy mươi tuổi, Nguyễn Công Trứ xin về hưu, nhưng vua Thiệu Trị không chấp thuận.
1848 Tự Đức nguyên niên, ông được nhà vua cho về hưu với hàm Phủ doãn cấp chánh tam phẩm.
1859 quân Pháp xâm lược nhà vua có chỉ gọi ông ra giúp nước nhưng đã 81 ông tự thấy mình sức yếu không kham nỗi việc xin từ tạ.
1860 ông mất, thọ 82 tuổi. Vua Tự Đức đích thân viết câu đối viếng ông:
Tả hữu nghi văn nghi võ
Tử sinh danh tướng danh thần
***
Quan lộ của ông gập ghềnh lên xuống, trải qua 26 chức, có năm lĩnh đến 3 chức, bị giáng chức 5 lần, đã từng là Tham tri (thứ trưởng), khi chỉ là người lính biên thuỳ. Ông công cán khắp nơi, từ cầm quân đánh dẹp Nông Văn Vân ở Lạng Sơn đến làm mưu sĩ tận thành Trấn Tây (Nam Vang). Xem hành trình quan lộ của ông khiến chúng ta kinh ngạc và thán phục.
Ông là một nhân tài hiếm có của Đại Nam, cuộc đời ông là một mẫu hình đặc dị - một kẻ sĩ tài kiêm văn võ. Đại Nam thực lục ghi (xin cô đọng): Công Trứ là người trác lạc, tài khí, có tài văn, giỏi quốc âm, làm nhiều thi ca, khí hào mại …
Cái may của ông là xuất hiện đúng thời minh quân biết trọng dụng hiền tài, ông được các vị minh quân quan tâm chiếu cố ban nhiều ân sủng, du di những ngông ngạo phá lệ nho phong.
Mà thời ấy hình như mọi việc đều phải do chính nhà vua giải quyết các vụ việc được sớ tấu, các ngài châu phê từng bản đến tận canh hai. Đất nước thì dài, việc đi lại gian nan, trắc trở, thông tin bằng văn bản do ngựa trạm chuyển phát, thế mà các ngài quản lý quốc gia, quan lại rất sâu sát, thưởng phạt liền tay dù vụ việc so với ngày nay rất nhỏ nhặt và rất nghiêm minh.
2019