Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.085
123.202.206
 
95. Vua Lê Thánh Tông [1443-1459]. 1
Hồ Bạch Thảo

 

 Trong năm Canh Thìn, tức Minh Thiên Thuận thứ 4 [1460] nước ta có 2 niên hiệu. Lạng sơn vương Nghi Dân cướp ngôi vào ngày mồng 3 tháng 10 năm ngoái [28/10/1459]; năm nay tiếp tục niên hiệu Thiên Hưng năm thứ 2, cho đến ngày mồng 6 tháng 6 [24/6/1460]  thì bị lật đổ. Sau đó Vua Lê Thánh Tông lên ngôi, với niên hiệu Quang Thuận năm thứ nhất.

Vào tháng 2 [22/2-22/3/1460], Nghi Dân làm cuộc cải tổ hành chánh, đặt ra 6 bộ, 6 khoa; trước kia chỉ có 2 bộ, nay đặt 6 bộ gồm Lại, Lễ, Hộ, Binh, Hình, Công:

Nghi Dân chia đặt quan chức làm sáu bộ, sáu khoa, lại bàn đặt chức ở phủ, huyện và châu. Quan chức hồi đầu triều Lê: ở trong kinh chỉ đặt hai bộ: Lại bộ và Lễ bộ, còn các bộ Hộ, Binh, Hình, Công và sáu khoa chưa sắp đặt được đầy đủ. Năm đạo ở ngoài kinh sư đều đặt chức Hành khiển giữ việc quân và dân; lại chia đặt quan chức ở phủ, lộ, trấn, huyện, châu, để lệ thuộc vào quan Hành khiển. Đến nay Nghi Dân mới đặt thêm bốn bộ: Hộ, Binh, Hình, Công cùng với hai bộ Lại và Lễ làm thành sáu bộ. Lại đặt sáu khoa là: Trung thư khoa, Hải khoa, Đông khoa, Tây khoa, Nam khoa và Bắc khoa. Về chức quan ở ngoài thì Nghi Dân bàn đặt lại quan chức ở phủ, huyện và châu.”Cương Mục, Chính Biên, quyển 19.

 

Lúc mới lên ngôi, Lạng sơn vương Nghi Dân sai sứ sang triều cống nhà Minh với tên xưng là Lê Tông. Ngoài ra để tránh tiếng giết Vua, sai sứ tâu rằng Vua Nhân Tông chết trôi; triều Minh theo lễ xưa, bỏ việc điếu tế người chết trôi, nên sự việc được ém nhẹm:

Ngày 14 tháng 4 năm Thiên Thuận thứ 4 [ 4/5/1460]. Quốc vương Triều Tiên Lý Nhu sai sứ đến cống chim bạch trĩ. Quốc vương An Nam Lê Tông  sai sứ cống vàng , bạc, khí mãnh, cùng sản vật địa phương. Được đãi yến và ban cho lụa là có phân biệt.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 65)          

Ngày 10 tháng 7 năm Thiên Thuận thứ 4  [ 27/7/1460]. Bộ Lễ tâu:

Bồi thần An Nam bọn Trình Lăng, Phạm Hoàng trình rằng Quốc vương Lê Tuấn bơi trên hồ, bị chết trôi, đã được triều đình phân ưu ban tử tuất và ban điếu tế. Đã cho để tang ngắn hạn và tang lễ đã xong. Mới đây nghe tin triều đình định sai quan đích thân đến phúng điếu, nên xin được miễn.’

 Thiên tử dụ:

Theo lễ không phúng điếu người bị chết trôi, Sứ thần xin miễn điếu được chấp thuận.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 66)

Vào tháng 10 năm ngoái, sứ bộ nước ta sang cống, trình bày bày việc người dân Đại Việt cấu kết với dân Quảng Đông ăn trộm ngọc trai. Vua Anh Tông bèn ra lệnh cho Phó tổng binh Quảng Đông tìm cách ngăn chặn:

Ngày 15 tháng 7 năm Thiên Thuận thứ 4 [1/8/1460]. Sắc dụ bọn Phó Tổng binh Quảng Đông Đô đốc Đồng tri Âu Tín rằng:

“ Trước đây nhân bắt được bọn Phạm Viên, gồm 4 tên người An Nam ăn trộm ngọc trai, sau khi thẩm vấn minh bạch, bèn ban sắc trách vấn Quốc vương An Nam. Nay được hồi tấu từ An Nam rằng:  Bọn chúng người thôn Tần Hải, Dĩ Đông; nhân đi ra biển đánh cá bèn kết giao với khách thương người châu Khâm, châu Liêm để thông đồng ăn trộm ngọc trai, cùng buôn bán trao đổi. Đã cho trừng trị Đầu mục sở tại đã không biết kiểm sóat và gia tăng nghiêm cấm.”

“ Các ngươi phải yết bảng nghiêm cấm các bọn khách buôn tại ven biển châu Khâm, Liêm, không được âm thầm kết giao với người An Nam để dụ dỗ ăn trộm ngọc. Lại ra lệnh các phủ, vệ, quan viên làm công tác tuần tra tại hồ ngọc trai, nhắm ngăn ngừa bọn ăn trộm ngọc; hãy bắt về thẩm vấn, rồi tâu xin xét xử. Không được phép theo thói quen lười nhác; nếu làm trái sẽ trị tội không khoan thứ.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 67)

Lại vào ngày 20 tháng 10 năm ngoái [14/11/1459], Lạng sơn vương Nghi Dân sai sứ bộ Trần Phong sang cầu phong. Có lẽ lúc bấy giờ kiêng tên húy, họ Trần phải đổi sang họ Trình, nên Minh Thực Lục ghi là Trình Phong. Nhà Minh chuẩn bị sai Tả tham nghị Duẫn Mân làm Chánh sứ sang phong, nhưng Nghi Dân bị lật đổ, nên sự việc bị hủy bỏ:

Ngày 16 tháng 8 năm Thiên Thuận thứ 4 [ 31/8/1460]. Tông, con trai cố Quốc vương An Nam Lê Lân sai Bồi thần bọn Trình Phong  đến triều cống sản vật địa phương. Đãi yến, cùng ban cho các vật như lụa nõn trong ngoài, y phục bằng lụa trử. Lại ra lệnh cho bọn Phong trở về, mang sắc cùng lụa nõn trong ngoài ban cho Tông.

Bộ Lễ tâu rằng:

 Gần đây Quốc vương Chiêm Thành tâu rằng suốt năm bị nước An Nam liên tục nhiễu hại. Nay Phong trở về nước, nên ra lệnh cho Tông biết từ nay trở về sau hãy giữ lễ, hòa mục với lân bang, không được gây hấn kết oán.

Thiên tử chấp thuận.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 68)

Ngày 19 tháng 8 năm Thiên Thuận thứ tư [ 3/9/1460]. Sai Thông chính Sứ ty Tả tham nghị Duẫn Mân làm Chánh sứ, Lễ khoa Cấp sự trung Vương Dự làm Phó sứ, mang phù tiết (1)  sách phong cho Tông con đầu vợ thứ của Lê Lân , làm Quốc vương An Nam. Bấy giờ người trong nước tâu Lê Tuấn mất, không con nối dõi, bèn dâng biểu văn xin lập Tông, nên có lệnh này.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 68)

Ngày mồng 6 tháng 6 [24/6/1460] các Đại thần là bọn Lê Xí, giết đảng phản nghịch Phạm Đồn, Phạm Ban; truất Nghi Dân làm Lệ Đức hầu, rồi giết đi:

Cướp ngôi vua được 8 tháng, Nghi Dân tin nuông bọn gian tà, giết hại đại thần, thay đổi hết phép tắc của tiên tổ. Người trong nước ai cũng oán giận.

Ngày 6 tháng 6, các đại thần là:

 - Thái bảo Lê Xí và Lê Liệt.

 - Nhập nội Điểm kiểm Bình chương quân quốc trọng sự Lê Lăng.

 - Nhập nội Đại hành khiển Lê Vĩnh Trường.

 - Xa kỵ vệ đồng tổng tri Lê Niệm.

 - Ngự tiền hậu quân tổng tri Lê Nhân Thuận.

 - Ngự tiền trung quân tổng tri Lê Nhân Khoái.

- Ngự tiền thủy quân tổng tri Trịnh Văn Sái.

- Bắc đạo thiêm tri Trịnh Đạc.

- Điện tiền đô chỉ huy Nguyễn Đức Trung.

 - Thiết đột tả quân đại đội trưởng Nguyễn Yên.

 - Điện tiền ti chỉ huy Lê Yên và Lê Giải.

Bàn định với nhau rằng:

 ‘Lạng Sơn vương [Nghi Dân] câu kết với tên Đồn, tên Ban, dám làm việc giết vua cướp ngôi tức là hạng ác nghịch nhất nước; chúng ta mang danh nghĩa là những bầy tôi công lao với nước, cố cựu trong triều, thế mà đứng ở triều đình với kẻ giết vua cướp ngôi, thì còn mặt mắt nào trông thấy tiên đế [Lê Thái Tổ] ở  dưới đất được nữa!.

 Sau khi ở trong triều lui ra, các đại thần đều ngồi cả tại nhà nghị sự, bọn Lê Xí đứng đầu xướng suất việc nghĩa, trước hết giết tên Đồn, tên Ban ở ngay trước nhà nghị sự, sau đóng các cửa thành lại, rồi sai bọn Nhân Thuận thống lĩnh cấm binh bắt đảng phản nghịch là lũ Trần Lăng hơn một trăm người đều giết hết. Các đại thần định nghị: truất Nghi Dân làm Lệ Đức hầu, bắt phải thắt cổ tự tử.Cương Mục, Chính Biên, quyển 19.

Các đại thần bèn rước Gia vương Tư Thành vào cung điện, tôn lên làm Vua; sau đó đại xá cho cả nước.

 “Các đại thần cùng nhau bàn rằng:

 ‘Ngôi vua rất trọng đại, người giữ ngôi vua là rất khó khăn, nếu không phải người có đức độ lớn không thể nào đương nổi. Nay Gia vương là người sáng suốt, có tài trí, có đạo đức, các vương khác không thể so bì kịp, lòng người ai cũng trông mong, như thế có thể biết được ý trời đã định.

 Rồi các đại thần liền dùng xa giá rước vương ở Gia Để, vương vào trong cung, lên ngôi vua ở điện Tường Quang, đổi niên hiệu là Quang Thuận, đại xá cho cả nước.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 19.

Riêng Toàn Thư tham khảo thêm, chép rằng sau khi giết Nghi Dân, các Đại thần đi đón Cung vương Khắc Xương, nhưng Cung vương từ chối; sau đó mới đi đón Gia vương Tư Thành:

Xét: Có sách nói là sau khi giết bọn phản nghịch Trần Lăng, Lê Lăng lấy lụa đưa cho Nghi Dân, bắt phải tự tử. Giết Nghi Dân xong, liền đi đón Cung Vương Khắc Xương. Cung Vương cố tình từ chối, mới đón vua ở Tây Để về lên ngôi. Sau vua nghe lời gièm, Cung Vương phải chết”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 3b.

 

Vua Lê Thánh Tông.

 

Vua tên húy là Tư Thành, còn có húy là Hạo; con thứ tư của Vua Thái Tông. Ở ngôi 38 năm, thọ 56 tuổi, táng ở Chiêu Lăng, miếu hiệu là Thánh Tông:

Vua sáng lập chế độ, văn vật khả quan, mở mang đất đai, cõi bờ khá rộng, thực là bậc vua anh hùng tài lược, dẫu Vũ Đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường cũng không thể hơn được. Nhưng công trình thổ mộc vượt quá quy mô xưa, tình nghĩa anh em thiếu hẳn lòng nhân ái. Đó là chỗ kém vậy.

Mẹ vua là Quang Thục Hoàng thái hậu Ngô thị, người làng Động Bàng, huyện Yên Định, phủ Thanh Hóa. Trước kia, khi còn là Tiệp dư, Thái hậu đi cầu tự, mơ thấy thượng đế ban cho một tiên đồng, thế rồi có thai. (Tục truyền rằng Thái hậu khi sắp ở cữ, nhân thử thả chợp mắt, mơ thấy mình đến chỗ Thượng đế, Thượng đế sai một tiên đồng xuống làm con Thái hậu, tiên đồng chần chừ mãi không chịu đi, thượng đế giận, lấy cái hốt ngọc đánh vào trán chảy máu ra, sau tỉnh dậy, rồi sinh ra vua, trên trán vẫn còn dấu vết lờ mờ [1b] như thấy trong giấc mơ, mãi đến khi chết, vết ấy vẫn không mất).

Năm Nhâm Tuất, Đại Bảo thứ 3, tháng 7, ngày 20 [25/8/1442], sinh ra vua. Vua sinh ra thiên tư tuyệt đẹp, thần sắc khác thường, vẻ người tuấn tú, nhân hậu, rạng rỡ, nghiêm trang, thực là bậc thông minh xứng đáng làm vua, bậc trí dũng đủ để giữ nước.

 Năm Thái Hòa thứ 3 [1445], được phong làm Bình Nguyên Vương, vâng mệnh làm phiên vuơng vào ở kinh sư, hằng ngày cùng học ở Kinh diên với các vương khác. Bấy giờ, quan ở Kinh diên là bọn Trần Phong thấy vua dáng điệu đường hoàng, thông minh hơn hẳn người khác, trong bụng cho là bậc khác thường. Vua lại càng sống kín đáo, không lộ vẻ anh minh ra ngoài, chỉ vui với sách vở cổ kim, nghĩa lý thánh hiền. Bẩm sinh ra đã biết, mà sớm khuya không lúc nào rời sách vở, tài năng lỗi lạc trời cho, mà chế tác lại càng đặc biệt lưu tâm, [2a] ưa điều thiện, thích người hiền, chăm chắm không hề biết mỏi, Tuyên từ thái hậu [mẹ Vua Nhân Tông] yêu vua như con mình đẻ ra, Nhân Tông coi vua là người em hiếm có. Đến khoảng năm Diên Ninh [1459], Nghi Dân tiếm ngôi, đổi phong vua là Gia Vương và xây phủ đệ ở bên hữu nội điện cho vua ở. Không bao lâu, các đại thần là bọn Nguyễn Xí, Đinh Liệt cùng nhau đem cấm binh đánh bọn Đồn, Ban, rồi phế Nghi Dân, đón vua lên ngôi. Bấy giờ vua 18 tuổi, vào nối đại thống, tự xưng là thiên Nam động chủ, miếu hiệu là Thánh Tông.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 3b.

Ngày mồng 8 tháng 6 năm Quang Thuận thứ 1 [26/6/1460], Vua lên ngôi, truy tặng cho nội quan Thị hậu phó chưởng là Đào Biểu tử tiết lúc Lạng sơn vương Nghi Dân cướp ngôi; và giết Đô chỉ huy cấm binh Lê Đắc Ninh hùa theo quân phản loạn trong dịp này. Sau đó phát tang và làm lễ tế cáo Thái Miếu cho Vua Nhân Tông và Hoàng thái hậu:

Ngày mồng 8 tháng 6, vua lên ngôi ở điện Tường Quang, đổi niên hiệu là Quang Thuận năm thứ 1, đại xá thiên hạ.

Truy tặng Nội quan Đào Biểu tước 1 tư [bậc] và ban cho 5 mẫu ruộng công để thờ cúng. Trả lại vợ con, điền sản để nêu gương tử tiết.

Định tội của Lê Đắc Ninh, vì Đắc Ninh giữ cấm binh không biết bảo vệ xã tắc, lại đem giúp kẻ phản nghịch, làm vậy là để răn đe kẻ bất trung.

Vua lên ngôi xong, liền làm lễ phát tang cho Nhân Tông và Thái hậu.

Ngày Tân Mùi [14/7/1460], làm lễ cáo miếu, rước bài vị Nhân Tông vào Thái miếu. Ngày Quý Dậu [16/7/1460] [4a] rước kim sách dâng tôn hiệu cho Nhân Tông là Khâm Văn Nhân Hiếu Tuyên Minh Hoàng Đế, miếu hiệu là Nhân Tông, dâng tên thụy cho Nguyễn thái hậu là Tuyên Từ Nhân Ý Chiêu Túc Hoàng thái hậu.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 3b.

Tháng 7, lấy ngày 20 sinh nhật của Vua, làm ngày lễ Sùng Thiên thánh tiết. Ra lệnh các quan, cùng đàn bà ở trong cung, không được tiết lộ tin tức ra ngoài; 5 đạo trong nước phải ra công luyện tập quân sự:

Mùa thu, tháng 7, lấy ngày sinh làm Sùng Thiên thánh tiết.

 Ra sắc chỉ cho các quan ở nội mật, đàn bà ở nội mật và các cung tỳ, nội nhân rằng: Từ nay về sau, nếu thấy chiếu chỉ và các việc cung thì không được lén lút tiết lộ ra trước cho người ngoài và con thân thích.

 Ra sắc chỉ cho các vệ quân năm đạo, các phủ trấn, các tổng quản và tổng tri rằng: Có quốc gia là phải có võ bị. Nay phải tuân theo trận đồ nhà nước đã ban, trong địa phận của vệ mình, phải chỉnh đốn đội ngũ, dạy cho quân lính phép đi, đứng, đâm, đánh, hiểu được hiểu lệnh, tiếng chuông, tiếng trống khiến cho binh lính tập quen cung tên, [4b] không quên võ bị.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 4a.

 Tháng 8 [16/8-14/9/1460], nhà vua lấy cớ rằng Cung từ hoàng thái hậu mẹ Vua Thái Tông họ Phạm, tên húy là Ngọc Trần, nên yết thị  phàm ai họ "Trần" đổi thành "Trình". Lại nhân bấy giờ cần thóc, ra lệnh cho người nào tình nguyện dâng thóc, chiếu theo sô lượng được ban chức tước tượng trưng:

Tháng 8, ra lệnh yết bảng cho những người nguyên là họ Trần phải kiêng húy đổi thành họ Trình.

 Ra lệnh cho các sắc quân, dân ở các phủ, lộ, trấn, châu, huyện, động, sách, trang rằng: "Người nào có nhiều thóc tình nguyện dâng lên, thì tới trình báo với các quan sở tại làm danh sách tâu trình lên, tùy theo số thóc dâng nhiều hay ít mà trao cho quan tước: từ 200 hộc thì cho chức quan nhàn tản chánh thất phẩm, 150 hộc thì cho chức quan nhàn tản tòng thất phẩm, 100 hộc thì cho cho chức quan nhàn tản tòng bát phẩm, con cái họ đều được miễn tuyển, nếu là 60 hộc thì thưởng 1 tư, chỉ được miễn bản thân thôi.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 4b.

Tháng 9, sai sứ bộ Đinh Lan sang nhà Minh trình bày chính biến xãy ra trong nước, để chuẩn bị xin cầu phong. Ngoài ra trong tháng này, Vua Anh Tông nhà Minh sai Sứ thần sang Chiêm Thành phong cho Bàn La Trà Toàn làm Quốc vương Chiêm Thành:

Tháng 9, ngày 21 [5/10/1460], sai bồi thần là bọn Đinh Lan, Nguyễn Phục, Nguyễn Đức Du sang nhà Minh tâu việc.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 4b.

Ngày 13 tháng 9 năm Thiên Thuận thứ tư [ 27/9/1460]. Chiếu dụ nước Chiêm Thành:

Từ xưa đến nay các Ðế Vương ngự trị thiên hạ, không ai là không cư xử chung với một lòng nhân ; vì vậy chốn hoang vu cõi ngoài được phổ cập giáo hóa. Nước Chiêm Thành các ngươi, vị trí nơi góc biển hoang tịch, đất riêng một phương tất phải lập người đứng đầu để thống trị dân chúng. Bởi vậy Quốc vương Ma Ha Bàn La Duyệt mới đây được phong tước Vương, nối nghiệp quản lý việc nước, chưa được 4 năm đã vội mất, cái lý kế thừa không thể thiếu. Người em là Bàn La Trà Toàn, tính tình đôn hậu, biết giữ lễ khiêm cung; nên đặc cách sai Cấp sự trung Vương Nhữ Lâm làm Chánh sứ, Hành nhân Lưu Thứ làm Phó sứ mang chiếu thư phong chức Quốc vương Chiêm Thành. Phàm dân chúng trong nước đều phải thần phục, tuân theo lẽ phải sống yên ỗn, không được tranh dành phạm pháp. Tất cả một lòng giúp rập, khiến đất nước hòa bình an ninh, thấm nhuần phong tục nhân hậu, vĩnh viễn hưởng phúc thái bình.

Lại sắc dụ Bàn La Trà Toàn rằng:

“ Vương các ngươi đời trước, có nước nơi góc biển xa xôi, hết lòng trung kính, thuận theo trời thờ nưóc lớn, càng lâu càng bền. Nay Vương lại biết thừa kế, sai người trong họ là Thả Dật Ðà Bằng mang sản vật địa phương đến cống, lòng thành khẩn đáng khen. Sứ trở về đặc cách ban cho Vương cùng Vương phi gấm lụa để đáp lại ý tốt; Vương càng kiên định , vĩnh viễn giữ tiết bề tôi, để đáp ứng sự ưu đãi.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 69)

Tháng 10, cử sứ bộ sang triều Minh cầu phong. Định thứ tự trên dưới những bầy tôi có công trong việc lật đổ bọn Lạng sơn vương Nghi Dân; qui định viên quan nào không có con, chuẩn y cho một người thừa kế được tập ấm chức quan:

Mùa đông, tháng 10, ngày mồng 1 [14/10/1460], sai bồi thần là bọn Nguyễn Nhật Thăng, Phan Duy Trình, Nguyễn Tự sang nhà Minh cầu phong.

Tâu trình những người có công hồi tháng 6.

Tổng đốc Nguyễn Xí, Đông đốc [5a] Đinh Liệt tâu trình tên họ các quan trong các phiên, các quan ngự doanh và những người trước sau xướng nghĩa chém bọn nghịch thần Đồn, Ban:

- Xướng nghĩa trước và hạ thủ đầu tiên là Lê Nhân Thuận, đã chém giặc Lăng.

- Xướng nghĩa là bọn Trịnh Đạc, Nguyễn Đức Trung, Lê Nhân Quý đế Lê Lật gồm 49 người.

 - Lại tâu trình thêm bọn Nguyễn Trợ, Nguyễn Ngô, Lê Sư Lộ... gồm 6 người.

Phong công thần Nguyễn Xí làm Quỳ quận công (2), Đinh Liệt làm Lân quận công; Thái bảo Lỗ Sơn hầu Lê Niệm làm Thái phó; Kỳ quận công Lê Thọ Vực làm Tả đô đốc tham nghị triều chính chưởng Điện tiền ty; Nguyễn Lỗi làm Đại đô đốc chưởng hình bộ (Lỗi là con của Nhữ Lãm); Lê Khang làm Văn Chấn hầu.

Ra sắc chỉ cho các quan trong ngoài rằng: Viên nào con đáng được tập ấm mà không có con trai [5b] thì cho nuôi con người thân thích cùng họ, chỉ được 1 người tập ấm.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 4b.  

Ngày 11 tháng 10 [24/10/1460], ban biển ngạch cho người hiếu đễ là Nguyễn Liêm ở  huyện Ứng Thiên, tức huyện Chương Mỹ, Hà Tây ngày nay:

Nguyễn Liêm, người làng Mỗ Xá, phủ Ứng Thiên, nổi tiếng là người hiếu hạnh với cha mẹ, hòa thuận với anh em. Nhà vua ban cho biển ngạch, hạ lệnh cho sở tại dựng một cái lầu cao (3) ở ngoài cổng để biểu dương cho mọi người biết và tha dao đài tạp dịch cho bản thân Nguyễn Liêm.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 19.

Vua ra sắc chỉ cho các quan tại biên giới phải phòng bị cẩn thận, không được thông đồng với người nước ngoài. Đem ruộng đất ban cấp cho 30 công thần. Ra lệnh cho Lê Xí kê khai chi tiết những bầy tôi có công rồi đề nghị thăng thưởng. Tuy nhiên trong bản đề nghị, Lê Xí xin truy thăng cho bọn Lê Ê bị giết thời Nghi Dân cầm quyền, nhưng nhà Vua bác:

Ra sắc chỉ cho quan các phủ, lộ, trấn, châu, huyện rằng: Ai ở cõi biên giới thì phải giữ quan ải cẩn thận, không được thông đồng với người nước ngoài.

 Cấp ruộng thế nghiệp cho 30 viên công thần, số mẫu có thứ bậc khác nhau: Lê Lăng 300 mẫu, Lê Niệm 200 mẫu, Lê Nhân Thuận 130 mẫu, Lê Thọ Vực, Lê Sư Hồi, Lê Nhân Khoái 150 mẫu, từ Trịnh Văn Sái trở xuống, đều được cấp ruộng theo thứ bậc khác nhau.

Sắc cho bọn tể thần Lê Xí tâu thăng các quan công thần tại chức hay đã chết, được ban quốc tính hay không được ban, cùng số con trai của họ chưa được thăng bổ.

Loại được ban quốc tính thì từ bọn Lê Quán Chi con trai của Thái phó [6a] Lê Liệt, Lê Văn Lão con trai của Lê Bí trở xuống đến Lê Ký con trai của Lê Luyện. Loại chưa được ban quốc tính thì từ Nguyễn Sư Hồi con trai của Nguyễn Xí, đến Lê Lộng con trai của Lê Đa Mỹ. Loại đã chết, được ban quốc tính thì từ Lê Muộn con trai Lê Vấn, Lê Dư con trai Lê Bôi, cho đến Lê Văn Lương con trai Lê Nhữ Soạn, chưa được ban quốc tính thì từ Lê Văn Thiết con trai Lê Chuẩn, đến Lê Văn Lâm con trai Lê Thiết.

 Đến khi bọn Xí dâng tờ tâu lên, vua dụ rằng:

"Đã xem hết tờ tâu, trong ấy có xin cho bọn Lê Ê, Lê Thụ, Đỗ Bí, Lê Ngang theo như lệ công thần đã mất, nhưng câu ấy còn có thể bẻ lại được, là vì khoảng năm Diên Ninh, Đỗ Bí, Lê Ê ở chức cao nhất vào hàng tể thần; Lê Ngang, Lê Thụ tay cầm cấm quân, giữ việc an nguy, đáng lẽ phải dẹp yên giặc loạn, chuyển nguy thành an mới phải, thế mà chỉ biết sắp gà vào trong nồi mà để [6b] cá kình lọt ra ngoài lưới. Đến sau mưu việc không kín, đến nỗi phải phơi thây ở bên đường (4) . Đó lại thêm một tội khác trong các tội của bọn Bí, Ngang, có khác gì tội giết vua của Triệu Thuẫn ngày xưa (5) , sao được để cùng với những công thần đã mất?". Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 5b.

Ngày 24 tháng 10, làm lễ an táng và soạn văn bia Vua Lê Nhân Tông tại Mục Lăng. Ngày 27, ra qui chế cho quan bộ Hình trình lên quyết đoán các vụ án, mỗi tháng 3 lần:

 “Ngày 24 [6/11/1460], làm lễ chiêu hồn, chôn Nhân Tông ở bên hữu Vĩnh Lăng gọi là Mục Lăng.

 Lại sai Trung thư sảnh thủ Trung thư lệnh tri tam quán sự nhưng tri học sinh ngự tiền nhị cục khinh xa úy Nguyễn Trực và Trung thư sảnh Trung thư lệnh thị lang nhập thị kinh diên kiêm quản cận thị chi hậu các cục thượng kỵ đô úy Nguyễn Bá Ký cùng soạn bài văn bia ở Mục Lăng.

  Ngày 27 [9/11/1460], ra sắc chỉ cho hình quan rằng: Từ nay về sau, xét việc kiện tụng, phải mỗi tháng ba lần trình lên để quyết định, coi đó là định chế lâu dài.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 6b.

Tháng 12 [12/1-9/2/1461], sai bọn Thái phó Lê Liệt mang quân đánh họ Cầm, Tù trưởng Bồn Man (6). Tuyển đinh tráng; làm sổ hộ tịch. Lấy Nguyễn Như Đỗ làm Thượng thư bộ Lại; sai quan hiệu đính tên húy:  

Tháng 12, sai Thái phó Lê Liệt, Thái phó Lê Lựu, thái bảo Lê Lăng dẫn các quân chia đường đi đánh họ Cầm .

Tuyển đinh tráng có tên trong sổ bổ vào [7a] quân ngũ.

Làm sổ hộ tịch.

 Lấy Nguyễn Như Đỗ làm Lại bộ thượng thư.

 Sắc cho Trung thư sảnh Trung thư lệnh thị lang nhập thị kinh điên kiêm quản cận thị chi hậu các cục thượng kỵ đô úy Nguyễn Bá Kỳ, Hoàng môn thị lang kiêm Quốc sử viện đồng tu quốc sử Hoàng Sằn Phu hiệu định miếu húy và ngự danh.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 6b.

 

 

Chú thích:

1.Phù tiết: Ngày xưa đi sứ cầm ấn tín vua ban để làm tin gọi là phù tiết, Sứ giả còn được gọi là Sứ tiết.

2. Quan chế triều Lê, bầy tôi có công được liệt vào hạng phong tước quốc công hoặc quận công, thì dùng tên của một phủ hoặc một huyện để làm hiệu phong tước: Quỳ quận công tức phủ Quỳ Châu; Lân quận công tức phủ Trà Lân; Kỳ quận công tức huyện Kỳ Sơn.

3.Cái lầu: Nhà nào được vua chúa biểu dương, thì ngoài cổng nhà ấy dựng một cái chòi cao như cái lầu, mặt ngoài cái chòi quay ra đường treo cái khung hình vuông có đề chữ, để người qua lại trông thấy. Ví dụ: những chữ "Tiết nghĩa môn" hoặc "Hiếu đễ môn", v.v...

4.Bọn Lê Bí, Lê Ê, Lê Thụ bàn mưu giết hại Nghi Dân bị bại lộ, tất cả đều bị chém.

5.Triệu Thuẫn là khách khanh nước Tần đời Xuân Thu ở Trung Quốc. Vua nước Tần là Linh Công định hại Thuẫn, Thuẫn bỏ trốn. Sau Triệu Xuyên giết Linh Công, đón Thuẫn về phục chức. Tuy Thuẫn không giết vua, nhưng sử quan nước Tần viên chép là Thuẫn giết vua, vì cho Thuẫn cùng một chí với Xuyên.

6. Bồn Man: Theo Đào Duy Anh, Đ.N.V.N.Q.C.Đ. trang 157; Bồn Man thuộc Ai Lao, tại thượng nguồn sông Phố, sông Sâu, Hà Tĩnh.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hồ Bạch Thảo
Số lần đọc: 422
Ngày đăng: 06.05.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đá còn tưởng nhớ - Nguyễn Đức Tùng
Robot- AI - Trí tuệ (và quái vật) nhân tạo - Trương Văn Dân
Tương quan giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Du - Võ Công Liêm
94. Vua Lê Nhân Tông. 3 - Hồ Bạch Thảo
Tương quan giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Du - Võ Công Liêm
- Hoàng Hưng
Mùa Chay Cả, chữ, và con người - Nguyễn Thụy Đan
Một số biểu hiện tâm lý thiếu lành mạnh ở tuổi mới lớn - Vũ Thị Hương Mai
Để trái tim thương cảm của Nguyễn Đình Chiểu thấm sâu vào đời sống hiện tại - Nguyễn Anh Tuấn
Bầy ong giữa chúng ta - Trương Văn Dân
Cùng một tác giả
Biển Giao Chỉ (lịch sử)
109. Vua Lê Uy Mục. (tiểu luận)