Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.170
123.223.350
 
Hình & bóng
Đặng Ngọc Như

 

                                  
            Mình với ta như cà với muối
           Ta với mình như cuội với trăng (Ca dao)


Thơ giao tiếp trước khi được hiểu. Cảm thơ ai ai cũng có thể, nhưng hiểu thơ lắm
khi như đuổi hình (chữ) bắt bóng, dễ rơi vào cảnh bỏ mồi bắt bóng. Bóng chữ!
Truyện Kiều Nguyễn Du nói đến bóng 41 lần với ý nghĩa khác nhau:

1. Phần tối tạo nên do bị một vật chặn mất ánh sáng (17)
2. Ánh sáng tỏa ra trong khi bị một vật gì chặn lại (14)
3. Hình ảnh thấy nhưng không rõ (8)
4. Hình ảnh phản chiếu trong gương, dưới nước (2)
(Đào Duy Anh)

Nhiều nhất vẫn là diễn tả ý bóng là vật chặn nguồn sáng tạo ra.
Trong thế giới ‘thực’ 3 chiều của chúng ta hầu như không có vật thể nào là vật thể 2 chiều. Nghĩ và tìm ra cho được một ví dụ thật là khó vì mọi vật thể mỏng đến đâu cũng có chiều dày (3 chiều). Hiếm hoi dễ gặp chỉ có 2 trường hợp: hình phản chiếu và bóng.
Khi chúng ta nói về một cái bóng, trọng tâm là bằng chứng về việc không có ánh sáng nên vật thể tạo ra vùng tối rất quan trọng, đáng chú ý.
Vì thế, tìm hiểu bóng cũng tức là tìm hiểu hình (vật, người) với nhiều nét nghĩa. Nói theo âm nhạc là cường độ, cao độ, trường độ, âm sắc, tempo; nói theo hội họa là độ mờ, nét; theo toán học là tọa độ (không gian, thời gian).

Nhưng bóng trong văn chương, nhất là thơ không dừng lại bấy nhiêu nét nghĩa.
Trong thế giới sinh hoạt thường ngày, trong thơ văn, bóng còn là cái gì đó bí ẩn và bí hiểm, thậm chí đôi khi gây lo lắng, tự hỏi.
Bóng không có bề dày. Bóng mỏng manh nhưng không thể chạm, không thể xóa, không thể xuyên thấu, kỳ diệu như Alice & Xứ sở diệu kỳ.
Bóng trong câu chuyện dân gian được truyền thuyết hóa: Người thiếu phụ Nam Xương từ lâu đã trở thành hình tượng văn học đa thanh, đa nghĩa, đa trị đầy ám thị, tốn nhiều bút mực cho giới phê bình.
Điều khiến chúng ta suy nghĩ nhiều đó là nếu bóng là hình chiếu 2 chiều của vật thể 3 chiều (người, vật) lên mặt phẳng, thế thì vật thể 3 chiều phải chăng là bóng của vật thể ở thế giới nhiều hơn 3 chiều?
Cái ít ỏi, đơn điệu, nhợt nhạt của bóng 2 chiều so với thế giới vô cùng phong phú 3 chiều chúng ta thường xuyên tiếp xúc làm chúng ta băn khoăn lẫn sửng sốt, tự hỏi đến lượt chúng ta, cái ít ỏi của thế giới 3 chiều chúng ta sẽ như thế nào trong thế giới nhiều hơn 3 chiều?
Lúc ấy ta quan sát, nghe ngóng, suy nghĩ, nghĩa là ta nhìn nhận ‘thực sống’ ra sao khi không gian ấy khó diễn giải hoặc không thể diễn giải bằng ngôn ngữ qui ước?
Liệu chúng ta vẫn sẽ độc hành-chiếc bóng như Tô Thùy Yên:

Ta về - một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai...

Hay như Tản Đà tự hỏi bóng – hình, tự hỏi mình:

Người đâu cũng giống đa tình
Ngỡ là ai, lại là mình với ta

Như người chinh phụ:

Buồn rầu nói chẳng nên lời,
Hoa đèn kia với bóng người khá thương!
(Đặng Trần Côn)

Như Thúy Kiều:

Người về chiếc bóng năm canh
(Nguyễn Du)

Ca dao cũng để lại cho ta những câu về bóng đọc lên cứ bâng khuâng mãi về sự sâu sắc, thâm trầm:
Bóng trăng ngã lộn bóng tre
Chàng ơi thức dậy mà nghe thiếp thề


Có thương thì thương cho chắc
Cầm bằng trúc trắc thì trúc trắc trục trặc cho luôn
Đừng như thỏ đứng đầu truông
Khi vui giỡn bóng khi buồn bỏ đi


Nhưng những tâm trạng trên dẫu phức tạp đến mấy thì vẫn là tâm trạng trong những cảnh ngộ chung mà con người cô đơn có thể trải qua. Chúng ta có thể cảm và hiểu được.
Ngay cả cái nhìn sau đây của Thế Lữ, kết quả từ sự quan sát tinh tế, bất ngờ, tài tình về thời đoạn ‘dừng lại’, không có bóng, đứng – bóng, lúc mặt trời ở vị trí thiên đỉnh, ta vẫn cảm nhận được cái hữu lý bất dịch của bóng:

Mây hồng ngừng lại sau đèo,
Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi

chỉ vì các trạng huống trên vẫn là kết quả những quan sát từ thế giới 3 chiều phong phú, quen thuộc phủ tràn lên mặt phẳng 2 chiều đơn lẻ, nhạt mờ.

*



Trong tập thơ Tình ngỡ buông dòng (Đoàn Quân–NXB HNV–2023) với 59 tựa
bài, 78 trang in, bóng được nói đến trực tiếp 16 lần, không kể đến hình, ảnh gắn liền với bóng.
Ở tập thơ này tác giả có cái thấy vừa bình thường vừa hơi khác thường. Bình thường là theo truyền thống, khác thường là cái thấy như từ một thế giới nào khác, từ chiều kích khác về bóng. Câu thơ đọc chưa dứt, ta đã phải dừng lại ngơ ngẩn trước cái thấy - không thấy, cái ảnh - vô ảnh. Thử nêu một dẫn chứng:

Giờ anh như cánh chuồn xa khuất
Còn trong em bóng những đường bay (31)


‘Cái thấy’ ấy làm ta đọc câu thơ để rồi nhìn nhận lại cũng là bóng vốn xuất hiện dày đặc trong ngôn ngữ truyền thống, nhưng ngoài ý nghĩa vốn có, nay âm vang ý vị mới mẻ, lạ lẫm. Ở đây dường như là sự dùng dằng về nghĩa do hệ qui chiếu khác chăng? Anh vẫn còn đó nhưng trong bóng những đường bay. Câu thơ dấy lên trong lòng người đọc: Anh ở đâu?


Hãy trở lại với bóng cổ điển.
Bóng vốn gắn liền với thời gian. Đi tìm bóng vì thế cũng là đi tìm thời gian đã qua, đã mất. Người xưa đã dùng bóng đo thời gian và ngay thời cổ đại con người nhờ bóng mà xác định quả đất tròn, nghĩa là thời gian có tính chu kỳ.
Qui luật cổ điển là thế. Theo đó vật cản (người, vật) càng xa, càng lâu, càng xưa, bóng càng rõ nét, đậm đà, khó quên, khó phai:

Lâu rồi thủa ấy đam mê
Cám ơn bóng ngả tóc thề ngày xưa... (23)

Bao năm không thể phai nhòa
Vẫn trong tâm tưởng dáng hoa ngày nào (57)


Trong mối quan hệ nguồn sáng à vật cản (vật, người) à bóng thì vật cản, vật thể tạo ra vùng tối mới quan trọng.
Câu thơ âm vang tiếng kêu thảng thốt đâu rồi tóc thề, dáng hoa. Trong tiếng cảm ơn có nỗi đau kịp nén lại, kịp chấp nhận. Kể lể, phân trần mà thực ra là đi tìm. Nhớ bóng mà thực ra nhớ người, người xưa, người của thời gian đã mất.
Cái hay của câu thơ truyền thống xưa nay vẫn thế. Thơ luôn được định vị từ hình tới bóng, đó là bóng chữ. Ý nghĩa không nằm trong chữ mà giữa những chữ, ở quãng lặng, khoảng trống, khoảng trắng mờ nhòe.
Đọc thơ thành ra là hành trình đi tìm khuôn gương tinh thần phản chiếu bóng tâm hồn nhân vật phát ngôn. Tâm hồn ấy rất nhạy với bóng vì nhiều khi chỉ bóng nắng đủ khiến liên tưởng tới bao nhiêu là dấu xưa:

Ngoài sân bóng đổ nắng chiều
Mủi lòng khi vẫn còn nhiều dấu xưa (70)


Và điều ngược lại trong qui luật về bóng là vật cản càng gần, thời gian càng bất định thì bóng càng nhòe, mờ đi, bóng càng được ẩn dụ hóa, khái quát hóa:

Trông vời theo bóng nhạn (38)
Ngày nối ngày dõi bóng chim bay (47)

Nhưng điều đặc biệt đáng lưu ý là khi nhân vật trữ tình cùng lúc rơi vào trạng thái phân ly, chới với, như muốn thoát ra lúc kịp nhận thấy bóng cũng chính là người. Sự cận kề, tiếp xúc trực tiếp khiến không còn kịp đặt câu hỏi đâu là bóng đâu là hình. Cảm giác phân thân ập đến tức thời: quen thành lạ, gần mà xa.

Đi ngang bóng dáng quen chợt lạ
Bồi hồi tim nhịp trống gần, xa (84)
Nguồn sáng đâu?

Nguồn sáng tán xạ đa chiều rồi nguồn biến mất một khi bóng được thấy giữa đêm thực hư. Giọng tâm tình của nhân vật thơ trở nên khác, có nhân xưng, có tiếng người không còn thuần bóng, dẫu chỉ đôi khi:

Đôi khi bóng hình em quanh quẩn (49)
Giấc mộng thực hư thức giữa đêm

Bóng người mờ ảo giọng êm đềm (58)

Không gian thơ thành không gian đối thoại dẫu chỉ nghe được từ một phía, dẫu nói trong tâm tưởng, mộng tưởng. Câu thơ đọc vào những thời khắc ấy có sức ám ảnh lạ thường. Nỗi cô đơn không gì bù đắp!
Nhưng đọc câu thơ sau ta càng bị ám ảnh:

Dặt dìu vọng tiếng cu trưa
Khuất bóng các cụ dạ thưa ai giờ (69)

Hơn cả một sự tự chất vấn về duyên do trễ, nhỡ để hụt hẫng, hối tiếc, mà còn là điều gì đó lớn lao đã để mất, đã đánh mất.
Cũng nói về sự cách biệt nhưng hai câu thơ trên diễn tả sự cách biệt dường như tuyệt đối, gợi thêm một nỗi cô đơn cùng tột khi mà thời gian và không gian tách biệt đến nghiệt ngã.
Không gian vô hạn, thời gian vô cùng. Bóng người đã mất hút về phía chân trời. Mất mát còn lớn hơn cái chết. Đối thoại hay độc thoại? Bóng không còn bởi hình đã mất. Tìm đâu?

Trong hệ thống cổ điển Newton, bóng luôn đi với hình và phải đổ ngược về phía đối lập với nguồn sáng, phía đối diện nguồn sáng phải luôn luôn ở trong bóng. Chỉ ánh sáng tương đối, còn không gian, thời gian luôn tuyệt đối.
Nhưng trong thế giới Hình & Bóng của Đoàn Quân mọi sự không dừng ở đó. Cái nhìn, cái thấy trong thơ như đã nói từ đầu luôn đem đến cho người đọc nhiều cảnh ngộ, cảnh để ngộ.
Không chỉ bóng đổ nắng chiều, bóng soi Volga, bóng ngả tóc thề mà còn bóng trong tâm tưởng dáng hoa ngày nào. Và câu thơ này đọc lên mới lạ làm sao!

Người lánh đâu bóng để lại đây (25)

Câu hỏi từ đầu tiếp tục được đặt ra: người đâu? nguồn đâu?
Lần theo manh mối Hình & Bóng ta thấy tác giả dường như vừa tuân theo thứ tự vừa như xáo trộn tất cả. Ánh sáng và bóng chẳng những bớt đậm mà còn nhòe. Tính tuần tự của 3 thời khắc đã, đang, sẽ không còn được phân biệt mà lắm khi hình, bóng trình hiện tức thời, đồng hiện. Biến dạng về thị giác; tính đàn hồi của người, vật, bóng, luật nhân quả bị vi phạm.
Chính trong điều kiện cùng nguồn nắng trong mà cái thấy lại luôn thay đổi:

Trời chiều nắng trong
Thoáng qua hình bóng (33)

Ta về tìm lại dấu yêu
Chôn vùi trên cát những chiều nắng trong (86)

Thoáng qua thì vẫn là thấy nhưng thấy cả những gì chôn vùi trên cát thì lạ thật.
Có cái thấy 3 chiều trong cái bóng 2 chiều, thì bằng phép ngoại suy, ta cảm được cái đa chiều trong 3 chiều, điều vô cùng khó khi chỉ ‘nhìn’ trong thế giới 3 chiều. Quả là cái thấy - không thấy, cái ảnh - vô ảnh như được nhắc đến từ đầu câu chuyện Hình & Bóng.
Nhưng kỳ dị và kỳ diệu nhất có lẽ là hình ảnh về đôi bóng sóng đôi trong bước chân độc hành:
Lang thang phố thị một mình
Trên đường chợt gặp bóng mình bóng em (56)

Đây là hoang tưởng, ảo giác hay chính là cái nhìn thấu thị đa chiều thực tại đã nói trong bóng những đường bay (31), chôn vùi trên cát (86)? Chính là vì bóng những đường bay, chôn vùi trên cát đã làm lóe lên cảm thức về tốc độ, làm bùng lên nguồn năng lượng rung cảm mới về ý và nghĩa do hệ qui chiếu mới, vượt qua cổ điển, tiến tới giá trị mới mẻ mang tính phạm trù, khái niệm cái khác.
Chúng ta tất yếu phải xét lại ý nghĩa hầu như đã thành hiển nhiên: ánh sáng tạo ra bóng.
Thấy bóng trong mơ, thấy bóng chạy quanh, bóng nhập hình thì vẫn là bóng.

Đem tốc độ xem xét bóng, ta thấy bóng theo quan niệm cổ điển luôn cố định và dẫu có di chuyển chạy quanh thì cũng di chuyển ở tốc độ chậm.
Nhưng trong quan niệm của vật lý hiện đại Einstein, tốc độ trở thành nhân tố ảnh hưởng đến sự quan sát.

Di chuyển ở vận tốc nhỏ tạo ra ấn tượng theo thuyết tương đối là không đúng, đó là ánh sáng đi từ nơi này qua nơi khác theo thời gian và phía đối diện ánh sáng luôn ở trong bóng râm. Nhưng khi di chuyển với vận tốc lớn sự đối lập giữa ánh sáng và bóng giảm đi, mờ đi và về lý thuyết khi vận tốc cực đại (gần vận tốc ánh sáng) thì tất cả bóng sẽ biến mất.
Quan niệm của Einstein về tính tương đối và quan niệm sau đó của cơ học lượng tử khẳng định: Việc quan sát và những suy nghĩ của người quan sát đã thâm nhập vào những tính toán và phép đo thế giới “thực”.
Stefan Zweig diễn đạt hình tượng hơn: “Cái giây phút quá độ bí hiểm khi một điệu nhạc, một câu thơ xuất hiện từ cõi vô hình, từ cái nhìn trực giác… liệu thấy nó ở đâu nếu không từ trong bản nháp của các bậc thầy?”. Mà bản nháp, chữ viết nhìn từ trong ra cũng là bóng.
Cơ chế tâm lý học sáng tạo cũng cho ta biết khi nhà khoa học hay nghệ sĩ sáng tạo cũng tức là sáng tạo ra thực tại. Thế thì cũng đừng nên hỏi ‘thực tại’ ấy ảo hay không?!
Ở đây không hề có sự đối lập giữa ảo và thực mà vấn đề là cái thấy. Thế giới cổ điển sẽ rơi vào trường hợp thế giới cá biệt trong cái thấy của thế giới bóng những đường bay hay bóng mình bóng em, thế giới đa chiều. Một mình mà gặp cùng lúc bóng mình bóng em thì lạ thật. Nhưng ngôn ngữ thơ cũng chính là ngôn ngữ kỳ lạ.

Trong Tình ngỡ buông dòng chúng ta từng sững trước những khoảnh khắc-muôn năm-muôn nơi như thế. Đó là những khoảnh khắc Tất cả là một, Nhỏ không trong và Lớn cũng không ngoài.Những khoảnh khắc hạnh phúc được diễn đạt bằng ngôn ngữ thơ.
Và một khi rơi vào trạng thái ngay cả thời gian và không gian không còn là điều cơ bản nữa thì làm sao có thể chia tách, ngăn cách?

Điều gì giúp nghệ sĩ có cái thấy mang dáng dấp thần linh, thông linh ấy ngoài sự sáng tạo?
Tất cả là một mà chúng ta cứ ngỡ chúng ta tách rời nhau và ‘làm khổ’ nhau dù đã là Hình & Bóng.
Chính trong trạng thái sáng tạo nhiều khi chỉ là thoáng chốc mà nhà thơ chúng ta có được cái thấy, thấy được điều đó, nói lên điều đó, ngoài những lúc cũng đau khổ, ‘bất lực’ như người đời:

Em mãi là em tôi là tôi
Thương nhau hai mảnh ghép cuộc đời (27)

Có chăng chính tấm lòng quảng độ, thấu cảm vô hạn đã giúp nhà thơ vượt qua cái nhìn biểu kiến nhân gian, vượt qua nỗi đau riêng để đến được cõi giới mà một khi xa nó chính nhà thơ chứ không ai khác cũng cảm thấy nhớ tiếc như vừa tan một giấc mơ:

Cái âu trầu thuở mình, ta
Giờ đôi cánh phượng bay xa mất rồi (71)

Bóng đâu rồi? Cả người và ước mộng đều mất hút. Hình trơ lại kỷ vật.
Khi chỉ ‘nhìn được’ một kiểu thực tại, con người đã không vượt qua được những giây phút trần gian: đớn đau-hạnh phúc, chờ đợi-cảm ơn, đối thoại-độc thoại.
Bóng và Hình, ảo tưởng-thực tướng, mộng-thực, 2D-3D, là những biểu kiến. Ta chỉ thấy cái riêng biệt chỉ vì luôn bị ám. Trong khi đó thế giới đa chiều.

*
Dù nói bao nhiêu cũng thật khó trả lời cho câu hỏi lớn: Làm sao cho cuộc sống thế gian không còn cảnh ái tương ly, tăng tương ngộ?
Xin nhẹ nhàng và bình thường: Đọc thật trân trọng Tình ngỡ buông dòng.

Cũng xin cho phép được nói là Hình & Bóng vừa mạo muội nêu ra trên đây cũng chỉ là một góc khiêm tốn, phiến diện quan sát thế giới đa chiều của cả tập thơ - cuộc đời một con người có tâm thiện-lành nên có được cái thấy lão nhãn khán thanh xuân.



Đầu Xuân Quý Mão 2023

 

 

Đặng Ngọc Như
Số lần đọc: 629
Ngày đăng: 21.03.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Với Nguyễn Đức Tùng, thơ văn-kể như một thử nghiệm chuyển hóa thơ Việt? *) - Đỗ Quyên
Bạch Diệp - “Khuấy thinh lặng trong tách trà màu bạc” - Bùi Thị Diệu
Thơ nhạc hòa thanh khi hoa ngô đồng nở - Võ Quê
Đọc truyện ngắn “Cơn gió bên bờ vực” của Trương Văn Dân - Hoàng Thị Bích Hà
Đọc lại những trang viết trải lòng - Phan Văn Thạnh
Thơ Trần Đức Tín: vài trao đổi với Vũ Thị Hương Mai - Đặng Xuân Xuyến
Trần Đăng Khoa với bài thơ hay, giàu tính nhân văn - Phạm Ngọc Thái
Thơ Hồ Xuân Hương và sự tiếp nhận của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học miền Nam 1954 – 1975 - Trần Hoài Anh
Để cho ngày ngắn là sao? - Nguyễn Thánh Ngã
Đọc thơ Lương Mành - Nguyễn Thánh Ngã