Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.221.261
 
Miền yêu thương trong thơ thiếu nhi Tôn Nữ Thu Thủy
Trần Hoài Anh

                      

  1. Mở

       Không phải ngẫu nhiên trong lời nói đầu tập truyện ngắn viết cho thiếu nhi Dòng sông khoảng trời, Tôn Nữ Thu Thủy nêu khát vọng: “Tôi muốn được chia sẻ với bạn đọc nhỏ tuổi những cảm nhận của mình để trên con đường dành cho tuổi thơ, một lúc nào đó, các em có thể xua đi những chiếc nấm dại, những nỗi buồn, và tự ươm mầm các loài hoa tươi tắn, những cây trái tốt lành” (1). Còn trong thi tập, Trái đất đang nóng dần lên (Nxb. Hội Nhà văn, H, 1991), trong bài Giấc mơ, thế giới tuổi thơ đã hiện lên trong thơ Tôn Nữ Thu Thủy với những ưu tư mang tâm thức hiện sinh về một xã hội, ở đó mọi giá trị như đang bị bấn loạn đến mức phi lý, buồn nôn, khi: “Nhiều trẻ em mang nét mặt người già/ vầng tráng nhăn ưu tư mệt mỏi/ Đi như mộng du ngồi như hóa đá”, còn: “Những người lớn lại hóa thành con trẻ/ Bi bô chơi trò nhào lộn ném dây/ Trượt bắt nhau trên chiếc cầu tuột bóng bẩy”. Và, cho dù đây chỉ là “giấc mơ”, nhưng thi nhân vẫn cảm thấy như mình có lỗi với tuổi thơ mà chị “tôn thờ” như một thiên đường nên nhà thơ đã “sám hối”: “Ôi giấc mơ khiến thấy mình như có lỗi/ Trước nụ cười của em bé thơ ngây”. Có phải, xuất phát từ cảm thức “ăn năn” nầy, mà chị đã dành một phần đời tươi đẹp trong hành trình sống và sáng tạo thi ca của mình để viết thơ thiếu nhi, một lĩnh vực mà hiện nay trong đời sống văn học nước nhà vẫn còn thiếu vắng đến mức báo động. Ý thức được tầm quan yếu và để “phục sinh” bộ phận văn học này một cách mạnh mẻ, Hội Nhà văn Việt Nam trong cơ cấu giải thưởng văn học năm 2021 đã công bố trao giải thưởng văn học thiếu nhi hàng năm. Riêng với nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy, một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca nữ Việt Nam đương đại, bên cạnh những tập thơ viết cho “người lớn” như: Viết tặng ánh lửa (Hội Văn học Nghệ thuật Nha Trang xuất bản, 1988); Trái đất đang nóng dần lên (Nxb. Hội Nhà văn, 1991); Mắt lá (Hội Nhà văn TP. HCM - Nxb. Trẻ, 2002); Dưới mái nhà xanh (Nxb. Văn hóa Văn nghệ, 2017), chị còn viết hai tập thơ và một tập truyện ngắn cho thiếu nhi: Hoa hồng xanh (Nxb. Đồng Nai, 1998); Miền yêu thương (Nxb. Hội Nhà văn, 2012); Dòng sông khoảng trời (truyện ngắn) (Nxb. Giáo dục, H, 2008).

 

       Như vậy, thơ viết cho thiếu nhi đã trở thành một dự phóng sáng tạo không thể thiếu trong thi giới Tôn Nữ Thu Thủy, một tâm hồn thơ nhân bản, bình dị, sáng trong, giàu nữ tính mà khi giải mã con đường thơ của chị, trong đó có thơ viết cho thiếu nhi, ta sẽ thấu hiểu được những mỹ cảm này. Thi giới trong thơ thiếu nhi của Tôn Nữ Thu Thủy là nơi hội tụ của “những vẻ đẹp, những ý nghĩa ẩn tàng trong mỗi sự vật, sự việc” (2) đang cần sự “khai quật” từ những người có tấm lòng trân quí thế giới tuổi thơ, những con người sẽ mang bình minh cho đất nước, dân tộc.  Bởi, theo suy niệm của Nguyễn Mai: “Muốn có một tương lai xứng đáng, phải lập tức “cứu lấy trẻ em” (3).

    2. Là Nữ Thi nhân - Nhà giáo, sinh ra và lớn lên ở đất Thần Kinh, một vùng đất kết tinh nhiều giá trị văn hiến, hơn ai hết, Tôn Nữ Thu Thủy luôn mang trong mình tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm và hoài bảo về việc xây dựng một thế hệ trẻ trở thành những con người có nhân cách văn hóa cao đẹp, sống đúng nghĩa Con Người. Đây là những căn tố dẫn chị đến với tuổi thơ và viết về thiếu nhi với tất cả sự đồng cảm: “Tôi muốn lưu giữ những cảm nhận, ghi nhớ từ thiên nhiên rộng lớn mà tôi hằng găn bó: Từng làn nắng, từng đóa hoa, ngọn lá, từng sinh vật nhỏ bé, dòng sông, khoảng trời… như là những người bạn hay người thầy, để không ngừng học hỏi qua bao tháng năm” (4). Và như lời thơ chị viết: “Tôi soi vào hoa phượng/ Trái tim thời gian/ Một kho tàng/ Tình yêu cuộc đời này”. (Viết từ mùa hạ - Mắt lá).

 

       Miền yêu thương đối với tuổi “thần tiên” trong thơ thiếu nhi của Tôn Nữ Thu Thủy biểu hiện khá đa dạng và phong phú. Trước tiên, đó là cái nhìn mang cảm thức sinh thái nhân văn, thể hiện tâm cảm của thi nhân được hóa thân qua tư duy trẻ thơ đối với những sinh thể hiện hữu trong giới tự nhiên mà khi đọc lên đã gợi cho người đọc cảm xúc về vũ trụ qua các hình tượng: trăng, sao, biển, sóng ở các bài thơ: Những ngôi sao đẹp; Ngắm sóng; Gương mặt biển, Khi biển sốt, Cám ơn biển; Trăng đi theo em; Âm thanh biển; Giọt sương và vầng trăng; Có một chân trời… Thiên nhiên trong thơ thiếu nhi của Tôn Nữ Thu Thủy là một thi giới vô cùng sinh động, lấp lánh nhiều màu sắc, bởi lối tư duy giàu tưởng tượng với những rung cảm chân thật, không làm ra dáng trẻ thơ, nên tạo được niềm hứng khởi nơi chủ thể tiếp nhận. Đó là hình ảnh: “Ngôi sao giữa trời/ Vẫy em xa thẳm/ Rung trong mắt em/ nụ cười lấp lánh” (…) “Em cầm sao biển/ Nhớ ngôi sao xa/ Trời biển là nhà/ Những ngôi sao đẹp” (Những ngôi sao đẹp). Cùng với trí tưởng tượng, liên tưởng cũng là một thủ pháp gây ấn tượng trong thơ Tôn Nữ Thu Thủy. Từ ngôi sao trên bầu trời chị đã liên tưởng đến ngôi sao biển nhằm tạo một trục cảm xúc, kết nối không gian rộng lớn giữa Trời – Con người - Biển, cho thấy một sự hài hòa giữa con người và tự nhiên: “Trời biển là nhà” để truyền đi một thông điệp mang tinh thần sinh thái nhân văn: Con người chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc khi biết trân quí và sống chan hòa với Tự nhiên. Xuất phát từ những suy niệm nầy, mà hình ảnh thiên nhiên xuất hiện trong thơ thiếu nhi của Tôn Nữ Thu Thủy khá nhiều, tập trung nhất là hình tượng biển.

 

Vốn người xứ Huế nhưng Tôn Nữ Thu Thủy lại có cả một quảng đời thanh xuân dạy học ở Nha Trang và sống gắn bó với thành phố biển nầy như quê hương thứ hai. Chất muối mặn của biển như thấm sâu trong da thịt, hơi thở của thi nhân, vì thế chị nhìn biển với cái nhìn đầy nữ tính qua tưởng tượng của nữ thiếu niên nên “gương mặt biển” trong thơ chị khá hiền hòa: “Biển có gương mặt vui vẻ/ Với chiếc miệng sóng cười xòa/ Vầng trán lặng im trong gió/ Là bãi cát phẳng rộng xa/ Tóc biển sớm chiều phất phơ/ Nghiêng một hàng dương xanh ngắt/ Rồi biển mang trên gương mặt/ Mùi hương của nắng gió nồng” (Gương mặt biển). Không những thế, thi nhân còn cảm nhận được “thời tiết” “thất thường” của biển: “Biển sốt vào ban trưa/ Vầng trán cát nóng gắt/ Khuôn mặt biển thay sắc/ Đó là lúc biển rất đẹp/ Đó là lúc gió thổi tiếp/ hàng dương hát say mê/ Ru cơn sốt của biển” (Khi biển sốt). Và, với tư tưởng thấm nhuần tinh thần sinh thái nhân văn, lối tư duy thơ giàu chất duy cảm, Tôn Nữ Thu Thủy còn biết lắng lòng để nghe: “Âm thanh biển” như một “khúc ca bất tận” đi suốt hành trình sống của con người: “Vang mãi bên tháng năm/ Tiếng rì rầm của sóng/ Bản nhạc biển bất tận/ Ru thành phố ru em/ Bao cây dương thật xanh/ Nhận từng làn giơ mới/ Cây đã tặng cho em/ Khúc vi vu tuổi trẻ / Bãi cát vàng không ngủ/ Nâng niu bước chân em/ Cát thì thầm quanh em/ Chuyện dã tràng và sóng”. Nhìn từ cảm thức hiện sinh, bài thơ còn là sự tri nhận của thi nhân về nỗi cô đơn bản thể ở phận người trong cuộc nhân sinh: “Hòn đảo hình chóp nhọn/ Tiếng nói thật xa xôi/ Buồn ơi một mình tôi/ Nước và trời rộng quá” (Âm thanh biển) … Không chỉ nhìn - nghe - cảm, trong thơ viết về biển còn có sự tri ân về những giá trị vật chất, tinh thần biển đem đến cho con người và thế hệ tuổi thơ với những hạnh phúc không thể thiếu đối với lứa tuổi thiếu nhi như “xây nhà trên cát”, “Chạy đùa theo sóng” mà bài thơ “Cám ơn biển” là một minh chứng: “Em thích chơi trên biển/ Thật nhiều cát xây nhà/ Thật nhiều mảnh xà cừ/ Đẹp lấp la lấp lánh/ Biển gió thổi mát êm/ Em chạy đùa theo sóng/ Biển tặng vỏ ốc trắng…/ Cám ơn biển của em”.

 

     Biển và sóng là một cặp hình tượng song tồn trong tự nhiên. Nói đến biển người ta nghĩ ngay đến sóng và ngược lại. Vì thế, cùng với biển, sóng cũng là một hình tượng trong vũ trụ đi vào thế giới tâm tưởng trẻ thơ, biểu hiện sinh động với trí tưởng tượng phong phú trong thơ thiếu nhi Tôn Nữ Thu Thủy:“Xa xa sóng gợn/ Như ngói lợp nhà/ Ở gần sóng lượn/ Đắp bờ trồng hoa/ Ngẩng cao mái đầu/ Phải là sóng cha/ Dịu dàng như ru/ Đó là sóng mẹ/ Hay thiu thiu ngủ/ Là sóng người già/ Riêng sóng trẻ nhỏ/ Ầm ỉ hét la/ Trốn bắt rủ rê/ Kìa là sóng bạn…” (Ngắm sóng). Với sự hóa thân tinh tế vào thế giới tuổi thơ, có thể nói đây là bài thơ thành công trong thơ viết về thiếu nhi của chị. Một hình tượng khác của Miền yêu thương trong thơ thiếu nhi  Tôn Nữ Thu Thủy viết về tự nhiên mang cảm hứng vũ trụ đó là Trăng, một sinh thể có sức quyến rũ lạ lùng với trẻ thơ. Bởi thế, trong văn hóa lễ hội của dân tộc, mới có Tết Trung thu, có ngày “Hội trăng rằm” mà ai đã qua tuổi thơ, không thể, không tận hưởng niềm hạnh phúc mà lễ hội diệu kỳ đó đem đến cho mình. Cảm thức nầy, có thể tìm thấy ở các bài thơ viết về trăng trong thơ thiếu nhi Tôn Nữ Thu Thủy như: “Trăng đi theo ai/ Giữa trời vằng vặc/ Mây không theo trăng/ Nên đêm màu trắng/ Hai anh em hát/ Chú dế nào đàn/ Hoa nhài thơm ngát/ Bóng lá giăng ngang/ (…) Trăng đi theo ai/ -Trăng đi theo Tí/ Trăng đi theo Bé/ Em có con quay/ Quay vòng vui vẻ/ Em có bàn tay/ Uốn xòe điệu múa/ Hoe vàng màu lúa/ Trăng đi theo em/ Qua trời cổ tích/ Đêm thâu tưng bừng”(Trăng đi theo em). Còn đây là vẻ đẹp của trăng trong tư duy trẻ thơ mà thi nhân cảm nhận: “Giọt sương bé nhỏ/ Phản chiếu ánh trăng/ Lung linh trên cành/ Có gì đẹp hơn” (Giọt sương và vầng trăng).

 

     3. Ngoài những hình tượng mang cảm hứng vũ trụ như: trăng, sao, biển, sóng, trong thơ thiếu nhi Tôn Nữ Thu Thủy còn có sự hiện hữu của những sinh thể gần gũi với tuổi thơ như: vỏ ốc, cây dương, chiếc lá, con cóc, hoa, mèo, dế, họa mi, sáo… mà các bài thơ: Những vỏ ốc; Cây dương oằn gốc; Lá hát; Con cóc xấu xí; Mưa và hoa; Hai con vật nhỏ; Đốm nắng và con mèo; Tiếng dế; Họa mi và sáo; Chú mèo nghịch ngợm; Gà đất, chim yến…. là sự minh chứng. Những bài thơ này đã toát lên tinh thần sinh thái nhân văn, biểu hiện ở sự gắn kết và tình yêu của tuổi thơ với những sinh thể trong tự nhiên. Đó là nỗi chờ mong chim hải âu trở lại: “Trong ban mai nắng hồng/ Trong mắt em ngóng trông/ Hải âu chưa quay lại/ Có biết em chờ mong” (Hải âu). Hay tiếng hát của “lá” đã trở thành một nguồn dinh dưỡng nuôi sống tâm hồn sáng trong của bé: “Sớm mai của gió/ Bé ra vườn cây/ Lá nghiêng mắt ngó/ Bé đứng nơi này/ Chào lá xanh tươi/ Bé chạm vào môi/ Lá tần lá trúc/ Lá chuỗi ngọc ơi/ Ngàn lá nghiêng nghiêng/ Ngàn lá xạc xào/ Có bài hát nào/ Xôn xao mùa xuân/ Bé hòa với lá/ Tiếng ca trong ngần” (Lá hát). Và sự tồn sinh vốn mỏng manh như phận người của loài hoa cũng là nỗi ưu lo trong tâm thức trẻ thơ: “Ban mai lạnh lẽo/ Nghe dòng mưa rơi/ Hoa hồng ướt cánh/ Còn đâu nụ cười/ Hoa trang nghiêng xuống/ Chẳng còn đùa vui/ Ô kìa chuỗi ngọc/ Hoa bay mất rồi! / Mưa ơi đừng rơi!” (Mưa và hoa). Từ cái nhìn nhân ái, loài vật hiện lên trong thơ thiếu nhi của Tôn Nữ Thu Thủy thật đáng yêu, luôn gắn bó với cuộc sống tuổi thơ như những người bạn không thể rời xa: “Đốm nắng/ Rực vàng/ Ngủ mơ/ Trên sân/ Thương cho/ Cô mèo/ Chưa hết/ Băn khoăn!” (Đốm nắng và Mèo); Còn đây là tình thương đối với đàn kiến: “Ôi, hoa mặt trời cất cánh/ Nghiêng về tiếng hót véo von/ Dấu chân em như vụt lớn/ Thêm thương đàn kiến tí hon!” (Bước nhảy giữa mùa xuân). Không chỉ thương yêu mà tâm cảm đối với loài vật trong thơ Tôn Nữ Thu Thủy còn là nỗi đau: “Đàn gà tan tác / đau cả góc vườn”. Song, cao hơn tình thương và nỗi đau, đó là lòng vị tha của tuổi thơ, điều ta hiếm thấy ở thế giới “người lớn”: “Em không thể / Cầm roi đánh “ào”/ Khi em không muốn/ Con chồn bị đau” (Chuyện ở vườn). Chính tình thương yêu, lòng vị tha là căn tố tạo nên “niềm vui sống” của thế giới tuổi thơ với một “Ban mai” đầy sinh khí, sáng tươi: “Lung linh bướm trắng qua sân/ Mèo vàng nghiêng ngó đến gần bên hoa/ Chú gà đứng ngắm từ xa/ Buông một tiếng gáy, miu ta giật mình!/ Cóc nhảy vào khóm trúc xinh/ Hoa bươm bướm chẳng giấu mình cười tươi/ Góc sân tràn ánh nắng vui/ Trong hoa có cả nụ cười của em”; Hay một “tiếng dế” cũng ngân lên trong tâm hồn trẻ thơ những giai điệu mê say: “Khung cửa bỏ ngỏ/ Dế chẳng đi qua/ Ơi chàng nhạc sĩ/ Lặng lẽ say mê/ Tìm đâu chẳng thấy/ Em mãi lắng nghe/ Tiếng đàn của dế/ Ấp ủ mi em” (Tiếng dế). Bên cạnh, tinh thần nhân bản thể hiện sự yêu thương, trân quí của con người đối với giới tự nhiên, trong thơ thiếu nhi Tôn Nữ Thu Thủy về chủ đề thiên nhiên còn ẩn chứa ý niệm có màu sắc triết luận mang ý nghĩa nhân sinh khởi từ những câu thơ có tính ngụ ngôn: “Có gì đâu bạn ơi/ Bạn nói giọng của bạn/ Tôi hót tiếng của tôi/ Chúng mình cùng đón nhận/ Sự khác biệt giữa đời” (Họa mi và sáo); Chấp nhận sự khác biệt, tức là chấp nhận sự hiện hữu của mỗi người với tư cách là một nhân vị tự do ; Hay hình ảnh một “cây dương oằn gốc” vẫn đem đến lợi ích cho đời dù chỉ là một khúc ru: “Giấu bao nhiêu tuổi/ Trên tóc lá xòa/ Gốc dương oằn xuống/ Xù xì nhăn da/ Cây dương chắn gió/ Giữ cát bãi bờ/ Tấm lưng còng xuống/ Vẫn khẻ khúc ru” “Cây dương oằn gốc”; Và “người lớn” tìm thấy ý nghĩa gì từ những hình tượng thơ mang tính ẩn dụ sâu sắc, khi mỗi người không tự vươn lên bằng năng lực chính mình mà sống nhờ/ sống dựa vào cái bóng của tha nhân: “Giọt sương bé nhỏ/ phản chiếu ánh trăng/ lung linh trên cành/ Có gì đẹp hơn/ Bất ngờ giọt sương/ Ngỏ với hoa hồng: / “Bạn ơi có thấy/ Tôi tỏa sáng không?”/ Bỗng đám mây qua/ Che mất vầng trăng/ Giọt sương ở đó/ Khuất theo ánh trăng!” (Giọt sương và vầng trăng). Đây cũng là một hệ giá trị trong thơ thiếu nhi của Tôn Nữ Thu Thủy.

 

      4. Có thể nói hai chủ đề nổi bật của Miền yêu thương trong thơ thiếu nhi Tôn Nữ Thu Thủy, là chủ đề viết về thiên nhiên từ góc nhìn sinh thái nhân văn, phần lớn nằm trong tập thơ Hoa hồng xanh (1998) và chủ đề con người từ góc nhìn chủ nghĩa nhân bản trong tập thơ Miền yêu thương (2012) thể hiện những suy cảm đối với những gì gần gũi với cuộc sống trẻ thơ cả những mặt tốt như ở các bài thơ: Vở mới; Cây thước; Qua phố đèn lồng; Tiếng trưa; Ngoài cửa; Nhà cổ; Nhớ bà; Chợ Xép, lẫn mặt xấu như: Màn rối đua xe; Búp bê xinh ngoan… Điều này cho thấy hành trình sáng tạo  thơ thiếu nhi Tôn Nữ Thu Thủy là một hành trình vận động không ngừng, với một nhãn quan đa dạng, đa chiều, với bút pháp phong phú, tinh tế, thể hiện ý thức trách nhiệm cao cả của một Nhà giáo – Thi nhân, khi cầm bút viết cho thiếu nhi. Vì, nếu nhà văn thiếu cẩn trọng khi chọn vấn đề viết cho tuổi thơ thì hậu quả sẽ vô cùng tồi tệ và tai hại. Bởi, nói như Huỳnh Phan Anh, một nhà giáo, nhà lý luận - phê bình có uy tín trong văn học miền Nam trước 1975 khi ông xác quyết: “Người ta không thể viết về tuổi thơ như viết về bất luận một đề tài nào. (Nhưng tuổi thơ đâu chỉ là một đề tài hay một đối tượng suông để nhìn ngắm, đo lường hay thâu tóm bằng trí thông minh!). Người ta không thể viết về tuổi thơ như một kẻ đứng ngoài tuổi thơ ngó vào. Tôi viết về tuổi thơ tức là tôi viết về ai? Cái gì? Xin đáp ngay, tức là tôi viết về tôi, cho tôi và đồng thời cho tất cả mọi người. Tức là tôi viết như thể là chính tôi đang ở trong tuổi thơ và chính tuổi thơ đang ở trong tôi, đang lên tiếng trong tôi đang bay nhảy dưới ngòi bút tôi” (5). Những suy niệm của Huỳnh Phan Anh, ta có thể tìm thấy trong thơ thiếu nhi của Tôn Nữ Thu Thủy. Thế nên, Miền yêu thương trong phần thơ thiếu nhi viết về cuộc sống và con người của Tôn Nữ Thu Thủy qua những bài thơ nói trên đã thể hiện một tinh thần yêu thương, lòng nhân ái đối với con người và những gì gắn bó với cuộc sống tuổi thơ. Đó là một trang “vở mới”: “Trang vở như cánh sen/ Mở dịu êm bên em/ Mùi hương của màu trắng/ Đậu lên bàn tay em/ Em ngồi như búp măng/ Viết hàng chữ đầu tiên/ Nắn nót dòng mực tím/ Chữ tròn, vở xinh thêm” (Vở mới); Đó còn là hình ảnh cây thước thân thương: “Thước nhựa màu xanh/ Theo bé đến trường/ Giữa buổi nằm im/ Bên các bạn quen/ Bút chì vẽ nháp/ Bút mực ghi dòng (…) Đừng quên thước nhé/ Mỗi khi kẻ hàng”. Bài thơ “Qua phố đèn lồng” và “Chợ Xép” lại cho thấy tình mẹ con ấm áp, một điều có giá trị nhân tính sâu sắc mà tuổi thơ luôn khao khát: “Em cầm trên tay đèn lồng (…) Đêm ấm áp, đêm mùa xuân/ Phố cổ xưa đã thân quen/ Nhưng em chẳng rời xa mẹ/ Mẹ - vùng ánh sáng thân thương” (Qua phố đèn lồng); “Chợ nhỏ tên chợ Xép/ Tràn vật phẩm đời thường/… Mẹ dẫn em đến gặp/ Bao người quen lâu rồi” (Chợ Xép). Bài thơ “ Nhà cổ” thể hiện một niềm kính yêu đối với ông bà: “Ngôi nhà ở đó/ Im bóng bao năm/ Em thành kính nhớ/ Ông bà xa xăm” (Nhà cổ); Nhưng “Nhớ bà”, mới là bài thơ biểu hiện tình cảm tha thiết nỗi nhớ về Bà với những rung cảm sâu sắc: “Bao nhiêu nắng đã qua vườn/ Gốc cây ngọn lá nhớ thương bóng bà/ Bích đào lại thắm tình hoa/ Cháu nhìn theo mắt của bà ngày xưa” (Nhớ bà). Bên cạnh tình yêu đối với ông bà, cha mẹ và những vật dụng trong cuộc sống, thơ thiếu nhi của Tôn Nữ Thu Thủy còn hướng tình cảm các em đến những con người có phận số không may trong đời mà bài thơ “Tiếng trưa” là một biểu hiện của tính nhân bản ấy: “Tiếng rao vang bên ô cửa/ Nhắc em thầm biết giờ trưa/ Giỏ bánh trĩu trên tay nhỏ/ Bạn qua bao buổi nắng mưa (…) Tiếng rao vang xa ô cửa/ Tiếng trưa đọng ở lòng em/ Em hằng cầu mong cho bạn/ Bớt phần mưa nắng ngày đêm” (Tiếng trưa).

 

        Không chỉ ngợi ca những tình cảm cao đẹp theo kiểu minh họa một chiều, thơ thiếu nhi của Tôn Nữ Thu Thủy cũng phê phán những hiện tượng xấu trong xã hội đã ảnh hưởng đến nhân cách văn hóa của thiếu nhi như nạn đua xe của những “người hùng” ở tuổi mới lớn mà nhà thơ gọi là “những chú bé rối”: “Những chú bé rối/ Bày trò đua xe/ Lao vào đêm tối/Thấy mình oai ghê!/ Xe chạy như bay/ Lạng, lách như say!/ Vượt qua đèn đỏ/ Chẳng nhường một ai/ Nhất quyết tranh hơn/ Xe làm mũi tên/ Gió còn hoảng sợ/ Run cả lòng đường!” (Màn rối đua xe); Hay phê phán một hành vi nghịch ngợm của tuổi thơ: “Chỉ tại trò chơi đáng ghét/ Anh Hai quên mất điều lành!/ Em ngồi hàn gắn, an ủi/ Búp bê lại cười thật xinh” (Búp bê xinh ngoan); Và sự ghen tị không nên có qua một câu chuyện mang tính ngụ ngôn ở bài thơ “Họa mi và sáo”: “Chim sáo nhảy từng bước/ Buông lời từ lồng tre: / - Cớ sao mà đặc biệt?/ Sao nói được như ta?”, hay sự “tinh nghịch” “đáng trách” của chú mèo: “Bé Mi đi học về/ Mèo vàng được tháo gỡ/ Nhưng từ nay phải hứa/ Bớt nghịch ngợm trong phòng” (Chú mèo nghịch ngợm). Tuy nhiên những điều phê phán thói hư, tật xấu ở các bài thơ đều xuất phát từ tinh thần nhân bản, đó là lòng yêu thương con người, muốn con người tốt đẹp hơn, tiệm cận hơn với chân thiện mỹ. Đây cũng là  hệ giá trị nhân văn tỏa sáng trong thơ thiếu nhi Tôn Nữ Thu Thủy, tạo cho thơ chị gương mặt khả ái của người Chị, người Mẹ, người Bà, thủ thỉ với cháu con những lời tâm tình dịu dàng, sâu lắng như lời ru, chứ không phải rao giảng những điều giáo huấn cao đạo, xa lạ với tuổi trơ, nên dễ đi vào tâm cảm của các em và neo lại trong đó như một Miềm yêu thương ấm áp, nuôi dưỡng tâm hồn, để các em sống như một nhân vị chứ không phải là những phóng thể. Đây chính là phẩm tính tạo nên những giá trị trong tư tưởng và phong cách thơ thiếu nhi của Tôn Nữ Thu Thủy.

 

      5. Về mặt thi pháp, phần lớn các bài thơ thiếu nhi của Tôn Nữ Thu Thủy thường dùng lối thơ 4 hoặc 5 chữ / tiếng, ngắn gọn, súc tích theo kiểu các bài đồng dao để trẻ em dễ đọc, dễ nhớ, phù hợp với tư duy đơn giản của các em nên dễ tiếp nhận như các bài thơ: Trốn tìm; Bé vẽ tặng; Con cóc xấu xí; Trăng đi theo em; Hai con vật nhỏ; Tiếng dế; Đốm nắng và mèo; Lá hát; Mi tập bắn bi; Nhà Cổ; Giọt sương và vầng trăng; Chim sẻ; Cây thước… Có những câu thơ giàu mỹ cảm như “Tiếng đàn nho nhỏ/ Vọng đến bên em/ Mang theo màn đêm/ Mang theo hương cỏ” (Tiếng dế); “Có con chó đá/ Thương bậc thềm xưa/ Hồ sen nho nhỏ/ in bóng mây qua” (Nhà Cổ); Và những câu thơ giàu trí tưởng tượng, độc đáo, sáng tạo phù hợp với trẻ thơ: ‘Gió còn hoảng sợ/ Run cả lòng đường” (Màn rối đua xe), hay: “Chân trời màu gì/ Chân trời hình gì/ Khi em còn bé/ chân trời biết đi” (Có Một chân trời). Song, điều đáng tiếc, trong thơ thiếu nhi Tôn Nữ Thu Thủy, còn có một số bài thơ mang suy cảm của những người đã có quá trình nghiệm sinh trong cuộc sống, lẽ ra không nên đưa vào các tập thơ, vì không phù hợp với thể loại thơ thiếu nhi, dễ tạo nên sự gượng ép như bài “Chùa Cầu”: “Cầu xưa mái ngói rêu xanh/ Trầm ngâm chú khỉ ngồi canh tháng ngày/ Gần bốn trăm năm qua đây/ Như con sông lòng em đầy bóng xưa”; Hoặc bài “Pho tượng”: “Môi cười như thoảng gió/ Mắt nhìn theo bụi vàng/ Tay ngừng giữa điệu múa/ Chị giữ hoài tuổi xuân”; Và bài “Cây mộc”: “Mưa rơi trên cây suốt mùa đông/ Gió mạnh bẻ gãy đôi cành khô khốc/ Bất ngờ sớm mùa xuân nhận được/ Những lộc non xanh đến nao lòng”… Những hình ảnh “lòng em đầy bóng xưa”; “Chị giữ hoài tuổi xuân” và “lộc non xanh đến nao lòng” ấy, liệu có thể tìm thấy trong tâm tưởng của tuổi thơ không, hay đó là cái “nao lòng” riêng có đã ám ảnh tâm hồn thi sĩ Tôn Nữ Thu Thủy khi nhớ về những ký ức xa xăm nơi “Chùa Cầu”, “Pho tượng” hay một mùa đông xứ Huế!?... Câu trả lời giành cho Nữ sĩ!?

       Một điều, không thể không nói đến, khi tìm hiểu thơ thiếu nhi của Tôn Nữ Thu Thủy, đó là, trong hai tập thơ viết về thiếu nhi của chị vẫn còn những bài thơ, câu thơ dễ dãi, chưa đạt đến độ chín của tư duy và chiều sâu tâm hồn nên không tạo được cho người đọc những mỹ cảm cần thiết khi tiếp nhận như ở bài thơ: Khi biển sốt: “Khuôn mặt biển thay sắc/ Đó là lúc biển rất đẹp/ Đó là lúc biển thổi tiếp”; Và những câu thơ mòn, sáo, thường, thiếu sáng tạo, tuy không nhiều nhưng cũng đủ tạo nên những cơn sóng nhỏ xô bờ cản trở mỹ cảm người đọc, khi đến với thơ chị: “Cánh buồn nâu lướt gió/ người đánh cá tung lưới” (Thuyền đánh cá); “Lung linh cùng trời cao/ Vẫy gọi ánh mắt em/ Dường như gió xôn xao/ Sẽ bay đi và đến” (Nhầm lẫn) “Hoa hồng đỏ hoa hồng trắng/ Mẹ thường chăm sóc trước nhà” (Hoa hồng xanh)… Bởi, thơ bao giờ cũng là sự tinh lọc của ngôn ngữ và hình ảnh, và “bài thơ là tổ chức ở trình độ cao của ngôn ngữ, một tổ chức chặt chẽ, tinh tế của ngôn ngữ” (6) nên mọi sự dễ dãi trong sáng tạo nghệ thuật thơ đều vô tình giết chết thi ca. Vì, nói như Trần Nhựt Tân: “Ngôn ngữ thi ca là một ngôn ngữ có nội dung phản ảnh được dư vang nghệ thuật” (7).

 

      6. Thay lời kết:

Nhà sách Khai Trí, một nhà sách có uy tín ở miền Nam trước 1975, trong thư gởi phụ huynh chia sẻ về tình hình xuất bản sách thiếu nhi đã cho rằng: “Tương lai Việt Nam sau này hay dở đều do sự giáo-dục hiện nay của lứa tuổi thiếu nhi mầm non của đất nước. Chúng ta, cũng như hầu hết các phụ huynh học sinh, từ lâu hằng ao ước một tủ sách giáo dục lành mạnh dành cho con em, để tránh cho các trẻ khỏi phải đọc loại sách nhảm nhí (...) Để góp phần vào sự giáo dục trẻ em Nhà sách Khai Trí cộng tác với một số nhà văn nhà giáo tha thiết đến tương lai con em cho xuất bản loại sách nhi đồng TUỔI THƠ, một loại sách giải trí lành mạnh viết đúng chính tả, văn phạm ổn định rõ ràng … Chúng tôi hy vọng loại sách nhi đồng TUỔI THƠ sẽ giúp ích cho các em và là món ăn tinh thần cần thiết của thiếu nhi Việt- Nam” (8).

Tôi nghĩ rằng những điều nhà sách Khai Trí trăn trở về viết và xuất bản sách thiếu nhi ở miền Nam trước 1975, cũng là những câu hỏi đặt ra cho hôm nay, đối với những người có Tấm lòng với trẻ thơ thật sự chứ không phải qua những “khẩu hiệu”!? Và điều này, có thể tìm thấy trong thơ thiếu nhi Tôn Nữ Thu Thủy như trong lời nói đầu tập truyện ngắn dành cho thiếu nhi Dòng sông khoảng trời, (Nxb. Giáo dục, H, 2008), chị đã chia sẻ: “Với tôi, thời ấu thơ quả là đã mở ra cho tôi cả một thiên đường không thể nào quên được” (9). Vì không thể quên được tuổi thơ, chị đã dành những trang thơ đẹp nhất trong hành trình sáng tạo thơ để viết thơ thiếu nhi như tìm lại tuổi thơ của mình mà thời gian vô tình đã “đánh cắp”. Bởi, theo Huỳnh Phan Anh: “Tuổi thơ chính là cái gì ở bên trong mỗi con người chúng ta. Người ta vẫn gọi đó là thiên đường đã mất. Vâng nó phải mất đi để những rung động về nó ngày một trở nên có thật hơn bao giờ và tồn tại mãi mãi. Viết về tuổi thơ cũng như đọc về tuổi thơ, tức là một lần nữa, sống chính cái tuổi thơ, không phải của một ai khác, mà là của chính mình” (10). Thơ thiếu nhi của Tôn Nữ Thu Thủy là sự hóa thân của chính mình. Vì vậy, nó chân thành, cởi mở nên đạt một hiệu ứng mỹ cảm diệu kỳ như sự diệu kỳ của thế giới tuổi thơ mà điều làm nên sự diệu kỳ ấy, không chỉ ở thi pháp mà còn ở tính nhân bản trong thơ thiếu nhi của Tôn Nữ Thu Thủy.

      Nhìn từ thực tiễn đời sống xã hội và văn học hôm nay, khi những nhà văn dành tâm huyết cho văn học thiếu nhi ngày càng vơi dần, việc đọc lại những tập thơ thiếu nhi của Nữ Nhà thơ, Nhà giáo Tôn Nữ Thu Thủy, trong đó, giá các nhà biện soạn sách giáo khoa chọn một số bài đưa vào giảng dạy, trên tiêu chí tính mỹ cảm và tính nhân bản, chắc sẽ không gặp nhiều “rắc rối” như việc chọn một số bài thơ “thiếu nhi” đang gây tranh cãi hiện nay. Bởi, như Huỳnh Phan Anh đã đặt vấn đề: “Văn chương tuổi thơ, nếu người ta được phép gọi như thế, không là một thứ văn chương chống lại người lớn. Le Petit Prince của Saint – Exupery có phải dành riêng cho tuổi nhỏ? Nhưng tại sao viết về tuổi thơ là điều khó? Tại sao những tác phẩm viết cho lứa tuổi đó, ngày một trở nên hiếm hoi? Tại sao khi viết về tuổi thơ, người ta chỉ thật ra, viết chống lại người lớn và tệ hại hơn, viết chống lại chính tuổi thơ? Tại sao? Có phải tại vì tuổi thơ ngày một biến mất chung quanh chúng ta và ngay trong mỗi người chúng ta” (11). Từ cảm quan này, việc dấn thân vào hành trình sáng tác cho thiếu nhi của Tôn Nữ Thu Thủy có ý nghĩa xã hội sâu sắc trong việc thực thi sứ mệnh cao cả, dùng văn chương để cảm hóa con người và đó cũng là phẩm tính của Miền yêu thương chị dành cho “thế giới tuổi thơ” mà mình trân quí …

 

                Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp; Những ngày đại dịch Covid, 7/9/2021

Chú Thích:                                                 

    (1) (4) (9) Tôn Nữ Thu Thủy, Dòng sông khoảng trời, Nxb. Giáo dục, H, 2008, tr.8, tr.7, tr.7

    (2) Tôn Nữ Thu Thủy, Dưới mái nhà xanh, Nxb. Văn hóa Văn nghệ, 2017, tr.5

    (3) Nguyễn Mai, “Sách báo tuổi thơ, một tình trạng kém khích lệ” Ý Thức số 15 ra ngày 15/5/1971, tr.10

   (5) (10) (11) Huỳnh Phan Anh “Viết về tuổi thơ” Ý Thức số 15 ra ngày 15/5/1971, tr.17, tr.18, tr.18

   (6) Xuân Diệu, Công việc làm thơ. Nxb. Văn học, H., 1994, tr. 56

   (7) Trần Nhựt Tân, Dư vang nghệ thuật, Nxb. Hạnh, Sài Gòn, 1971, tr.101

   (8) Nhà sách Khai Trí, Thời tập số 22, ra ngày 24/3/1975, tr.96

 

 

 

 

 

Trần Hoài Anh
Số lần đọc: 495
Ngày đăng: 28.10.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thơ Mới và sự hiện hữu trong văn học miền Nam 1954 -1975 (Viết nhân 90 năm Thơ mới) - Trần Hoài Anh
Nhân vật bình dân trong một dòng văn xuôi tự sự địa phương - Yến Nhi
Thanh Thảo, hát giữa gió mưa - Nguyễn Đức Tùng
Về 2 chữ “Te tẻ” trong bài thơ “Chiều lạ” - Đặng Xuân Xuyến
Trần Quang Quý, ta lẻ loi đơn chiếc biết nhường nào - Nguyễn Đức Tùng
Lương Minh Vũ với lãng đãng khói sương hoài niệm - La Thụy
Một chút tâm sự khi đọc thơ Nguyễn Tuyển - Đặng Xuân Xuyến
Cảm nhận và bình thơ Trần Thoại Nguyên - Nguyễn Đại Hoàng
Cái nhìn nhàn nhã về Thơ Văn Trần Yên Hòa - Cung Tích Biền
Bàn tay nhỏ dưới mưa – tình yêu là hiến dâng - Huỳnh Thiên Kim Bội
Cùng một tác giả
Thanh Thảo và Thơ (tiểu luận)