Câu thành ngữ "Ăn Bắc, mặc Nam" không biết có từ bao giờ chứ còn theo tôi thì ẩm thực phương Nam nước ta bây giờ không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà còn có mặt ở trên thế giới. Dân sành ăn Hà Nội hôm nay không chỉ giò lụa, chả quế, bún thang, bún ốc, bánh tôm, chả cá Lã Vọng… mà các món lẩu thập cẩm, chả nem Sài Gòn, bánh tráng cuốn cá tai tượng chiên xù, "mô- đen Nam bộ" cũng là những món được coi là khoái khẩu… những món đó bạn có thể kiếm ngay giữa đất Hà Thành. Anh Ba Tứ - một doanh nhân Mỹ Tho mới cho biết sản phẩm bánh tráng (bánh đa mỏng) Mỹ Tho của anh đã có mặt tận Hoa Kỳ và tương lai khá sáng sủa, cũng loại bánh này ở Cái Bè (Tiền Giang) đã sang tận sứ Phù Tang từ mấy năm nay…
Nếu có dịp du ngoạn phương Nam thăm thử đồng bằng Nam bộ, mục kích sở thị cái hùng vĩ của dòng sông Cửu Long, rửa chân trên dòng nước bắt nguồn từ đỉnh Cholôlungma thuộc dãy núi Hymalaya mái nhà của thế giới; để tắm táp cái nắng vàng như mật ong chính hiệu, chui luồn trong các tàn lá xanh ngút mắt của vườn sầu riêng, xoài cát, nhãn tiêu hồng… thì tôi cũng xin mách bảo một vài địa chỉ, một số món ăn đặc sản Nam bộ để bạn tiếp thêm calo cho chuyến đi khám phá một vùng đất mới, nhiều lý thú của tổ quốc Việt Nam.
Rời thành phố Hồ Chí Minh chừng 40km đến thị xã Long An bạn nên ghé quán cơm "Nhà Lá" gần bến xe Long An, đối diện với Công ty Cầu đường 741, ở đây bạn sẽ được mời ăn cơm trưa hoặc tối với mấy món mặn truyền thống như thịt kho hột vịt, tôm rang khô, cá kho tộ… nhưng có một món đặc sản là canh khổ hoa nhồi thịt heo bạn không được quên gọi. Tuy nhà hàng chưa quảng cáo nhiều cho món này nhưng xin khẳng định với bạn đó là món đặc sản ngon độc nhất vô nhị ở xứ trời Nam. Mặc dù món này ở Nam bộ đâu cũng có nhưng nếu nói ngon thì ở đây là vô địch. Quả khổ hoa nhồi thịt có màu hơi xanh thịt hơi đỏ, khi ăn có mùi thơm, vị ngọt và ngăm ngăm đắng, mùi thơm và béo của thịt heo nạc dăm băm nhỏ, ăn không ngán, không khô, nước canh ngọt đắng thơm ngậy. Sở dĩ đặc sản này ở đây ngoài bí quyết nêm nấu của nhà hàng có lẽ còn từ quả khổ hoa ở vùng đất này, khí hậu này có mùi vị ngon hơn, nước nấu canh khổ hoa ở đây có thể có thêm hoặc bớt một vài thành phần hóa học gì đó nên hợp với công thức nấu canh khổ hoa vì vậy nó có mùi vị đặc biệt.
Nếu buổi sáng đến Mỹ Tho (thủ phủ của tỉnh Tiền Giang) nằm trên bờ sông Tiền - một nhánh chính của sông Mê Kông, bạn không thể không đi kiếm một tô hủ tiếu Mỹ Tho. Hủ tiếu Mỹ Tho là đặc sản nổi tiếng của Nam bộ. Hủ tiếu Mỹ Tho làm bằng bánh hủ tiếu được chế biến ngay tại Mỹ Tho, nghĩa là bằng gạo trồng tại đất Mỹ Tho, sợi hủ tiếu phải dai, phải trong, phải dòn. Hủ tiếu nấu bằng xương thịt heo, tôm khô, mực khô kèm theo một số rau hành khô, hành tươi… Hủ tiếu ăn phải nóng, nước phải ngọt và trong, đúng tiệm, đúng người nấu thì miếng sườn, miếng gan, miếng thịt vừa mềm vừa thơm, nước hủ tiếu ngọt ngậy mà không ngán. Tô hủ tiếu bốc hơi không có mùi chua của bánh gạo… Hiện nay ở Mỹ Tho chỉ còn vài ba tiệm hủ tiếu nấu đạt yêu cầu và số thực khách vẫn đông đảo, có khi không đủ ghế ngồi.
Sau một buổi sáng làm việc bù đầu hay chuyến du lịch trên sông nước Cửu Long, trên cồn Long - Lân - Quy - Phụng, bạn sẽ phải nghĩ ngay đến bữa cơm trưa để nạp thêm năng lượng. Nhưng nếu thực đơn của bạn không có tô canh chua cá lóc hay cá hú sông Mê Kông thì đó là một thiếu sót lớn. Bởi canh chua cá lóc (hoặc cá hú) Mỹ Tho là một đặc sản đã từng được huy chương vàng tại Hội chợ ẩm thực ngay từ đầu thập niên 90. Canh chua ở miền Nam đâu đâu cũng có, nhà nào cũng nấu, cũng ăn nhưng chỉ có canh chua cá lóc, cá hú Cây Me là đặc sản nhất, ấn tượng nhất. Cá lóc, cá hú ở đồng bằng sông Cửu Long là loại cá chiếm thị phần cao trong thực phẩm cá hàng ngày, các thứ rau đi kèm để nấu canh cũng là phổ biến, do đó đặc sản ở đây thuộc về bí quyết nghệ thuật nấu canh. Sự khác biệt trong canh chua cá lóc, cá hú ở Nam bộ khác nấu riêu cá miền Bắc rất nhiều ngoài cách xắt cá, nấu cá, gia vị tẩm ướp còn các loại rau ở miền Bắc không có như hoa cây so đũa. Canh chua cá lóc (cá hú) Mỹ Tho không ngậy, không ngán, thịt không nhũn, rau không nhừ, mùi thơm, chua ngọt chấm với nước mắm mặn ngon nguyên chất có cho ớt tươi ăn rất "bắt", nếu bạn kèm thêm ly rượu (không nên uống với bia) nhâm nhi trước khi ăn cơm thì bạn sẽ quá no lúc nào không biết đấy.
Bạn du ngoạn ở đồng bằng sông Cửu Long đến bất cứ nhà hàng vào loại trung bình nào, ở đâu bạn cũng có thể gọi món "Cá tai tượng chiên xù". Đây cũng là đặc sản phương Nam. Sở dĩ gọi tai tượng là vì loại cá này có hình thù giống tai con voi, thuộc họ cá riếc, không rõ trước đây giống này nhập ở đâu về nhưng là loại cá ăn cỏ hiền có dáng đẹp, người ta nuôi trong bể làm cảnh. Nhưng sau do hợp khí hậu, cá tự đẻ, dễ nuôi nên chuyển thành cá thịt. Cá tai tượng có con nặng đến vài chục kg nhưng cá thịt thì người ta sử dụng loại từ 800g đến 1,5kg là ngon nhất vì to quá thịt cá sẽ rắn, khó chiên (rán), ăn không hết… Món cá tai tượng chiên xù, được làm như tên gọi. Cá tai tượng sau khi mổ lấy ruột móc mang người ta để nguyên vẩy, vây sau đó cho cá vào chảo mỡ đang sôi. Cá chín. Vây, vẩy cong lên, xù ra nên gọi là chiên xù. Người ta dùng bánh tráng (bánh đa mỏng) cuộn cá với chuối xanh, rau, khế chua… chấm với mắm nêm hoặc nước nắm ớt (nếu bạn không ăn được mắm nêm cá), nhâm nhi với món đặc sản này, bạn có thể dùng bia, rượu tùy ý. Món đặc sản này không chỉ thơm giòn còn rất ấn tượng về hình ảnh vì nó được đầu bếp đặt đứng ở tư thế nguyên con đang bơi rất sinh động. Cũng xin mách bảo với quí bạn là vây đuôi cá tai tượng chiên xù là đặc sản trong đặc sản đó, bạn chớ có tưởng cái vây, cái đuôi mà bỏ qua nhé. Thử lấy tay bẻ một vây rồi nhấm nháp kỹ xem sao?
Ẩm thực Nam bộ có rất nhiều. Tôi sẽ giới thiệu với các bạn vào dịp khác nhưng xin liệt kê trước để các bạn có ấn tượng đó là cá lóc nướng trui, dưa chua bồn bồn Cà Mau, mắm cá trèn Châu Đốc, tôm càng xanh nướng lụi, tôm sú hấp nước dừa, cháo vịt Xiêm, cua rang muối…
Hãy làm một chuyến du lịch phương Nam, vào cuối đông để tránh cái rét, cái ẩm ướt của gió mùa đông bắc, tắm cái nắng rực rỡ miền nhiệt đới mai vàng, cúc trắng, gió mơn man.