Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.208
123.205.820
 
Họ nhà nến
Tiểu Lục Thần Phong

 

 

Bóng tối mịt mùng bao phủ không gian, bên trong căn phòng lung linh ánh sáng từ ngọn nến tỏa ra, cái viền vàng hình lưỡi mác bọc lấy tim nến đỏ, ánh sáng phá vỡ màn đêm đen kịt ấy. Ngọn lửa nến âm thầm tỏa sáng, càng sáng bao nhiêu thì thân nến lại hao mòn bấy nhiêu. Những giọt lệ nóng hổi chảy dọc thân nến, đọng lại thành những mảng sáp hồng dưới chân. Đêm càng về khuya, thân nến giờ chỉ còn một phần ngắn, nến biết rằng chẳng mấy chốc nữa thôi nó sẽ lụi tàn, thân hoại mạng chung nhưng nến không hề sợ sệt hay hối tiếc. Nến sinh ra là để cháy sáng, có cháy sáng thì đời nến mới có ý nghĩa và đó cũng là lý do để xuất hiện trên cõi đời này, bằng như nến cứ giữ nguyên vẹn thì có khác gì đá cuội vô tri. Khởi thủy từ đời cụ tổ họ nhà nến đã vậy rồi, cứ thế từng đời, từng đời truyền thừa cho đến hôm nay. Công lao của họ nhà nến xưa giờ bút mực nào kể đủ?

 

Ngày xưa, khi loài người chưa có xăng dầu, ga hay điện. Loài người sống trong sự tối tăm mù mịt của đêm trường. Họ nhà nến xuất hiện và đã đi tiên phong trong việc khai sáng, đem lại văn minh cho loài người. Họ nhà nến lung linh trong suốt những đêm trường từ cổ đại đến trung đại và cả một phần của thời hiện đại. Nến đã giúp người viết sách, đọc sách và làm bao nhiêu việc trên đời. Họ nhà nến tận hiến cúng dường trên bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên. Họ nhà nến đỏ hoe lệ đổ trên đầu áo quan tiễn người về cõi vĩnh hằng. Họ nhà nến lập lòe hoa chúc trong đêm động phòng của những đôi trẻ thành thân. Cái vòng sanh tử khép kín của đời người, nến có mặt từ sanh đến tử, từ tử đến sanh. Nến có mặt để chúc mừng và cũng có mặt ở lúc tiễn đưa.

 

Căn phòng lặng lẽ tịch mặt, cảnh vật im lìm, thỉnh thoảng tiếng tí tách từ ngọn lửa nến vọng rất khẽ. Ngọn nến hồng trụ giữa màn đêm như một dũng sĩ giác đấu, ánh sáng của nến đẩy lùi lớp lớp vô minh. Thân nến giờ ngắn lắm rồi, chỉ không đầy canh giờ nữa thôi, nến biết đời nó sắp xong, nói lời văn vẻ một chút thì sứ mệnh của nến sắp hoàn mãn rồi. Đời nến sắp đến phút giây chung cuộc, ngọn nến hồng thì thầm với cây nến trẻ được loài người tạo dáng với hình một tiểu thiên thần:

- Ta sẽ mãn phần trong canh giờ này, ta đã cháy hết mình, đã sống một cuộc đời hữu ích mà không phí một phút giây nào. Khi ta tan vào hư không thì chú em hãy thay ta tiếp tục sứ mệnh của họ nhà nến.

Cây nến trẻ ngập ngừng:

- Tôi không muốn hao mòn xác thân, tôi không muốn cháy sáng để rồi tàn lụi như các vị. Tôi mặc kệ bọn người, bọn họ muốn ánh sáng thì tự mà cháy lấy! Thân thể của tôi đẹp tuyệt như thế này, lẽ nào đem đốt cháy đi? Tại sao tôi phải làm cái việc chẳng có lợi gì cho tôi?

- Ai rồi cũng phải chết, xác thân nào cũng phải tan hoại. Nhỏ nhiệm như phù du vi sinh, lớn như sơn hà đại địa rồi cũng phải tan hoại, vì đây là cõi vô thường. Chú em bây giờ còn trẻ đẹp nhưng rồi cũng sẽ đến lúc hoaị đi. Chú em không chịu cháy lên, không chịu làm cái việc cần phải làm chú em vẫn cứ bị hoại như thường. Sứ mệnh họ nhà nến là cháy sáng, có cháy sáng thì đời nến chúng ta mới có ý nghĩa, bằng không thì chỉ là cục sáp vô tri.

- Thưa cụ, đành rằng là vậy, nhưng cứ để những cây nến khác làm nhiệm vụ này. Tôi chỉ muốn nằm ở trên kệ này mà thôi. Tôi mặc kệ loài người và cũng chẳng quan têm đến cái sứ mệnh nghiệt ngã đó. Tôi được cậu chủ cưng như một món đồ quý, thỉnh thoảng cậu chủ nâng niu và ngửi rồi khen thơm quá. Tôi cũng biết họ nhà nến sinh ra là để cháy sáng nhưng cứ xem như tôi là một ngoại lệ đặc biệt chỉ để chưng, chỉ để người đời như cậu chủ ngắm nghía là cũng vui rồi.

- Có sanh thì ắt có tử, tử để rồi sanh, nếu chú em không cháy sáng thì đời chú em chẳng có ý nghĩa gì và cũng chẳng lợi lộc gì cho đời. Sẽ có một lúc nào đó cậu chủ dọn dẹp sẽ đem vất những thứ cũ kỹ, cũng có thể chú em sẽ bị tiêu hao vì vô số lý do như: chuột gặm, nóng chảy, vật nặng đè bẹp…Nếu đời chú bị diệt vì những lý do này thì vô nghĩa quá, lúc đó chú em có hối hận thì cũng muộn rồi!

Ngọn lửa leo lét sắp tàn, thân nến chỉ còn chừng một lóng tay em bé, nói đến đây thì lặng lẽ trầm ngâm. Cây nến thiên thần trẻ cũng im lặng ra vẻ đăm chiêu. Thời gian như ngưng đọng lại, không gian xung quanh ngoài vùng sáng của nến đặc quánh vì màn đêm, chỉ có vừng sáng quanh ngọn nến vô cùng ảo diệu như một vùng cổ tích hiển hiện ở thế gian này. Ở bên gian phòng thờ, lọ nến thơm trước tôn tượng Thế Tôn vẫn ngày đêm tỏa sáng và tỏa hương. Lọ nến cũng chỉ còn phân nửa, cậu chủ thỉnh thoảng đến cắt bớt tim để ngọn lửa không phụt cao. Lọ nến vô cùng hoan hỷ và cung kính cúng dường Thế Tôn, cúng dường chư Phật, chư Bồ Tát, chư hiền thánh ba đời mười phương. Lọ nến nghe trọn cuộc đối đáp của cụ nến và cây nến trẻ bèn cất lời từ tốn:

- Cậu em tuy giờ trẻ đẹp nhưng cái đẹp phù du huyễn hoặc. Cậu em thử nghĩ xem thế gian này có gì là thật đâu, tất cả chỉ là duyên hợp mà thành. Họ nhà nến chúng ta cũng thế, chỉ đơn giản là những nguyên tử paraffin hợp lại, mà đã hợp thì sẽ tan. Cậu em trẻ đẹp nhưng cái xác thân không thật thì cái đẹp thật được sao? Cái đẹp thật và có ý nghĩa chính là ở sự cháy lên, dù cháy lên ở đâu và với mục đích gì. Sứ mệnh chúng ta phải cháy lên, cháy đến phút giây cuối cùng, có như thế chúng ta mới hãnh diện là họ nhà nến.

Cây nến trẻ vẫn khăng khăng:

- Tôi còn trẻ, tôi phải sống để hưởng thụ. Sứ mệnh gì đấy tôi không quan tâm, mai kia gìa hẵng hay.

Lọ nến thơm trên bàn thờ Phật không nói gì thêm, lặng lẽ tỏa ánh sáng dìu dịu, ngọn lửa liu riu dường như chiêm ngưỡng tôn tượng Thế Tôn đang thiền định, mùi hương Vanilla tỏa nhè nhẹ khắp nhà. Đây là cái mùi thơm mà cậu chủ rất thích. Lọ nến này là sự tiếp nối, trước đó đã từng có những lọ nến thơm mùi cam, chanh, kim ngân, caramel, pineapple, hyacinth… Hiện trên kệ cũng còn rất nhiều những lọ nến khác đang sẵn sàng tiếp nối khi lọ nến vanilla kết thúc. Cậu chủ rất yêu thích nến, đi đâu cũng để tâm sưu tầm nến đem về nhà. Cây nến hình thiên thần trẻ kia cũng chỉ là một trong nhiều loại nến ở trên kệ. Sở dĩ cây nến ấy còn tồn tại là vì có dáng đẹp nên cậu chủ ưu ái để dành lâu hơn, có lẽ cũng vì thế mà cây nến trẻ ấy sanh tâm ngã mạn cống cao, tự phụ cho mình hơn đồng loại, một sự kiêu hãnh đầy vô minh. Cây nến trẻ liếc quanh căn phòng, không chỉ trên kệ này mà còn nhiều chỗ khác nữa, họ nhà nến có mặt rất nhiều. Những lọ nến thơm to nhỏ đủ kiểu cách và màu sắc, những thương hiệu nến từ bình dân đến quý tộc cũng góp đủ mặt, những loại sáp với sắc màu khác nhau tương ưng với mùi thơm mà lọ nến ngậm hương. Rồi lại có những loại nến được đúc khuôn với muôn hình vạn trạng từ hình hoa quả, chim muông, động vật cho đến cả hình dáng của thiên thần trông vô cùng đẹp và sinh động. Họ nhà nến ở trong căn nhà này vốn có xuất xứ từ khắp các quốc trên thế giới, bọn họ sum họp ở đây để chờ ngày tiếp nối cháy sáng. Cây nến trẻ vừa thấy thích thú nhìn họ hàng đông đúc vừa tự phụ cao hơn đồng loại. Cậu chủ thì khỏi phải nói rồi, cậu mê những cây nến này, nâng niu như vật quý. Có đôi khi cây nến trẻ nghĩ thầm;”Những loại nến với hình thù đẹp như vậy, nỡ nào đem thắp sáng để rồi tiêu tan mất, uổng cả cái thân đẹp như thế này!” cây nến trẻ chỉ nghĩ thầm thế thôi chứ chẳng nói ra lời. Nào ngờ cây nến thơm hình trái thơm cười khúc khích, dường như nó có tha tâm thông nên đọc được ý nghĩ nội tâm của Chú nến trẻ kia:

- Chú em lầm rồi, không hề uổng phí tí nào, thậm chí còn ngược lại nữa là khác, có cháy sáng mới là sống, có cháy sáng thì đời ta mới có ý nghĩa, bằng như cứ nằm trơ trơ trên kệ này thì vô vị lắm! Ở đời có những cái chết rực rỡ và cũng có những kiếp sống nhạt nhẽo vô cùng. Họ nhà nến chúng ta có truyền thống sống đẹp chết sáng, tận hiến ánh sáng và cả hương thơm cho đời.

Chú nến trẻ vẫn cứng cỏi:

- Tại sao phải là chúng ta? Tại sao không phải là những kẻ khác? Tại sao chúng ta phải cháy sáng để kẻ khác hưởng ánh sáng? Họ hưởng ánh sáng của chúng ta rồi một lời cảm ơn cũng không có. Tôi không chấp nhận sự bất công, cần phải thay đổi cái lối mặc định này!

Một cây nến trắng mà loài người thường thân mật gọi là bạch lạp, nó khiêm nhường ở giữa những cây nến và hũ nến:

- Mỗi loài có một vị trí và chức năng khác nhau, đã sanh vì nghiệp duyên thì phải sống theo nghiệp duyên. Đến như đá cuội còn có chức năng riêng của nó, nó làm bổn phận của nó mà có hề than trách chi đâu. Họ nhà nến của chúng ta vốn sinh ra là để cháy sáng, đó không chỉ là bổn phận mà còn là vinh dự của chúng ta, có cháy sáng thì ta mới là ta.

Chú nến trẻ cà khịa:

- Tôi thấy chẳng có ai thắp bạch lạp trên bàn thờ Phật hay bàn thờ gia tiên, có chăng ở giáo đường thiên chúa, điều ấy có đúng chăng?

- Chú em nói đúng! Ấy chẳng qua là tập tục thói quen của mọi người, cái quan niệm có khi đúng có khi sai, đó là việc của loài người, còn chức năng của họ nhà nến chúng ta thì như nhau. Nến trắng, nến đỏ, nến vàng hay bất cứ màu sắc nào cũng đều có thể dâng tặng ánh sáng. Bạch lạp xưa từng thắp sáng chốn hoàng cung, trên những bàn tiệc, những lâu đài của giới quý tộc châu Âu. Bạch lạp thắp sáng trong giáo đường thiên chúa, cung hiến ánh sáng lên thiên chúa và các thánh thần, há chẳng phải vinh dự sao?

Chú nến trẻ không biết nói năng gì nữa, bao nhiêu lời lẽ lý luận của chú ta bị bác bỏ. Chú ta đuối lý, trong phút giây này đành im lặng, tuy vẫn còn ấm ức nhưng những lời đầy trí tuệ và tình cảm của anh em nhà nến đã tác động vào tâm tư chú ta. Một cây nến đỏ khác, kiểu dáng truyền thống gầy khẳng khiu, nằm ở tầng dưới của kệ lên tiếng:

- Chú em có tánh phân biệt, hãy mở rộng tầm nhìn một chút, cúng dường hay dâng hiến cũng đều thắp sáng cả, rất thiêng liêng. Như tôi đây, tuy thân phận tầm thường rẻ tiền hơn chú và đồng loại, không có mùi thơm nhưng tôi và tổ tiên từ xưa đến giờ luôn kính tiễn người đi, mỗi khi có người qua đời. Chúng tôi luôn cháy trên đầu áo quan, ngọn lửa nến làm cho người sống an tâm tin tưởng vào sự linh thiêng mầu nhiệm của sự gia hộ độ trì, ngọn nến cháy sáng dẫn đường cho vong linh hay hương linh người chết đi vào một cảnh giới an lành tốt đẹp hơn. Tang lễ không thể thiếu ngọn nến đỏ của chúng tôi, chúng tôi cháy sáng, thân thể tiêu hoại và rồi đời sẽ lãng quên nhưng không hề gì. Chúng tôi đã sống hết mình, đã cháy sáng trọn kiếp nến.

Đến đây thì nhuệ khí của chú nến trẻ đã hạ thấp lắm rồi, không còn dương dương tự đắc như lúc ban đầu, ít nhiều chú ta đã thấm thía bài học của các vị tiền bối lẫn bạn đồng trang lứa. Chú đã thấy cái giá trị thật ở sự cháy sáng chứ không phải nằm chưng trên kệ, tuy nhiên cái tôi vẫn còn to:

- Mình cháy sáng dâng hiến cho người đời mà người đời không biết đến công lao của mình thì dâng hiến làm chi? Thiệt cho mình quá!

Cây nến đỏ cười độ lượng:

- Không hề vô ích, chúng ta cháy sáng mang lại ý nghĩa lớn cho chính chúng ta, người đời biết hay không biết đến là việc của họ. Mình cháy sáng mà cái tâm ta vướng còn có cái cháy sáng, có đối tượng hưởng sáng, có cái sáng để dâng hiến thì xem ra không phải là họ nến rồi!

Một cặp nến to tướng, trên thân đắp nổi rồng phượng theo truyền thống phương đông, loại nến này ít thấy tùy tiện đốt lên, ngày thường chẳng thấy ai xài. Nến này rất đặc biệt, chỉ dùng trong dịp lễ cưới hỏi, nến thắp lên để cáo yết tổ tiên ông bà về việc hôn sự của con cái, sau đó thì người mẹ hoặc người đỡ đầu sẽ cầm cặp nến này dắt đôi trẻ vào căn phòng dành cho việc động phòng, hai ngọn nến này cháy sáng trong đêm thành thân của tân lang và tân nương. Người phương tây không ai biết loại nến này cũng như chức năng của nó. Hai cây nến này cậu chủ sưu tầm cho đủ bộ chứ ngày động phòng hoa chúc của cậu chủ đã qua từ lâu rồi. Cặp nến rồng phụng này nằm đây chúng kiến bao nhiêu thế hệ nhà nến đến rồi đi. Nó nghe cây nến trẻ kia  lý sự nên thấy cần phải khai trí cho chú ta một tí:

- Cụ nến đỏ cháy sáng trên đầu áo quan là để tiễn người đi, dùng trong tang lễ nên có thể gọi là tử nến. Còn tôi đây dùng trong ngày lễ cưới thành thân của chú rể và cô dâu nên cũng có thể gọi là sinh nến, vì lễ thành thân là sự kết hợp âm dương, là sự tiếp nối dòng đời. Tử, sinh vốn tương tục, dòng tử sanh bất tận. Họ nhà nến chúng ta vinh dự được cháy sáng trong vòng đời của loài người. Loài người từ sanh đến tử, từ tử đến sanh đều có ngọn nến chứng tri. Cái vòng sanh tử khép tròn, điểm đầu cũng là điểm cuối, mười hai mắc xích trong vòng sanh tử ấy có ai phân biệt được bao giờ, chỉ có những bậc chứng đắc mới phá vỡ được mắc xích của dòng sanh tử. Họ nhà nến chúng ta có mặt trong những thời khắc quan trọng của đời người và họ nhà nến chúng ta cũng nằm trong cái quy luật thành – trụ- hoại- không không khác gì vạn vật muôn loài ở thế gian này! Chú em không thể cưỡng lại, mà cưỡng lại để làm gì? Đời nến phải cháy sáng, không cháy sáng sao gọi là nến được!

Cây nến trẻ tỏ rõ sự hoang mang:

- Nhưng cháy sáng để tàn lụi thì ghê quá!

- Có gì ghê đâu? Khi chúng mình cháy sáng, ánh sáng đẩy lùi bóng đen, ánh sáng hòa ánh sáng, đó là sự hạnh phúc tuyệt vời, những phân tử vật chất của chúng ta sẽ hòa vào không khí. Vật chất cấu tạo nên hình tướng vốn từ những nguyên tử nhỏ nhất, chúng ta tan hoại đi, loài người lại chế ra chúng ta bằng cách tập hợp những phân tử nhỏ nhất. Thấy thì có sanh có tử nhưng thật ra nào có sanh tử chi đâu, chẳng qua là sự biến dạng thay đổi từ hình thức vật chất này sang hình thức vật chất khác mà thôi!

Cụ nến đỏ gầy nhom, cụ vốn là tổ của họ nhà nến, từ xa xưa cụ đã từng giúp loài người thắp sáng đêm trường. Cụ đã hiện diện trong những lồng đèn để chưng hay những lồng đèn để giúp người đi đường trong đêm tối. Cụ giúp loài người vượt qua đêm trường, soi đường cho loài người đi, dù là người ở phương đông hay phương tây. Những đêm trung thu hay những lễ hội nhờ có nến mà trở nên đẹp như huyền thoại. Cụ nến đỏ là hình ảnh mẫu mực, là truyền thống của họ nhà nến. Nãy giờ cụ lắng nghe toàn bộ câu chuyện của chú nến trẻ và những loại nến khác, đợi đến lúc này cụ mới khẽ tằng hắng:

- Họ nhà nến chúng ta gắn bó với loài người từ xa xưa, thời trung cổ là lúc huy hoàng nhất của cả họ, lúc ấy sự hữu dụng của chúng ta lên cao tột đỉnh. Loài người từ đông sang tây ai ai cũng cần nến. Nến thắp trong hoàng cung, giáo đường, chùa chiền, dinh thự cho chí nhà dân thường. Thuở ấy nến là nguồn sáng vô cùng thiết yếu,  dùng trong việc tế lễ, sáng tạo nghệ thuật, sinh sống đời thường. Giả sử đêm trường trung cổ mà không có họ nhà nến chúng ta thì cung vua, lâu đài quý tộc hay lều cỏ nhà dân sẽ tối tăm mù mịt có khác chi hang ổ cầm thú. Bởi thế mà trong tâm thức của loài người, hình ảnh họ nhà nến chúng ta rất thiêng liệng lại rất gần gũi thân thương. Loài người còn có tâm linh thì họ sẽ không bao giờ quên chúng ta. Sau này loài người chế ra được dầu, điện thì họ nhà nến chúng ta dần mất vị thế ban đầu, không còn là nguồn sáng quan trọng nữa, tuy nhiên về mặt tâm linh thì ngọn nến chúng ta vẫn có một vai trò thiêng liêng không thể thiếu, cho dù là ở chùa chiền, đền đài, thánh thất hay những buổi lễ nguyện cầu, tưởng niệm...Ngay ở trong nhà dân, chúng ta vẫn trang trọng trên bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên. Ánh điện tuy sáng và tiện lợi nhưng không thể thay thế chúng ta về mặt ý nghĩa tâm linh.

Cụ nến đỏ dứt lời, một cây nến khác cũng giống y hệt cụ, có lẽ cùng từ một khuôn ra. Cây nến tằng hắng nhẹ:

- Các bạn trẻ trưởng thành ở đây, thụ hưởng văn minh phương tây, sử dụng khoa học kỹ thuật tân tiến của phương tây, có lẽ các bạn trẻ không biết gì về phương đông vớ những truyền thống rất huyền diệu. Họ nhà nến chúng ta vốn gắn bó với truyền thống phương đông rất lâu đời. Ở đây còn có một chi nhánh nhỏ họ nhà nến chúng ta, hiện nay vẫn còn tồn tại nhưng rất ít người biết, người phương tây lại càng không biết đến. Xứ Giao Châu ở vùng viễn đông xa xôi ấy, những người anh em nến của chúng ta vốn sinh ra với thân hình to lớn, cứ như những cột Gothic ở đền thờ Pantheon vậy. Những cây nến khổng lồ ấy ngày đêm âm thầm cháy sáng trong những ngôi chùa Miên, cháy liên tục từ năm này qua năm khác. Đây là một điều vô cùng vi diệu, nói ra khó tin nhưng lại là sự thật, Người phương tây chưa từng biết đến, các bạn trẻ của họ nến chúng ta cũng không mấy người biết. Thật vinh dự và tự hào về những người anh em khổng lồ của họ nhà nến.

Cả bọn nến xôn xao hẳn lên, bao nhiêu lời trầm trồ kinh ngạc, những đôi mắt mở to, ngọn lửa của lọ nến thơm trên bàn thờ Phật cháy bừng lên cứ như thể đột ngột bị phấn kích. Cây nến trẻ hình thiên thần lặng cả người, lần đầu trong đời nó được biết ngoài những loại nến thông thường quanh đây, nó còn có người anh em khổng lồ ở tận phương đông xa xôi kia. Nó chưa từng biết mặt và không biết có khi nào được gặp những người anh em ấy không. Nó bâng khuâng, những lời nói của cây nến ấy cứ vọng trong tâm nó. Nó đưa mắt nhìn một lượt những người anh em, những bậc trưởng thượng có mặt ở trong căn phòng này.

Cụ nến đỏ ho khục khặc làm cho ngọn lửa lung lay, ánh sáng in hình những vật dụng trong phòng lên tường, giây lát sau cụ lại tiếp:

- Loài người càng văn mình tân tiến, họ nhà nến chúng ta cũng được thơm lây, ngày xưa quanh đi quẩn lại cũng chỉ là những cây nến hình trụ tròn, giờ thì hình dáng vô cùng đa dạng, đã thế màu sắc cũng đẹp mắt và mùi thơm thì quá tuyệt vời. Loài người chế ra những mùi hương mà ngay cả trong thiên nhiên chưa hề có, hoặc là họ pha trộn nhiều loại hương lại với nhau. Họ nhà nến chúng ta ngày nay phong phú lắm, âu cũng là sự tương tức tương sinh. Họ chế thêm những dòng nến mới, rồi chúng ta lại cháy sáng dâng ánh sáng và hương cho họ. Họ tạo ra chúng ta và chúng ta thì hỗ trợ họ tối đa về mặt tâm linh. Tận hiến vốn là truyền thống xưa nay của họ nhà nến chúng ta. Thời đại hôm nay truyền thống cần có văn minh hiện đại, cả hai kết hợp hài hòa nhau. Hiện đại mà thiếu truyền thống thì vô hồn, truyền thống mà không hiện đại thì cứng nhắc chết khô và lạc điệu mất đi thôi!

Cụ nến dứt lời, một nhóm nến tí hon dùng để cắm trên bánh sinh nhật hát vang ca khúc mừng sinh nhật của chú nến trẻ kia. Chúng cười khúc khích vây quanh cây nến trẻ hình thiên thần, cây nến trẻ cũng hát theo điệp khúc bản nhạc sinh nhật kia. Những hũ nến thơm, những loại nến mang hình thú, những cây nến theo thể thức truyền thống… cùng hoan hỷ tỏa hương dù rằng tim nến chưa được đốt lên. Riêng lọ nến thơm trên bàn thờ Phật cười nhẹ an nhiên như thể nụ cười niêm hoa của Thế Tôn, ngọn lửa liu riu tỏa một vừng sáng mà người ngoài bước vào căn phòng cứ ngỡ hào quang của tôn tượng Phật, mùi hương từ nến loang cả không gian của ngôi nhà.

 

 

Ất Lăng thành, 03/22

 

 

Tiểu Lục Thần Phong
Số lần đọc: 403
Ngày đăng: 11.07.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ký ức một đêm hè - Ngô Lạp
Cừu - Tiểu Lục Thần Phong
Người muôn năm cũ - Nguyễn Thỵ
Cần có một tấm lòng… - Nguyễn Vĩnh Căn
Ngày lễ cha - Tiểu Lục Thần Phong
Yêu như cổ tích - San Phi
Vân Hạ - Lê Minh Hiền
Chuyện cổ tích năm 1970 - Đỗ Nhựt Thư
Tác phẩm để đời - Tiểu Lục Thần Phong
Đổi thay - Tiểu Lục Thần Phong
Cùng một tác giả
Dòng đời (truyện ngắn)
Ngày lễ cha (truyện ngắn)
Cừu (truyện ngắn)
Nhà ông Huie (truyện ngắn)
Thằng Mauricio (truyện ngắn)
Nhập dòng chính (truyện ngắn)
Dịch ngôn (truyện ngắn)
Bỏ đi Tám (truyện ngắn)
Gã khờ (truyện ngắn)
Lão tạ (truyện ngắn)
Con Leslie (truyện ngắn)
Bà Deborah (truyện ngắn)
Chơi chứng khoán (truyện ngắn)
Chuyện họ nhà xe (truyện ngắn)
Đổi thay (truyện ngắn)
Tác phẩm để đời (truyện ngắn)
Hồn dâu bể (tạp văn)
Cừu (truyện ngắn)
Họ nhà nến (truyện ngắn)
Mồ chôn tình yêu (truyện ngắn)
Ta đi (thơ)
Bán sách (truyện ngắn)
Rocky (truyện ngắn)
Mai tết (truyện ngắn)
Con nhỏ khờ dễ sợ (truyện ngắn)
Ngày lễ mẹ (tạp văn)
Bộ ba (truyện ngắn)
Công án tân thời (truyện ngắn)
(truyện ngắn)
Cô Mười (truyện ngắn)
Ma mỹ (truyện ngắn)