Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.168
123.223.393
 
Phồn Sinh một trường ca khổng lồ
Đỗ Hoàng

Hình ảnh: nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu

 

Trường ca Phồn Sinh của Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2018. Việt Nam và Thế giới đều có rất nhiều trường ca. Có thể kể: Yevgeny Onegin (tiếng Nga: Евгений Онегин; tiếng Anh: Eugene Onegin) là một cuốn tiểu thuyết bằng thơ của đại thi hào A.S.Pushkin; Mitsyri của M. Lermontov; Đồng thảo trong đêm, Vườn họa mi của A. Bloc; Đám mây mặc quần, Tốt lắm của Vladmia Maicopxki ..., Nga); Trường ca Song of myself (Lá cỏ) gồm 52 đoạn của Walt Uytman của Mĩ; Trường hận ca, Cuộc chơi hùng (Trung Quốc)... Sóng chụ xôn xao, Đam sam, Tiếng hát làm dâu, Bài ca chim chơ rao... Việt Nam. Các trường ca cổ kim tuy rất bề thế về cả dung lượng và nội dung nhưng cũng khiêm tốn. Phồn Sinh của Nguyễn Linh Khiếu xuất hiện.  Có thể nói, đó là trường ca có dung lượng lớn nhất ở Việt Nam. Với khổ sách 16cm x 24cm, 710 trang in, chia ra 150 chương đề cập đến nhiều vấn đề về triết học, chính trị học, văn chương, văn hóa, xã hội học... đương đại, quá khứ, tương lai. Đọc trường ca Phồn Sinh như xem kịch công diễn hàng tháng, hàng năm ở Pháp, ở các nước châu Âu, như người đi vào đại ngàn gặp hết cánh rừng này đến cánh rừng khác, tha hồ cho ta chiêm nghiệm nghĩ ngợi... Ta thực sự choáng ngợp trước tâm cảm, trí tuệ của nhà thơ.

Nguyễn Linh Khiếu sinh năm 1959, quê Thái Bình, Phó giáo sư, tiến sĩ Triết học. Ông vốn là Ủy viên Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản, kiêm Trưởng ban Tạp chí Cộng sản Điện tử phát hành bằng 4 thứ tiếng. Năm 1995, Nguyễn Linh Khiếu đoạt giải thưởng Thơ báo Văn nghệ, năm 2010 đoạt giải thưởng Thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội. Những năm vừa qua, nhà thơ xuất bản bản gần 10 đầu sách, trong đó có trường ca khổng lồ Phồn Sinh.

Tuổi thơ của Nguyễn Linh Khiếu cùng hàng triệu thiếu niên khác trên miền Bắc Việt Nam sống trong cảnh mưa bom bão đạn đúng nghĩa vì máy bay giặc Mỹ bắn phá từ năm 1964 đến năm 1972. Nguyễn Linh khiếu hiểu thấm thía nỗi đau thương của chết chóc, ly tán; hiểu thấu cái đói rét, cơ cực mà hàng triệu người dân lương thiện phải hứng chịu... Để ước mơ đến một xứ sở yên bình, giàu có "phồn sinh", đến một xã hội nhân quần, dân chủ thực sự khơi mầm từ trong tâm khảm của ông từ bé.

Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu tặng tôi Phồn Sinh tháng 12 năm 2019, nhiều lần định viết rồi không viết; lần lữa mãi hôm nay mới cầm bút viết về trường ca của ông. Điều tôi do dự là đúng. Bởi vì trường ca Phồn Sinh nó vượt ra ngoài tầm cảm, tầm nghĩ của tôi. Không khéo mình như người lấy thúng úp voi, hoặc người mù sờ voi. Sờ tai thì nói voi như cái quạt, sờ chân thì nói voi như cột nhà, sờ đuôi thì nói voi như cái chổi xể... Rồi như người vào rừng chỉ thấy cây mà không thấy rừng... Thôi thì cũng là người làm thơ, tôi nói theo cách cảm, cách nghĩ của mình mong nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu và bạn đọc lượng thứ.

Trước hết xin mạn đàm về tựa đề Phồn Sinh. Tiếng Nga chữ  процветание, tiếng Anh chữ prosperity, tiếng Pháp chữ la prospérité đều có thể chuyển ngữ thành phồn thịnh, phồn sinh; Tiếng Hán: Phồn (緐), Sanh, Sinh ( 生) đều là chữ Hán. Chữ Phồn có 3 chữ  (繁, 緐, 蕃 ) nhưng 2 chữ cùng một nghĩa: 1, như phồn thịnh: nhiều, đông đúc; 2, phồn diễn: đầy đàn, đầy lũ... Chữ Sanh (Sinh) có nhiều chữ, nhiều nghĩa. Nghĩa thông dụng:1, là sống đối lại với tử là chết; 2, còn sống: như chúng sanh, quần sanh; 3, sinh sản, nảy nở như sinh tử; 4, Sinh là con ly sinh (con chồn)...7, học trò; 8, ông thầy; 9, tiếng đệm... Phồn. Chữ Phồn sinh trong mọi từ điển tiếng Việt cho đến nay đều không có.

Đây là sự sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu trên cơ sở vận dụng từ Hán Việt và các ngôn ngữ khác vào thi ca, làm cho từ vựng tiếng Việt thêm phong phú, sinh động. Tôi nghĩ, chữ Phồn sinh có thể đã có trong ngôn ngữ Việt nhưng không hiểu sao rất nhiều năm qua không thấy nó xuất hiện trong các văn bản và trong ngôn ngữ nói. Nếu quả thế thì có thể khẳng định Nguyễn Linh Khiếu đã góp phần biến hai chữ Phồn Sinh từ một tử ngữ thành một sinh ngữ và người đọc hiểu phồn sinh theo cách ông dùng là sự sinh sôi nẩy nở nhiều, bình an, phồn thịnh, phong phú...

Cái cớ để nhà thơ Nguyễn Linh khiếu viết trường ca Phồn Sinh rất ngẫu nhiên, như ông tự bạch: "Tháng 1 năm 2002 ông có chuyến công du tại Malaysia và Singgapore. Đó là miền đất giàu sắc thái văn hóa Islam bản địa, tạo cho ông nhiều cảm xúc mới lạ. Ông lại được gặp một thiếu nữ Muslim, người Malaysia  xinh xắn, mắt to, du học ở Mĩ từ nhỏ. Chính thiếu nữ Muslim đã khơi nguồn thi tứ cho ông khi về nước, ông viết trường ca này". Phồn Sinh viết cho Thái Bình, châu thổ phù sa Sông Hồng, cho Việt Nam cũng là viết cho cả Thế Giới!

"trong hơi thở nồng nàn ca dao/ trong thăm thẳm xa xăm tục ngữ/ trong véo von réo rắt thi ca/ trong lả lơi tình tứ trong săn đón hồn nhiên trong lén lút vụng trộm trong bùi ngùi luyến ái dân ca/... ơi văn nhân quân tử/ ơi mỹ nhân thục nữ/ ơi anh hùng thuyền quyên/ ơi hồng nhan thi sĩ/... lời ca tình tứ dẫn dắt ta dẫn dắt nàng nồng nàn chan chứa xứ sở phồn sinh"

Trường ca Phồn Sinh, Nguyễn Linh Khiếu đã đặt cái tôi (cái bản ngã) của mình lên đầu tiên, không lẫn lộn với ai cả. Ông khẳng định, ông là nhà thơ, triết gia của thời đại ông. Thời đại ông sống có bao nhiêu là biến động: chiến tranh, đói nghèo, quan tham, dân oan... Thời đại có bao vinh quang, thời đại rạng ngời đạo đức, thời đại có bao đảo lộn, thời đại của những cuộc cách mạng đường phố, cách mạng nhung lụa, thời đại của những kẻ độc tài, thời đại của những chính quyền treo trên đầu súng, thời đại của những lãnh đạo giả ngây giả ngô, lòng lang dạ thú, mặt dày tim đen, thời đại của những lãnh tụ vô liêm sỉ, gia đình trị, thời đại của những con đực hào hùng, thời đại của những con cái bất hủ, thời đại của những anh hùng giải phóng dân tộc, thời đại của những danh nhân văn hóa kiệt xuất... Ông khẳng định:

"ta là nhà thơ của thời đại mình...// ta là triết gia của thời kỳ biến đổi...// ngụp lặn đồng hành cùng thời đại mình...// hơn tất cả ta là đứa con của nhiệt đới gió mùa/ trên xứ sở châu thổ sông Hồng của ta lấp lành ánh sáng Mỡ màu..."

như các thi nhân tiền chiến:

"Ta là một là riêng là thứ nhất/ Không có ai bè bạn nổi cùng ta" (Xuân Diệu)

Đây là điều vượt trội, mà chỉ trước đó mươi mười lăm năm, văn học đương đại miền Bắc Việt Nam không có hoặc thi thoảng, rất hiếm các nhà thơ nói về cái tôi, nhất là các nhà thơ làm cán bộ nhà nước thì họ còn là "sát thủ" cái tôi trong tim mình:

"Anh ôm em và ôm cả khẩu súng trường quàng trên vai em" (Nguyễn Đình Thi),

Đấy không phải văn chương. Đấy chỉ là thơ ca hò vè cổ động, tuyên truyền chung chung cho một chủ thuyết. Xác định và viết cái tôi, cái bản ngã mới là Văn chương, viết được mới là bất tử:

"Bùi Hiển viết thời cái tôi/ Tiếng tăm hơn hẳn viết thời cái ta" (Đỗ Hoàng)

 Xác định cái Tôi, cái Chủ thể là mình - Nguyễn Linh Khiểu, đấy là điều lớn nhất bao trùm toàn bộ trường ca Phồn Sinh của ông! Đó chính là sự thành công nhất của trường ca này!

Đâu cũng thế, ngay thời chiếm hữu nô lệ, anh đấu vật, đấu kiếm không đem lại uy quyền, lợi lộc cho chủ nô, anh không thể tồn tại! Các chủ nô kim thời, nhất là chủ nô "chính quyền đẻ ra đầu mũi súng" thì cần các nô lệ, văn nô cung cúc tận tụy hơn nữa. Một đội ngũ văn nô tự giác và không tự giác trăm phần trăm thì giở, trí lực tung hô cho cái ác!

 Nhưng với Nguyễn Linh Khiếu vẫn: "ta là con trai của người mẹ nghèo khổ nhỏ bé cần cù chăm chỉ nhẫn nại lặn lội bùn lầy, nước mặn đồng chua, lặn lội bãi biển nương dâu, lặn lội khuya sớm trồng lúa trồng khoai trồng ngô trồng sắn đói quay quắt suốt tháng tám ngày ba..."

Nông dân trong  Phồn Sinh muôn thuở bị các thế lực bạo quyền lợi dụng chưa có một ngày giải phóng. Họ là người hiền lành lương thiện nếu gặp Phật, nhưng họ là đám quỷ dạ xoa nếu đi với hung thần: "hơn tất cả.../ ta là cháu ngoại của một nho sinh lặn lội trường quy thi thố đôi lần không đỗ đạt, không bảng vàng danh giá, một thế hệ dở dang lở cỡ, chữ Tàu một tí, chữ Tây một tí, có một chức ký trong làng xã cũng đủ vênh vang, cũng đủ huênh hoang... Thế rồi vô phúc bị đám bần cố nông mình hằng nuôi sống, mình hằng cưu mang hành hạ đấu tố trong Cải Cách ruộng đất."

"đám đông bao giờ cũng là đám đông theo đóm ăn tàn may rủi theo những kẻ lưu manh giang hồ theo những kẻ du thủ du thực theo những kẻ đầu trộm đuôi theo những kẻ phản loạn nghịch tặc theo những kẻ cuồng dâm  bệnh hoạn thắng làm vua thua làm giặc thắng là đúng thua là sai thắng là cách mạng thua là phản cách mạng"

 Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử văn chương đương đại có nhà thơ lên tiếng phơi bày bọn ăn cháo đái bát  khố rách áo ôm, bần cố nông, dốt nát, thất học, lừa thầy phản bạn nghe theo bọn thảo khẩu, hang động táng tận lương tâm hứa hảo làm ra ánh sáng chém giết đồng loại, tố láo, tố gian... Bọn mà những người xưng danh cách mạng cho là lực lượng công nông lãnh đạo thế giới. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, vô gia cư, ăn nhờ ở đợ thì lãnh đạo ai? Nông dân quanh năm suốt tháng đầu tắt mặt tối "một ngày ba bữa cơm đèn, lấy gì má phấn răng đen hỡi chàng!" Công nhân cả đời chui dưới tầng đất sâu hơn trăm mét, cả đời không thấy mặt trời, biết chi trên mặt đất mà lãnh đạo. Những người lưu manh, vô học, vô văn hóa mà lãnh đạo thì sẽ đưa nhân loại đi đâu.

Chỉ câu thơ này với cụm từ "hành hạ, đấu tố trong cải cách ruộng đất" nói thẳng trong thơ,  đủ ghi danh nhà thơ Nguyễn Linh  Khiếu vĩ đại: - "Thế rồi vô phúc bị đám bần cố nông mình hằng nuôi sống, mình hằng cưu mang hành hạ đấu tố trong Cải Cách ruộng đất."

Đám: 众口同詞 - Chúng khẩu đồng từ (Đám đông cùng hét lên  thì làm chết thiên hạ). Đám này từ xưa đến nay đều được lũ khởi loạn khai thác, lợi dụng triệt để thực thi cái ác, mưu đồ bá vương! Đám này chỉ có ăn cháo đái bát! Đám này khi lên nắm vương quyền thì chúng ác hơn tất cả lũ bạo chúa xưa nay cộng lại! Cái tôi, cái bản ngã ấy xuyên suốt trường ca Phồn sinh!

Thật ra viết về cái tôi không mới, ngay cõi Việt cha ông ta đã viết từ thuở khai thiên lập địa. Nhưng một thời gian dài cái tôi biến mất trong văn - chương - tuyên - truyền. Khách quan mà nói, trước Phồn Sinh lẻ tẻ có vài tiếng nói về cái "Tôi", cái "Dục" nhưng thật là nhạt nhèo, hoặc thô lậu, đơn điệu, dốt nát. Nguyễn Linh Khiếu đã viết: "lãnh tụ bao giờ cũng khuyết tật trong cấu tạo các cơ quan sinh sản/ họ bao giờ cũng là kẻ thất bại nhục nhã trong tình yêu/ họ bị ám ảnh khủng khiếp vì thất bại trong hành vi giao cấu/ họ bị mặc cảm khủng khiếp vì thất bại trong chinh phục con cái/ lãnh tụ là gã đàn ông thất bại/ lãnh tụ là con trống tầm thường/ lãnh tụ là con đực nhục nhã...". Cao sang biết mấy, khái quát biết mấy. Hay: "Chỉ vài kẻ lưu manh, mặt dày tim  đen tự xưng là lãnh tụ thần thánh khi đám đông đang ngất ngây say máu dã thú tha hồ chém giết tha hồ đập phá hể hả xé thịt nốc rượu gào thét hoan ca ăn mừng chiến thắng chúng đã nhanh tay vét sạch sành sanh uy quyền và vàng bạc vét sạch sành sanh lâu đài và cung điện đất đai và gái đẹp"

Và để có phồn sinh thì phải có giống đực, giống cái truyền giống, truyền sinh. Đó là lẽ tự nhiên không phải lẽ của các tà đạo gian giáo. Nguyễn Linh Khiêu tô đậm lẽ "đực", "cái " trong trường ca của mình: "hơn tất cả ta là con trai của châu thổ sông Hồng cồn cào rạo rực giàn giụa phù sa châu thổ sông Hồng quanh năm suốt tháng tưng bừng những mùa động đực/ Châu thổ sông Hồng đỏ rực sa hồng tượng hình những đực sừng sững vạm vỡ vâm vam thô lỗ kềnh càng ngờ nghệch kệch cỡm cả tin ồn ào nông nổi phổi bò nổi cong cứng dựng đứng nghênh ngang loằng ngoằng thòng lỏng lủng lẳng lằng nhằng lăng nhăng lít nhít bừa phứa ba vạ tạp nham đĩ đực bạo dục đa dâm bạc tình vô nghĩa triền miên hùng vĩ"

Và: "người con gái dịu dàng mềm mại/ người con gái hôi hổi nồng nàn/ ta biết nàng có đôi mắt sâu thẳm đen lay láy ánh lên một bầu trời hoan lạc/... ta biết Ngài đã hết sức công phu để tạo ra nàng/ tạo ra trong cõi đời này một khuôn mặt thiên nhân một chân dung hoàn mỹ/ tạo ra một nhân tình nghiêng nước nghiêng thành mê hồn tuyệt thế/ một người tình vĩ đại của thi nhân/... một người đàn bà mắn đẻ một người mẹ tuyệt vời của những bầy con đông đúc"

Sáng tạo ra muôn vật đã là điều kỳ diệu của tạo hóa, trong sáng tạo kỳ diệu đó thì đấng tối cao đã tạo ra "đực", "cái" là việc tuyệt với nhất trong thế giới hữu sinh. Không nghệ thuật nào, không cư dân cộng đồng nào trên hành tình này không tôn thờ "đực", "cái". Đực cái đã đi vào các lễ nghi, đền chùa miếu mạo. Thần "linga", thần "nõn nường" có mặt cùng các vị thần tên tuổi khác. Không nói đâu xa, ngày trên xứ thuần nông lúa nước Việt quốc các lễ hội dân gian đón rước thần "linga", thần "nõn nường" rộn rã khắp các mùa. Các chàng trai tuấn tú vác "linh ga" đi một hàng; các nàng khỏe mạnh xinh đẹp cầm "nõn nường" đi một hàng trong tiếng nhạc của kèn, chuông, trống. Khi nào "linga" của các chàng trai chạm vào "yoni" của các cô gái thì lễ hội mới kết thúc. Tục thờ rước truyền giống được tung hô cổ vũ muôn đời. Trường ca Phồn Sinh của Nguyễn Linh Khiếu nhấn mạnh nét đẹp này:

"truyền giống là hành vị truyền thống/ truyền giống là hành vi hiện đại/ truyền giống là hành vi hậu hiện đai/ truyền giống là hành vi văn minh/ truyền giống là hành vi ưu tú/ truyền giống là hành vi tinh hoa.../ trên thế giới này không có hành vi nào vĩ đại hành vi truyền giống"

hay: "chỉ nghe con đực thống thiết gọi con cái/ chỉ nghe con cái thống thiết gọi con đực"/ "ôi những đấng tinh trùng những đấng tinh trùng lao vun vút trong vòm trời tử cung xa hoa kỳ vĩ nguy nga lộng lẫy tráng lệ ôi những đấng tinh trùng bay lượn trong vòm trời tử cung hoành tráng huy hoàng hơn mọi dải thiên hà hơn mọi miền  vũ trụ hơn mọi vô vàn thế giới"

Với Nguyễn Linh Khiếu châu thổ sông Hồng muôn đời sinh sôi nảy nở, đất Việt này muôn đời sinh sôi nảy nở, hành tinh này muôn đời sinh sôi nảy nở, thế giới này muôn đời sinh sôi nảy nở... Chính nhờ sự phồn sinh, sự sinh sôi nảy nở này, châu thổ sông Hồng, đất Việt, trái đất này, nghìn năm qua bao thiên biến của cõi đất, cõi người vẫn phát triển hưng thịnh!

Như đã nói, trường ca Phồn Sinh của Nguyễn Linh Khiếu còn nêu ra, đặt ra nhiều vấn đề về triết học, về chính trị, kinh tế, văn học nghệ thuật, xã hội học... nổi trội là vấn đề giải phóng, tự do, dân chủ, bản ngã...

"trên xứ sở châu thổ sông Hồng của ta sục sôi tinh thẩn giải phóng// giải phóng là  bản năng/ giải phóng là lẽ sống/ giải phóng là sự nghiệp..."

và tự do: "tự do là  tiếng nói của thi ca/ không nhà thơ nào không ca ngợi tự do...// thơ ca là ngọn nguồn của khát vọng tự do/ thơ ca là đứa con của tự do trên trái đất/ thơ ca là ngọn đuốc soi rọi con đường tự do/ những thời đại ngục tù/ những thời đại bạo chúa/ những thời đại tử thần/ bao giờ cũng sản sinh ra những nhà thơ vĩ đại"

Trong xã hội Việt Nam thời nay khi cuộc giải phong đất nước dân tộc đánh đuổi quân xâm lược  đã thành công, những người chiến thắng ngủ yên trong vinh quang, nhưng dân tộc còn thức tỉnh để đòi hưởng quyền tự do, dân chủ! Ngay con cháu, hạt giống đỏ của cuộc giải phóng cũng không ngủ yên trong chiến thắng. Họ thấy giải phóng rồi nhưng dân tộc chưa có đầy đủ tự do, dân chủ, chưa thực sự thịnh vượng giàu có...

Khao khát dân chủ là khao khát vĩnh hằng của con người. Ngay từ thuở ấu trò những học sinh trong các chế độ Cộng sản đều được học về Dân chủ. Các sách giáo khoa đều viết khi tiến tới chủ nghĩa cộng sản thì không còn đáng phải, nhà nước, không còn chính quyền, đoàn thể, chỉ có một bộ phận được nhân dân bầu lên để quản trị xã hội. Xã hội công bằng, giàu sang, thịnh vượng không cần người quản lý, lãnh đạo. Ai cũng tự giác.

"trên xứ sở châu thổ sông Hồng linh thiêng của ta dạt dào không khí Dân chủ...// ở đâu ông chủ là đầy tớ đầy tớ là ông chủ thì ở đó dân chủ bị treo cổ...// ở đâu còn đảng phải còn nhà nước còn chính quyền còn cơ quan đoàn thể còn tổ chức còn đơn vị ở đó không có dân chủ"

                                                              * *

Nhà thơ có điều kiện được đi nhiều nước trên thế giới, đến những xử sở văn minh, giàu có. Ông có tầm nhìn, tầm nghĩ lớn lao, có điều kiện nhìn lại những trải nghiệm của mình. Không yêu, quý xứ nào bằng xứ sở của mình:

"đi đâu rồi cũng trở về ngôi nhà của mình/ trở về nơi đã sinh ra đã lớn lên lấy vợ lấy chồng sinh con đẻ cái/ trở về hôi hổi đầm đìa mảnh đất phù sa nơi cửa sông Hồng/ trở về với mẹ bao năm vẫn lặng lẽ đợi ta nơi xóm nỏ khuất nẻo mép biển cửa sông/ ... trường ca Phồn Sinh còn nghĩa là ta còn!"

           *

Trường ca Phồn Sinh của Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu không câu nệ hình thức. Ông bỏ qua những hình thức vần vè cũ mèn, người đọc đam mê, bị cuốn hút bởi những dòng suy nghĩ cháy bỏng suy tư, những tư tưởng triết học lớn của con ngườì, của thời đại. Qua trường ca Phồn Sinh và các các tập thơ: Chùm mơ tiên cảm, Mùa thiêng, Hoa linh, Beijing lá phong vàng, Sa hồng, Dòng Thiêng, Hoa linh thảo... đối với tôi Nguyễn Linh Khiều hoàn toàn khác biệt, ông là một nhà thơ lớn, một triết gia.

 

 

Đỗ Hoàng
Số lần đọc: 634
Ngày đăng: 21.03.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Với Nguyễn Đức Tùng, thơ văn-kể như một thử nghiệm chuyển hóa thơ Việt? *) - Đỗ Quyên
Bạch Diệp - “Khuấy thinh lặng trong tách trà màu bạc” - Bùi Thị Diệu
Thơ nhạc hòa thanh khi hoa ngô đồng nở - Võ Quê
Đọc truyện ngắn “Cơn gió bên bờ vực” của Trương Văn Dân - Hoàng Thị Bích Hà
Đọc lại những trang viết trải lòng - Phan Văn Thạnh
Thơ Trần Đức Tín: vài trao đổi với Vũ Thị Hương Mai - Đặng Xuân Xuyến
Trần Đăng Khoa với bài thơ hay, giàu tính nhân văn - Phạm Ngọc Thái
Thơ Hồ Xuân Hương và sự tiếp nhận của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học miền Nam 1954 – 1975 - Trần Hoài Anh
Để cho ngày ngắn là sao? - Nguyễn Thánh Ngã
Đọc thơ Lương Mành - Nguyễn Thánh Ngã
Cùng một tác giả