Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.221.131
 
Một chiếc lá góp xuân
An Thảo

 

 

Một quy luật của vạn vật , xuân, hạ, thu, đông tiếp nối nhau như một tràng chuỗi khép kín, có hạt long lanh lên màu của đá sáng chói, có hạt còn trầm mình bởi sự mài giũa chưa đủ độ chín, nhưng rồi hạt nào cũng mang ý nghĩa riêng tư của bản thân nó hay do góc nhìn của mỗi cá thể khi nhìn vào nó. Con người muốn nhìn được cái đẹp của mùa xuân phải khắc khoải hết một mùa đông lạnh giá, co ro trong nỗi buồn hiu quạnh của những đợt bão tuyết hoặc đôi khi chỉ chịu đựng những cơn gió bấc bất chợt lùa qua vai ở thời tiết Sài Gòn này. Tuy nhiên, mùa đông những năm qua dường như quá dài, nó ôm trọn cả các mùa còn lại để chiếm trọn ưu thế là băng giá, là nỗi buồn là nỗi đau chồng chất. Chẳng còn lạ gì với quá nhiều điều buồn bã mà nó đã đưa đến, và cũng đã quá nhiều bài viết nói về nó, nhưng rồi đúng như quy luật của vạn vật, nó phải qua, mùa đông phải qua để nhường cho mùa xuân đến, ấm áp và xinh đẹp. Nếu cầu thị, con người đã kịp nhận ra điều gì trong mùa đông dài đầy căm hờn ấy, đó chính là điều mà con người cần giữ lại, chứ không phải là ngồi đếm những nỗi đau bên ngoài cửa sổ nữa, mà nhìn lại toàn bộ một quá trình sống, con người ta đã làm gì và nhận được gì, cho những gì và mất những gì, đau khổ những gì và hạnh phúc điều gì?

 

Sau tất cả, tôi chọn Hạnh Phúc và đề bạt lên làm biểu tượng của mùa xuân, con người không ai lại chối từ một phần thưởng hay một món quà sau tất cả những nỗ lực, vất vả, hy sinh. Và với tôi, Hạnh Phúc chính là món quà lớn nhất mà tôi luôn nỗ lực để có được nó, Hạnh Phúc của đôi lứa dù ở tuổi nào tôi vẫn hân hoan mà đón nhận, có thể là khi tôi đã già như cặp diễn viên già mà tôi sắp nhắc đến đây. Cũng có thể nói đó chính là lá xuân trong những ngày đông lạnh giá.

Khi tôi đọc truyện ngắn “Bàn tay trong một bàn tay – nguyên tác tiếng Ý: Sempre mano nella mano”  của nữ nhà văn Elena Pucillo Trương và được dịch bởi chính người chồng yêu dấu của mình, nhà văn Trương Văn Dân. Có một thứ cảm xúc dâng trào khó tả, một câu chuyện được viết lại dưới góc nhìn của người thứ ba đang kể chuyện, đầu câu chuyện như một bức tranh ảm đạm chẳng mấy vui tươi hay có thể có chút hạnh phúc nào dưới góc nhìn ấy. Nó tràn ngập sự hiu quạnh, lẻ loi của hai con người đã già dìu nhau ngồi trên băng ghế gỗ quen thuộc của một góc công viên giữa một thành phố xô bồ, một cuộc sống ồn ào đầy bon chen. Tôi chạnh lòng khi thoạt nhìn bức tranh ấy, có vẻ tôi cũng chỉ áp đặt con mắt hời hợt, những suy tưởng ích kỷ đầy sợ hãi của một người trẻ lo sợ tuổi già cũng đơn côi như vậy.

Nhưng tôi bình lặng lại trong vài hơi thở rồi nhẹ nhàng đọc tiếp mà không áp đặt suy nghĩ hạn hẹp của mình vào câu chuyện nữa.

..Ông lão nắm tay bà, cẩn trọng đỡ người bạn đời của mình, giúp bà ngồi xuống một cách nhẹ nhàng và thoải mái. Mỗi cử chỉ của ông đều ân cần, chậm rãi và cẩn thận như đang che chở và ve vuốt một chú chim non bằng những lời yêu thương ngọt ngào.”(Trích dẫn từ truyện ngắn Bàn Tay Trong Một Bàn Tay).

Tôi nở nụ cười hàm tếu khi đọc đến đoạn này, một bà lão đã già vẫn như một chú chim non yếu ớt trong tay một ông lão vẫn còn yêu mình tha thiết, tôi hiểu đó là tình yêu đích thực.

“...Ngày nào cũng thế…, tôi chẳng biết bắt đầu từ lúc naò, nhưng có lẽ lâu lắm. Mỗi ngày mỗi mới và có vẻ như mỗi ngày tình cảm giữa hai người mỗi thiết tha mạnh mẽ. Nó tương phản hoàn toàn với thế giới xung quanh, đến nỗi giống như một nghịch lý.”

(Trích dẫn từ truyện ngắn Bàn Tay Trong Một Bàn Tay).

“đến nỗi giống như một nghịch lý”, một nụ cười nữa lại nở trên môi, nghịch lý là phải, ở cuộc đời này, nước chảy đá mòn, cái gì rồi cũng phai dần theo năm tháng, cuộc sống đổi mới từng giây từng phút. Con người quay cuồng theo thời gian chẳng biết mình đang làm gì, chỉ kịp thấy thời gian thay đổi thì mình cũng đổi thay theo, chứ đâu để ý xem mình cần giữ lại gì và thay đổi những gì. Đặc biệt với tình yêu, chỉ kịp phù hợp đôi chút thì đã lao vào giữ lấy, mà không thể ngồi lại để xem ta có thể kết nối với người yêu bằng những thể khác ngoài thể xác hay không. Vì thể xác thì mất đi sự tươi mới, thanh xuân theo từng độ tuổi nên chẳng thể nào giữ nguyên vẹn mùi nồng nàn ban đầu của tình yêu. Thì làm sao có được một tình yêu ngày càng tha thiết mạnh mẽ hơn theo thời gian?

Tôi đặc biệt thích cụm từ “trong cái vũ trụ thu hẹp của họ”, ở cái tuổi có thể chín một chút trong tình yêu, tôi hiểu sâu sắc cái vũ trụ thu hẹp của hai người yêu nhau giữa cái vũ trụ to lớn của tạo hoá. Đã gọi là vũ trụ thì nó phải có đầy đủ các nguyên tố tạo nên nó “đất, lửa, nước, khí”, sự thấu hiểu và đồng điệu giữa hai người yêu nhau, sự nhẫn nại, kiên trì của tính đất, sự đam mê, nồng nhiệt của lửa, sự yêu thương bao dung của nước, sự sắc bén, tinh anh của khí, tất cả đều có trong cuộc sống mà chỉ có hai người thực sự yêu nhau mới có được. Mất đi một nguyên tố nào đó trong bốn nguyên tố trên, hay nhiều quá một nguyên tố nào đó cũng gây nên hậu quả nghiêm trọng dù là khía cạnh nào đi chăng nữa. Tôi nghĩ thầm, những người có thể yêu nhau đến già chính là một phù thuỷ của cuộc sống vốn khó khăn này, họ có đầy đủ các đức tính để có thể đọc được thần chú và tạo ra một tình yêu nhiều màu sắc cho cuộc đời mình.

Nếu bạn đã từng đọc qua truyện ngắn này, bạn sẽ nhận ra rằng, đoạn đầu là cả một bức tranh nhẹ nhàng, tĩnh lặng giữa một không gian đầy chuyển động của sự sống xô bồ. Bạn có thể nghĩ rằng, hai người già ấy sống chỉ để yêu nhau và chẳng có bất kỳ nỗi sợ hãi nào. Cuộc sống bây giờ đã quá nhiều tổn thương, vì một điều gì đó, con người mất đi một trong các nguyên tố để tạo nên sự sống đã gây ra hàng loạt tổn thương cho nhau, cho đồng loại và cho chính bản thân mình mà không hề biết. Sự náo nhiệt và thay đổi nhanh như một công cụ time – lapse trong lĩnh vực chụp ảnh đã làm con người không còn đủ thời giờ nhìn lại, không đủ thời giờ để bình lặng trong vài nhịp thở. Trong trí óc được gọi là ý thức ấy đã luôn đưa ra hàng loạt ý nghĩ được cài đặt một cách có ý thức về sự tranh giành, về sự ích kỷ, về sự sợ thiệt thòi, về sự mất quyền lợi cá nhân,… nó thôi thúc con người cứ lao về phía trước để có thể nhanh chân leo lên một bục đứng cao nhất, để được đèn highlight bật sáng rực rỡ có dòng chữ “thành công” dù cho bên dưới sẽ đạp đổ bao nhiêu đồng loại. Con người bây giờ họ chọn đúng một phần thưởng là “thành công” để phấn đấu bước đến, người chưa đạt đến lại về gặm nhắm đau thương và bằng mọi giá lại lao lên để giành lấy nó. Họ chỉ chọn nhìn nhận cuộc sống bằng ý thức được cài đặt chứ không chọn nhìn nhận cuộc sống bằng trái tim và tiềm thức, những thứ có sẵn dường như khó nhìn thấy và khó chấp nhận vì họ thường chán ghét cái mình có được hay sẵn có và từ đó tạo ra hành động dễ gây tổn thương cho chính mình và cho người khác. Và họ nghĩ cuộc sống cứ như cuộc chơi, phải có kẻ thắng và kẻ thua, những kẻ không chung quan điểm, đứng bên lề cuộc chơi dù có bình yên đến nỗi khao khát thì vẫn chỉ được ví những kẻ sống trên mây.

Quay trở lại đôi tình nhân già của Elena Pucillo Trương, dường như họ sống bình thản đến nỗi sự sợ hãi chẳng làm gì được họ bởi họ được bao bọc hào quang của sự hạnh phúc. Thế nhưng, cũng là con người, nỗi sợ hãi cũng được hình thành từ ý thức của họ, càng hạnh phúc, càng yêu thương nhau họ càng sợ một ngày nào đó họ không thể ở bên cạnh nhau. Khi mà tuổi gìa đã nhuộm trên da tóc họ.

Trong bóng tối của buổi chiều tàn, bà vợ mắt nhắm nghiền, nằm bất động trên chiếc giường đôi. Hai bàn tay bà đặt trên ngực, những ngón tay nắm chặt chuỗi tràng hạt. Trên trước ghế đẩu đặt cạnh giường, ông chồng ngồi gục đầu, kiệt sức sau một cơn khóc tuyệt vọng. Ông liên tục lau mặt bằng chiếc khăn ướt rã vì nước mắt. Rồi, bất thình lình, trong tay ông loé lên ánh thép lạnh lẽo của một khẩu súng. Ông đăm đăm nhìn họng súng, những giọt nước mắt vẫn tiếp tục rơi, làm ướt chiếc nòng lạnh giá. Ông thì thầm vài lời gì đó, rồi bằng một cử chỉ thật nhanh đưa họng sung chĩa vào màng tang mình. Chỉ trong tích tắc. Bàn tay rớt xuống! Chẳng có tiếng nổ nào xảy ra.

…..

Bây giờ tới phiên ông.

Ông nằm bất động trên chiếc giường đôi, mắt nhắm nghiền và cũng với chuỗi tràng hạt trên tay. Bà vợ, thận trọng và run rẩy đặt một bàn tay lên trên quyển sách nằm trên ngực chồng….”(Trích dẫn từ truyện ngắn Bàn Tay Trong Một Bàn Tay).

 

Tôi đã chẳng hiểu gì khi đọc hết đoạn này, tự đặt câu hỏi chuyện gì đang diễn ra, những câu hỏi võ đoán ngu ngốc thiếu sự nhạy bén và sự trải nghiệm ở cuộc đời. Tôi không ngờ được họ từng là một cặp đôi diễn viên nổi tiếng và ăn ý, vì tuổi già họ thanh thản từ giã sân khấu, trở về sống cuộc đời giản đơn và thanh bình bên nhau. Là một cặp đôi mà chỉ có người này mới lấp đầy khoảng trống bên trong sâu thẳm của người kia, nên họ không cần sự ồn ào hay được công nhận của ai khác ngoài tình yêu của cả hai dành cho nhau.

Bởi vì lẽ đó, họ đã bắt đầu viết cho mình một cái kết đôi, một cái kết mà nếu như một trong hai người đột nhiên rời đi, người còn lại sẽ làm gì. Họ diễn đi diễn lại vở kịch đau lòng đó không cho khán giả xem, mà họ diễn để nỗi sợ bên trong họ vơi đi phần nào, khi mà bác sĩ đã thông báo người vợ sẽ ra đi bất cứ lúc nào bởi căn bệnh tim mạch. Tôi đã thử tưởng tượng rằng, một ngày nào đó đột nhiên người yêu dấu nhất, người mà cả cuộc đời còn lại tôi sẽ chẳng tìm thấy ai có thể thấu hiểu tôi, và tôi thấu hiểu họ sâu thẳm bên trong con người mà cả hai chúng tôi cố tạo ra bên ngoài khác biệt, cảm giác lồng ngực cũng như người vợ ấy bị một tảng đá đè ngực mà không cách nào nhấc xuống, nước mắt chợt tuôn ra mà không cầm lại được. 

Điều mà chính tác giả nhấn mạnh ở đây còn là một nỗi đau khắc khoải khác của người vợ, nếu như một gia đình bình thường sẽ là vợ chồng cùng những đứa trẻ, những đứa trẻ luôn là những phương thuốc kỳ diệu chữa lành được vết thương và nỗi nhớ của một tình yêu xa cách. Giá như bà có đứa con, để lại cùng ông thủ thỉ khi bà xa vắng, có thể nhìn vào đứa con để hy vọng để gợi nhớ người đã xa. Nhưng tiếc thay bà đã không làm được điều đó, bà trăn trở rất nhiều, vì phụ nữ không được làm mẹ cũng như mất đi nhiều về thiên chức của tính nữ mà tạo hoá đã ban cho.

Bà đâu biết rằng, ở cuộc đời mọi thứ đến với số phận của mỗi người đều có ý nghĩa riêng của nó, chẳng có gì làm thiếu đi sự hoàn hảo và đẹp đẽ của nó vốn có. Bà đã yêu ông bằng chính trái tim của mình, chờ đợi ông và chưa bao giờ rời xa hay phản bội ông. Bà đã quá đẹp đẽ và tuyệt vời.

Vào mỗi tối, sân khấu thiếu ánh sáng lung linh đó, họ lại bày soạn những đạo cụ cần thiết ra, không ai nói với ai lời nào, lặng lẽ diễn đi diễn lại vở diễn và diễn thật xuất sắc cho vai diễn cuối cùng của cuộc đời. Điều này khiến tôi cảm tưởng họ đang diễn để làm quen với nỗi đau, dù mong ước của ông luôn là được chết cùng nhau.

Ông thường lặp đi lặp lại rất nhiều lần: Ước muốn lớn nhất của chúng ta là có thể chết cùng một lúc, nhưng dễ gì Chúa ban cho ta ân sủng này!

Nhưng ông đã lầm...

(Trích dẫn từ truyện ngắn Bàn Tay Trong Một Bàn Tay).

Chắc hẳn ai rồi cũng tò mò cho cái kết ấy, con người thường cầu nguyện với một lòng thiếu tin. Ông đã lầm và chính chúng ta cũng ngỡ ngàng, tôi tò mò không biết Elena Pucillo Trương đã quá yêu nhân vật của mình nên tạo một cái kết đẹp đẽ, hay một lời nhắn nhủ cho sự thức tỉnh niềm tin tâm linh ở cái kết này. Con người luôn bị niềm tin hạn hẹp của ý thức trói buộc lại những ước muốn, hoặc cầu nguyện với sự sợ hãi, sợ rằng điều ước không thể thực hiện được vì ý niệm “trên đời chẳng có phép màu”. Nhưng riêng cá nhân tôi, tôi tin người chồng khi đã cầu xin mỗi ngày với một niềm tin tuyệt đối, và với một kế hoạch B được lập ra như vở kịch, thì cách gì đi chăng nữa, ông và bà cùng nắm tay nhau lên thiên đường.

Vì tình yêu và niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, chẳng có bất kỳ sự sợ hãi nào của cuộc sống trần gian này còn làm ông lo sợ và níu kéo ông nếu không có bà. Đó là sự Hạnh Phúc viên mãn nhất mà Thiên Chúa đã ban cho ông bà vào mùa xuân cuối cùng của ông bà ở trần gian này một phần thưởng xứng đáng.

“…Và chỉ có vài hàng trên một tờ báo. Trong lúc ngủ trái tim mệt mỏi của bà đã vĩnh viễn ngừng đập. Và ông, bất thình lình thức giấc, tin là còn có thể cứu bà, ông lao tới chụp ống điện thoại để gọi xe cấp cứu…nhưng đã không kịp nữa. Trái tim của ông cũng ngừng đập vì đau đớn, nó chỉ cho ông một tích tắc thời gian để đưa cánh tay nắm lấy tay bà.  Sự việc chỉ xảy ra trong tích tắc”

Lời cuối: Tôi, một người đọc trẻ tuổi, chẳng dám đưa ra những suy tưởng cá nhân để áp đặt vào bất kỳ một tác phẩm nào. Tôi chỉ xin mạn phép được viết ra một phần góc nhìn của cá nhân mình, về những điều cảm nhận được, hay đồng cảm được với tác giả của tác phẩm. Và qua đó tôi cũng đúc kết được cho mình một bài học qua những tác phẩm được viết ra, tôi luôn biết ơn vì điều này.

Bài viết được cảm tác từ truyện ngắn Bàn Tay Trong Một Bàn Tay – được in trong tập truyện ngắn – tuỳ bút “Một Phút Tự Do” của Elena Pucillo Trương – bản dịch của Trương Văn Dân.

 

Mùa xuân, 2022

                                                                                                               

 

 

 

An Thảo
Số lần đọc: 658
Ngày đăng: 19.04.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đời gia sư - Nguyễn Vĩnh Căn
Bà Deborah - Tiểu Lục Thần Phong
Tiếng nói - Trần Yên Hòa
Tình cầm - An Thảo
Dáng đi - Nguyễn Hiền
Dòng thơ ấu - Trần Yên Hòa
Lồng chim - An Thảo
Ngọn gió đến từ hư không - Trương Văn Dân
Con Leslie - Tiểu Lục Thần Phong
Một cuộc đối mặt nghiệt ngã! - Nguyễn Vĩnh Căn
Cùng một tác giả
Lồng chim (truyện ngắn)
Tình cầm (truyện ngắn)