Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.157
123.224.896
 
Vị trí truyện BA PHI trong VĂN CHƯƠNG TRÀO PHÚNG VIỆT NAM
Vũ Ngọc Khánh

Chúng ta có dịp nói về Ba Phi. Tác phẩm của ông cũng đã được sưu tầm, in đi in lại trong vài chục năm qua. Nhưng hình như vẫn có nhiều điều cần được bàn bạc thêm. Điều quan trọng là, theo suy nghĩ hạn chế của chúng tôi, nên đặt lại vị trí Ba Phi thuộc dòng truyện Trạng, truyện truyền văn có giá trị khơi gợi nụ cười dân tộc, nụ cười Việt Nam. Ba Phi cũng là loại truyện của những Trạng Quỳnh, Trạng Lợn phía Bắc, truyện Xiển Bột, Thủ Thiệm miền Trung và truyện ông Ó, Bợm Bảy, Sáu Mới ở miền Nam. Nhưng thật ra Ba Phi có những biểu hiện khác, tính cách khác để làm cho văn học trào phúng Việt Nam sinh động, đa diện và độc đáo hơn. Ba Phi cũng làm cho Cà Mau được thêm vinh dự là đóng góp với dân tộc, với văn học Việt Nam một khuôn mặt mới, mang tính đại diện cho vùng đất xa xôi, ở tận cùng miền Nam đất nước.

 

Đọc văn chương trào phúng Việt Nam lâu nay - mà đọc cả truyện cười trên thế giới cũng thế, chúng ta thường thấy thú vị về những đối tượng gây cười, những biện pháp gây cười của loại truyện hài hước, tiếu lâm, châm biếm. Đại đa số là các chuyện đều chĩa mũi nhọn công kích, chế giễu các tầng lớp như vua, quan, cha cố, nhà giàu và các loại thói hư tật xấu ở đời. Bản thân những đối tượng này đã gây nên nhiều bất bình phẫn nộ trong xã hội. Để làm nổi lên sự bất bình đó, vũ khí trào phúng đã được sử dụng và đem lại những tiếng cười trong cuộc sống và trong văn hóa Việt Nam. Những ông Trạng dân phong, những người thông minh nghịch ngợm v.v…, đã xuất hiện từ thực tế đó. Nếu là người trong làng văn, họ sẽ là những tác giả trào phúng như Yên Đổ, Tú Xương, Phan Văn Trị, Lê Quang Chiểu…Nếu là con người dân dã, họ sẽ thành những trạng Quỳnh, Ba Giai, ông Ó…Ba Phi là người được đứng trong hàng ngũ này. Nhưng có điều rất đặc biệt, là vì nụ cười của ông hoang toàn riêng biệt, cả nội dung và biện pháp hoàn toàn không giống với ai, mà với những trường hợp không đi sâu vào bản chất trào phúng, thì cũng dễ dàng gây ra những cảm tưởng băn khoăn, ngờ ngợ, không rõ truyện Ba Phi có đúng truyện cười? Đó là vì có điều kiện tìm hiểu, chứ thực ra nụ cười của Ba Phi đã hiện diện từ lâu. Cái riêng của Ba Phi là một điệu cười độc đáo trong làng cười Việt Nam. Nói theo khẩu ngữ gần đây, thì ông là một tay cao thủ trong làng cười Việt Nam.

 

1. Nụ cười Ba Phi hồn nhiên với tạo vật, một nụ cười rất người, rất nhân loại.

Nụ cười có từ những ngày xuất hiện con người? - Đây là vấn đề giới nghiên cứu đã từng tranh luận. Phải chăng nụ cười chỉ có thể xuất hiện vào lúc có sự giao tiếp giữa con người với con người. Không có con người làm đối tượng thông cảm hay đối tượng đấu tranh, không thể có tiếng cười được. Hình như điều ấy có thể dễ dàng chấp nhận, nếu không có những câu hỏi băn khoăn. Có hay không trường hợp con người chỉ sống một mình, vẫn nở nụ cười khi thấy thời tiết đổi thay, thấy thiên nhiên vận chuyển. Con người đứng giữa cõi hoang vu, vẫn có thể cười với núi sông, với mây gió, hoặc nhìn thấy những đôi bướm nô rỡn, những con vật hoặc cặp đôi nhau, hoặc xung đột nhau. Gặp những trường hợp gay cấn, bất giác con người có thể cau có, rên la được, thì tất nhiên cũng có thể bật ra được nụ cười, mà không nhất thiết chỉ là nụ cười sinh lý, mà là nụ cười chân thật hồn nhiên. Nụ cười đó chứng tỏ con người đã dần có cái ý thức về mình, có sự quan sát về cảnh vật chung quanh. Lúc đó con người đã dần dần lớn lên, từ tự phát để biến thành tự giác. Tiếng cười cũng là bằng chứng về sự tiến bộ của nhân loại - ngay từ lúc khởi thuỷ, chứ không phải mới có về sau này.

 

Nụ cười Ba Phi đã xuất hiện như thế giữa thiên nhiên và tạo vật miền Nam. Ông đã sống với thiên nhiên, đã lăn lộn để khai phá cơ nghiệp, để đảm bảo sự tồn tại của mình. Trong đấu tranh sinh tử ấy, ông không cười thành tiếng, nhưng nụ cười thực sự đã hiển hiện trong ông, càng làm cho ta thấy rõ và cùng cười với những hành động của ông. Xem cách thức ông vật lộn với sóng gió, ông nảy sinh sáng kiến, ông giải quyết nhứng trở ngại ngặt nghèo dường như không thể vượt qua, ta thấy rất vui, rất hội hộp, như bị cuốn vào trong một khung cảnh o bế, gay go, rồi khi thấy ông hào hứng trong thắng lợi, ta lại thấy ngay một sự giải thoát, và cùng với có được nụ cười giải thoát. Kẻ địch ở đây là thiên nhiên. Thiên nhiên o bế đủ mọi đường, nhưng Ba Phi đã thoát ra và thắng lợi. Ông đã hạ giá địch thủ. Mà hạ giá được đối tượng, thì đó là nguyên nhân của sự phát ra tiếng cười. Tôi nhớ hình như đây là một lý thuyết của nhà nghiên cứu về cái cười: ông Bain ở nước Anh. Nghiên cứu văn học trào phúng Việt Nam, ta chưa gặp trường hợp này, thì nay Ba Phi đã mặc nhiên chứng minh được điều ấy.

 

2. Nụ cười Ba Phi là nụ cười biệt lập với thế sự

Đây là điều khá độc đáo của nụ cười Ba Phi. Hoàn toàn khác với truyện Trạng trong truyền thống như Trạng Quỳnh, Ba Giai v.v…, đến Thủ Thiệm, ông Ó …Không thấy những quan to quan nhỏ, nhà giàu lớn bé, ông Sư, ông Thần gì trong Ba Phi. Không thấy vấn đề đấu tranh giai cấp hay chế giễu những thói hư tật xấu. Ấy vậy mà chúng ta vẫn được cười. Cười một cách vui vẻ, thoả mãn. Đối tượng đấu tranh của Ba Phi chỉ là những lau lách, đầm đìa, suối rừng và nhất là các loại vật: từ thú dã đến côn trùng. Nhưng ông đã biến được tất cả cái thế giới vô tri ấy thành đồ chơi trong thú chơi của mình. Ông chinh phục chúng bằng cách gần gũi, khai thác những chỗ yếu, chỗ sơ hở để chúng phải tuân theo những ý đồ của mình.Ta không thấy ông có sự căm ghét chúng bao giờ. Đến đây tôi lại nhớ lý thuyết của một nhà triết học nổi tiếng và cuốn sách Cái cười của ông. Lập luận của ông, được cả thế giới công nhận (dù có nhiều ý kiến trao đổi) là: hễ chỗ nào mà ta không cảm động được nữa, thì ở đó mới bật ra tiếng cười (Le rire). Với Ba Phi, hình như không phải là như thế. Chắc hiện tượng này cũng có nhiều trên thế giới, nhưng được đúc kết thành hình tượng một cách rõ rệt hơn ở đất Cà mau.

 

Nụ cười Ba Phi biệt lập với thế sự, nhưng đọc nó, nghe nó, lại không thể liên hệ với sự đời. Xem việc, xem cảnh, có thể liên hệ với xã hội con người, dù việc ấy, cảnh ấy không có con người để tập trung mũi nhọn. Và đó cũng là nét độc đáo của truyện Ba Phi.

 

3. Truyện Ba Phi còn tạo ra nụ cười hảo hán của con người vô uý. Có thể thấy rõ Ba Phi trong những câu chuyện được kể, những hành động và cử chỉ là một trang hảo hán, có đường nét tính cách của những trang võ sĩ giang hồ thường gặp ở miền Nam. Vùng đất này có nhiều truyện dân gian như chuyện những nhà sư đánh cọp, như các trang thanh niên lưu động chốn này chốn kia, thành những anh hùng mãi võ. Ngay trên đất Cà Mau, vãn lưu hành các truyền thuyết về ông Bùi Nhiên sư đánh cọp, về ông Đình Tây đã làm cho ông Năm Chéo (thực ra là danh hiệu người dân gắn cho con sấu hung dữ) hoảng sợ. Tiếng tăm Đình Tây là kẻ ngang trời dọc đất, có sức mạnh phi thường và có những nét đẹp hào hùng của con người tráng sĩ trong văn chương vang lừng trong lời đồn đại ở miền Nam. Ta gặp hình ảnh của người chí sĩ mài gươm dưới ánh trăng (như Đặng Dung với  Kỷ độ long truyền đái nguyệt ma; nhà hiệp khách Trần Nguyên Hãn: Uống rượu hay là ta uống trăng!). Thì thật bất ngờ, ta được gặp Ba Phi mài gươm trên một cái cồn cứng nổi lên giữa lòng kênh lạch. Ấy vậy, mà với Đặng Dung, với Trần Nguyên Hãn, ta chỉ có khâm phục, trầm tư. Nhưng với Ba Phi thì ta lại gặp tiếng cười. Vì cái cồn cứng giữa làn nước mênh mông kia, chỉ là cái mai của một con rùa! ngồi trên lưng rùa để mài kiếm, mặc cho rùa trôi theo dòng nước, vì con rùa kia đã biến thành tàu rùa. Cười ngạc nhiên, rồi cười khoái chá, có cả niềm tâm phục. Cái cười hảo hán của Ba Phi là ở đó.

 

4. Truyện cười Ba Phi là phong vị quê hương của miền đất cực Nam của Tổ quốc, đến với người đọc một cách đậm đà và tất nhiên, không cần đến sự liên hệ hay phân tích. Điều này cũng khác với hệ thống truyện cười Việt Nam xưa nay. Thật vậy, khi ta đến với Trạng Quỳnh, thấy được cái không khí Hà Nội, Thanh Hoá. Đến với Thủ Thiêm, có thể cảm nhận được những nét Quảng Nam, đến với ông Ó thì cái chất Nam Bộ cũng rõ. Nhưng phần lớn những cảm nhận ấy có được do người nghe, người đọc được tiếp xúc với ngôn ngữ, với phong tục, những thông tin lịch sử về mảnh đất, và con người đó. Với truyện Ba Phi, ta không có những điều kiện sẵn ấy. Mãi gần đây, có nghiên cứu tìm tòi và giới thiệu ta mới biết đôi điều về nhân vật Nguyễn Long Phi (1890 - 1968) ở ấp Rạch Lùm, Cà Mau. Nhưng cả khi chưa có cả thông tin ấy, thì bản thân những truyện của Ba Phi cũng có thể gợi cho chúng ta về trời đất Cà Mau, về Lung Tràm, về Bảy Háp, Đầm Dơi v.v… và nhiều nữa. Thế giới Ba Phi là cả một thế giới của nước, của khe, của lạch, của rừng, mà hoàn toàn là của đất mũi Cà Mau. Trong Thủ Thiệm, ông Ó, Bợm Bảy, Bộ Ninh v.v… phần thiên nhiên không chiếm vị trí đáng kể, và con người trong các chyện ấy hình như không phải vật lộn với thiên nhiên, cho nên cái tình cảm thiên nhiên không rõ rệt. Vật lộn với thiên nhiên ở mảnh đất này, là cả một sự nghiệp từ ngày khai phá lạch thẳm, rừng hoang: chuyện đã qua đi từ bao thế kỷ, mà nay vẫn có tính cách ,có ý nghĩa thời sự như thường. Rồi từ cái vật lộn ấy mà có được nụ cười vô uý, chứng tỏ con người có sức mạnh, có khao khát tự do. Các giới cầm quyền thống trị bao giờ cũng sợ, cũng phải ngăn cản tiếng cười. Nhưng mảnh đất này - ở cực Nam của Tổ quốc - đã có những gì khiến chúng ta tự do cười được! Tôi nhớ đến nhận xét của một chuyên gia về địa lý: Trong cuốn Thiên nhiên Việt Nam , giáo sư Lê Bá Thảo viết: Cà Mau, đất ấy thực sự bao giờ cũng tự do!  Có thể vì thế mà có hiện tượng Ba Phi cho chúng ta nghiên cứu?

 

5. Cuối cùng, đã nói đến văn chương trào phúng thì không thể không nói đến nghệ thuật cười. Ở đây, ta cũng gặp những nét độc đáo của truyện cười Ba Phi, có phần khác với truyện cười truyền thống. Đã vào với nghệ thuật cười, thì phải biết, phải sử dụng đến nhiều biện pháp gây cười. Vào làng cười Việt Nam, ta gặp những thao tác quen thuộc. Có cách tung đối tượng lên để dìm xuống, có cách chuyển hoá đối tượng khiến các bộ mặt trở nên méo mó, đáng cười mà cũng đáng khinh. Rồi thậm chí - mà hình như lại thường xuyên hơn, phải sử dụng đến những yếu tố tục. Về mặt cấu trúc thì phải có những phương pháp gài bẫy, tạo ra tình huống bất ngờ. Về mặt ngôn ngữ, thì thông dụng là phải biết cách chơi chữ, riêng ở Việt Nam thì cách nói lái thịnh hành. Ấy vậy mà ở truyện Ba Phi, các biện pháp này đều ít khi, hoặc thường là không sử dụng. Bản thân thiên nhiên và các lực lượng siêu nhiên, những nhân vật sống tự nhiên đã có đủ chất sống tươi rói đậm đà để tạo ra thế giới cười riêng biệt, tự thân nó sẽ dẫn đến nụ cười. Những truyện Ba Phi tỏ ra rất biết, và rất thiện dụng một biện pháp trào phúng là sự phóng đại. Ba Phi có thủ thuật phóng đại rất tài. Nói như là nói khoác, nói rất vô lý mà lại hoàn toàn hợp lý, và thường là phóng đại quá cỡ, nhưng qúa cỡ mà chấp nhận được, có quá cỡ mới gây được tiếng cười. Truyện Ba Phi tạo nên những cảnh gây cười: Cảnh không thể có trong thực tế, nhưng lại mang tính cách hiển nhiên, nhiều khi lại thơ mộng mà bay bổng. Một bầy ếch mà cũng gảy đàn để ca vọng cổ, một bầy chim mà tha được cả con người lên không trung, một bầy kỳ đà rúc đuôi nhau để thành một cây gỗ dài luôn đi theo dòng nước, một chú rùa biến thành chiếc tàu…quả là những hình ảnh hấp dẫn. Với Ba Phi, những vật, những hình ảnh thiên nhiên được trần tục hoá để làm tôn lên cái lớn mạnh, cái lạc quan của con người. Nụ cười vốn là vô uý, thì ở đây lại càng hồn nhiên, thoải mái và tự hào hơn.

 

Tôi nghĩ rằng trong kho tàng truyền thống về trào phúng Việt Nam, ta chưa được gặp nụ cười này. Ba Phi và đất Cà mau xa xôi, bé nhỏ, nhưng hiền lành, hùng tráng và rất tự do đã góp thêm cho văn học Việt Nam nụ cười độc đáo ấy./.

 

www.vanhoanghethuat.org.vn

Vũ Ngọc Khánh
Số lần đọc: 3459
Ngày đăng: 20.12.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nét độc đáo của câu đố dân gian Đồng bằng sông Cửu Long - Hồ Xuân Tuyên
Truyền thuyết dân gian về cuộc khởi nghĩa của Thủ Khoa Huân - Võ Phúc Châu
Nghệ Thuật Gốm Trà Việt Nam - Phan Quốc Sơn
Lễ hội OK-om-Bóc (lễ Hội cúng trăng hay đút cốm dẹt) : - Tô Duy Chiêm
Diện mạo xã hội nam bộ đầu thế kỷ XX qua truyện thơ Sáu Trọng - Trần Dũng
Thử tiếp cận một cách nhìn khoa học hơn - Trần Dũng
TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU - Trần Dũng
Gieo vần cho thơ - Hồ Tĩnh Tâm
Việc phê bình, trao đổi ý kiến về văn nghệ dân gian - Nguyễn Xuân Kính
Tục thờ đá trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam - Nguyễn Việt Hùng