Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.222.167
 
1937: Roger Martin Du Gard (Pháp, 1881 – 1958)
Lê Ký Thương

 

Nobel văn chương thế kỷ 20 (từ năm 1901 đến năm 2000)

 

 


 

(Biên dịch theo Tài liệu của Viện Hàn Lâm Thụy Điển)

 

 

Giải thưởng Nobel năm nay dành cho Roger Martin Du Gard, người đã cống hiến cho chúng ta một công trình độc đáo: một loạt các tiểu thuyết với nhan đề chung Gia đình Thibault [Les Thibault] (1922 – 40). Đó là một công trình to lớn cả về số lượng lẫn phạm vi. Nó giới thiệu một bức tranh xã hội Pháp hiện đại với nhiều loại nhân vật, phân tích những xu hướng và vấn đề tri thức đã ám ảnh nước Pháp trong suốt thập niên trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất, một bức tranh thật đầy đủ và một phân tích thật hoàn chỉnh. Vì thế, công trình của ông đã tạo ra một thể loại văn học đặc trưng trong kỷ nguyên của chúng ta, được gọi là “roman fleuve” (trường thiên tiểu thuyết) trên quê hương của tác phẩm.

      

Thuật ngữ này dùng để chỉ một phương pháp kể chuyện tương đối ít liên quan đến bố cục và cứ thẳng tiến như một con sông chảy qua những xứ sở bao la, phản ánh tất cả những gì nó nhìn thấy trên đường đi. Điều cốt yếu của một tiểu thuyết như thế, bất kể vấn đề lớn nhỏ, chính là tính chính xác của sự phản ảnh hơn là sự hài hòa cân đối giữa các phần, nó không có hình dạng. Con sông cứ lượn lờ trôi theo ý mình, chỉ năm thì mười họa dòng nước ngầm mới làm xáo trộn bề mặt yên tĩnh của nó.

 

Thời đại của chúng ta thật khó mà gọi là yên tĩnh; ngược lại, tốc độ của kỹ thuật đã làm cho nhịp điệu cuộc sống gia tăng đến mức đáng ngại. Vì vậy, thật kỳ lạ là trong một thời đại như vậy mà hình thức phổ biến nhất của văn học là tiểu thuyết lại phát triển theo chiều hướng hoàn toàn ngược lại, và bằng cách đó nó đã trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, nếu như tiểu thuyết cung cấp cho chúng ta một thế giới tưởng tượng như ý thì cũng có thể giải thích hiện tượng này theo kiểu tâm lý rằng, đó là một sự đền bù thơ mộng cho sự thất vọng đối với cuộc sống thường ngày. Nhưng nói một cách chính xác, đó là nỗi lo âu não lòng về thực tại mà tiểu thuyết phải làm công việc đánh động và làm cho nó nổi bật lên.

 

Tuy nhiên, tiểu thuyết chính là thế, với thực chất không giới hạn của nó, và người đọc có thể tìm thấy sự khuây khỏa nào đó trong nhận thức được nâng cao, mà mình đạt được từ yếu tố bi kịch, không thể tránh, được vốn có trong cả cuộc đời. Bằng một loại chủ nghĩa anh hùng, nó nuốt chửng thực tại trong những mẻ lưới lớn, và khuyến khích chúng ta chịu đựng ngay cả những nỗi khổ đau lớn lao cùng niềm vui sướng. Những đòi hỏi thẩm mỹ của người đọc sẽ được thỏa mãn trong những đoạn cô lập súc tích hơn của tác phẩm, và vì thế nó càng thích hợp với việc phát huy hết cảm xúc của người đọc. Gia đình Thibault không thiếu những đoạn như thế.

 

Nhân vật chính trong tác phẩm là ba thành viên của cùng một gia đình: người cha và hai cậu con trai. Người cha là nhân vật làm nền; vai trò thụ động của ông, với dáng vẻ “vai u thịt bắp”, thô kệch bề ngoài, được tác giả mô tả bằng một kỹ thuật thật đặc biệt. Hai người con trai và vô số các nhân vật phụ khác được mô tả bằng một bút pháp đầy ấn tượng. Trong truyện không có gì được chuẩn bị trước, chúng ta thấy họ nói năng, hành động trước mặt mình, và chúng ta thấy được một bức tranh toàn cảnh lẫn chi tiết . Người đọc phải nhanh chóng nắm vững những gì mình thấy và nghe được, vì nhịp điệu thất thường và bất qui tắc của cuộc sống có mặt ở khắp nơi. Tác giả giúp cho người đọc hiểu được vấn đề bằng phương tiện hoàn hảo nhất: đó là sự phân tích tư tưởng nhân vật, một cái nhìn thấu vào bên trong cõi sâu thẳm của họ đã làm phát sinh những hành động của ý thức. Martin Du Gard còn đi xa hơn một bước: ông cho thấy những tư tưởng, tình cảm và ý chí đã được chuyển hóa như thế nào trước khi biến thành ngôn ngữ và hành động. Đôi khi những cái cớ bên ngoài như thói quen, thói kiêu căng tự phụ, hay ngay cả cách cư xử vụng về, làm thay đổi những biểu lộ tình cảm và nhân cách. Sự khảo sát tinh tế và đậm nét này về tiến trình năng động của tâm hồn con người rõ ràng là tạo nên sự đóng góp cơ bản và sâu sắc nhất của Martin Du Gard  trong nghệ thuật mô tả đặc điểm nhân vật. Xét về mặt mỹ học, điều này không phải lúc nào cũng thuận lợi, vì sự phân tích có thể trở thành rườm rà ở đôi chỗ, dường như không cần thiết lắm cho câu chuyện.

 

Gia đình Thibault là trường thiên tiểu thuyết của Roger Martin du Gard mà Viện Hàm lâm Thụy Điển chọn để trao giải Nobel Văn chương vì “bằng tài năng nghệ thuật và lẽ phải ông đã mô tả cuộc xung đột của con người cũng như những khía cạnh căn bản của cuộc sống đương đại”./

 

 

 

Lê Ký Thương
Số lần đọc: 504
Ngày đăng: 12.06.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
1936 – Eugene Gladstone O’neill (Mỹ, 1888 – 1953) - Lê Ký Thương
1934 - Luigi Piradello (Ý, 1867 – 1936) - Lê Ký Thương
1933 –Ivan Bunin (Nga, 1870 – 1953) - Lê Ký Thương
Chân dung nhà thơ Sương Biên Thùy – Lê Mai Lĩnh - Trần Thoại Nguyên
1932 – John Galsworthy (Anh, 1867 – 1933) - Lê Ký Thương
1931 – Erik Axel Karlfeldt (Thụy Điển, 1864 – 1931) - Lê Ký Thương
1930 –Sinclair Lewis (Mỹ, 1885 – 1951) - Lê Ký Thương
Quách Tấn – Sứ giả đời Đường của một thời đại trong thi ca - Chế Diễm Trâm
1929 - Thomas Mann (Đức, 1875 – 1955) - Lê Ký Thương
1928 - Sigrid Undset (Na-uy, 1882 – 1949) - Lê Ký Thương
Cùng một tác giả
Biển của tôi (tạp văn)
Hồn Sách Cũ (tạp văn)
Sài Gòn – Ăn (tạp văn)
Sài Gòn - Sách (tạp văn)