Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.215.577
 
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 24)
Phan Tấn Uẩn

 

 

 

            Không lâu sau ngày chúng tôi tham dự họp báo tổng kết chiến tranh, một câu chuyện bất ngờ xẩy ra .

            Một buổi sáng khoảng chin giờ, một người đàn ông trung niên cao lớn ,có dáng dấp võ biền, xin vào gặp viện trưởng Ricard. Chừng một giờ sau, người đàn ông rời New Hardy. Ricard gọi Ron và tôi vào văn phòng.

            “ Có một trung tá xưng là đàn em của cựu tướng Chính muốn đưa ông vào tạm trú, và  chuyển cho tôi một bức thư.” Ricard nói.

            “ Viên cựu tướng buộc phải di tản qua sống Bắc Mỹ suốt đời, làm sao có mặt ở đây ? ” Tôi đặt câu hỏi.

            “ Ông theo tàu Hardy qua Thủ Phủ, hiện có mặt trên tàu.”

            “ Ông tướng nầy là ai ?”  Đến lượt Ron đặt câu hỏi.       “ Cho đàn em mang thư đến để làm gì ?” Tôi phải tóm lược tiểu sử cựu tướng cho Ricard và Ron nghe…

            “Ông Chính có hổn danh là tướng nóng mũi, vào lính từ năm 18 tuổi. Từng bị Nhật bắt làm tù binh và Bắc Thường bắt giam tại Ba Tú. Vượt ngục, trở lại phục vụ Quân đội,sau đó, được tuyển chọn vào binh chủng Dù, tham dự nhiều cuộc hành quân tại chiến trường Bắc Thường. Sau hiệp định Thụy Sĩ, với cấp bậc Thiếu tá, được bổ nhiệm vào chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Bảo Vệ Bảo Vương tại cao nguyên. Trở lại binh chủng Dù, giữ chức chỉ huy phó Liên đoàn và được thăng trung tá.Lên Đại tá, là Tư lệnh Lữ đoàn Dù. Tướng Chính là người làm đảo chánh lần thứ nhất. Thất bại,ông sang lánh nạn trên đất Con-bú-Cha.Ba năm sau, cuộc đảo chánh thứ hai thành công, ông trở về ,được phục hồi cấp bậc . Một năm sau nữa, cuộc đảo chánh thứ ba xẩy ra, ông tham gia tích cực và được cử giữ chức Tư lệnh Sư đoàn. Được thăng Chuẩn tướng, sau đó là Thiếu tướng Tư lệnh Quân đoàn. Lên trung tướng thì bị giải nhiệm khỏi chức vụ với lý do “chống lại trung ương”. Đó là thông tin của báo chí. Ông thì tâm sự : đời sinh ra tôi để chiến đấu.Tôi từ bỏ mọi sinh thú cá nhân, ba lần làm đảo chánh,hai lần mang kiếp lưu vong,là người nghèo nhất trong những kẻ lưu vong…” 

            Ricard đưa bức thư của ông Chính cho Ron và tôi xem để hội ý. Đọc xong lá thư, tôi nói với Ricard chỉ có Ron  với tư cách là nghiên cứu sinh có nhà riêng trong làng trung lập mới có thể giải quyết thay Ricard và Thibault được, vì tôi tin Thibault đã biết bức thư đặc biệt nầy chỉ liên quan đến cá nhân ông.

            Nhớ lại sau kỳ thi mãn khóa báo chí, tôi rất muốn được thực tập bằng một cuộc phỏng vấn thực tế. Đối tượng được chọn là những nhân vật đặc biệt như gỗ tướng quân ,tướng râu quặp, tướng râu bắp, tướng nóng mũi…

            “ Phỏng vấn ông Chính là đích nhắm của tôi sau ngày mãn khóa báo chí .” Tôi nói với Ron. “ Nhưng vai trò của tôi hiện tại không thể làm công việc nầy. Người dân ở đây cũng có một số ủng hộ ông Chính. Theo tôi biết, ông không ưa ký giả Nam Thường vì hầu hết họ đều thuộc một phe phái nào đó,thường có cách viết rất đểu cáng. Ông chỉ tin tưởng báo chí ngoại quốc ,trung thực như New Hardy chẳng hạn. ”

            Tôi gợi ý Ron .Ron gật đầu đồng ý cho viên cựu tướng vào tạm trú . Ricard cho Ron biết số điện thoại của người đàn em ông Chính. Ron liên lạc, nói chuyện một hồi rồi vội kéo tôi cùng ra tàu Hardy sau khi biến phòng thực tập thẩm vấn thành phòng ngủ dành cho khách. Chiếc xe Jeep dân sự Ron mượn từ đâu tôi không rõ,đưa ông về nhà riêng, nhởn nhơ qua các đại lộ Thủ Phủ cho vị khách đặc biệt có dịp nhìn lại phố cũ đường xưa với nỗi ngậm ngùi nhớ tiếc…

            “ Tướng quân xa quê hương mấy năm rồi ? ”  Ron hỏi.

            “ Hơn năm năm. Thật ra , sau bốn năm có một chuyến bay đặc biệt dành cho tôi, đã đáp xuống phi trường Tân Sơn Bát. Một bọn lục lâm thảo khấu đã bao vây chiếc máy bay, buộc tôi phải trở lại Bắc Mỹ. Chúng vẫn còn sợ tôi làm đảo chánh…”

            Vào nhà, tôi và Ron thay nhau kể về lai lịch của Trường Đại Học New Hardy và ngôi làng trung lập. Nghe giọng nói của tôi,ông Chính chú ý ngay :

            “ Giọng nói của anh pha trộn hai thứ Hóa Châu và Thủ Phủ, anh có quan hệ huyết thống gì không ? ” 

            “ Tôi gốc Hóa Châu nhưng xây dựng sự nghiệp tại Thủ Phủ đã lâu nên chịu ảnh hưởng nặng .” Tôi trả lời .

            “ Cha mẹ anh vẫn còn ở Hóa Châu ?” Ông ta không cần giữ lễ gì, hỏi thẳng chuyện gia đình tôi.

            “ Chiến tranh, ở Hóa Châu không yên, cha mẹ tôi bán hết nhà cửa ngoài đó vào sống trong làng trung lập nầy. Yên ổn hòa bình…” Tôi trả lời.

            “ Làm cách nào vào ở đây được ?”

            “ Cha tôi là chuyên viên của New Hardy được phép xây nhà trong làng nầy .”

 

            Đến lượt Ron sắp đặt việc tạm trú cho ông Chính. Hai người trò chuyện bằng tiếng ngoại quốc.

            “ Xin tướng quân cứ sinh hoạt tự nhiên thoải mái ở đây đến khi nào không còn muốn ở lại.”

            “ Cám ơn. Chuyện ăn uống thế nào ? “ Ông khách hỏi.

            “ Canteen New Hardy có đủ món ăn Âu-Á. Khu kinh doanh của làng nầy cũng có restaurant đủ món ăn Giao Thường.” Ron hỏi qua chuyện khác . “Những năm qua tướng quân sống ở Bắc Mỹ thế nào ?”

            “ Mỗi tháng chính phủ cấp 600 dollars theo tiêu chuẩn của một tướng 3 sao. Sống cũng tạm đủ.”

            Ron nói với tôi, nhưng có nhã ý cho vị khách nghe :

            “ Tôi bận làm luận án và tác nghiệp trong ba ngày. Trác Bạt thay tôi sắp xếp ,giúp đở tướng quân.”

            Chỉ nói thế . Ron lịch sự chào ông Chính và bước ra cửa.

            “ Người Bắc Mỹ họ lịch sự và tốt bụng. Ron muốn tôi giúp tướng quân gặp gia đình, đồng hương…” Tôi nói.

            “ Tốt. Cứ gọi tôi là ông Chính.”

            Ông Chính nằm nghỉ lưng trong phòng khách kín đáo, đầy đủ tiện nghi . Phòng nầy Ron  dành cho bạn hửu và thân nhân những dịp họ ghé thăm. Tôi gọi điện đến một hàng ăn Nam Thường. Bữa ăn khiến ông Chính rất vui, vì hương vị quê nhà “xông vào mũi”, ông nói thế.

            Tại ngôi nhà của gia đình tôi,Nghi-ông nhắc lại chuyện quá khứ. Họ trao đổi nhiều suy nghĩ thời sự một cách nhẹ nhàng, không một chút “bức xúc” mà theo lời ông Chính chỉ là chuyện trà dư tửu hậu.

            “ Làm thế nào ông Chính biết tàu Hardy mà quá giang qua đây ?” Nghi ông hỏi.

            “ Có một thằng Thủ Phủ hộ tống tàu buôn Hardy vào ngủ trọ trong khách sạn tôi đang làm việc. Nó nhận ra tôi và tình nguyện đưa mình đi.” Tôi nghĩ thằng hộ tống nầy chắc phải là người đàn ông đứng trước phòng trưng bày xe cũ tôi đã thấy trong làng Trung Châu.

            “ Ủa ! Ông Chính làm gì trong khách sạn ?” Nghi ông hỏi.

            “ Bọn nhà báo hổn láo bảo tôi làm gác gian trong khách sạn. Thật ra tôi ở trong ban lễ tân, chuyên đón những nhân vật lãnh đạo, đặc biệt của các nước Châu Á .”

            “ Cũng phải có lý do nào đó ông Chính mới tìm cách trở về Nam Thường chứ ?”

            “ Thằng phu hộ tống nói ở đây có một ngôi làng trung lập độc đáo, mình cũng muốn qua xem cho biết.” Ông giấu kín mục đích qua Thủ Phủ.

            “ Điều gì gây ấn tượng với ông Chính khi trở lại ?”

            “ Tôi đã nghe ký giả Ronald Dickson Woodroof và cậu Trác Bạt kể hết lai lịch của New Hardy. Bốn nguyên tắc trung lập của Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế và quốc gia Thụy Sĩ dĩ nhiên là gây ấn tượng mạnh với tôi.”

            “ Như vậy ông Chính vẫn còn nghĩ về chính trị ?”

            “ Linh mục, hòa thượng còn nói chuyện chính trị, huống chi người không tu hành như mình .”

            “ Ông Chính nói làng trung lập gây ấn tượng mạnh là nghĩa thế nào ?”

             Cựu tướng không trả lời trực tiếp câu hỏi của cha tôi. Ông nhắc lại cuộc hành quân của Lữ Đoàn Dù do ông chỉ huy tấn công đánh chiếm sào huyệt chiến khu C của phe Bắc Thường.

            “Bác còn nhớ chiến thắng của Lữ Đoàn Dù đánh chiếm sào huyệt của chiến khu C trước kia không ? Trước đó, một trung đoàn bộ binh lãnh nhiệm vụ nầy, bị du kích tiêu diệt gần hết. Chính phủ phải yêu cầu tôi ra tay.Lính dù chia hai mũi tấn công, hẹn gặp nhau tại sào huyệt, và đã kết thúc đúng như kế hoạch. Nhưng trong chiến dịch nầy, tôi đã tìm ra được một con đường trung lập trên đường hành quân .”

            “ Ông Chính nói sao nghe ly kỳ dữ !”

            “ Bác bình tĩnh để tôi kể cho nghe. Trên mũi tấn công do tôi chỉ huy, giữa đường tôi thấy một đoàn xe chở gỗ chạy vô tư từ chiến khu ra tỉnh lỵ một cách đáng ngờ. Tôi cho lính chận đoàn xe chở gỗ và tìm cho ra manh mối, được biết hai tiểu đội địa phương quân lo giữ an ninh lộ trình nầy. Cả một trung đoàn chính quy không làm được trò trống gì , tại sao chỉ cần hai tiểu đội địa phương quân có thể bảo đãm an ninh cho đoàn xe vô ra chiến khu dễ dàng như vậy. Phải mất gần một ngày điều tra, thẩm vấn mới lòi ra chuyện chúng nó cả hai phía du kích và địa phương quân bắt tay nhau ăn chia tiền khai thác gỗ…Đó là “con đường trung lập” chứ gì. Đúng không ?” Ông Chính nhìn cha tôi cười một cách ý nhị.

            “ Gỗ đó là gỗ lậu.” Nghi ông nhận xét.

            “ Gỗ của đức cha Công giáo có thanh thế vô địch. ” Ông Chính nhấn mạnh. “Tôi đã khám phá một chuyện động trời.”

            “ Ở làng Trung Châu nầy cũng có một xưởng gỗ.” Cha tôi nói. “ Xưởng nầy cũng có đoàn xe chở gỗ chạy trên đoạn đường an toàn do hai phía Nam-Bắc dàn xếp sao đó tôi không được biết, chỉ có khác là tất cả hoạt động đều diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, tiền bạc nhân công gì cũng rỏ ràng đâu vào đó, nhất là làm ăn theo lối khoa học văn minh.”

            “ Ừ. Chiến tranh Giao Thường là vậy.” 

            “ Ông vừa nhắc đến ‘ con đường trung lập’. Nếu nói rộng ra , ông Chính có nghĩ là Giao Thường có thể theo thể chế trung lập không ? ”

            “Không được.Giao Thường cái gì cũng thiếu, nhất là yếu tố con người. Con người Giao Thường cần phải thay đổi.”

            “ Với dân thường thì đúng như thế, nhưng ông Chính nghĩ thế nào về  những lãnh đạo tối cao của hai Miền Nam – Bắc Thường ?” Cha tôi muốn biết suy nghĩ của viên cựu tướng .

            “ Tôi không luận bàn về tư duy chính trị của họ.Thấy thế nào tôi nói thẳng . Họ không đến nỗi nào. Cả hai đầu lãnh Bắc-Nam đều biết rỏ thân phận mình. Đầu lãnh Nam Thường thì nhắn với đế quốc phương Tây, rằng ‘mầy viện trợ cho tao bao nhiêu thì tao đánh bấy nhiêu. Không viện trợ, tao không đánh.’ Đầu lãnh Bắc Thường thì bảo ‘ ta đánh đây là đánh cho thằng Bạch Xô, đánh cho thằng Tàu Phù.’ Bác thấy không, đôi khi họ buộc phải thốt lên lời gan ruột mà bọn chính trị xa lông không có khả năng hiểu được.” Viên cựu tướng tâm tình.

            “ Ông Chính ăn nói kiểu như ngang hàng với họ vậy !”

            “ Hội Đồng Tướng Lãnh từng yêu cầu tôi giữ chức Thủ Tướng , bác không biết sao ? ”

            Cha tôi chuyển qua hỏi “chuyện xưa tích cũ” :

            “ Một câu hỏi vẫn còn nằm trong trí tôi chưa biết hỏi ai và ai biết. Đó là ngày ông Chính cho ba người hoạt động nằm vùng bước qua cầu Hiền Mẫu ra Bắc một cách hòa bình hiếm có. Giống chuyện trinh thám quá .”  

            “ Tôi không bao giờ nhắc đến chuyện đó.”  Ông Chính nói.   “ Bác đừng tin những gì báo chí cả hai phía nói về vụ nầy. Tôi đã đích thân gặp riêng Tôn Thất Dương, Cao văn Ngạo và Phạm Húng, họ đúng là bọn ăn cháo đá bát. Tôi nói với họ : tôi biết các anh nằm vùng, phá rối trị an trong vùng trách nhiệm của tôi. Tôi có toàn quyền quyết định “mạng sống” của các anh. Nói ngay để các anh xác quyết, nếu tôi là Tổng Thống Nam Thường, sẽ có cách giải quyết khác. Nhưng với trách nhiệm hiện hành, tôi ra hai điều kiện để các anh chọn một. Hoặc là các anh ra nhà tù Côn Đảo nằm biệt giam đến khi chiến tranh chấm dứt. Hoặc các anh đồng ý qua cầu Hiền Mẫu, ra Bắc hoạt động thoải mái.Tôi không muốn thả các anh vào rừng núi Nam Thường vì không muốn thấy mặt các anh một lần nữa. Và họ đã chọn ra Bắc. ”

            “ Chuyện xẫy ra ai cũng thấy tường tận. Nhưng tôi cứ nghĩ chắc phải có một thỏa thuận bí mật gì đây.” Nghi-ông thắc mắc. “ Ông Chính nghĩ coi, ví dụ như nhà thơ Vũ Anh Phương liều mạng bơi qua sông Bến Thủy vào Nam đâu có giữ được mạng sống. Khác hẳn với ba ông nằm vùng bước qua lằn ranh trên cầu Hiền Mẫu…”

            “ Đặt nghi vấn như vậy để làm gì ? ” Ông Chính nói.   “ Họ mở cỗng cho người của họ qua thì có gì lạ. Tụi nhà báo cố tình không nêu chi tiết : dàn loa bờ Nam sông Bến Thủy phóng to lời kêu gọi bờ Bắc chuẩn bị đón công dân họ xâm nhập vào Nam. Nghe loa réo lên , bờ Bắc chào đón họ. Chỉ có thế. ”

            “ Vậy mà khi thấy tấm ảnh ba ông nằm vùng tươi cười đưa tay vẫy chào, tôi cứ nghĩ đó là một chỉ dấu báo hiệu một ánh sáng gì đó ở cuối đường hầm.” Nghi-ông vẫn suy nghĩ viễn vông.

            “ Như vậy là nghĩ vớ vẩn” . Ông Chính kết luận.

            “ Nhắc chuyện ấy cho vui thôi vì tôi cũng quen biết Tôn Thất Dương. Sau nầy tôi đọc báo Mặt Trời Baltimore, nữ ký giả Rose Kusnher có một bài viết rất sinh động tường thuật cuộc gặp của tướng râu bắp và tướng nóng mũi. Không rõ ông Chính đã xem bài báo nầy chưa ?”

            “Một vài đồng hương có cho tôi biết qua , nhưng tôi không đọc nó. Bác thử đọc coi chi tiết nó nói gì ? ”

            “ Ông râu bắp ngồi hàng ghế đầu ở câu lạc bộ quốc gia báo chí tại Hoa Thịnh Đốn, ghì lấy lưng ghế rồi quay lại ra lệnh một cách vội vàng … Liền đó, một đàn em đi nhanh đến dãy bàn nằm đối diện diễn đàn rồi ngồi mọp xuống bên cạnh chiếc ghế của một người Nam Thường khác cũng có bộ râu từa tựa như râu bắp mà người ta gọi ông nầy là tướng nóng mũi. Tên đàn em chuyển lời mời tướng Chính đến ngồi gần tướng râu bắp , nhưng đã bị từ chối thẳng thừng. Đến bữa cơm được dọn ở tầng trên, những người biểu tình thuộc nhiều phe nhóm hò hét bên ngoài, tướng râu bắp được bảo vệ kỹ lưỡng, trong lúc tướng nóng mũi tự do đi đi lại lại trong phòng tiệc đầy người, ngưng lại nói chuyện với thân hữu cũ như tướng Jimmy, cựu tư lệnh bộ chỉ huy thủy quân lục chiến tại Đà Rằng thời biến động vùng lửa. Tướng nóng mũi phà khói sãng khoái sau khi hít những hơi thuốc trong chiếc ống điều ngà cũ xì và thuật lại những diễn biến đưa đến việc ông bị hạ bệ ”.

            “ Nó viết đúng. Tôi cũng muốn hỏi bác, khi bác ngữi thấy mùi hôi thối, bác làm gì ?”

            “ Bịt mũi chứ làm gì !”

            “ Đấy, nó viết sinh động đó. Có thể nói không có người Nam Thường nào như bản thân tôi tận mắt chứng kiến những ung nhọt tham nhũng bẩn thĩu từ trên xuống dưới của chính phủ , nên khi nhắc đến chúng, mình phải bịt mũi. Tụi nhà báo gọi tôi là tướng nóng mũi, tôi không phản ứng.”

 

            Chuyện trò một hồi , ông Chính cảm thấy có thể tâm sự với Nghi ông về mục đích của chuyến đi. Ông hỏi cha tôi có biết ông đã cho người mang bức thư bí mật gởi riêng cho Thibault chưa ? Nghi ông trả lời Trác Bạt tôi có nói cho ông biết.

            “ Bức thư tiết lộ ông Chính biết rõ cuộc chiến Giao Thường sẽ kết thúc sau buổi họp báo tổng kết chiến tranh về trận Mountains Pan.” Cha tôi nói.

            “ Tôi ở bang Hardy theo dõi sát diễn tiến trận chiến Chảo Núi. Khi biết kết luận của buổi họp báo, kiều bào Giao Thường xôn xao bàn tán. Một số người đến gặp tôi và những cựu tướng khác thúc giục chúng tôi phải bắt tay lảm một việc gì đó đáp ứng với nhu cầu của người tị nạn.”

            “ Ông Chính có biết họ muốn gì không ?”

            “ Họ muốn một vải người trong chúng tôi ra ứng cử dân biểu, thượng nghị sĩ hoặc thống đốc Bắc Mỹ…” 

            “ Có ai ra ứng cử chưa ?”

            “ Bọn người xúi chúng tôi ra ứng cử là một bọn ngu. Chúng chẳng biết gì về bầu cử, ứng cử ở Bắc Mỹ…”

            “ Có lẻ họ chưa quen với xã hội mới.”

            “ Đúng. Do đám đông ngu muội mới có một ông cựu tướng ra làm trò hề nhận chức quốc trưởng của một chính phủ ma do một tên lừa đảo lập ra … Tên nầy đã lợi dụng sự ngu dốt của đám đông. Đây là lý do khiến tôi viết bức thư cho Thibault và tìm cách qua đây.”

            “ Ông Chính nói khó hiểu quá !”

            “ Tôi muốn trực tiếp gặp Thibault .”

            “ Thibault sẽ không tiếp xúc với bất cứ ai lạm bàn về chính trị, vì Trường Đại Học nầy đã có nguyên tắc rõ ràng với hình ảnh Thibault là một biểu tượng ...” Cha tôi cho biết.

            “ Tôi cũng biết rõ trường New Hardy. Cuộc chiến nầy tàn thì nó cũng tàn theo. Thời điểm nầy là hồi chuông báo tử của nó. Thibault sẽ trở về làm dân Hardy như tôi.”

            Nghe ông Chính nói lời quyết đoán về cuộc chiến, cha tôi có vẻ ‘chùn bước’ :

            “ Tôi nghĩ chắc ông Chính cũng không giấu gì tôi chuyện ông Chính muốn gặp Thibault.”

            “ Bác không nhận ra tín hiệu của tôi vừa cho bác biết sao ?”

            “ Có thể khả năng nhận biết của tôi không sắc bén lắm về các tín hiệu chính trị …” Cha tôi thú nhận.                                                    “ Tôi phải nói ra thế nầy. Nếu những cựu tướng chúng tôi đủ điều kiện và tài năng ra tranh cử thống đốc, thượng nghị sĩ hoặc dân biểu thì tôi đâu có dịp gặp bác hôm nay.”

            “ Tôi hiểu rồi. Ông Chính muốn thuyết phục Thibault ra tranh cử thống đốc hoặc thượng nghị sĩ chứ gì ?”

            “ Đúng. Chỉ Thibault là người có thể thắng cử ở tiểu bang Hardy. Và tôi là người đứng ra vận động Thibault tranh cử.”

            “ Hình như ông Chính cũng giống tôi ở cái tính viễn vông hảo huyền.”

            “ Không. Tôi không nghĩ viễn vông như bác. Tôi chọn Thibault vì tôi là citizen của bang Hardy. Bang nầy có Trường Đại Học lớn là University of Hardy. Thibault là giáo sư nỗi bật của trường. Kiều bào ta rất tự hào có một nhân vật có giòng máu Giao Thường  như Thibault - vừa thông minh xuất chúng vừa có thiên khiếu lãnh đạo bẩm sinh…”

            “ Có phải ông Chính tin rằng khi Thibault trở thành Thống Đốc Hardy, kiều bào ta sẽ có lợi về mọi mặt ?”

            “ Đó chỉ là mục đích thứ yếu. Thống Đốc Hardy là bước đệm để Thibault trở thành Tổng Thống Nam Thường.”

            Ngừng một lát, ông Chính hỏi cha tôi :

            “ Bác có biết gì về chương trình hậu chiến tái thiết Nam Thường sau chiến tranh không ?”

            Thấy cha tôi luống cuống mơ hồ về chương trình nầy, ông Chính giải thích :

            “ Chương trình nầy do các chuyên gia hàng đầu của Nam Thường – như luật gia Vũ Quốc Chúc - và Bắc Mỹ hoạch định và đã thực sự hoạt động. Bằng chứng là ông Cục Trưởng Cục Truyền Tin Quân Đội đã chuyển qua Bưu Điện, mặc áo dân sự giữ chức Phó Tổng Giám Đốc của Tổng Nha Viễn Thông để chuẩn bị nhận bàn giao. Chưa kể hàng ngàn viên chức quân sự, dân sự đang chuẩn bị thay thế người cũ việc cũ hiện đang được huấn luyện tại các trường Đại Học.”

            Nhận thấy vấn đề ông Chính nêu ra có một vài lý lẻ có thể thuyết phục Thibault, Nghi ông cẩn trọng đề nghị :

            “ Ý kiến cá nhân của tôi không phản ảnh suy nghĩ của Thibault, nhưng tôi sẽ đề nghị Thibault gặp ông Chính.”

            Nghi-ông và tôi có thời gian trò chuyện với ông Chính đến cạn lời. Chúng tôi còn giúp ông Chính liên lạc và gặp gỡ con cháu, bà con nội ngoại của ông. Các cuộc hội ngộ nầy đều diễn ra trên tàu Hardy vào ban ngày có nhiều khách du lịch lên xuống tàu.

            Cha tôi hội ý Ricard.Việc ông Chính muốn, phải do Ricard bàn với Thibault. Ricard đã nói gì với Thibault không ai được biết. Tôi chỉ ghi lại trao đổi của Nghi ông với Ricard về câu chuyện ông Chính chờ đợi.  

            “ Nhờ bác thông báo với ông Chính.” Ricard nói với Nghi ông. “ Hiện giờ New Hardy đang chuẩn bị đối mặt với những khó khăn do cuộc chiến Giao Thường sắp kết thúc.”

 

            Nghi ông có cuộc trò chuyện thân mật cuối cùng với ông Chính tại nhà chúng tôi trước khi ông lên tàu Hardy trở về Bắc Mỹ.

            “ Ông Chính về Thủ Phủ lần nầy có thể là lần cuối vì chúng tôi đang chuẩn bị di tản.” Nghi ông nói.

            “ Khi nào tôi sẽ gặp Thibault ?” Ông Chính hỏi.

            “ Viện trưởng Ricard nhờ tôi tìm hiểu thêm các thông tin do ông Chính cho biết.”

            “ Tôi đã cho bác biết hết rồi.”

            “ Ricard đặt câu hỏi với tôi, ông Chính liên lạc với Park Chung Hee và Nasser với mục đích gì ? ”

            “ Có lẻ do tụi nhà báo đểu cáng đồn thổi sao đó làm người khác e ngại ? ”

            “ Tôi nghe người ta nói ông Chính chuẩn bị đóng vai trò của một Park Chung Hee của Nam Thường ? ”

            “ Nguồn tin nầy do nhóm nào tung ra ? Bác cũng biết tình trạng chia năm xẽ bảy ở đây chứ ? ”

            “ Không có lửa sao có khói . Phải có gì đó tụi nó mới nói.”

            “ Đến bác còn nói vậy trách gì bọn nhà báo.Chỉ việc tung tin Park Chung Hee và Nasser đủ thấy vô lý, vì tôi và Nasser chưa bao giờ biết nhau, chưa nói đến trở ngại ngôn ngữ tôi không biết nói tiếng Ai Cập và không có Tòa Đại sứ Ai Cập ở Nam Thường.Nasser lại hành động theo đường lối nước  Nga đi ngược với quyền lợi Bắc Mỹ. Chỉ một lần tôi phát biểu thẳng thắn đồng tình với Nasser  khi ông ấy cho rằng hầu hết những người gọi là trí thức nhân sĩ nầy nọ đều thuộc giòng họ xôi thịt hoặc ảo tưởng. Nhờ có kết luận chính xác như vậy trước khi quyết định nên Nasser mới thành công khi quốc hữu hóa kênh đào Suez. Bác nên nhớ trong nội các không ai biết kế hoạch quốc hữu hóa cho đến vài giờ trước khi Nasser công bố. Đó là một quyết định đơn độc, được thực hiện mà không cần tham khảo ý kiến của bất cứ ai. Trong bài phát biểu,ông nói một trăm hai chục ngàn người Ai Cập đã chết khi đào kênh Suez…”  

            “ Nhưng ông Chính thật sự có liên hệ với người hùng của Nam Hàn .”

            “ Tôi phải nói rõ chuyện cá nhân tôi với Park Chung Hee. Park Chung-Hee là nhà chính trị, quân sự, Tổng thống Hàn Quốc, lãnh đạo Đảng Dân chủ Cộng hòa. Ông là người dẫn đầu một cuộc đảo chánh ,lãnh đạo Ủy ban Cách mạng (tiền thân của Hội đồng Tối cao phụ trách Tái thiết Quốc gia sau này). Park Chung-hee sau đó trở thành vị Tổng thống thứ ba của Hàn Quốc với bốn nhiệm kỳ liên tiếp trong 14 năm. Ông là người thành lập nền Cộng hòa thứ ba trong lịch sử Hàn Quốc đồng thời cũng là một trong những người châu Á tiêu biểu nhất của thế kỷ 20. Ông là người trực tiếp khởi xướng và dẫn dắt đất nước tạo ra Kỳ tích sông Hán - thời đại chứng kiến sự phát triển thần tốc kéo dài cho tới đầu thế kỷ 21, biến Hàn Quốc từ một đống tro tàn, đổ nát thời kỳ hậu chiến tranh Triều Tiên trở thành một trong những con rồng kinh tế Á châu cũng như thế giới. Trong một cuộc khảo sát của Gallup tại Hàn Quốc, Park Chung-hee được tôn vinh là Tổng thống vĩ đại nhất trong lịch sử nước này. Ông đã có vài lần qua Nam Thường ủy lạo hơn ba trăm ngàn binh sĩ Hàn Quốc đang tham chiến ở đây. Tôi đã một lần gặp Park Chung Hee và ông đã liên lạc tặng kỷ niệm chương cho tôi…”

            “ Chỉ vậy thôi sẽ không ai nói gì. Chuyện nỗi lên hiện giờ do ông Chính liên lạc với Park Chung Hee khi vào tạm trú trong nhà Ron ở làng Trung Châu.”

            “ Ron lái xe đưa tôi đến Tòa Đại Sứ Hàn Quốc. Tôi vào văn phòng gặp ngay một sĩ quan Hàn quốc chuyển công tác .Tên nầy biết rõ tôi khi chúng tôi phối hợp hành quân chiến đấu trong một chiến dịch quân sự của Đồng Minh. Tôi đưa kỷ niệm chương do Park Chung Hee trao tặng và nhờ y dàn xếp một cuộc gọi…”

            “ Người ta nói Park Chung Hee đã trao truyền bửu bối gì đó cho ông Chính ? ”

            Ông Chính vỗ vai Nghi ông cười toe toét :

            “ Chúng nó nói vậy bác cũng tin sao. Tôi chỉ có lời hỏi thăm ,chúc mừng thành công của ông Park và mong có dịp du lịch Hàn Quốc. Chỉ vậy thôi.Còn chuyện chính trị, như tôi tự nhận không phãi dành cho tôi. Tôi biết tôi muốn gì, làm được gì, nhưng không phải việc chính trị. Nhắc lại, tôi đã từng từ chối giữ chúc Thủ Tướng vì không hợp với tôi.”

            Nghe ông Chính nói thế, tôi mạn phép xen vào :

            “ Dư luận đồng ý ông Chính không tham nhũng, nhưng quân đội Nam Thường cũng có nhiều người như bộ tứ Nhất Chiến, Nhì Phong, Tam Thương, Tứ Thủ. Chỉ có thể chấp nhận tính cách dám hành động của ông Chính, nhưng họ nói ông Chính bộc trực, nóng nảy, không làm chính trị được. Nếu ông biết làm chính trị, tình thế Nam Thường đã khác bây giờ .”

            “ Thôi đừng nói gì chuyện nầy nữa. Đã có đàn em của tôi gợi ý đủ thứ nhưng tôi đã giả từ vũ khí.” Ông Chính xua tay bảo tôi và Nghi ông dừng chuyện.

            Có chuông điện thoại reo. Nghi ông đến bàn làm việc nói chuyện với ai đó một lúc lâu. Khi trở lại, cha tôi có vẻ

lo lắng .

            “ Khuya hôm qua có một nhóm người không rõ tông tích xông vào đập phá và đốt sách trong thư viện của Campus II.” Cha tôi báo động.

            Tôi vôi vả cùng ông Chính đến gặp Ron chuẩn bị đưa ông Chính xuống tàu Hardy rời Thủ Phủ.

           

(Còn nữa)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phan Tấn Uẩn
Số lần đọc: 486
Ngày đăng: 21.09.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mùa xanh biển lặng ( Phần 8 ) - Đỗ Nguyễn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 22) - Phan Tấn Uẩn
Mùa xanh biển lặng ( Phần 7 ) - Đỗ Nguyễn
Mùa xanh biển lặng ( Phần 6 ) - Đỗ Nguyễn
Mùa xanh biển lặng ( Phần 5 ) - Đỗ Nguyễn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 21) - Phan Tấn Uẩn
Cùng...bay về tâm dịch 'Phần III: Từ Doha đến Roma và từ Roma đến Milano' - Trương Văn Dân
Mùa xanh biển lặng (Phần 4) - Đỗ Nguyễn
Cùng... bay về tâm dịch 'Phần II: Từ Sài Gòn đến Doha' - Trương Văn Dân
Mùa xanh biển lặng ( Phần 3) - Đỗ Nguyễn
Cùng một tác giả
Đêm Mù Mộ Địa (truyện ngắn)
Chuyến về quê (truyện ngắn)
Giấc mơ chiếu manh (truyện ngắn)
Trên sợi tóc buồn (truyện ngắn)
Quán về khuya (truyện ngắn)
Phố đỏ (truyện ngắn)