Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.047
123.201.719
 
97. Vua Lê Thánh Tông. 3
Hồ Bạch Thảo

 

Ngày 17 tháng giêng năm Quang Thuận năm thứ 5 [23/2/1464], Vua Anh Tông nhà Minh mất; 5 hôm sau vào ngày 28/2/1464 Vua Hiến Tông lên ngôi:

 “Mùa xuân, tháng giêng, ngày 17, vua Anh Tông nhà Minh băng. Ngày 22, [15b] Thái tử Kiến Nhu lên ngôi, đổi niên hiệu là Thành Hóa. Đó là Hiến Tông.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 15a.

Tháng 2 [8/3-6/4/1464], Vua Lê Thánh Tông trở về Thanh Hóa bái yết lăng tẩm. Ban sắc khen Thượng thư bộ Hình Lê Cảnh Huy đã đưa lời nói thẳng; khuyến khích nên xét kỹ những vụ án oan uổng, để xứng với chức vụ:

Tháng 2, vua ngự về Tây Kinh bái yết sơn lăng.

Sắc dụ chưởng Hình bộ Lê Cảnh Huy rằng:

"Ngươi nhiều lần giữ chức then máy của triều đình, công tích đáng ghi, đã hết lòng can ngăn nói thẳng, chỉ ra lỗi lầm của trẫm, dẫu nữa được nữa hỏng, nhưng phương cứu tệ, giúp đời xuất phát từ lòng trung quân ái quốc, đã liền dòng liền trang rồi. Từ nay về sau, ngươi hãy xét kỹ những việc oan uổng, dẹp bớt những kẻ gian ngoan, bàn luận ở triều đình cho trắng đen sáng tỏ, phải đối chiếu với nghĩa lý, chớ có làm điều khôi hài. Trao cho chức lớn, ký thác việc nặng, trẫm chỉ còn trông đợi ở một khanh thôi". Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 15b.

Tháng 3, Vua Minh tặng Vua Thánh Tông y phục. Trong tháng này Sứ Chiêm Thành tố cáo An Nam xâm lăng, xin nhà Minh giữ dùm biên giới như dưới thời Vĩnh Lạc đã làm; nhưng triều đình nhà Minh không chấp thuận:

Ngày 3 tháng 3 năm Thiên Thuận thứ 8 [ 9/4/1464]. Ban cho Quốc vương An Nam Lê Hạo mũ da; khăn, cùng 1 bộ lễ phục; một bộ thường phục lụa hồng; dây đai bằng quyên, lụa sa tê giác; một dây cho mỗi thứ y phục. Nhân Bồi thần của Hạo tâu xin một loại triều phục nhưng không được chấp thuận, nên ban cho những thứ nêu trên. Lại cho Bồi thần 100 lạng bạc.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 76)

Ngày 7 tháng 3 năm Thiên Thuận thứ 8 [ 13/4/1464]. Quốc vương Chiêm Thành Bàn La Trà Toàn sai sứ tâu rằng nước An Nam xâm lăng quấy nhiễu để đòi hỏi voi trắng. Xin căn cứ theo việc làm dưới thời Vĩnh Lạc [1403-1424] cử Sứ giả đến chiêu an, lập bia đá tại biên giới để khỏi xâm phạm; chấm dứt thù hằn gây hấn. Lời xin được đưa xuống bộ Binh bàn, rồi phúc tấu:

‘Xin Thông sự bảo Sứ thần trở về nói với Quốc vương rằng hãy cẩn thận giữ lễ pháp, giữ vững biên cảnh chống lại ngoại xâm, đừng nông nỗi gây họa.’

 Thiên tử chấp thuận.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 77)

Tháng 7 [3/8-1/9/1464], truy tặng tước Bá cho Nguyễn Trãi, và ban cho con ông là Anh Vũ chức Tri châu:

Tháng 7, mùa thu. Truy tặng Lê Trãi tước Tán trù bá và bổ dụng người con của Nguyễn Trãi. Trước kia, Nguyễn Trãi bị tru di cả họ, lúc ấy người vợ thiếp của ông là Phạm Thị đương có mang, trốn đi Bồn Man (1), sinh con là Anh Vũ. Lớn lên, Anh Vũ thi đỗ hương cống. Đến nay, nhà vua thương Nguyễn Trãi phải tội oan, truy tặng tước Tán trù bá, cấp trả lại một trăm mẫu tự điền, hạ chiếu lục dụng người con, bổ Anh Vũ chức Đồng tri châu.”Cương Mục, Chỉnh Biên, quyển 19.

Bấy giờ người dân Mường Lễ, Lai Châu, thường sang Vân Nam quấy phá. Đô sát viện nhà Minh cho điều tra nguồn gốc thấy rằng Mường Lễ tức châu Ninh Viễn  và cả đất Lộc Châu; thời đầu triều Minh vốn thuộc Trung Quốc, nay bị sáp nhập vào An Nam:

Ngày 4 tháng 7 năm Thiên Thuận thứ 8 [6/8/1464]. Đầu mục châu Ninh Viễn (2) Thứ Mãnh Thứ Tiễn dẫn thổ dân Bạch Di chân trắng đến cướp phá tại La Mai, phủ Lâm An Vân Nam; viên Tri phủ Châu Anh dấu việc này không trình. Rồi có một số hơn 80 người gồm cả trai gái thuộc trại Ha tại An Nam đến theo; y lại che dấu lỗi và tự trưng công.  Bọn quan Tổng binh Đô đốc Đồng tri Mộc Toản tâu lên, Đô sát viện xin Tuần Án Ngự sử bắt và điều tra. Châu Ninh Viễn vốn là đất của Trung Quốc, hồi đầu triều Minh thuộc ty Bố chánh Vân Nam; năm đầu Tuyên Đức, Lê Lợi làm phản, triều đình cho lại đất cũ. Bởi vậy cả châu Ninh Viễn và Lộc Châu  thuộc phủ Thái Bình (3) Quảng Tây bị chúng chiếm. Lúc bấy giờ cơ quan hữu trách không kiểm sóat, nên bị mất vào tay Di.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 77)

Tháng 10 [31/10-28/11/1464], nhân Vua Hiến Tông lên ngôi, nhà Minh cử sứ bộ sang nước ta báo tin. Sứ bộ khởi hành tại Bắc Kinh vào tháng 2; mang sắc, cùng gấm, lụa để ban tặng:

Mùa đông, tháng 10, nhà Minh sai chánh sứ là Thượng bảo tự khanh Tô Lăng Tín, phó sứ là bọn Hành nhân ty hành nhân Thiệu Chấn sang báo việc Hiến Tông lên ngôi và ban cho mũ áo, vóc lụa cùng sắc dụ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 16b.

Ngày 19 tháng 2 năm Thiên Thuận thứ 8 [26/3/1464]. Nhân lên ngôi, sai Thái bộc Tự thừa Kim Thực làm Chánh sứ, Trung thư Xá nhân Trương Thành làm Phó sứ đến nước Triều Tiên; Thượng bảo Tư khanh Lăng Tín làm Chánh sứ, Hành nhân ty Ty chính Thiệu Chấn làm Phó sứ đến An Nam. Mỗi phái đoàn mang chiếu sắc, cùng lụa trữ trong ngoài, gấm, nhung có thêu hoa ban cho Vương cùng Vương phi. Ban cho Chánh Phó sứ một bộ y phục thêu kỳ lân để hành lễ cùng 100 đỉnh bạc.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 76)

Tháng 11 [29/11-28/12/1464], cử 3 sứ bộ sang nhà Minh; gồm: điếu tế Vua Anh Tông, mừng Vua Hiến Tông lên ngôi, và tạ ơn ban cho vóc lụa:

Tháng 11, sai sứ sang nhà Minh: Phạm Bá Khuê dâng hương; Lê Hữu Trực, Dương Tông Hải, Phạm Khánh Dung mừng lên ngôi. Lê Tông Vinh, Phạm Cừ, Trần Văn Chân tạ ơn ban vóc lụa.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 16b.

Tháng chạp [29/12/1464-26/1/1465], Vua ra lệnh khi xử kiện, đối với những án còn ngờ, cho giảm mức án. Theo lệ đời Vua Thái Tổ, bề tôi có công lớn được ban quốc tính họ Lê; nay chỉ áp dụng cho bản thân, còn các đời sau cho trở về họ cũ, để khỏi mất gốc. Thái úy Nguyễn Xí người có công đầu đưa Vua lên ngôi, bị bệnh nặng, Vua ân cần khuyến khích thuốc thang :

Tháng 12, cấm các quan nhậm chức bên ngoài vô cớ về kinh đệ trình bản tâu. Có thánh chỉ rằng những tội nào còn ngờ thì xử giảm mức. Sắc dụ đại thần và các quan rằng:

Xưa Thái Tổ ta dãi gió dầm mưa để bình định thiên hạ, bấy giờ các bề tôi có công ra sức giúp dân, cùng chịu gian lao khổ ải, tình nghĩa đều vẹn toàn. Vì thế, đặc ân ban quốc tính để tỏ lòng yêu qúi khác thường. Nhưng con cháu các ngươi truyền nối lâu dài[17a] e rằng quên mất họ cũ của tổ tiên, trái với đạo dạy người ta hiếu thảo. Từ nay về sau, công thần được đặc ân ban quốc tính thì chỉ một đời người ấy thôi, còn con cháu thì đều theo họ cũ.

Thái úy Nguyễn Xí ốm. Vua dụ rằng:

Ngày xưa trẫm làm phiên vương, nhởn nhơ chốn cửa son, không có ý lên ngôi báu. Vì bọn khanh đồng lòng suy tôn, diệt bọn phản nghịch, đưa trẫm lên ngôi báu, đến nay đã 5 năm. Thú vui con hát, vũ nữ thì khanh không bằng  họ Thạch họ Cao nhà Tống (4), mà lo lắng đến héo ruột khô tim thì khanh hơn hẳn họ Phòng, họ Đỗ đời Đường (5) . Công lao đó trẫm chưa báo đền, bệnh khanh sao đã trầm trọng thế? Nếu khanh nghĩ đến nước, thì cơm cháo phải cố mà ăn, nếu khanh lo cho trẫm thì thuốc thang phải cố mà uống. Đối với Sư Hồi, khanh chẳng phải là thân phụ đó sao? Hãy nên dốc lòng hết lòng thành kính của mình. Người xưa cúng trời tế quỷ để trừ tai ách, khanh thử nghĩ xem!". Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 16b.

Tháng giêng năm Quang Thuận thứ 6 [27/1-24/2/1465], (Minh Hiến Tông Thành Hóa năm thứ 1); ra lệnh phân loại các quan xử kiện làm 3 hạng, hạng hèn kém cho ra làm việc chuyển vận:

Ra lệnh chỉ cho các quan nắm việc kiện tụng rằng: [18b] "Nên xét định ngay các đại phu ở Ngũ hình viện (6), người nào xử kiện không có oan uổng thì ghi thành một hạng, người nào bình thường ghi thành một hạng, người nào hèn kém thì ghi thành một hạng, tâu trình lên. Hạng không có oan uổng thì khen thưởng, hạng bình thường thi giữ lại làm việc, hạng hèn kém thì bổ chức Chuyển vận ". Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 18a.

Tháng 3 [27/3-24/4/1465]; bắt đầu đặt sáu viện và 6 khoa, sắp xếp lại các tên quan:

Hồi đầu triều Lê, sắp xếp quan chức, phần nhiều theo như triều Trần khi trước, trên có Tả Hữu tướng quốc Bình chương quân quốc trọng sự, thứ đến bộ Lễ, bộ Lại, viện Nội mật và ba sảnh là Trung thư, Hoàng môn và Môn hạ. Viên chức trong bộ, viện, sảnh chia nhau nắm chính quyền trong nước. Lại đặt chức Hành khiển ở năm đạo, kiêm giữ sổ sách quân và dân ở các đạo ngoài kinh sư. Còn tên quan ở sáu bộ và sáu khoa vẫn chưa đặt đủ.

 Đến lúc Nghi Dân cướp ngôi vua, mới sắp xếp riêng sáu bộ là: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Công, Hình; lại đặt thêm sáu khoa là: Trung thư khoa, Hải khoa, Đông khoa, Tây khoa, Nam khoa và Bắc khoa.

 Đến nay, đổi sáu bộ làm sáu viện, mỗi viện đều đặt chức Thượng thư và Tả Hữu thị lang, đổi Trung thư khoa làm Lại khoa, Hải khoa là Hộ khoa, Đông khoa làm Lễ khoa, Nam khoa làm Binh khoa, Tây khoa làm Hình khoa, Bắc khoa làm Công khoa, đặt chức Đô cấp sự trung; bãi bỏ chức Hành khiển ở các đạo, đặt ty Tuyên chính sứ, mỗi ty đều đặt chức Tuyên chính sứ.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 19.

Ngày 16 tháng 3 [11/4/1465] có nguyệt thực toàn phần; Minh Thực Lục ghi ngày 16 tức ngày Quí Hợi, chép như sau “癸亥月食 Quí Hợi nguyệt thực”; chứng tỏ lịch hai nước giống nhau, cùng phúc trình đúng một sự kiện thiên nhiên. Riêng về tư liệu phương Tây trong Catalog of Lunar Eclipses cũng ghi nhận rằng ngày 11/4/1465 có nguyệt thực toàn phần.

 Nhân tháng 11 năm ngoái các sứ bộ nước ta sang nhà Minh dâng hương ai điếu và mừng lên ngôi; đến tháng 8 năm nay đều đến kinh đô Bắc Kinh hành lễ:

Ngày 15 tháng 8 năm Thành Hóa thứ nhất [ 5/9/1465]. Nhân Tiên Đế về trời, Quốc vương An Nam Lê Hạo sai bọn Bồi thần Phạm Bạch Khuê đến dâng hương. Mệnh Bạch Khuê đến Dụ lăng làm lễ.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 78)

Ngày 16 tháng 8 năm Thành Hóa thứ nhất [ 6/9/1465]. Quốc vương An Nam Lê Hạo sai bọn Bồi thần Lê Hữu Trực dâng biểu cùng sản vật địa phương mừng Thiên tử lên ngôi. Đãi yến cùng ban cho các vật như y phục bằng lụa đoạn có phân biệt. Lại giao cho Sứ thần lụa ỷ nạm vàng, cùng sắc văn để ban cho Quốc vương.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 78)

Tháng 9 [20/9-19/10/1465], cho phép các huyện được dùng duyện lại làm phụ tá, để công việc hành chánh không bị ứ đọng:

Có thánh chỉ dụ các quan trấn, huyện lựa chọn duyên lại trong nha môn của mình xem người nào tài giỏi, liêm khiết, quen thạo công việc cho tâu lên đặt mỗi nha một người thường xuyên để tiện làm việc. Bấy giờ, Hàn lâm viện đại học sĩ quyền Ngự sử đại phu Trần Bàn tâu rằng:

Triều đình đặt quan, phân chức cốt là vì dân, dân chúng thưa kiện phiền toái, sổ sách giấy tờ gấp vội, quan không thể soi xét xử lý hết được, lại giao cho lại kiểm xét giấy tờ. [20b] Cho nên tâu rằng: Quan không có lại thì không đi được, lại không có quan thì không đứng được là bởi để cùng nhau làm việc vậy. Nay thần trộm lo rằng, các nha môn sổ sách giấy tờ gấp vội, khó lòng tránh khỏi tội lỗi. Cúi xin định lệ ban xuống cho các huyện, lộ, mỗi nơi đặt một người duyện lại thường xuyên, am hiểu sổ sách giấy tờ, giỏi viết chữ, làm tính để giữ công văn giấy tờ. Như thế thì sổ sách giấy tờ không còn lo chậm đọng nữa, mà dân cũng khổ vì nạn ở lại hầu kiện lâu ngày.

 Vua y cho, nên định lệ này.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 20a.

Tháng 10 [20/10-18/11/1465], ra lệnh cho các nghệ sĩ trình diễn không được đưa cha mẹ, quan lại ra giễu cợt. Trong tháng này, khai quốc công thần Nguyễn Xí mất. Cử 2 sứ bộ sang nhà Minh; nạp cống hàng năm và trình bày việc biên giới tại châu Bảo Lạc, Cao Bằng:

Mùa đông, tháng 10, cấm bọn con hát không được giễu cợt cha mẹ và quan trưởng.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 20b.

 “Hữu tướng quốc Quỳ quận công Lê Xí mất. Xí là bậc công thần khai quốc, trải thờ bốn triều vua, công nghiệp đức vọng làm chỗ dựa chắc chắn của triều đình. Sau khi nhà vua đã lên ngôi, Xí là người có công, được phong lên chức Thái phó, tước Á quận hầu, giúp vua giữ việc chính trị trong nước, rồi lại được gia phong lên tước Quỳ quận công, càng ngày càng được nhà vua tin dùng…Khi mất, hưởng thọ 69 tuổi, nhà vua thương xót mãi, truy tặng chức Thái sư, đặt tên thụy là Nghĩa Võ, sau được gia phong tước Cương quốc công.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 19.

 “Vua sai sứ sang nhà Minh: Đào Tuấn, Đào Chính Kỷ, Lê Đích nộp cống hằng năm; Nguyễn Sĩ Hưng tâu việc châu Bảo Lạc bị bắt người cướp của.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 20b.

Tháng 11 [19/11-17/12/1465] , ban hành trận đồ pháp: bộ trận, thủy trận, tượng trận, mã trận. Ra lệnh các quân, căn cứ vào các trận đồ, hàng tháng cho luyện tập:

Ban hành phép duyệt tập trận đồ thủy bộ. Về thủy trận thì có những đồ pháp như: Trung hư 1 , Thường sơn xà 2 , Mãn thiên tinh 3 , Nhạn hang 4 , Liên châu 5 , Ngư đội 6 , Tam tài hành 7 , Thất môn 8 , Yển [21b] nguyệt 9.

 Trung hư 1: có nghĩa là trống giữa. Thường sơn xà 2: rắn Thường sơn.  Mãn thiên tinh 3: sao đầy trời. Nhạn hng 4: chim nhạn bay sóng hàng. Liên châu 5: chuỗi hạt châu. Ngư đội 6: đàn cá. Tam tài hành 7: trời, đất, người là tam tài. Thất môn 8: bảy cửa .  Yển nguyệt 9: trăng khuyết.

Về bộ trận thì có những đồ pháp như: Trương cơ, Tương kích, Kỳ binh. Lại ban 31 điều quân lệnh về thủy trận, 22 điều về tượng trận, 27 điều về mã trận, 42 điều về kinh vệ bộ trận.

Vua lại dụ các Tổng quản, Tổng tri các vệ quân năm đạo và quân các phủ trấn rằng:

Hễ có quốc gia là phải có võ bị. Những lúc rỗi việc làm ruộng, phải ngừng những việc không cần kíp, cứ ngày rằm hằng tháng, thì vào phiên để điểm mục, liệu cắt quân nhân vào những việc như giữ cửa nhà, điếm canh, kiếm cỏ lợp nhà, nuôi voi... Còn thì trước đó một, hai ngày, phải theo các trận đồ nhà nước ban xuống, ở ngay địa phận của vệ mình đóng, tiến hành chỉnh đốn đội ngũ, dạy quân lính những phép ngồi, đứng, tiến, lui, tập nghe những tiếng hiệu lệnh chiêng trống, cho quân lính quen với cung tên, không quên việc võ bị. Đến ngày thứ tư trở đi, mới sai làm [22a] tạp dịch. Nếu quan nào không biết để tâm răn dạy, rèn tập quân lính, dám sai chúng làm các việc tạp nhiễu thì cứ xử biếm chức hoặc bãi chức". Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 21a.

Tháng 3 năm Quang Thuận thứ 7 [16/3-14/4/1466], (Minh Thành Hóa năm thứ 2); mở khoa thi hội, theo qui chế mới 3 năm một lần. Bài văn bia nhan đề Tiến sĩ đề danh bi ký của Đàm Văn Lễ, trình bày so sánh qui mô qua các đời như sau:

 “Tổ chức thi hội cho các thí sinh trong cả nước. Lấy đỗ 27 người. Tháng 3, ngày 12 [27/3/1466], vua ngự ra điện Kính Thiên, thân hành ra đề bài văn sách hỏi các đế vương trị thiên hạ.

Sai Sùng tiến nhập nội tả đô đốc kiêm thái tử thiếu bảo Lê Cảnh Huy và quyền Chính sự viện thượng thư kiêm Cẩn Đức điện đại học sĩ thái tử tân khách Nguyễn Như Đổ làm đề điệu, Hàn Lâm viện đại học sĩ quyền ngự sử đài đô ngự sử đại phu Trần Bàn làm giám thí. Hàn lâm viện thừa chỉ Nguyễn Trực, Hàn lâm viện thừa chỉ quyền Hộ bộ hữu thị lang kiêm Cẩn Đức điện đại học sĩ nhập thị kinh diên tả xuân phường thái tử tả dụ đức Nguyễn Cư [23a] Đạo, Hàn lâm viện học sĩ hành Hải Tây đạo Tuyên chính sứ ty tham tri kiêm bí thư giám học sĩ Vũ Vĩnh Trinh làm độc quyển.

Lấy bọn Dương Như Châu 8 người đỗ tiến sĩ; bọn Nguyễn Nhân Thiếp 19 người đỗ đồng tiến sĩ. Quy chế 3 năm một lần thi hội là bắt đầu từ khoa này.

 Ngày 26 [10/4/1466], xướng danh bọn tiến sĩ Dương Như Châu. Vua ban ân mệnh. Lễ bộ đem bảng vàng yết ở ngoài cửa Đông Hoa.

Tháng 3 nhuận, ngày mùng 3 [17/4/1466], ban cho bọn tiến sĩ Dương Như Châu vinh quy.

 Xét: Bài Tiến sĩ đề danh bi ký của Đàm Văn Lễ ghi:

"Nhân tài có quan hệ rất lớn đối với nước nhà. Từ đời Đường Ngu, Tam đại đến Hán, Đường, Tống, lập ra tường tự, học hiệu (7) mà nhân tài được đào tạo, ban hành phép thi cử mà nhân tài được sử dụng. Tuy hiệu quả trị nước có thuần, có tạp [23b]; nhưng chưa bao giờ không coi việc chọn người tài giỏi đâu! Lê Thái Tổ bình định thiên hạ nuôi dạy anh tài, hỏi tìm rộng rãi thì cầu người ẩn dật, thu chọn quy mô thì thi khảo học trò, tuy chưa đặt khoa thi tiến sĩ mà khí mạch văn học đã đủ. Thái Tông dựng nền móng, từ năm Nhâm Tuất [1442] mở khoa thi mà nhân tài quần tụ. Nhân Tông kế tiếp mở ba khoa thi mà nhân văn càng thêm rực rỡ. Đến Thánh Tông trung hưng năm Quý Mùi [1463] thì số người lấy đỗ nhiều hơn cả so với trước. Song từ khoa Nhâm Tuất đến khoa Quý Mùi, khi thì 6 năm một khoa, lúc lại 5 năm một khoa, còn 3 năm một khoa thì năm Bính Tuất [1466] này mới bắt đầu. Những người thi đỗ, đều xứng đáng là nhân tài cả. Sau này, chế độ ngày càng tường tận, văn học ngày càng đầy đủ hơn. Thi hội có Đăng khoa lục (8) đã đủ nêu sự thịnh trị của đời nay, có đề danh bi 3 lại đủ làm gương khuyến khích cho hậu thế". [24a] Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 22b.

Tháng 4 [14/5-12/6/1466], thay đổi tổ chức quân đội, cùng cơ quan hành chánh trung ương. Quân xếp đặt thành 5 phủ; tại triều bãi bỏ 6 viện, đặt 6 bộ và 6 tự:

Hồi đầu triều Lê, đặt vệ quân năm đạo, ở vệ đặt các chức Tổng quản, Đô tổng quản và Chánh phó đội trưởng, Chánh phó ngũ trưởng. Đến nay thay đổi xếp đặt lại quân năm phủ.

 - Thanh Hóa và Nghệ An thuộc phủ Trung quân;

 - Nam Sách và An Bang thuộc phủ Đông quân;

- Thiên Tường và Thuận Hóa thuộc phủ Nam quân;

- Quốc Oai và Hưng Hóa thuộc phủ Tây quân;

 - Bắc Giang và Lạng Sơn thuộc phủ Bắc quân.

Còn hai đạo Thái Nguyên và Tuyên Quang thuộc quân Phụng Trực.

 Mỗi phủ có sáu vệ, mỗi vệ năm sở hoặc sáu sở, định lệ quân mỗi sở đều 400 người.

Phủ đặt các chức Tả Hữu đô đốc, Đô đốc đồng tri và Đô đốc thiêm sự; ở vệ đặt các chức Tổng tri, Đồng tổng tri và Thiêm tổng tri; ở sở đặt các chức Quản lãnh, Phó quản lãnh, Chánh võ úy và Phó võ úy, mỗi ngũ đặt một chức Tổng kỳ….

Bãi bỏ sáu viện, đặt sáu bộ và sáu tự. Trước đây đặt sáu viện, quan chức trong sáu viện chia nhau giữ mọi việc chính trị trong nước. Đến nay bãi bỏ đi, đổi đặt làm sáu bộ là bộ Lễ, bộ Lại, bộ Hộ, bộ Binh, bộ Hình và bộ Công. Mỗi bộ đặt Thượng thư và Tả Hữu thị lang, quan thuộc có các chức Lang trung, Viên ngoại lang và Tư vụ. Lại đặt sáu tự là Đại lý tự, Thái thường tự, Quang lộc tự, Thái bộc tự, Hồng lô tự và Thượng bảo tự. Mỗi tự đặt chức Tự khanh, Thiếu khanh và Tự thừa.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 20.

Tháng 5 [13/6-11/7/1466], qua lời tâu rằng việc nông cần kíp, xin chia một nữa quân về nhà làm ruộng; Vua y cho:

Tháng 5, Thái bộc tự thiếu khanh hành Thượng bảo tự thiếu khanh Lê Đình Tuấn tâu rằng:

Vào tháng 5, tháng 6, đương mùa làm ruộng, những quân nhân ứng dịch ở thường ban thì cho ở lại túc trực và làm các việc giữ cửa, coi nhà, canh điếm, lợp nhà, cắt cỏ, nuôi voi; còn các sắc quân ở các sảnh, viện và những thợ ở cục Bách tác thì giữ lại một nữa làm việc, còn thì cho về làm ruộng.

Vua y theo.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 24a.

Tháng 6 [12/7-10/8/1466]; chia đất nước làm 12 đạo thừa tuyên và phủ Trung Đô tại kinh. Mỗi đạo thừa tuyên đặt 2 ty, Đô ty và Thừa ty để coi sóc. Dưới quyền có phủ, châu, huyện xã; đứng đầu phủ là Tri phủ, châu có Tri châu, huyện có Tri huyện, xã có xã trưởng:

Hồi đầu triều Lê chia trong nước làm năm đạo, đem phủ, lộ, trấn, châu, huyện và xã chia thành khu vực, lệ thuộc vào đạo. Ở các đạo, chia từng trách nhiệm mà đặt chức hành khiển cùng Chánh Tuyên phủ sứ; Phó tuyên phủ sứ; ở phủ đặt chức Tri phủ; ở lộ và trấn đặt các chức An phủ sứ và Trấn phủ sứ. Đặt chức quan ở phủ, ở lộ, ở trấn như vậy là có ý để họ liên lạc với nhau mà thông hiểu tình hình trong từng khu vực. Ở châu đặt chức Phòng ngự sử; ở huyện đặt các chức Chuyển vận sứ và Tuần sát sứ; ở xã đặt chức Xã quan.

 Khi nhà vua lên ngôi, đổi chức Hành khiển làm Tuyên chính sứ, liêu thuộc của Tuyên chính sứ có các chức Tham chính, Tham nghị, Chủ sự và Suy quan.

 Đến nay chia trong nước làm 12 đạo thừa tuyên là: 1) Thanh Hóa, 2) Nghệ An, 3) Thuận Hóa, 4) Thiên Trường, 5) Nam Sách, 6) Quốc Oai, 7) Bắc Giang, 8) An Bang, 9) Hưng Hóa, 10) Tuyên Quang, 11) Thái Nguyên, 12) Lạng Sơn. Mỗi đạo đều đặt hai ti: Đô ti và Thừa ti. Quan chức ở Đô ti đặt chức Tổng binh và phó Tổng binh. Đổi Tuyên chính sứ ti làm Thừa chính sứ ti. Đặt chức Thừa chính sứ và Thừa chính phó sứ. Bãi bỏ chức Tuyên phủ chánh sứ và Tuyên phủ phó sứ ở các đạo. Lại đem hai huyện ở kinh kỳ (9) đặt làm phủ Trung Đô, quan chức trong phủ này có các chức Phủ doãn, Thiếu doãn và Trị Trung. Bãi bỏ tên các lộ, các trấn, và đều đặt tên là phủ, đổi tên An phủ sứ làm Tri phủ; Trấn phủ sứ làm Đồng tri phủ; Phòng ngự sứ làm Tri châu; Chuyển vận sứ làm Tri huyện; Tuần sát sứ làm Huyện thừa; Xã quan làm Xã trưởng.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 20.

Tháng 10 năm ngoái sai các sứ bộ Đào Tuấn, Nguyễn Sĩ Hưng sang nhà Minh triều cống và bàn việc biên giới; tháng 7 năm nay đến nơi, được tiếp đãi:

Ngày 18 tháng 7 năm Thành Hóa thứ 2 [ 28/8/1466 ]. Quốc vương An Nam Lê Hạo sai bọn Bồi thần Nguyễn Sĩ Hưng  đến triều đình dâng biểu, cùng tiến cống các sản phẩm địa phương. Ban cho các loại y phục lụa đoạn có phân biệt. Do việc An Nam 3 năm cống một lần, vì vậy năm nay thực hiện theo lệ đó.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 79)                         

 

 

Chú thích:

1.Bồn Man: Theo Đào Duy Anh, Đ.N.V.N.Q.C.Đ. trang 157; Bồn Man thuộc Ai Lao, tại thượng nguồn sông Phố, sông Sâu, Hà Tĩnh.

2.Theo Toàn Thư, châu Ninh Viễn tức Mường Lễ, sau  hàng vua Lê Thái Tổ được đổi là châu Phục Lễ; nay thuộc tỉnh Lai Châu.

3.Phủ Thái bình đời Minh vị trí tại sông Tả Giang, gần biên giới Việt Nam; Bằng Tường, Long Châu nằm trong phủ này.

4. Họ Thạch: là Thạch Thủ Tín, họ Cao: là Cao Hoài Đức, hai công thần nhà Tống đều cố nắm binh quyền không chịu bỏ. Trong một bữa tiệc, Tống Thái Tổ bảo hai người nên bỏ binh quyền mà vui thú với con hát, gái múa cho thỏa thích. Ý nói Nguyễn Xí là khai quốc công thần, được tín nhiệm nên khác với Thủ Tín, Hoài Đức, vẫn giữ binh quyền.

 5. Họ Phòng, họ Đỗ: tức Phòng Huyền Linh và Đỗ Như Hối đời Đường Thái Tông.

6.Ngũ hình viện: Theo mục "Chức quan chí" trong Lịch Triều Hiến Chương của Phan Huy Chú, 5 viện gồm: Thẩm hình, Tường hình, Tả hình, Hữu hình và Tư hình, đều đặt chức đại phu.

7. Tường tự: đều là trường học đời xưa tại Trung Quốc. Nhà Thương gọi là tự, nhà Chu gọi là tường.

 8. Đăng khoa lục: sách ghi chép tên những người thi đỗ, cùng quê quán và thứ bậc của họ.

9.Hai huyện thuộc Trung Đô: Theo Phương Đình Địa C của Nguyễn Văn Siêu thì triều Lê đặt hai huyện phụ thuộc vào kinh kỳ là Quảng Đức và Thọ Xương.

 

 

 

 

Hồ Bạch Thảo
Số lần đọc: 434
Ngày đăng: 01.06.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tản mạn về rượu nho(9a) - Nguyên Lạc
96. Vua Lê Thánh Tông. 2 - Hồ Bạch Thảo
Tản mạn mấy chuyện về tín ngưỡng - Đặng Xuân Xuyến
Tản mạn về rượu nho (8) - Nguyên Lạc
Thế nào là “Ca khúc vượt thời gian”?? - Nguyễn Vĩnh Căn
Ý thức nhận biết - Võ Công Liêm
Tản mạn về rượu nho (7) - Nguyên Lạc
95. Vua Lê Thánh Tông [1443-1459]. 1 - Hồ Bạch Thảo
Đá còn tưởng nhớ - Nguyễn Đức Tùng
Robot- AI - Trí tuệ (và quái vật) nhân tạo - Trương Văn Dân
Cùng một tác giả
Biển Giao Chỉ (lịch sử)
109. Vua Lê Uy Mục. (tiểu luận)