Y viết được dăm bài thơ, vài truyện ngắn gởi đi khắp nơi, hổng biết chất lượng thế nào mà chả thấy toà soạn nào hồi âm cả. Duy có tờ Đaị Thời Ngôn của địa phương chịu đăng, có lẽ đăng để trám chỗ trống những khi quảng cáo thiếu hoặc giả không cóp được gì trên mạng, nhất cử lưỡng tiện. Nhờ vậy mà báo vừa có bài mới vừa chẳng phải tốn công chi cả.
Từ ngày bài được đăng, y trở nên khác hẳn, đi đứng khệnh khạng, nói năng toàn lời lẽ đao to búa lớn hoặc giả là lý thuyết cao siêu, lý luận lập trường rất cứng, chỉ tiếc là kẻ đối diện thấp quá, không hiểu nổi y nói gì. Có kẻ thấp kém còn bảo:” Hiểu chết liền!” y nghe được cười khinh khỉnh ra vẻ không chấp bọn hạ đẳng. Bài của y được vài người thân khen lấy để mà có khen, khen đãi bôi… không ngờ y tưởng thật, y sướng rêm cả mình mẩy, tinh thần phất cao tựa như thăng hoa phát tiết tinh anh tới thời. Y ngỡ mình đã thành đaị văn hào hay đaị thi sĩ chi đó. Trong đầu y lập tức phác họa ra một viễn tượng cao xa và lớn lắm. Y đang thai nghén hay ôm ấp một hoài bão là sẽ viết một tác phẩm để đời, một tác phẩm cực kỳ lớn mới có thể dung chứa được toàn bộ tài năng của y. Tác phẩm ấy phải dùng loại ngôn ngữ bác học, tuyệt đối tránh những từ ngữ “ Nôm na mách qué”, ý nghĩa phải đa tầng, nội dung thì thâm thúy, phản ánh chuyện đời chuyện đạo…Điều quan trọng là tác phẩm của y phải tránh những vấn đề vặt vãnh, nhỏ bé, tủn mủn đaị loại như: Chuyện dân mất đất, chuyện quan xử oan, chuyện ăn cắp của công hay chuyện cô chiêu cậu ấm cậy thế làm càn, ăn chơi khoe thân khoe của…
Tác phẩm dự tính viết phải có tầm nhìn vĩ mô, phản ánh những vấn đề cực kỳ quan trọng và vĩ đaị của thời đaị hôm nay, của kỷ nguyên kỹ thuật số, kỹ thuật điện toán… Y dự định sẽ viết những vấn đề có tầm bao quát toàn thế giới, phải có chiều sâu của lịch sử nhân loại và nhất là phải có cái nhìn đi tắt đón đầu thời cuộc. Y cho rằng vấn đề y viết phải lưu laị cho lịch sử ít ra cũng vài trăm năm, kiểu như cụ Tiên Điền “ Bất tri tam bách dư niên hậu” vậy!
Kể từ lúc đề ra kế hoạch viết tác phẩm để đời như thế, y ngày đêm cứ như người mộng du, lúc nào cũng suy nghĩ đăm chiêu để tìm ý tứ cho câu văn, nghĩ suy cái đề tài ấy phải trình bày sao cho hàng thức giả, đaị trí thức đọc phải suy nghĩ và phải tác động vào tâm thức của họ. Y đắn đo lựa chọn từ ngữ thật kỹ càng, phải dùng những thuật ngữ đầy trí tuệ, ẩn chứa sự thông minh và trác tuyệt nhất. Y cũng tốn nhiều tâm lực để tìm tòi những thuật ngữ khoa học hiện đại để dùng trong tác phẩm lớn ấy. Y cho rằng, thời đaị hôm nay là thời đaị hoa học kỹ thuật tân tiến, nhất định tác phẩm của y phải cập nhật những phát minh, sáng chế hàng đầu của nhân loại, tỷ như: Kỹ thuật 4.0, đám mây, mạng 5G… và những phát kiến tầm cỡ vũ trụ như thám hiểm, thăm dò sao hoả, mặt trời…Điều đó sẽ chứng tỏ y là tác giả thức thời, hiện đaị. Chưa hết, y còn quan niệm thời đaị toàn cầu hoá, trái đất này nhỏ bé như một ngôi làng. Các nền văn minh va chạm dữ dội, các truyền thống văn hoá của các dân tộc khác nhau sẽ giao thoa và tác động qua laị, vì thế tác phẩm của y phải có tính chất toàn cầu, thể hiện sự tương tác và giao thoa của các nền văn minh lớn trên thế giới. Y cũng không quên tự nhắc nhở mình không sa đà mở rộng, vì thế sẽ làm loãng cái tính đậm đà của bản sắc dân tộc. Y chủ trương “ Hoà nhập nhưng không hoà tan”. Y vẫn thường tâm niệm “ có thực mới vực được đạo”, kinh tế là chủ chốt, xuyên suốt mọi vấn đề khác, kinh tế quyết định những mối quan hệ xã hội và gia đình. Ai nắm được hầu bao thì có quyền chi phối kẻ khác. Thời đaị vĩ mô, toàn cầu hoá các tập đoàn kinh tế sẽ quyết định tình hình kinh tế thế giới. Thì trường chứng khoán là biểu đồ, là nhiệt kế của nền kinh tế, vì thế y quyết định dành một vài chương để trình bày về kinh tế vi mô và vĩ mô. Y sẽ đề cập đến bản chất và sự tác động của kinh tế đối với xã hội và hạnh phúc gia đình, những lợi ích to lớn cũng như hệ quả tất yếu của kinh tế. Y sẽ phân tích và đưa ra những nhận định, những dự đoán cho nền kinh tế thế giới trong thời đaị toàn cầu hoá. Y vốn là người phương Đông nên cũng có máu hoài cổ, vì vậy y lục tìm những tài liệu cổ để có cái nhìn tổng quan về kinh tế của thế giới cổ đại. Y sẽ đưa vào tác phẩm của mình những con số, những dữ liệu thật đáng tin cậy của nền kinh tế nhân loại từ cổ chí kim.
Khi chuẩn bị bắt tay vào viết, y xác định rõ lập trường quan điểm vững mạnh, phải có tư tưởng lớn để tác phẩm không rơi vào tình trạng tủn mủn, vụn vặt. Y xuất thân từ vài khoá học về khoa học xã hội, laị được tập huấn về lý luận, bổ túc thêm những lớp về tranh đấu giai cấp… vì thế y lựa chọn từ ngữ, văn ngôn cẩn trọng, chỉnh chu. Văn phải có tính chính luận, laị phải đột phá và khai phóng, phải tiếp cận với trào lưu hiện đaị, hậu hiện đaị lẫn siêu hình thức, tân hình thức…Những chương về chính trị thì lập luận sắc bén, kiên quyết về lập trường, bảo vệ quan điểm giai cấp, không chấp nhận tư tưởng diễn biến, thoả hiệp…mảng kinh tế phải có tính chuẩn và chính xác, thể hiện như xác xuất thống kê. Mục văn hoá xã hội phải có tính phổ cập laị chuyên sâu để giới học giả có thể tham khảo và giới bình dân có thể tiếp cận được. Riêng mục văn chương phải bay bướm, lãng mạng, nhất định phải có thần cú xuất siêu, thơ thì tản thần thi tứ. Đặc biệt y sẽ cho ra một loại thi văn vô cùng độc đáo, thơ lai văn để tạo ra sản phẩm có một không hai, đaị khái như kiểu xe Hybird chạy bằng xăng và cả điện hay ga vậy! Loại thi văn hay văn thi này thì rất hiện đaị, phế bỏ ngữ pháp, câu cú, dấu câu, quy tắc viết hoa…Thi văn hiện đại phải là như thế, có vậy mới phóng bút phát triển được cảm xúc nghệ thuật văn chương thi phú. Nhất định phá bỏ hết những ràng buộc về ngữ pháp, ngữ pháp ràng buộc cầm tù căn chương, phá hoại nghệ thuật. Thời đaị hiện đaị, văn thi phải tân hình thức, siêu thực, siêu tưởng… có thế tác phẩm mới xứng đáng tầm cỡ hoàn vũ.
Kế hoạch viết tác phẩm để đời vẫn ngaỳ ngày càng hoàn thiện cấu tứ khung sườn. Y ngày đêm sáu thời đi, đứng, nằm, ngồi đều dồn tâm trí nghiền ngẫm về nó, bao nhiêu tâm tư dành hết cho tác phẩm lớn để đời. Ngay cả lúc làm tình y cũng suy nghĩ về nó, vì mãi nghĩ nên thiếu tập trung hành sự làm cho vợ y không thoã mãn, vợ y bực tức sanh nghi y có bồ nhí. Y phải ra sức thanh minh thanh nga, phân trần giải thích về kế hoạch viết tác phẩm lớn để đời ấy. Vợ y phì cười:” Rõ vớ vẩn! tác phẩm với tác màu, viết không khéo đụng chạm là đi tù như chơi! Văn chương ấm ớ hội tề, liệu sách viết ra có bán được xu teng nào chăng? ngủ đi, mai dậy đi cày mà lấy tiền mua sữa cho con.”. Y cụt hứng, nhiệt huyết giảm nghiêm trọng, tự trọng bị tổn thương… nhưng y tặc lưỡi:” Đàn bà đái không khỏi ngọn cỏ, hơi đâu trách! Đàn bà vốn tủn mủn vụn vặt chuyện cơm áo gạo tiền, làm sao với tới tư tưởng lớn, tầm nhìn xa, làm sao hiểu được cái dự án tác phẩm để đời ấy!” nghĩ thế nên y cảm thấy được an ủi dễ sợ. Y còn cho rằng “Phàm việc lớn phải gặp trở ngại, có thử thách thì thành công mới vẻ vang”. Y tự cười thầm và sung sướng như người tự sướng.
Đêm dần về sáng, bất chợt y ngồi dậy, tay chém dứ dứ trong hư không, miệng lẩm bẩm” Phải dứt khoát viết cho xong tác phẩm này, mỗi ngày phải viết hai mươi trang!”. Nghe động, vợ y thức giấc, thấy thế, cô ta rền rĩ” Khổ thân tôi! lấy chồng văn sĩ, thà lấy ma cô đắt mối còn có cái ăn bỏ lỗ miệng, lấy văn sĩ có mà ăn bánh vẽ!”. Nghe vợ nói thế, y tỉnh người ra, nằm vật xuống, mắt nhìn trừng trừng lên trần nhà, bụng nghĩ thầm:” Đàn bà thật nhỏ bé, đáng thương làm sao? Đàn bà không thể hiểu được chí lớn của mình”.
Đồng hồ báo thức đổ chuông “đính đon, đính đon…”liên hồi, trong đầu y loé lên một tia sáng:” Cần phải đưa vào trong tác phẩm của mình chuyện vợ chồng, đây cũng là đề tài thực tế, nhân bản và hữu ích cho loài người. Chuyện vợ chông bên Đông hay bên Tây, từ xưa hay bây giờ cũng đều giống nhau, ngọt ngào thì ít mà chua cay thì nhiều. Vợ chồng nào cũng có vô số vấn đề để mổ xẻ, bàn tán, nghiên cứu…Vợ chồng lấy nhau, lập thành gia đình, mỗi gia đình là một tế bào hay một viên gạch của toà nhà xã hội. Gia đình có yên vui thì xã hội mới hoà bình và phát triển. Vợ chồng có ấm êm thì xã hội mới hoà hợp, thế giới mới hoà bình. Sức ảnh hưởng của gia đình rất lớn, vì vậy tác phẩm lớn để đời thì không thể thiếu vấn đề này! đây là vấn đề cao cả, nhân văn. Y sẽ định hướng cho độc giả, giúp cho độc giả hiểu biết hơn, sống tốt đẹp hơn, như thế là phục vụ cho nhân quần và xã hội. Còn mải nghĩ về đề tài “Vợ chồng và gia đình” trong tác phẩm cuả mình, chợt nghe cô vợ cằn nhằn:” Ngày cuối tuần sao không tắt chuông báo thức? lúc nào cũng ngơ ngẩn như kẻ mộng du, dẹp mẹ nó cái tác phẩm lớn để đời ấy đi!”. Y lẳng lặng không trả lời, vì y biết đàn bà không thể nào hiểu được tư tưởng của y. Đàn bà chỉ biết son phấn là cùng, tư tưởng và tầm nhìn không qua nổi cái váy cũn cỡn”
Y thức dậy sớm hơn mọi ngày, sau khi vệ sinh thì mở máy tính lên định viết, máy tính còn khởi động thì tâm ý y liền nghĩ về tên của tác phẩm. cái tên rất quan trọng, người ta nói “ xem mặt đặt tên” là vậy! Cái tên phải ít nhiều thể hiện nội dung, tư tưởng của tác phẩm, phải chuyển tải cái thông điệp mà tác giả muốn gởi gắm. Cái tên cũng cần phải có tính ẩn dụ để cho độc giả suy gẫm khi cầm cuốn sách trên tay, có vậy mới hấp dẫn và lôi cuốn. Chưa hết, tác phẩm lớn thì cái tên phải có tính tuyền thống laị vừa mang dấu ấn hiện đaị của thời đaị. Y liệt kê ra một loạt những cái tên dự kiến cho tác phẩm, những cái tên đaị loại như: Văn chương và thời đaị toàn cầu hoá, Nghệ thuật ngôn từ thời kỹ thuật số, văn chương và kinh tế tác động như thế nào đến gia đình… vân vân và vân vân. Những cái tên rất kêu, đầy ấn tượng, sau khi viết ra laị loay hoay lựa chọn, những cái tên nhảy loạn xạ như những con số lô tô trong lồng quay. Cái tên này thì có tính nghệ thuật hơn nhưng tên kia thì có tính hiện đaị, cái tên nọ thì phổ cập, cái tên ấy thì hướng đến hạng độc giả có trình độ học thức cao… Tính tới tính lui đến khi trời sáng rỡ bên ngoài mà vẫn chưa lựa chọn xong. Y gác laị, định bụng viết xong rồi chọn tên sau.
Những ngày kế tiếp y luôn động não tầm tứ, tìm câu, chọn chữ, viết được trang đầu thì trong đầu y laị nảy sinh vấn đề khác. Y tự nhủ “ vấn đề chính trị, tôn giáo và giới tính là ba vấn đề cực kỳ nhạy cảm, đụng đến sẽ va chạm, sẽ bị nhà cầm quyền làm khó, sẽ bị dư luận chống đối, bạn bè tranh cãi thị phi… nói chung là vô cùng rắc rối! Mình phải tránh né ba vấn đề này, vả laị làm nghệ thuật phải phi chính trị, phi tôn giáo, phi giới tính. Nghệ thuật đích thực phải nằm ngoài ba vấn đề này, nhất là vấn đề chính trị, cho dù có nói đến dân chủ hay nhân quyền cũng không hay ho gì, nó sẽ làm mất tính trong sáng, tính hoàn mỹ của nghệ thuật. Nghĩ đến đó thôi, chí khí y cao ngất như Trường Sơn, nhiệt huyết bừng bừng như lửa lớn, cảm hứng trào dâng như sóng biển, tư tưởng bay bổng như gió lớn. Y thấy mình vượt xa, vượt cao hơn đồng loại, thấy mình bay bổng trên hư không như đaị bàng, nhìn xuống thấy cây cỏ bụi bờ thấp bé; thấy chồn cáo, thỏ chuột sao mà đáng thương quá . Y cao hứng lẩm bẩm một mình:” Rồi đây nhân loại sẽ ghi nhận thành quả của ta, tác phẩm của ta sẽ được trang trọng lưu giữ ở những thư viện lừng danh của Oxford, MIT, Quốc hội Hoa Kỳ, Georgia Tech…” Y sung sướng mơ màng tưởng tượng y sẽ là nhà văn gốc mít đầu tiên được giải Nobel văn chương, sẽ được mời nói chuyện ở các viện đaị học lớn của thế giới. Tác phẩm để đời của y sẽ được giảng dạy ở bậc đaị học, các học giả về giáo dục, nghệ thuật, ngôn ngữ… sẽ lấy sách y làm kim chỉ nam. Các nhà xã hội học, kinh tế gia sẽ nghiên cứu tác phẩm của y để đề ra kế hoạch cho hiện tại và tương lai. Các nhà hoạch định chính sách sẽ dùng tư liệu trong tác phẩm để đời của y để vạch ra đường lối phát triển kinh tế, xã hội. Các nhà thơ sẽ lấy tác phẩm của y làm sách gối đầu, sẽ ứng dụng cách sử dụng ngôn từ nghệ thuật…
Những tuần kế tiếp y tiếp tục viết, cắm cúi viết, mày mò viết, thỉnh thoảng ngồi thừ ra nghiền ngẫm sẽ thêm vấn đề này, loại bớt mục nọ để cho tác phẩm hoàn hảo tuyệt đối, hoàn hảo kiểu như quyển “ Lã Thị Xuân Thu” của Lã Bất Vi vậy! Tác phẩm của y sẽ hoàn hảo đến độ không thể thêm hay bớt một chữ hay một từ nào. Y laị thầm nghĩ “ Giá mà mình có tiền và có thế lực, mình cũng sẽ treo vàng làm giải thưởng cho những ai có thể thêm bớt hay sửa chữ nào trong tác phẩm của mình.” Y viết rồi tẩy xoá, sửa chữa, thậm chí viết dăm trang laị bỏ đi để viết laị cho nó hay hơn.
Tiếp những tuần sau, suy nghĩ đã chín mùi, nội dung tác phẩm cũng phác hoạ xong, ngôn từ đủ rồi. Y tiếp tục viết, cứ viết vài đoạn thì ngưng để đọc và cảm thấy không hài lòng. Y lầu bầu trong miệng:” như thế naỳ thì không hấp dẫn, cũng không thể hiện được văn phong bút pháp cuả mình”. Y laị xoá và viết, y đinh ninh phải viết cho đậm đà nhưng phải bay bổng, câu văn vừa chỉnh chu nhưng không kém phần bay bướm thì mới ăn khách. Y laị cặm cuị viết, rị mọ viết cái ý nghĩ ra, khốn nỗi sao nó cứ tắc tị. Y còn ngổn ngang những ý tứ phải viết thế này thế nọ thì nghe tiếng vợ nheo nheó kêu đi đón con, bực bội vì quấy quá làm phân tán tư tưởng nên y lảm nhảm:” Rõ chán đàn bà, ba cái chuyện trẻ con vặt vãnh làm hỏng cả ý đồ nghệ thuật của ta, đàn bà thật chẳng biết tôn trọng lao động sáng tạo là gì cả!”, tuy vậy nhưng cũng phải tạm dừng việc viết lách để đi đón con.
Cho đến một hôm nọ, trời đã khuya lắm rồi mà y vẫn còn chong đèn mò mẫn viết, khổ nỗi cứ mươi hàng là bí cả ngôn từ lẫn ý tứ. Y ngồi thừ ra đó, mân mê mấy sợi râu cằm, thỉnh thoảng vỗ trán tìm tứ mới. Vợ y từ phòng trong leó nhéo gọi:” Viết gì mà viết mãi không xong, chẳng biết cái nghệ thuật ấy có vực được mấy miệng ăn trong nhà này không? ngủ đi! mai dậy sớm đi cày, cứ đi trễ hoài hãng nó đuổi là không có tiền trả hoá đơn, bây giờ ăn mày cả đám!”. Y giơ hai tay kêu trời:” Rõ khổ thân tôi! Đàn bà chẳng biết chi là nghệ thuật cả, phải biết hy sinh cái nhỏ nhặt của đời thường để đạt cái đỉnh cao của nghệ thuật!”
Tuy miệng nói cứng vậy nhưng vẫn tắt đèn đi ngủ, trong giấc ngủ chập chờn, tác phẩm lớn để đời cứ lung linh như cánh bướm trong tâm ý của y.
Ất Lăng thành, 11/2020