Nghề gia sư là cần câu kiếm cơm rất thích hợp và thuận tiện cho những sinh viên nghèo. Nhưng không phải khi nào cũng dễ nuốt cái đồng tiền “cơm thừa canh cạn” của bọn nhà giàu đâu. Lấy được đồng tiền của họ cũng rất trầy trật, và đôi khi cũng bị hành ra bã.
Con cái có dốt đặc cán mai họ mới nhờ mình kèm dạy. Mà đứa dốt thường được trời phú cho cái ma mãnh, quỷ quái thứ ba học trò, chứ có phải được ngoan hiền như mấy đứa học giỏi cho cam. Thành ra, nói là dạy học, nhưng thực chất là để giáo dục thuần dưỡng con ngựa chứng bất trị trong gia đình, để rồi bao trách nhiệm đổ lên đầu thầy. Muốn học được thì trước tiên phải biết nghe lời thầy. Nhưng đàng này, trò ỷ giàu sang quyền thế, bắt thầy phải tùy lụy chiều chuộng, thì đời nào mà chịu nghe lời thầy. Và rồi con hư tại mẹ thì không ai nhận, mà trò hư, học dốt thì luôn đổ vấy cho thầy, thì thật là trăm dâu đổ đầu tằm.
Nói là thế, nhưng nếu không có cái nghề này, làm gì tôi đã tốt nghiệp Đại Học. Tôi vốn là Sinh viên tỉnh lẻ - BMT, về TP ăn học. Nhưng rồi vào những năm thời giá cà phê rẻ mạt, thì hầu như cha mẹ tôi không có khả năng để chu cấp ăn học. Nhưng chẳng lẽ tôi lại bỏ ngang Đại học. Và rồi tôi cũng phải gián đoạn mất một năm Đại học, để theo cái nghề gia sư kiếm cơm và góp tiền ăn học.
Những lần đi làm gia sư đầu tiên, tôi thường cốt cách khí khái và sĩ diện lắm. Học trò con nhà giàu cậy quyền thế hách dịch hỗn láo với thầy là bị tôi bợp tai ngay, rồi mắng chửi mấy câu cho hả giận, và bỏ ra về. Có khi sĩ diện hảo, vài tháng lương chưa nhận cũng đi đong. Dần dà tôi hiểu ra rằng: cái nghề gõ đầu trẻ cũng chỉ là nghề làm dâu thiên hạ để kiếm cơm, chứ không phải được cao rao tôn trọng như cái câu: nhất tự vi sư, bán tự vi sư như kinh kệ ngày xưa thường dạy. Mà đâu phải chỉ học trò mất dạy với thầy cho cam. Hết anh chị của trò xét nét thử lửa năng lực thầy đủ điều, đến cha mẹ trò coi khinh ông thầy khi ném ra đồng tiền lương như ném cục xương cho con cún trong nhà. Dĩ nhiên không phải bao giờ cũng thế! Nhưng làm một gia sư, các bạn nên chuẩn bị tinh thần, để khi bị xúc phạm thì lì ra như đít chai, mới mong có được chỗ dạy ổn định liên tục, để cải thiện được cái cảnh muôn thuở của sinh viên nghèo.
Đó là lần tôi được một anh bạn giới thiệu một chỗ dạy con nhà giàu, rất hống hách và sách nhiễu đến nỗi ba gia sư trước đã phải chạy mất dép. Mặc dầu đã già dặn chinh chiến trong nghề nhiều năm, nhưng khi giới thiệu bảng thành tích của lũ trẻ, tôi cũng khá e ngại và không mấy tự tin vào sức mình có thể vượt qua.
Một đứa lớp 10. Một đứa lớp 6. Và một tiểu thơ khá xinh đẹp học lớp 11.
***
Buổi gặp đầu tiên cả 3 đứa trong phòng khách đã làm tôi nản lòng!
Cô tiểu thư im thin thít trong cái dè bỉu, khi thấy một ông thầy ăn mặc tệng toạng với chiếc áo trắng nhàu nát ra màu cháo lòng và chiếc quần đã quá sờn thì, trong tâm tưởng của cô nàng phán đoán: nhìn y phục biết tư cách.
Còn đứa lớp 10 thì miệng phì phèo điếu thuốc và mặt ngó đâu đâu như đang trầm tư làm ra vẻ người lớn mà chẳng thèm để ý đến lời tôi hỏi:
- Em tên gì?
Hắn phì phèo điếu thuốc, rồi ném cuốn vở về phía tôi, và chỉ vào nhãn tên, khiến tôi tức điên tiết lên với cái kiểu láu cá như thế thì là sao mà dạy đây? Nhưng rồi kinh nghiệm cho tôi biết, mình phải chịu nhẫn nhục thôi.
Còn đứa lớp 6 thì mặt cứ ngơ ngơ như đang ngái ngủ, tay cứ liên hồi chơi trò điện tử bấm tay. Đến khi hỏi tên thì nhơn nhác trả lời cụt ngủn: “Toản”.
Đây là một gia đình giàu có khá giả. Ông bố tóc đã muối tiêu, làm nghề thầu khoán đi đây đó luôn không mấy khi có mặt ở nhà. Bà mẹ mặt bự phấn, trông người béo phục phịch với cái miệng tía lia, cũng vô công rỗi nghề với mấy bà bạn, hết tổ tôm đánh chắn, rồi bia rượu đàn đúm với nhau, nên cũng chẳng mấy khi ở nhà. Cha mẹ như thế thì bảo sao con cái có nề nếp gia phong cho nổi! Và hậu quả của sự vô tổ chức buông tuồng trong gia đình, đã khiến những đứa con tác oai tác quái với các gia sư là lẽ đương nhiên. Cha mẹ thì tự nghĩ : mình tiền bỏ ra cho con cái vui chơi ăn học là an tâm lắm rồi! Và việc thuê gia sư về dạy cho từng đứa học thêm thì tưởng, như thế là quá tròn trách nhiệm! Thực ra họ đâu biết rằng: như thế là vô tình làm hư hỏng con trong sự thừa thãi tiền bạc.
Tất cả những hoàn cảnh trên đã đặt gia sư vào một tình thế gai góc, khó có thể hoàn thành trọng trách của mình. Biết thế nhưng tôi cứ thử xem sức mình kham đến đâu.
Ngày gặp gỡ đầu tiên chỉ biết được tên của mấy đứa: Thanh Tâm, Ngọc Trác, Ngọc Toản, rồi ĐTDĐ reo thì thằng Trác ra ngoài trò chuyện và hai đứa kia cũng rã đám về phòng riêng, để lại một mình tôi trơ trọi chưa kịp lên chương trình, thì còn dạy dỗ cái nỗi gì đây!?
Tức mình muốn nghỉ dạy cho rồi, nhưng nghĩ mình làm gia sư mấy năm trời mà thua bọn nhóc này sao? Rồi tôi cố vỗ về: ba mươi chưa phải là tết!
Lần thứ hai gặp tụi nó tôi đổi kế hoạch, là vẫn chưa vội giảng dạy bài học cho tụi nó, mà thử cùng hoà đồng với tụi nó xem sao. Tôi lấy ra một tờ giấy loại kẻ ô vuông nhỏ đặt lên bàn, rồi đem ra lời thách đố:
- Thi đánh ca rô ai thắng sẽ có thưởng. Lời đề nghị vừa đưa ra đã có hiệu ứng ngay. Thanh Tâm lên tiếng:
- Thưởng gì hả thầy? Tôi trả lời:
- Tuỳ các em thích gì thầy cũng chiều! Thanh Tâm hồ hởi:
- Một chầu kem ly đặc biệt nhé thầy!
Tôi mừng phấn khởi, vì tụi trẻ đã bắt đầu nhập cuộc và tôi chỉ cần bọn trẻ đối thoại là toại nguyện rồi, dù thắng hay thua không cần biết.
- Chuyện nhỏ!
Thằng Toản hứng khởi nhao lên:
- Em làm trọng tài được thưởng gì thầy?
- Tuỳ thích.
- Cho em gói kẹo socola nhé thầy!
- Tới luôn!
- Rồi bỗng thằng Trác lên tiếng:
- Rẻ quá! Một chầu nhậu nhà hàng ông thầy chịu không?
Tôi mừng thầm vì hắn là đứa ngông nghênh nhất đã nhập cuộc. Tôi nghĩ mình có nướng hết tháng lương này cũng cam lòng, nhưng phải làm sao bắt hắn học được mới là chính.
Thanh Tâm có ý kiến:
- Nếu bọn em thua thì sao ạ?
Tôi trầm ngâm ra chiều nghĩ ngợi một lúc, cho bọn trẻ chú ý vào câu trả lời:
- Đổi lại, nếu tôi thắng, các em phải ngoan ngoãn học hành.
Thanh Tâm nhanh nhẩu đồng ý cả hai tay, bởi chẳng mất chi mà may thắng cuộc thì được một chầu kem ngon lành. Thằng Trác ra chiều suy tính hơn thua. Hình như hắn đã đánh mùi cái bẫy đang sập xuống nó. Thấy vậy tôi hỏi thốc tới với cái giọng khiêu khích:
- Sợ rồi à!
Bị chích vào lòng kiêu hãnh của tuổi mới lớn, hắn không kịp suy nghĩ lợi hại đáp luôn:
- Tới luôn bác tài!
Tôi thầm nghĩ, mình phải có kế sách sao đây? Thắng hai đứa này thì quá dễ. Món đánh ca rô, hồi lớp 12 tôi đã là vua rồi. Nhưng thắng để tụi nó ấm ức học thì chưa thu phục được nhân tâm, bảo sao tụi nó chịu học cho nổi. Đành phải thua cả hai, để tụi nó thắng mà kiêu hãnh và khi người ta say men chiến thắng thì tâm tình cũng dễ cởi mở hơn là thua để cay cú.
Tôi phải đóng kịch ra vẻ đánh quyết liệt trong ba ván đấu, kẻo lộ bài mình thả tụi nó thì hỏng bét. Thế là kỳ cò mãi với một ván thua, rồi một ván thắng, đến ván thứ ba, phải làm ra vẻ quyết liệt ăn thua đủ, nhất là đánh với thằng Trác. Và cuối cùng là tĩu nghỉu để thất trận.
- A lê hấp! Thầy mời cả bọn đi ăn kem và nhậu nhà hàng nào cũng chiều!
Cả ba đứa đều sững sờ, tưởng đùa ai ngờ thật! Tôi đánh vào chữ tín: một sự bất tín vạn sự bất tin. Ngày xưa Khổng Minh còn tha được Mạnh Hoạch đến bảy lần để thu phục nhân tâm nữa là…Thế là cả bọn đi ăn kem. Nhưng hình như thuốc đã ngấm. Sau khi tôi gọi trả tiền, Thanh Tâm ngại ngùng đã dành tôi trả tiền. Nhưng đời nào tôi chịu. Thuốc đang công hiệu mà ngừng sao được. Thế là thừa thắng xông lên, tôi bảo: “Tới nhà hàng nào tuỳ Trác thích”. Hắn có vẻ ái ngại bảo: “Thôi ông thầy, để bữa khác đi!”. Đời nào tôi lại cho đối thủ ngừng nghỉ để lấy sức. Tôi nói theo câu của Thánh Kinh: “Ngày mai có việc của ngày mai lo. Tới luôn!”. Hắn như sực tỉnh lại cái tính đối kháng của lúc ban đầu: “Đi thì đi chứ ngán chi mà sợ!”.
Cuối cùng, hắn sợ tôi tốn tiền để chọn một quán nhậu bình dân. Tôi gọi mấy đĩa hải sản cho Toản và Thanh Tâm ăn và uống nước ngọt, rồi hỏi thằng Trác:
- Rượu tây hay bia. Thằng Trác thảng thốt:
- Ông thầy chơi sộp nhỉ! Tôi cười xuề xoà:
- Thua cuộc phải tuân thủ phải không trọng tài Toản. Toản hãy còn vô tư:
- Đúng vậy!
Nhưng trên khuôn mặt của cô tiểu thư xinh đẹp đã có phần lo âu cho tôi. Dường như bộ đồ nghèo nàn tôi đang mặc, đã mách bảo cho cô bé một sự quá tải của bao hầu một gia sư để thốt lên:
- Vài chai bia là đủ thôi thầy!
- Không được, nam nhi chí khí là phải tửu thôi.
Tôi gọi ngay một chai Red label cho oách. Nhưng rồi cuối cùng chính đối thủ đã ngã ngựa để cản:
- Vài chai bia thôi thầy! Hắn đã hết gọi ông thầy thì tôi đang thắng lợi tinh thần quá rõ rệt, mặc dầu có mất mấy trăm cũng đáng công thu phục nhân tâm.
Thật vậy, tôi gọi một két Heineken cho oách, chứ cỡ nó thì uống được mấy chai. Hắn lè lưỡi lắc đầu: “Phục thầy chịu chơi ghê!”. Rồi tôi cố ép hắn cạn ly liên tục để lấy khẩu cung một cách dễ dàng. Nào là ý thích của nó về nhạc, thời trang, bạn bè, games on line….Và bia vào thì lời ra. Khi men đã ngà ngà và hắn đã lắm lời, tôi mới bắt đầu vào đề với việc học của hắn:
- Tại sao em có vẻ không thích học hành? Hắn chân tình như chưa bao giờ biết chân tình với người lớn:
- Nhà em giàu có dư dả của nả thì tội chi em phải học hả thầy! Học rồi cuối cùng cũng kiếm tiền cả thôi!
- Nhưng đâu phải cuộc sống khi nào cũng thuận lợi như thế cho cả đời em? Có biết bao nhiêu dâu bể, tai ương hoạn nạn, phá sản…đang ở phía trước, là những điều con người không thể lường hết được.
Hắn ra chiều suy nghĩ rất lung. Dường như điều này chưa có ai nói cho hắn hay. Một lúc hắn đáp:
- Em không tin thế!
- Nhưng mọi điều có thể xảy ra lắm chứ!
Hắn gật gù suy nghĩ…
Rồi sau đó, tôi chuyển sang nói chuyện phiếm về bạn bè của hắn. Tất cả những điều tôi khai thác được trong bữa nhậu này, sẽ lưu vào ổ cứng trong đầu, để sau này tuỳ nghi sử dụng. Và đến khi tính tiền, nó không cho tôi trả: “Thầy để em, lương thầy được mấy đồng mà trả thì còn chi nữa!”. Đời nào tôi chịu để hắn trả tiền. Đánh hơi được điều này, tôi đã lén trả khi ra đi Toilet. Được trả tiền nhưng tôi rất mừng vì đã đánh gục được ba đối thủ sừng sỏ. Nhớ lại bữa đầu gặp mặt cũng thật nản lòng.
Chỉ cần một bữa đánh phủ phục được ba đối thủ là tôi cảm thấy yên lòng, chứ nếu không tôi sẽ bị những trò tai quái cứ xẩy ra dài dài. Vì thế, lần chiến thắng quá chóng vánh như thế này là tôi mừng lắm!
Tôi vừa dạy học, vừa bày ra các trò tiểu xảo với bộ bài tây 52 lá, khiến cả ba đứa phải trố mắt phục tài mấy trò: bói bài, ảo thuật nhanh tay lẹ mắt, lấy bất cứ con bài nào… Rồi kể những câu chuyện về Harry Potter mà tôi chỉ đọc sơ qua một đôi tập rồi phịa thêm cho hấp dẫn. Thanh Tâm là con gái, dù trước đó có mất căn bản đôi chút, cũng đã bắt đầu thấy ham học, nên tiến bộ rất nhanh. Thằng Toản thì đang từ ngoan ngoãn ở bậc tiểu học lên, chưa có gì sa sút, nên cũng dễ vực dậy. Duy chỉ có thằng Trác là nan giải nhất, vì mất căn bản khá trầm trọng. Cũng may, tôi chung độ đẹp, nên nó khá thuần phục mà chịu học, nếu không thì chết dở. Tuổi trẻ là thế đấy! Khi ngang bướng thì ngang bướng hết cỡ, nhưng khi đã thuần phục thì cũng chịu khó học hết mình. Tôi phải dìu nó từ trình độ toán lý hoá từ lớp 8 trở lên, và hứa bảo đảm với nó, hết kỳ một là có thể đuổi kịp chương trình. Và trong các ngón nghề đó, còn có miếng đàn guitar classic khiến hắn mê tơi những bản như: Los sitios Zagora, Romance…cũng yểm trợ cho hắn thêm ham học.
Đời đi dạy của tôi cũng đã gặp biết bao trò tai quái của lũ học trò ghét gia sư, mà mỗi người gia sư như những tên quản tù vậy. Đã có lần, tôi bị thằng nhóc cho tắm một xô nước trên trần xuống người ướt đẫm, trong sự ngỡ ngàng của lần đầu tiên đi dạy. Đắng cay cơ cực biết là dường nào mà đành phải gượng cười: “Mưa đâu to dữ quá hén!”. Rồi cuốc bộ ra về. Có lần nó bỏ vào cặp con rết to bự vàng óng ánh những chân ngo ngoe khiến tôi sợ hết hồn, những cũng làm bộ tỉnh bơ:“Quà tặng cho thầy đang cần một con rết ngâm rượu đây mà!”. Lần khác bị trượt ván lăn đùng, lấm láp cả quần áo, đành phải ngậm đắng nuốt cay với câu hài tiếu của bà Hồ Xuân Hương: “Xoạc chân đo thử trời cao thấp”. Chuyện chích lủng bánh xe cho thầy dắt bộ là chuyện quá thường. Có lần thấy tôi vào quán ăn, nó khoá xe tôi với xe người khác, phải nhờ thợ cưa. Và một lần duy nhất trong đời tôi bị tụi nó nhờ băng du đãng chặn đường đánh toạc đầu.
Đời gia sư vui buồn lẫn gian nan, tủi nhục là thế! Nhưng tôi vẫn thấy nó luôn như một sự thách đố, để tôi luôn gắng sức nỗ lực vượt qua. Và sau mỗi lần nuốt trái đắng, tôi cảm thấy chút hương vị ngọt ngào của đời gia sư, giống như niềm vui của một người mẹ nuôi con bú mớm cực lòng, nhưng khi thấy đứa con lớn khôn, thì tấm lòng cũng nở hoa thật mãn nguyện!
Châu Sơn – Ngày 25.08. 2007