Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.191
123.213.565
 
Đời lá hay là nỗi đau kiếp người
Hoàng Xuân

 

 

 

Trong cái tuổi vượt tứ tuần này, tôi đã đọc về LÁ không dưới chục lần của nhiều thi nhân, thi sỹ. Cố nhà giáo, nhà thơ Diệp Minh Luyện đã có 1 tác phẩm về LÁ in trong tập NGÀY CỦA NGƯỜI rất hay:

“...thế là anh chiếc lá

có hai mặt đời trái phải

ôm vào lòng đất mặt trái

mặt phải nhìn trời đăm đăm...”

Nhà thơ đã cho ta nghe âm hưởng của sự tĩnh lặng trong một tâm hồn nhân hậu, lặng lẽ, kín đáo nhưng rất đa tình, đa cảm. LÁ đã nhìn xuyên thấu được cả đất và trời, đã nghe được âm thanh đồng vọng của loài người và mặt đất. Nhà thơ làm tôi rung cảm da diết...

Sáng nay, tôi lại được chạm đến một cách nhìn về LÁ cũng thật lạ và đầy trăn trở nghĩ suy:

“Lặng nhìn chiếc lá vàng rơi

Câu thơ rệu rã giọng lời thở than”

Đó là 2 câu đầu trong bài thơ ĐỜI LÁ - ĐỜI NGƯỜI của người anh, người bạn tuy mới chập chững bước vào vườn thơ đương đại truyền thống, mặc dù anh có chất thơ từ thời thơ bé khi cha và em trai đều rất giỏi về thơ. Lúc đầu làm thơ Đường, từ chỗ vụng, rồi nhanh chóng anh cho ra đời những vần thơ khá hay và hàm ẩn triết lý nhân sinh, rồi đến dòng thơ thất ngôn bát cú. Và bài thơ tôi đang nhắc đến ở đây là một ví dụ, để thấy anh đã có bước tiến rất nhanh. Anh chính là tác giả thơ Đỗ Thành Kim.

Anh cũng như bao người hằng ngày đang nhìn những chiếc lá lìa cành, nhưng có lẽ không mấy ai “lặng nhìn” và “thở than”, vì đó là quy luật sinh tồn của vạn vật. Điều này nhà văn O Henry trong tác phẩm văn học CHIẾC LÁ CUỐI CÙNG cũng đã cho ta tia hi vọng, nhưng ấy là chiếc LÁ thường xuân được ông họa sĩ mù vẽ lên bức tường để cứu cô gái trong câu chuyện.

Anh Đỗ Thành Kim đã rất tinh tế khi sử dụng bút pháp nghệ thuật nhân hóa để nói lên nỗi day dứt của một kiếp người, lặng lẽ ra đi, lặng lẽ lìa cành. Hai câu tiếp theo, anh cố níu giữ chút thời gian, nhưng tất cả đều đã muộn:

“Giơ tay níu chút thời gian

Chậm rồi... một cảnh trái ngang ... giữa ngày”

Vật chất không tự mất đi mà nó chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác, chiếc LÁ rồi sẽ biến mất trong dòng đời vạn biến. Nhưng sự ra đi của chiếc LÁ giữa ban ngày làm cho ta đau, làm cho ta nhói. Chiếc LÁ chắc cũng hiểu được cái sự ra đi của mình, duy chỉ có người “lặng nhìn” thì không biết trước được điều gì. Bởi luật sinh tử của kiếp LÁ cũng chẳng khác gì kiếp người là mấy. Già nó cũng vàng và sâu nó cũng nhanh chóng vàng đi và rụng xuống, điều này được anh khắc họa trong hai câu thơ tiếp theo:

“Trải bao mưa, nắng, đắng cay

Úa, vàng, khô, lá buông tay giã từ”

Chỉ có điều tác giả làm cho bao người đời phải suy ngẫm:

“Không bon chen, chẳng xô bồ

Vô tư như những giọt mồ hôi lăn”

Đây là thi ảnh đẹp, bởi chiếc LÁ nó lạ lắm, nó “lăn” như những quy luật của tạo hóa và nơi đến chính là nguồn cội. Không một chút bon chen, không xô bồ vật vã với cơm gạo áo tiền, nó chỉ thản nhiên xanh và thản nhiên lìa cành. Tác giả sử dụng phép ẩn dụ, so sánh và nhân hóa thật tinh tế, khi có chiều liên tưởng:

“Đời người sinh, trưởng nhọc nhằn

Như đời lá đến khô cằn... lặng.. buông”

Tôi cho rằng, hai câu thơ cuối của bài thơ mang triết lý nhân sinh sâu sắc:

“Tay cầm chiếc lá mà thương

Lá về đất lại tìm đường nuôi cây”.

Kiếp LÁ theo cách nhìn nhân sinh quan như tác giả, nó không có điểm dừng và không vô định trong tiềm thức, nó lại làm hồi sinh một kiếp LÁ khác. Bởi rằng, LÁ là nguồn gốc tạo nên chất mùn của đất và có nhiệm vụ cao cả: NUÔI CÂY. Và nói đến đây tôi lại sực nhớ đến câu thơ để đời của cố nhà thơ Nguyễn Văn Dinh “NUÔI CÂY ĐẤT CÓ QUẶN ĐAU VỚI ĐỜI?!!!”.

 

      Ba Đồn, ngày 25/6/2023

                                                                                    

Hoàng Xuân
Số lần đọc: 479
Ngày đăng: 04.07.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cung bậc của nỗi xót xa hay là nỗi đau trần thế - Hoàng Xuân
Ernest Hemingway và chiều kích thứ năm (Kỳ 2) - Phan Tấn Uẩn
Ernest Hemingway và chiều kích thứ năm (Kỳ 1) - Phan Tấn Uẩn
Vẻ đẹp tình tứ trong thơ Thiên Di - Hoàng Thị Bích Hà
Khúc tráng ca trong tuyển tập “ Thời tôi mặc áo lính” của nhà văn Nguyễn Quang Hà - Hoàng Thị Thu Thủy
Khát vọng tình yêu và cảm thức sinh thái - Sự hợp hôn diệu kỳ trong thơ Hoài Vũ * - Trần Hoài Anh
Đọc “Qua đêm” của Nguyễn Tiến Nên - Hoàng Xuân
“Chân dung người hàng xóm” – một truyện hay về bọn Trung Quốc xâm lược. - Nguyễn Anh Tuấn
Đọc bài thơ “Say Yêu” nghĩ về thơ tình của Đặng Xuân Xuyến * - Vũ Thị Hương Mai
Phồn Sinh một trường ca khổng lồ - Đỗ Hoàng
Cùng một tác giả
Lan man chuyện tết (truyện ngắn)
Cậu Tâm (tạp văn)
Tro (tạp văn)
Riêng (thơ)