Sau chiến thắng Bồ Ải tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An; vào tháng giêng năm Bình Định vương thứ 8 [1425], Vua Lê Lợi điều quân xuôi dòng sông Lam, đến các huyện Thanh Chương, Nam Đàn; được dân chúng đón tiếp, nhiệt tình ủng hộ. Lại nhân Cầm Quí Tri Phủ Ngọc Ma (1) qui thuận, nhân dân tình nguyện góp sức đánh thành; nhà Vua mang quân vây thành Nghệ An (2):
“Vương kéo quân đến Đa Lôi thuộc huyện Thổ Du [Thanh Chương, Nghệ An]. Trẻ già đua nhau đem rượu và trâu bò đến đón tiếp khao quân. Họ nói: "Không ngờ ngày nay lại được trông thấy oai nghi cố quốc". Cầm Quý, tri phủ Ngọc Ma, đem quân và voi đến quy thuận, được Vương phong làm Thái úy. Vương ra lệnh rằng:
‘Bấy lâu dân bị đau khổ vì chính sự bạo ngược. Bây giờ hễ trẩy đến đâu, quân sĩ không được động chạm tơ hào của dân chúng. Trâu bò thóc lúa nếu không phải là của tàng trữ của người Minh thì không được lấy’.
Bấy giờ Vương mới chia quân đi lấy các đất đai. Quân trẩy đến đâu, có nhiều châu, nhiều huyện đầu hàng, người ta đều tình nguyện xin góp sức đánh thành Nghệ An. Vương lựa lấy số quân tinh nhuệ thẳng kéo đến chân thành này. Ngưòi Minh đóng chặt cửa thành cố giữ, không dám thò ra. Vương dạy bảo các tướng sĩ sửa sang khí giới, chuẩn bị để đánh thành.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 13.
Thừa dịp Lý An mang quân từ thành Đông Đô vào cứu, Vinh Dương bá Trần Trí bèn hợp quân ra đánh, bị phục kích tại Tam Soa thuộc huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Sau đó Trần Trí trở về Đông Đô, Lý An ở lại giữ thành:
“Vừa đầy hai tuần [20 ngày] , chiến cụ xong xuôi đầy đủ. Bấy giờ tham tướng Minh, Lý An, từ Đông Quan vượt biển vào cứu; bọn Trần Trí hợp quân lại, xông ra chiến đấu. Vương đặt quân phục ở cửa sông Đỗ Gia [Ngã ba Tam Soa, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh], cả phá được địch: Trần Trí chạy về Đông Quan; bọn Lý An rút vào thành, liều chết cố giữ.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 13.
Tháng 5, Tư không Đinh Lễ đi tuần Diễn Châu, Nghệ An; Trương Hùng, mang thuyền lương đến tiếp tế, bị đánh bại. Hùng thua chạy về Tây Đô, Thanh Hóa; Vua cho thêm quân đi đánh:
“Vương sai Đinh Lễ đi tuần Diễn Châu. Khi kéo quân đến gần thành, Lễ đặt quân mai phục. Bấy giờ đô ti Minh, Trương Hùng đem ba trăm thuyền lương thực từ Đông Quan đến. Trong thành Diễn Châu kéo ra đón lương thực: gặp phục binh nổi dậy, chúng đều thua chạy. Đinh Lễ cướp được thuyền lương, rồi đuổi Hùng đến tận Tây Đô. Vương được tin thắng trận, liền tuyển quân và voi, sai Lê Sát và Lưu Nhân Chú kế theo, đi tiếp ứng cho Đinh Lễ. Cánh nghĩa quân này đi đến đâu cũng không có sức gì ngăn cản được cả. Họ tiến sát đến Tây Đô. Người Minh đóng chặt cửa thành, liều chết cố giữ. Đối với cư dân ở ngoài thành, các tướng Đinh Lễ đến chiêu an vỗ về. Bấy giờ những người Thanh Hóa tranh nhau đến cửa trại quân, xin đầu hàng. Bọn Lễ bèn bao vây lấy thành.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 13.
Tháng 7, Vua sai Tư đồ Trần Nguyên Hãn và Thượng tướng Lê Nỗ đi tuần các xứ Tân Bình [Quảng Bình] và Thuận Hóa [Quảng Trị, Thừa Thiên]; đều đánh hạ được cả mấy xứ này:
“Vương liệu trước rằng Tân Bình, Thuận Hóa bị đứt liên lạc với Nghệ An và Đông Đô đã từ lâu, bèn dụ bảo các tướng:
‘Người giỏi chiến trận thường bỏ chỗ kiên cố, đánh chỗ sơ hở, tránh chỗ vững chắc, đánh vào chỗ trống rỗng; như thế thì chỉ dùng sức một phần mà thành công gấp bội’.
Vương bèn sai tư đồ Trần Hãn và thượng tướng Lê Nỗ đem hơn nghìn quân đi đánh giặc và vỗ về nhân dân. Khi đến Bố Chính, gặp tướng Minh, Nhậm Năng, bọn Hãn giữ chỗ hiểm yếu, đặt quân phục, rồi tìm kế nhử địch. Tên Năng lùa hết quân tiến lên. Phục binh nổi dậy, đánh khép lại: quân Minh thua vỡ tan tành, bị chém và bị bắt rất nhiều.
Trước đó, Vương sai bọn Lê Ngân đem bảy mươi chiếc chiến thuyền từ Nghệ An vượt biển vào hội quân với các tướng Trần Hãn để tiễu giặc. Đến đây, các đạo quân ấy tề tựu đông đủ, quân thủy và quân bộ cùng tiếp ứng nhau, tấn công hai thành Tân Bình và Thuận Hóa, đều hạ được cả. Quân ta trẩy đến đâu, quân và dân ở đó đều ra hàng. Trần Hãn lựa lấy vài vạn người tinh nhuệ để bổ sung quân đội, rồi đặt quan trấn thủ, còn mình thì kéo quân về. Các tướng tôn Bình Định vương lên làm "Đại Thiên hành hóa" (3) . Từ đó về sau, phàm có bảng văn niêm yết những lời cáo dụ đều nêu trên đầu là "Đại Thiên hành hóa.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 13.
Về phía nhà Minh, sau khi giáng sắc khiển trách nặng nề Tham tướng Vinh xương bá Trần Trí, Đô đốc Phương Chính đánh chậm, tỏ ra bất lực trong việc bình định; 2 tháng sau, Vua Nhân Tông bèn cử Tham tướng Lý An sang An Nam phụ tá cho Trần Trí:
“Ngày 21 tháng 3 năm Hồng Hy thứ nhất [ 9/4/1425 ]
Mệnh An bình bá Lý An làm Tham tướng đến Giao Chỉ cùng với Vinh dương bá Trần Trí coi việc quân. Ban sắc khuyến khích rằng:
“ Cha ngươi đạt rõ đạo lý, cẩn thận hành động, tận trung với quốc gia, Trẫm chưa từng quên. Ngươi biết tự lập, nối chí của cha, mọi việc trong quân lữ đều thông hiểu cơ sự, Trẫm từng khen. Nay đặc cách giao ngươi một phương; hãy thận trọng, tận tâm, bày mưu công hiệu, thành đạt công nghiệp; ngõ hầu làm rạng danh cha ngươi, và không phụ sự ủy nhiệm của Trẫm. Khâm tai!” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 110)
Vào tháng 5 Vua Nhân Tông ốm nặng, ngày hôm sau [29/5/1425] thì mất, truyền ngôi cho con Tuyên Tông, chọn năm sau [1426] là Tuyên Đức năm thứ nhất:
“Tháng 5 ngày Canh Thìn [28/5/1425] Vua không khỏe; bèn sai sứ triệu Hoàng thái tử tại Nam Kinh. Ngày Tân Tỵ [29/5/1425], bệnh nguy, di chiếu truyền ngôi cho Hoàng thái tử; ngày hôm đó mất tại điện Khâm An, hưởng thọ 48 tuổi.” Minh Sử, quyển 8.
五月。庚辰,帝不豫,遣使召皇太子於南京。辛巳,大漸,遺詔傳位皇太子。是日,崩於欽安殿,年四十有八。
Tổng binh Vinh Dương bá Trần Trí, viên tướng vốn bị triều đình nhà Minh khiển trách là nhút nhát; sau khi thất trận tại Bồ Ải, nằm trốn trong thành Nghệ An, thừa dịp Lý An mang quân vào cứu, bèn rút về thành Đông Đô. Y không biết sự kiện Cầm Bành đã đầu hàng, lại tâu xin quân cứu viện. Bấy giờ Vua Tuyên Tông mới lên ngôi, trong hoàn cảnh tang gia bối rối, chỉ biết ra lệnh nếu như thấy Lê Lợi không có bụng quy thuận thì tìm cánh đánh bắt, và phát binh tiếp viện Cầm Bành:
“Ngày 16 tháng 7 nhuần năm Hồng Hy thứ nhất [ 29/8/1425 ]
Tuần án, Giám sát, Ngự sử Giao Chỉ tâu đầu đảng giặc Lê Lợi tại phủ Thanh Hóa tụ dân làm loạn vây châu Trà Lung [Long]. Viên Thổ quan coi châu Tri phủ Cầm Bành chống giữ trong vòng 7 tháng, lương gần hết, quân gặp nguy khốn, xin mang binh cứu viện.
Thiên tử xem tờ tâu bùi ngùi sắc dụ Vinh xương bá Trần Trí cùng ba ty (4) tại Giao Chỉ rằng:
‘ Triều đình mệnh các ngươi trấn thủ Giao Chỉ là để yên ổn một phương; nay được biết bọn đầu đảng Lê Lợi cướp phá châu huyện, ngăn cắt đường sá. Các ngươi mới đây tâu rằng đã chiêu dụ Lê Lợi xin đợi mùa thu mát đến Thanh Hóa nhậm chức. Nay đã mùa thu rồi, thực sự Lợi đã đến nhậm chức chưa? Trẫm ước tính tên giặc này ngụy trá, không có lòng qui thuận; chỉ dùng lời lẽ hoãn binh để bọn chúng được thung dung tụ tập, tương lai tất gây hậu hoạn, các ngươi không suy nghĩ đến hay sao? Về việc Thổ quan Tri phủ Cầm Bành tại châu Trà Lung [Long] bị Lợi đánh vây 7 tháng nay rồi, lương thảo sắp hết, quân chết đến một phần ba, Bành vẫn kiên thủ cự địch, Giao Chỉ có được người như vậy cũng không dễ kiếm! Các ngươi từng chứng kiến lòng trung thành của con người này, sao không điều binh cứu viện?
Khi sắc dụ đên nơi, như thấy Lê Lợi không có bụng quy thuận hãy tìm cánh đánh bắt. Gấp phát binh tiếp viện Cầm Bành, vỗ về hậu hỷ, để bồi dưỡng lòng kiên cường trung thuận. Các ngươi đều là đại thần của triều đình, cần đồng tâm hiệp lực làm tròn ủy nhiệm, đừng lo việc ban thưởng phong tước không được công bằng!” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 108)
Mấy tháng sau Thượng thư Trần Hiệp tâu lên được một phần sự thực rằng: Thành Trà Long đã thất thủ, Cầm Quí tại châu Ngọc Ma đầu hàng, Lê Lợi không chịu về Thanh Hóa nhậm chức, lại sai người đánh Diễn Châu. Vua Tuyên Tông tức giận bắt Trần Trí, Phương Chính cố đánh; nếu mùa xuân tới không có tin chiến thắng báo về, sẽ bị qui tội:
“Ngày 26 tháng 11 năm Hồng hy thứ nhất [ 5/1/ 1426]
Tổng cai quản ty Bố chánh, Án sát Giao Chỉ Thượng thư Trần Hiệp tâu rằng cầm đầu giặc Lê Lợi tuy xin hàng; nhưng thực chất hai lòng, chiêu dụ tụ tập đảng nghich kháng cự quan binh, đánh vây châu Trà Lung [Long], giết Tri châu Cầm Bành, ngầm liên kết với viên Thổ quan châu Ngọc Ma Cầm Quí, cùng Tù trưởng Lão Qua để gây ác. Thái giám Sơn Thọ ban sắc, xá tội cho Lợi, ban chức Tri phủ Thanh Hóa, Lợi xin đến mùa thu mát đến nhậm chức; nay lại tâu vốn kết oán với Tham chính Lương Nhữ Hốt, nên xin bỏ chức Tri phủ để coi châu Trà Lung.Gần đây người Diễn Châu phần đông theo Lợi làm loạn; Lợi lại sai bọn tay chân là Phan Liêu, Lộ Văn Luật đến châu Gia Hưng, Quảng Oai chiêu tập đồ đảng. Giặc một ngày một lan tràn, xin cho viện binh sớm diệt giặc này để yên nơi biên thùy.
Thiên tử xem tờ tâu sắc dụ Vinh xương bá Trần Trí, An bình bá Lý An, Đô đốc Phương Chính, cùng 3 ty Giao Chỉ rằng:
“ Phản tặc Lê Lợi manh tâm gây họa không phải chỉ mới một sớm, nếu lúc khởi đầu bắt nó dễ như nhặt một gọng cỏ. Nhưng nghe lời người ngu, chỉ lo việc chiêu phủ kéo dài đến nay đã 8 năm trời. Cuối cùng chúng không tuân mệnh, dưỡng thành cái thế độc dữ; khiến trung thần và dân lương thiện bị hại, mối họa triền miên. Khi sắc tới bọn Trần Trí, Phương Chính chuyên trách tiến binh, vụ tại hòa hợp để thành công, không hứa trì hoãn để lỡ việc. Nếu mùa xuân tới không có tin chiến thắng báo về, sẽ bị qui tội. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 108 )
Tuyên Tông trong lòng cũng giống như Vua cha Nhân Tông; muốn hoà hoãn tại An Nam. Sau khi ra sắc dụ cho Trần Trí thúc dục đánh, lại muốn thay đổi ý định, hỏi sắc đã gửi đi chưa. Rồi gọi 2 cận thần Dương Sĩ Kỳ, Dương Vinh đến bàn riêng rằng nếu đem con cháu nhà Trần cho lên ngôi, cũng hợp với bụng của các vị Vua tiền nhiệm, mà một phương lại được yên tĩnh:
“Ngày 27 tháng 11 năm Hồng Hy thứ nhất [ 5/1/1426 ]
Thiên tử ngự tại điện Văn Hoa, triệu Dương Sĩ Kỳ, Dương Vinh đến hỏi rằng:
- Hôm qua ra sắc dụ cho bọn Vinh Xương bá Trần Trí, sắc đã gửi đi chưa?
Tâu đáp
- Đã gửi rồi.
Thiên tử nói:
- Trẫm có một điều để trong lòng đã lâu, nay nói riêng với 2 khanh, chưa nên khinh suất tiết lộ ra ngoài. Trước kia tại Nam Kinh, nhân giải bọn giặc Giao Chỉ đến, Hoàng Khảo [ vua Nhân Tông ] nói với ta rằng:
‘Khi Thái Tổ Hoàng đế mới bình định thiên hạ, An Nam là nước đầu tiên trong các nước bốn phương đến qui thuận. Sau này họ Lê cướp ngôi họ Trần, mang quân đánh dẹp xong, tìm con cháu nhà Trần nhưng không gặp, nên đặt quận huyện cai trị. Nay nếu còn con cháu nhà Trần, tuyển chọn đưa lên ngôi, cũng hợp với bụng của Thái Tổ, mà một phương lại được yên tĩnh.’
Trẫm thưa rằng:
‘ Triều đình làm được như vậy, thật là thịnh nghiệp cho Đế Vương.’
Hoàng khảo cười và nói:
‘Chuyện này chưa nên khinh suất tiết lộ.’
Trẫm giữ trong lòng, không quên. Thường suy nghĩ rằng nếu quả họ Trần còn con cháu, tuyển lấy một người lập lên làm phiên thần, giữ chức cống 3 năm một lần, như qui chế thời Hồng Vũ, thì dân được yên ổn mà Trung Quốc cũng không mệt về binh nhung; tuy nhiên có kẻ cho rằng Trẫm bỏ cơ nghiệp của tổ tông, nhưng thực ra phục hưng nước bị diệt nối dòng bị đứt là ý của Hoàng tổ.’
Kỳ và Vinh tâu đáp:
- Vào đầu năm Vĩnh Lạc thứ 3, khi mệnh tướng đánh giặc họ Lê, phàm chiếu sắc văn từ đều do bọn thần trực tiếp nhận mệnh viết, lúc bấy giờ Thái Tông Hoàng đế chí tại “hưng diệt kế tuyệt”; lời châu ngọc đó trong triều ngoài cõi đều nghe biết.”
Thiên tử nói:
-Lúc bấy giờ ta còn ở tuổi búi tóc trái đào (5) , nhưng cũng được nghe ít nhiều như lời các khanh nói. Hai khanh hiểu ý Trẫm nhưng đừng tiết lộ, đợi hai ba năm nữa Trẫm sẽ thi hành.
Rồi ban rượu, trước khi hai người rút lui.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 128)
Vào năm Bình Định vương thứ 8, ngoài cuộc khởi nghĩa của Vua Lê Lợi đã trình bày ở trên, vào tháng 8 quân Minh bắt được bộ hạ của Lộ Văn Luật là Nguyễn Khả Lượng; bèn áp giải về kinh đô:
“Ngày 10 tháng 8 năm Hồng Hy thứ nhất [ 21/9/1425 ]
Giặc Giao Chỉ Nguyễn Khả Lượng bị hành quyết. Khả Lượng trước kia theo đầu đảng giặc Lộ văn Luật làm phản, rồi chạy trốn sang Lão Qua, sau đó mấy lần vào cướp phá châu huyện. Đến nay quan quân bắt được gồm 16 người, đều bị cùm giải về kinh đô tru lục.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 121 )
Về mặt trận tư tưởng, nhà Minh đã cho lập 91 ty Nho học xuống tận các phủ, châu, huyện, nhắm mau đồng hóa; nhưng đã thất bại; vì các sinh viên tuy có chăm về việc học, nhưng không chịu tập theo phong hóa Trung Quốc:
“Ngày 12 tháng 7 năm Hồng Hy thứ 1 [ 26/7/1425 ]
Ty Bố chánh Giao Chỉ tâu rằng:
‘ Từ năm Vĩnh Lạc thứ 13 [1415-1416] lập các trường Nho học tại các phủ huyện, từ đó đến nay triều đình chưa bổ giáo quan đến dạy, thành phần giảng huấn phần nhiều là dân địa phương; ít người thông kinh điển. Các học sinh biết đọc sách, nhưng dùng ngôn ngữ khác, lễ pháp cũng không chặt chẽ; tuy có chăm về việc học, nhưng chưa tập phong hóa Trung Quốc. Nên bổ thầy giáo đến dạy theo con đường chính học để hướng dẫn người dân địa phương vào con đường mô phạm đúng đắn. Vậy lấy việc giáo dục, ngày tháng hấp thụ biến thói tục man di đổi sang phong tục Hoa Hạ thì đó là điều tốt đẹp ‘
Thiên tử phán:
‘ Người xưa dạy đào tạo hiền tài không có cách nào khác hơn là giáo dục và giáo huấn không phân biệt. Huống hồ thầy giáo là bậc mô phạm; lấy mỹ tục của Hoa Hạ để biến đổi tục Di, không có cách nào hay hơn. Nay lệnh bộ Lại tuyển người để bổ nhiệm.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 112)
Việc giáo dục tại bản xứ không được vừa ý, bèn đem sinh viên sang Trung Quốc huấn luyện; Vua Minh mong muốn giáo dục đúng cách, tức đúng theo đường lối của họ:
“Ngày 19 tháng 7 năm Hồng Hy thứ nhất [ 2/8/1425 ]
Các phủ, châu, huyện Nho học tại Giao Chỉ tuyển cống bọn Sinh viên Vương Hiến gồm 82 người đến kinh sư. Thiên tử dụ hành tại bộ Lễ Thượng thư Lữ Chấn rằng:
‘ Giao Chỉ cách kinh sư hàng vạn dặm, phải xa lìa thân thích đến đây. Cần phải giáo dục đúng cách, nếu chúng ham học, có kỳ vọng thành tài; ngươi và các học quan phải biết ý muốn của Trẫm về vấn đề này. Về y phục hàng năm cấp phát như lệ tại Vân Nam.”( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 116)
Cuối năm Bình Định vương thứ 8 [1/1526] có các Thổ quan Lương Nhữ Hốt, Nguyễn Nộn. Lê Ba Lan, mang sản vật đến tiến cống triều đình nhà Minh:
“Ngày 17 tháng 12 năm Hồng Hy thứ nhất [ 25/1/1526 ]
Giao Chỉ Bố chánh ty Thổ quan Tả Tham chính Lương Nhữ Hốt đến triều đình tiến cống khí mãnh vàng bạc, cùng sản phẩm địa phương. Thiên tử bảo Thượng thư Lữ Chấn rằng:
‘Nhữ Hốt tuy là Thổ quan nhưng rất trung thành chiêu dụ dân, đánh giặc; đã lập được nhiều công. Nay đến triều đình, đáng ban thưởng để tưởng lệ, phàm đồ tiến cống thì theo giá trị mà cho lại.’
Vì thế ban cho Nhữ Hốt tiền giấy 200 đỉnh, 4 tấm gấm vóc, đám tùy tùng ban cho tiền giấy có sai biệt. Bồi thường đồ tiến cống gồm 7.480 đỉnh bạc.” ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 130)
“Ngày 22 tháng 12 năm Hồng Hy thứ nhất [ 30/1/1426 ]
Thổ quan Hà Tuyên Tri châu Trấn Viễn, Quý Châu; Chỉ huy Thiêm sự Nguyễn Nộn thuộc vệ Tam Giang Giao Chỉ; Chỉ huy Thiêm sự Lê Ba Lan thuộc vệ Thanh Hóa; cống ngựa và phương vật.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 130 )
Bấy giờ quân Minh tại An Nam tỏ ra yếu kém, nhà Minh cần dựa vào các Thổ quan, nên Vua Tuyên Tông tỏ ra đặc biệt ưu đãi. Đối với Lương Nhữ Hốt ngoài việc đưa cho 7.480 đỉnh bạc còn phong tặng ông bà cha mẹ, cùng cha mẹ vợ; với Chỉ huy Thiêm sự Nguyễn Nộn , Chỉ huy Thiêm sự Lê Ba Lan thì ban cho tiền, y phục, luạ nõn:
“Ngày 20 tháng giêng năm Tuyên Đức thứ nhất [ 27/2/1426 ]
Ban tiền giấy, lụa nõn trong ngoài, y phục tơ trử dệt kim, dày dép có sai biệt cho Thổ quan Hà Tuyên, Tri châu Trấn Viễn, Quí Châu; Chỉ huy Thiêm sự Mộc Hiệp Tả vệ Kiến Châu; Chỉ huy Thiêm sự Nguyễn Nộn vệ Tam Giang, Giao Chỉ; Chỉ huy Thiêm sự Lê Ba Lan thuộc vệ Thanh Hóa Giao Chỉ.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 131)
“Ngày 26 tháng giêng năm Tuyên Đức thứ nhất [5/3/1426]
Ban sắc mệnh cho viên thổ quan Tham chính Lương Nhữ Hốt thuộc ty Bố chánh Giao chỉ, phong tặng ông bà cha mẹ, cùng cha mẹ vợ. Nhữ Hốt người đất Thanh Hóa, kính cẩn phụng sự triều đình, có công giết giặc, chiêu phủ; mấy lần được thăng đến chức Tham chính; nay đến triều đình, đặc cách ban cho để khen thưởng. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang131
Chú thích:
1.Ngọc Ma: thuộc phủ Trấn Định trấn Nghệ An; nay là đất Cam Môn, Cam Cớt, thuộc Ai Lao.
2.Thành Nghệ An: Nằm trên đồi tại góc đông bắc ngã ba sông Lam và sông La Giang.
3.Đại thiên hành hóa: Thay trời ban hành giáo hóa.
4. Ba ty: tức tam ty gồm Đô ty, Bố chánh ty, Án sát ty.
5. Tuổi búi tóc trái đào: ý nói tuổi thiếu niên