Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.106
123.202.528
 
79. Bình Định Vương Lê Lợi: Thời kỳ khởi nghĩa (8) [1418-1427]
Hồ Bạch Thảo

 

 

Vào khoảng tháng 2 năm Bình Định vương thứ 10 [26/2-27/3/1247] (Minh, Tuyên Đức năm thứ 2); Vương Thông lo củng cố phòng thủ thành Đông Quan, ý chờ viện binh tới. Bình định vương sai Nguyễn Trãi soạn thư, xét tình hình hai nước, phân tích lợi hại, chỉ cho y biết con đường sống duy nhất, là giảng hòa, rút quân về:

Lại thư dụ Vương Thông.

Kính thư gửi quan Tổng binh cùng liệt vị đại nhân. Kể ra người dùng binh giỏi là ở chỗ biết rõ thời thế mà thôi. Được thời có thế, thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn; mất thời không thế, thì mạnh hóa ra yếu, yên lại thành nguy; sự thay đổi ấy chỉ trong khoảng trở bàn tay. Nay các ông không hiểu rõ thời thế, lại trang sức bằng lời dối trá, thế chẳng phải bọn thất phu hèn kém ư? Sao đủ để cùng nói việc binh được? Trước đây lòng mưu giả trá, mặt thác giảng hòa, rồi cứ đào hào đắp lũy, ngồi đợi viện binh, tâm tích không rõ, trong ngoài khác nhau, sao đủ khiến ta chắc tin mà không ngờ được? Cổ nhân có nói: “Tha nhân hữu tâm, dư thổn đạc chi” [Bụng dạ người khác, ta lường đoán biết], nghĩa là thế đó. Xưa kia Tần thôn tính sáu nước, chuyên chế bốn biển, đức chính không sửa, thân mất nước tan. Ngay Ngô [chỉ nhà Minh, thời khởi nghĩa Vua Thái Tổ gọi là Ngô vương] mạnh không bằng Tần, mà hà khắc lại quá, không đầy một năm tất nối nhau mà chết, ấy là mệnh trời, không phải sức người vậy. Hiện nay phương Bắc có kẻ địch Thiên Nguyên [niên hiệu hậu chúa nhà Nguyên], trong nước có mối lo các xứ Tầm Châu [dân thiểu số vùng Tầm Châu, Quảng Tây], một khu Giang T [chỉ Giang Tô] không tự giữ xong, huống còn mưu toan cướp nước khác ư! Các ông không hiểu sự thế, bị người đánh thua, lại còn chực dựa uy Trương Phụ, thế là đại trượng phu chăng? Hay cũng chỉ là đàn bà thôi? Sự thế ngày hay, dẫu cho thượng v[chỉ Vua Minh] có đem quân đến nữa, cũng chỉ chóng chết mà thôi, huống là Trương Phụ chỉ tự đến nộp mạng thì sang! Xưa Hán Chiêu Liệt [Lưu Bị] chỉ là di phái họ Lưu, mà Khổng Minh làm cho đại nghiệp phục hưng được, huống hồ con cháu hoàng Trần, mệnh trời đã cho, lòng người đã theo, thì Ngô sao có thể cướp được! Và kẻ hào kiệt ngày xưa, chưa gặp thời thì ẩn, đã thấy cơ thì dậy, cho nên Y Doãn (1) là kẻ cày ruộng ở đồng Sằn, Thái công (2) là kẻ câu cá ở sông Vỵ, một người thì làm vương tá, một người thì làm đế sư, đấy là người hào quý chăng? Là người bần tiện chặng? Còn như Mộ Dung nước Yên (3), Thạch Lặc (4) nước Triệu đó là người Trung Quốc chăng? Là người Man Mạch (5) chăng? Ngẫm kỹ lời các ông nói, thật là lời nói của tiểu nhân Man Lão, không phải là lời nói của người Trung Quốc vậy. Nay sức hết kế cùng, quân sĩ nhọc mệt, trong thiếu lương thực, ngoài không viện binh, bám hờ khu nhỏ mọn, nghỉ tạm thành chơ vơ, há chẳng phải là như thịt trên thớt, cá trong nồi sao? Thế mà lại còn lừa dối dân ta, dụ điều phi nghĩa. Kìa những kẻ trung thần nghĩa sĩ, dầu thời cùng vận ách, nếm mật nằm gai, cũng chẳng chịu mưu đồ kia khác, lẽ nào ngày nay lại chịu tin nghe lời bất nghĩa của bọn các ông? Chỉ e người Nam trong thành nhớ mến chủ cũ, người Ngô ở đây khốn khổ không kham, thì những người chống các ông sẽ kế nhau ra hng; lại như Trương Phi, Lữ Bố (6), các ông lại bị chính bộ hạ giết hại, đó là lẽ tất nhiên. Nay ở các thành, từ Đô ty trở xuống đều căm giận bọn các ông lừa dối, khuyên ta làm cỏ cả thành. Hoặc có kẻ trèo lũy trốn ra, tố cáo cả việc sắp đặt chiến cụ, sửa đóng xe thang. Những người bị khốn sẽ giết lẫn nhau, hà tất phải quân sĩ của ta nữa. Nay tính hộ các ông thì có sáu điều phải thua:

- Nước lụt chảy tràn, tường rào đổ lở, lương cỏ thiếu thốn, ngựa chết, quân ốm. Đó là điều phải thua thứ nhất.

 -Xưa Đường Thái bắt Kiến Đức mà Thế Sung ra hàng (7). Nay những nơi quan ải hiểm yếu, đều có quân và voi đồn giữ, nếu viện binh đến, thế tất phải thua, viện binh đã thua, bọn các ông tất bị bắt. Đó là điều phải thua thứ hai.

- Ở nước các ông quân mạnh ngựa tốt nay đã đóng cả ở miền Bắc để phòng bị quân Nguyên, không rỗi nhìn đến miền Nam. Đó là điều phải thua thứ ba.

- Luôn động can qua, liên tiếp đánh dẹp, người sống không vui, nhao nhao thất vọng. Đó là điều phải thua thứ tư.

- Gian thần chuyên chính, chúa yếu giữ ngôi, xương thịt hại nhau (8), gia đình sinh biến. Đó là phải thua thứ năm.

- Nay ta dấy nghĩa binh, trên dưới cùng lòng, anh hùng hết sức, quân sĩ càng luyện, khí giới càng tinh, vừa cày ruộng lại vừa đánh giặc; quân sĩ trong thành thì đều mỏi mệt, tự chuốc diệt vong. Đó là điều phải thua thứ su.

Nay giữ cái thành cỏn con để chờ sáu điều thất bại, ta lấy làm tiếc cho các ông lắm! Cổ ngữ có câu: “Nước xa không thể cứu lửa gần”. Giá viện binh có đến, cũng không có ích gì cho sự bại vong? Trước Phương Chính, Mã Kỳ chuyên làm hà ngược, sinh linh lầm than, thiên hạ ta oán, đào phần mộ ở ấp ta, bắt vợ con của dân ta, người sống bị hại, người chết ngậm oan. Nếu các ông xét kỹ sự cơ, nhận rõ thời vụ, nên chém lấy đầu Phương Chính, Mã Kỳ đưa nộp ở quân môn, thì sẽ tránh khỏi giết hại cho người trong thành, hàn gắn vết thương cho người trong nước, hòa hảo lại thông, can qua nghỉ mãi. Như muốn kéo quân về nước, thì cầu đường sửa xong, thuyền ghe sắm đủ, thủy lục hai đường, tùy theo ý muốn, đưa quân về cõi, yên ổn muôn phần. Ta chỉ giữ phận bề tôi, không thiếu chức cống. Nếu không nghe thế, thì nên chỉnh quân bày trận, giao chiến ở chốn bình nguyên, quyết một trận được thua, để xem khéo vụng, chứ không nên ở chúi trong xó hang cùng và bắt chước thái độ mụ già như thế!” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a 35.)

Vào tháng hai và tháng ba [26/2-26/4/1427] quân Minh từ thành Đông Quan, rán nỗ lực phản công. Trong tháng hai, 2 lần tấn công huyện Từ Liêm; tại trận đầu, phía ta danh tướng Lê Triện tử trận. Vào tháng ba, Vương Thông mang quân đánh phá huyện Thanh Trì, quân ta truy kích đến quận Hoàng Mai, bị quân Minh đánh kẹp, Lê Lễ tử trận. Lễ là tướng bách chiến bách thắng, Bình định vương rất thương tiếc; Triện nguyên họ Đinh được ban quốc tính họ Lê:

Tháng 2, ngày mồng 7 [4/3/1427], Phương Chính ngầm đem quân đánh úp Cảo Động [phía tây Hồ Tây] , huyện Từ Liêm, Triện có sức đánh lại, bị tử trận, Bí bị giặc bắt sống. Sau giặc về nước, lấy lễ trả Bí về.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 28a.

Ngày 19 [16/3/1427], quân Minh đánh vào Bài Sa Đôi, huyện Từ Liêm. Quân ta cố thủ quyết chiến, binh khí hết sạch, dùng mảnh nồi chõ, chum vại ném vào giặc. Giặc không tiến vào được, liền phá nhà cửa của dân để đánh hỏa công. Hôm ấy, gió rét lửa nóng, quân ta tránh lửa vượt sang sông, có nhiều người bị chết đuối. Chỉ có những quân lính ở Thiên Quan không biết bơi, ở lại tử chiến với giặc, giặc lại thua chạy.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 28a.

Trước đó,  ngày mồng 9 [6/3/1427], Tư không Lê Lễ, thượng tướng quân Lê Xí đánh nhau với quân Minh ở My Động [quận Hoàng Mai, Hà Nội] . Lễ tử trận.

 Hôm ấy, Vương Thông đem quân tinh nhuệ trong thành ra đánh Thái giám Lê Nguyễn ở Tây Phù Liệt [phía tây huyện Thanh Trì]. Nguyễn giữ vững thành lũy chống lại. Vua vội sai Lê Lễ, Lê Xí đem hơn 500 quân Thiết đột đến đánh, đuổi giặc tới My Động. Vương Thông thấy Lễ ít quân, mới đánh kẹp vào. Lễ và Xí cưỡi voi cố sức đánh, voi sa lầy, bị quân Minh bắt sống đem vào thành Đông Quan. Lễ không chịu khuất phục, bị giết chết. Xí về sau nhân đêm mưa gió, dùng mẹo đánh lừa tên canh giữ, chạy thoát về, ra mắt vua ở dinh Bồ Đề. Vua kêu lên: "Sống lại": Trước kia, mỗi lần Lễ ra trận, vua thường răn chớ nên khinh địch. Đến khi thắng trận ở Tốt Động, mọi người đều khen Lễ là giỏi. Vua nói: " Trăm trận đánh được cả trăm không phải là điều hay cả đâu. Hắn cậy quân tinh quen mi được luôn, thất bại có thể đứng mà chờ đó!". Đến đây quả nhiên như vậy.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 29b.

Sử Trung Quốc chép gộp các sự kiện nêu trên, mô tả Vương Thông vừa đánh vừa run; sau đó chỉ lo đào hào, tu sửa hàng rào phòng thủ, không dám ra đánh nữa:

            “Ngày 7 tháng 2 năm Tuyên Đức thứ 2  [4/3/1427]

Ngày hôm nay giặc Lê Lợi tại Giao Chỉ, đánh thành Giao Chỉ [Đông Quan]. Bọn Thành sơn hầu Vương Thông mang binh đánh bại, chém bọn ngụy Tư đồ Lê Trỉ, Tư không Đinh Lễ, Thái giám Lê Bí,  và bọn Thái úy, Thiếu úy, Chánh đốc, Đồng đốc Trần Chửng; giặc bị giết có đến vạn tên, số còn lại bỏ chạy, Lê Lợi hoảng sợ đến vở mật. Trên đường, các tướng, cùng quan lại tại tam ty nói với Thông rằng:

- Giặc bại tẩu, không phòng bị; nên thừa thế vượt sông đánh bất thình lình, có thể bắt giặc được; nếu trì hoãn, giặc chiêu tập được tàn dư tất sẽ liều chết chống lại quân ta.

 Thông do dự không quyết, trả lời :

- Đợi xem xét .

Qua 3 ngày không chịu ra quân, giặc dò xét biết Thông sợ, bèn tập trung dư đảng xây đồn trại, đào hào, tu sửa khí giới, tiến công bốn phía.” ( Minh Thực Lục v. 17, tr. 654-655; Tuyên Tông q. 25, tr. 3b-4a )

Sau khi Tư không Lê Lễ và Thượng tướng Lê Xí đánh nhau với quân Minh tại My Động bị thua; Bình định vương gửi thư cho Vương Thông phân tích sự thất bại là nhỏ; so với đại cuộc nhà Minh trên đường suy sụp, và quân tình tại thành Đông Quan hết sức bi đát:

Thư cho Vương Thông.

Tôi nghe: Múc một gáo nước, biển cả không vì thế mà vơi; thêm một gáo nước, biển cả không vì thế mà đầy. Cho nên người dùng binh giỏi không lấy sự thắng nhỏ mà mừng, không lấy sự thua to mà sợ. Nay các ông lấy tàn tốt vài nghìn, giữ một thành trơ trọi, lương sắp hết mà viện không thấy đến, chúng lìa lòng mà quân ngày ít đi, cái thế mạnh yếu được thua, có thể ngồi mà tính được. Huống hồ nước An Nam binh tướng thì nhiều, tâm lực đều nhau, chiến khí càng tinh, sĩ khí càng mạnh, kẽ sĩ trí mưu, các tướng vũ dũng, chẳng khác cây rừng rậm rạp, răng lược khít nhau vậy. Các ông có thắng một trận nhỏ cũng không thấy là mạnh, mà ta dẫu có thua một trận nhỏ cũng không thấy là yếu. Vừa rồi mấy người tỳ tướng của ta, tuổi trẻ tính ngông, không theo ước thúc, khinh chiến lỡ cơ, các ông lấy thế làm đắc chí. Nay đem những tướng hiện ở các nơi Tân Bình, Thuận Hóa, Diễn, Nghệ cùng các sở Tiền Vệ, Tam Giang, Xương Giang, Trấn Di và Thái đô đốc cùng các quan Tam ty, chỉ huy, thiên bách hộ, ước hơn vài trăm người, quân nhân một vạn vài nghìn người, trai gái lớn nhỏ hơn ba vạn người bị các ông làm lầm lỡ, mà so với vài người tỳ tướng, thì ai hơn ai kém, ai được ai thua? Thế mà ông không hề lấy thế làm lo, lại còn dương vây nói mẽ, có khác gì nhà đương cháy mà chim én còn nhơn nhơn vui vẻ cùng nhau, há chẳng đáng cười lắm sao! Vả lại nay ở miền Lưỡng Quảng nghe tin quân ta thừa thắng ruổi dài, bọn đạo tặc đã nhân dịp mà trỗi dậy. Tích lịch đại vương đã giữ đất xưng đế, mà binh tượng của ta ngày đêm tiến đánh; Bằng Tường Long Châu ta đều lấy được. Nay ông vẫn còn ngày ngày mong đợi viện binh mà nói phao là viện binh sắp đến, thì có khác gì trong mộng nói chuyện mộng không? Lại càng đáng cười lắm! Ngày trước Thái đô đốc [Thái Phúc] và các chỉ huy thiên vạn hộ cùng các quan phủ huyện châu có bảo tôi đem sự lý trong tờ chiếu của Thái tông hoàng đế cho lập họ Trần, vào Kinh mà tâu bày và tố cáo việc quan Tổng binh không biết, trấn thủ phương Nam lại theo kế của người khác, tự gửi văn thư đi thu binh mã của các vệ giả làm giảng hòa, rồi thì bội ước để đến nỗi bọn ấy nhao nhao kêu la thất sở. Song tôi cứ tờ tâu ngày trước bắt được thì thấy Tổng binh đại nhân thực có lòng thành, chỉ vì bọn họ Phương họ Mã [Phương Chính, Mã Kỳ] làm mê muội mới đến nỗi thế. Bởi vậy lời bàn ấy chưa quyết. Nếu ngài nay lại biết theo lời ước cũ, thì nên cho quân về ngay, cùng hòa giải với Thái đô đốc, vừa để thoát khổ can qua cho hai nước, vừa để giải mối oán bị bán rẻ của Thái công. Như thế thì trọn quân, mà khỏi họa, há chẳng hay sao! Nhược bằng cứ chấp mê mà giữ đến chết không biết biến thông thì cũng như câu Đường Thái tôn bảo “tận trung vô ích” (trung hết lòng không ích gì) vậy. Vả kẻ đại trượng phu làm việc nên phải lỗi lạc đàng hoàng. Ngài muốn đánh thủy, thì nên bày hết chiến thuyền ở cửa sông để quyết tử chiến, muốn đánh bộ thì nên xuất hết binh mã ra đồng ruộng để quyết sống mái trong một hai ngày, không nên chui ở xó thành, chợt ra chợt vào, cướp lấy củi cỏ, cho thế là đắc sách. Như thế là việc làm của đàn bà con gái, không phải là việc làm của bực đại trượng phu! (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a 36.)

Ngày 19 tháng 2 [16/3/1427], người Minh giữ thành Thị Cầu là Đường Bảo Trinh ra hàng:

Trước kia, Vương vời Lê Chích ở Nghệ An ra, cho làm tổng tri Hồng Châu [Hải Dương] và Tân Hưng lộ [Thái Bình] , dồn lực lượng đánh Thị Cầu [thị xã Bắc Ninh]; đến đây, thành này đầu hàng.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 14.

Trước khi thành Thị Cầu đầu hàng, Bình định vương đã ân cần gửi thư dụ dỗ; thành này lúc bấy giờ là thủ phủ Bắc Giang, nên còn gọi là thành Bắc Giang:

Thư dụ thành Bắc Giang.

Thư bảo cho tướng hiệu quan viên cùng quân nhân trong thành Bắc Giang. Ta nghe nói: Người có Bắc Nam, đạo không kia khác. Nhân nhân quân tử, không đâu là không có. Nước An Nam ta tuy xa ở ngoài Ngũ Lĩnh [5 đèo tại phía nam Trung Quốc] mà tiếng là nước thi thư, những bực trí mưu tài thức đời nào cũng có. Vi thế phàm những việc ta làm đều là đúng theo lễ nghĩa, hợp trời thuận người. Trước đây quan tổng binh [Thành sơn hầuVương Thông], sau khi thua trận ở Ninh Kiều, sai người đưa thư đến ta ước hẹn hòa giải. Ta vì trên được hết lòng kính thuận với Triều đình, dưới được thoát khổ binh qua cho hai nước, nên nói gì ta cũng nhất nhất nghe theo. Sau lại bảo ta sai người dâng biểu cầu phong, mà nói rằng “sau khi dâng biểu lập tức rút quân”. Đến lúc biểu đã đi mà quân chưa thấy rút lại còn dựng thêm rào lũy, sắm sửa đồ binh, tự cho là đắc sách lắm. Bội ước thất tín đến thế là cùng! Hiện nay vệ quân các xứ Thanh Hóa, Diễn Châu đến đã nhất tề đến đây rồi, phàm vợ con tài sản của quân nhân, mảy may không bị xâm phạm. Nay cái kế tốt của các ngươi không gì bằng ra ở ngoài thành, cùng Thái đốc quân [Thái Phúc] quyết định việc về, để cứu vớt mấy nghìn tính mệnh ở thành. Chúng ta đã xét những việc đắc thất của cổ nhân, như Bạch Khởi nước trong Tần [9], Hạng Võ nước Sở [10] giết kẻ đầu hàng, trái lời đã ước, chúng ta không không làm như thế đâu. Các người hãy cứ thư lòng, đừng nên ngờ vực mà thành hỏng việc. Các ngươi nếu cho là thành cao hào sâu, lương thực lại nhiều, thì thử xem như ở các xứ Thanh Hóa,

Nghệ, Diễn, thành không phải là không cao, hào không phải là không sâu, lương thực không phải là không nhiều, quân không phải là không mạnh; lại Thái đô đốc thì chức cũng to, binh cũng giỏi, trí cũng sáng, mà còn theo thời thông biến để bảo toàn tính mệnh cho mấy vạn con người. Thế mà các ngươi lại còn muốn cố chấp lời bàn suông, để mang tai vạ thực, há chẳng lầm lắm ư? Vả lại ta xem ở nước các ngươi, hiện nay bên trong có họa tiêu tường [mối họa trong cung], bên ngoài có giặc Bắc biên [phương bắc]; mà đại thần lấn vị, người dưới chuyên quyền; hạn hán hoàng trùng, luôn năm tai họa; bốn phương đạo tặc, nổi dậy như ong. Cái cơ tán loạn, há không biết trước rồi sao? Người trí giả thấy việc từ lúc việc chưa phát, sao các người lại thấy sự cơ muộn thế, mà muốn tự khổ như thế? Các ngươi nếu biết kéo quân ra thành, cùng ta hòa hảo thân tình, thì ta coi các ngươi nghĩa như anh em ruột thịt, nào chỉ những bảo toàn tính mệnh vợ con mà thôi đâu? Nếu không thế, tùy ý các người. Trong khoảng sớm tối, sẽ thấy khác nhau. Đến lúc bấy giờ, hối cũng không kịp. Các người hãy nên nghĩ đi.” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a31.)

Cũng vào tháng 2, Quân sư Nguyễn Trãi đưa viên Chỉ huy đầu hàng họ Tăng đi chiêu dụ thành Tam Giang:

Sai viên chỉ huy họ Tăng đã đầu hàng, theo Nguyễn Trãi đi chiêu dụ thành Tam Giang [Phú Thọ].” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 28b.

Thành này nằm trên đường quân Minh tiếp viện từ Vân Nam đến thành Đông Quan. Quân sư Nguyễn Trãi gửi thư chiêu dụ, phân tích điều họa phúc, có tình có lý, nên sớm có hiệu quả:

Thư dụ thành Tam Giang.

Thư bảo cho tướng hiệu quan viên cùng quân nhân trong thành Tam Giang. Cái điều đáng quý ở người quân tử là biết thời thông tiết, lượng sức xử mình. Bây giờ giá có người đem quả trứng chim đỡ núi Thái, lấy càng bọ ngựa ngăn cản bánh xe, mà lại tự cho là sức có thừa, thì thật là ngu quá vậy. Lũ người có vài trăm quân, giữ thành trơ trọi mà lại muốn kháng cự với ta, thì có khác gì thế không? Thành trì của các người không cao sâu bằng ở Nghệ An, lương thực của các người không súc tích bằng ở Diễn Châu, mà quân vũ dũng cảm tử của các ngươi lại không đông bằng quân nhân ở Diễn, Nghệ, quan tước của các ngươi lại không to bằng Thái đô đốc. Thế mà vệ quân ở các xứ Diễn, Nghệ, Thuận Hóa, Tân Bình, Thanh Hóa, Tiền Vệ, Thị Cầu, Xương Giang, Trấn Giang (tức Trấn Di) đều đã mở thành ra hng (11). Nay dưới cây Bồ đề (12), Thái đô đốc đã định nhật kỳ kéo quân về Kinh. Phàm quân nhân cùng vợ con tài sản không bị xâm phạm mảy may. Thế mà các ngươi chỉ cứ theo mê giữ lầm, không biết lo xa, sao mà thấy biết sự cơ muộn thế! Tất cả những tướng sĩ của ta, không ai là không hăm hở muốn vác khí giới lên phá thành ngay. Nhưng ta còn nghĩ thương những kẻ vô tội ở trong thành đã bị các ngươi lừa dối, một khi tiếng trống nổi lên, thì ngọc đá (13) chẳng phân biệt gì, đều tan nát cả. Vậy viết mấy chữ gửi các ngươi hay. (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a 32.)

Nhờ vậy vào tháng sau, viên Chỉ huy sứ Lưu Thanh mang bộ hạ ra hàng. Viên này tuy là người Minh, nhưng có lòng ngưỡng mộ Bình định vương Lê Lợi; bấy giờ trong quân có tên lính người Việt nói lời khinh mạn Vua; Thanh bèn quở trách. Sau đó quân đầu hàng âm mưu làm phản, bị giết; riêng quân thành Tam Giang vô sự:

Ngày 16 [12/4/1427], bọn Chỉ huy sứ Lưu Thanh ở thành Tam Giang ra hàng. Trước đây, quân lính ở thnh Tam Giang theo sự điều động của quan Tổng binh nhà Minh đi đánh vua ở Thanh Hóa, bị thua trở về, có tên ngụy binh buông lời khinh mạn vua. Thanh mắng nó:

Thằng man vô lễ, ông ấy sẽ là  hoàng đế của chúng mày đấy. Đến đây thì ra hng.

Hơn 1 vạn quân Minh đầu hàng trong các thành âm mưu làm phản bị giết. Thành Tam Giang không nằm trong số đó.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 29a.

Đức độ Bình định vương Lê Lợi khiến kẻ thù phải nể sợ; sự kiện này, Sử thần Ngô Sĩ Liên có lời bình sau đây:

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vua nổi dậy, nghĩa binh đi đến đâu, quân Minh đều thua chạy, c phải vì ta nhiều địch ít, ta mạnh địch yếu mà chúng không chống nổi đâu? Là vì đức của vua hợp với lẽ trời, nên trời giúp cho; làm đẹp lòng người nên người theo về; không những là người nước ta vui vẻ thuận phục, mà cả đến bọn phản nghịch cũng tôn kính như vậy, nên chúng không còn chí chiến đấu và đều ra hàng là phải lắm! Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 29a.

Lại một lần nữa Bình định vương chiêu dụ Vương Thông rằng tuy nghĩa quân chưa đánh thành, nhưng thế lực mạnh như ngàn cân đè lên quả trứng mỏng; nếu không lo giảng hòa, thành ắt sẽ bị tiêu diệt:

Thư cho Vương Thông.

Thư bảo cho tổng binh ngươi biết. Cổ nhân có nói: “Giặc đến lúc cùng, chớ nên đuổi bức” (14). Nay ta định đem ba bốn mươi vạn quân vây bốn cửa thành của ngươi, chỉ e chim cùng thì mổ, thú cùng thì vồ, nên ta không đem quân toàn thắng, đọ với kẻ cùng quân tất tử, như tranh hơn thắng với lũ trẻ con vậy. Tuy nhiên, dù tiểu địch giữ vững, vẫn bị đại địch bắt được (15). Hể lấy sức nặng ngàn cân đè lên trứng chim, thì chưa hề có trứng nào không vỡ nát. Cái chuyện đánh thành hãy gác một bên. Hoặc giả buông lỏng cho bè lũ ngươi, không để ý đến, ta hãy cởi giáp nghỉ binh, vỗ nuôi sĩ tốt, vời đón hiền giả, thu dụng nhân tài, sửa sang khí giới, luyện tập binh tượng, dạy cho những phương pháp ngồi, dậy, tiến, lui, lại lấy nhân nghĩa mà hun đúc, khiến ai ai cũng hết lòng thành, thân với kẻ trên, chết cho người trưởng, lấy đấy mà ứng phó với địch, kẻ nào theo ta sẽ sống, kẻ nào trái ta sẽ chết, phàm ta trông cậy là thế mà thôi. Hoặc một ngày kia việc nước ngươi hơi thư, lòng tham lại mống, hoặc lại đem ba bốn vạn quân sang, thì ta đối phó thực ung dung lắm. Đến như bọn các ngươi, không đánh mà bị bắt thì chẳng phải nói nữa! Trong hai chước đó, ý ta chưa quyết chước nào! Không biết các ông có cho việc ta không để ý đến là thượng sách chẳng? Xin các ông lui mà chỉ giáo cho, thực là may lắm.” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a 39.)

Nhân việc quân đầu hàng tập trung đông, âm mưu làm phản; nên có lệnh di tản đến các tỉnh miền Trung:

Chia bọn quan lại nhà Minh đã đầu hàng cho ở các xứ Thanh Hóa, Nghệ An, Lam Ấp [Lam Sơn, Thanh Hóa] , Tân Bình [Quảng Bình].” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 29b.

Ngoài ra trong tháng 2 năm Bình Định vương thứ 10 [26/2-27/3/1427] còn có các sự kiện đáng lưu ý như: Lần đầu tiên Sứ thần Chiêm Thành đến triều cống; ấn định việc thưởng phạt các tướng; và lệnh  trùng tu, coi giữ các lăng miếu triều trước:

Sứ Chiêm Thành sang cống. Ban yến, cho ngựa và lụa bảo về. Sai Thiêm tri khu mật Hà Luật cùng đi với họ.”

“ Hạ lệnh thưởng công cho các tướng hiệu bắt đầu từ việc lập công mới: đại thần đến thiếu úy có công lao lớn, được thưởng phù vàng thì được ăn lộc một quận; chức chấp lệnh mà có công thì được ăn lộc một ấp; các đốc tướng, quân nhân có công cũng được ăn lộc một quận hay một ấp theo thứ bậc khác nhau. Người nào không có công, không được thưởng gì đều phải giáng làm dân thường.”

“Xuống chiếu rằng: Các lăng miếu của triều trước, nơi nào bị giặc phá hoại thì làm lại, cấp cho số người giữ việc thờ cúng theo thứ bậc khác nhau.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 29a.

Tháng 3 [28/3-26/4/1427], Vua cho duyệt bộ binh và thủy binh:

Tháng 3, vua duyệt binh ở Vĩnh Động [huyện Kim Thi, Hưng Yên]. Chánh đốc Nguyễn Liên để hàng ngũ trống thiếu, vũ khí không đủ, bị chém để rao trong quân.

Diễn tập thủy trận.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 31b.

Giao cho Bùi Ư Đài, Lê Nhân Chú chức vụ quan trọng:

Lấy Bùi Ư Đài là Lễ bộ thượng thư kiêm tri Đông đạo quân dân tịch b.”

Lấy thông hầu Lê Nhân Chú làm Hành quân đốc quản nhập nội đại tư mã, lĩnh Tiền, Hậu, Tả, Hữu tứ vệ, kiêm tri Tân vệ quân sự.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 30b.

Lệnh tuyển chọn những người tinh thông võ nghệ, khỏe mạnh dũng cảm, vào làm thị vệ nội phủ; cùng tiến cử người hiền tài để cất nhắc sử dụng:

Hạ lệnh cho ba quân, người nào có thể liều mình vì nước, tinh thông võ nghệ, khỏe mạnh dũng cảm, không kể sống chết, đều được cấp văn bằng và tuyển vào làm thị vệ ở nội phủ.”

Sai các viên Thiếu úy tuyển chọn con em những nhà giàu có trong dân, vóc người cường tráng to lớn, võ nghệ tinh thông, khỏe mạnh dũng cảm, mỗi viên chọn lấy 200 người, bổ làm quân thị vệ, kẻ nào hèn nhát thì không lấy.”

Hạ lệnh cho các lộ tiến cử những người hiền tài, chính trực, trí dũng anh kiệt, cho gọi tới trả lời các câu hỏi, rồi cất nhắc sử dụng. Ai che dấu thì bị xử tội truất giáng.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 31a.

Hạ lệnh cấm thượng cấp không không được giết quân lính bừa bãi; cùng cấm mê tín, đồng cốt quàng xiên:

 “Hạ lệnh cho bọn Thiếu úy, Chấp lệnh, Tổng giám rằng: Ngày thường quân nhân phạm pháp thì không được tự ý giết chết. Khi ra trận mà kẻ nào trái lệnh thì cho phép chém trước tâu sau.”

Cấm những kẻ xưng là đồng cốt, tà đạo, mượn tiếng ma quỷ, thần thánh, gieo rắc hoang mang, bịa đặt mê hoặc lòng người.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 31a.

Ngoài ra còn có lệnh giúp dân phiêu bạt trở về quê, yên ỗn nghề nghiệp; và sai người Minh đầu hàng mang ngựa đem vào Hóa châu nuôi:

 “Hạ lệnh cho dân phiêu bạt trở về quê quán cày cấy. Người nào không có điền sản thì cho phép buôn bán. Kẻ nào bỏ nghề nghiệp thì bị xử tội nặng.”

 “Sai Chu Sài là người Minh đầu hàng đem 340 con ngựa đến châu Hóa [Thừa Thiên] để chăn nuôi.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 31b.

Về phía nhà Minh, vào tháng chạp năm Tuyên Ðức thứ nhất [23/1/1427] ra lệnh An Viễn hầu Liễu Thăng và Kiềm Quốc công Mộc Thạnh mang 7 vạn quân sang cứu Vương Thông; nay lại tuyển thêm quân binh thuộc loại tinh nhuệ làm quân hộ vệ:

Ngày 2 tháng 3 năm Tuyên Ðức thứ 2 [ 30/3/1427 ].

Sắc dụ điều thêm quan quân hộ vệ Vũ Xương 1.000 người, hộ vệ Thành Ðô 1.200 người. quan quân tinh nhuệ tại Nam Kinh, Nguyên Hạ, Tây Dương 10.000 người; Trung đô lưu thủ ty, Ðô ty Hồ Quảng, Chiết Giang, Hà Nam, Sơn Ðông, Quảng Ðông, Phúc Kiến, Giang Tây, Vân Nam, Tứ Xuyên; cùng Tứ Xuyên hành Ðô ty 33.000 người; theo An viễn hầu Liễu Thăng, Kiềm quốc công Mộc Thạnh sang đánh Giao Chỉ.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 164 )

Lại sai các viên trọng thần đến Quảng Tây, Quảng Đông, Hồ Quảng, lo điều lương cấp cho quân lính:

Ngày 2 tháng 3 năm Tuyên Đức thứ 2 [29/3/1427 ]

Mệnh hành tại Thị lang bộ Hình Phàn Kính đến Quảng Tây; Đô sát viện Phó Đô Ngự sử Hồ Dị đến Quảng Đông, Đô sát viện Phó Đô Ngự sử Lý Tố đến Hồ Quảng đôn đốc quân lương mang đến Giao Chỉ cấp cho quân.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 163)

Bấy giờ có những viên võ quan nhà Minh, sợ đánh nhau, chần chờ không muốn tiến; bị Giám sát ngự sử đàn hạch:

Ngày 18 tháng 3 năm Tuyên Đức thứ 2 [14/4/1427].

Tuần án Quảng Tây Giám sát Ngự sử Uông Cảnh Minh hặc tấu việc lầm lỗi của  bọn Đô Chỉ huy Hồ Quảng Trương Quí, Lỗ Tăng,  trên đường mang binh đến Giao Chỉ. Quí đến Quảng Tây dừng lại cưới hầu thiếp, kéo dài hơn 40 ngày không  chịu đi; rồi giả bộ mượn cớ thúc dục thêm quân để trở về Hồ Quảng. Tăng mang quân đi, dọc đường chần chừ không tiến. Làm bầy tôi đáng liều mình vì nước, bọn Quí cẩu thả tham sống, không có tinh thần dũng cảm chống địch, vậy xin trị tội. Thiên tử nói trực tiếp cho Đô sát viện biết, đợi khi bọn chúng mang quân trở về sẽ luận tội.” ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 165)

 

Chú thích

 

1.Y Doãn trước đi cày ở đồng họ Hữu Sằn. Vua Thang ba lần cho đem đồ lễ vật đến đón mới ra; ông giúp vua Thang đánh chúa Kiệt, làm vua thiên hạ. Vua Thang tôn ông làm chức A hành.

2.Thái công Vọng tức Lữ Thượng. Trước đi câu ở sông Vị, Văn vương đi săn, gặp ông, nói chuyện thích lắm. Văn Vương đem ông về, lập làm thầy. Rồi ông giúp Vũ vương đánh Ân, lấy được thiên hạ.

3.Mộ dung: Họ Mộ dung là chủng tộc Tiên Ty ở thời Đông Tấn. Mộ dung Ngỗi làm vua khai quốc nướcTiền Yên ; Mộ dung Thùy làm vua khai quốc nước Hậu Yên ; Mộ dung Đức làm vua khai quốc nước Nam Yên; đều là người Hồ, trước sau cát cứ Trung Quốc.

4.Thạch Lặc: người thuộc chủng tộc Yết. Thạch Lặc đem quân xâm lược Trung nguyên, đánh lấy châu quận rất nhiều. Sau phản Tiền Triệu xưng vương rồi xưng đế, dựng nhà Hậu Triệu. Trong 16 nước thuộc ngũ Hồ, Thạch Lặc là cường thịnh nhất.

5.Man Mạch: người không phải tộc Hán ở phương Nam gọi là “Man” ở phương bắc gọi là “Mạch”. Đó là tên gọi khinh miệt của phong kiến Trung Quốc đối với các dân tộc thiểu số.

6.Lữ Bố dũng tướng của Hậu Hán, Trương Phi dũng tướng của Thục Hán, hai người đều bị bộ hạ giết.

7.Đường Thái Tông vây đánh Thế Sung. Đậu Kiến Đức đem quân đến cứu Sung. Thái Tông đánh bắt được Kiến Đức, vì thế Sung phải hàng.

8.Sau khi Minh Thái Tổ chết, cháu là Doãn Văn lên ngôi, thì Yên Vương Lệ [Con Thái Tổ] liền đem quân đánh đuổi Doãn Văn mà cướp ngôi tức Minh Thành Tổ. Thành Tổ chết, truyền ngôi đến cháu là Tuyên Tông, thì Cao Hú, con Thành Tổ, dấy quân làm phản. Tuyên Tông thân hành đi đánh, bắt được Cao Hú. Sau Cao Hú và con cháu đều bị Tuyên Tông giết.

9.Tần: Thời Chiến quốc, Bạch Khởi là tướng tướng Tần, đem quân đi đánh Triệu, đã chôn 40 vạn quân Triệu ra hàng.

10.Sở: Hạng Vũ đánh vỡ quân nhà Tần, đem quân chư hầu vào cửa quan; sau lại giết Tần vương Tử Anh là người đã hàng.

11. Thực ra lúc bấy giờ quân địch trong thành Xương Giang không chịu đầu hàng và quân ta cũng chưa hạ được thành. Nguyễn Trãi nói như vậy để uy hiếp thêm tinh thần quân địch.

12.Dưới cây bồ đề ở đây là chỉ dinh Bồ Đề ở Gia Lâm, nơi đóng quân của Lê Lợi.

13.Thiên “Dận chinh” Kinh Thư có câu “Hỏa viêm Côn Cương, ngọc thạch câu phần” (火炎昆岗,玉石俱焚 lửa bốc cháy núi Côn Cương, ngọc đá đều bị đốt cháy hết cả). Ngọc đá không phân là ý nói bất cứ ai cũng đều bị hại cả.

14. Sách Tôn tử có câu “Cùng khấu vật truy” (窮寇勿追 giặc đã đến lúc cùng, thì chớ nên đuổi theo). Ý nói, e chúng quay lại đánh liều.

15.Câu này ở thiên “Mưu công” của Tôn tử là “Tiểu địch chi kiên, đại địch chi cầm”, 小敵之堅,大敵之擒 ý nói kẻ yếu nhỏ không lượng sức mà địch với kẻ mạnh lớn, dù cố giữ vững thế nào, kết cục sau vẫn bị kẻ mạnh hơn đánh bắt được.

 

 

 

 

Hồ Bạch Thảo
Số lần đọc: 655
Ngày đăng: 05.10.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
78.Bình Định Vương Lê Lợi: Thời kỳ khởi nghĩa (7) - Hồ Bạch Thảo
77. Bình Định Vương Lê Lợi: Thời kỳ khởi nghĩa (6) [1418-1427] - Hồ Bạch Thảo
76. Bình Định Vương Lê Lợi: Thời kỳ khởi nghĩa (5) - Hồ Bạch Thảo
75. Bình Định Vương Lê Lợi: Thời kỳ khởi nghĩa (4) [1418-1427] - Hồ Bạch Thảo
74. Bình Định Vương Lê Lợi: Thời kỳ khởi nghĩa (3) [1418-1427] - Hồ Bạch Thảo
73. Bình Định Vương Lê Lợi: Thời khởi nghĩa (2) [1418-1427] - Hồ Bạch Thảo
72. Bình Định vương Lê Lợi : Thời kỳ khởi nghĩa (1) [1418-1427] - Hồ Bạch Thảo
Đêm Tân Hôn thế kỷ - Nguyễn Anh Tuấn
Nhà sử học và các cô thợ may trong chùa Tây Phương - Nguyễn Anh Tuấn
Vương Đạo và vị Hùng Vương thứ 19 - Thiếu Khanh
Cùng một tác giả
Biển Giao Chỉ (lịch sử)
109. Vua Lê Uy Mục. (tiểu luận)