Mỗi lần có dịp đi ngang qua nhà sách tự chọn, bao giờ thằng Danh cũng ngó vô, xem tôi có đứng trực bán sách đó không(?), để miệng cười toe chào: “Em chào chị Vân ạ!”. Hay: “Chị Vân chiều về hay ở lại trực”. Dường như không chào, không hỏi thăm, dù chỉ là một câu qua quýt, tự nó cảm thấy áy náy; Bởi thâm tâm nó quý trọng tôi như một ân nhân, và hơn cả thế là một người chị ruột. Nhưng nó đâu biết rằng: mỗi lần thấy nó đi cà lết, cà lết, là lòng tôi lại cảm thấy se sắt một niềm tiếc nuối. Lẽ ra, nó nên oán giận tôi mới phải, chứ có đâu lại trở nên thân thiết và trân trọng lẫn yêu quý tôi như một ân nhân vậy.
Tôi không ngờ đời mình lại bị đặt vào một tình huống đáng tiếc như thế. Thực ra bảo rằng: tôi không có lỗi trong sự cố đó thì không đúng lắm! Mà có thì cũng không phải. Nhưng khi sự cố đáng tiếc xảy ra, tôi mới thấy mình cần phải rà xét lại cuộc sống: có những điều vô tâm vô tư của mình lại đem đến cho người khác niềm cay đắng mà mình không hay biết.
Ngày đó, lẽ ra tôi đã vào đại học - khi đậu một lúc hai trường đại học công lập, nhưng bất ngờ mẹ tôi bị tai biến, mà nhà chỉ có một mình tôi con gái, nếu tôi đi đại học thì lấy ai chăm sóc cho mẹ tôi đây? Thế là tôi phải hoãn đại học - một năm hoặc nhiều năm, tuỳ vào bệnh tình của mẹ tôi - để chăm sóc mẹ và ôn tập thi đại học năm tới.
Dần dà mẹ tôi hồi phục sức khỏe, nên tôi cũng khá rảnh rỗi. Tôi ngỏ ý với con bạn: “Tớ muốn xin việc làm cho đỡ nhàm chán khi ở rỗi, cậu quen biết nhiều, có thể kiếm cho tớ một chân được không?”. “Thế thì cậu vào làm nhân viên cửa hàng sách tự chọn với tớ là xong ngay”.
Công việc ở nhà sách tự chọn cũng khá nhàn nhã, mặc áo dài đồng phục xanh tha thướt đi lại, chỉ dẫn những loại sách khách hàng yêu cầu ở các khu vực giá sách: Văn học Thi ca, Nghệ thuật, Xã hội, Chính trị, Ngoại ngữ, Vi tính…và cũng không đòi hỏi nghiệp vụ chuyên môn cao cấp gì cho lắm, nên sáng đi chiều về, hoặc thi thoảng phải trực đêm, không có gì mệt nhọc với tôi.
Nghe con bạn nói: “Năm đầu khi mới mở cửa hàng rất đông khách, nhưng là khách vãng lai hiếu kỳ đi xem cho vui mắt chứ có mua bán gì đâu, rồi sau rơi rụng dần, vắng như chùa bà đanh”.
Cũng phải thôi, mấy năm đó kinh tế người dân còn khó khăn, hơn nữa lại quen với thời kỳ bao cấp: sách in ấn thô sơ với giấy vàng ện, một cuốn mấy ngàn, thì bây giờ lấy đâu ra tiền mấy chục ngàn để mua những cuốn sách in giấy bạch vân, lại in ấn mẫu bìa kỹ thuật trang nhã đẹp mắt!?
Chẳng những thế, với xa lộ thông tin đại chúng lên mạng internet trên vi tính, rất thuận lợi lại vừa phong phú vừa đa dạng, nên thu hút một số lượng rất đông người tham gia, đã tạo cho độc giả một thói quen: vừa lười biếng đọc sách mà lại đỡ tốn tiền, bảo ai không ham.
Bây giờ tình hình kinh tế khả quan hơn, một số thành phần thị dân thu nhập khá cao, nên người ta nâng cấp lên cách đọc sách cho có vẻ trí thức, thượng lưu, chứ không còn thích đọc qua vi tính - đĩa CD hoặc qua mạng ADSL, vừa mỏi mắt vừa gò bó, nên cửa sách ngày một đông hơn. Và giá một cuốn sách nghiên cứu một vài trăm ngàn chỉ là chuyện nhỏ.
Vào làm được một thời gian, tôi có thể thẩm định để xếp khách hàng mua sách gồm 3 loại:
Loại chuyên nghiệp thường là học sinh, sinh viên hoặc nghiên cứu sinh chuyên ngành…có nhu cầu cấp thiết cho việc học hành, tra khảo nghiên cứu…Dĩ nhiên là những loại người này, đã vào là sẽ tự chọn cho mình được sách để mua, nhưng yếu tố kinh tế lại rất eo hẹp khó khăn, nên khi mua cũng xem đi xem lại đo đắn đôi ba lần mới mua.
Loại bất thường: gồm công nhân viên chức, doanh nhân… tiện việc vào ngang, hoặc quà cáp sinh nhật cho bạn gái, người thân, hoặc nghe báo đài hay bạn bè kháo nhau cuốn này cuốn kia, liền hiếu kỳ đọc cho biết, hoặc chỉ mua làm cảnh cho ra vẻ ta đây cũng biết đọc sách, chứ kỳ thực chỉ giở vài trang là hoa mắt đau đầu là sách xếp xó; nhưng được cái bỏ tiền ra mua không tiếc. Nếu tính ra giữa hai hạng người mua sách trên thì cũng ngang ngửa nhau.
Chỉ có loại thứ ba mới thật là phiền. Đó chính là những người đi xem sách cọp. Người lớn thì chỉ lật dở vài trang xem cho mãn nhãn, vì tiền cũng không mấy dư giả, mà cũng chẳng máu me với sách vở là mấy, nên những khi chở bà xã đi chợ, hoặc shopping chờ lâu thì ghé vào cửa hàng sách để giết thời gian. Nhưng phiền nhất, vẫn là mấy độc giả nhí đầy đam mê nhiệt huyết, nhưng lại “no money”, vì còn quá nhỏ thì kiếm đâu ra tiền mua sách.
Thông thường lũ nhóc này chỉ quanh quẩn nơi mấy giá sách thiếu nhi: truyện tranh, chuyện Harry Potter, chuyện tuổi học trò mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh…Bọn nhóc này thường rất nhốn nháo, chạy qua chạy lại mất trật tự. Chúng đổi qua đổi lại sách mấy lần, rồi chọn cuốn truyện nào ưng ý, ngồi xổm lê la hết nơi này đến nơi kia, lấn chiếm cả lối đi, khiến khách hàng đi lại rất khó chịu. Rồi chúng xem ngấu nghiến như mấy con bò giam ràn bỏ đói.
Ban đầu tôi cũng rất khó chịu cái trò nhố nhăng mất trật tự của chúng, để đôi khi kiếm cớ sửa lại giá sách, lau lại bục, xua đuổi tụi nó ra khỏi sào huyệt của chúng. Nhưng nghĩ cho cùng, công ty cũng không có chỉ thị đuổi người đọc sách, thì mình quan tâm làm gì cho mệt xác.
Có lần vào cửa hàng sách tự chọn Nguyễn Huệ ở thành phố, tôi thấy cả hàng lũ sinh viên trai gái mê sách, ngồi xổm đọc sách cả hàng giờ mà chẳng thấy nhân viên cửa hàng làm khó dễ gì cả, thành ra dù có ghét lũ nhóc đến mấy, tôi cũng không có quyền đuổi tụi nó ra. Thời gian dần dà làm tan loãng sự khó chịu của tôi; bởi vì nghĩ cho cùng: sách của công ty chứ mất chi của mình mà quan tâm khó chịu cho tổn thọ.
Nhưng rồi về sau, có sự cố về khu vực sách đọc cọp của tụi nhóc, thường hay bị xé nhiều trang, nên nhân viên phải để ý canh cẩn mật hơn, nhằm phát hiện ra các “diệu thủ thư sinh” xé sách. Và cũng vì thế mà tôi phải để tâm đến một thằng nhóc nọ.
Nó trạc tuổi như thằng Tý - em tôi, người đen sạm nắng cháy, trán dô ra làm cho khuôn mặt già dặn hơn. Nhưng cặp mắt nó tinh anh và nụ cười rất hiền hoà. Khi cười để hở ra hai chiếc răng sún xem ra rất ngô nghê. Nó thường vào nhà sách vào giờ nghỉ trưa và chiều tối. Có lẽ, đó lúc nó đi bán vé số về nghỉ chân với ổ bánh mì ngấu nghiến ăn và cũng ngấu nghiến đọc sách rất say mê chăm chú; Đến nỗi, nó buồn vui với cả nhân vật: có khi cười hả hê, cũng có khi rướm nước mắt với bi cảnh nhân vật.
Có lần khi tôi đi qua, nó đang cười khú và bỗng thấy tôi, nó bụm miệng cười ho sặc sụa, rồi len lén đi nơi khác. Có lẽ nhà sách là chốn giải trí thích thú nhất đối với nó. Ngậm nghĩ cũng khá tội nghiệp cho nó, ngày hai buổi đi bán vé số, không được đến trường như các bạn, thì việc vào nhà sách là niềm vui đối với nó.
Thế rồi một lần nọ. Khi ra về, nó để cuốn sách Harry Potter rơi xuống khỏi giá, tôi nhặt lên và phát hiện ra cuốn sách bị mất mấy tờ. Tôi liền gọi nó lại và quát: “Tại sao mày xem sách đã đời rồi còn xé sách hả oắt con?”. Nó khúm múm bảo: “Chị ơi! Ai xé chứ em không xé đâu, không tin chị củ soát em đi?”.
Quả thật sau khi lục soát, tôi chẳng tìm thấy thứ gì ngoài mấy xấp vé xổ sổ còn chưa bán hết. Nhưng rồi tôi cũng véo tai và bợp nó một cái để thị uy: “Lần sau không được đọc và xé sách như thế nghe chưa”. Vẻ mặt nó trông buồn thiu như bị hàm oan. Rồi nó lủi thủi ra về.
Từ đó, nó luôn né tránh tôi. Gặp tôi đi ngang, nó luôn đưa cuốn sách lên che kín mặt, để khỏi tôi thấy. Một lúc sau nó lĩnh ra ngoài. Sau này tôi biết, nó chỉ vào xem sách những lúc tôi không đứng bán.
Nhưng rồi số nó xui quẩy lại gặp tôi đổi ca trực. Bữa đó, khi tôi đi ngang nó, thấy mấy tờ truyện tranh bị xé vứt ở dưới chân nó. Tôi nhặt lên, và hỏi mấy đứa chung quanh: “Đứa nào đọc mà xé sách vứt đây?”. Không một đứa nào lên tiếng cả.
Một lúc sau nó lên tiếng: “Vâng em trót dại, xin đền tiền cho chị cuốn truyện đó vậy”. Nó móc tiền túi ra trao cho tôi, rồi đi thẳng ra cửa hàng. Tôi lên tiếng quát nó để thị uy: “Lần sau mày không được vào đây đọc nữa nghe chưa, không phải đền được sách là cho qua đâu”. Tôi đưa nó ra bảo vệ xử lý, nó bị mấy bạt tai, rồi nó cúi đầu lĩnh đi.
Nhưng sau đó, tôi biết nó bị oan. Vì thằng nhóc bạn nó bảo: “Thằng Huấn bạn em xé tranh chuyện về để vẽ, thấy chị đến, bí quá, nó vứt bừa và lẻn ra ngoài lúc nãy rồi”. Tôi tự nghĩ: không biết tại sao nó lại tự nhận để trả tiền như thế?
Sau đó chẳng thấy nó đến cửa hàng xem sách, nên tôi cũng quên khuấy nó luôn. Mà thực ra, có hàng trăm người khách vãng lai, chẳng hơi đâu quan tâm đến chuyện nó có hờn giận tôi hay không? Khách nhớ chủ, chứ đời nào chủ nhớ nỗi khách. Làm nghề này đôi khi cũng khiến cho con người ta vô tâm là thế đấy!
Rồi một hôm - tôi đổi ca trực cho con bạn, để chiều đi dự tiệc cưới, nó đang mải mê đọc sách hứng chí, nên không thấy tôi. Chợt một lúc sau, nó ngẩng đầu lên và nhận ra tôi, nó thoảng thốt vì sự có mặt bất ngờ của tôi. Nó bỏ vội quyển sách vào giá, vùng bỏ chạy, làm đổ cả một sạp sách. Vừa khi đó, nhân viên bảo vệ hô lên: “Ăn cắp sách! Ăn cắp sách! Bắt nó lại!”.
Nó bị bảo vệ bắt và lục soát cả người. Chẳng thấy gì, nhưng cũng bị bảo vệ đánh cho mấy bớp tai chảy máu mũi, vì tội làm đổ giá sách và bắt nó nhặt lên bỏ lại giá sách. Nhìn thấy nó lủi thủi gạt nước mắt bước ra khỏi nhà sách mà lòng tôi không khỏi bồi hồi xúc động.
Thực ra tâm trạng tôi lúc đó cũng muốn bênh đỡ nó lắm! Nhưng rồi, tôi ngại công ty: bảo mình bênh vực và dung túng cho bọn trẻ đạo chích thì cũng ớn “ốc chưa lo nổi cho ốc, mà còn bênh đỡ cho ai”. Nhưng điều làm tôi day dứt nhất là, sau đó tìm thấy xấp vé số của nó chưa bán hết, và túi tiền của nó, mà không biết làm sao tìm gặp trả lại cho nó được.
Lúc bấy giờ nghĩ lại mới thấy mình hơi quá tay với nó, khi lần đầu phát hiện ra sách bị xé, tôi đã bớp tai làm cho nó khiếp hãi như thế. Cầm xấp vé số và túi tiền – là gia nghiệp của nó, lòng tôi cảm thấy ái ngại và lo lắng cho nó. Cứ nghĩ đến những tháng ngày sau đó, nó mưu sinh ra sao với cái ăn cái mặc, khi những tấm vé số chưa trả lại và số tiền vốn vài trăm ngàn để nó mua vé số thì thật là khốn khổ cho nó.
Tôi đã cầm những xấp vé số và số tiền đi hỏi thăm khắp các đại lý, may ra nó có lai vãng nơi điểm xổ số để trả lại cho nó. Nhưng ngày qua tháng lại, tôi vẫn không hỏi thăm ra được tung tích của nó. Có một điều là may mắn thay, số vé tồn đọng của nó trúng cặp đôi được năm triệu đồng. Chính điều đó càng thôi thúc tôi phải tìm gặp nó, như để đoái công chuộc tôi với nó.
Tôi có hỏi thăm mấy thằng nhóc, nhưng tụi nó bảo: “Nó đổi địa bàn đi bán vé số và không dám vào cửa hàng sách nữa”. Nghĩ lại càng thấy tội nghiệp cho những đứa lang thang cơ nhỡ như nó. Cuộc đời đã quá đỗi bất hạnh rồi, chỉ còn một nỗi đam mê đọc sách mà cũng bị cấm đoán thì có buồn không kia chứ!
Và nếu không có sự cố xảy ra, năm sau đó tôi đã vào đại học, để khỏi phải hối tiếc như thế này.
Bữa đó, tôi vào quán ăn sáng với người bạn. Đang cúi người xuống xì xụp với tô phở nóng hổi thì, có đứa bé đến mời tôi mua vé số. Tôi vốn không ham cái của phù du này lắm, phần vì đồng lương ít ỏi, nên không có thói quen mua. Rồi tôi phất tay nó đi, và khi ngẩng lên thì nó nhận ra tôi, nó quay bỏ đi. Tôi đứng dậy vẫy tay nó lại: “Em ơi, lại đây chị bảo”. Thấy thế nó càng bước nhanh ra khỏi quán.
Và khi tôi chạy theo gọi, nó cắm cổ chạy vụt ra đường và bỗng một tiếng thắng két. Nó đâm đầu vào xe Honda té ngã xuống sõng soài, máu me loang lỗ cả mặt mũi và tay chân. Tôi ngẩn ngơ như trời trồng. Sự việc xảy ra nhanh quá! Tôi không ngờ chính mình lại gây ra tai hoạ cho nó.
Tôi lật đật kêu Taxi, đưa nó vào bệnh viện cấp cứu. Nó mê trầm mất hai ngày, khiến tôi lo lắm! Không biết nó có ai thân nhân không? Và làm cách nào để báo cho người nhà của nó biết đây. Một ngày đến hai ngày, chẳng có ai thân nhân người nhà đến thăm nuôi nó, tôi đâm ra lo sợ: nếu nó có mệnh hệ nào, thì tôi biết làm sao xoay xở đây!?
Tôi phải xin nghĩ làm để chăm sóc nó. Điều này chẳng làm tôi phiền một chút nào, mà trái lại tôi còn phải có trách nhiệm với nó nữa là đàng khác; bởi tại tôi mà nó nên cớ sự như thế. Cũng may mẹ tôi đã khỏe hẳn, nên cũng lên trông non thay tôi được đôi lúc.
Tôi đã chạy chữa bác sĩ: “Nhờ bác sĩ cứu đứa em tôi – tôi phải nhận thế để bác sĩ quan tâm hơn, với bất cứ giá nào”. Dĩ nhiên là tôi cũng xót lắm chứ! Bởi lương lậu tôi có đáng là bao, mà viện phí phải trên cả chục triệu chứ có phải chơi đâu. Nhưng được cái là gia đình tôi rất thông cảm cho tôi và cho rằng: tôi xui xẻo vướng vào chuyện chẳng may, nên không trách cứ than phiền tôi, mà còn nhiệt tình ra sức cứu chữa thằng bé, nên cũng làm cho tôi khá yên tâm.
Ngày nó tỉnh dậy tôi mừng hết lớn. Nó ngạc nhiên khi thấy tay chân và đầu nó bị băng bó và phải nằm viện với sự có mặt tôi. Nó hỏi: “Sao em lại nằm đây hả chị? Sao chị lại tới thăm em?”. Nó đâu biết tôi phải thức nó trong hai đêm qua mà không hề dám thán oán một lời nào. Tôi ra dấu cho nó: “Em còn rất mệt nằm nghỉ cho khoẻ sức, sau chị sẽ kể cho em nghe”.
Bây giờ thì tôi đã yên tâm để đi làm trở lại, vì có mẹ và anh trai tôi thay nhau chăm sóc cho nó. Nhưng rồi chiều tối, khi tôi vào thay nuôi cho mẹ tôi thì, một người tìm tới hỏi thăm nó. Tôi mừng rơn: vì có người nhà đến thăm nuôi, để chí ít, cũng chia sẻ nỗi niềm với tôi.
Một chàng thanh niên dáng cao, ăn mặc gọn gàng lịch lãm như một viên chức nhà nước, tìm đến chỗ thằng bé và hỏi tôi:
- Có phải đây là thằng bé em cô, bị thương khi chạy đâm bổ vào xe ở trước tiệm phở Tân Hiên không?
Tôi nhận đại:
- Vâng nó là em tôi, vừa bị tai nạn. Ông quen biết nó à?
- Không, tôi là người đã đâm vào em của cô đây! Xin lỗi, bữa đó tôi có công việc gấp quá, sợ ở lại bị liên hệ rắc rối trễ việc, nên không thể đem nó vào viện được, mong cô thông cảm cho tôi. Ngần ngại một lúc rồi chàng trai đề xuất:
- Và số viện phí hết bao nhiêu tôi xin chịu.
Cái dáng lịch lãm đứng đắn, và giọng nói nhã nhặn đã khiến tôi có tình cảm buổi đầu, lại đang không, còn xin đóng viện phí, một người có tinh thần trách nhiệm với tha nhân như thế, càng làm tôi nể phục hơn.
Thực ra, lúc đó cuống lên, tôi chỉ lo đưa nó vào viện, chứ không hề suy nghĩ truy cứu trách nhiệm cho ai; bởi cũng vì tôi mà thằng bé đâm sầm vào xe người ta, chứ có phải người ta đâm nó đâu mà bắt tội người ta được.
- Mấy ngày nay, tôi hỏi thăm hết nơi này đến nơi kia, nhưng chẳng tìm ra tung tích thằng bé, nên phải vào bệnh viện tìm mới gặp đấy!
- Nhưng ông đâu có lỗi, để phải bận tâm mà tìm kiếm nó thế!
- Tại lúc đó cuống cuồng, cô không để ý đấy thôi. Đồng ý là nó đâm sầm vào xe của tôi, những nếu tôi không quay đầu xe trái chiều, thì nó đâu có đụng.
Tôi cười nửa đùa:
- Nhưng đâu có ai truy cứu trách nhiệm đâu mà ông tới đây nhận tội.
Thấy tôi vui vẻ, chàng ta cũng hóm hỉnh:
- Còn lương tâm, và hơn cả là còn có một người đẹp như cô, tại sao tôi lại không đến nhận tội nhỉ!? Và dù có oan, thì với người đẹp như thế cũng đáng để chịu lắm chứ!
- Té ra anh đến đây là vì tôi, chứ đâu phải vì thằng bé.
- Thôi thì một công đôi chuyện vậy!
Những ngày sau đó, anh ấy thường đến thăm nuôi nó: cam, sữa, nho, táo ê hề.
Thực ra mãi đến lúc đó, tôi vẫn chưa biết tên nó là gì? Phải đợi đến sáng hôm sau khi nó thức dậy tôi mới chợt nhớ ra để hỏi:
- Em tên gì nhỉ?
- Em tên Danh chị ạ!
- Em không có người thân nào sao?
Nó lắc đầu và tỏ ra buồn bã để kể cho tôi nghe về gia cảnh của nó: “Cha nó bị bệnh xơ gan chết sớm, khi nó lên năm tuổi, để lại mẹ con nó côi cút ăn nhờ ở đợ nhà một người thân. Mẹ nó phải gồng gánh đi bán hàng rong chật vật để nuôi nó ăn học. Phần nó cũng phải thức khuya dậy sớm để giúp mẹ nấu nồi chè, nồi cháo để đi rong ruổi cả ngày hết khắp phố phường mới bán lời được đôi ba chục cho qua tháng ngày.
Nhớ lại những ngày chưa có đủ tiền học, nó bị đuổi học, để phải đi bán vé số giúp mẹ kiếm thêm để chi tiêu trang trải cho cuộc sống. Rồi hôm nó bị ốm xuất huyết ác tính thập tử nhất sinh, mẹ nó khóc hết nước mắt, vì nó là niềm an ủi duy nhất của mẹ nó, nếu nó có mệnh hệ nào, mẹ nó làm sao sống nổi. Đã không chạy chợ được, lại còn phải trả viện phí, hai mẹ con ra viện và không còn gì để ăn uống.
Đêm đó, hai mẹ con ôm nhau khóc cho no cơn đói, để thiếp vào giấc ngủ. Không còn vốn liếng chạy chợ, mẹ nó phải xin đi làm phụ hồ rất vất vả với nắng mưa dãi dầu. Mẹ nó cũng dần chắt chiu được một số vốn nhỏ, đủ để nó đi bán vé xổ số. Nó tính kiếm đủ tiền nộp học phí để đi học lại thì…
Chiều đó, nó đi bán vé số về, có người báo tin: mẹ nó bị ngất xỉu tại hiện trường xây dựng, và phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Nhưng không còn kịp nữa, vì đã lao động kiệt sức để không còn hồi sức được nữa. Nó đau đớn để ngất lịm khi hay tin mẹ nó mất…
Nghe đến đó, tôi chảy nước mắt, để tự trách mình: hoàn cảnh của nó đã thảm thương như thế, mà tôi còn nỡ vô tâm để còn hành xử quái ác với nó.
- Chị khóc đấy à?
- Trời ơi! Chị không ngờ đời em chỉ mới mấy tuổi đầu mà phải chịu nhiều cảnh bỉ cực như vậy! Đã thế, chị lại đun đẩy em đến thương tật như thế này, thì có oan nghiệt cho đời em không!
- Không phải tại chị đâu, mà do em đấy chạy ẩu mới ra nông nổi này đấy chứ!
Tôi ôm lấy nó vào lòng và khóc rưng rức. Hình như những giọt nước mắt của tôi như dòng sông tắm gội nhục nhằn cho đời nó.
Cũng may những ngày thằng Danh nằm viện, còn có anh Hoàng - người đâm nó, chạy đi chạy lại bồng bế nó, để lo các thủ tục: xét nghiệm, phẫu thuật, nên tôi cũng bớt vất vả đi phần nào.
Vì cùng một nỗi niềm chung lo cho nó, nên giữa chúng tôi chẳng những không còn phân ranh xa lạ, mà tưởng thân quen nhau từ độ nào. Anh ấy tính tình nhẹ nhàng, đôn hậu và luôn quan tâm đến mọi người. Sau này tôi mới biết: anh ấy tự nguyện tham gia phụ trách trại trẻ mồ côi cơ nhỡ.
Thằng Danh cũng dần hồi phục, nhưng chân nó bị khuyết tật ở mắt cá nên phải nằm lại điều trị một thời gian nữa mới về được. Mặc dầu bị thương tật, nhưng nó rất mừng khi một lúc có được hai người anh chị chăm sóc nó. Có lẽ, đời nó không có diễm phúc để có anh chị, nên nó rất trìu mến tôi và anh Hoàng lắm! Tôi biết vết thương của nó vào mùa lạnh đau nhức lắm, nhưng nó vẫn cố ra vẻ bình thường để vui vẻ với tôi. Đến lúc đó, tôi mới biết được nỗi đam mê đọc sách của nó, quên cả ăn uống, quên cả mệt nhọc vất vả cả ngày đi bán vé số…Có những lúc đang đọc dở câu chuyện ở nhà sách…thế là đêm đó nó trằn trọc mãi không ngủ để tưởng tượng ra nhiều giả thiết kết thúc cho câu chuyện. Chợt nhớ lại ngày đó, tôi hỏi:
- Sao bữa đó em không xé mấy tờ truyện tranh mà sao lại trả tiền cho chị?
- Em vẫn biết thằng Huân xé, nhưng em thấy nó hèn quá không dám nhận, nên em nhận thay cho nó, để chị khỏi bị công ty la rầy về việc để sách bị xé.
Càng gần gũi nó, tôi mới thấy nó luôn có tấm lòng quan tâm đến người khác, khiến tôi phải tự hổ thẹn với chính mình.
Biết hoàn cảnh bi thương của nó khi bị thương tật, anh Hoàng quý nó như một người em. Và cũng nhờ anh Hoàng sắp xếp công ăn việc làm cho nó vào làm trong nhà in công ty, để khỏi phải đội trời suốt ngày đi bán vé số, và tiện thể ăn ở nơi công ty luôn.
Ngày ra viện, anh Hoàng mua cho nó bộ sách Harry Potter. Nó mừng và mân mê mải những tập sách:
- Đời em có nằm mơ cũng không bao giờ dám nghĩ đến bộ sách này!
Nhưng anh Hoàng quay qua tôi khẽ nói:
- Tiếc thật, phải chi nó nằm lâu hơn nữa Vân nhỉ!
- Trời ơi! Sao anh ác đức, trù yểu nó vậy hả?
- Ngày nó xuất viện, lại là ngày anh buồn nhất.
Tôi thật thà hỏi:
- Lẽ ra anh phải vui chứ sao anh lại buồn được!
- Chẳng lẽ phải xa em mà anh vui được sao?
- Cái anh khỉ gió này! Lúc nào cũng đùa được.
- Chứ phải xa anh, em không buồn sao?
Đôi má tôi ửng hồng lên. Niềm phấn khích của lứa đôi, khiến tôi bẽn lẽn một lúc rồi lõn lẽn cười:
- Càng thích chứ sao!
- Thôi cô nàng ơi! Cái đuôi mắt lấp láy thẹn thùng, đã tố cáo lời nói dối của em không trôi rồi.
Từ đó chúng tôi trở nên thân quen nhau hơn.
Ai đó đã bỏ chút hương tình làm vương vấn và ngây ngất cả hai tâm hồn chúng tôi.
Anh ấy đón đưa tôi đi về. Hẹn hò quán nước…
Và một lần anh ấy hỏi:
- Bây giờ em có định đi đại học nữa không?
Đó là một câu hỏi mà khiến chính cả tôi cũng cảm thấy rất khó lựa chọn: Một bên đại học – tương lai cho đời mình, một bên tình yêu. Ngay cả khi tôi nói với mẹ tôi: “Chắc con chẳng đi đại học nữa đâu mẹ ạ!”. Chính mẹ tôi cũng rất ngạc nhiên: “Con này, mày có dở hơi không đấy? Ước vọng từ bấy lâu, bây giờ lại dở chứng không đi là thế nào?”. Mẹ tôi đâu biết rằng: tôi đã ăn phải bả tình, lòng tràn ngập những mộng mơ, những ước vọng cho cả đời người con gái, làm sao lại đánh mất cơ hội ngàn năm một thủa này chứ!
Tôi cười tinh nghịch:
- Đi chứ sao không!
Giọng ca Khánh Ly chợt hát lên:“Sống trên đời cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…”
Nắng lên ngoài hiên hắt vào, làm ấm hai tâm hồn…