Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.138
123.202.872
 
83.Bình Định Vương Lê Lợi: Thời kỳ khởi nghĩa (12)
Hồ Bạch Thảo

 

 

Toàn Thư chép Bình định vương Lê Lợi sai Nguyễn Trãi soạn thư cầu phong, dùng tên Trần Cảo dâng biểu lên Vua nhà Minh, xin lập dòng dõi nhà Trần; vua Minh lấy lý do yên dân, chấp thuận. Sau đó sai bọn La Nhữ Kính mang chiếu sang phong Trần Cảo làm An Nam Quốc vương, và cho rút quân về:

Trước đó vua sai Nguyễn Trãi soạn thư cầu phong, sai người dâng biểu của Cảo xin lập làm  dòng dõi họ Trần, chuyển tới Quảng Tây và Vân Nam nhà Minh mỗi nơi một bản. Kiềm quốc công Mộc Thạnh nhận được thư, lập tức chạy tâu về kinh, vua Minh nhận được biểu, ra dụ cho các quan văn võ rằng: "Những người bàn không hiểu ý nghĩa của việc ngừng can qua, hẳn cho rằng làm thế là không có uy vũ (1) . Nhưng nếu dân được yên thì trẫm có kể gì lời bàn của người khác.

Rồi sai bọn Công bộ thượng thư La Nhữ Kính, Từ Vĩnh Đạt mang chiếu sắc phong Trần Cảo làm An Nam Quốc Vương, bãi quân nam chinh. Sắc thư viết: "Gần đây các quan biên ải đem thư từ tâu lên, thấy trình bày rất khẩn thiết, có điều hợp ý với trẫm, đáng được đại xá, không kể là tội lớn hay tội nhỏ, đều cho được sửa đổi duy tân". Và bảo vua kể rõ tên các con cháu nhà Trần hiện còn sống, tâu lên để sai sứ sang sách phong. Triều cống thì vẫn theo lệ cũ năm Hồng Vũ. " Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 44b.

Sử Trung Quốc công nhận các sự kiện nêu trên qua 3 văn bản có tính cách lịch sử, gồm:

-Văn bản thứ nhất đề ngày 29 tháng 10 năm Tuyên Đức thứ 2 [17/11/1427];  chép lại nguyên văn tờ biểu của Trần Cảo, cùng trình bày những lý do Vua Tuyên Tông chấp thuận biểu văn này.

 -Văn bản thứ hai đề ngày 1 tháng 11 năm Tuyên Đức thứ 2 [19/11/1427] là nguyên văn tờ chiếu phủ dụ An Nam. Có chút khác biết với sử liệu Toàn Thư nêu trên; Toàn Thư ghi Công bộ thượng thư La Nhữ Kính, nhưng Minh Thực Lục ghi chức vụ La Nhữ Kính là Hữu Thị lang bộ Công.

- Văn bản thứ 3 đề cùng ngày 1 tháng 11 năm Tuyên Đức với văn bản thứ 2; là chỉ dụ Vua Tuyên Tông gửi riêng Vua Lê Lợi. Bản dịch 3 văn bản lần lượt như sau:

-“Ngày 29 tháng 10 năm Tuyên Đức thứ 2 [17/11/1427]. Giặc Lê Lợi tại Giao Chỉ sai người dâng biểu cùng sản vật địa phương.

Trước đó quan Tổng binh Thành sơn hầu Vương Thông hòa với giặc, bèn sai Chỉ huy Hám Trung cùng người của Lợi sai đi dâng biểu cùng phương vật, đến nay tới kinh. Biểu rằng:

Cháu ba đời dòng đích Quốc vương cũ Trần Hiệt thuộc nước An Nam, thần là Trần Cảo kinh hoàng sợ hãi,  dập đầu cúi đầu  dâng lời như sau:

 Trước đây bị tặc thần cha con Lê Quí Ly soán đoạt ngôi vua, giết hại dòng họ đến gần hết, thần Cảo chạy trốn sang Lão Qua, mong kéo dài hơi tàn, đến nay đã 20 năm. Mới đây người trong nước được tin thần còn sống, bèn ép thần trở về, bọn chúng đều nói rằng:

“Trước đây khi Thiên binh mới dẹp xong giặc họ Lê, có chiếu chỉ tìm hỏi con cháu nhà Trần để lập làm vua, lúc đó tìm chưa được bèn đặt quận huyện. Nay muốn thần trần tình sự việc, để xin mệnh được lập.”

Thần tự biết tội đáng chết vạn lần, nhưng nghĩ đến ơn sinh thành của trời đất bèn kính cẩn dâng biểu lên.

Thần Cảo nghĩ rằng Nam Giao vốn là đất hải ngoại, thời Thiên triều Thái Tổ mới mở vận nước, tổ phụ thần là nước đầu tiên đến triều, hàng năm nạp cống, mấy đời được phong tước vương. Mới đây giặc họ Lê [Lê Quí Ly] chất chứa tội ác, khiến mệt nhọc Thiên binh từ xa đến thảo phạt, rồi tìm hỏi con cháu họ Trần để kế tục; lúc này họ hàng bôn ba phiêu tán tại làng mạc nên không tìm ra được; vì nhu cầu cai trị nhân dân, nên đặt ra châu huyện.

 Nay dân địa phương vẫn nghĩ đến việc kế tục sự nghiệp tổ phụ thần, may mắn chiếu chỉ của Thiên triều cũng thường nhắc đến việc “phục hưng nước bị diệt, nối lại dòng bị đứt”; Thần lọc máu viết lời trần tình, cầu Thiên triều xin thỉnh mệnh. Duy Hoàng đế Bệ hạ rộng lòng che chở như trời đất, chiếu rọi tựa mặt trời mặt trăng, như mùa xuân ban khắp bốn biển, mây bay mưa móc đượm nhuần; nghĩ đến tổ phụ thần chết không trọn kiếp, riêng thần linh đinh cô khổ, cho thần có được nước cũ, thần Cảo há dám không khắc vào xương, ghi vào lòng, trung thành qui thuận, mãi mãi kính mệnh trời, chăm chăm với lòng thành thờ nước lớn. Bọn thần Cảo trong lòng sợ hãi ngưỡng cầu ơn Trời, Thánh.

Thiên tử đọc xong tờ biểu, bèn dụ quần thần văn võ như sau :

Trước đây khi Thái Tổ Hoàng đế mới định thiên hạ, An Nam đến triều cống trước tiên. Đến lúc tặc thần soán ngôi chúa, độc hại người trong nước, Thái Tông Văn Hoàng đế vì cớ đó phát binh diệt, rồi hỏi tìm con cháu họ Trần để lập; tìm không được nên phải đặt quận huyện; sau này vua cha ta than tiếc khi nghĩ đến việc họ Trần không có người nối dõi. Mấy năm nay nước này không yên, vương sư bị mệt nhọc, Trẫm há lại vui vì việc dùng binh ư! Nay họ Trần có người nối dõi, lời cầu xin nên chấp nhận, hay không nên?’

 Quần thần đều tâu:

Lòng của Bệ hạ cũng giống như lòng của tổ tiên, vả lại xếp việc binh để yên dân, trên hợp với lòng trời, nay chấp nhận cho họ là đúng.

 Vua bảo:

 “ Có người không hiểu được ý nghĩa từ “chỉ qua” cho rằng không dùng vũ lực không ngừng được can qua, nhưng nếu dân được yên thì Trẫm sá kể gì lời bàn đó (1)!” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 178 ).                                                  

Ngày 1 tháng 11 năm Tuyên Đức thứ 2 [19/11/1427]. Mệnh Tả Thị lang bộ Lễ Lý Kỳ, Hữu Thị lang bộ Công La Nhữ Kính làm Chánh sứ, Hữu Thông chính thuộc ty Thông chính Hoàng Ký, Hồng lô Tự khanh Từ Vĩnh Đạt làm Phó sứ mang chiếu phủ dụ An Nam. Chiếu thư như sau:

“Đạo trời chí nhân, dựa theo sự mong muốn của con người; vua cũng thể theo lòng trời để cai trị. Trước đây khi Thái Tổ Cao Hoàng đế mới nhận mệnh trời thống ngự Trung Hoa và các Di Địch, Quốc vương An Nam Trần Nhật Khuê đầu tiên cung thuận xưng thần, đời sau con cháu nối tiếp một lòng theo. Rồi bị tặc thần Lê Quí Ly thí vua soán đoạt ngôi vị, giết họ hàng nhà Trần, độc hại người trong nước, không có chổ tố cáo. Bấy giờ vua Thái Tổ Văn Hoàng đế ta, mệnh tướng xuất sư thay trời thảo phạt, trừ kẻ tàn bạo, nối dòng bị đứt, bản chất thực là bực thánh nhân. Cha con Lê Quí Ly bị bắt sống, hỏi han trong nước về con cháu nhà Trần nhưng không có tin tức; bèn ra lệnh đặt quận huyện để cai trị. Tri qua năm tháng, quan lại cai trị thất sách khiến dân không yên, phải mệt nhọc quân lính. Trẫm là chúa thiên hạ, há nỡ để một phương chịu cảnh tệ hại, nên ngày đêm lo nghĩ làm cách nào thu xếp để được an ninh.

Nay viên Tổng binh cho người mang thư của bọn Lê Lợi đến bảo rằng con cháu nhà Trần hiện còn sót lại, lòng người nghĩ đến triều trước, vậy xin ân mệnh được thừa kế, vĩnh viễn phụng chức cống. Xem lời lẽ khẩn thiết, làm đẹp lòng Trẫm, nên ban ân mệnh để được đổi mới. Phàm các quan lại lớn nhỏ, quân dân tại Giao Chỉ, phạm tội không kể lớn nhỏ đều được tha. Về việc cháu của Vương An Nam họ Trần xưa, lệnh đầu mục kỳ lão trình bày đầy đủ sự thực, rồi sai sứ sách phong; triều cống thì vẫn theo chế độ cũ thời Hồng Vũ. Bọn quan Tổng binh Thành sơn hầu Vương Thông hãy điều động quan quân trở về nguyên vệ sở. Các quan lại văn võ, quân nhân các hiệu cờ, thuộc Giao Chỉ Đô ty, Bố chánh ty, Án sát ty, vệ, sở, phủ, châu, huyện được mang gia thuộc trở về. Trấn phủ, công sai, nội quan, nội sứ đều trở về kinh.

Y Hy! Hưng diệt kế tuyệt thể theo lòng của tổ tiên, xếp võ yên dân thuận đức chở che của trời đất.  Nay chiếu chỉ đặc cách, biểu thị tấm lòng! Bọn Hành nhân Lý Kỳ được ban tiền giấy 5000 quan.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 180)

-Ngày 1 tháng 11 năm Tuyên Đức thứ 2 [19/11/1427]. Sắc dụ bọn Đầu mục Giao Chỉ Lê Lợi:

“Trước đây tại thời vua Thái Tổ Cao Hoàng đế nước ta mới thống ngự xã tắc, An Nam là nước đầu tiên đến qui thuận, kính cẩn giữ tiết bề tôi, trước sau không trái. Đến lúc tặc thần cha con Lê Quí Ly soán thí chúa, giết cả họ Trần, tàn độc với người trong nước, xâm hại lân cảnh; vua Thái Tông Văn Hoàng đế nước ta thể theo lòng trời mang quân điếu phạt, vì muốn trừ tàn bạo, nối dòng bị đứt để yên ổn một phương. Tội nhân đã bắt được, nhưng bỏ thời gian lâu tìm kiếm con cháu họ Trần thì không gặp, bèn ra lệnh chia đất này thành quận huyện, đặt quan lại để cai trị. Ngày tháng lâu dài, quan lại cai trị hiền ác không đều, nên dân chúng không yên, lại phải mệt nhọc đến quân lính, trãi qua năm này đến năm khác, việc binh giáp không chấm dứt được.

Trẫm cho rằng dân trong bốn biển đều là con đỏ của ta, làm cha mẹ há để một phương bị chìm đắm, nên ngày đêm lo tính sự yên ổn. Nay viên Tổng binh tâu thư từ của ngươi trình rằng con cháu họ Trần An Nam xưa vẫn còn, xin thể theo mệnh của Thái Tông Văn Hoàng đế “ nối dòng bị đứt”; lời lẽ khẩn khoản, hợp với lòng Trẫm. Phàm đạo của bậc Đế Vương thuận theo dân để trị, lời nói có lợi cho dân tất nghe theo; đã hạ chiếu đại xá Giao Chỉ, mọi việc đều được đổi mới. Lệnh Đầu mục, kỳ lão tâu trình đầy đủ rõ ràng việc con cháu nhà Trần vẫn còn, để sai sứ sang sách phong. Nay sai bọn Thị lang Lý Kỳ mang sắc dụ ngươi, từ nay trở đi nên yên dân, giữ gìn biên cảnh, thể theo lòng kính trời thương người của Trẫm. Khâm tai!” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 182)

Cần lưu ý về tư liệu Toàn Thư trích dẫn nêu trên “Trước đó vua sai Nguyễn Trãi soạn thư cầu phong, sai người dâng biểu của Cảo xin lập làm  dòng dõi họ Trần, chuyển tới Quảng Tây và Vân Nam nhà Minh mỗi nơi một bản. Bản gửi qua Quảng Tây do viên Chỉ huy Hám Trung và người của Bình định vương gửi đến được Minh Thực Lục ghi trong văn bản ngày 29 tháng 10 năm Tuyên Đức thứ 2 [17/11/1427]. Riêng Quân Trung Từ Mệnh Tập còn có bản thứ hai, e rằng bản này gửi qua Kiềm quốc công Mộc Thạnh tại Vân Nam; xin sao lục như sau:

Tờ tấu cầu phong.

Cháu ba đời của tiên Trần chúa là Trần Cảo cùng đại đầu mục là Lê Lợi ở nước An Nam, kính cẩn tâu về việc cầu phong.

Thần trộm nghĩ: Nước thần ở lánh tại miền xa vắng, xa cách phong hóa Trung Hoa. Khi Thái tổ Cao hoàng đế [Minh Hồng Vũ] mới lên ngôi, trước các nước tổ tiên thần đã vào cống. Đặc ân khen ngợi, phong cho tước vương. Từ đấy đời đời giữ cõi bờ, thường không thiếu triều cống. Mới rồi họ Hồ cướp nước, lật đổ tòng tự nhà thần; trên dối triều đình, dưới khổ dân chúng; trời giáng tai vạ, quan dân lìa lòng. Thái tôn hoàng đế [Minh Vĩnh Lạc] không nỡ để dân một phương khổ sở, liền dấy quân hỏi tội. Sau khi dẹp yên, lại xuống chiếu tìm con cháu họ Trần. Bảo rằng con cháu họ Trần đều đã chết hết, không còn ai có thể kế tập, bèn lại xin đặt quận huyện, rồi đem con cháu họ Trần là bọn Trần Nguyên Hy, Trần Sư Tích, Trần Quang Chỉ, vài chục người đưa về Kinh sư để an trí. Lại mở đặt ba ty Đô, Bố, Án, cùng các nha môn phủ huyện vệ sở, và đặt quan cai trị. Song các quan đặt ra không thể theo ý của Triều đình yên vỗ người xa, lại chỉ chăm bóc lột dân để sung sướng một mình. Người giữ trách nhiệm địa phương thì không biết đại thể, tối đường thừa tuyên [tối tăm con đường tuyên truyền giáo hóa]; kẻ ở đài Ngự sử thì ngậm miệng làm thinh, ngồi nhìn dân khổ; quan chăm dân thì không lo nuôi nấng, chỉ v vét vơ; tôi làm tướng thì không để lòng vệ dân, hoành hành tàn ngược. Còn như bọn hoạn quan thì chuyên mặt thu lượm, bóc lột lương dân, bắt kiếm ngọc tìm vàng, kiệt chằm trơ núi, đòi hỏi nhặt nhạnh, không còn sót gì. Muốn tiền của có nhiều, thì đục khoét của dân mà lấp hố dục; muốn nhà cao cửa đẹp, thì cướp việc mùa màng mà bắt dựng xây. Thuế công thu vào một phần, giám lâm ăn ngoài quá nửa. Quan lại thương dân chúng thì tuyệt không có ai, mà xem dân như cừu thù, thì đều như thế cả. Càng ngày càng tệ, dân sống không yên, như đắm nước sâu, như thui lửa nóng. Khốn nỗi trời thì cao, mà Triều đình xa, tình dưới không kêu thấu được.

Song đói rét thiết thân thì không còn đoái gì lễ nghĩa, bèn đem nhau để giết quan lại, đó là thế bất đắc dĩ trong nhất thời, để mong bớt chút khổ cực ở trong nước lửa mà thôi.

Thần lánh mình ở nước Lão Qua hơn mười năm, đến giờ người cả nước không bảo nhau mà cùng một lời tự ý mời xin nài ép. Trong lúc thảng thốt, thần không kịp kén chọn, đã phải thuận lòng dân chủ để chờ mệnh Triều đình. Ngày 11tháng 11 năm Tuyên Đức thứ 1 [9/12/1426], thần về đến bản quốc, thấy người trong nước đã thu phục được hết bờ cõi đất đai của tổ phụ thần. Các thành trì Tân Bình, Thuận Hóa, Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hóa, Tiền Vệ, Xương Giang, Trấn Di, Thị Cầu, Tam Giang đều đã mở cửa cởi giáp để giảng hòa. Các quan vệ sở châu huyện cùng tất cả quan quân, thần đều thu nuôi hết cả, không xâm phạm mảy may. Còn bọn Tổng binh Vương Thông, cùng Trần Trí, Lý An, Mã Anh, Phương Chính, nội quan Sơn Thọ, Mã Kỳ cũng đã cùng thần hòa giải. Thần đã xin bọn Vương Thông sai người đem thư về tâu. Nhưng bọn ấy vừa sợ tội, vừa hoài nghi, nên không dám sai đi. Bọn thần tự biết mang tội rất nặng, không biết tiến hoái đường nào. Song thần trộm nghĩ từ xưa thánh nhân như Thang Võ đánh kẻ có tội mà cứu dân, hết thảy đều xuất tự lẽ trời chí công, không thể có chút tư ý ở trong. Vì thế nên nhà Hạ, nhà Thương tuy đã mất, mà con cháu còn được phong ở nước Kỷ nước Tống. Việc đánh việc phong, chưa từng không theo ý trời. Đến sau như nhà Hán, nhà Đường thích lớn ham công, mà cũng chỉ ky my nước thần mà không để ý. Huống chi điều chương của Thái Tổ Cao hoàng đế để lại đời sau rành rành ở đó, chiếu lập con cháu họ Trần của Thái Tôn Văn hoàng đế mực vẫn chưa khô. Cúi nghĩ Hoàng đế bệ hạ là bực thánh thần văn võ, trí tuệ thông minh, đức hiếu sinh [tiếc mạng sống] đây đó thấm đều, lòng nhất thị [coi như một] xa gần không khác. Tất như Hán Võ hạ chiếu bỏ Luân Đài, tất như Đường Thái rút quân ở Tân Thị, tất tuân theo điều chương của Thái Tổ, tất thi hành chiếu thư của Thái Tôn, tất xá cho thần tội lỗi như núi gò, tất tha cho thần hình phạt bằng phủ việt, khiến thần được giữ đất cõi Nam, nộp cống cửa khuyết. Nếu thế thì không những may mắn cho một mình thần mà dân cả nước thần, không ai là chẳng vui mừng nhảy nhót, cảm đội ơn đức Triều đình, không khác gì khí xuân làm tươi cỏ héo, gió ấm làm tan nước đông vậy. Thần xin ghi dạ khắc xương, hết lòng trung thận, tâu biểu xưng thần, tiến cống không thiếu. Ngoài ra việc sai người dâng tiến cống thì thần chưa dám tự chuyên. Vậy kính cẩn tâu bày, cúi chờ sắc chỉ.” Quân Trung Từ Mệnh Tập, a 44.                       

Đúng theo bài bản ghi trong các chỉ dụ nêu trên; phải chờ khi phái đoàn Lý Kỳ, La Nhữ Kinh đến tuyên bố Chiếu phủ dụ An Nam, Vương Thông mới được mang quân rút về. Nhưng bị nghĩa quân bức bách, nên Vương Thông không kịp đợi lệnh Bắc triều, phải mang quân về nước gấp; đây là điều điếm nhục quốc thể, nên khi trở về nước Thông bi đàn hạch nặng nề, suýt bị tử hình. Lúc đoàn quân Vương Thông về nước; quan quân và những người hợp tác với nhà Minh được chọn lựa, hoặc đi hoặc ở lại; nhưng phần lớn xin ở lại quê hương:

 “Thành Sơn hầu Vương Thông không đợi lệnh mà đem quân về trước, vì bị vua đánh gấp,  còn thư từ qua lại lời lẽ rất thành khẩn, đều là do Trãi vâng lệnh soạn thảo cả.

Bọn hương hộ (2) người địa phương là Vương Manh đem vợ con 39 người tới dâng đoạn tấm và hương quý. Bấy giờ đối với nguỵ quan, thổ quân và các hộ đãi vàng, tìm hương liệu trong thành, Vương Thông cho họ được tự nguyện về phương Bắc hay ở lại nước Nam theo ý của mình. Nhưng người muốn ở lại thì nhiều, muốn xin đi thì ít.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 45b.

Lúc này Bình định vương Lê Lợi cử một phái đoàn gồm 4 đầu mục, 4 tòng nhân, cùng tướng hiệu của Vương Thông tháp tùng; dâng biểu lên Vua Minh, mang nhiều vật quí sang cống, cùng danh sách quan lại quân lính được trở về:

 “Ngày 29 [tháng mười một, 17/12/1427], sai sứ sang trình bày với nhà Minh. Trước đó, vua đã lập Trần Cảo. Hồi tháng 8, đã sai sứ sang cầu phong. Đến đây, lấy Hàn lâm đãi chế Lê Thiếu Dĩnh người làng Khả Mộ, nay là Mộ Trạch, huyện Đường An, Chủ thư sứ Lê Cảnh Quang đều làm Thẩm hình viện sứ. Quốc tử bác sĩ Lê Đức Huy, Kim ngô vị tướng quân Đặng Hiếu Lộc làm Thẩm hình viện phó sứ; bốn người này đều là đầu mục. Nội lệnh sử Đặng Lục và Lê Trạc, Vũ vệ tướng quân Đỗ Lãnh và Trần Nghiễm đều làm An phủ sứ; bốn người này đều là tòng nhân. Đem tờ biểu và phương vật:

Hai pho tượng người bằng vàng thay cho mình,

 Một chiếc lư hương bạc,

 Một đôi bình hoa bạc,

300 tấm lụa thổ,

14 đôi ngà voi,

 20 lọ xông hương áo,

2 vạn nén hương,

 24 khối trầm hương và tốc hương.

Cùng với bọn chỉ huy do Vương Thông sai về, đều lên đường đưa về Yên Kinh. Đồng thời, đưa cả chiếc song hổ phù và quả ấn bạc hai tầng của Quan tổng binh An Viễn hầu, nguyên lĩnh Chinh lỗ phó tướng quân, 13.578 quân nhân, 280 viên sĩ quan, 2.137 viên quan lại, 13.180 tên quân cờ, 1.200 con ngựa tốt, lập bản danh sách đầy đủ, đưa sang Yên Kinh để trần tình và xin phong Trần Cảo là Quốc vương. Sau khi sai bọn Lê Thiếu Dĩnh sang cầu phong, tất cả bọn ngụy quan và lương dân bị cưỡng bức đi theo ở trong thành Đông Quan, vua đều sai đưa về cả.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 45b.

 Bài Biểu Tiến Cống do bọn Lê Thiếu Dĩnh đưa sang nhà Minh, Quân Trung Từ Mệnh Tập chép như sau:

Bài biểu tiến cống, tâu trình tạ tội.

Đại đầu mục nước An Nam, thần là Trần Cảo, thực rất sợ hãi rạp đầu dâng lên mấy lời:

Thần kính thấy năm Vĩnh lạc thứ 4 (1406) sau khi đại quân dẹp yên cõi Giao Chỉ, người trong nước lại sinh ra nhiễu loạn. Thần lánh mình sang nước Lão Qua để kéo dài hơi thở tàn. Không ngờ người trong nước lại bức bách thần về nước, cho đến nỗi này. Thần tự biết tội thần đáng chết muôn phần, kính xin dâng biểu trân tình tạ tội.

Kính nghĩ: đánh kẻ có tội cứu vớt nhân dân, là thánh nhân làm việc đại nghĩa, dấy nước đã diệt, nối dòng đã tuyệt, là vương giả có lòng chí nhân. Xét từ đời xưa, vẫn có thường điển ( lề lối thương). Thần trộm nghĩ, đất cõi Giao Nam thực là nơi ở bên ngoài biển (Trung Quốc). Nhà Hán, nhà Đường tuy đặt làm quận huyện, mà thực ra chỉ ràng buộc qua loa; đời Tống, đời Nguyên cũng có đem quân dẹp yên, mà sau lại ban phong tước mệnh. Đến khi Thái tổ Cao hoàng đế ta mở vận, cha ông thần, trước cả các nước (cho người) đến chầu. Hàng năm tiến cống đế đình, liền đời nối phong vương tước.

 Mời rồi, vì Hồ Quí Ly không có đức để đến nỗi làm mệt quân thiên triều đi đánh xa, Triều đình khoan nhân, xuống chiếu tìm con cháu họ Trần để giữ việc thờ cúng; biên thần tâu bậy xin đặt (Giao Chỉ) làm quận huyện mà bổ quan cai trị. Tuy lòng Thiên triều chăm việc dạy dỗ tác thành, nhưng tục mọi rợ chưa thể biến đổi được hết. Rủ nhau trái lời dạy bảo, cùng nhau thường vẫn làm càn. Nhân dân lưu li liền năm chết hại không sao xiết kể; quân lính đánh dẹp nhiều hồi khốn khổ rất là đáng thương. Thần ban đầu cũng vì trong lúc vội vàng, mà chiều theo lòng chúng; đến sau bởi tự nghĩ ngu xuẩn mà can phạm phép trời. Tự biết tội lỗi do mình làm ra, thường nghĩ náu mình không nơi ẩn trốn, có đau đớn mới biết thét gào, là lẽ thường tình tất nhiên; thấy tội lỗi tự biết đổi thay, chắc được thánh nhân dung thứ, hết lòng thành sự tình bày tỏ; kêu nhà vua mệnh lệnh rộng ban.

Kính nghĩ, Hoàng đế bệ hạ, như thiên địa chở che; như nhật nguyệt soi sáng. Như mùa xuân nuôi sống, như đáy biển thênh thang, tỏ ra lượng cả bao dung; như áng mây kéo phủ, như hạt mưa thấm nhuần, rày khắp ơn trên đào tạo. Cho là tổ tiên của thần hết lòng trung nghĩa, mà trèo non vượt biển không ngại xa xội; thương đến nhân dân của thần, không mắc tội tình mà khốn khổ lầm than, không may đụng độ. Xá lỗi, tha tội, rộng suy hiếu sinh đức tốt; nghĩ bình yên dân, dùng đến chỉ qua (3) vũ thuật. Thần dám chẳng ghi lòng tạc dạ, theo thuận dâng trung. Dâng biểu xưng là thần chức phiên bang từ nay xinh kính giữ; kính trời, thờ nước lớn, lòng nước nhỏ xin hết tiết chân thành. Thần, lòng dưới trông trời thành, khôn xiết vui mừng, kính dâng tờ biểu, bày tỏ tạ tội, tâu lên ngự lãm.

Danh sách các cống phẩm gửi theo:

- Hai pho tượng người vàng người bạc thay cho bản thân để thân để tạ tội, cộng nặng 200 lạng. (1 pho vàng nặng 100 lạng; 1 pho tượng bạc nặng 100 lạng)

- Sản vật địa phương:
 Lương hương bạc 1 cỗ,
Bình cắm hoa bạc một đôi, cộng nặng 300 cân,
Lụa thổ sản 300 tấm,
Ngà voi 10 chiếc
(4)
Hương xông áo 20 bánh, cộng 130 cân.
Hương nén 20.000 nén.
Trầm hương, tốc hương 24 khối.

- Số người đầu mục tiến kinh:
Đầu mục 4 người là: Lê Dĩnh, Lê Cảnh Quang Lê Đức Huy, Đặng Hậu Lộc. Người giúp việc 4 người là: Đỗ Thế Lãnh, Lê Trạch, Đặng Lục, Trình Nghiễm.

- Các hng trả về:
Hai đài Song hổ phù của tổng binh quan An viễn hầu lĩnh chinh lỗ phó tướng quân.
Một quả ấn bạc.
Các quan và quân nhân: 13.587 viên danh,
Quan coi quân: 280 viên,
Quan coi dân và điển lại: 137 viên,
Kỳ quân: 13.170 viên danh
(4).
Ngựa: 1.200 con.” Quân Trung Từ Mệnh Tập, b 22.     

Ngày 12 tháng 12 [29/12/1427] cho quân Minh về nước, người trong nước giận chúng muốn giết đi, nhưng nhà Vua mong dập tắt mối họa chiến tranh, nên không chấp thuận; bèn cho quân bộ về trước, kế đó thủy quân theo sau:

Tháng 12, ngày 12, Vương Thông nhà Minh sai quân bộ qua sông Lô đi trước, quân thủy theo sau.

Bấy giờ các tướng sĩ và người nước ta rất căm thù quân Minh đã giết hại cha con, thân thích họ, liền rủ nhau tới khuyên vua giết bọn chúng đi. Vua dụ rằng:

Trả thù báo oán là thường tình của mọi người, nhưng không thích giết người là bản tâm của bậc nhân đức. Vả lại, người ta đã hàng, mà mình lại giết thì là điềm xấu không gì lớn bằng. Nếu cốt để hả nỗi căm giận trong chốc lát mà mang tiếng với muôn đời là giết kẻ đã hàng, thì chi bằng tha mạng sống cho ức vạn người, để dập tắt mối chiến tranh cho đời sau, sử xanh ghi chép tiếng thơm muôn đời, há chẳng lớn lao sao?

 Bèn hạ lệnh: Cánh đường thủy, cấp 500 chiếc thuyền, cho Phương Chính, Mã Kỳ lãnh nhận. Cánh đường bộ, cấp lương thảo, cho Sơn Thọ, Hoàng Phúc lãnh nhận. Còn hơn 2 vạn người bị bắt hoặc đầu hàng và 2 vạn con ngựa thì do Mã Anh lãnh nhận. Chinh man tướng quân Trần Tuấn đem quân trấn thủ đi theo. Tất cả đều tới dinh Bồ Đề lạy tạ mà về. Bọn Phương Chính vừa xúc động vừa hổ thẹn đến rơi nước mắt.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 46b.

Riêng trong đám tướng giặc có Đô đốc Thái Phúc tỏ ra thành khẩn hợp tác với ta, nên không được nhà Minh tin dùng; lúc đại quân trở về,  Bình định vương cảm khích, khuyên y ở lại sẽ trọng dụng. Nhưng Thái Phúc trở về nước, rồi bị  xử tử:

Thư cho Thái Đô đốc.

Đệ ở Lam Sơn kính thư gửi lão huynh Thái Công. Kể ra kẻ sĩ quý ở gặp thời, đạo quý ở thực hành. Song đạo có thực hành được hay không l quan hệ ở thời có gặp hay không gặp. Vì thế anh hùng hào kiệt đời xưa, bình nhật ôm ấp điều gì, ai mà chẳng muốn dốc ra thi thố để cho đạo sáng tỏ ở đời. Song thời có gặp hay không phải là ở tự trời vậy. Ngày xưa Bách Lý Hề (5) ở Ngu thì Ngu mất nước, mà sang Tần thì Tần nên nghiệp bá, Lý Tả Xa (6) ở Triệu thì Triệu bị diệt, mà theo Hán thì Hán dấy nghiệp vương, nào phải là ở nơi này thì ngu mà ở nơi kia thì trí đâu. Chỉ là tại gặp thời hay không gặp thời mà nên thế. Lão huynh là bực tướng cũ của tiên triều, buổi đầu sang đánh Giao Chỉ, phá thành Đa Bang thì ông bắc thang mây lên thành trước, công to bực nhất. Rồi sau mỗi năm chinh phạt, cũng đều lập được chiến công. Song không may cho ông là không được đời biết, cho nên không được vượt lên trên người; gia dĩ lại bị khiển trách luôn, chí không được thỏa, đạo không được hành, rốt cuộc ngày nay lại bị Vương Thông lừa bán, thế lại là điều không may cho ông, cũng là điều rất không may cho Trung Quốc vậy. So với xưa Bách Lý Hề ở Ngu, Lý Tả Xa ở Triệu thì có khác gì. Nay quốc chúa ( chỉ Trần Cảo) tôi vốn biết ông là hiền, muốn đặt ông vào địa vị đại thần để được nghe dạy bảo, không biết ý ông thế nào? Như Hàn Tín (7) b Sở mà theo Hán chăng? Thì quốc chúa tôi sẽ sẻ cơm nhường áo, hẳn không kém gì Hán Cao Tổ; hay như Cơ Tử (8) không chịu làm tôi Chu chăng? Thì quốc chúa tôi sẽ xuống xe hỏi đạo, hẳn không kém gì Chu Vũ vương. Trong hai kế ấy, ông định kế nào? Vả nước dấy hay mất, thịnh hay suy, do ở vận trời, sức người không thể làm được. Nay ông lại về mà dùng cho Trung Quốc, thì hiện nay ở Trung Quốc, bên trong có cái vạ tiêu tường, bên ngoài có cái lo Bắc khấu, nắng lt tiếp nhau, yêu nghiệt đến mãi, đại thần lấn át, cả nước chia lìa, trời làm táng vong chẳng sớm thì muộn. Kẻ sĩ minh triết nên sớm biết cơ mầu. Khi các ông, không may mà gặp cái thời không thể làm được, lại không may mà không được thỏa cái chí có thể làm được, chnh như Đường Thái Tôn bảo “Hết trung không ích gì” vậy. Nay kế hay của ông chẳng gì bằng thuận theo sở ngộ, nghe theo mệnh trời, nhân thời cơ này dựng nên công nghiệp, khiến cho dân ta may được thoát khổ lầm than, mà công trạng lớn lao của ông được rạng rỡ trong sử xanh (9), há chẳng tốt đẹp ư? Nếu cứ khư khư giữ cái tiểu tiết, thì thực không phải là bực hào kiệt biết thời vậy. Kính xin xét định. Thư nói không hết.” Quân Trung Từ Mệnh Tập, a 38.

Rồi vào ngày 17 [3/1/1428], Vương Thông đem đám quân bộ cuối cùng trở về, từ đó việc binh đao chấm dứt:

 “Ngày 17, Vương Thông nhà Minh dẫn quân bộ đi sau. Thông cùng vua nói chuyện từ biệt suốt đêm rồi đi. Vua sai đưa trâu rượu, cờ thêu, trướng vẽ cùng các lễ vật tiễn chân rất hậu. Quân thủy, bộ của ba thành Tây Đô, Cổ Lộng, Chí Linh cùng lục tục rút tiếp. Từ đây, việc binh đao dập tắt, khắp thiên hạ thái bình.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 47a.

Sau khi dẹp yên giặc Minh, vua sai ông Nguyễn Trãi làm tờ bá cáo cho thiên hạ biết gọi là Bình Ngô Đại Cáo. Đại Cáo này làm bằng Hán Văn, là một tác phẩm văn chương rất có giá trị, bản dịch của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử Lược như sau:

Tượng mảng:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt chỉ vì khử bạo [trừ kẻ tàn bạo].

Như nước Việt từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu.

Sơn hà cương vực đã chia, phong tục bắc nam cũng khác.

 Từ Đinh, Lê, Lý, Trần, gây nền độc lập; cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, hùng cứ một phương.

 Dẫu cường nhược có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có.

Vậy nên: Lưu Cung [Vua Nam Hán] sợ uy mất vía, Triệu Tiết [tướng Tống] nghe tiếng giật mình.

 Cửa Hàm Tử giết tươi Toa Đô, sông Bạch Đằng bắt sống Ô Mã.

Xét xem cổ tích, đã có minh trưng [bằng chứng rõ ràng].

Vừa rồi:

Vì họ Hồ chính sự phiền hà, để trong nước nhân dân oán bạn.

 Quân cuồng Minh đã thừa cơ tứ ngược [ngang ngược], bọn gian tà còn bán nước cầu vinh.

 Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.

 Chước dối đủ muôn nghìn khóe, ác chứa ngót hai mươi năm.

 Bại nhân nghĩa, nát cả càn khôn [trời đất], nặng khoa liễm [thu thuế má] vét không sơn trạch [ruộng vườn sông núi] .

Nào lên rừng đào mỏ, nào xuống bể mò châu, nào hố bẫy hươu đen, nào lưới dò chim sả.

Tàn hại cả côn trùng thảo mộc; nheo nhóc thay quan [đàn ông chết vợ] quả [đàn bà mất chồng] điên liên [không nhà ở].

Kẻ há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán.

Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục dịch cho vừa.

Nặng nề về những nỗi phu phen, bắt bớ mất cả nghề canh cửi.

Độc ác thay! trúc rừng không ghi hết tội; dơ bẩn thay! nước bể không rửa sạch mùi.

Lẽ nào trời đất tha cho, ai bảo thần nhân nhịn được.

Ta đây:

 Núi Lam Sơn dấy nghĩa, chốn hoang dã nương mình.

 Ngắm non sông căm nỗi thế thù, thề sống chết cùng quân nghịch tặc.

 Đau lòng nhức óc, chốc là mười mấy nắng mưa; nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối.

 Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh; ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ.

 Những trằn trọc trong cơn mộng mị, chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi [mưu đồ khôi phục].

 Vừa khi cờ nghĩa dấy lên, chính lúc quân thù đang mạnh.

 Lại ngặt vì:

Tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu.

Việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần, nơi duy ác (10) hiếm người bàn bạc.

Đôi phen vùng vẫy, vẫn đăm đăm con mắt dục đông (11); mấy thủa đợi chờ, luống đằng đẵng cỗ xe hư tả (12).

 Thế mà trông người, người càng vắng ngắt, vẫn mịt mờ như kẻ vọng dương (13). thế mà tự ta, ta phải lo toan, thêm vội vã như khi chửng nịch (14).

 Phần thì giận hung đồ ngang dọc, phần thì lo quốc bộ khó khăn.

Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần; khi Khôi huyện quân không một lữ.

 Có lẽ trời muốn trao cho gánh nặng, bắt trải qua bách chiết thiên ma [hàng trăm lần thất bại, hàng ngàn lượt quyết chí dùi mài]; cho nên ta cố gắng gan bền, chấp hết cả nhất sinh thập tử [trăm phần chết, một phần sống.]

 Múa đầu gậy, ngọn cờ phất phới, ngóng vân nghê bốn cõi đan hồ. Mở tiệc quân, chén rượu ngọt ngào, khắp tướng sĩ một lòng phụ tử.

Thế giặc mạnh, ta yếu mà ta địch nổi; quân giặc nhiều, ta ít mà ta được luôn.

 Dọn hay:

Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo.

Trận Bồ Đằng sấm vang sét dậy, miền Trà Lân trúc phá tro baỵ

Sĩ khí đã hăng, quân thanh càng mạnh.

 Trần Trí, Sơn Thọ mất vía chạy tan; Phương Chính, Lý An tìm đường trốn tránh.

 Đánh Tây Kinh phá tan thế giặc, lấy Đông Đô thu lại cõi xưa.

 Dưới Ninh Kiều máu chảy thành sông; bến Tốt Động xác đầy ngoại nội.

Trần Hiệp đã thiệt mạng. Lý Lượng lại phơi thây.

 Vương Thông hết cấp lo lường, Mã Anh không đường cứu đỡ.

Nó đã trí cùng lực kiệt, bó tay không biết tính sao; ta đây mưu phạt tâm công, chẳng đánh mà người chịu khuất.

Tưởng nó phải thay lòng đổi dạ, hiểu lẽ tới lui; ngờ đâu còn kiếm kế tìm phương, gây mầm tội nghiệt.

 Cậy mình là phải, chỉ quen đổ vạ cho người; tham công một thời, chẳng bỏ bày trò dơ duốc.

 Đến nỗi đứa trẻ ranh như Tuyên Đức (15), nhàm võ không thôi; lại sai đồ nhút nhát như Thạnh, Thăng, đem dầu chữa cháy.

 Năm Đinh Mùi tháng chín, Liễu Thăng từ Khâu Ôn tiến sang; lại năm nay tháng mười, Mộc Thạnh tự Vân Nam kéo đến.

Ta đã điều binh giữ hiểm để ngăn lối Bắc quân; ta lại sai tướng chẹn ngang để tuyệt đường lương đạo.

 Mười tám, Liễu Thăng thua ở Chi Lăng, hai mươi, Liễu Thăng chết ở Mã Yên. Hai mươi lăm, Lương Minh trận vong; hai mươi tám, Lý Khánh tự vẫn.

 Lưỡi dao ta đang sắc, ngọn giáo giặc phải lùi.

 Lại thêm quân bốn mặt vây thành, hẹn đến rằm tháng mười diệt tặc.

 Sĩ tốt ra oai tì hổ, thần thứ đủ mặt trảo nha.

 Gươm mài đá, đá núi cũng mòn; voi uống nước, nước sông phải cạn.

 Đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông.

Cơn gió to trút sạch lá khô, tổ kiến hổng sụt toang đê cũ.

 Thôi Tụ phải quì mà xin lỗi, Hoàng Phúc tự trói để ra hàng.

Lạng Giang, Lạng Sơn thây chất đầy đường, Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước.

 Gớm ghê thay ! sắc phong vân cũng đổi; thảm đạm thay ! sáng nhật nguyệt phải mờ.

 Binh Vân Nam nghẽn ở Lê Hoa, sợ mà mất mật; quân Mộc Thạnh nghe tan Cần Trạm, chạy để thoát thân.

 Suối máu Lãnh Câu, nước sông rền rĩ; thành xương Đan Xá, cỏ nội đầm đìa.

Hai mặt cứu binh, cắm đầu trốn chạy; các thành cùng khấu, cởi giáp xuống đầu.

 Bắt tướng giặc mang về, nó đã vẫy đuôi phục tội; thể lòng trời bất sát, ta cũng mở đường hiếu sinh.

 Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến bể chưa thôi trống ngực.

 Vương Thông, Mã nh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến Tàu còn đổ mồ hôi.

Nó đã sợ chết cầu hòa, ngỏ lòng thú phục; ta muốn toàn quân là cốt, cả nước nghỉ ngơi.

 Thế mới là mưu kế thật khôn, vả lại suốt xưa nay chưa có.

Giang san từ đây mở mặt, xã tắc từ đầy vững nền.

Nhật nguyệt hối mà lại minh, càn khôn bĩ mà lại thái.

Nền vạn thế xây nên chăn chắn, thẹn nghìn thu rửa sạch làu làu.

Thế là nhờ trời đất tổ tông khôn thiêng che chở, giúp đỡ cho nước ta vậy.

 Than ôi! Vẫy vùng một mảng nhung y nên công đại định, phẳng lặng bốn bề thái vũ mở hội vĩnh thanh.

 Bá cáo xa gần, ngỏ cùng cho biết.

 

Chú thích:

1.Câu này lấy từ điển Chỉ qua vi vũ 止 戈  爲 武 ” Hán Thư giảng như sau : Thánh nhân dùng vũ lực bằng cách cấm bạo loạn, ngừng can qua; do đó chữ vũ 武 được cấu tạo theo phép hội ý gồm chữ chỉ 止 và qua 戈 gộp lại.

2. Hương hộ: là những hộ tìm kiếm hương liệu.

3.Chỉ qua: Xem chú thích thứ nhất.

4.  Toàn T ghi trên, chép: ngà voi 14 chiếc; kỳ quân 13.180 người.

5.Bách Lý Hề là người thời Xuân thu, trước làm đại phu nước Ngu, 7 năm không thi thố gì. Khi Tấn diệt nước Ngu, bắt Hề, đem làm người thần bộc đi đưa dâu vợ Mục công nước Tần. Hề lấy làm hổ, bỏ đi, bị người Sở bắt được. Tần Mục công nghe biết Hề là người hiền, lấy da 5 con dê đem chuộc Hề về, rồi dùng làm tướng. Hề giúp Tần làm nên nghiệp bá.

6.Lý Tả Xa người thời Hán, trước làm quan ở nước Triệu. Khi Hán đánh Triệu, Triệu vương Thành an quân Trần Dư không theo kế của Tả Xa, sau Triệu bị quân Hán đánh thua, Hán Tín bên Hán mời được Tả Xa đem về làm quân sư, giúp Hán Cao tổ được nên cơ nghiệp.

7. Hàn Tín người thời Hán, trước theo Hạng Vũ, Vũ không biết dùng. Sau Tín bỏ Sở theo về Hán. Bái công trọng dụng, nhường áo sẻ cơm cho Tín rồi trao cho chức Đại tướng’

8.Cơ Tử là tôi nhà Ân, khi Ân bị diệt, ông không chịu là tôi nhà Chu. Vũ vương nhà Chu thường lún mình hỏi kế của ông. Sau phong cho ông ở Triều Tiên.

9.Ngày xưa chưa chế được giấy, phải chép sách và mảnh tre cật xanh, vì thế gọi là “thanh sử” (sử xanh).

 

10.Duy ác: Nơi màn trướng, bộ tham mưu làm việc.

11.Dục đông: ý nói muốn về lấy Đông Đô.

 12.Hư tả: Cỗ xe bên trái để đợi người hiền, chưa có người ngồi.

13.Vọng dương: Trông ra biển không thấy gì.

14.Chửng nịch: Vớt người chết đuối.

15.Vua Tuyên Tông nhà Minh, niên hiệu Tuyên Đức.

 

 

 

 

 

 

 

 

Hồ Bạch Thảo
Số lần đọc: 565
Ngày đăng: 24.10.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
79. Bình Định Vương Lê Lợi: Thời kỳ khởi nghĩa (8) [1418-1427] - Hồ Bạch Thảo
78.Bình Định Vương Lê Lợi: Thời kỳ khởi nghĩa (7) - Hồ Bạch Thảo
77. Bình Định Vương Lê Lợi: Thời kỳ khởi nghĩa (6) [1418-1427] - Hồ Bạch Thảo
76. Bình Định Vương Lê Lợi: Thời kỳ khởi nghĩa (5) - Hồ Bạch Thảo
75. Bình Định Vương Lê Lợi: Thời kỳ khởi nghĩa (4) [1418-1427] - Hồ Bạch Thảo
74. Bình Định Vương Lê Lợi: Thời kỳ khởi nghĩa (3) [1418-1427] - Hồ Bạch Thảo
73. Bình Định Vương Lê Lợi: Thời khởi nghĩa (2) [1418-1427] - Hồ Bạch Thảo
72. Bình Định vương Lê Lợi : Thời kỳ khởi nghĩa (1) [1418-1427] - Hồ Bạch Thảo
Đêm Tân Hôn thế kỷ - Nguyễn Anh Tuấn
Nhà sử học và các cô thợ may trong chùa Tây Phương - Nguyễn Anh Tuấn
Cùng một tác giả
Biển Giao Chỉ (lịch sử)
109. Vua Lê Uy Mục. (tiểu luận)