Cảm nhận đầu tiên khi đọc tập thơ Tình ngỡ buông dòng của Đoàn Quân, đó là một trái tim thơ luôn rộn rã rung động vừa khẽ khàng vừa mãnh liệt về những nơi chốn mà tác giả đã từng đi qua, để lại những cảm xúc, không thể không viết, thơ bật ra như cơn gió nhẹ làm mát người trong một chiều nắng bỏng. Đề tài về những vùng đất, địa danh đã từng được nhiều nhà thơ viết nhưng riêng đối với Đoàn Quân, anh có một góc nhìn mang tính phát hiện nên tránh được những lối mòn của người đi trước. Đó là một góc nhìn văn hóa đặc trưng từ hiện thực giàu màu sắc, thậm chí cũng cảnh đấy, người đấy, thân quen đấy nhưng ít người tinh lọc được những chi tiết làm sống dậy cảm xúc, níu kéo người đọc bằng những câu thơ vang vọng của tình người. Những Huế, Sapa, Quan họ Kinh Bắc, Tây Đô, Ninh Bình, Sơn Trà, Đà Nẵng… trong tập thơ luôn được diễn ngôn bằng một thủ pháp nghệ thuật khá chắc tay. Nhiều khi không cần gọi tên nhưng khi đọc lên vẫn nhận biết được bài thơ đó viết về nơi chốn nào.
Nhớ về Hà Nội, anh không nhớ mùa thu của kinh đô mà anh nhớ mùa Đông Hà Nội với những thi ảnh được khơi gợi từ thời gian cơ khổ, khó khăn đọng lại trong anh bao nỗi ngậm ngùi, day dứt nhưng da diết tình người: Thương lắm quán khuya ngày trở gió/ Ấm nước sôi reo chờ tay hơ/ Áo rét đã mấy mùa mẹ mặc/ Bạc màu theo tuổi các em thơ. Ngôn từ rất đỗi bình thường, giản đơn mà vẽ nên một không gian lành lạnh nhưng ấm áp lòng người, quạnh quẽ, xao xác mà ấp iu ngọt bùi nỗi nhớ: Quanh năm trong vắt đông không thấy/ Day dứt thèm sương lạnh phủ dầy/ Chiếc áo len phơi ngày nắng rỡ/ Nhớ chè hoa khói gió heo may… (Nhớ Hà Nội đông). Viết rất giản đơn nhưng nói như Matrinov, khi nói về thơ: “Phải có sự táo bạo đặc biệt, đó là sự táo bạo dám đơn giản” bởi vì viết không khéo sẽ sinh ra dễ dãi tự nhiên, quan trọng người viết phải đủ tự tin vào chính mình.
Đến Sapa, anh bị tiếng khèn, khăn phiêu và “bàn tay thon nõn nà”, “tà áo em say theo chân nhảy” của cô gái Tày quyến dụ mê đắm nhưng không phải được trình diễn giữa quảng trường mà men theo sương khói nương đồi Tây Bắc trong ngày mừng lúa mới, lời dâng lên với “pọ chạ”, mẹ cha: Tiếng khèn anh lay động/ Cái khe con suối nương đồi/ Trời thấp dần mây trôi sương rơi/ Chân này chưa mỏi khèn ơi… (Khèn Sapa) Tiếng khèn và chiếc khăn phiêu như bay bay trong sương chiều giữa núi đồi hoang sơ làm lay động bồi hồi tâm hồn khách lãng du một chiều dừng chân nơi bản nhỏ. Người khách chợt ngạc nhiên vì đã trải nghiệm một không gian âm nhạc không phải biểu diễn trong lễ hội, mà để dâng lên pọ chạ, đấng sinh thành và tri ân “lúa ngô nương đồi” đã “nuôi em mượt mà lớn khôn mãi thôi”. Và hơn một lần, người khách lạ ấy không khỏi bâng khuâng mơ màng: Tặng em nhánh hoa lan/ Trắng tinh khôi màu hoa ban/ Lan rễ dài bám chắc thân cây/ Để tình càng chặt những vòng tay… Dân ca, âm nhạc của miền Tây Bắc nếu được biểu diễn trên sân khấu có lẽ sẽ mất hết thần thái hồn vía, chẳng bao giờ chuyên tải được nỗi lòng thẳm sâu của đồng bào dân tộc. Đọc Tình ngỡ buông dòng ta nhận ra một điều, bàng bạc ẩn mình trong những giai điệu múa hát của dòng âm nhạc ấy là nỗi lòng của người sử dụng. Dân ca, âm nhạc truyền thống phải được trình diễn ngay chính nơi đã được sinh thành mới bộc lộ nỗi khát khao yêu đời và tình cảm lãng mạn nguyên sơ của con người nơi thôn bản. Mọi thứ âm thanh ánh sáng hiện đại trên sân khấu sẽ vô tình bóp chết chính nguồn sống mãnh liệt của dòng âm nhạc ấy.
Trong những lần về Tây Đô, ấn tượng nhất là cuộc sống trên sông nước nhộn nhịp ghe thuyền đông đảo khách thương hồ của người miền Tây Nam bộ. Hình ảnh quen thuộc của Cây sào cắm mái treo vài trái/ Chín đẹp chào mời khách vãng lai/ Sông Hậu sông Tiền mùa nước nổi/ Phù sa ngầu đỏ lục bình trôi/. (Tây đô). Giữa cái sôi động ồn ã thuyền bè khi đêm sắp qua của Chợ Nổi, vậy mà người khách lạ trong thơ ấy, vẫn tìm riêng cho mình một góc tối để khẽ khàng rung động, tưởng tượng vu vơ mà dí dỏm thật đáng yêu. Tôi thích 4 câu thơ này Trong khoang em cất đôi trái đỏ/ Trái cấm để dành cho riêng ai/… Hai mắt ghe tìm hoa tím nở/ Áo tím em tìm thấy mắt tôi. Vừa ỡm ờ ướm hỏi người nữ hay mình muốn hỏi lại mình, tính ẩn dụ hình ảnh và trường liên tưởng trong một bài thơ dài nặng chất miêu tả đọng lại trong chừng ấy câu được đẩy lên hết tần số của ngôn ngữ trữ tình tạo được hiệu quả của rung cảm thẩm mỹ. Góc nhìn của nhà thơ trải rộng không gian, sự thăng hoa về cảm xúc tạo nên những hiện tượng đột khởi có tính phát hiện.
Lang thang về miền quan họ liền anh liền chị Kinh Bắc, anh viết một chùm thơ về vùng đất quan họ, (Một chuyện tình quan họ, Trầu mời, Trầu tình quan họ) tập trung vào chủ đề miếng trầu, là nét văn hóa đặc sắc của miền quê Kinh Bắc. Mỗi miếng trầu cánh phượng được têm chẳng khác nào một công trình nghệ thuật như ẩn chứa cả tấm lòng của người trao: Miếng trầu này miếng trầu cay/ Khen ai khéo một bàn tay têm trầu/ Trầu mời cứ muốn cầm lâu/ Xanh màu cánh phượng thương màu yếm sen (Trầu tình quan họ). Quan họ liền anh mời trầu Quan họ liền chị trân trọng, khiêm tốn để trao gửi tình cảm đôi lời đôi câu. Giữa hội xuân rộn ràng nao nức cùng với cánh phượng trầu tươi duyên nhưng để lại những nỗi niềm đắng đót tiếc nuối ngúi ngùi trong lòng ai; Trăng soi vào tận bậc thềm/ Đĩa dầu đã vợi bấc đèn đã hao… mà lòng liền chị “khăn xếp guốc quai”, “bạn hát áo dài tứ thân” với sự chờ đợi vô vọng Một năm qua vẫn một mình/ Nhớ màu hoa đỏ môi mình môi ta…vì “trăm năm chẳng trọn bề trăm năm”. Những câu thơ đầy thương cảm của phận người ngồi lại bên sông vắng, là những khoảnh khắc tâm trạng vừa hòa đồng vừa đối lập giữa cảnh nam nữ rộn ràng trẩy hội vừa để lại những dư âm tê buốt ôm bóng lẻ loi của những lát cắt ký ức thổn thức “nhớ hôm ngồi nghỉ ven đê” “Bồi hồi nghe sóng vỗ thuyền/ Bỗng như có bóng đôi quyên hiện về” (Trầu tình quan họ)
Khi “Đặt chân về đất Ninh Bình/ Quê hương phụ mẫu nghĩa tình phu thê” là nơi anh sinh ra nhưng đã ra đi khi mới 1, 2 tuổi “Rời xa từ thuở vòng tay nội bồng”. Trong trí nhớ chưa hề có một dấu ấn gì nên chủ thể rơi vào một trạng thái tình cảm mông lung mơ hồ, nửa thực nửa hư, chợt đâu đấy trong tiềm thức bỗng lóe sáng khi bất chợt được kích hoạt, hình ảnh tâm lý thông qua cảm nhận của cái tôi trữ tình lần đầu về lại nơi nhau rốn của mình được ghi lại trong bài thơ Nắm đất quê nhà: Chặng bay dài hơn ngàn cây số/ Một phần bốn trăm chuyến Apollo/ Họ mang về nhiều phiến đá thô/ Con chỉ mỗi nắm tay đất nhỏ… Lấy cái không gian bao la bát ngát trời mây đường đến mặt trăng của Apollo để so sánh 1000 Km hồi cố quận biểu đạt bằng hai hình ảnh đối lập: “phiến đá thô” và “nắm tay đất nhỏ” để làm sáng lên cái giá trị tâm linh, truyền thống và tình cảm sâu nặng dù chỉ mới gặp lại “đất và người” với tâm trạng yêu thương như Bạch Cư Dị từng viết tương phùng hà tất tằng tương thức. Tâm hồn của người viết không khỏi có những khoảnh khắc xao động bởi tác động của hoàn cảnh. Trong nắm đất ấy còn mang nỗi ước vọng chân thành mà tha thiết: Trong đất khô ẩn đôi hạt cỏ/ Rồi ngày sau đất trổ mầm xanh/ Nắm đất thôi có đủ dỗ dành?/ Cho ước ao chân về lối nhỏ. Sự hấp dẫn của bài thơ vừa mang lối tự sự vừa trữ tình, nó được đẩy tới tận cùng của rung cảm, như lời dặn với lòng mình vừa cụ thể hóa hành động trong một ứng xử khiêm tốn nhưng mang ý nghĩa nhân văn, cao cả: Con xin được làm phần việc nhỏ/ Đất làng xưa rải chỗ mẹ nằm/ Cầu mong mẹ yên lòng sưởi ấm/ Đất quê cha hòa trộn hương tro…
Đi và viết, người đọc có thể nhận diện được tác giả có vẻ như là khách lãng du, xuôi ngược trên dặm dài đất nước, đồng hành với khám phá và sự phát hiện như những phác thảo bất chợt đối với nơi chốn đã đi qua bằng một góc nhìn duy mỹ. Tình ngỡ buông dòng sẽ đọng lại trong lòng người đọc những hình ảnh đẹp khó phai của quê hương xứ sở trong nỗi bâng khuâng dạt dào rung cảm.