Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.169
123.203.862
 
Trên một chuyến tàu
Hoàng Thị Bích Hà

 

 

1. Mùa hè năm ấy, trên chuyến tàu chợ đến ga Huế có hai cô giáo trạc tuổi khoảng ngoài hai mươi, hai lăm đi cùng nhau. Vẻ mặt lo âu và đượm nét u buồn. Họ chăm sóc nhau và hỏi han nhau những lời rất nhỏ vừa đủ hai người nghe. Tàu chợ vào những năm của thập kỷ 80-90 không khác gì tên gọi của nó. Không có trật tự gì hết, người và hàng hóa, kể cả gà vịt heo chen chúc nhau, mạnh ai nấy lấn. Những người đi buôn chuyến mệt mỏi nằm dưới sàn tàu hoặc nằm vật vờ trên những bao hàng xếp chồng lên nhau không lấy gì làm chắc chắn. Nhưng có hề gì, cứ kiếm một chỗ ngã lưng để lấy sức là ok rồi! Có người còn mắc võng từ cửa sổ này sang của sổ khác chiếm một cõi không gian hiếm hoi, ngay trên đầu, trước mặt khách nhưng ai cũng phải chấp nhận vì trong hoàn cảnh ấy, ai ngồi được đâu cứ ngồi, ai nằm được đâu cứ nằm. Ai bước lên tàu chợ cũng bầm dập, tả tơi như vậy cả. Cứ phải ý từ leo qua người này, người khác để đi. Nhỡ đạp trúng chân ai hoặc đụng xách vào hông ai đó phải nhanh chóng xin lỗi trước khi họ nổi cộc. Còn những học sinh, sinh viên, công nhân và những người bán hàng rong thường đi tàu chui. Nghĩa là cứ leo lên, có khi chỉ đứng được một chân vì hết chỗ, đu bám ở chỗ cửa lên xuống, chỗ nối toa, thậm chí leo lên ngồi trên nóc tàu bất chấp nguy hiểm. Nếu có kiểm soát viên đi soát vé toa này, họ sẽ lẻn qua toa khác. Chẳng may bắt được thì sẽ bị đuổi xuống khỏi tàu khi tàu dừng. Có lúc là giữa đồng không mông quạnh hay ở một ga xép nào đó. Hoặc may mắn thì cho dừng ở ga gần nhất tính từ khi bị phát hiện không có vé. Âu cũng vì cái nghèo mà ra cả.

 

Hai cô giáo thời bao cấp, lương không đủ sống cũng không ngoài số phận đó. Một cô điềm tỉnh hơn, còn một cô có khuôn mặt thật thà đến tội nghiệp. Da trắng, đôi mắt to, đen láy vẻ hiền lành nhưng đầy nỗi u uẩn. Cô mặc quần tây, áo sơ mi hơi rộng vẻ mệt mỏi. Cô bạn đi cùng thường tỏ ra chăm sóc ân cần như chị em muốn san sẻ an ủi một điều gì đó, ngoài tầm với của hai người.

 

Bỗng kiểm soát viên đi tới, hai cô không kịp chạy vì một cô mặc áo sơ mi rộng đang mang thai. Với cái bụng bầu đã lùm lùm khoảng năm tháng. Thế là hai cô bị đuổi xuống ở ga Đông Hà, hai cô đành xuống ga, bơ vơ, tủi hổ khóc như mưa. Xuống sân ga họ ngồi nép vào nhau và khóc tấm tức, khóc cho vơi đi những nhục nhằn của số phận, của hoàn cảnh. Rồi may mắn cũng gặp người tốt. Nhân viên ở ga Đông Hà bắt tàu khác cho 2 cô vô Huế. Qua câu chuyện hỏi han biết được tình cảnh hai cô giáo. Cô da trắng, tuổi nhỏ hơn là cô Ty bị người yêu phụ tình khi biết cô mang thai. Cô My là đồng nghiệp (bạn của anh trai cô Ty) đưa Ty vào bệnh viện Trung ương Huế để khám thai. Vì người yêu của Ty muốn giải quyết cái thai. Anh ta nói gia đình anh ta không chấp nhận vì tuổi xấu, không hợp. Cô Ty tuổi dần (1962), anh ta tuổi hợi (1959).

2. Hai cô đi vào bệnh viện Huế, không quen ai, chỉ là hỏi thăm nghe người ta nói có một chị cùng quê (cùng huyện, khác xã) là nữ bác sĩ A làm ở khoa mắt của bệnh viện Huế. (hai chị chưa được gặp lần nào). Để nhờ chị tư vấn và dẫn đi khám.

Thế rồi gặp được nữ bác sĩ là người thứ nhất có tấm lòng bồ tát trong những người tốt giữa đời thường của bệnh viện trung ương Huế vào năm 1989, mà tôi xin kể lần lượt ra đây cùng bạn đọc.

Bác sĩ A đã ân cần hỏi han hoàn cảnh của cô Ty rồi hỏi:

- Ba nó là ai? Để chị tìm và bắt ba nó phải cưới em!

-Dạ thôi chị! Nó bảo em phá thai, nên giờ em cũng hết yêu nó rồi!

Câu chuyện của cô Ty đã làm động lòng trắc ẩn của chị em cán bộ nhân viên trong khoa mắt.

Chị Xuân* ( chị X) điều dưỡng hỏi:

-Em năm nay được mấy tuổi rồi?

-Dạ 27 tuổi.

- Em để sinh con mà nuôi em!

Thế rồi, mấy chị sắp xếp cho Ty xuống thăm khám thai ở khoa sản, biết thai khỏe. Là con trai, ai cũng mừng. Sau vài ngày, cô My phải trở về trường, trở lại với công việc. Chị Xuân đem Ty về sống chung trong gia đình chờ đến kỳ sinh nở. Đó là một người có tấm lòng bồ tát đã ra tay cứu giúp một sinh linh.

Chị Xuân về nói với chồng chị là: Cô Ty ở tỉnh Q, có thai mà bị đau tim (Chị Ty thường bị tức ngực khó thở) nên phải vào Huế để chờ sinh con.

Chồng chị Xuân là người hiền lành, chất phác và ít nói. Nên nghe vợ bảo vậy thì anh nghe vậy chứ anh không nói gì. Thế là cô Ty được chị Xuân đem về sống trong gia đình như người nhà. Các con của chị Xuân cũng thông cảm cho hoàn cảnh của cô Ty, nên ủng hộ việc mẹ đem người cơ nhỡ về nhà nuôi nấng.

Ngày ngày chị Xuân đạp xe đi làm ( những năm 80-90 đa số đều đi xe đạp, ai lỡ có chiếc xe máy cũng đắp chiếu vì rất khó mua xăng). Chị rút củi xuống cho Ty ở nhà nấu cơm và dặn rằng không được vin vói, với tay cao, sợ hụt, cẩn thận kẻo ngã ảnh hưởng thai nhi. Và chị cho Ty ăn uống đầy đủ. Mấy tháng trôi qua, khi gần sinh, chị Xuân dặn chú xích lô gần nhà:

-Khi nào Ty đau bụng nhờ chú chở đi giùm nghe. Thửa trước vậy, lỡ khi đi làm vắng.

3. Ty ở nhà, một hôm bỗng thấy đau bụng dữ dội, bèn mược xe đạp của anh định đạp xe lên bệnh viện. Nhưng đi được một đoạn vỡ ối nên quay về gọi xe ôm lên bệnh viện cho kịp. Chị X, Chị A đem Ty xuống khoa sản. Chị Ty sinh được một cháu trai kháu khỉnh. Cả khoa sản biết chuyện nên ai cũng thương, cũng quan tâm. Người thì lấy bớt áo blouse của mình cắt may áo sơ sinh cho cháu, người thì may tã, người thì bới đồ ăn cho Ty. Có những sản phụ ở Huế, ở các huyện lân cận có người nhà sinh con bới nước lá vằng sắc keo lại bảo Ty pha dần mà uống.

Chị X và chị A thay nhau giặt giũ cho hai mẹ con. Mỗi lần đi làm về gói theo tã áo quần về nhà giặt, khô khén lại mang tới. BS Vân thường đem thuốc bổ, gạo tới để khi có ai nấu cơm thì Ty gửi cho người ta nấu ăn. Cảm động khi còn nằm sinh con trên bàn sinh, BS Nga mua phở tới ngồi bên đút từng muỗng cho Ty ăn cho lại sức. Cô Ý, cô Vân, cô Dung đều rất thương hai mẹ con Ty, bồi bổ, thuốc thang và cơm nước cho Ty, may thêm áo, tã cho cháu mặc. BS Thu ở khoa sản thì đem áo quần của con chị mặc còn mới đến để cho bé mặc ra năm. BS Mẫn trưởng khoa mắt thì tạo điều kiện cho mẹ con Ty tá túc trong khoa mắt thời gian dài hàng tháng và cũng để điều trị mắt cho cháu bé. Sau khi nạo sót nhau mẹ xong thì cháu bé bị sưng mắt phải trở lại khoa mắt để điều trị. Phải nói là các cô, bác cán bộ viên chức trong hai khoa đều nhiệt tình giúp đỡ mẹ con Ty bằng cả tấm lòng thương người với những gì có thể. Khuôn mặt của Ty hiền, và thật thà chân chất nên ai cũng thương. Anh Đ chồng của BS A dạy nhạc ở trường cao đẳng, nghe cô Ty kể là trước đây học CĐSP Huế lớp…, khóa… Anh về dò danh sách quả là có thật, nên mọi người càng tin và thương mẹ con Ty hơn. Chị em trong khoa mắt đùa với cháu rằng:

- Con có nội là khoa sản, ngoại là khoa mắt đó nghe. Hai khoa là nội ngoại của con đó! Con nhớ nhé!

Cô Ty quả là may mắn, cháu trai cũng tốt phước nên đã được cả hai khoa mắt và khoa sản cưu mang giúp đỡ. Cháu được làm người, dù bị bố ruột ruồng bỏ và đang tâm tước đi quyền được sinh ra đời của cháu. Chị A, chị X và các anh chị em trong hai khoa của bệnh viện Trung Ương Huế đã dành lại sự sống cho cháu, cháu được chào đời. Trước hết nhờ những tấm lòng bồ tát giữa đời thường như thế!

Trong quá trình nằm bệnh viện, có một số người hiếm muộn cũng muốn xin làm con nuôi nhưng Ty không chịu. Có hai anh chị đem tới cả cây vàng và nói rằng:

-Chị không phải mua cháu mà chỉ muốn hai chị em mình cùng nuôi con. Em cho cháu về nhà anh chị ở, chị cho địa chỉ, thỉnh thoảng em tới thăm con.

Ty nói:

-Em vẫn biết về nhà anh chị thì có điều kiện cho cháu hơn nhưng giờ em thấy mặt con rồi, em không nỡ xa con!

Có một cặp vợ chồng tới sinh con, chẳng may con bị mất khi chào đời. Chị vợ vì lý do nào đó phải tiệt sản. Thế là anh chồng bàn với vợ xin con nuôi. Thế là anh chồng ngày nào bới cơm cho vợ cũng bới thêm phần cho Ty. Khi thì bánh chưng, món này món khác. Rồi bảo Ty khi nào ra viện, hai mẹ con về nhà anh chị ở luôn. Anh chị nhận làm con anh luôn!

Ty nói:

-Dạ anh ơi! Chị mới sinh dang yếu, anh đừng nói vậy chị buồn.

Chị vợ bảo:

-Anh chị bàn bạc rồi, chị cũng đồng ý mà em!

Rồi có một anh khác ở Thuận An đem vợ đi sinh con lần thứ 4 cũng là gái. Anh muốn có con trai nên cũng muốn nhận con và đưa hai mẹ con Ty về nhà sinh sống. chị vợ cũng đồng ý luôn. Cả hai vợ chồng đều qua năn nỉ muốn được đưa chị về nhà chung sống cho co chị, có em. Vì có lẽ chị vợ thấy vẻ mặt Ty hiền, thiện lương nên cũng muốn đem người về cho chồng như vậy vẫn chắc ăn hơn là để chồng tự do léng phéng bên ngoài. Chuyện không có con trai hay có con toàn là gái là chuyện mà khó giữ chồng khi mà xã hội thập niên 80-90 vẫn còn thích có con trai nối dõi.

Chị X, chị A và các chị trong hai khoa nói:

-Thôi em! Ở vậy một mình nuôi con, cho con không lớn rồi tính sau. Bây giờ họ nói vậy chứ về sống chung lâu ngày va chạm sẽ khổ, có khi còn bị đánh nữa.

Mấy chị làm trong khoa sản bảo để xin cho cô Ty ở lại làm hộ lý trong khoa sản. Có chị định xin việc cho chị ở công ty xuất nhập khẩu. Nói ở lại Huế mà nuôi con, đừng về quê nữa. Vì về sẽ đối diện với nỗi buồn phụ tình, người xung quanh ác ý dè bửu chê cười,…

Lúc sinh con có sự cố chị bị sốt cao, khám lại thấy sót nhau (10g) nên phải nạo nhau ra. BS trưởng khoa họp kiểm điểm ca đỡ hôm đó để rút kinh nghiệm. Vì lý do đó mà chị phải ở lại ba tháng ở bệnh viện. Sau 3 tháng, chị X mới thôi giặt giũ vì lúc này Ty cứng cáp, nhúng nước giặt giũ được rồi! Cô Ty cảm ơn các BS và cán bộ nhân viên của hai khoa rồi xin phép bồng con trở về quê nhà. Vì chị nói nhớ ba mẹ, nhớ nhà và về trường để trở lại công việc.

Lại nói về lúc cô Ty đến Huế trong túi có 12 nghìn đồng để dành gửi chị X lo cho khi sinh nở. Nhưng chị X lo hết, không dùng đến số tiền đó. (Mặc dù đời sống chị lúc đó cũng khó khăn, chị X phải làm thêm bánh đậu xanh trái cây đi bỏ mối cho các khách sạn để trang trải cuộc sống. Lúc mẹ con cô Ty ra về, chị X gửi lại đủ 12 nghìn đồng cho Ty. Chị X nói cu em số cao, mẹ con đi đâu cũng gặp may, nên mọi việc đều thuận lợi. Ngày chuẩn bị về có cô Ý nấu cơm vắt cho mẹ đi đường, nấu cháo, sắm sửa thêm áo quần cho cháu bé mặc khi lớn dần. Cô Ýcó người yêu làm ở khoa hồi sức cấp cứu có người quen lái tàu nên xin cho hai mẹ về quê. Cô và người yêu lo thức canh giờ đưa hai mẹ con ra tàu, đem theo chiếc chiếu trải ở phòng lái tàu cho hai mẹ con nằm. Hồi đó người ta thương người thế, nên mọi việc khi cần có thể đơn giản hóa là vậy.

Về đến ga quê nhà, gặp hai vợ chồng người em con chú ruột. Chị Ty mừng và kể cho họ là:

- Chị mới sinh con, bồng cháu về đây!

Thế là hai vợ chồng chào một tiếng xong đi thẳng, không ngoái lại một giây nào.

Lại nói lúc cô Ty vào bệnh viện Huế cũng có cô bạn cùng quê làm ở bộ phận hành chính có ghé tới đứng bên cửa sổ nhìn một thoáng, nhếch mép cười rồi đi thẳng.

Về đến nhà thì ông bà ngoại và các cậu dì thấy bất ngờ nhưng không ai nói gì nặng nhẹ cả. Vẫn biết là không tránh khỏi nỗi buồn nhưng mẹ tròn con vuông bồng nhau về, nhà có thêm cháu ngoại là vui rồi. Từ đó bà ngoại lên trường ở bồng con cho chị đi dạy . Có chị gái thỉnh thoảng thăm nom, chăm sóc. Lúc về trường, mấy tháng lương bị người ta chia nhau lấy mất vì họ tưởng chị bỏ dạy rồi. May có thầy hiệu trưởng trả lại cho 1 tháng lương, còn mấy người khác không trả. Còn ở quê có một điều đáng buồn nữa là những người đàn ông, trước đây là những người bạn cùng học chung trường, chung xóm, đồng nghiệp, ai thấy mẹ con Ty cũng ngó lơ. Có khi đi lỡ đường cũng không cho quá giang vì sợ ảnh hưởng. Ý nói là Ty có con không chồng là thành phần không tốt, sợ liên lụy. Có lần Ty cùng hai người anh hơn mấy lớp vô Huế để lấy bằng Sư phạm. Lúc về hai người kia đi xe không nhưng tuyệt đối không cho Ty quá giang vì sợ vợ bảo đi với người không chồng mà chữa. Như vậy những năm cuối thế kỷ 20 rồi mà ở một vùng quê nọ vẫn có những quan điểm lạc hậu và thiếu tình người như thế!

Mẹ con rau cháo thời bao cấp rồi cũng qua. Cháu trai lên lớp bốn. Hai mẹ con chị trở lại Huế thăm chị X (hồi đó liên lạc đứt quảng vì không có điện thoại như bây giờ). Cả nhà chị X ai cũng vui. Chị X nấu cho cháu trai ăn đủ thứ món ngon, bánh trái đủ loại bèo nậm lọc, bánh đậu xanh trái cây,… Cháu thích gì chị chiều nấy, thương như con cháu trong nhà. Mấy anh con chị X cũng thương em, quan tâm em, thường đem em đi thả diều, đi bơi ở sông Hương, theo các anh đem bánh đậu xanh đi bỏ mối ở các khách sạn. Chị X nói:

-Cu, Mẹ X là mẹ đẻ con ra đó nghe còn mẹ Ty là mẹ nuôi thôi!

Thế là hết ba tháng hè, ngày trở lại quê nhà thì cháu không muốn về, chỉ muốn ở lại nhà cô X vì cô X cưng chiều và được chơi với mấy anh vui. Gần đến giờ tàu khởi hành, tìm đâu cũng không có cháu. Lên gác tìm thấy cháu trốn trong góc tủ, quần áo. Các anh phải dỗ dành là:

-Em phải về quê cắt giấy tời, chuyển học bạ vào để đi học, khi đó cháu mới chịu đi.

4. Đến năm lớp 11, mẹ con trở lại nhà cô X cho em ôn thi đại học, Anh mua xe honda, cho em chiếc xe đạp, em mừng lắm! Kể vậy để biết gia đình cô X thương em như con cháu trong nhà.

Thế rồi em đã đỗ đại học. Học xong đại học, ra trường có việc làm ở Sài Gòn. Em có ý trung nhân, đó là một bạn cùng quê cũng ra trường đi làm ở Sài Gòn. Ba mẹ có công ty riêng rất cần người. Nhưng hai bạn ấy ở lại SG lập nghiệp. Đám cưới của hai bạn tổ chức hoành tráng ở quê nhà khách mời khoảng 1000 người cả hai bên nội ngoại. Nhà vợ em có điều kiện và cũng rất thương con cái. Mỗi lần về ba mẹ bảo con cứ lấy ô tô mà dùng thoải mái.

Mừng em ngoan, biết chăm lo học hành, xây dựng gia đình cũng con nhà đàng hoàng, căn bản.

Chị Xuân nói với tôi:

-Chị mừng lắm em à, mừng cho Ty, mừng cho cháu. Người ta có nhiều con, có đứa nên, đứa hư. Ty có một mà nên, mà thành công vậy chị vui lắm! Chứ nếu cháu không nên thì Ty sẽ trách chị. Là chị nói vậy chứ Ty mang ơn chị không hết sao trách được.

Hè nào cô Ty cũng vào thăm chị Xuân, họ gắn bó như chị em, mà còn hơn cả chị em ấy chứ! Chị em đôi khi ai có gia đình nấy với những bận bịu riêng. Làm ăn thuận lợi thì không sao chứ khó khăn thì ai lo nồi niêu nấy, cũng là lẽ thường.

Chị Xuân lại bảo:

-Chị làm phước cũng là cái duyên đến cho chị có cơ hội làm phước. Chứ có khi ưa làm phước mà cái duyên không tới cũng khó thực hiện.

Bước sang năm Quý Mão 2023, nay chị Xuân đã 85 tuổi rồi, chồng chị thì mới mất cách đây hai năm ở tuổi 85. Tôi và chị Ty, chị Xuân nói chuyện qua điện đàm, chị Xuân vẫn minh mẫn. Giọng nói thanh thoát, vang và ấm áp, lưu loát như thời trẻ vẫn vậy.

Những ngày giáp tết, Ty vô thăm, chị Xuân bày vẻ cho Ty cắt gọt trái vả để dầm chua ngọt, tỉa bông ngâm dấm gỏi, khéo tay lắm, con gái Kim Long mà! Nữ công gia chánh tuyệt vời. Còn tấm lòng thiện lương của chị là tấm lòng bồ tát. Tôi nói với chị là: theo lời Phật thì “Cứu một người hơn xây bảy tháp phù đồ” đó chị nà!

Chị nói:

-Bầy giờ giúp được ai chị vẫn giúp, vẫn làm từ thiện bằng tấm lòng thương người của chị.

Ở tuổi 85 chị vẫn giúp người khi có thể.

Còn chị A (nữ bác sĩ A mà chị Ty gặp đầu tiên khi tới bệnh viện trung ương Huế) đã mất sau một cơn bạo bệnh. Các chị trong kho mắt bảo chị Ty:

-Chị A rất tốt với Ty, giờ chị A mất rồi, hay là Ty về nhà chăm sóc anh Đ thay chị A nghe!

Rồi các chị phân công chị Dung đưaTy lên thăm mộ BS A, mua lễ vật để trình bày với BS Anh. Ý mấy chị là giờ hai con gái của BS A đã lập gia đình và ở trong SG, thì muốn Ty về ở với anh Đ cho ấm thân và thay chị A chăm sóc anh.

Anh Đ hồi trước là thầy dạy nhạc của Ty tại trường cao đẳng. Nhưng Ty nói:

-Anh Đ khó gần, Hồi trước em về nhà chơi với chị A, Chào thì anh gật đầu, xong anh lẳng lặng đi làm việc của anh. Để em và chị A nói chuyện với nhau thôi!

Tôi nói với chị:

-Đàn ông họ ít nói vậy là đúng rồi, khách nữ tới nhà thường để vợ chuyện trò. chứ ai lại vồn vã nói chuyện với phụ nữ trước mặt vợ mình, chỉ nên chào hỏi xã giao. Đàn ông bên ngoài hơi lạnh lùng vậy mới đúng mẫu đàn ông tốt đã có gia đình.

Ty cũng nể và quý tấm lòng của các chị nhưng đi dọc đường thì lại cầu mong lên nhà đừng găp anh Đ, hóa ra anh về quê thăm mẹ thật nên không gặp. Âu cũng là  cái duyên không tới.

Chị A mất, các con đã trưởng thành. Anh Đ bây giờ sống một mình, nhìn con cháu trưởng thành có lẽ cũng ổn cho anh.

Câu chuyện cuối năm cảm động quá tôi không thể không ghi lại. Đây là những tấm lòng bồ tát giữa đời thường của xứ Huế thân yêu! Nhìn cháu khôi ngô trưởng thành, chăm học, chăm làm, tất cả đã góp một tay để đóng góp công dân tốt cho xã hội. Quả thật lòng tốt của họ đã làm thay đổi một trong nhiều số phận được cứu vớt. Mới đó mà mấy chục năm đã trôi qua, bây giờ người còn, người mất. Dẫu có người đã về miền thiên cổ nhưng tấm lòng thiện lương nhân ái của họ thật đáng trân trọng và lưu giữ trong từng kỷ niệm một thời của người trong cuộc với tấm lòng biết ơn vô bờ bến.

Người viết bài cũng xin chân thành cảm ơn những tấm lòng bồ tát giữa đời thường! Những người hàng ngày thầm lặng làm việc tốt để giúp đờ người, giúp đời! Cầu mong mọi người luôn an lành, sức khỏe, đón một cái tết Quý Mão đầy niềm vui!

 

Sài Gòn ngày 20/01/2023

 

* Chị Xuân tên đầy đủ là Mai Thị Thanh Xuân

(tên nhân vật chính và nhân vật đi cùng đã được thay đổi, ảnh minh họa nguồn internet)

 

 

Hoàng Thị Bích Hà
Số lần đọc: 701
Ngày đăng: 06.02.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện ‘Ăn Noel’, ‘Chơi Noel’ một thời… - Phạm Nga
Hành hương - Tiểu Lục Thần Phong
Dọc đường văn nghệ (Phần 88) Nhà thơ tài hoa của xứ Phan Thiết - Trần Dzạ Lữ
Trò chuyện với ngày xưa - Vinh Anh
Thế sự đổi thay - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Có một người như thế! - Hoàng Thị Bích Hà
Gặt đầu non - Phan Văn Thạnh
Thầy Quàng A Lý - Hoàng Xuân
Dọc đường văn nghệ (Phần 87) Trần Thị Hiếu Thảo – Nàng thơ đem trái tim tặng người yêu - Trần Dzạ Lữ
Cẩm tú cầu bên cửa - Ngô Lạp
Cùng một tác giả
Chị Xíu của tôi! (truyện ngắn)
Anh tôi! (truyện ngắn)
Chủ nghĩa cưới vợ (truyện ngắn)
Nước tràn ly (truyện ngắn)
Giận kẻ bạc tình (truyện ngắn)
Đời là thoáng chốc (truyện ngắn)
Chú Nghĩa cưới vợ (truyện ngắn)
Bông cúc xanh (truyện ngắn)
Nhảy tàu (truyện ngắn)