Hải ngoại vẫn còn tuyết phủ băng giăng, không khí lạnh căm, cây cối trơ trụi lá, cành cây khẳng khiu như muôn ức cánh tay xương vươn lên trên hư không. Phần lớn chim muông di trú về miền nắng ấm, chỉ còn lại những con chim hồng y (cardinal) màu đỏ cam nhảy lanh chanh chuyền cành. Trời mùa đông rét mướt, chỉ có họ tùng, thông… là xanh biếc, mặc dù lạnh vậy nhưng bầu trời vẫn xanh thăm thẳm như tự thuở hồng hoang, nắng vẫn vàng ươm và mây trắng thong dong chẳng biết tự bao giờ.
Gã du tử thơ thẩn trong sân vườn, bất chợt nhìn lên những cành đào, trời! Nhiều quá, bao nhiêu là nụ hoa, một, hai, ba… vô số nụ! Những nụ hoa đào tròn như viên tể, hườn của tiệm thuốc bắc, lớp vỏ nụ màu nâu lẫn xanh. Một vài nụ đã hé lớp lụa hồng bên trong.
Oh! Dấu hiệu của mùa xuân, giờ này cố quận đã là tháng chạp xuân nhưng hải ngoại mới giữa đông. Mùa xuân phương đông là mùa xuân đoàn tụ sum họp gia đình, là mùa yêu thương mọi người tạm gác những tranh chấp bất đồng, chí ít cũng ba ngày tết. Mùa xuân là mùa quay về cội nguồn, mùa của muôn hoa khoe sắc hương, mùa của đất trời khởi sự thanh tân.
Nụ hoa đào đang ngậm đông để đợi xuân sang, giữa mùa đông, gã du tử đã nghe mùa xuân hát văng vẳng trong tâm, rồi đây khi xuân đến, khúc xuân ca sẽ mượt mà trên thảo nguyên, sẽ xanh rì rừng núi, sẽ vượt qua những triền đồi và sẽ dài theo những cung đường bất tận. Mùa xuân của trời đất thiên nhiên chứ chẳng của riêng ai. Mùa xuân của muôn loài vạn vật nào đâu chỉ riêng của con người. Mỗi quốc độ, mỗi chủng tộc khác nhau thì có nét xuân riêng của mình, điều ấy phụ thuộc vào văn hóa, tập quán và phong tục truyền thống của chính họ.
Tộc Việt với cội nguồn văn minh nông nghiệp lúa nước. Mùa xuân in dấu ấn rất sâu đậm, có thể nói là đẹp nhất, nhiều lễ hội nhất và cũng mang nhiều sắc thái tâm linh hơn những mùa kia. Mùa xuân tộc việt không thể thiếu tiếng pháo rộn ràng, không thể không có chiếu chèo sân đình, hát bội đêm xuân hay câu hò man mác trên sông nước. Mùa xuân dân tộc gắn liền với việc lên chùa lễ Phật, đốt nén hương trầm thầm tưởng nhớ tổ tiên, ông bà , cha mẹ. Mùa xuân không thể không có những hội chợ lô tô, bầu cua cá cọp… dù là ở chốn thôn quê hay nơi thành đô nhộn nhịp. Tiếng hát mùa xuân vút cao bay xa mênh mông trong đất trời. Lòng người hoan hỷ biết bao, cây cỏ hồi sinh. Động vật muôn loài quay về hay bừng tỉnh sau giấc ngủ đông. Mùa xuân rực rỡ hoa đào, hoa đào hồng cả một góc trời. Thành Ất Lăng là xứ sở của hoa đào, hoa đào có khắp mọi nơi từ rừng núi, đồi nương, trang trại, đồng quê cho đến phố phường.
Không biết cành đào Thăng Long ngày xưa Nguyễn Huệ gởi vào Phú Xuân cho Ngọc Hân có khác gì với hoa đào hôm nay? Chắc là không! Hoa đào nào cũng thế, lịch sử ba trăm năm tuy có dài nhưng so với dòng thời gian bất tận của sự thành-trụ-hoại-không thì chẳng có là bao. Có thể xem như là một giấc mơ, một cái chớp mắt mà thôi. Năm xưa, sau khi dẹp xong giặc Mãn Thanh, Quang Trung kéo quân vào Thăng Long, lúc bấy giờ Bắc Hà còn rét lắm, mùa xuân dù đã sang nhưng cái rét Bắc Hà không dễ chịu chút nào. Cành đào gởi vào Phú Xuân là hoa của tình yêu, là báo tin thắng trận, là biểu tượng xuân sang. Cành đào vào nam mang theo tiếng hát mùa xuân đi suốt dặm dài đất nước.
Ngày xưa khi còn nhỏ, gã du tử sinh trưởng lớn lên ở phương nam nên chỉ biết có hoa mai, thích hoa mai, yêu hoa mai. Hoa mai vàng rực rỡ một khoảnh sân, sáng cả phòng khách, hoa mai mang lại cả mùa xuân. Ông tổ tuồng Đào Tấn từng yêu hoa mai một cách sâu đậm, lấy hiệu là Mộng Mai và Mai Tăng. Ông dặn dò con cháu sau khi mình qua đời thì chôn ở núi Huỳnh Mai, huỳnh mai chính là hoàng mai, mai vàng vì kỵ húy nên chữ hoàng chế ra thành chữ huỳnh.
Thuở ấy quốc gia còn cấm chợ ngăn sông, giao thương ách tắc, đường xá ngăn ngại, xe cộ thiếu thốn nên cả một dải phương nam chỉ biết có hoa mai (và người phương bắc chỉ biết hoa đào). Người phương nam mấy ai biết hoa đào? Càng chẳng có hoa đào để chưng, nếu có biết hoa đào chẳng qua là qua tranh ảnh sách vở mà thôi! Thuở ấy mấy ai ở phương nam sắm được cành đào để chưng xuân? Bởi vậy người phương nam gắn liền với hoa mai và người phương bắc với hoa đào. Sau này ra hải ngoại, rồi trở thành con dân của thành Ất Lăng, gã du tử mới thấy hoa đào sao đẹp thế và cũng từ ấy đem lòng yêu hoa đào, mê hoa đào. Tâm vốn tràn ngập hình ảnh hoa mai giờ thêm hoa đào, vì thế tâm càng phong phú hơn, càng khiến cho tiếng hát mùa xuân bay cao và bay xa hơn. Tâm vốn không thiếu không thừa, không sanh không diệt, không dơ không sạch có thêm hình ảnh hoa đào cũng chẳng đầy, hải ngoại không có hoa mai cũng chẳng vì vậy mà vơi. Tâm vốn diệu kỳ như thế!
Mùa xuân muôn sắc hương hoa, mùa hạ xanh cây lá, mùa thu vàng trời đất, mùa đông trắng tuyết giăng… cũng không ngoài một niệm tâm. Sanh yêu ghét cũng từ tâm, ôm lấy hay buông bỏ cũng tự tâm , tỉnh hay mê không ngoài một niệm… để rồi thăng hay đọa đều chính cái tâm mình. Trời còn rét mướt nhưng cánh đào hồng mùa xuân đang tượng hình trong nụ. Em chưa phải là mỹ nhân nhan như ngọc nhưng cũng đủ để gọi là mắt biếc má đào. Xuân về tiếng hát vút cao, lòng người xôn xao, em áo dài tha thướt lên chùa lễ, trẩy hội xuân. Tà áo dài, gót hài thêu của em tô điểm thêm nhan sắc mùa xuân. Xuân tộc Việt không thể thiếu những tà áo dài. Xã hội dù có văn minh tiến bộ đến đâu cũng không thể vắng những tà áo dài tha thướt trong mùa xuân. Đã mấy trăm năm qua, tà áo dài như một biểu tượng của trang phục dân tộc, một biểu tượng sống động trong những dịp lễ lạc, hội hè, tết tư… Vì thế mùa xuân không thể thiếu những tà áo dài. Tà áo dài cũng đã trở nên quen thuộc trong con mắt của thiên hạ, hễ nơi nào có người của tộc Việt thì nơi ấy có áo dài, nhất là mỗi độ xuân sang. Thật khó mà tưởng tượng xuân của tộc Việt không có những ta áo dài của em, của các bà các cô và cả của các cụ, thậm chí các anh chàng đỏm dángcũng diện áo dài trong dịp tết. Nói đến xuân hay tết dân tộc ắt nhớ đến hoa đào, hoa mai, bánh tét, pháo, lân… và dĩ nhiên không thể thiếu những tà áo dài.
Thành Ất Lăng thuộc miền đông nam của xứ Cờ Hoa, tuy vạn dặm xa nguồn cội nhưng mỗi mùa xuân sang vẫn bừng lên những tà áo dài xuân sắc. Những tà áo dài nhiều màu sắc, đa kiểu cách, lắm họa tiết hoa văn tha thướt lễ chùa, tung tăng các hội xuân và rộn ràng khắp các khu thương mại của cộng đồng Á châu. Thành Ất Lăng là thủ phủ của liên minh các bang miền nam thời nội chiến, giờ nó vẫn là thủ phủ của miền đông nam xứ Cờ Hoa. Con cháu tộc Việt di tản tụ về đây rất đông, tuy nhiên không thể bằng thủ đô tỵ nạm California và thủ đô cowboy Texas. Con cháu tộc Việt ở đây góp thêm cho xứ sở này một nét xuân mới mang màu sắc phương đông. Mỗi độ xuân về là tràn ngập bánh kẹo, rim mứt, đặc sản , hoa cúc, hoa đào, áo dài, lân, pháo… Ở quê nhà vẫn cấm đốt pháo nhưng ở đây pháo nổ giàn trời, tiếng pháo báo hiệu mùa xuân sang, biểu thị xuân đang hiện tại, gợi nhớ những mùa xuân xưa.
Mùa xuân là nguồn cảm hứng bất tận cho các văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ… Có vô số những tác phẩm về chủ đề xuân, ca ngợi xuân, tán tụng xuân. Người thế gian ai mà chẳng yêu thích mùa xuân, không có tâm hồn nào mà vô cảm, không lay động khi xuân sang. Ngay cả những bậc tu hành đã lánh đời, ly gia đoạn dục, lìa bỏ trần cảnh như những thiền sư, ấy vậy mà cũng có những cảm xúc để trước tác về mùa xuân. Bài kệ “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác thiền sư là một bài kệ - thi rất quen thuộc và phổ cập, hầu như người Việt nào yêu thơ văn cũng đều biết:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Bài kệ này cũng có thể xem như một bài thơ, một điển hình mẫu mực về xuân, mỗi mùa xuân về thiên hạ lại đem bài kệ-thi này ra ngâm nga, phân tích, xưng tán… Thiền sư nhìn nhận mùa xuân đến đi đúng với bản chất của tự nhiên ( look as is), không có dính mắc, không phán xét, không yêu ghét, không níu kéo... Xuân là tự nhiên, trong xuân vốn hàm tàng các mùa kia và những mùa kia cũng đã có xuân từ trong rồi. Xuân đến hoa nở, xuân qua hoa tàn là lẽ tự nhiên, với người ngộ đạo thì ngay cả xuân tàn cũng đã sẵn “Nhất chi mai” từ đêm qua. Cái nhìn xuân của vị thiền sư sâu sắc hơn người thế gian, hơn những nghệ sĩ ngoài đời, cái nhìn sâu sắc ( insight) và chánh niệm ( mindfulness) của người hiểu đạo, chứng ngộ lẽ sanh-trụ-dị-diệt. Cái nhìn của người đang ở trong phút giây hiện tại của mùa xuân, mượn cảnh xuân và chuyện có bệnh để cảnh tỉnh, giáo dưỡng đồ chúng về lẽ vô thường, sự bất sanh bất diệt của chơn tâm Phật tánh. Sanh-diệt, đến-đi, cũ-mới… là sự đối đãi của thế gian, của vọng tâm. Cái tánh giác nó vẫn thường hằng, vẫn thường trụ,vẫn bất sanh bất diệt.
Gã du tử từ phương ngoại xa xôi lòng hướng về cố quận, nhớ mái chùa quê, nhớ những con đường phố thị đông vui, nhớ tiếng pháo giao thừa, nhớ những mùa xuân xưa. Bóng dáng xuân, âm thanh xuân, hương vị xuân vẫn luôn tràn ngập trong tâm hồn, bởi vậy lúc cao hứng khi xuân sang gã du tử cũng tập tễnh mần thơ:
Xuân đất trời bây giờ mới đến
Trong lòng tôi xuân đến đã lâu rồi”- TLTP
Gã du tử rong ruổi trên đường đời, vất vả với đường mưu sinh, lang thang lặng lẽ giữa đường sanh tử, mò mẫn rụt rè bước vào đường thơ văn… Dù cho đời có thế nào đi nữa, dù xã hội có xê dịch đổi thay, dù thiên nhiên biến dịch không ngừng. Lòng gã du tử vẫn hướng về quê hương, trái tim vẫn thổn thức cùng cái đẹp, tâm hồn lân mẫn vẫn yêu thương dân tộc mình, nhất là trân quý những con người sống vì nước vì dân. Hải ngoại giữa mùa đông nhưng đất xưa của mình đã là tháng chạp xuân. Gã du tử dường như nghe văng vẳng âm hưởng thiết tha của xuân xưa, tiếng thì thầm hy vọng của xuân mai và lời ca thống thiết thậm chí ai oán của xuân hiện tại:
Tháng chạp đã vào xuân
Mai, đào đơm nụ
Muôn hoa trái tụ hương
Mùa xuân thấp thoáng trên vạn nẻo đường
Đất trời dường như hóa thanh tân
Tháng chạp thương người vất vả
Ngược xuôi nặng nợ cơm áo mưu sinh
Người phương xa nặng tình
Lòng hướng về nguồn cội quê hương
Tháp chạp thương người trong ngục tối
Những người hiên ngang không cúi đầu quỳ gối
Dám nói lên lời thật trong đời
Những tù nhân lương tâm, dân oan, bất đồng chính kiến…
Hình án tàn độc oan khiên
Mùa xuân đến với muôn loài nhưng không thể vào ngục tối
Vì ngăn cản của những kẻ có trái tim lạnh giá hơn cả song sắt nhà giam
Những kẻ nắm quyền sinh sát trong tay
Tâm không hề mảy may rung động
Như dế giun nào biết đất rộng trời cao
Mùa xuân ơi tiếng hát bay xa
Niềm vui đến muôn nhà
Mùa xuân núi rừng đẹp lắm
nhưng trẻ vùng cao không cơm ăn áo ấm
Người lên nương dỡ đá trồng ngô
Những trường học tranh tre vách nứa
Gió mùa xuân rét cứa thịt da
…
Như thế đấy, mùa xuân về trên quê hương ta, lời ca bay cao bay xa, lời ca không chỉ ca ngợi cái đẹp mà còn là xưng tụng nhân văn. Lời mùa xuân hát cao vút trong đất trời nhưng vẫn có những cung trầm, trầm vì nước non nhiều hung hiểm, xã hội nhiễu nhương và có nhiều những con người quả cảm vì nước vì dân mà phải chịu cảnh tù đày, giam cầm, khủng bố. Những con người ấy đã hy sinh tuổi xuân, mùa xuân riêng của mình vì một mùa xuân tươi sáng hơn cho đồng loại.
***
Những thập niên ba mươi, bốn mươi của thế kỷ trước, khi đất nước còn bị đô hộ bởi thực dân Pháp. Một thi sĩ của phong trào thơ mới đã viết:
Tôi có chờ đâu có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu
Có lẽ trong hoàn cảnh tối tăm của đất nước, dân tộc bị nô lệ ngoại bang, tương lai không có tia hy vọng nào bởi vậy thi sĩ nhìn mùa xuân ảm đạm, buồn bã, đầy ưu sầu, thậm chí chẳng còn mong chi xuân. Hoàn cảnh xã hội, đất nước tác động mạnh vào tâm trí của nhà thơ. Không chỉ thời Pháp thuộc tộc Việt có những mùa xuân bi thảm mà cả ngàn năm bắc thuộc đã có bao nhiêu mùa xuân sầu thảm. Thời hiện đại cũng có xuân Mậu Thân đầy máu lửa, đạn bom, chết chóc. Xuân Mậu thân là một mùa xuân đen tối, bi thảm, oan khốc của người Việt phương nam, chẳng những công chức, viên chức mà ngay cả thường dân cũng bị thảm sát.
Sử tộc Việt tính từ năm đầu công nguyên đến nay cũng đã hơn hai ngàn năm, ngoài những mùa xuân sầu thảm đau thương thì cũng có những mùa xuân vô cùng rực rỡ hào hùng, những mùa xuân oanh liệt được ghi vào sử sách: Mùa xuân năm 40 – 42 hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh đuổi Tô Định chạy về phương bắc, lấy lại sáu mươi lăm thành, đóng đô ở Mê Linh. Nhi nữ quần hồng tộc Việt đã khiến cho mày râu Tàu sợ vỡ mật, chạy trối chết. Mùa xuân Mậu Thìn, Triệu Thị Trinh dựng cờ khởi nghĩa, đánh cho giăc Ngô những trận long trời lở đất. Bà Triệu cỡi voi, chít khăn vàng oai phong lẫm liệt khiến giặc Ngô sợ khiếp vía, bảo nhau:
Hoành qua đường hổ dị
Đối diện bà vương nan
Mùa xuân Giáp Tý, sau khi đánh đuổi giặc Lương, Lý Bí xưng Nam Việt Đế và dựng nước Vạn Xuân, mong mỏi độc lập dân tộc, đất nước trường tồn. Lý Bí là người Việt đầu tiên xưng đế, kế tiếp có Mai Thúc Loan cũng xưng Đế. Mùa xuân Hoa Lư, Đinh Tiên Hoàng Đế lập nước Đại Cồ Việt. Mùa xuân Thăng Long bắt đầu từ triều đại nhà Lý mở ra một trang sử mới của dân tộc, độc lập, tự chủ, văn hiến. Mùa xuân thăng Long của nhà Lý với hào khí Đông A của nhà Trần là những mùa xuân huy hoàng của lịch sử cổ đại Việt Nam. Những chiến công Như Nguyệt, Bạch Đằng, Vạn Kiếp, Đông Bộ Đầu… là cả một quá khứ hào hùng. Mùa xuân Yên Tử lại mở ra một cung trời ảo diệu, các vua Trần sau khi an định đất nước đã từ bỏ ngai vàng để lên đây tu hành và lập ra dòng thiền thuần Việt, mở ra một nhánh mới trong dòng Phật sử Việt. Mùa xuân Mậu Tuất, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn, trải qua mười năm gian khó nằm gai nếm mật mới đánh đuổi được giặc Minh để khôi phục lại nền độc lập của quốc gia. Mùa xuân Kỷ Dậu, vua Quang Trung và quân Tây Sơn tiêu diệt hai mươi chín vạn quân Thanh. Mùng năm tết Quang Trung cỡi voi vào Thăng Long với áo bào và khăn vàng còn sạm thuốc súng. Xuân Kỷ Dậu là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng ca dựng nước và giữ nước. Xuân Kỷ Dậu thống nhất nước nhà, chấm dứt tục cống người vàng, đập tan âm mưu xâm lược và đồng hóa của bắc triều, nhờ chiến thắng này mà cả trăm năm về sau giặc Tàu ngừng xâm lăng nước Việt. Dòng xuân tương tục nối liền mạch xuân hiển hách của tộc Việt: Mê Linh, Long Biên, Hoa Lư, Đại La, Thăng Long, Phú Xuân…
Dòng thời gian bất tận không ngừng biến thiên, sự thay đổi trong từng phút giây. Dòng đời không ngừng trôi, từng thế hệ nối tiếp nhau, loài người có như thế nào đi nữa thì mùa xuân vẫn thế thôi. Mùa xuân vốn như thế, chẳng phụ thuộc vào cảm xúc chủ quan của con người. Ta thấy xuân đẹp, xuân rộn ràng, xuân tràn đầy sức sống hay là xuân bi thảm thì xuân vẫn cứ là xuân, xuân vẫn như thế nếu nhìn nhận như thế ( look as is) thì mình không bị ràng buộc, không phải khổ tâm mong đợi, trông chờ hay chối bỏ. Xuân vẫn cứ đến rồi đi khi trái đất quay trọn một vòng quanh mặt trời.
Mùa xuân hải ngoại dẫu vui, dẫu có rộn ràng, dẫu có đầy đủ phủ phê thức ăn uống và phương tiện vật chất nhưng tâm tư những người con xa xứ không ít thì nhiều cũng bâng khuâng nhớ về nguồn cội tổ tiên, nhớ quê hương, nhớ những người thân yêu còn ở quê nhà.
Ất Lăng thành, 01/22