Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.188
123.217.200
 
Đọc lại những trang viết trải lòng
Phan Văn Thạnh

 

 

 

 

Phần 1- Nguyễn Hiến Lê – một nhân cách cao quý  

 

Ông có tên hiệu Lộc Đình sinh ngày 08/01/1912– (khai sinh ghi 08/4/2012) - ở nhà số 4 ngõ Phất Lộc, Hà Nội - Tổ quán,làng Phương Khê, phủ Quảng Oai,Sơn Tây - năm 1980, về ẩn cư ở Long Xuyên - ông mất ngày 22/12/1984 hưởng thọ 72 tuổi.

Nếu tính từ năm xuất bản 1993 (NXB Văn Học) đến thời điểm hiện tại (2023) - tròn ba mươi năm,tập hồi ký của Nguyễn Hiến Lê vẫn có sức lôi cuốn người đọc qua từng trang đầy nhóc thông tin về tổ tiên,gia đình,về đời viết văn ,về bối cảnh thời sự diễn ra xung quanh : “Chúng ta ở thời này,cũng chỉ trong 30 năm,từ 1945 đến 1975 đã từng chứng kiến biết bao sự thay đổi.Chúng ta đã thấy ba bốn trào thực dân cũ và mới : Pháp rồi Nhật,rồi lại Pháp,sau cùng là Mĩ…” - (Chương I,tr 16).

Điều tôi thích nhất ở Nguyễn Hiến Lê là tính trung thực,sự cẩn trọng nghiêm túc với “con chữ”. Hiện thực có sao ông ghi chép - tường thuật “sát rạt”-  nhưng từ tốn không cực đoan quá khích.Thông tin có được từ cuộc sống trải nghiệm - trực tiếp tai nghe mắt thấy, được cẩn thận soi chiếu tham khảo qua nhiều tài liệu phổ biến trong và ngoài nước.

Chẳng hạn viết về Chiến tranh Việt-Pháp – Việt-Mỹ,ông xem thêm : Philippe Devillers -Histoire du Viet Nam de 1940 và 1952;Paul Mus - Sociologic d’une guerre;Jean Lacouture - Ho Chi Minh (1965) - Les deux Viet Nam (Payot - 1967;Jean Lacouture  et Philippe Devillers…La fin d’une guerre;Bernard-Fall-Guerres d’Indochine France 1946-1954 - La seconde resistance - Việt Nam1965 của W.Burchett (Gallimard-1965) …

- Ông tường thuật tình hình thời kháng chiến chống Pháp : “toàn dân ta đều coi thực dân Pháp là kẻ thù,đều muốn đuổi chúng đi  gần như gia đình nào cũng có người theo bộ đội hoặc giúp kháng chiến và coi chính phủ kháng chiến là chính phủ của dân,mặc dầu những người lãnh đạo là cộng sản.. .Cũng có một số rất ít vì lẽ này hay lẽ khác bất mãn với chính phủ,nhưng hạng đó không dám sống ở chiến khu mà phải về những miền địch chiếm…”- (tr 319,320 – Chương XIX – Pháp sa lầy và thua ở Bắc Việt)

-Ông thố lộ : “Tôi vốn có cảm tình với Việt minh,với cộng sản;ghét thực dân Pháp,Mỹ,nhất là từ năm 1965 khi Mỹ đổ quân ào ạt vào miền Nam;tôi khinh những chính phủ bù nhìn của Pháp,Mỹ;tôi phục tinh thần hi sinh,có kỉ luật của anh em kháng chiến và mỗi lần có thể giúp họ được gì thì tôi sẵn lòng giúp…”- Ông tỏ lòng “khâm phục Bắc Việt là trong cuộc kháng chiến lâu dài,gay go chống Pháp,chống Mỹ mà vẫn kiến thiết về văn hóa,khảo về Nguyễn Du,thơ đời Lý,đời Trần,soạn tự điển,khai quật các di tích vùng đền Hùng,sáng tác,ca nhạc”…

- Ông nhận định rất thẳng thắn tình hình kết quả 5 năm sau ngày thống nhất,hòa bình lập lại:“Thất bại lớn nhất,là không đoàn kết được quốc dân. Tháng 5-1975, có ít nhất là 90% người miền Nam hướng về miền Bắc, mang ơn miền Bắc đã đuổi được Mĩ đi, lập lại hòa bình, và ai cũng có thiện chí tận lực làm việc để xây dựng lại quốc gia. Nhưng chỉ sáu bảy tháng sau, cuối 1975 đã có đa số người Nam chán chế độ ngoài Bắc...”(“Thất bại trong hòa bình”– Chương XXXI, tr72 tư liệu).

 

Nguyễn Hiến Lê không phải là người tham gia kháng chiến,và ông cũng không phải là nhà văn của “chế độ cũ”,mặc dù ông sống giữa lòng xã hội ấy suốt mấy chục năm - (vào Nam trải qua các giai đoạn 1935 -1945-1975 - mất năm 1984). Cục diện đất nước đã khiến ông mắc kẹt giữa hai làn đạn  - “nhân cách và phi nhân cách”.Nhưng trước sau ông đã tỏ ra bản lĩnh vững vàng vẫn giữ được nhân cách của mình. Ngòi bút Nguyễn Hiến Lê, tâm hồn và con tim Nguyễn Hiến Lê ngay từ đầu đã thuộc về nhân dân, những người lao động, những ai cực khổ, bần hàn và bất hạnh. Niềm tự hào về dòng giống, tổ tiên và nỗi đau về dân tộc trước những cuộc ngoại xâm đã kéo Nguyễn Hiến Lê, một nhà văn luôn ý thức lánh xa những gì phù phiếm như chức tước, địa vị và sự giàu sang không lương thiện, xích gần với Cách mạng và tự coi mình là người của Cách mạng, bởi lẽ dễ hiểu, những điều Cách mạng đang làm cũng chính là những mơ ước của ông.

Đọc hồi ký của ông,bạn đọc tiếc vô cùng một số Chương bị loại bỏ oan uổng.

Và thật may mắn vài năm sau đó tình cờ bắt gặp “những chương trên”trôi lang thang trên xa lộ thông tin – chẳng biết ai là “chủ sở hữu” để xin phép -  tôi mạo muội download xuống – đóng thành tập 302 trang,khổ A4 - làm tư liệu tham khảo  - ngầm giữ hộ “núm ruột”cho tác giả.

 Đó là các chương :

 CHƯƠNG XXI : - Việt Nam chia hai (1954-1965)

- A.Miền Nam : - Gia đình Ngô Đình Diệm -Dẹp giáo phái- Truất Bảo Đại - Chính sách nhà Ngô -Dân nổi dậy chống đối - Hai vụ 11/11/60 và 26/02/62 - Ấp chiến lược -Trận Ấp Bắc - Phật nạn - Đảo chánh 63

- B.Miền Bắc : Pháp mất hết quyền lợi - Kinh tế suy - Đời sống khắc khổ - Cải cách điền địa – Vụ Quỳnh Lưu - Vụ Nhân văn Giai phẩm - Kinh tế phát triển rất chậm - Bắc giúp Mặt trận Giải phóng miền Nam.

CHƯƠNG XXII : - Chiến tranh Việt Mỹ (1965-1975)- Các chính phủ quân nhân - Mỹ đưa quân sang - Vụ Mậu Thân - Vừa đánh,vừa đàm - Hiệp định Paris - Những bí mật trong chiến tranh Việt Mỹ - Mỹ rút về,quân Nam tan rã,chiến tranh chấm dứt.

CHƯƠNG XXIV : - Xã hội Việt Nam trong thời Mỹ - Kinh tế miền Nam từ 1945-1974 : Nhân số bộc phát - Nạn đói - Hạn chế sinh đẻ - Mất các giá trị cổ truyền -Thị dân tăng lên quá mau - Nền kinh tế trái luật kinh tế - Sản xuất kém mà tiêu thụ mạnh - Đời sống quay cuồng - Cảm giác bất an -Thời đại kĩ nghệ điện tử - Phong hóa suy đồi.

CHƯƠNG XXX :- Chế độ tập thể ở miền Nam - Cảm tình của tôi với kháng chiến - Ngày 30/4/75 - Việt nam thống nhất - Chế độ mới : I-Hành chánh - II.Tài chánh - Kinh tế - IV-Giáo dục - Văn hóa – V-Y tế - VI.Tư pháp – VII-Ngoại giao.

CHƯƠNG XXXI :- Kết quả sau hòa bình : Không đoàn kết - Bất công -Thiếu kỉ luật- Kinh tế suy sụp - Xã hội sa đọa : Tham nhũng – Ăn cắp – Buôn lậu – Con người mất nhân phẩm – Phong trào vượt biên – Người ta đã nhận định sai

CHƯƠNG XXXII : -Ta phải biết sống theo ta : Một Cuộc Đàm thoại – Bài học của cổ nhân -Mình theo cả những lầm lẫn của người - Xu hướng của thời đại : Dự đoán sai của Marx -Nguyện vọng của con người thời nay - Sự tranh chấp giữa Nga và Mỹ - Một lối phát triển riêng - Một lối sống riêng.

PHỤ LỤC : Kinh hoàng trên đảo Kokra (Trích báo Đất Mới – Tin tỵ nạn)

- Theo lời Nhà xuất bản (tr.6,7) các chương trên sở dĩ bị “trảm” là vì : … “một số đánh giá của ông chưa được hợp lý theo quan niệm đương thời hoặc theo cách nhìn của một bộ phận,một số nào đấy chăng ? Vì tác giả đã mất,nên Nhà xuất bản không nỡ cắt bỏ nhiều quá -  chỉ lược bớt phần rườm rà và cắt những chỗ không thể nào để lại được -  mong bạn đọc thông cảm” -  (Bạn đọc như bị mắc kẹt giữa Văn chương và Chính trị !).

 

Phần 2- Nguyễn Khải – nỗi niềm của người cầm bút.

 

Ông tên thật Nguyễn Mạnh Khải (3/12/1930) - quê quán ở Nam Định nhưng tuổi nhỏ sống ở nhiều nơi - đang học trung học thì gặp CM tháng Tám - Kháng chiến chống Pháp, gia nhập đội tự vệ chiến đấu ở thị xã Hưng Yên, sau đó vào bộ đội, làm y tá rồi làm báo. Bắt đầu viết từ những năm 1950.Sau 1975 Nguyễn Khải chuyển vào sinh sống tại Tp Hồ Chí Minh. Ông rời quân đội năm 1988 với quân hàm đại tá để về làm việc tại Hội Nhà văn Việt Nam. Nguyễn Khải từng là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa 2, 3 và là Phó tổng thư ký khóa 3. Ông là Đại biểu Quốc hội khóa VII.Nguyễn Khải mất ngày 15 tháng 1 năm 2008 tại Tp Hồ Chí Minh do bệnh tim.

Riêng tôi được biết bút danh Nguyễn Khải qua tác phẩm Mùa Lạc (khi đứng lớp giảng dạy chương trình môn Văn 12 thập niên 80,90) - cùng với các tác phẩm: Xung đột(1960);Tầm nhìn xa(1963);Chủ tịch huyện(1972);Họ sống và chiến đấu(1966);Đường trong mây(1970);Ra đảo (1970);Chiến sĩ (1973);Tháng ba ở Tây nguyên (1976) - Sau 75 có thêm Tiểu thuyết : Cha và con,và… (1979);Gặp gỡ cuối năm (1982);Thời gian của người (1985); các truyện ngắn: Một người Hà Nội(1990);Một thời gió bụi (1993);Hà Nội trong mắt tôi (1995)…

Nhìn chung Nguyễn Khải là một cây bút kỳ cựu – lẽ ra“một đường máu chảy về tim” – nhưng “bỗng dưng” cuối đời ông vung bút lên trời xanh trút hết  tâm sự  :

Những tín đồ trung thành của chủ nghĩa Mác,những chiến sĩ theo cách mạng từ thuở mới lập nước là đám văn nghệ sĩ chúng tôi cũng “sống không dễ”trong sự viết lách.Viết đúng luật lệ thì chỉ có hai chủ đề : căm thù và hy sinh.Cũng chỉ có ba loại người được tôn vinh : công,nông,binh.Cái thế giới mênh mông,nhiều màu sắc ngày một thu hẹp và chỉ có hai màu : đỏ là quân ta,đen là quân địch.Văn chương cách mạng thoạt đầu cũng lạ so với văn chương thời trước nên được bạn đọc trẻ hoan nghênh.Nhưng cứ phải đọc mãi một vài đề tài quen thuộc,một vài loại người quen thuộc và những tâm trạng rất quen thuộc ngay những bạn đọc trung thành cũng phải chán.Chính chúng tôi cũng tự chán mình.Tài đã kém lại bị bó chặt từ đầu tới chân,xoay tới xoay lui cũng chỉ có một vòng quay,ú ớ một cách nói,càng viết càng nhảm cũng là phải.Một nền văn nghệ phải phục vụ chính trị(mà chính trị thì sớm nắng,chiều mưa)là đã mất một nửa tự do rồi,lại phải phục vụ chính trị theo nghĩa của các chủ trương,chính sách của từng thời kỳ thì còn gì là tự do nữa…”(Mục 7 - Đi tìm cái tôi đã mất – Tùy bút chính trị,2006).

Bạn đọc phương Nam vô cùng ngạc nhiên - các thầy dạy văn lúc bấy giờ cứ “ngớ người” - hóa ra đã có một dạo mình cũng đã cảm nhận như vậy nhưng khốn nỗi mình không phải là Nguyễn Khải – lẽ dĩ nhiên không sống cuộc đời của ông – mình là dân “tại chỗ”- nói niết chẳng phải đầu lại phải tai,tốt hơn hết đừng dại dột “cầm đèn chạy trước ô tô”…

 “Văn chương” là sản phẩm xã hội - xuất phát từ “con người” hướng đến “con người” - tự nó quyết định số phận -  tồn tại mãi mãi (như Truyện Kiều của Nguyễn Du - nói lên tiếng lòng nhân thế)  - hoặc rơi tòm vào quên lãng khi nó chỉ là những  “xác chữ” khô lạnh đứng bên ngoài trái tim  - Tôi nghĩ như vậy cho đến bạc đầu !

 

Phần 3- Hoành Linh Đỗ Mậu – cuối đời nhìn lại

 

Tướng Đỗ Mậu (1917-2002) quê làng Thổ Ngọa,Phủ Quảng Trạch (nay là phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà Nho nghèo  - nguyên là một cựu tướng lĩnh của Quân lực VNCH, cấp bậc Thiếu tướng. Ông xuất thân là một quân nhân trong đơn vị Vệ binh bản xứ được gọi là "lính khố xanh" thuộc quản lý của chính quyền thuộc địa Pháp. Sau ông được theo học bổ túc tại trường Hạ sĩ quan An Cựu (tức Cơ lưu động Huế). Ông là một trong những nhân vật đóng vai trò quan trọng với cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963 và chính trường miền Nam từ 1963 đến 1965. Ông cũng là một chính khách thời kỳ chính thể Đệ Nhị Cộng hòa. Ông còn có bút hiệu là Hoành Linh Đỗ Mậu với một vài tác phẩm theo thể văn hồi ký.

 

Với “Tâm sự tướng lưu vong”(NXB CAND -1998), là người trong cuộc hơn ai hết ông nắm khá rõ tình hình nội bộ,đã chỉ ra : Chính“nạn Kỳ thị tôn giáo và kỳ thị địa phương là hai sản phẩm đặc thù của chế độ Diệm.Hai tệ hại đó tưởng chừng bị quét sạch sau ngày 01/11/1963 nhưng chế độ Thiệu tiếp tục con đường của chế độ cũ đã hồi sinh phát triển mạnh mẽ - những cái chết của các ông Trần Văn Văn,Nguyễn Chữ và vụ mưu sát Thượng tọa Thích Thiện Minh là những minh chứng không thể chối cãi được…

- Ông lên án tệ nạn tham nhũng đã góp phần làm nát ruỗng nền Đệ nhị Cộng hòa : “Sau khi nắm vững được chính quyền lực lượng hậu thuẫn sắt thép là khối Công giáo và tướng tá trong quân đội - nhóm Thiệu,Khiêm,Viên,Quang và một số tướng lãnh tay chân của Thiệu đã giẫm lên vết xe cũ của anh em nhà họ Ngô ,thực hiện một nền tham nhũng kinh khủng.Nền tham nhũng của chế độ Thiệu  tàn bạo đến độ Đại úy bác sĩ Hà Thúc Nhơn tại Nha Trang  quá căm phẫn phải nỗi loạn để mua lấy cái chết ám muội…”- Sau đó“Nhóm Sóng Thần của các nhà văn Uyên Thao,Lý Đại Nguyên,Hà Thế Ruyệt,Vũ Thế Ngọc …bèn lập hội thờ Hà Thúc Nhơn mong duy trì và phát triển  phong trào chống tham nhũng tại miền Nam …” (Tr 592,593)

Tệ nạn tham nhũng, thời nào cũng có - nếu không có giải pháp cứng rắn ngăn chặn thì chính nó sẽ làm “đắm thuyền”.

Kết thúc hồi ký,tướng lưu vong Đỗ Mậu chia sẻ: “Bài học lớn đầu tiên mà tôi học được từ đó là tôi yêu quê hương không phải vì quê hương đó xinh đẹp hay xấu xa, giàu mạnh hay nghèo khổ, mà tôi yêu quê hương vì tôi đã có mặt ở đó sống để cùng chia sẻ vui buồn, sướng khổ, vinh nhục với đồng bào ruột thịt. Thiếu sự liên đới khăng khít đó chắc tình yêu quê hương sẽ dở dang tàn lụi. Thiếu sự TỈNH THỨC của một cuộc sống hiện thực chắc tôi chỉ là kẻ yêu nước qua những hình bóng chủ quan mơ hồ và nhiều khi không thực.” (Tr 611,613)

Ông “đi gần trọn cuộc sống đấu tranh, viết cuốn sách này chỉ để đóng góp thêm cho thế hệ người Việt bây giờ và mai sau có thêm tài liệu đúc kết một cách chính xác hơn bài học lịch sử của thời kỳ đau thương ,phức tạp nhất của dân tộc Việt”- (Tr 614).

Tác giả buông tay rơi thẳng vào cõi hư vô :

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc Xuân vinh Thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”.                                            

(Thân như sấm chớp có rồi không

Cây cối xuân tươi Thu héo hon

Nhìn cuộc thịnh suy đừng sợ hải

Thịnh suy : ngọn cỏ giọt sương hồng)                                                

                                            

  Vạn Hạnh Thiền Sư

 Đến thịnh suy của cả một quốc gia,cả một thế hệ còn được coi như một giọt sương hồng trên ngọn cỏ trong vũ trụ bao la - thời gian vô tận.Ông tạm thấy mình đã “làm tròn giấc mộng tiền sinh”-  cuối cùng là tập sách này,tôi tự cho phép mình “mở miệng cười tan cuộc oán thù” (Phan Bội Châu)…

 

 

Phần 4 – Nguyễn Đăng Mạnh – nhà phê bình văn học tài hoa

 

Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh sinh ngày 18/3/1930 tại làng Quần Phương Hạ,huyện Hải Hậu,tỉnh Nam Định – Nguyên quán làng Thổ Khối,huyện Gia Lâm,tỉnh Bắc Ninh .

Trong phần Mở đầu (Tuổi“tuyển hồi”),ông viết : “Tôi tuy không phải nhân vật lịch sử,nhưng sự tình cờ đã đưa đẩy tôi được chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng như Cách mạng tháng Tám hay Cải cách ruộng đất…v.v, - và biết được một ít chuyện riêng của một số danh nhân như Hồ Chí Minh,Tố Hữu,và nhiều nhà văn hóa lớn như Nguyễn Tuân,Xuân Diệu,Tô Hoài,Nguyên Hồng…v.v..Tất nhiên những sự kiện này và những nhân vật kia người ta đã nói nhiều,viết nhiều rồi theo cách nhìn quan phương chính thống.Ở đây tôi chỉ nói những hiểu biết trực tiếp của riêng tôi với cách nhìn rất chủ quan của tôi.Nhưng chính vì thế mà,biết đâu đấy,lại có thể đem đến những thông tin riêng,những ý vị riêng”. (Tr 2,3 tư liệu internet)

 

Hơn nửa thế kỷ qua,ông không ngừng hoạt động trên hai lãnh vực đào tạo sinh viên và nghiên cứu văn học. Những năm 87-90, thời kỳ đổi mới văn học,có thể nói ông là người mở mũi“đột phá”đưa ra những biện pháp giáo dục và nghiên cứu mới, tách rời chính trị ra khỏi văn học, đồng thời nhấn mạnh đến việc cần phải nhận định lại các giai đoạn văn học sử,định vị lại giá trị tác phẩm theo tiêu chuẩn văn học chứ không theo đòi hỏi chính trị nữa. Những công trình nghiên cứu về Hồ Chí Minh,Nguyễn Tuân,Vũ Trọng Phụng,Nguyên Hồng, v.v… nói lên phong cách phê bình độc đáo của ông.

 

Chung quanh vấn đề giảng dạy môn văn trong trường phổ thông,ông nêu vấn đề cốt lõi“Người đọc văn phải có điều kiện gì,năng lực gì?”- “Mỗi người có trong tâm hồn mình một kho ấn tượng thẩm mỹ được tích lũy một cách tự phát từ nhỏ.Nguồn cung cấp những ấn tượng ấy là gì ?Là những kinh nghiệm sống,là những sách vở đã đọc,những tranh ảnh đã xem,những phong cảnh thiên nhiên đã ngắm nhìn,là lời ru của mẹ khi còn nằm trong nôi,là những truyện cổ tích của bà kể cho nghe lúc năm,bảy tuổi,v.v…Những ấn tượng ấy tạo nên ở mỗi người một “trường liên tưởng thẩm mỹ”nhất định.Khi đứng trước một áng văn hay,một bức tranh đẹp…sự rung cảm của ta diễn ra trên cơ sở một chùm liên tưởng giữa những yêu tố nào đó ở đối tượng thẩm mỹ kia (tức áng văn hay bức tranh) với những ấn tượng nào đó có trong trường liên tưởng của mình.Trường liên tưởng thẩm mỹ rất khác nhau ở mỗi người.Người thì phong phú,người thì nghèo nàn,người thiên về sách vở,người thiên về kinh nghiệm sống,v.v…Người có trường liên tưởng thẩm mỹ phong phú tất nhiên thẩm văn tốt hơn,sâu sắc hơn.Vì trường liên tưởng thẩm mỹ khác nhau nên hiểu văn có thể khác nhau,cái tạng khác nhau của mỗi nhà phê bình”.(P/v Gs Nguyễn Đăng Mạnh - Phương Thu thực hiện - Văn học và Tuổi trẻ,số 1/2008).

 

Ông chốt lại phương pháp dạy Văn : “điều quan trọng là phải hiểu được bài văn đã.Phải giải quyết nội dung rồi thì mới có cái truyền đạt chứ.Lâu nay nội dung ý nghĩa của bài văn thường bị chính trị hóa,nhiều người coi tiêu chí cao nhất để đánh giá tác phẩm văn học là tiêu chí chính trị. Phân tích tác phẩm họ thường suy diễn bừa bãi theo lối xã hội học dung tục hay biến ngôn ngữ nghệ thuật thành ngôn ngữ chính trị trực tiếp,giá trị văn chương không được coi trọng …”(Tr 89)

 

Năm1989,1990 được Bộ GD giao chủ biên biên soạn chương trình và Sách giáo khoa PTTH môn Văn,ông khẳng định ngay :“Chương trình văn,sách giáo khoa văn trước hết phải là chương trình văn, sách giáo khoa văn đã.Nghĩa là phải dạy trước hết nghệ thuật ngôn từ chứ không phải dạy chính trị,dạy tư tưởng”- Ông đã đưa vào chương trình một loạt các tác phẩm có giá trị nghệ thuật của Tản Đà(Thề non nước),Trần Tuấn Khải (Gánh nước đêm),Hồ Chí Minh(Vi hành,Mộ,Tảo giải,Vãn cảnh,Tân xuất ngục học đăng sơn,Nguyên tiêu,Báo tiệp),Tố Hữu (Tâm tư trong tù,Kính gửi cụ Nguyễn Du),Xuân Diệu(Đây mùa thu tới,Thơ duyên,Vội vàng,Nguyệt cầm),Huy Cận(Tràng giang),Hàn Mặc tử(Đây thôn Vĩ Dạ),Thâm Tâm(Tống biệt hành),Nguyễn Tuân(Chữ người tử tù),Vũ Trọng Phụng(Số đỏ),Thạch Lam(Hai đứa trẻ),Hoàng Cầm(Bên kia sông Đuống),Quang Dũng(Tây tiến),Nguyễn Đình Thi(Đất nước),Nam Cao(Chí Phèo,Đời thừa,Đôi mắt),Kim Lân(Vợ nhặt),Nguyễn Thi(Những đứa con trong gia đình),Nguyễn Minh Châu(Mảnh trăng cuối rừng),Nguyên Ngọc(Rừng Xà nu),Nguyễn Khải(Mùa Lạc)..vv…(Tr 115)

Những trang viết phê bình,những chuyện kể bên lề của ông hé ra nhiều tình tiết mới lạ - gây sự tò mò, nghe rất “sướng tai” vì nó thẳng như nhát cắt và cụ thể như được sờ thấy.

Ông phê bình thơ Hoàng Cầm : “nặng âm tính,nói rõ hơn là rất ướt át,rất “đĩ” -  thường cố tình lắp đi,lắp lại những hình ảnh gợi dục : “môi trầu đờ đẫn”, “ngực yếm phập phồng”, “bầu vú lửa”, “vén xiêm”, “tốc xiêm”…Kim Lân khó chịu cho là thưỡn thẹo,ưỡn ẹo,già mà tình tứ,dơ dáng …Thơ Hoàng Cầm chỉ thật sự là thơ khi ông có cảm xúc chân thật lời thơ tuôn trào theo bản năng tự nhiên,hồn nhiên.Hễ ông cố gò theo lý trí thì thơ chỉ có xác (xác Kinh Bắc và cả xác tình dục) chứ không có hồn…”(Chương X ,tr172)

Nói về Tô Hoài,ông nhận xét : “là nhà văn của đời thường,người thường,chuyện thường,và ông cũng thích sống như một người thường.Mình là gì mà cao đạo!Mà cần gì phải cao đạo!Cho nên đời cho hưởng cái gì,hưởng cái đó,không chê – chắc ông nghĩ thế !” - Ông là một pho tự điển sống về giới nhà văn,về đời sống muôn mặt,về kinh nghiệm viết văn.Ông là một kho chữ nghĩa…Người như thế bây giờ là của hiếm lắm đấy !” (Chương XVI,tr 239,240).

 

Nhìn chung hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh rất sinh động với nhiều tình tiết hấp dẫn.Văn phê bình sắc sảo,cách nói giản dị mà đầy ấn tượng truyền được cả những thái độ,tư tưởng tình cảm chân thực,xúc động của người viết tới bạn đọc.

Văn học và chính trị có mối quan hệ tất yếu (VH phản ánh cuộc sống xã hội của con người dù muốn hay không nó mang màu sắc CT) – nói bóc tách là cách nói tương đối – để tránh chủ trương cực đoan gò ép thái quá – “chính trị hóa” văn học lâu dài sẽ khiến xơ chai,bào mòn cảm xúc nhân tính – Hãy để văn học làm nhiệm vụ xã hội theo cách của nó – đi từ trái tim đến trái tim.

 

                                                                     *********

 

Tết nhất thời gian thừa thãi,đọc lại những trang viết trải lòng phủ bụi vàng ố - soi từng con chữ sắc lẻm -  tôi ngộ ra quá khứ nào đâu đã chết khi nó mãi mãi là một phần cuộc sống của mỗi người - thậm chí  của cả dân tộc !

                                                                                                                        

                                                                                                          

             (Tp Thủ Đức,viết xong 09/02/2023)

 

Phan Văn Thạnh
Số lần đọc: 589
Ngày đăng: 20.02.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thơ Trần Đức Tín: vài trao đổi với Vũ Thị Hương Mai - Đặng Xuân Xuyến
Trần Đăng Khoa với bài thơ hay, giàu tính nhân văn - Phạm Ngọc Thái
Thơ Hồ Xuân Hương và sự tiếp nhận của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học miền Nam 1954 – 1975 - Trần Hoài Anh
Để cho ngày ngắn là sao? - Nguyễn Thánh Ngã
Đọc thơ Lương Mành - Nguyễn Thánh Ngã
Bài thơ “Cái tôi” của nhà thơ Ái Nhân Thi Sĩ - Đặng Xuân Xuyến
Để cho ngày ngắn thơm hoài tình thơ - Trang Thùy
Tháng mười một về thăm trường cũ - Nguyễn Nguyên Phượng
Yếu tố đồng tính trong thơ Đỗ Anh Tuyến - Đặng Xuân Xuyến
Văn chương để làm gì? - Vinh Anh
Cùng một tác giả
Tự khúc cuối năm (truyện ngắn)
Đà lạt & Tôi (tạp văn)
Tản mạn với CAFE (tiểu luận)
Trôi trong mơ (truyện ngắn)