Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.120
123.228.792
 
Để cho ngày ngắn thơm hoài tình thơ
Trang Thùy

 

 

 

     Khi hay thông tin từ Hiệu sách Hải Hạc Book Store đã có tập thơ Để Cho Ngày Ngắn của tác giả Võ Thị Như Mai tôi đã vội vàng thu xếp để đến với tập thơ này. Cũng vì bấy lâu nay tôi đã nóng lòng chờ đợi kể từ khi tác giả bật mí chút ít về tập thơ sẽ ra mắt trong tương lai. Không hẳn là vì tôi sợ hết phần của mình, không hẳn như thay một lời cám ơn đáp trả lần chị đã viết lời bạt Gởi Gió Thanh Tao Xin Nhận Nắng Hồng cho cuốn Thơm xứ Thần Kinh của tôi. Lần ấy chị đã lấy của tôi những giọt nước mắt cảm động vì không nghĩ rằng chỉ mới quen nhau mà chị đã hiểu và thấu cảm cùng tôi đến thế; tôi chỉ muốn là độc giả đầu tiên của chị, "người đàn bà thơ" tôi dành những tình cảm quý mến, trọn tấm tình, trọn những vần thơ!

     Chúng tôi thân nhau chưa quá lâu nhưng cũng không phải ngắn. Có lẽ cũng bắt đầu từ tập thơ song ngữ Việt - Anh "Tứ Tuyệt Covid 19" Võ Quê - Võ Thị Như Mai. Sau này biết nhiều về chị hơn nhiều lúc tôi đã phải ngạc nhiên mà thốt lên rằng: "Cô ấy lấy đâu ra thời gian, cảm xúc mà sáng tác nhiều đến như thế nhỉ!" Không chỉ là thơ, Võ Thị Như Mai còn viết tản văn, dành thời gian quan tâm trải lòng cùng tác phẩm những bạn văn của mình với nhiều bài giới thiệu sách đầy xúc cảm, sắc sảo và chân tình. 

     Võ Thị Như Mai đã rất trải lòng cùng bạn bè, chan hoà, đồng cảm chia sẻ thậm chí đôi lúc quên cả bản thân mình, thời gian dành cho mình ngoài công việc hằng ngày đứng lớp. Hiện là giáo viên tại Tây Úc, quê gốc ở Mỹ Chánh, Quảng Trị, chị còn là một dịch giả với những từ ngữ sâu sát, nhạy bén trong rất nhiều bài thơ của các thi hữu của mình, được biết tác phẩm Song Ngữ Bạn Bè sẽ ra mắt độc giả trong nay mai. Làm thơ đã khó, dịch một bài thơ sao cho ý thơ của tác giả nguyên vẹn mà vẫn bay bổng, mềm mại với ngôn ngữ nước ngoài không phải dễ chút nào và không phải ai giỏi ngoại ngữ cũng làm được điều này. Nhưng nhà thơ Võ Thị Như Mai đã làm được và thậm chí còn nhiều là đằng khác.

     Thực sự tôi vẫn hay mâu thuẫn như thế giữa cách nghĩ chị là cô gái trẻ trung xinh tươi hay người đàn bà chín chắn đã từng bươn chải, bôn ba nơi đất khách quê người một thân một mình. Chị dành tình thương cho con bằng tấm lòng bao la của một người mẹ như bao bà mẹ trên trái đất này. Những câu thơ chị dành tặng con trai như được rút ruột ra đúng như một góc tập thơ chị đề tặng cho ba, mẹ, o, con trai bé bỏng và cho chính mình: "... Khi con chào đời/ mẹ con mình vụng về như nhau/ Ông trời quên gửi lời hướng dẫn/ Xin lỗi con mẹ cố hết sức mình/ Xin lỗi con những phút bất bình/ nếu con chưa một lần hờn dỗi/ Chắc hẳn mẹ đã sai..." Thật, khoé mắt tôi đã cay cay. Cùng làm mẹ như nhau, tình mẹ của người đàn bà làm thơ càng tha thiết, tuyệt đối dành cho con trong từng câu chữ tuôn trào thấm đẫm tình mẫu tử.

     Con người có những lối rẽ khác nhau lúc trưởng thành và như một định mệnh cuộc đời vận chị vào số tha hương. Thân gái dặm trường chị vừa là phụ nữ vừa là đàn ông trong nhà, làm sao khỏi có khi chạnh lòng thương về cố quận, làm sao không nguôi nhớ thương khi nghĩ về mẹ già đang quạnh hiu ở quê nhà. Đà Lạt là quê hương thứ hai của chị kể từ khi chị rời xa Quảng Trị và trong tập Để Cho Ngày Ngắn chị vẫn dành cho Đà Lạt những tình nghĩa thắm đượm. Nỗi lòng của người con ly hương nghe thật thương: "Con vẫn làm thơ tặng người xưa/ Nhưng không có bài nào cho mẹ/ Câu chữ lời văn chợt nghèo nàn/ ngôn từ không suôn sẻ/ Cho con khất lại bài thơ/ chẳng bao giờ thành khẩu/ Khất lại một đời, bôn ba nơi này/ Thương lắm mẹ ơi!"

     Người đàn bà bước qua tuổi mộng mơ, nhưng vần thơ vẫn tràn đầy thanh xuân nhựa sống. Đó là Như Mai. Người đàn bà bộn bề công việc, vẫn chu đáo vẹn tròn với bạn bè năm châu bốn bể. Đó là Như Mai. Nhưng mấy ai hiểu rằng đằng sau những vui vẻ hồn nhiên, đằng sau những lời ân cần chia sẻ lại là những khoảnh khắc lặng lẽ trong vây bủa nội tâm, của những ngọt ngào lẫn chát cay nếu không đọc thơ Võ Thị Như Mai. Yêu nồng nàn và khi vắng xa lặng lẽ ôm nhớ thương cho riêng mình. "Một mình em và những long đong/ của tột cùng nỗi cô đơn lữ thứ/ của giả vờ mạnh mẽ chẳng bao giờ tư lự/ giả vờ vui khi có kẻ gièm pha ganh ghét tội tình..."

     Đọc thơ Võ Thị Như Mai, đọc Để Cho Ngày Ngắn cứ nghĩ rằng dường như ngọn lửa đam mê đầy cảm xúc không bao giờ tắt trong người đàn bà thơ này. Bởi ngoài giờ lên lớp hàng ngày, một thân một mình vào ra ngôi nhà cùng người con trai 15 tuổi chị không để thời gian trôi qua một cách vô nghĩa, chị bầu bạn cùng thơ!

     Để Cho Ngày Ngắn do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành là tập thơ thứ tư cùng những tác phẩm song ngữ Việt - Anh đã khẳng định dấu ấn thơ của chị trên văn đàn trong và ngoài nước.

     Khép lại trang thơ, lòng càng quý mến một tâm hồn luôn dành cho thơ và những bạn thơ mối tương quan sâu sắc, nghĩa tình!

 

Ảnh: Bìa sách ĐỂ CHO NGÀY NGẮN

 

 

Trang Thùy
Số lần đọc: 613
Ngày đăng: 06.12.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tháng mười một về thăm trường cũ - Nguyễn Nguyên Phượng
Yếu tố đồng tính trong thơ Đỗ Anh Tuyến - Đặng Xuân Xuyến
Văn chương để làm gì? - Vinh Anh
Khi nhà văn trả thù - Nguyễn Anh Tuấn
Miền yêu thương trong thơ thiếu nhi Tôn Nữ Thu Thủy - Trần Hoài Anh
Thơ Mới và sự hiện hữu trong văn học miền Nam 1954 -1975 (Viết nhân 90 năm Thơ mới) - Trần Hoài Anh
Nhân vật bình dân trong một dòng văn xuôi tự sự địa phương - Yến Nhi
Thanh Thảo, hát giữa gió mưa - Nguyễn Đức Tùng
Về 2 chữ “Te tẻ” trong bài thơ “Chiều lạ” - Đặng Xuân Xuyến
Trần Quang Quý, ta lẻ loi đơn chiếc biết nhường nào - Nguyễn Đức Tùng
Cùng một tác giả
Mùa nấm mối (truyện ngắn)
Mít vườn nhà (truyện ngắn)
Ngày mùa (tạp văn)