|
“L’amour est au monde pour l’oubli du monde
(Tình yêu có trên đời là để cho quên hết đời đi)”
Paul Éluard
(…)
|
|
-
Ngô Thụy Miên II : mùa hải ngoại
2.4.1/ Về những cái khác trước…
Những biến thiên lịch sử thường dẫn tới sự đổi đời. Ngô Thụy Miên cũng nằm trong sức cuốn của dòng chảy đó.
Em Còn Nhớ Mùa Xuân [47], vì thế, có vị trí đặc biệt của một nhạc phẩm bản lề trong sự nghiệp sáng tác họ Ngô: khởi viết tại Sài Gòn sau tháng Tư 1975 và hoàn tất nó vào cuối 1978 khi vượt biên đến được Pulau Bidong, ông xác định đó là bài hát đầu tiên có mang hơi hướng thời sự. Nó làm chuyển tiếp cho những ca khúc về sau của Ngô Thụy Miên ở hải ngoại – lần lượt ra đời từ thành phố Seattle (1980) rồi đến Olympia (1983) là nơi ông định cư luôn cho tới nay – đánh dấu giai đoạn II, với nhiều nét chuyển biến khác xưa, trong cuộc đời người nhạc sĩ.
Hai vợ chồng Ngô Thụy Miên cùng Tuấn Ngọc
(sttm)
Thỉnh thoảng, đó đây, ta hay thấy nói đến nếp sống «ẩn dật» của một Ngô Thụy Miên «ẩn sĩ» nơi «góc trời riêng» của mình, hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhưng thực ra – căn cứ vào con số các sự kiện bao gồm những bài viết hoặc phỏng vấn trên mạng, những trang ông bày tỏ quan điểm, những cuộc tiếp xúc với văn nghệ sĩ, báo chí, những buổi trình diễn hay gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng người Việt, trong cũng như ngoài nước – thì họ Ngô chưa chắc đã thua kém bất cứ nhạc sĩ danh tiếng nào khác, nhất là nếu tính thêm đến sự sẵn sàng, cởi mở đáng quý của ông. Có thiếu chăng là sự ít phổ biến về ông và cả về các giải thưởng cộng đồng nữa – do trách nhiệm của giới truyền thông –, trước những cơ hội đặc biệt như việc ông được vinh danh Pioneer in Music năm 2009 tại Seattle, đã từng đạt thành tích sáng tác Bài Hát Hay Trong Năm v.v., thì đúng hơn!
Chính nhờ những chia sẻ chân thành ấy của nhạc sĩ mà khách mộ điệu mới có thể kiểm chứng được rằng cảm nhận của mình, chẳng hạn về «Miên tình ca II» sau này, so với trước kia, là không hề phản lại chủ ý tác giả: ông có chính thức nhìn nhận việc dòng nhạc đã đổi khác, từ vui sang buồn.
Trong hoàn cảnh mới như vậy, dĩ nhiên cái khí chất linh hoạt biện chứng của sáng tạo nghệ thuật – mỗi khi người nhạc sĩ còn tìm được cảm hứng – cũng đã bám sát đi theo, như bóng với hình, cái vô thường bất định của cuộc sống và đời người. Rất khoa học, nhà nhạc sĩ kiêm B Sc. chuyên khoa máy tính [48] của chúng ta phân tích:
«Cái khác là trước 1975 khi còn ở Sài Gòn với những thân yêu quanh mình, với những luạ là, mưa nắng hai muà, những quán hàng, những đường phố quen thuộc, từng nguời yêu buổi sáng, buổi chiều… đã cho tôi những cảm xúc để viết lên những tình khúc với ý nhạc nhẹ nhàng, trong sáng, những lời ca dịu dàng, đầy thơ tính. Còn bây giờ, ở hải ngoại, người ta thật vội vàng, xa lạ, bận rộn… Những thành phố, nhà cửa thật to lớn, nhưng cũng thật là lạnh lẽo, cô đơn… Tất cả những hoàn cảnh những tình cảm này cũng lại trao cho tôi những hứng khởi mới: ngày tháng bên này đã và đang để lại trong tôi những nét muộn phiền rất riêng, rất độc đáo, và tôi ghi lại những lời ca “mệt mỏi buồn bã cuả cuộc sống tạm dung”.» [5]
Những “nét muộn phiền rất riêng” ấy, may thay, là chất liệu quý báu cho nhạc sĩ tiếp tục nhả tơ, với cái năng khiếu hưởng từ “món quà của Thượng Đế” như ông nói. Bởi cái Trời ban cho ấy cũng vừa là mạch dưỡng nuôi sức sáng tạo, vừa là nguồn phát đi những thôi thúc, khơi gợi, những tiếng nói diễn giải sứ mệnh từ bên trong, cho những chủ thể có cơ duyên được đắc nhiệm như thế: những tinh hoa đích thực tằm người…
Nhìn chung, nếu những ca khúc khởi đầu «mùa mới» trên xứ lạ vẫn còn chất lãng mạn thời trước (Bài Tình Ca Cho Em, Mùa Thu Xa Em, Tháng Giêng Và Anh …), thì loạt tác phẩm theo sau, kể từ thập niên 1990, đã khẳng định bút lực lẫn sự phong phú đáng mừng trong thể điệu và nội dung cảm hứng nghệ thuật họ Ngô: với tỉ lệ số bài hát mới gấp đôi lúc còn ở quê nhà, có lẽ ông đáng – hoặc đang – giữ ngôi quán quân, so với những nhạc sĩ Việt Nam khác, cùng (hoặc có lúc đã cùng) cảnh ngộ, kể cả Phạm Duy. Mà quả thế, Ngô Thụy Miên đáng nể phục ở chỗ không bao giờ rời vị trí, nhờ đó mà không già cỗi: đời sống mới, hứng khởi mới. Để tiếp tục viết, dù đó là «những lời ca “mệt mỏi buồn bã cuả cuộc sống tạm dung”» theo như cách nói của ông, với đôi chút dư vị thậm xưng của lối mỹ từ pháp quen thuộc…
Trong một bài viết vào tháng 10 năm 2014[30], tác giả có lưu ý chúng ta trên vấn đề chủ âm các nhạc phẩm của ông, bằng những lời lẽ như sau :
«Vâng, hãy nghe lại một vài tình khúc tôi viết trước 75. Bắt đầu là Chiều Nay Không Có Em, rồi thì Mùa Thu Cho Em, Niệm Khúc Cuối, hai trong số những ca khúc tôi yêu thích nhất – Từ Giọng Hát Em, Mắt Biếc – đều được viết theo âm giai trưởng. Và ngay tình khúc duy nhất tôi viết ở Sài Gòn sau 75, Em Còn Nhớ Mùa Xuân, cũng được viết theo“tông” trưởng.
Năm 1980, tình khúc đầu tiên tôi viết ở hải ngoại là Bản Tình Ca Cho Em, rồi một thời gian sau là Riêng Một Góc Trời, Một Đời Quên Lãng, Nỗi Đau Muộn Màng, Biết Bao Giờ Trở Lại,... đều được viết theo âm giai thứ!»
Tiếp đó, ông khẳng định chuyện cung trưởng hay thứ là không quan trọng. Thế nhưng, ai cũng hiểu được rằng sự khác biệt có tính đồng loạt, như ông chỉ ra ấy, mang ý nghĩa một đổi thay cơ bản, chẳng phải chỉ đơn thuần dính tới hình thức kỹ thuật, mà tương ứng với một chuyển hóa về chất: âm giai thứ thường được dành cho nhạc buồn.
Mà vui sao được, khi chính tác giả cũng nhìn nhận "ngay cả những lời từ và dòng nhạc cũng vậy, chậm hơn và buồn bã hơn. Lời có vẻ bi quan hơn, không đẹp như những năm 60, 70 nữa".[23]
Theo sau là lời giải thích mà bất cứ ai có vốn sống, đã từng trải qua, đều không thể không đồng tình:
"Tôi nghĩ là âm nhạc cũng như đời sống. Qua tới đây tất cả không gian và thời gian đều biến đổi, thành ra con người mình cũng biến đổi theo. Có những lúc tình cảm của mình chùng xuống, không còn được vui vì chung quanh mình, cái ambiance không còn như ở quê hương nữa. Thời gian 60, 70 là đẹp nhất của mình. Bây giờ làm sao tìm lại được những đêm đi lang thang ngoài phố, gặp gỡ bạn bè để chơi nhạc hay tổ chức những buổi trình diễn?".
Câu hỏi dĩ nhiên không có lời giải đáp trong thực giới.
Nhưng, cũng chính từ đó mà trỗi dậy ma lực kỳ ảo của nghệ thuật, làm hiện lên dạng hình cụ thể của cái sứ mạng kiếp tằm tơ kia, cho người, cho đời: Ngô Thụy Miên hải ngoại đã thực hiện cùng lúc hai việc, vừa tái tạo lại không gian yêu dấu những hoài niệm thời quá vãng, vừa nặn mới ra thế giới những cảnh sắc, xung lực, cọ xát nội tâm muôn mặt của cái tôi nơi xứ người, ở đây và bây giờ.
Nhờ thế, từ góc trời này – hôm nay–, tôi bỗng nghe nối liền hai thế giới, dường như đúng vào khoảnh khắc tôi đang hân hoan nhận ra hai vết sao băng trên vòm tâm thức, xuất phát từ cùng một giọng điệu da diết bên tai:
«Tôi đi giữa trời Paris mà nhớ thương Ѕài Gòn/Ɲắng Ѕài Gòn hôm nao dìu bước chân em/Qua phố phường vào quán chợ thân quen.
Tôi bỗng thấу lòng bâng khuâng/Vì nắng Paris sao quá ư mặn nồng/Ϲó một trời thênh thang và có riêng tôiƝhưng hết rồi ngàу tháng mặn ngọt bùi
[…]
Tôi cất tiếng đàn hôm naу/Và hát cho em bài hát tình nàу/Ɲắng Ѕài Gòn xin em còn giữ trong tim
Xin vẫn còn màu áo lụa Hà Đông.» (Nắng Paris, Nắng Sài Gòn)
Không, tôi không mơ. Vết sao đầu đến từ một dàn giao hưởng phối khí nhạc cụ Tây phương, mà ta tưởng tượng như là đang biểu diễn tại Paris, làm thăng hoa một giọng nam trẻ thể hiện bài hát [49]; vết sao sau, hóa thân từ sân khấu một phòng trà Sài Gòn, cho ta nào là hình ảnh – một Thái Hiền tóc nhuốm hoa lau, màu của sự thuần khiết giản dị như chính chất giọng người hát – nào là âm thanh, với tiếng ca vẫn đằm thắm, thon thả như chính dáng người nữ ca sĩ, tự nó đã là một cái nháy mắt kiêu hãnh trước tháng năm[50]: còn minh họa nào “mùi” hơn, cân đối hơn, cho tác phẩm nhị phân ý nghĩa này của họ Ngô, mà cái tựa dù cô đọng đến mấy cũng không sao nén hết được hàm lượng những nhung nhớ yêu thương chất đầy?
Vâng, hai thế giới thật, nhưng chỉ một vũ trụ: cái mà Nguyên Sa đã khai mở, từ độ những Áo Lụa Hà Đông, Paris, Cần Thiết…lên ngôi.
2.4.2/ …và những cái không khác qua vài ghi nhận
Cho nên, nói gì thì nói, nhưng – ô hay – làm chi có chuyện Thụy Miên “thoát Nguyên Sa”! Vũ trụ đó, từ lâu, đã trở thành chung cho một thế hệ bao gồm cả chính chàng Ngô mẫn cảm, nhiệt thành: không phải chỉ trong bài hát trên đây ta mới gặp những cụm từ rất quen thuộc như “Em ở đâu, hỡi người em rất nhớ ’’ (làm sao không nghĩ đến câu bùa ngãi một thời: “Em ở đâu, hỡi màu thu tóc ngắn?), hay “màu áo lụa Hà Đông”, mà ta còn nghe lại thêm nhiều lần nữa, dưới dạng biến tướng, chẳng hạn như trong bài Mây Bốn Phương Trời, cũng ra đời tại Mỹ, qua câu “mặc cho anh màu áo lụa ngày xưa’’… Chẳng tránh đâu được.
Nhưng, dù là thế đi nữa, vẫn có cái khác giữa những cái không khác, bởi vì Ngô Thụy Miên không hề neo mình trong quán tính. Chàng đã xuất thần làm nên cái mới, một tác phẩm để đời, chẳng có chút họ hàng gần xa gì với Nguyên Sa, Cung Tiến, Đoàn Chuẩn, hay bất cứ ai khác: Riêng Một Góc Trời.[51]
“…Người ᴠui bên ấу, хót хa nơi nàу, thương hình dáng ai/ Vòng taу tiếᴄ nuối, bướᴄ ᴄhân âm thầm, nghe giọt nắng phai
Đời như ѕương khói, mơ hồ, trong bóng tối/ Em đã хa хôi, tôi ᴠẫn ᴄhơi ᴠơi, riêng một góᴄ trời…”
Vâng, một bài hát lúc đầu được viết chỉ để… giữ riêng cho tác giả nhưng rồi may thay, do “xui khiến” bất ngờ, cuối cùng đã đến tay Tuấn Ngọc [52] và từ đó đưa tên tuổi giọng ténor thứ thiệt (mà người mình ít có) này lên bậc nấc cao nhất trong hàng nam ca sĩ Việt. Cũng giống như nhiều tác phẩm đẳng cấp khác xưa nay, ca khúc này chẳng thấy có chi là “siêu phàm” lạ lẫm, mà chỉ là sự suôn sẻ thẳng mạch của một bài hát lưu loát tự nhiên như dòng suối chảy, giản dị mà lại rất hay: dấu hiệu của một cú thần tình!
Chỉ tiếc một điều duy nhất là câu cuối, không hiểu sao, lại quá giống câu cuối một bài hát khác:
Gọi tên em mãi, trong ᴄơn mê nàу (Riêng Một Góc Trời)
Gọi tên em mãi, suốt cơn mê này (Hạ Trắng)
Sơ suất “kỹ thuật” hay vết sót của cái “triệu chứng” thời kỳ đầu, như đã được phân tích ở trên? Thật khó mà phân định.
Mặt khác, cũng trên vấn đề câu chữ, có người hâm mộ Ngô Thụy Miên đã chịu khó tìm tòi, viết lách, và nêu ra mấy chi tiết về hiện tượng trùng lặp trong một số tác phẩm của nhạc sĩ [53], đáng để cho ta tham khảo (dù chỉ nên xem đó như có tính giai thoại): có 8 lần 2 câu hát “tương đồng” về ý lẫn từ giữa hai bài Bản Tình Cuối (1971) và Bản Tình Ca Cho Em (1980); còn khi đem so Tình Cuối Chân Mây (1992) với Riêng Một Góc Trời (1996), thì cũng có đến 5 lần 2 câu giống nhau kiểu như thế. Năm sáng tác đặt trong dấu ngoặc là nhằm cho ta có khái niệm về khoảng cách thời gian giữa hai ca khúc so sánh. Để kết thúc, tác giả Yên Hà của bài viết có dí dỏm chua thêm:
“Nhắc đến Riêng Một Góc Trời, chắc ai cũng có đế ý đến hai chữ “chơi vơi”. Ông anh tôi hình như rất yêu chuộng hai chữ này vì anh đã dùng đến 16 lần, trong 15 bài nhạc. Một bài nhạc mà nghe có hai chữ này thì chắc hẳn phải là nhạc Ngô Thuỵ Miên.”
Thực ra, câu chuyện “kiểm kê” câu chữ này hoàn toàn không phải là để chi li “bới lông tìm vết”, hay mang ác ý gì cả, mà chỉ góp phần minh họa cụ thể sự biểu lộ ra ngoài của một cái gì sâu xa hơn bên trong, tế nhị và nghiêm túc hơn ta tưởng. Bởi vì, nếu dựa trên ý kiến – khá hiếm hoi và biết bao quý báu – lúc sinh thời của cây đại thụ Phạm Duy thì sự đánh giá của ông về hai nhạc sĩ đàn em Ngô, Trịnh là hết sức mẫu mực, qua nguyên văn những dòng cực khéo sau đây [54] :
“…nhạc của Miên tươi hơn nhạc của Sơn. Với họ Trịnh, mưa cho em tay buồn đi về giáo đường. Với họ Ngô, mưa cho tình thắm tươi nồng nàn. Người thi nhân có nhiều hơn trong người thứ nhất, nhưng người nhạc sĩ nổi bật hơn trong người thứ hai.”
Đúng là con mắt bậc thầy! Nó góp phần soi sáng, nếu không nói là cắt nghĩa, gần như toàn bộ những ưu khuyết điểm ta đã đề cập ở trên: Miên có vinh dự được nhìn nhận là trội hơn về nhạc nhưng, ngược lại, phải đứng sau Sơn xa lắm trong lĩnh vực ca từ.
2.4.3/Những nỗ lực mới trong sáng tác và trao đổi
Hình như Ngô Thụy Miên có ba ám ảnh chính: mùa thu, Sài Gòn và… Paris. Paris của những Cung Trầm Tưởng, Nguyên Sa. Paris như một mơ ước lãng du trong trí tưởng người trẻ mê văn hóa Pháp ở Miền Nam những năm 60.
Làm nên tên tuổi ông, đã có những bài hát nổi tiếng về mùa thu. Bây giờ, ở bên kia bờ Thái Bình Dương, mùa thu vẫn đến nhắc ông gõ phím bao lần, để hiến tiếp cho đời nhiều bản thu ca mới: Em Về Mùa Thu, Thu Trong Mắt Em, Sao Vẫn Còn Mùa Thu, Mùa Thu Xa Em, Thu Tưởng Nhớ, Thu Khóc Trên Ngàn…
Còn Sài Gòn ư? Vâng, Sài Gòn nhưng không phải của hôm nay, mà là của hôm qua, của trí nhớ, như đã được gợi ra – từng chi tiết rõ mồn một – trong những dòng Thụy Miên có lần say đắm gửi Thanh Vân: “…những mùa Xuân của tuổi trẻ, của những háo hức, đợi chờ, của những môi hôn vội vã, vòng tay quấn quít trao nhau trên đường phố thân thương, quán hàng quen thuộc. Em nhớ không, La Pagode, Givral của những sáng hẹn hò, Hoàng Gia, Pôle Nord của những chiều đưa đón, dạo phố tết Nguyễn Huệ, Lê Lợi tấp nập người qua, và những tối ghé quán Bà Cả Đọi, rồi Đêm Mầu Hồng. Cái không khí ấm áp tràn đầy tình thương của quê hương…” [55]
Nguồn cảm xúc đó đã cho ra đời biết bao nhiêu là nốt nhạc lời ca, có lúc cũng xót xa cay đắng – vượt quá sự ngậm ngùi, nhung nhớ thường tình – hoặc lên mức gắt gay phê phán, nhưng hình như chưa bao giờ đi đến chỗ hận căm cuồng nộ (và đó cũng là một điểm mạnh khác của họ Ngô): Nắng Paris Nắng Sài Gòn, Lời Tình Cuối Cho Sài Gòn, Thu Sài Gòn, Biết Bao Giờ Trở Lại…
Riêng Paris, Thành phố-Ánh sáng của ước vọng một thời, Ngô Thụy Miên đã dành cho nó những ưu ái đặc biệt so với những thành phố chàng đã đi qua hoặc đã sống: chọn sông Seine làm khung cảnh để khắc họa những nỗi niềm day dứt hiện tại, hòa lẫn với đôi chút dư âm của một ngày xưa vàng ngọc. Những thanh âm hình ảnh chừng như hãy còn đọng lại nơi tiềm thức, ấp ủ đến dậy men tự thuở nào trên từng thớ chữ đoạn văn nổi tiếng của một Anatole France – nhớ đến kỷ niệm tựu trường ngày thơ ấu đi ngang vườn Luxembourg[56] –, mà chàng Ngô hẳn đã ngấu nghiến say mê thời niên thiếu:
“…Mùa thu Paris có ai đi trong nắng vàng
[…] vườn xưa còn đây sao bờ vai nhớ thương vơi đầy
[…] Chiều qua giòng sông lá vàng rơi dáng ai mơ mộng…” (Một Cõi Tình Phai)
Có thể nói rằng nếu Phạm Duy có tuyệt tác Chiều Về Trên Sông [57] tráng lệ, khởi từ cảm hứng bài thơ Huy Cận Tràng Giang bên dòng Cửu Long vạm vỡ của Đất nước, thì Ngô Thụy Miên có Một Cõi Tình Phai vàng võ bên bờ sông Seine xa vắng để tự tình cùng thân phận – qua trung gian ẩn dụ một cuộc hẹn hò thất bại, một mối tình thơ ngây tan vỡ – trong tư thế nội tâm đắng mặn chốn quê người.
Một quà tặng dành cho bạn tri âm, cho chính kẻ tha hương nằm trong mỗi chúng ta, vào đúng thời điểm cái bóng ấy tần ngần men lối con sông Seine nhân chứng kia, để đếm bước cuộc đời… Và, sẽ lại càng thấm thía hơn, nếu giờ đã điểm để lữ khách ta “đi sâu vào không gian trong”[58], giữa song song hai bóng chiều nghiêng ngả, một từ ngoại giới, một ở trong lòng:
“…Chiều qua dòng sông, riêng mình ta mòn mỏi chờ mong
Chiều qua sông Seine, có con chim bay cuối trời
Cất lên tiếng ca rã rời, cuộc tình sầu khôn nguôi.” (Một Cõi Tình Phai)
Ngô Thụy Miên gần đây có nhìn nhận "vẫn còn nguồn cảm hứng, tuy nhiên không cách gì viết được nhiều như trước. Bây giờ cần có cảm hứng thật mạnh, thật lớn mới có thể viết được. Lý do là đầu óc mình nó cũng không còn nhặm lẹ như trước. Có thể do hoàn cảnh sinh sống, cách suy nghĩ và số tuổi tương đối khá cao".[23]
Đó là một cách nói khiêm tốn và đáng trân trọng. Trên thực tế, thành quả làm việc của ông đã khiến nhiều người phải thốt lên lời thán phục, như trường hợp tác giả Đan Thanh – từ đất Mỹ – mà ta mới vừa làm quen:
“Ở đây, bây giờ, phần lớn các nhạc sĩ của chúng ta đang đi vào quên lãng vì thiếu cảm hứng nên nghèo nàn sáng tác. Ngô Thụy Miên trái lại, không ồn ào, vẫn sáng tác đều đặn và liên tục cống hiến cho chúng ta những tuyệt phẩm.” [32]
Ngô Thụy Miên chối từ lãng quên bằng cách gọi tên nó. Chuyển hướng giai điệu, tìm sang những nốt trầm sâu lắng, ông viết những bài như Một Đời Quên Lãng [59], Sao Vẫn Còn Mùa Thu [60], mà có danh ca (xin khỏi nhắc tên) – theo thiển ý – do thiếu tìm tòi cách hát và hòa âm phối khí thích hợp nên đã không thể hiện nổi cho đúng hết giá trị. Sự «kén người ca» này cũng áp dụng cho nhiều bài hát khác thuộc thời kỳ sáng tác sau này: chẳng hạn như Tình Cuối Chân Mây [61] hoặc Nỗi Đau Từ Đấy (một bài có lẽ không dễ gì tìm được ca sĩ trình bày thành công như Hương Giang ở đây[62] chẳng hạn, một ca sĩ có âm sắc đẹp và thang giọng hiếm thấy – vừa thổ vừa kim –, nhưng tiếc thay lại không được nhìn nhận đúng mức, để nhập vào lớp hàng đầu trong làng ca nhạc). Tương tự thế, bài Nỗi Đau Muộn Màng cũng không là ngoại lệ: có lẽ, nếu được phép so sánh, ít ai đủ khả năng về chất giọng và độ cảm để diễn tả nó hay bằng hai anh em nhà «nòi» Tuấn Ngọc [63] (chủ yếu với món bửu bối thứ nhất) - Khánh Hà[59] (sở hữu được cùng lúc cả hai).
Thêm nữa, đặc biệt khác lạ so với trước kia, Trong Nỗi Nhớ Muộn Màng là một bài hát điển hình có nhiều chỗ luyến láy, tạo một hiệu ứng mới cho nhạc Ngô: tha thướt, quyến rũ, như chính người ca sĩ trẻ tuổi Thu Hằng xuất hiện trong chương trình mang tên Người Kể Chuyện Tình, một sáng kiến rất hay của Đài Truyền Hình Vĩnh Long [64] làm vinh dự cùng lúc cho nền văn nghệ đại chúng hiện nay nói chung và địa phương thành phố Nam bộ này, nói riêng.
Nữ ca sĩ Thu Hằng hát Ngô Thụy Miên trên Truyền Hình Vĩnh Long
(sttm)
Không chỉ có vậy, Ngô còn có những tìm tòi thay đổi để nhạc ông sau này cho phép nhiều cách hòa âm phối khí mới mẻ (chẳng hạn dùng những hợp âm mà người Pháp gọi nguyên văn là «dominantes secondaires», thường được các nhạc sĩ ở trời Tây áp dụng, ví dụ để đệm cho một số ca khúc của Brel, Brassens, như có dẫn trong chú thích). [65]
Tất cả những cố gắng làm mới liên tục trên nhiều mặt này đã phần nào giúp Ngô Thụy Miên triệt tiêu được cái ảnh hưởng tiêu cực của tuổi tác mà nhạc sĩ đã đề cập: các bài hát mới bây giờ tuy mức thành công không lên tới tỉ lệ lý tưởng 10/10 (hoặc gần gần như thế) của thời trước, song nếu ước tính nhanh – theo thiển ý – thì cũng là vào khoảng chừng 1/3, tức là một thành tích hãy còn rất đáng kể, mà không phải ai cũng có thể đạt được ở khúc cuối con đường sáng tác.
Điều đáng nói là Ngô không chỉ khép mình riêng trong lãnh vực âm nhạc, mà còn biết quan tâm chia sẻ với người khác. Câu chuyện về bài Tóc Xưa được kể lại [66]cho ta thêm những bằng chứng cảm động: Ngô đã tạm quên đi cái ý định «treo đàn gác bút» của bản thân để «xé rào» nhận phổ nhạc «dùm» cho người bạn của một bạn đồng môn Trung học, là tác giả bài thơ mang tên tựa, được viết ra trong cơn xúc cảm khi tình cờ thấy lại sợi tóc của người vợ mới lìa trần. Để tỏ lòng đặc biệt quý mến tác giả, nhạc sĩ đã ra sức làm hơn: phổ ra thành tới hai phiên bản, một trưởng một thứ! [30] Cũng trong tinh thần đó, bài Biển Và Em có thể được xem như có gần cùng cảnh ngộ với bài trên, bởi vì Ngô đã viết ra nó từ tâm sự chuyện đời thật của một người hâm mộ. Ngoài ra, vẫn trong chương «những nhạc phẩm không định trước» này, người ta còn ghi nhận thêm vài ca khúc khác: bài Ngủ Yên Đi Khanh [53] do nhạc sĩ sáng tác ngay sau khi được tin một người bạn học cũ qua đời; ba bài Phật Ca[67] ít ai biết mà Ngô đã làm chỉ vì, trong một lần đi chùa, có nghe vị sư tỏ ý muốn dùng âm nhạc để «trẻ trung hóa» sinh hoạt Phật tử…
Sự quảng đại đó nơi con người Ngô Thụy Miên còn bộc lộ trong những lần trao đổi đi vô chiều sâu với giới thanh niên, đặc biệt qua quan điểm ông phát biểu trên các chủ đề văn hóa và âm nhạc – cho cả phía người nghe lẫn người sáng tác – liên quan đến thế hệ trẻ. Điển hình nhất là cuộc phỏng vấn khá dài với phóng viên Hoàng Vi Kha [22] , cũng như lá thư cảm động ông viết cho nhạc sĩ trẻ Nguyễn Quang [68] nhân dịp anh ta tổ chức đêm nhạc Ngô Thụy Miên 6/12/2015 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Ngay tại Mỹ, Ngô cũng tham gia nhiều sinh hoạt văn nghệ có mục đích xã hội hoặc từ thiện dành cho nhiều đối tượng khác nhau, thường được nhắc tới trên báo chí.[23]
Trên phương diện thuần túy nghệ thuật, Ngô Thụy Miên được yêu thích không phải chỉ riêng với công chúng thời Việt Nam Cộng Hòa, mà cả với khách mộ điệu «sanh sau đẻ muộn» hoặc thuộc thành phần tuy đã có tuổi nhưng cũng chỉ mới khám phá nhạc của ông sau 1975: nhiều cuộc biểu diễn nhạc Ngô đã được tổ chức trên đài truyền hình hoặc tại những tụ điểm hoành tráng nhất nước[69]. Đó là một phần thưởng tinh thần, một phúc lớn lao mà không nghệ sĩ nào lại không mơ
ước.
Áp-phích đêm nhạc Ngô Thụy Miên tại Hà Nội năm 2015
(sttm)
3. Thay lời kết
Không là chủ nhân một gia tài âm nhạc đồ sộ như Phạm Duy, không sáng tạo ngôn ngữ tân kỳ như Trịnh Công Sơn, song cũng không dễ dãi buông lời thái quá – dù là ngọt lịm hay yếm thế, như trong một số ca khúc Từ Công Phụng hoặc, ngược lại, làm đau như những mũi kim không tên ẩn trong tình khúc Vũ Thành An –, Ngô Thụy Miên đã tạo cho mình một vị trí trung dung, một chỗ đứng đặc biệt: chỗ của vựa tình ca những giấc mộng bình thường. Để nuôi lớn những ước mơ của mọi lứa tuổi, mọi lớp người, mà từ khi được âm nhạc chắp cánh, bỗng hết thảy trở nên bình đẳng trước tình yêu. Bình đẳng trong sự thụ hưởng từ âm nhạc khả năng biểu hiện phổ quát, qua trung gian nghệ thuật của nó, những tình tự riêng tư cá biệt của mình. Và bình thường giấc mộng, bởi vì mơ hết còn bị xem như xa xỉ phẩm trong đời sống.
Nằm giữa nhạc boléro và nhạc hàn lâm, tình ca Ngô Thụy Miên thường giàu về âm điệu, những giai điệu tiết tấu dễ lọt tai, hầu như luôn có tiềm năng để trở thành «top hit» khi gặp cơ hội. Đó là một ưu thế, nhờ năng khiếu trời cho và cái mà Du Tử Lê gọi là «tinh thần lạc quan»[70] ở Ngô, khiến nhạc ông khoáng đạt, quý cách nhưng không quý tộc, đẳng cấp mà không giai cấp: nó lan tỏa từ trí thức đến bình dân, từ nông thôn đến thành thị.
Sáng giá, đắc địa, đắc nhân tâm như vậy, Ngô Thụy Miên đáng được tiếp tục xem là một hiện tượng, là người đại diện xuất sắc – có lẽ sau cùng – của dòng nhạc tân-lãng mạn Việt Nam, trong và ngoài nước.
Ngô đã đem lại một kích thước khác cho tình ca: sự tâm nguyện đi hết tận cùng con đường tình yêu cho dù có nghịch cảnh, để đến với phép lạ của trái tim rộng mở, vô hạn. Thụy Miên, bằng thực chứng cuộc sống, đã kéo thế giới tình yêu về phía những phẩm hạnh đạo đức, tìm lại được cho nó cái giá trị nhân văn nguyên thủy: luyến ái quan đề cập ở trên, trở thành một nhân sinh quan mạch lạc, thuyết phục, nhân bản. Hai tiếng tình ca bây giờ ngân lên một âm vang mới: ca hát không phải là động tác tiêu thụ sản phẩm tầm thường mà là một chọn lựa thẩm mỹ cho mối tơ lòng muốn được phát ngôn.
Ngô đã thắng cuộc trong thách thức tiếp tục hành trình âm nhạc dẫu phải sống xa Quê hương và được nhìn nhận như thế, khắp nơi, là điều mà văn học hải ngoại, mặc dù sự hiện diện đông đảo những khuôn mặt tiêu biểu một thời, dường như đã không làm được: một điểm son trên trang sử văn nghệ Việt Nam đương đại.
Là ca nhân (chantre) của tình yêu, của những cơn mơ bất tuyệt như phần đông những nhân cách lớn, Ngô Thụy Miên đã sống trung thành với cái định nghĩa cô đọng ông thường nhắc tới, rằng Tình Yêu là «Cho, Chấp Nhận, và Tha Thứ».
Nới rộng ra cộng đồng dân tộc, phải chăng quan niệm âm nhạc Ngô Thụy Miên cũng là một thông điệp cho thương yêu hòa giải, góp phần xoa dịu những vết thương hơn bốn mươi năm lịch sử còn để lại, mà mọi diễn ngôn chính trị nói hàn gắn đến nay đều đã tỏ ra bất lực, nếu không phải là lọc lừa giả trá?
Marseille, ngày mưa sa nhớ tiếc Nguyễn Văn Trung, Ngô Vĩnh Long, Cung Trầm Tưởng,
những tấm gương trong đã sống trọn Tình Yêu bát ngát…
Nguồn : Diễn Đàn Forum (bản cập nhật tác giả gửi)
Chú thích
[1] Theo lời Nguyễn Ngọc Ngạn, trong một chương trình Paris By Night 66, được trích đoạn trên Youtube: Paris By Night 66 - Tình Khúc Ngô Thụy Miên - Bing video
[2] Theo Tiểu sử NGÔ THỤY MIÊN|| Cuộc đời và sự nghiệp nhiều sóng gió của nhạc sĩ “chuyên viết tình ca” - YouTube
[3] Nguồn gốc những bút danh của các nhạc sĩ nổi tiếng trước 1975: Ngô Thụy Miên, Anh Việt Thu, Mặc Thế Nhân... (nhacxua.vn)
[4] Hán Việt Từ Điển giản yếu, Đào Duy Anh, in lần thứ 3, Trường Thi xuất bản, Sài Gòn, 1957: chữ Ngô ở tr.37, Quyển Hạ ; chữ Thụy ở tr. 447, Quyển Hạ ; chữ Miên ở tr.557, Quyển Thượng.
(Người viết chân thành cảm ơn bạn Hậu Hiền NMK về sự khích lệ thân tình, cùng những góp ý xác đáng đặc biệt trong sự phân biệt những dạng viết khác nhau của cùng một từ đa nghĩa)
[5] Mời xem ở: Bài phỏng của nhà báo Người Việt Tây Bắc: (saigonocean.com)
[6] Về siêu nghiệm trong nghệ thuật, mời xem ở đây : văn học & nghệ thuật (vanchuongviet.org)
Ý niệm siêu nghiệm này không phải là thuyết siêu nghiệm như đã được Hoàng Hưng trình bày trong bài ông viết về Walt Whitman ( Bài hát chính tôi - Bài hát mọi người — Diễn Đàn Forum (diendan.org) )
[7] văn học & nghệ thuật (vanchuongviet.org)
[8] Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa ca khúc "Tình Khúc Thứ Nhất" (Nguyễn Đình Toàn - Vũ Thành An) - Những ca từ lấp lánh sắc màu thần thoại (nhacxua.vn)
[9] văn học & nghệ thuật (vanchuongviet.org)
[10] Theo tác giả bài viết Cảm nhận âm nhạc: "Mùa Thu Cho Em" (Ngô Thụy Miên) - Lời tỏ tình của mùa thu (nhacvangonline.com)
[11] La musique et le rêve, Élizabeth Giuliani, Études 2003/3 (Tome 398), pages 375 à 381:https://www.cairn.info/revue-etudes-2003-3-page-375.htm
[12] Blog: Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên: Một đời cho tình ca. (sydney6920003.blogspot.com)
[13] Theo Tâm Huyền, tác giả bài viết Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên: Hạnh phúc riêng một góc trời - Báo Công an Nhân dân điện tử (cand.com.vn)
[14] Theo trang Ngô Thụy Miên – Wikipedia tiếng Việt
[15] Tình Khúc Ngô Thụy Miên, băng nhạc đầu tay của tác giả phát hành năm 1974 tại Sài Gòn: Tình Khúc NGÔ THỤY MIÊN (saigonocean3.com)
[16] Ho^`n Que^- Vietnamese Multimedia Magazine (honque.com)
[17] Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên kể về hoàn cảnh sáng tác những bài tình ca bất tử – Tân nhạc Việt Nam (nhacxua.org)
[18] Theo tác giả bài viết ở đây : Nắng mưa đã phai trên cuộc tình ngày nào - Hợp Âm Việt (hopamviet.vn) ;
[19] Chiều Nay Không Có Em" của Ngô Thụy Miên: Bản tình ca dành cho tuổi trẻ (nhacvangonline.com)
[20] Phạm Duy, Hồi Ký, tập 3, nxb PDC Musical Productions, tr.283
[21] Larry De King, Ngô Thụy Miên: Góc trời riêng của những tình khúc bất hủ (ntdvn.net)
[22] 30 Lời Tâm Sự của Ngô Thụy Miên – Quê Nội (quenoi.com)
[23] -Ngô Thụy Miên 38 năm viết nhạc tình (saigonocean.com)
[24] Việt Hải: NGÔ THỤY MIÊN: NgÆ°á»i nhạc sÄ© tà i hoa (trinhnu.net); hoặc ở : https://nguoisantin.wordpress.com/2016/02/01/ngo-thuy-mien-nguoi-nhac-si-tai-hoa/
[25] Con đường tình ta đi. (phamduy.com)
[26] https://www.youtube.com/watch?v=1TBqgDCJXRk
[27] Trong một bài viết xuất sắc phân tích nhạc thuật (hiếm hoi trên văn đàn người Việt!) chủ yếu nói về Cung Tiến (với những định dạng chính xác liên quan đến gốc gác nguyên thủy của một số đoạn nhạc trong vài ca khúc họ Cung), nhà phê bình âm nhạc Pham Văn Kỳ Thanh cũng có đề cập đến Từ Công Phụng và cho rằng nhạc sĩ này đã phạm lỗi về kỹ thuật khi lạm dụng quá nhiều các quãng sáu, dễ gây nhàm tai:
COMPOSER-SONGWRITER CUNG TIẾN. MỘT NGHỆ SĨ TRÍ THỨC ĐA TÀI, ĐA NĂNG. (Phạm Văn Kỳ Thanh) – CHÍNH NGHĨA VIỆT NAM CỘNG HÒA (chinhnghiavietnamconghoa.com)
[28] Ngô Thụy Miên viết về cuộc gặp gỡ định mệnh với Nguyên Sa trong âm nhạc (nhacxua.vn)
[29] Hoài Nam, SBS Radio Úc châu, về Ngô Thụy Miên trong 70 Nam Tinh Ca (ngaydochungminh.com);
70 Năm Tình Ca Trong Âm Nhạc Việt Nam (namquoc.com)
[30] Tản mạn viết bởi ngô thụy miên trên phu-tran.blogspot.com
[31] Mời nghe Khánh Hà hát Từ Giọng Hát Em - Bing video
[32] Đan Thanh (08/06/2018), Nỗi Buồn Trong Nhạc Của Chúng Ta (1994), có thể xem một phần ở:
Nỗi buồn trong nhạc của chúng ta - Trí Thức VN (trithucvn.org)
[33] Về bài này, mời xem một lời bình khá tiêu biểu: (20+) Facebook
=> bạn có thể thưởng thức trọn vẹn qua sự so sánh thú vị ( giống trên France Musique từ bao nhiêu năm qua đối với nhạc cổ điển) 3 cách trình bày tác phẩm bởi 3 danh ca khác nhau : - Tiếng hát Sĩ Phú :https://youtu.be/5IeET2dVFo0 ; https://youtu.be/i1OFLLJ708Y; https://youtu.be/HIEzaNglurE; https://youtu.be/KXIX5qSRu4A- Tiếng hát Tuấn Ngọc : https://youtu.be/bPDH2cibgiw; https://youtu.be/3VTXROc-uV4; ;https://www.nhaccuatui.com/.../mat-biec-ngo-thuy-mien...- Tiếng hát Bằng Kiều : https://youtu.be/pVY0PhewFs4 ; ; https://youtu.be/XjEWX-qmopQ; https://youtu.be/nMxkxLL0GtU; https://youtu.be/Aa2PC3FbiO4 ; ; https://nhac.vn/bai-hat/mat-biec-bang-kieu-soLpRr0
[34] Cảm nhận âm nhạc: Mắt Biếc (Ngô Thụy Miên) - "Dĩ vãng như bao cung tơ..." (nhacvangbolero.com)
[35] Theo tác giả trang này: (20+) Fb Chìm Đắm Trong Âm Nhạc - Publications | Facebook
[36] Mời nghe Lệ Thu thể hiện một cách xuất sắc (năm 1971): https://youtu.be/YoZv5n_qQQM
[37] Lời bài Dốc Mơ: QueHuong Loi Nhac - Lời Nhạc: Dốc Mơ - Ngô Thụy Miên / Doc Mo - Ngo Thuy Mien
[38] Trong hội họa, đôi giày đã từng làm chủ đề cho một tác phẩm Van Gogh (chú thích số 193 nằm trong trích đoạn này của bài viết đã dẫn ở [6], đầu trang): <<…Trước hết, cần ghi nhận rằng hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, việc nhiều triết gia (tức là – xin nhắc lại – « người đẻ ra các ý niệm [concept] », theo định nghĩa gọn ghẽ và hợp lý của Deleuze) đã bỏ công để phát hiện những điều ẩn kín đằng sau nét vẽ các danh hoạ. Từ Heidegger (L’Origine de l’œuvre d’art trong Chemins qui ne mènent nulle part) luận về bức tranh đôi giày193 dân dã của Van Gogh (1853-1890) đến Deleuze rọi tư duy về phía những họa phẩm của Bacon, qua một Foucault lần lữa vén tấm màn épistémè – như ông đã đặt tên – bao trùm trên kiệt tác Les Ménines của Vélasquez194: tất cả, bằng trực quan bén nhạy, đã thấy và nghe được những gì mà nghệ phẩm thầm thì thố lộ.>>
[39] Vidéo Khánh Hà thể hiện bản Dốc Mơ: (1) Dốc Mơ (Ngô Thụy Miên) - Khánh Hà | Asia 19 - Bing video
[40] Miên Khúc hát bởi Khánh Hà: https://www.youtube.com/watch?v=2sVmXim9ZXE
[41] Đặc biệt qua ví dụ bài viết này: Goc Troi Ngo Thuy Mien (honque.com)
[42] Đối với một tác giả khác, tuy có đôi lúc hơi sa đà, ca từ bài Niệm Khúc Cuối được tán thưởng dưới một khía cạnh ít người đề cập: tình yêu như một trải nghiệm sự cận kề thân xác và đáng được nói lên => EM CÒN NHỚ MÙA XUÂN (forumvi.com)
[43] Theo dữ liệu về năm sáng tác ở: -Danh sách bài hát của Trịnh Công Sơn – Wikipedia tiếng Việt
[44] văn học & nghệ thuật (vanchuongviet.org)
[45] https://www.philolog.fr/le-desir-mimetique-rene-girard/ ; https://fr.wikipedia.org/wiki/D%C3%A9sir_mim%C3%A9tique
[46] 50 chân dung văn nghệ nổi tiếng dưới góc nhìn Thanh Thảo - Báo Người lao động (nld.com.vn)
|
|
[47] Thể hiện bởi một Thái Hiền đáng lẽ đã phải được nhìn nhận nhiều hơn nữa bời công chúng: https://www.youtube.com/watch?v=xAyeYYWiQ7E
[48] Thông tin cho bởi người viết trang này: Ngo Thuy Mien biography | Last.fm
[49] Nắng Paris Nắng Sài Gòn do Anh Dũng hát với dàn nhạc giao hưởng https://youtu.be/Z__BA5l2dBM
[50] Nắng Paris Nắng Sài Gòn do Thái Hiền hát “live” https://youtu.be/Gnma4Q93liY
[51] Tuấn Ngọc có lần nói: "Riêng một góc trời là ca khúc mà cuộc đời tôi hàm ơn. Nó như một định mệnh, một sự may mắn trong sự nghiệp ca hát của tôi. Tôi đã hát thành công rất nhiều ca khúc của Ngô Thụy Miên nhưng chưa có bài hát nào được công chúng yêu mến dài lâu, bền bỉ như Riêng một góc trời"
(Tuấn Ngọc, Lệ Thu hát vinh danh Ngô Thụy Miên - VnExpress Giải trí ); Hát bởi Tuấn Ngọc: PBN 38 | Tuấn Ngọc - Riêng Một Góc Trời - Bing video
[52] Theo lời kể của Tuấn Ngọc trong nguồn dẫn ở chú thích[1], bài hát này được ông hát lần đầu trên Paris By Night năm 1997. Theo Tâm Huyền (chú thích [13]) thì ““Riêng một góc trời” chỉ được Ngô Thụy Miên hát cho vợ suốt nhiều năm, sau đó ca sĩ Tuấn Ngọc mới đến tận nhà để xin được thu âm và lan tỏa cực nhanh vào công chúng”
[53] Yên Hà: http://phu-tran.blogspot.com/2012/12/thi-si-ngo-thuy-mien-phan-3.html?m=0
[54] Phạm Duy, Hồi Ký, tập 3, nxb PDC Musical Productions, tr.290
[55] “Riêng một góc trời” (gocnhosantruong.com)
[56] La Rentrée - Anatole France. - Blanc-seing.
[57] Phiên bản ca khúc biểu diễn bởi Đức Tuấn: CHIỀU VỀ TRÊN SÔNG (PHẠM DUY) - ĐỨC TUẤN - Bing video ;Mời nghe hòa âm rất thành công của Duy Cường Chiều Về Trên Sông (Phạm Duy) Duy Cường (1987) - Bing video
[58] Thơ Nguyên Sa (Tiễn Biệt)
[59] Nằm trong CD Khánh Hà hát Ngô Thụy Miên: https://youtu.be/2sVmXim9ZXE
[60] Trong khi chưa thấy ca sĩ nào hát nghe thật đạt bài Sao Vẫn Còn Mùa Thu , thì phiên bản có sẵn vào thời điểm bài này hoàn tất, để bạn đọc có ý niệm, là: https://youtu.be/85bxqTI6mSM
[61] Tình Cuối Chân Mây hát bởi Lê Tâm tại một phòng trà Hà Nội: https://youtu.be/1Xl0xAzsFJQình
[62] Hương Giang thể hiện Nỗi Đau Từ Đấy: https://youtu.be/pU4XJUXAxe4
[63] Tuấn Ngọc hát Nỗi Đau Muộn Màng: https://youtu.be/dqPCqQYSx78
[64] Trong Nỗi Nhớ Muộn Màng, qua giọng hát Thu Hằng: https://youtu.be/WXU6U5Jq8VA
[65] Về các khái niệm cơ bản, liên quan đến vấn đề hợp âm, bạn đọc có thể tham khảo ở đây (bằng tiếng Pháp): Accord de septième de dominante avec fondamentale — Wikipédia (wikipedia.org) và nhất là, với ví dụ cụ thể , theo một bài viết ngắn gọn này: Les dominantes secondaires — Mamie Note (mamie-note.fr)
Người viết chân thành cảm ơn bạn đồng môn BS Trần Việt Trúc về những gợi ý xác đáng qua các trao đổi gần đây trong quá trình hình thành bài viết, đặc biệt trên các vấn đề nhạc thuật mà anh đã chia sẻ tư liệu, sự hiểu biết và khiếu thẩm âm của mình.
[66] . Nguyễn Ngọc Chính's: Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và bản nhạc cuối đời: Tóc Xưa (chinhhoiuc.blogspot.com)
[67] Ngô Thụy Miên: Hành trình ba bản Phật ca, Huyền Lam : E.E - Emprunt Empreinte - Mượn Dấu Thời Gian: Ngô Thụy Miên (phannguyenartist.blogspot.com)
[68] Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên xúc động viết thư từ Mỹ gửi về Việt Nam - 2sao
[69] https://thoixua.vn/nghe-si/nhac-si/nhac-si-ngo-thuy-mien.html
Trich từ bài dẫn: «Ngô Thụy Miên và những sáng tác của ông được vinh danh trong chương trình Paris By Night 21 và 66 do Trung tâm Thúy Nga thực hiện. Ngày 6/12/2015 tại Nhà hát lớn ( Hà Nội) đã diễn ra đêm nhạc Riêng một góc trời để vinh danh các nhạc phẩm của Ngô Thụy Miên. Ngày 12/03/2016 diễn ra đêm nhạc tôn vinh nhạc sĩ tài hoa Ngô Thụy Miên với chủ đề Ngô Thụy Miên – Dấu tình sầu, do VTV9 và Jet Studio phối hợp thực hiện».
Ngoài ra, người ta cũng biết rằng Tuấn Ngọc có về Việt Nam thực hiện album Chiều nay không có em, và đã làm chương trình In the Spotlight số 1 "Riêng một góc trời" diễn ra trong ba đêm tại Nhà hát Lớn Hà Nội năm 2012.
[70] https://dutule.com/p128a10298/6/ngo-thuy-mien