Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.188
123.204.511
 
Thế nào là “Ca khúc vượt thời gian”??
Nguyễn Vĩnh Căn

 

 

Thời gian gần đây, những năm sau 2000, trong các chương trình ca nhạc sống, hoặc các Album băng đĩa…Các bầu sô thường giới thiệu: Tình khúc vượt thời gian nhớ Văn Cao, Tình khúc vượt thời gian với dòng chảy Bolero, Tình khúc vượt thời gian của Nguyễn Ánh 9, Thí sinh the Voice thử với Tình khúc vượt thời gian, Ca sĩ gạo cội tụ hội trong Tình khúc vượt thời gianCa sĩ trẻ tìm về những tình khúc vượt thời gian10 tình khúc vượt thời gian …Người ta mượn cái thương hiệu Tình khúc vượt thời gian để đảm bảo chất lượng của chương trình hay album ca nhạc vừa để câu khách??

Ở đây xin được dùng chữ “ca khúc” thay vì chữ “tình khúc”, vì từ ca khúc có nghĩa rộng rãi hơn từ tình khúc. Ví dụ như ca khúc “Ly rượu mừng” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, hoặc các ca khúc hát về nhạc xuân như: Xuân đã về, Xuân và tuổi trẻ…đâu phải là tình khúc, nhưng vẫn được xếp vào ca khúc vượt thời gian đấy chứ!

Có sự lạm dụng ngôn từ khi sử dụng cụm từ “Ca khúc vượt thời gian” chăng??

Dường như trong sinh hoạt âm nhạc VN, giới phê bình âm nhạc chưa đưa ra một khái niệm rõ rệt về: Thế nào là ca khúc vượt thời gian?? Và vượt qua thời gian bao lâu để gọi là vượt thời gian?? 25 năm, 50 năm, 75 năm…??? Ca khúc đó phải nội hàm những tiêu chí nào??

Có lẽ, danh xưng đầu tiên về “vượt thời gian” phải là của nhà văn Mai Thảo phong tặng cho nữ danh ca Thái Thanh là “Giọng ca vượt thời gian” vào những năm 70 của thiên niên kỷ trước. Ca sĩ Thái Thanh sinh năm 1934, bà đi hát năm 14 tuổi. Bà được coi như là "Đệ Nhất danh ca” của dòng nhạc tiền chiến cũng như nhạc tình miền Nam giai đoạn 1954 – 1975, và tên tuổi của bà gắn liền với các nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy. (Trích Wikipedia)

Bà thật sự nổi tiếng trong thập niên 1950, được rất nhiều giới yêu thích từ giới trí thức cho tới bình dân. Bà được coi như một diva tầm cỡ nhất của Việt Nam thời đó. Tiếng hát của bà ngự trị trên khắp các chương trình ca nhạc truyền thanhtruyền hình của Việt Nam Cộng Hòa. Trong giai đoạn đầu thập niên 1970, bà cùng với ban hợp ca Thăng Long thường xuyên biểu diễn tại vũ trường ăn khách Đêm màu hồng. (Trích Wikipedia)

Xét về trường hợp của nữ danh ca Thái Thanh từ khi nổi tiếng năm 1950 đến năm 1970, chỉ mất 20 năm để có danh hiệu “Vượt thời gian”. Xem ra, để vượt thời gian chỉ cần 20 năm thì cũng thật ngắn ngủi.

Đó là trường hợp đặc biệt của nữ danh ca Thái Thanh. Thế nhưng, để một ca khúc ra đời, vượt thời gian ngắn ngủi 20 năm, liệu tác phẩm đó có thể được xếp vào “Vượt thời gian” hay chưa?? Có lẽ, không ai có đủ thẩm quyền quyết định về việc này. Nhưng theo lẽ thường, ngay cả những ca khúc tiền chiến trước 75 có trên 25 năm, vẫn chưa được gọi là ca khúc vượt thời gian vào thời điểm 1975. Vì trước 75, chưa có ca khúc nào được danh xưng “vượt thời gian”.

Ca khúc vượt thời gian chỉ xuất hiện sau năm 2000.

Sau 75, nền âm nhạc miền Nam VN gồm nhạc vàng, nhạc trữ tình, nhạc quê hương, nhạc trẻ, nhạc du ca… dường như đều bị bức tử bởi thể chế XHCN, để chỉ hát nhạc đỏ “đằng đằng sát khí chiến đấu” hay dòng nhạc quê hương, là những ca khúc của các tác giả miền Bắc được lưu hành rộng rãi mà thôi.

Sự ngự trị của nhạc đỏ và nhạc xanh quê hương này khoảng 20 năm…Cho đến khi có làn gió mới của thời kinh tế mở cửa, mới có sự hồi sinh âm nhạc đa sắc màu trở lại. Nhưng tưởng cũng nên nhắc lại, vì sao có sự mở cửa của nhà nước năm 1995.

Năm 1985, khi Tổng Thống Mikhail Sergeyevich Gorbachev, lên ngôi lãnh đạo Liên Bang Sô Viết, với công cuộc cải tổ toàn diện chính trị xã hội, với hai phát pháo ý thức hệ: Khai sáng và đổi mới tư duy – Perestroika và New think làm tan rã khối Cộng Sản Đông Âu và Liên Xô. Và đến năm 1995, nhà nước VN mới chuyển mình khi có hiệp ước bắt tay với Chính phủ Mỹ, để bắt đầu thời kỳ mở cửa hội nhập tự do kinh tế.

Cũng từ đó, Âm nhạc VN bắt đầu khởi sắc nhờ sự hội nhập với chính sách mở cửa. Nhiều mảng âm nhạc được hồi sinh. Trước hết là nhạc trẻ với các ca khúc chính trị, thứ đến là ca khúc trữ tình thời mới, rồi đến ca khúc quê hương…Dần dà, ca khúc nhạc đỏ và nhạc xanh của miền Bắc bị thoái trào.

Phải đến những năm 2010 dòng nhạc vàng Bolero mới được khôi phục, mà công lớn là do đài truyền hình Vĩnh Long với nhiều game show: So lo với Bolero, Tình Bolero, Khán giả cùng Bolero, Bolero cùng thần tượng…phổ biến sâu rộng trong giới khán thính gia yêu ca nhạc…Cùng với sự cởi trói cho những ca khúc trữ tình, nhạc vàng…trước 75 được phổ biến trở lại, càng làm cho thị trường âm nhạc VN sôi động và phong phú hơn trong sự hòa thanh một cách đa sắc màu.

Cũng chính từ đó, cụm từ “Ca khúc vượt thời gian” được bắt đầu phổ biến rộng rãi.

Có nhạc sĩ đã từng nói: Vàng thử lửa, gian nan thử sức, còn ca khúc thử thời gian. Nhưng dường như chưa có nhà làm âm nhạc nào đưa ra khuôn thước phạm trù, bao nhiêu năm được công chúng yêu thích để định vị “ca khúc vượt thời gian”.

Cũng có nhạc sĩ cho rằng: Cây trồng 10 năm, đời người 100 năm, một “ca khúc vượt thời gian” phải có ít nhất là 50 năm thử sức với thời gian, khi ca khúc đó vẫn còn có được sự yêu chuộng và mến mộ của công chúng. Định lượng thời gian cho “ca khúc vượt thời gian” cũng chỉ là một sự tương đối mà thôi.  

Gõ vào google, để tìm hiểu: Thế nào là Tình khúc vượt thời gian? Chẳng tìm thấy bài viết nào về khái niệm này. Chỉ có Wikipedia có được mấy dòng: “Tình khúc vượt thời gian là chương trình ca nhạc giới thiệu những ca khúc nổi bật, vang bóng một thời, được nhiều thế hệ khán giả yêu mến. Chương trình xuất phát từ mong muốn tái hiện và lưu giữ nét đẹp của âm nhạc Việt Nam; phục vụ đối tượng khán giả yêu nghệ thuật, có gu thưởng thức âm nhạc cao đang thiếu những sân chơi phù hợp, đồng thời cũng mong muốn góp phần định hướng thẩm mỹ âm nhạc của nhóm khán giả trẻ tìm về với nghệ thuật đúng nghĩa”.

Chúng ta tạm chấp nhận định nghĩa trên là mẫu mực về ca khúc vượt thời gian để thử phân tích ý nghĩa của câu nói đó. Ca khúc đó phải là “ca khúc nổi bật, vang bóng một thời, được nhiều thế hệ khán giả yêu mến”. Ca khúc vang bóng một thời, được nhiều thế hệ khán giả yêu mến thì rất dễ được chấp nhận. Nhưng nếu để đòi hỏi ca khúc nổi bật vào một thời thì hơi bị khó. Ví như trong chùm ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao chỉ có một vài bài nổi bật: Buồn tàn thu, Trương Chi, Thiên thai…chứ đâu phải ca khúc nào của Văn Cao đều nổi bật cả đâu. Nhưng chẳng lẽ những ca khúc của Văn Cao như Bến xuân, Suối mơ, Trường ca sông Lô… không phải là những ca khúc vượt thời gian. Thông thường, khi nói về chùm ca khúc của Văn Cao người ta thường nội hàm là ca khúc vượt thời gian. Ca khúc vượt thời gian thường ăn theo với các nhạc sĩ uy tín và có tên tuổi nổi tiếng. Ví như các nhạc sĩ: Phạm Duy, Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Cung Tiến, Từ Công Phụng, Anh Bằng, Lam Phương….

Chương trình xuất phát từ mong muốn tái hiện và lưu giữ nét đẹp của âm nhạc Việt Nam; phục vụ đối tượng khán giả yêu nghệ thuật, có gu thưởng thức âm nhạc cao đang thiếu những sân chơi phù hợp”. Cụm từ “mong muốn tái hiện và lưu giữ nét đẹp của âm nhạc Việt Nam”, đây là điều tốt đẹp rất đáng để ghi nhận.

Nếu chỉ: Phục vụ đối tượng khán giả yêu nghệ thuật, có gu thưởng thức âm nhạc cao đang thiếu những sân chơi phù hợp, điều này cần phải xét lại. Bởi đối tượng âm nhạc của giới thưởng ngoạn VN phần đa là giới bình dân, có gu thưởng ngoạn hết sức giản dị, chứ không cao siêu như của dòng âm nhạc học thuật. Và sân chơi của họ riêng biệt, được xem như “không đội trời chung với âm nhạc học thuật”. Và ngay cả giới bình dân của họ vẫn có những ca khúc vượt thời gian nhạc Bolero, nhạc vàng, nhạc mùi, thậm chí là nhạc sến…như các nhạc sĩ: Anh Bằng, Lam Phương, Trần Thiện Thanh, Trúc Phương, Vinh Sử... Ở đây, xin được mở ngoặc: ông vua hát nhạc sến Chế Linh vẫn có những album ca khúc vượt thời gian. Ngay cả Vinh Sử ông vua sáng tác nhạc sến vẫn có ca khúc được nằm trong “ca khúc vượt thời gian”.

 Định nghĩa trên có tham vọng rất lớn và cao đẹp: “đồng thời cũng mong muốn góp phần định hướng thẩm mỹ âm nhạc của nhóm khán giả trẻ tìm về với nghệ thuật đúng nghĩa”. Làm được điều này thì quả là không còn gì tốt đẹp hơn. Có điều phải xem lại thế nào là, “góp phần định hướng thẩm mỹ âm nhạc”?? Nói lên điều này, liệu có làm tổn thương đến những nhạc sĩ và công chúng dòng nhạc bình dân như nhạc vàng, nhạc mùi, nhạc Bolero, nhạc sến chăng?

Rồi thế nào là nghệ thuật đúng nghĩa?? Chẳng lẽ nhạc vàng, nhạc mùi, nhạc sến, nhạc Bolero chẳng phải là nghệ thuật đúng nghĩa? Cách nói này, tự tôn dòng nhạc học thuật lên và, vô hình chung hạ bệ dòng nhạc bình dân xuống. Chắc chắn sẽ làm tổn thương tự ái của giới nhạc sĩ và công chúng dòng nhạc bình dân.

Thực ra, khi đụng đến thẩm mỹ âm nhạc là, nói về học thuật cao cấp của giới chuyên môn bác học, mà tiêu biểu như các nhạc sĩ nhóm nhạc cổ điển: Cung Tiến, Nguyễn Thiện Đạo, Duy Cường, Phạm Duy, Văn Cao, Phó Đức Phương, Văn Ký… Hai lãnh vực phạm trù âm nhạc: Bình dân và học thuật này, được tách bạch riêng biệt để, nước sông không phạm nước giếng. Và có lẽ, cũng đừng nên ảo tưởng để cái này thuần phục cái kia.

Ngày nay, cụm từ “Ca khúc vượt thời gian” được các nhà tổ chức Show diễn, băng đĩa…lạm dụng để dùng rộng rãi một cách búa xua vô tội vạ. Có những ca khúc chỉ mới tồn tại vài ba chục năm cũng được gọi là Ca khúc vượt thời gian??

Thông thường, khi dùng cụm từ “ca khúc vượt thời gian” là mang tính nội hàm ca khúc chất lượng nghệ thuật, tính ca khúc được yêu thích và mến mộ của công chúng yêu âm nhạc được trải qua thời gian lâu dài. Nhưng ở đây có một nghịch lý: một khi ca khúc có tính nghệ thuật cao, lại không đi cùng với sự yêu thích và mến mộ của công chúng theo năm tháng. Lấy ví dụ như nhạc sĩ tài hoa Cung Tiến, bậc thầy ca khúc cổ điển thì khó có nhạc sĩ nào sánh bằng. Lấy 4 ca khúc: Hương xưa, Thu vàng, Nguyệt cầm, Hoài cảm…được xếp vào loại ca khúc bất hủ. Thử hỏi giới công chúng bình dân được mấy ai mộ điệu những ca khúc này?? Trong khi dòng nhạc bình dân, nhạc vàng nhạc mùi, nhạc sến, dẫu có thua kém dòng nhạc học thuật, nhưng lại được số đông công chúng mến mộ và ưa thích qua thời gian dài năm tháng. Đó là một nghịch lý nội tại, rất khó để hòa giải.

Một vài giả định cho ca khúc vượt thời gian. Lấy ví dụ như những ca khúc tiền chiến là những ca khúc một thời được giới hâm mộ yêu mến, chắc chắn là những ca khúc vượt thời gian thì khỏi phải bàn. Nhưng rồi một thời gian sau, khi lớp già một thời yêu mến ca khúc tiền chiến đã qua đi, thế hệ trẻ kế cận cho đến những thế hệ sau không còn biết đến những ca khúc tiền chiến, liệu khi đó, những ca khúc tiền chiến có còn gọi là những ca khúc vượt thời gian nữa không?? Trường hợp giả định này rất có khả năng hiện thực; Bởi chỉ chưa đến 75 năm, mà những ca khúc tiền chiến đang có dấu hiệu phai mờ dần với thời gian. Dường như thế hệ trẻ chẳng còn mấy ai biết đến dòng nhạc ca khúc tiền chiến, và ngay cả các ca sĩ đương đại cũng dần thưa thớt hát thâu âm dòng nhạc này. Vậy khi đó, ca khúc tiền chiến có còn là “ca khúc vượt thời gian” nữa không??? Vì đã rơi rụng theo thời gian.

Nhưng rồi, những ca khúc nhạc vàng, nhạc sến một thời được cho là “thấp kém” của giới bình dân. Nếu như dòng nhạc này vẫn sống mãi cho đến sau, liệu những ca khúc này có được xếp vào “những ca khúc vượt thời gian” chăng?? Cho nên đừng tưởng rằng, cứ cao rao dòng nhạc học thuật mà tưởng sẽ sống mãi, mà coi thường dòng nhạc bình dân. Chính dòng nhạc này mới là Ca khúc vượt thời gian đấy!!! Mà khả năng nhạc vàng này sẽ sống mãi với thời gian là rất khả thi.

Nên chăng, thay vì sử dụng cụm từ “ca khúc vượt thời gian” thì dùng “ca khúc đi cùng năm tháng” sẽ ổn hơn!!?? Bởi ca khúc đi theo năm tháng được khi nào hay khi đó!!

Bài viết này chỉ đưa ra hiện trạng cụm từ “Ca khúc vượt thời gian”, được sử dụng rộng rãi một cách vô tội vạ, chứ không dám thẩm định đúng sai. Xin được nhường lại cái quyền này cho các nhà phê bình âm nhạc thẩm định.

 

Ngày 12.03.2023

 

 

 

 

 

Nguyễn Vĩnh Căn
Số lần đọc: 500
Ngày đăng: 15.05.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ý thức nhận biết - Võ Công Liêm
Tản mạn về rượu nho (7) - Nguyên Lạc
95. Vua Lê Thánh Tông [1443-1459]. 1 - Hồ Bạch Thảo
Đá còn tưởng nhớ - Nguyễn Đức Tùng
Robot- AI - Trí tuệ (và quái vật) nhân tạo - Trương Văn Dân
Tương quan giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Du - Võ Công Liêm
94. Vua Lê Nhân Tông. 3 - Hồ Bạch Thảo
Tương quan giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Du - Võ Công Liêm
- Hoàng Hưng
Mùa Chay Cả, chữ, và con người - Nguyễn Thụy Đan
Cùng một tác giả
Khát vọng sống (truyện ngắn)
Chạm đến tâm linh (truyện ngắn)
Chuyện của Dần (truyện ngắn)
Đôi mắt ấy… (truyện ngắn)
Luỵ đời (truyện ngắn)
Gã ngố ! (truyện ngắn)
Một mảnh đời… (truyện ngắn)
Đời gia sư (truyện ngắn)
Đồ đểu! (truyện ngắn)
Trò đùa số phận (truyện ngắn)
Ngỡ như giấc mơ (truyện ngắn)
Cuộc đời mẹ Monica (truyện ngắn)
Sau mười năm... (truyện ngắn)
Mẹ tôi (truyện ngắn)
Mê cảm (truyện ngắn)
Một số phận (truyện ngắn)