Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.187
123.211.685
 
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 27)
Phan Tấn Uẩn

                                                                                                                                                                                                                                                                                    

            Chiến tranh chấm dứt, chúng tôi dự tính qua Thụy Sĩ tìm hiểu phương kế sinh sống. Chú Nghiên rời xưởng gỗ quay trở lại làm việc với Phùng Bích theo phân công quốc tế của ICRC.Họ chuẩn bị đến các quốc gia khác.Tôi sẽ phải chọn một trong hai hướng : Phùng Bích bảo lãnh  để có thường trú ở Thụy Sĩ hoặc qua tiểu bang Hardy hội nhập với cuộc sống mới. Không vội vàng chọn lựa dứt khoát, tôi lên máy bay qua Hardy. Cha mẹ vui mừng đón tôi sau hơn sáu tháng chờ đợi. Tôi gặp lại Ricard. Ông hỏi tôi có dự tính gì, tôi nói chưa có quyết định nào. Emily trở thành bạn gái của Ron , cả hai tìm công việc thích hợp tại các tiểu bang khác.

            Một lần nghĩ đến quê hương Hóa Châu, tôi sực nhớ lời Thibault khi đọc thấy trên diễn đàn Đại Học Hardy, một nhóm năm sinh viên đủ quốc tịch tranh cãi  về cách thành lập một quốc gia. Tôi lân la tìm gặp các sinh viên nầy đang tụ họp vui đùa trong một phòng học bỏ trống.

            “ Các bạn thông cảm.” Tôi mở lời làm quen. “ Từ sáng đến giờ tôi rảo khắp các địa điểm canteen, thư viện, khu giải trí, sân vận động … để hỏi  thăm các bạn…”

            Cả năm sinh viên ngơ ngác ngước nhìn tôi. Một người định nói gì đó, nhưng tôi kịp nói trước anh ta .

            “ Tôi là sinh viên lâu năm của giáo sư Thibault.”

            Nghe tên Thibault,một người kéo ghế mời tôi ngồi chung bàn như ngầm chấp nhận tôi là một thành viên mới trong nhóm của họ.Điều nầy cho thấy họ ngưỡng mộ Thibault không kém gì tôi. Lần lượt từng người tự giới thiệu surname với tôi : Garcia, Gonzales, Sanchez, Morales , Vega. Nghe surname tôi biết ngay đó là tên họ của dân Hispanic có gốc Tây Ban Nha.

            “ Tôi không hiểu lý do nào khiến các bạn tranh cãi về chuyện thành lập một quốc gia mới…Câu chuyện nầy rất li kỳ, nếu không nói là …kỳ dị”

            Morales đốp chát ngay :

            “ Anh bảo chúng tôi kỳ dị, tức là anh cũng kỳ dị…”

            Câu trả lời nhanh gọn của Morales khiến tôi nghĩ nó thông minh, vì chính tôi đi tìm họ …

            “ Các bạn biết không” Tôi vào đề. “ Có một lần Thibault lục lại bài ghi chép của tôi lúc còn ở Nam Thường, nói về thể chế trung lập của Thụy Sĩ và tỏ ra quan tâm đặc biệt. Không phải ông tán thành biến Giao Thường của tôi thành một nước trung lập, mà ông thích cách suy nghĩ của tôi. Ông nói rằng, không thể áp dụng thể chế trung lập cho Giao Thường vì gọng kềm của Hoa Quốc, nhưng bản ghi chép của tôi gợi ra câu hỏi lớn tại sao không có ý tưởng thành lập một quốc gia khác ở ngoài lãnh thổ Giao Thường, vì cọng đồng thuyền nhân hải ngoại đã lên đến mấy triệu người. Ông bảo tôi thử tìm hiểu bằng cách nào để có thể thành lập một quốc gia mới quy tụ ba triệu thuyền nhân Giao Thường rời bỏ đất nước sau cuộc chiến. Đây là việc lớn ngoài sức tưởng tượng của tôi…”

            “ Đã biết vậy, sao anh còn tìm gặp chúng tôi với mục đích gì, vì chúng tôi tranh cãi chuyện thành lập một quốc gia mới như một trò chơi trí tuệ …” Sanchez lên tiếng.

            “ Các bạn có biết chuyện gì đang xẫy ra với người Giao Thường hiện nay không ? Chúng tôi không thể đứng ngoài làn sóng vượt biên sôi sục trong cọng đồng. Mỗi người có cách riêng tham gia hoạt động xã hội để giải quyết các nhu cầu vật chất và tinh thần cho người tị nạn. Với Thibault, ông có khả năng sáng lập một quốc gia mới cho mấy triệu người Nam Thường đang tạm trú trong các trại tị nạn trên thế giới…”

            “ Thibault mắc nợ gì với Giao Thường để phải làm chuyện đội đá vá trời nầy ?”

            “ Bà mẹ Thibault người Giao Thường …”

            “ Cám ơn anh. Quên hỏi tên anh là gì ?” Sanchez nói.

            “  Bạn học gọi tôi là Nolan…”

            “ Có phải anh mượn tên Philip Nolan trong truyện The Man Without A Country ?”

            “ Just a little bit alike …”

 

            Trò chuyện thân tình với họ, tôi muốn nhân dịp nầy nhắc đến cuộc tranh cãi trên diễn đàn sinh viên.Tôi mời họ một bữa cơm Hóa Châu ở canteen ..

            “ Các bạn đã biết lý do chúng ta gặp nhau .Tôi cần báo cho Thibault biết tôi đã làm được gì theo gợi ý của ông .”  Sau bữa ăn, tôi vào chuyện.

            “ Như Sanchez vừa nói với anh, chỉ là chuyện vui thôi.”  Garcia mở đầu.

            “ Vui cũng phải có kiến thức mới nói được. Tôi không quen tưởng tượng một cách thơ mộng như các bạn. Bạn nghĩ thế nào cứ nói để tôi ghi lại đưa cho Thibault xem… Garcia nói trước đi.”

            “ Giả sử tôi có năm chục ngàn tỷ đô la để thành lập đất nước riêng của  mình,” Garcia nói, “tôi sẽ bắt đầu như thế nào và  cần những điều kiện gì ? Trước hết, cần có lãnh thổ. Với ngân sách khổng lồ đó , tôi có thể dùng tiền mua đất. Tôi sẽ mua các hòn đảo. Bằng cách đó, tôi sẽ thực sự độc lập. Có hàng ngàn hòn đảo tôi có thể bỏ tiền mua lại. Sau đó, có thể liên kết chúng với nhau như Nhật Bản.Về dân số, để có người đến ở trên đảo quốc của tôi, tôi có thể đăng báo quảng cáo hoặc nhận người tị nạn. Tôi thông báo cho công chúng biết tôi đang xây dựng một quốc gia mới. Tôi tin chắc sẽ có hàng triệu người ghét bỏ đất nước họ để di cư đến đảo quốc của tôi.Với người tị nạn,họ thực sự cần nơi để ở. Họ đến từ các vùng chiến sự hoặc bị áp bức trong các nước độc tài. Tôi sẽ thuê một con tàu, giải thích nhiệm vụ của con tàu và đưa họ đến đảo quốc . Đã có đất và người. Tiếp theo, tôi sẽ tìm luật sư từ các quốc gia khác, trả tiền để họ soạn thảo hiến pháp tốt nhất có thể. Chọn những luật sư giỏi nhất trên thế giới trong các lãnh vực pháp lý liên quan. Có thể phải trả nhiều tiền và đề nghị  những người này nhận các chức vụ trong nội các.Ví dụ, đề nghị  Mark Zuckerberg giữ chức Bộ Trưởng Thông Tin… Về cơ sở hạ tầng, tốn khoảng một nghìn tỉ dollar để có điện, nước, đường sá, bệnh viện, trường học, nhà ở. Số tiền còn lại, tôi đưa hết vào ngân hàng quốc gia lưu trữ. Sau đó, tôi sẽ chọn chế độ chính trị. Đảo quốc của tôi, tôi không ngần ngại chọn quân chủ lập hiến…Sau đó, tôi đặt tên quốc gia, thành lập chính phủ, chọn thành phần lãnh đạo.Cuối cùng, đăng ký với cộng đồng quốc tế (LHQ) để mở rộng bang giao và  mở cửa cho ngoại quốc đầu tư ….”

            Có tiếng vỗ tay, cười đùa vui nhộn.Tôi nhận xét :

            “ Garcia đang ấp ủ giấc mơ làm vua một nước… Xin chúc mừng… Hôm trước tôi đọc báo thấy trong nhóm  các bạn có người đề cập đến chuyện thuê một quốc gia bảy chục ngàn dollars một ngày…”

            “ Chính nó đây.” Gonzales chỉ tay vào Morales.

            “ Hôm đó tôi đặt câu hỏi ,cần bao nhiêu tiền để mua một quốc gia ,”  Morales lên tiếng. “Và lấy câu chuyện Liechtenstein cho thuê với giá bảy chục ngàn dollars  một ngày, tôi không biết tình hình bây giờ thế nào, nhưng chúng ta có thể lấy đó làm cơ sở. Câu hỏi đặt ra là, với tiền thuê như vậy thì giá mua cả quốc gia Liechtenstein là bao nhiêu ? Điều nầy tính theo tỉ lệ , ví dụ một phần trăm tiền thuê trên giá mua tức là bạn phải trả 2 tỉ 555 triệu dollar để mua quốc gia Liechtenstein. Rẻ chán. Nói cách khác việc mua một quốc gia giống như mua một doanh nghiệp. Có lẽ, khi mua một quốc gia, người mua thực sự chỉ mua các tổ chức quản lý và tài sản liên quan, chứ không phải mọi doanh nghiệp và nhà ở, vì vậy GDP không phải là thước đo tốt nhất để xem xét, mà là doanh thu của chính phủ. Chính phủ Liechtenstein thu về một tỷ đô la hàng năm với chi phí 900 triệu đô la. Đây chỉ là ước tính cho một năm (tôi không thể tìm thấy thông tin về ngân sách cho tất cả các năm), vì vậy rất khó để nói thặng dư ngân sách thông thường của Liechtenstein là bao nhiêu, nhưng chúng tôi có thể ước tính khoảng 100 triệu đô la vào lúc này. Tất nhiên, nếu ai đó thực sự mua một quốc gia để thu lợi từ đó, họ có thể sẽ tăng doanh thu và giảm chi phí, ở đây giả định người mua được đề cập thực sự muốn trở thành một nhà cai trị nhân từ. Có rất nhiều lý thuyết về cách định giá một doanh nghiệp, nhưng hầu hết công nhận giá một doanh nghiệp thường gấp khoảng mười lần thu nhập. Như vậy giá Liechtenstein ở mức một tỷ đô la, có vẻ hợp lý. Liechtenstein độc đáo ở chỗ nó thực sự có thặng dư ngân sách đáng kể, vì vậy nếu cố gắng định giá các quốc gia khác, người ta sẽ phải tính toán tiềm năng thu nhập…”

 

            “ Chuyện Morales đi mua một quốc gia không khác gì một anh lái buôn…”  Tôi nhận xét. Cả bọn cười theo tôi. Đến lượt Gonzales nói về giấc mơ của mình. :

            “ Ví dụ tôi có mười nghìn tỷ đô la, tôi có thể thành lập quốc gia riêng của mình được không ? Tôi nghĩ có thể được với quy mô định cư và đầu tư ở một quốc gia nhỏ. Ngay cả một quốc gia quy mô trung bình như Chile hay Nam Phi cũng có thể sống bằng số tiền đó trong một thập kỷ mà vẫn giàu có. Với số tiền đó,tôi có thể dùng một ngàn tỷ đô la để mua đất, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển nhà ở cho người dân . Chăm sóc sức khỏe  cần một trăm tỉ đô, trong đó hai mươi tỉ xây nhà và tám chục tỉ trả lương cho nhân viên và thiết bị. Khoa học công nghệ,và sản xuất cần đầu tư một ngàn tỉ.Về thực phẩm,cần đầu tư vào các trang trại và nhập khẩu các loại thức ăn khác, tốn khoảng một ngàn tỉ. Quân đội quốc gia cần ít nhất một ngàn tỉ để trở thành lực lượng quân sự đáng kể. Quân đội nầy sẽ  chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền quốc gia.”

            Gonzales nêu ra một ý tưởng khác :

            “ Ví dụ khác, tôi cần có bao nhiêu tiền để mua đứt quốc gia Nam Phi ? Đầu tiên, hãy bỏ qua số liệu thống kê về GDP của Nam Phi. Sự ổn định và tăng trưởng kinh tế của Nam Phi đã đóng vai trò như một thỏi nam châm hay kim chỉ nam cho người xin tị nạn từ các quốc gia lân cận bất chấp sự phổ biến của nạn phân biệt đối xử và bạo lực bài ngoại.Nam Phi là một trong những quốc gia phát triển nhất trên Lục địa châu Phi .Nam Phi là thành viên của BRICS , cũng là một thị trường mới nổi có thu nhập trung bình nằm trong số các cường quốc toàn cầu. Câu hỏi lớn đặt ra ở đây :  nếu bán quốc gia Nam Phi thì châu Phi sẽ còn lại gì với tư cách là một lục địa ? Bạn thử trả lời coi…”

            Gonzales nói câu cuối khiến Vega cười lớn và trả lời một cách khôi hài :

            “ Khi nào ông bán xong nước Nam Phi mình sẽ có câu trả lời . ” 

            Cả bọn lại cười .Tôi ra dấu bảo Vega chờ tôi ghi xong câu chuyện “điên rồ” của Gonzales.Một lúc sau Vega trình bày chuyện của anh ta :

            “ Về phần tôi, cần thực hiện ba bước để trở thành một quốc gia tân lập. Bước một,tuyên bố độc lập để thành lập quốc gia mới với điều kiện  đáp ứng các quy tắc luật pháp quốc tế theo Công ước Montevideo về quyền và nghĩa vụ của các quốc gia, được thông qua vào năm 1933. Một yêu cầu khác là đòi hỏi quốc gia tân lập phải đàm phán các vấn đề về quyền công dân và cư trú, vì có thể có hàng triệu người nước khác đang sinh sống và làm việc tại quốc gia mới.Dĩ nhiên quốc gia mới thành lập đã có chính phủ,và có tham gia quan hệ ngoại giao với các quốc gia có chủ quyền khác. Bước hai,để hợp pháp, quốc gia mới phải  được quốc tế công nhận. Mỗi quốc gia sẽ công nhận theo quyết định riêng của mình. Để nhiều nước khác công nhận đòi hỏi phải vượt qua nhiều rào cản chính trị, nhưng đây là điều bắt buộc.Bước ba,tham gia Liên Hiệp Quốc. Liên Hiệp Quốc khẳng định bản thân không phải là một quốc gia, không có bất kỳ thẩm quyền để công nhận một nhà nước hoặc chính phủ nào. Nhưng việc một tân quốc gia gia nhập Liên Hiệp Quốc sẽ dễ dàng được cộng đồng Quốc tế công nhận.”

            Câu chuyện Vega nói có vẻ nghiêm túc. Tôi nhận xét :

            “ Vega trình bày như một luật sư công pháp quốc tế, phải không ? Hình như bạn sắp trở thành luật sư ?”

            “ Sắp tới,Vega và tôi sẽ mở chung văn phòng luật sư.”    Sanchez nói và  trình bày ý tưởng của mình :

            “ Một quốc gia mới cần các điều kiện nào ? Số lượng các quốc gia trong Liên Hiệp Quốc đã tăng từ 51 vào năm 1945, đến nay đã lên đến 193. Bốn nguyên tắc có thể xác định rõ ràng liệu một địa điểm có thể được coi là một quốc gia hay không.Công ước Montevideo tại Uruguay năm 1933 nói rằng một khu vực muốn trở thành một quốc gia phải đáp ứng bốn yêu cầu : có một dân số thường trú, một lãnh thổ xác định, một chính phủ và khả năng hình thành quan hệ với các quốc gia khác. Thêm vài điều kiện ngoại lệ nhưng không kém quan trọng phải được đáp ứng, bao gồm bằng chứng rõ ràng rằng đa số người dân đã tự do lựa chọn độc lập, và các nhóm thiểu số được đối xử bình đẳng …”

 

            Mặc dù buổi trò chuyện trên chỉ có tính vui đùa của tuổi trẻ, nhưng nó vẫn giúp tôi biết những giấc mơ ẩn tàng đâu đó của con người thời đại.

            Nói về thực trạng của người Nam Thường rời bỏ đất nước, tạp chí Văn Cầm hải ngoại với chức năng đặc thù, đã mời bạn đọc các giới đóng góp thảo luận về tầm quan trọng của nghệ thuật và văn hóa đối với các cộng đồng di tản và những người làm việc với họ. Nghi ông đã mất nhiều thì giờ liên lạc với họ và đúc kết thành bài báo đăng trong số tục bản của Văn Cầm ở hải ngoại, nhan đề “Giới thiệu văn hóa lưu vong”. Nội dung tóm lược như sau …

 

            Giai đoạn mới sau chiến tranh có thể khơi dậy hy vọng và những dự định tốt đẹp cho tương lai của những người Giao Thường hải ngoại, nhưng nó lại mang theo gánh nặng của những xung đột quá khứ và cả tương lai. Ricard muốn Nghi ông liên lạc với tất cả văn nghệ sĩ đã rời khỏi Nam Thường và đang sống rải rác khắp các nước trên thế giới, tham vấn ý kiến xem họ muốn gì, nghĩ gì…Mỗi tác giả viết một đoạn ngắn, nêu bật một hoặc hai vấn đề liên quan đến di cư mà họ tin rằng cần phải giải quyết cấp bách trong thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ mới. Hầu hết bị thúc giục hành động về những vấn đề gần gũi với cảm xúc của họ. Một vài người đề cập đến những phát triển mang lại cho họ hy vọng trong khi những người khác lại ít đề cập đến sự lạc quan. Nói chung, các chủ đề thảo luận đều có ý nghĩa quan trọng đối với những người làm việc liên quan đến người tị nạn…

            Do những điều này và do áp lực về các nguồn lực sẵn có – cả tài chánh và nhân sự - có vẻ như các ưu tiên cần tập trung chặt chẽ hơn bao giờ hết vào những nhu cầu cấp thiết nhất của những người phải di dời, chẳng hạn như nơi ở, thực phẩm và bảo vệ.

            Đặc biệt với văn hóa nghệ thuật …

            “Tự do thể hiện bản sắc văn hóa của một người có thể là cách hiệu quả để duy trì sức khỏe tinh thần và thậm chí cả thể chất của cộng đồng. Tự do ngôn luận phải là một quyền được tôn trọng . Các hình thức thể hiện thay đổi văn hóa sẽ giúp chúng ta biết suy nghĩ đúng đắn và lập kế hoạch tốt.”

            "Khi mọi người chạy trốn khỏi mối đe dọa của cái chết và sự mất tích hoàn toàn, những câu chuyện mà họ mang theo có thể là tất cả những gì còn lại của tính cách đặc biệt của họ để cung cấp cho sự liên tục trong tương lai."

            “ Việc tạo điều kiện cho những người di tản giữ lại tất cả những gì có tính cách đặc biệt của họ có thể là yếu tố quan trọng cho tương lai và sức khỏe của họ, để gắn kết họ với nhau như một cộng đồng, và để duy trì hoặc khôi phục phẩm giá của họ sau những tổn thương của cuộc sống lưu vong.”

            Nhà văn nữ Lê Vy, trong cuốn "Văn hóa truyền thống và phúc lợi của người tị nạn ", mô tả mối liên hệ cụ thể giữa việc xử dụng trang phục của một nhóm người tị nạn với sức khỏe tinh thần và thể chất của họ. Bà nhấn mạnh sự cần thiết của những người làm việc với các cộng đồng di dân để nâng cao nhận thức và sự nhạy cảm đối với các vấn đề văn hóa, nhằm tối đa hóa hiệu quả của các chương trình trợ giúp của họ.

            Trong “Âm nhạc và cuộc sống người tị nạn ”, John Nguyễn xem xét vai trò của âm nhạc trong cuộc sống của các nhóm người tị nạn Giao Thường khác nhau ở California, tập trung vào các câu hỏi về tình đoàn kết cộng đồng và tính liên tục của văn hóa truyền thống.

            Harris Phan tìm hiểu người tị nạn Giao Thường đã xây dựng cộng đồng lưu vong một cách có ý thức như thế nào. Trong "Hình ảnh lưu vong", nữ tác giả mô tả mục tiêu của cộng đồng trong việc duy trì một số khía cạnh của truyền thống trước khi lưu vong .Bài viết tiếp theo xem xét cách các cơ quan có thể xử dụng các yếu tố nghệ thuật và văn hóa như thế nào để cải thiện sức khỏe và hạnh phúc của các cá nhân và cộng đồng tị nạn.

            Về vai trò của nghệ thuật trong việc chăm sóc và bảo vệ tâm lý xã hội cho trẻ em di tản, những người Giao Thường hải ngoại làm việc trong UNICEF như Bo Trần, Nylund Nguyễn, Jean Hoàng và Peter Võ phân tích các yếu tố trong các chương trình của UNICEF để xử dụng nghệ thuật, kịch, khiêu vũ và âm nhạc trong việc chăm sóc và bảo vệ tâm lý của trẻ em di tản. Bài báo dựa trên các ví dụ từ Kosovo, Colombia, Sri Lanka, Algeria, Croatia và Rwanda. Tiếp theo là một bài báo ngắn của nhà báo Trần Thống, có tựa đề 'Phục hồi tâm lý xã hội của trẻ em di tản', tập trung chặt chẽ hơn vào việc xử dụng âm nhạc, nghệ thuật, sân khấu và thể thao khi làm việc với trẻ em.

            Chúng ta cần mở rộng hiểu biết về điều quan trọng nhất của người tị nạn Giao Thường trên khắp thế giới là xây dựng những nơi trú ẩn, các trạm y tế và ngăn chặn các vụ lạm dụng,song song với việc tiếp tục duy trì văn hóa cộng đồng tị nạn dưới nhiều hình thức …”

 

***

            Cuộc chiến Giao Thường đã kết thúc nhưng thế giới gọi tên cuộc chiến không giống nhau. Phần lớn những nhà nghiên cứu lịch sử chiến tranh gọi nó là cuộc chiến ủy nhiệm hoặc chiến tranh Giao Thường, có người gọi là chiến tranh thử nghiệm.Tập đoàn New Hardy không liên can gì đến cuộc chiến nầy.Khi họ thu xếp ra đi, chúng tôi không gọi chuyển động nầy bằng những cái tên dính đầy màu sắc chính trị như di tản , tháo chạy hay nạn nhân chiến tranh… Đơn giản đây chỉ là công việc chuyển tiếp từ Nam Thường trở về Gốc Hardy. Khi con tàu viễn dương về đến tiểu bang Hardy,tất cả sinh viên, nhân viên và ban bệ làm việc của tập đoàn New Hardy đều được lắp ghép vào hệ thống cơ sở có sẳn tại Đại Học gốc. Công việc cũ tiếp tục quay đều vì hầu hết giáo sư dạy tại New Hardy đều xuất phát từ Đại Học gốc. Từ ngày ấy, không ai còn để ý hay bận tâm đến cuộc chiến ủy nhiệm . Họ nhanh chóng hội nhập vào cuộc sống mới sôi động hào hứng. Các tên tuổi Ricard , Thibault, Emily … trở về với công việc giảng dạy cũ. Riêng Thibault, ngoài một số giờ đảm trách theo chương trình, ông thường được mời diễn thuyết các vấn đề văn hóa, giáo dục tại các tổ chức , hiệp hội liên quan trên thế giới. Ông cũng không quên lui tới công ty vận tải Bernard Thibault của ông , nơi khai thác tàu Hardy và một số con tàu khác…

            Nếu bạn thấy,sau chiến tranh, các vấn đề New Hardy tham gia như chuyện lập quốc, tị nạn,cứu vớt thuyền nhân … đều do lương tâm cá nhân của Ricard, Thibault quyết định theo  thời thế.

            Riêng cá nhân tôi, tôi không tin người tị nạn Giao Thường có khả năng lập một tân quốc gia. Tôi chỉ nghĩ rằng,việc chuyển đến một quốc gia mới là bước tiến lớn kéo theo rất nhiều thay đổi, dù nó không quá quyết liệt! Có nhiều cách khác nhau để diễn giải giấc mơ về việc chuyển đến một đất nước khác. Tôi cho đó là nhu cầu của một cuộc phiêu lưu vì tiến bộ và trốn tránh các rủi ro khủng bố…

 (Còn tiếp)

 

Phan Tấn Uẩn
Số lần đọc: 460
Ngày đăng: 19.11.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cõi hồng (Chương 1/ Đoạn 1) - Bùi Minh Vũ
Nhịp tim vĩnh cửu (Phần 2) - Đỗ Nguyễn
Nhịp tim vĩnh cửu (Phần 1) - Đỗ Nguyễn
Chuyện viễn mơ thời chiến ( Chương 26) - Phan Tấn Uẩn
Mùa xanh biển lặng (Phần cuối) - Đỗ Nguyễn
Mùa xanh biển lặng ( Phần 10 ) - Đỗ Nguyễn
Mùa xanh biển lặng ( Phần 9 ) - Đỗ Nguyễn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 24) - Phan Tấn Uẩn
Mùa xanh biển lặng ( Phần 8 ) - Đỗ Nguyễn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 22) - Phan Tấn Uẩn
Cùng một tác giả
Đêm Mù Mộ Địa (truyện ngắn)
Chuyến về quê (truyện ngắn)
Giấc mơ chiếu manh (truyện ngắn)
Trên sợi tóc buồn (truyện ngắn)
Quán về khuya (truyện ngắn)
Phố đỏ (truyện ngắn)