Hình ảnh vòng người, nam-nữ xen kẽ, nhịp nhàng tiến, lùi, uốn lượn đôi bàn tay theo tiếng nhạc là những gì kẻ ngoại nhân dễ dàng hình dung khi nghe hay nói về múa lâm thôn của người Khmer. Ai biết ngoại ngữ mà lên internet gỏ mấy từ khóa “múa truyền thống Khmer” (bằng tiếng Anh, ví dụ vậy) thì thấy choáng ngộp trước lượng thông tin. Và người Khmer rất tự hào về truyền thống vũ đạo của mình, họ coi đó như là một thứ căn cước Khmer. Thế nhưng … không phải mọi thứ về vũ đạo Khmer đều sáng tỏ, bản thân người Khmer cũng có những cách hiểu khác nhau, thậm chí từ ngữ cũng khác nhau dù đó là từ, thuật ngữ thông dụng hiên nay. Tất nhiên, có những cái đã thành văn tường minh ngay từ đầu, có những cái chỉ là tương truyền. Thậm chí có cái tưởng đã hiển minh, vậy mà lại không được hiểu, diễn giải như nó là. Múa đại chúng Lâm thôn là một sự rối như vậy và cũng là đối tượng khảo sát của bài. Bài này, trong một cố gắng nhứt định, xin trình bày lại nhưng gì được biết từ tài liệu lẫn trực tiếp quan sát.
I/ Lược thuật về vũ đạo Khmer
Tiên nữ Apsara cũng như hình tượng vũ nữ mang tên Apsara được khắc nổi trên các bức tường của đền, tháp ở quần thể Angkor là điều quá quen với mọi người. Và người Khmer coi đó là biểu tượng số một, là đỉnh cao của vũ đạo Khmer, là bằng chứng cho nghệ thuật múa lâu đời của dân tộc mình. Rằng các điệu múa ăn sâu vào đời sống dân tộc Khmer từ rất xưa xa; thậm chí, cứ hể ai là người Khmer, bất luận vua, quan, lê dân, thì là cũng ham mê múa, vào cuộc múa rồi thì không còn một lằng ranh nào phân cách người Khmer với nhau. Liệu có phải vậy chăng? Dầu sao thì bấy nay người ta thấy dưới ánh lữa bập bùng, trong tiếng trống nhịp nhàng vòng người đầm ấm, tươi cười say sưa hòa vào nhau. Múa nó ăn vào máu thịt, vào tâm hồn người Khmer ngày nay. Vũ đạo Khmer đúng là phong phú gấp nhiều lần so với những gì người ta thường hình dung, các thể loại, phong cách, số điệu. Trong rất nhiều tài liệu, trước tiên là tác giả Tây phương mở đường, thuật lại các bức khắc nổi trên các tường đền, tháp từ thời tiền Angkor (trước tk thứ 9 CN) đã có cảnh vòng tròn người múa quanh đống lửa như một bằng chứng cho nghệ thuật múa Khmer. Một số tài liệu khảo sát nhân học văn hóa cũng mô tả cảnh múa đại chúng ở các xóm ấp hẻo lánh thời xưa lại càng củng cố hơn lập luận về “tuổi đời” của nghệ thuật múa Khmer. Nhưng nếu đánh đồng các loại hình múa này với múa Lâm thôn là một sai lầm.
Rôbăm Khmer (របាំខ្មែ) là từ chánh thức dùng để chỉ vũ đạo, nghệ thuật múa, điệu múa Khmer.
Tự điển tiếng Khmer của Vua sải Chuon Nath (Viện Phật giáo Kampuchia, ấn bản 1967) (sau đây gọi tắt là Tự điển Chuon Nath, như người Khmer thường gọi tắt vậy) giải thích ngắn gọn Rôbăm là cuộc chơi múa hát, diễn kịch (ca, vũ lẫn thoại kịch, gọi chung là Lkhôn -ល្ខោន).
Wiki tiếng Khmer diễn giải từ Rôbăm Khmer dài hơn: Nghệ thuật múa Khmer là nghệ thuật của sự múa thể hiện bản sắc dân tộc Khmer, có nhiều hình thức khác nhau tùy theo vùng ở Campuchia, có 82 điệu múa thuần Khmer với 35 điệu múa có tích tuồng.
Vũ đạo Khmer được chia làm 4 loại:
-
Múa cổ điển (របាំបុរាណខ្មែរ - Robăm bôranKhmer, thể loạiMúa cung đình): là loại hình múa trong cung đình dành cho hoàng gia và hàng quan “Nhất phẩm”, chiêu đãi sứ thần ngoại quốc. Vũ công và nhạc công chuyện nghiệp, được đào tạo đàng hoàng. Chủ đề, nội dung là tôn vinh các vị thần, các vị vua. Sang đầu tk 20 Múa cổ điển dần được đưa ra công chúng (thưởng thức, dạy, học, biểu diễn; mẫu hậu Sisowath Kosamak của Quốc Vương N. Sihanouk có công hàng đầu trong việc này), được gọi Robăm Prehriachtrop របាំព្រះរាជទ្រព្យ, tiếng Anh là Royal Ballet of Cambodia. Tiết mục nổi tiếng nhất của loại hình này là Điệu múa Tiên nữ Apsara របាំទេពអប្សរា - Robăm Tep Apsara, và vũ công số 1 chính là Công chúa Norodom Buppha Devi (បុប្ផាទេវី, 1943-2009, con của Quốc Vương N. Sihanouk). Múa cung đình có khoảng mười lăm điệu.
-
Múa truyền thống (របាំប្រពៃណីខ្មែរ - Rôbăm propaynay Khmer tức múa dân gian trong nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng). Đây là loại hình múa phong phú, đa dạng nhất, trải rộng ra nhiều tỉnh khác nhau với các bài múa khác nhau, thậm chí của cả các sắc tộc cận kề Khmer như Khmer Somre, Stiêng, v.v. Đề tài có thế thể là tôn vinh một vị thần sở tại “thần làng”, “thổ địa”, một vị thần trong Bà la môn giáo, Phật giáo, v.v. hay đơn giản là mô phỏng cảnh sinh hoạt thường nhật trong tín ngưỡng phồn thực vào dịp lễ tương ứng.
-
Múa đại chúng Khmer (របាំប្រជាប្រិយខ្មែរ - Rôbăm prochiapray Khmer mang tính giải trí hay sanh hoạt cộng đồng trong dịp hội hè). Một loại hình bình dân mới ra đời mà cho tới nay chưa đầy thế kỹ nhưng hớp hồn người Khmer, “đập” vào mắt kẻ ngoại nhân hơn tất thẩy với cái tên gọi “múa Lâm thôn”.Trong thực tế từ nhiều chục năm trước thì múa công đồng Khmer không chỉ những điệu múa Khmer mà còn các điệu thời tân vay mượn từ Tây phương, như Pasodoble, Cha cha cha, v.v. nhưng theo quan sát trực tiếp thì ngay ở nông thôn điệu Bebop có phần được chuộng hơn, do điệu này không quá nhanh, quá mạnh mà nhiều giao tình tợ khiểu Khmer?Loại hình này sẽ nói rõ hơn ở phần sau.
-
Múa Khmer hiện đại (របាំខ្មែរសហសម័យ - Rôbăm Khmer sahasamay) do giới trẻ mới sau này nhái một số động tác múa truyền thống cộng với các động tác khiêu vũ phương tây trên nền tân nhạc Tây giật gân, Tây-Khmer giao duyên sôi động, nhanh, mang tính biểu diễn trên sân khấu chứ không là múa đại chúng.
II/ Múa truyền thống và điệu múa Trôt độc đáo
Như nói bên trên, loại hình múa truyền thống Khmer gồm hơn bốn mươi điệu múa, trong đó gần hai mươi điệu chỉ riêng có ở một tỉnh. Một vài điệu múa theo tỉnh:
Múa gặt lúa (ច្រូតស្រូវ) ở tỉnh Battambang.
Múa con công Pailin (ក្ងោកប៉ៃលិន) ở tỉnh Pailin.
Múa Koh Ongre (គោះអង្រែ)ở tỉnh Kompung Cham.
Múa Chrom, múa Vaicrap (ច្រម, វាយក្រាប់) ở tỉnh Takeo
Theo một tài liệu thì bài múa Trôt (ត្រុដិ)của người Khmer Surin sống ở tỉnh Siemrep (đầu Biển hồ, Tunlê sap) và một phần tỉnh Battambang giáp giới Siem Riep, nơi được người Khmer tự hào gọi là Hoàng quốc (សុវណ្ណភូមិ - Xovanh phum: vùng đất, nước Vàng) trước khi du nhập văn hóa Ấn Độ. Theo thiển ý, bài múa này thuộc số bài đặc sắc hàng đầu và cũng thuộc loại mang dấu ấn cổ xưa nhứt. Vậy một chút khảo sát điệu múa này là hẳn nên làm.
Khmer Surin là từ chỉ một cộng đồng Khmer có phương ngữ nhiều khác biệt với tiếng Khmer hiện đại, trong đó mang nhiều yêu tổ Mon-Khmer cổ, họ sống ở vùng Tây bắc Vương quốc Kampuchia sang tới đất Vương quốc Thái Lan ngày nay! Những cũng có người cho múa Trôt là của người Khmer Somre (សំរែ), một tộc người “anh em” với người Khmer và hiện nay gần như bị người Khmer đồng hóa hoàn toàn, chỉ người già mới biết tiếng Khmer somre, phong tục, tập quán gốc cũng mất đi gần hết. Theo Tự điển Chuon Nath thì “Trôt”, từ gốc Sanskrit, nghĩa đen là (1) cắt đứt, đứt lìa; (2) là tên một điệu múa mừng năm mới. Điệu múa Trốt mang ý nghĩa “tống cựu nghinh tân” của người Khmer Surin. Lễ Năm mới của người Khmer cũng là Lễ đón mưa cho mùa lúa mới, vậy múa Trốt cũng có ý nghĩa cầu mưa, cầu phúc, cầu an, cầu mùa bội thu: một điệu múa mang đậm tính phồn thực cổ xưa. Màn múa bắt đầu bằng việc một người dẫn truyện cất tiếng hát chào và chúc mừng năm mới tới mọi người. Rồi anh tiếp tục hát với câu chuyện làm mùa, chống thú hoang vào phá ruộng, cầu mưa thuận gió hòa, v.v. Một con nai xuất hiện, hai anh chằng ra cản, cuối cùng là người thợ săn ra tay (bắn cung) diệt nai bảo vệ ruộng, rẫy, cũng là chống hạn hán vì người Khmer coi nai là biểu tượng của nạn hạn hán. Trong khi đó một cô gái nhịp nhàng dậm chưn, tiến lùi theo điệu nhạc, hai tay cầm một tay đòn cong đong đưa tượng trưng cho tát gào nước vào ruộng, đầu tay đòn treo một cái túi. Dàn phía sau là một hàng năm bảy các cô gái, cầm mỗi cô một cây sào dài hai thước, nơi ngọn có bốn nhánh vuông gốc trang trí hoa, cờ nheo, lục lạc. Điều cần lưu ý là các cô có bước tiến, có bưới lùi, hai tay dậm dậm cây sào xuống đất vừa theo nhịp nhạc vừa gợi lên hình ảnh chọt lổ gieo hạt thời lúa rẫy. Màn cuối xuất hiện thêm hai cô gái tay cầm lông đuôi chim công tiến ra nhịp nhàng múa theo tiếng nhạc, đánh đòn con nai phá mùa màn; chim công, theo tín ngưỡng, tượng trưng cho mặt trời, mặt trời đem lại ánh sáng, sự sống cho con người và muôn loài (trong đó có lúa nuôi con người). Khi kết thúc thì người dẫn truyện chào tạm biệt, cầu chúc khán giả sức khỏe, bình an, hạnh phúc, được mùa khi mùa lúa mới đã gần kề. Anh hát dẫn truyện cầm đầu đòn cong dắt cô gái đi một vòng chào khán giả, khán giả tùy hỷ tặng tiền bắng cách bỏ tiền vô chiếc túi treo sẳn ở đầu đòn. Bạn nhạc đệm chủ yếu là trống tay (ស្គរដី - spô đay, một vài người dịch sai là trống cơm), trống Chhay khum (ស្គរឆៃយ៉ាំ), đờn Ô (ទ្រអ៊ូរ - troô) và đờn Xao (ទ្រសោ - troxao) (hai dây, kéo vỹ -tương tợ đờn Cò ta).
Theo một bài viết của hai tác giả An Rosmay và Ăng Chulien trên trang Yosothor có tựa Trôt[1] thì Múa Trôt chưa được tìm hiểu nhiều, qua khảo sát thì Trôt có nhiều “phiên bản” ở các làng khác nhau, có làng chủ nhà còn tát nước lên đội múa, ông bầu ngoài tên gọi Đođau (ដង្ខៅ-Từ điển Chuon Nath cho biết là từ gốc Hán, nghĩa là thương nhân ) còn có tên gọi Mê phliên (មេភ្លៀង-tạm dịch là là người chủ về mưa) hay Mê niak (មេនាគ-tạm dịch là chủ Rắn Naga), Hai tác giả cho là động tác đong đưa cây đòn cong có treo túi đựng tiền thưởng là mô phỏng con cá bơi lội. Cuối cùng hai tác giả cùng nhận định Trôt là một bài múa thuộc nghi lễ, nghi thức cầu mưa.
Các video trên Youtube về màn múa Trôt này thì nhiều nhưng xem ra sai lạc lắm (?), may mà có video do tỉnh Ta Keo thực hiện có lẽ gần với bản cổ truyền hơn cả vì nó thể hiện sắc nét các biểu tượng văn hóa ẩn sau các động tác múa đơn giản, lời ca-dẫn truyện môc mạc mà duyên dáng, vui tươi chừng mực. Múa Trốt nay còn được các nhóm bạn trẻ tự lập ban đi dạo xóm làng, phố phường, của tiệm lớn, văn phòng, các nhà khá giả ở Phnom Penh xin diễn chúc mừng để được thưởng tiền vào dịp Lễ năm mới (tương tự các nhóm múaLân ở nước mình) mà video này là một ví dụ với mở đầu là lời xin phép của ông bầu đoàn với đại diện làng. Đúng tập tục thì phần lớn số tiền có được đoàn đem cúng dường hay làm từ thiện (cái này khác múa Lân Tết xứ ta).
https://www.youtube.com/watch?v=UE-Rin7ZR4Q&t=20s&ab_channel=khmerentertaiment
III/ Múa đại chúng
Trước khi đi vào khảo sát loại hình múa vốn là đối tượng của bài này, thiết nghĩ cần đặt lại vấn đề dịch và hiểu thuật ngữ “dân gian” trong tiếng Khmer trên cơ sở tra cứu Tự điển Chuon Nath. Vấn đề cần được đặt lại vì công cụ Google dịch, tự điển Khmer-Việt trên mạng hay một vài bài viết tiếng Việt trên mạng đã dịch thuật ngữ របាំប្រជាប្រិយខ្មែរ là Múa dân gian thì e là chưa chánh xác. Từ ប្រជាប្រិយ (prochiapray) được ngài Choun Nath giải thích là thứ được quảng đại dân chúng yêu mến, ưa thích, quan tâm (người dẫn nhấn mạnh). Đây là một từ ghép với prochia (danh từ) là “dân chúng” và pray (tính từ) là “yêu mến, ưa nghe”. Dân gian là thứ thuộc về chúng dân nhưng có được quảng đại dân chúng yêu thích, quan tâm hay không là chuyện khác. Còn từ đại chúng đúng là cái đáp ứng nghĩa của từ ប្រជាប្រិយ (prochiapray) này. Có một sự khác biệt cơ bản trong tính dân gian của múa truyền thống và múa đại chúng là, múa truyền thống chỉ múa vào các dịp lễ, như một phần của nghi lễ (tức hầu như mỗi năm một lần); ngược lại múa đại chúng thì có thể bất cứ ngày nào trong năm, múa chơi cho vui trong thôn xóm, thân hữu; tất nhiên là các dịp lễ, đám cưới, năm mới, tiệc tùng thì làm sao mà thiếu đặng? Và, đúng như là, loại hình múa có tính đại chúng này đã ăn sâu vô máu thịt, hớp hồn người Khmer. Nếu người Nga gần 200 năm nay cứ băng khoăng tự hỏi, truy tầm có hay không, cái gì là “tâm hồn Nga”, “tính cách Nga” (русская душа, русский характер) thì “múa Lâm thôn” chánh là dusha (tâm hồn), là Khraraccher (tính cách) Khmer vậy. Song, khi nói vậy thì cũng nên chừng mực hầu tránh quá bước!
Cũng vậy, cần cẩn thận nhận thức sự múa Lâm thôn mang tính chất gì, có tự bao giờ.
Rất nhiều bài viết, cả trên Wiki Khmer, đều khẳng định, rằng “Múa Lâm thôn” đã thấy khắc nổi trên các tường, vách trong quân thể Angkor, cũng như ở nhiều đền, tháp khác; rằng từ xưa xa “múa Lâm thôn” được từ đấng quân vương, bá quan văn, võ, tới phú hào, lê dân yêu thích và hòa nhau múa (sic). Rằng múa đại chúng này có từ thời người Khmer gốc, Khmer rặc (ខ្មែរដើម - Khmer đơm) cổ đại xưa xa. Thế nhưng phân tích kỹ thì các bức khắc nổi được thuật lại đó thì là miêu tả cảnh múa như là một nghi lễ hoàng gia, tôn giáo, tín ngưỡng, đâu là sự giải trí (tác giả bài nhấn mạnh). Một thực tế là các bức hình chụp Quốc Vương N. Sihanouk khi tại vị người ta không thấy Ngài “hòa cùng thần dân” múa Lâm thôn bao giờ, dù thời Pháp thuộc hay thời Sangkum[2]. Ngày “Lễ tịch điền [Khmer]” Quốc Vương có xuống ruộng cầm cày và cày ruộng, nhưng trong bộ lễ phục hoàng gia; lễ xong thì Ngài ra về chớ có ở tới tối mà mua Lâm thôn với thần dân đâu! Người ta cũng không thấy Tổng thống Lon Nol, Hoàng thân-phó Thủ tướng Sirik Matak múa Lâm thôn (giai đoạn 1970-1975). Bỏ qua thời Khmer đỏ cầm quyền. Các ông Pen Sovanh, Heng Somring, Chia Sim (giai đoạn 1979-1989) cũng không. Các thủ tướng N. Ranarith (giai đoạn 1993-2006), Hun Sen (từ 1985 tới nay) cũng không. Đương kim Quốc Vương N. Sihamoni cũng không! Tác giả bài này có biết một số quan chức trung cấp (tương đương cấp tỉnh, cả dân sự và quân sự) có múa Lâm thôn nhưng “mang tính hòa đồng” chớ có là vui chơi giải trí như điệu múa vốn là.
Các bài viết về thời gian xuất hiện việc múa Lâm thôn như là một hoạt động giải trí cộng đồng cũng tréo ngoe. Trong cùng một bài viết, cả của wiki Khmer, phần giới thiệu thì nói là từ thời Angkor đã thấy múa đại chúng vui chơi, phần dưới thì … (sic). “Theo lời các bô lão và một số tài liệu” (người trích nhấn mạnh) thì hình thức sinh hoạt cộng đồng, giải trí bằng việc múa Lâm thôn vào buổi tối khởi đầu vào thập kỷ 1950 do quân kháng chiến Issarak bày ra ở miền biên viễn phía bắc Kampuchia giáp giới với Ai lao. Do điều kiện ở rừng rú, nhiều núi cao nên họ gặp lắm gian khổ, thiếu thốn bên cạnh cái chết do quân thù, do thú dữ, do bịnh tật gây ra nên để vượt qua mà sinh tồn, mà chiến đấu chờ ngày chiến thắng, quân Issarak tại đây đã giải khuây, tự động viên mình bằng cách sanh hoạt tập thể này. Hình thức sanh hoạt-giải trí này nhanh chóng lan ra dân chúng trong vùng. Kể từ thời hậu thực dân thì Quốc Vương N. Sihanouk khuyến khích, khuếch trương ra cả nước và được sự đón nhận của sơn dân, thôn dân, thị dân Khmer; cuối cùng, ta có bức tranh múa Lâm thôn như thấy bấy nay. Nhưng … nan đề quanh múa Lâm thôn vẫn chưa hết, giữa người Khmer với nhau.
Bắt đầu vẫn là tìm hiểu nghĩa của từ, cái nội hàm của hai tiếng Lâm thôn là gì. Với một số người Khmer thì đơn giản Lâm là múa, thôn là cái trống, múa Lâm thôn là múa theo nhịp trống, vậy thôi. Nhưng theo Tự điển Chuon Nath thì “Lâm” (ឡាំ - từ gốc Ai lao, Xiêm) có nghĩa là bài nhạc, bài hát có nhịp điệu nhanh. Cũng theo tự điển này thì từ “thôn” (ថូន - từ gốc Pali) là một loại trống chầu dùng để giữ nhịp trong nhạc truyền thống [trong bộ trống trong dàn nhạc ngũ cung Khmer hiện nay không có cái trống nào tên là thôn x, z, y, mà chỉ có spô x, y, z mà thôi – tác giả bài này xin lưu ý]. Vậy, nếu Lâm là từ ngoại lai thì liệu múa Lâm thôn có là của người Khmer hay cũng là du nhập từ ngoài vô? Thưa, nó vừa của Khmer, vừa là du nhập, ngoại lai; và nó là đề tài tranh cải khá ồn ào của người Khmer. Đích thân Thủ tướng Hun Sen đã phải lên tiếng xác định phần nào là của Khmer, phần nào là của Lào. Khi nghe Lào lập hồ sơ trình Unesco đề nghị ghi nhận một điệu múa trong nhóm múa đại chúng này là di sản phi vật thể thì tranh luận nổ tiếp! Trước khi bàn tiếp, tác giả xin có đôi lời giải thích về sự dùng từ “múa Lâm thôn” trong bài này: do người Việt mình quen gọi vậy nên đành tạm gọi theo đặng độc giả dễ hiểu.
Tùy theo tác giả liệt kê mà loại hình múa đại chúng - giải trí này có từ 4-7 điệu khác nhau, người Khmer gọi chung cho gọn là Roam vuâng (រាំវង់). Bốn điệu được kê nhiều hơn cả và cũng là bốn điệu thật sự phổ thông, đó là:
Roam vuâng (រាំវង់ - múa vòng tròn): đây được quan niệm là điệu múa cơ bản của múa đại chúng, có hai tiểu loại là theo nhịp ba và theo nhịp bốn. Khi múa thì một nam-một nữ xen kẽ đi ngược chiều kim đồng hồ, ở tâm vòng tròn là một cái bàn chưng bông. Chưn phải là chủ-khởi đầu cho sự tiến, lùi của sự múa. Chưn phải bước thì bàn tay trái đưa lên cao ngang tai và ngược lại với chưn trái-tay phải. Khi hạ bàn tay thì chỉ hạ ngang thắc lưng, bên hông. Bàn tay nào đưa lên thời ngửa lòng bàn tay dần lên, bàn tay nào hạ xuống thì úp dần lòng bàn tay xuống. Khi bước tiến hay lùi thì đều xoay người nhẹ qua phía bàn tay đưa lên. Cứ vậy mà theo nhịp nhạc mà múa, khá huê tình đẹp mắt. Có lẽ động tác có phần phức tạp nên có phần ít được chọn múa hơn trong thực tế.
Roam kbach (រាំក្បាច់ - múa hoa mỹ): đây là sự biến tấu của Roam vuâng nhưng chỉ có nhịp hai, nhịp chậm hơn. Có ba sự khác chánh trong động tác so với Roam vuâng là (a) bàn tay hạ xuống phía trước bụng-ngang hông, (b) mỗi bước tiến hay lùi đều nhúng nhẹ người xuống, và (c) không bước tiến hay lùi thẳng mà bước xéo qua một bên rổi xéo theo bên ngược lại, nghiên người ra sau nhiều hơn, mắt người nữ đi trước và người nam đi sau được giao tình nhiều hơn hẳn. Chánh cái sự khác (b) và (c) này làm cho Roam kbach đẹp mắt hơn, huê tình hơn nhưng cũng khó múa hơn. Trong các điệu múa đại chúng Khmer thì, theo tác giả, điệu này đẹp mắt, lãng mạng, đáng chiêm ngưỡng hơn tất thảy. Nhưng … có lẽ vì khó nhứt, chậm hơn tất thẩy nên không mấy khi dân chúng chọn điệu này mà múa. Đáng tiếc làm sao!
Roam Saravan (រាំសារ៉ាវ៉ាន់ - vì lại sao tên vậy? Hồi sau sẽ rõ): điệu này khác hẳn hai điệu trên, không theo vòng tròn mà từng cặp nam-nữ đối diện nhau, nhịp điệu nhanh, theo nhịp bốn, rộn ràng, giai điệu bài nhạc “không mấy Khmer”. Động tác thì tiến ba bước rồi dậm một bước, lại lùi ba bước rồi dậm một bước; cứ nam tiến thì nữ lùi và ngược lại. Cứ sau một trường canh thì đôi nam-nữ xoay một vòng đổi bên cho nhau. Động tác tay thỉ chỉ để đôi bàn tay ngang thắc lưng, bậc cổ tay lên xuống nhịp nhàng theo nhịp nhạc, hai tay dang rộng một chút ra hai bên rồi bắt chéo đôi bàn tay lại trước khi tiến hay lùi. Động tác múa đơn giản nhứt trong các điệu. Khá huê tình đẹp mắt nhưng không hiểu sao cũng không mấy khi được chọn.
Roam Lâm liêu (រាំឡាំលាវ- vì lại sao tên vậy? Hồi sau sẽ rõ): điệu múa này cũng có nhịp bốn, tiết tấu rộn ràng, nhanh như Saravan, giai điệu bài nhạc “không mấy Khmer”. Động tác thì pha một chút roam vuâng (đi vòng tròn, uống tay lên xuống), một chút Saravan (xoay người giao tình nam-nữ). Khác các điệu khác là động tác tay chỉ xoay, úp-ngữa thắp ngang hông trước bụng. Nói chung là đơn giản nhứt trong bốn điệu. Có lẽ vì vửa vui nhộn, vừa đơn giản lại không thiếu huê tình nên điệu này được chọn múa thường hơn cả. Kẻ ngoại nhân cũng cứ đại khái ngó mà múa theo cho vui mỗi khi có dịp.
Ngoài bốn điệu kể trên còn một vài điệu khác nhưng gần nhưkhông thấy hay không có tại liệu gì trên internet, và tác giả cũng chưa từng biết qua, như điệu Roam Chôt kompưh (រាំចូកកំពឹស - múa xúc tép), điệu này qua xem một video trên Yotube thì thấy không thuộc múa đại chúng -giải trí mà nên xếp vô thể loại Múa truyền thống thì hơn.
Giờ xin trở lại câu chuyện các điệu múa Lâm thôn là Khmer hay ngoại lai hay cả hai? Suốt một thời gian dài người Khmer hầu như mặc định tất cả các điệu múa thuộc thể loại múa đại chúng -giải trí là Khmer rặc. Rồi một hôm có người đặc lại vấn đề và chỉ ra có hai điệu múa ngoại lai, điều này đã gây ra nhiều tranh cải ồn ào, có phần cực đoan trong thái độ và ngôn từ. Cuối cùng, đich thân Thủ tướng Hun Sen đã phải lên tiếng trong một dịp diễn ra sự kiện được truyền thông và công luân chú ý. Theo tờ Nokor Thom Daily (Đại đô nhựt báo), đăng ngày 18.09.2019[3], có bài tường thuật rằng khi tiễn đòan thể thao Vương quốc Kampuchia đi dự Đại hội thể thao (Sea Games) lần thứ 30, ông Hun Sen xác nhận một sự thật mà ông biết ngay từ khi bắt đầu học múa Lâm thôn thì hai điệu Saravan và Lâm liêu chắc chắn là của người Lào, rắng cái này là chịu ảnh hưởng của Lào[4], rằng cần chấp nhận điều này. Ông còn nói, Saravan là tên một tỉnh bên Lào, từ Lâm liêu là từ tiếng Lào [lâm là múa, điệu múa, liêu là Ai Lao [người trích]. Ông còn nói thêm, nhạc ngũ âm là của người Khmer, sau này một số người lại nói là của người Thái. Một số người đồng tình với ông với lập luận kiểu "Của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa"! Còn có một giả thuyết rằng hai điệu múa Saravan và Lâm liêu ra đời đâu vào thập niên 1950 do bà Mae Mơn sáng tác mà trong vở Lkhôn Promaotay (ប្រម៉ោទ័យ) do bà biên soạn có các điệu múa đại chúng này[5]. Bà Mae Mơn là một người phục vụ hay vũ công gì đó trong hoàng cung Kampuchia từ lúc bảy tuổi, và theo một vài vị quan trong triều thì bà là người Ai Lao; do vậy mà có người thận trọng đề nghị xem các điệu múa đại chúng Saravan và Lâm liêu là của Lào rồi được Khmer hóa thì mới chánh xác. Cũng có ý kiến lưu ý là các bức khắc nổi cho thấy cảnh vua quan múa trong bộ lễ phục, còn người Ai Lao thì cứ ăn bận đồ thường nhật mà múa, mà giải trí nên dân chúng Khmer mới từ đó múa theo mà giải trí.
Một đôi tài liệu có nhắc là cuốn sách “Múa đại chúng Khmer” do “Giáo hội truyền thống Khmer” thuộc “Phật học viện” biên soạn xuất bản năm 1964 cho biết, qua khảo sát nguồn gốc, các điệu múa hiện nay “có nguồn gốc từ Ai Lao”.
Cũng cần ghi nhận thêm là Tự điển Chuon Nath không hề có mục từ Roam Saravan cũng như Roam Lâm Liêu.
Qua xem các video có trên Youtube thì múa Lâm thôn hiện giờ “suy đồi” rất nhiều, nó không còn đẹp, giao tình thân ái, không còn múa theo vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ như xưa mà loạn xà ngầu (tại sao?). Thậm chí nhiều video dù mang tên roam vuâng, roam kbach hay gì gì thì người cũng không còn giữ đúng các động tác như truyền thống mà “cà lơ phất phơ” không điệu ra điệu nào, ngay cả điệu Lâm liêu có động tác đơn giản nhứt cũng chỉ là một đám người lộn xà quần hời hợt quơ tay-tiến lùi hờ hững. Cái sự lạ là tác giả bài này không thấy mấy ai lên tiếng về chuyện này trên internet. Trước sự tình này một công ty tư nhân tên Nano Soundđã đứng ra làm đối tác với Bộ Văn hóa và Mỹ thuật dựng năm video hướng dẫn múa các điệu múa thuộc thể loại múa đại chúng-giải trí. Người hướng dẫn khi mở đầu cũng nói rõ thể loại múa prochiapray là thể loại mọi người cùng yêu thích, dễ học, dễ múa, có thể múa mọi lúc, mọi nơi để giải trí. Gọi chung các điệu múa này là roam vuâng vì người ta múa trong vòng tròn theo nhịp trống là chánh bên cạnh đó còn có một vài nhạc cụ thuộc bộ gỏ. Mục đích dựng các video này, người hướng dẫn nói rõ, là để mọi người biết múa đúng động tác của từng điệu chớ không phải cứ dòm dòm mà múa theo. Nhưng ông này cũng sai khi nói các điệu múa đại chúng này có từ thời Angkor, vua, quan gì hồi đó cũng múa. Mỗi video là một điệu, có giới thiệu chung, phân tích các động tác kèm theo một cặp nam-nữ thị phạm, cuối cùng là trình diễn mẫu với nhóm múa ba nữ và ba nam. Xin giới thiệu một video làm đại diện. Đây là video hướng dẫn múa điệu Roam Kbach, mà như đã nói bên trên, một điệu đẹp, lãng mạng, huê tình-giao duyên nhất trong các điệu:
https://www.youtube.com/watch?v=sBc-jTQNSC0&ab_channel=NanoSoundCambodia
Quý độc giả khi xem video náy có thể bỏ qua độ ¼ đầu vì chỉ là hướng dẫn bắng tiếng Khmer, phần tiếp sau là thị phạm và diễn mẫu.
***
Để kết thúc bài xin được phép kể ba kỷ niệm của bản thân liên quan tới múa Lâm thôn:
-
Đâu độ cuối năm 1979 đơn vị chúng tôi tiếp đón một phái đoàn sỹ quan trung cấp QĐ Lào (hàm từ đại úy tới trung tá). Sau khi làm việc chánh thức xong, để tiễn đoàn, bề trên cho một nhóm nữ ra đứng chờ ở cổng. Đoàn vừa ra tới, tiếng guitar bập bùng, các cô gái bước ra chào và làm thành một vòng tròn. Bài Hoa đẹp Champa cất lên. Vậy là xen kẻ một cô gái ta, một vị sỹ quan Lào. Ai nấy vui vẻ, hào hứng, các sỹ quan Lào đi từ ngạc nhiên tới nhanh chóng hòa mình thật lòng. Rồi … Sau ba-bốn lần lập lại bài hát thì bên ta cụt vốn và cũng đễ thay đổi không khí, kéo dài cuộc vui, bài hát chuyển qua bài Việt Nam-Kampuchia đoàn kết, hát song ngữ Việt, Khmer. Ngay khi mấy từ Việt Nam-Kampuchiađầu bài vừa bật ra thì các sỹ quan Lào khựng lại, sắc mặt đanh lại, ai đứng đó cũng nhận thấy, các cô gái cũng vậy. Và, cho cuộc tiễn đi tới hồi hạ màn, ai cũng ngượng ngịu múa cho qua. Thiệt ra, các cô gái ta trước đó chỉ dòm các tù binh nữ Khmer đỏ múa rồi bắt chước nên các nàng múa “lai” Roam vuâng với Lâm liêu mà thôi. Âu cũng là ngoại giao xóm ấp đó thôi.
-
Đầu năm 1980 tôi được anh em dắt tới làm quen một gia đình “lớn mà nhỏ” gồm hai ông bà tuổi thập lục và đàn cháu nội gồm ba gái lớn, hai trai nhỏ; lớn nhứt đâu 12-13 tuổi, nhỏ nhứt 5-6 tuổi. Ông bà là người Việt, sống ở Siem Reap, đứa con trai duy nhất cưới vợ Miên nhưng hai vợ chồng bị Khmer đỏ đập đầu chết hết. Kampuchia được giải phóng, ông bà đắt bộ đám cháu xuôi về Đông, đi quá giang xe bò dân, xe nhà binh mười bánh của bộ đội mình từng chặng rồi về sống ở trị trấn Suong, Kompung Cham (nay là tỉnh Tbong Khmum). Không chánh thức nói gì với nhau nhưng ông bà coi tôi như con, biết tôi thích ăn gỏi lá sầu đâu rưới chút nước bò hốc nên thỉnh thoảng ông nấu cơm gạo trắng tinh, bà trộn gỏi rồi kêu tôi ra ăn. Cái thời anh em chúng tôi ăn toàn cơm gạo mục vàng khè chan nước muối thì chén cơm gạo trắng, dĩa gỏi là bửa đại yến. Trong đám cháu, con nhỏ gái giữa ốm nhom, đẹt lét nhưng có cặp mắt hột nhãn long lanh đa tình hay quấn bên tôi mỗi khi tôi ra chơi, một điều pu Nam, hai điều pu Nam (chú Nam). Cái hay nhứt của con nhỏ là roam vuâng khỏi chê –đẹp mắt, điệu đàng cả khi múa điệu Roam kbach mà các chị, các cô trong xóm chắc gì mấy ai hơn. Cứ hễ buổi tối ở đâu có tiếng nhạc roam vuâng là có mặt nó ở đó. Hơn bốn mươi năm rồi, ông bà chắc chắn đã đi xa, đám nhỏ không biết giờ sống ra sao? Con nhỏ đẹt lét ngày nào giờ ngồi xui rồi cũng không chừng? Mấy dòng này là một sự tưởng nhớ ông bà, tưởng nhớ ngày xưa thân ái.
-
Ông Hồ Đắc Đ. mà tôi có nhiều ngày gần gũi, trò chuyện, ông một lần hỏi tôi là tại sao người Việt không có múa kiểu Lâm thôn? Tôi trả lời là có, bắng chứng là trên trống và thạp đồng Đông Sơn có hình cảnh người múa, rồi hiện người Việt không có “Lâm thôn” là do quan niệm Nho giáo “Nam, nữ thọ thọ bất tương thân”. Nghe vậy ông gật gù lẩm bẩm ừ, ừ, có thể. Giờ tôi mới biết mình sai, mấy cái hình cảnh mình dẫn chứng trên chỉ là múa như là một thứ nghi lễ tín ngưỡng chớ không hề là “múa đại chúng” để vui chơi, xả hơi, ngay cả người Khmer cũng mới có Lâm thôn chưa đầy trăm năm. Nhớ ông, nhớ vô số cuộc vừa cuốc bộ vừa trò chuyện như vậy.
[2] Tháng 3 năm 1955 Quốc Vương N. Sihanouk thành lập một tổ chức gọi là CN Xã hội quốc dân (សង្គមរាស្ត្រនិយម - Sangkum riah Nyum), được dịch ra tiếng Pháp không chánh xác là Communauté socialiste populaire. Bởi trên trang web chánh thức của Ngài (mục dictionnaire) có chụp lại thủ bút bằng tiếng Pháp của Ngài mà trong đó đã dùng từ “socialisme” khi ghi chú ngắn về phong trào này. Bởi Từ điển Choun Nath giải thích rất rõ từ riah là người dân trong một nước! Từ Nyum thì tương ứng với hậu tố -ism/-isme trong tiếng Anh, Pháp. Đây không phải là một chánh đảng mà chỉ là một phong trào do Ngài lãnh đạo, theo tư tưởng quốc gia, bảo hoàng, Phật giáo. Cho tới hiện nay người Khmer vẫn quen gọi thời kỳ Ngài tại vị từ hồi hậu thực dân cho tới năm 1970, khi bị thống tướng Lon Nol đảo chánh, là thời kỳ Sangkum (sacmay sangkum).
[4] Trong bài có chổ tác giả khi dùng tên Lào, khi thì tên Ai Lao vì trong văn bản Khmer họ dùng tên Liêu (thời điểm phát ngôn trước cuối tk 20), và Lao (thời điểm phát ngôn từ cuối tk 20 trở về sau).