Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
972
123.200.676
 
99. Vua Lê Thánh Tông. 5
Hồ Bạch Thảo

 

 

 Tháng giêng năm Quang Thuận thứ 9 [25/1-23/2/1468], (Minh Thành Hóa năm thứ 4). Vua ra sắc chỉ cho những quan chức tại nơi nước độc xa xôi, nếu làm việc tốt, hết hạn 6 năm được thuyên chuyển về nơi đất lành; nếu bê trễ sẽ bị bổ đến miền biên cương xa xôi thêm 6 năm nữa, mới được cứu xét:  

Mùa xuân, tháng giêng, ra sắc chỉ rằng: Những quan viên nhậm chức nơi nước độc chốn biên cương xa xôi, người nào biết cách nuôi vỗ dân, đốc thúc không phiền nhiễu dân mà vẫn thu đủ thuế, đủ hạn 6 năm thì cho chuyển về nơi đất lành. Nếu ai kiếm cớ đau ốm né tránh, nộp thuế thiếu nhiều, thì phải bổ đi miền biên cương xa, đủ 6 năm nữa mới được quyết định lại. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 45a.

Tháng 4, Đề đốc quân vụ tỉnh Quảng Đông tâu rằng An Nam mang quân chiếm cứ đất đai huyện Bằng Tường, gần ải Nam Quan. Vua Hiến Tông nhà Minh ra lệnh nghiêm nhặt phòng ngự:

Ngày 21 tháng 4 năm Thành Hóa thứ 4 [ 12/5/1468]. Đề đốc quân vụ Đô Ngự sử Hàn Ung tâu trình:

“ Nước An Nam tập trung quân hơn 1000 tên lập đồn, đào hào; chiếm cứ đất đai thuộc huyện Bằng Tường  tỉnh Quảng Đông.”

Thiên tử ban sắc dụ Ung, cùng quan Tổng binh trấn thủ bàn bạc sách lược lâu dài và nghiêm nhặt đôn đốc quan binh phòng ngự.” (Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 78)

Tháng 7 [19/7-17/8/1468], Vua thấy án kiện bị ứ đọng, bèn quở trách việc bớt nhân viên bộ Hình, bắt tăng cường cho đủ số:

Ma thu, tháng 7, dụ Lại bộ thượng thư Nguyễn Như Đổ rằng: Khoảng năm Thái Hòa, cả một Hình bộ chỉ có hai viên đại phu, xét án kiện trong nước, nhiều vụ để ứ đọng. Năm trước, ta đặt một hình ty 3 hoặc 4 viên, tại sao nay lại chỉ đặt mỗi hình ty 2 viên thôi? Lại bộ các ngươi rỗi trong hay ngoài triều, ai là người vừa cứng cỏi, vừa mềm dẻo, có tài xử án xét kiện thì đặt mỗi hình ty lấy 3 viên ngoại.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 47b.

Tháng 8 [18/8-15/9/1468], nhà Vua cùng Hoàng thái tử và các Đại thần về Lam Kinh; dịp này Vua tôi cùng nhau sáng tác làm nên tập thơ nhan đề Anh Hoa Hiếu Trị Tập:

 “Tháng 8, các quan theo hầu vua về Lam Kinh. Vua cùng Hoàng thái tử và Kỳ quận công Lê Niệm, cùng các quan theo hầu là bọn Lê Hoằng Dục, Đỗ Nhuận, Quách Đình Bảo, vua tôi cùng nhau xướng họa, sáng tác Anh hoa hiếu trị thi tập, có nhiều câu sang sảng như vàng gieo.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 48a.

Ngày 28 tháng 10 [12/11/1468], Vua vạch tội Thượng thư bộ Hộ Trần Phong:

Mùa đông, tháng 10, ngày 28, vua dụ các quan trong triều rằng:

‘Ta xem Trần Phong xin cho Lê Bô phạm pháp bị tội kình [khắc vào mặt] được chuộc tội, như thế là người giàu có nhiều của hối lộ thì được miễn tội, còn người nghèo thì vô cớ mà bị trị tội, là cả gan vi phạm phép tắc của tổ tông lập ra để trừng trị kẻ ngoan cố không biết răn chừa. Vả lại, cho chuộc tội kình là ơn riêng của triều đình thương người có tài, thế mà Phong dám làm uy làm phúc để hại nước. Đại lý tự phải chiếu luật để trị tội". Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 49a.

Tháng 11 [15/11-14/12/1468], cử 2 sứ bộ sang nhà Minh. Sứ bộ Dương Văn Đán chuyên trách việc nạp cống; sứ bộ Tạ Chủng tâu việc người Minh cướp bóc tại tỉnh Quảng Ninh:

Tháng 11, sai sứ sang nhà Minh. Bọn Dương Văn Đán, Phạm Giám, Hoàng Nhân đi nộp cống hằng năm. Tạ Chủng tâu việc các châu Vĩnh An Vạn Ninh [huyện Mông Cái, Quảng Ninh] bị cướp bóc.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 49b.

Tháng 2 nhuần năm Quang Thuận thứ 10 [14/3-11/4/1469], (Minh thành Hóa năm thứ 5); Vua ra lệnh cấm chứa vũ khí tại tư gia. Cho tổ chức thi Hội lấy đậu 20 người. Qui định các loại sắc chỉ gửi cho thuộc cấp; tùy theo đối tượng cấp bậc cao thấp, nhận các loại sắc chỉ khác nhau:

Mùa xuân, tháng 2 nhuận, cấm thiên hạ chứa đồ binh khí trong nhà. Vua dụ các quan văn võ rằng:

Trẫm giữ cơ nghiệp lớn tới nay đã được nhiều năm, trong nước yên lặng, binh khí không phải dùng đến, nên xuống chiếu cho trong nước không được chứa chất đồ binh khí trong nhà, dụ rõ để cấm…

 Tổ chức thi hội cho sĩ nhân trong nước, lấy đỗ 20 người…

 Ra sắc chỉ rằng các quan tước công, hầu, bá thì cấp chế mệnh; các quan văn, võ nhị phẩm cấp cáo mệnh; tam phẩm đến ngũ phẩm cấp sắc mệnh bằng giấy long tiên; lục, thất phẩm cấp sắc mệnh bằng giấy hắc lạn; bát, cửu phẩm cấp khám hợp (1).” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 50a.

Tháng 3 [12/4-10/5/1469], nhà Vua đánh Bồn Man. Chiêm Thành mang quân quấy nhiễu châu Hóa:

Tháng 3, vua ngự ra Bình Than [hạ lưu sông Đuống], rồi đi đánh Bồn Man [Qui Hợp, Ai Lao]. Người Chiêm Thành đi thuyền vượt biển tới cướp phá, quấy nhiễu châu Hóa [Bình Trị Thiên].” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 50b. 

Tháng 4 [11/5-9/6/1469] , quy định bản đồ của phủ, châu, huyện, xã, trang, sách toàn quốc; gồm 12 ty thừa tuyên và phủ Phụng Thiên tức kinh đô:

I- Thanh Hóa bốn phủ:

- Phủ Thiệu Thiên quản lĩnh 8 huyện: Thụy Nguyên, Vĩnh Phúc, Đông Sơn, Lôi Dương, An Định, Cẩm Thủy, Thạch Thành và Quảng Bình;

- Phủ Hà Trung quản lĩnh 4 huyện: Hoằng Hóa, Thuần Khang, Nga Sơn và Tống Sơn;

- Phủ Tĩnh Gia quản lĩnh 3 huyện: Nông Cống, Ngọc Sơn và Quảng Xương;

- Phủ Thanh Đô quản lĩnh 1 huyện: Thọ Xuân, và 4 châu: Quan Da, Lang Chánh, Tàm Châu và Sầm Châu.

 II- Nghệ An tám phủ:

- Phủ Đức Quang quản lĩnh 6 huyện: Thiên Lộc, La Sơn, Chân Phúc, Thanh Chương, Hương Sơn và Nghi Xuân;

 - Phủ Diễn Châu quản lĩnh 2 huyện: Đông Thành và Quỳnh Lưu;

 - Phủ Anh Đô quản lĩnh 2 huyện: Hưng Nguyên và Nam Đường;

- Phủ Hà Hoa quản lĩnh 2 huyện: Thạch Hà và Kỳ Hoa;

- Phủ Trà Lân quản lĩnh 4 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Vĩnh Khang và Hội Ninh;

- Phủ Quỳ Châu quản lĩnh 2 huyện: Trung Sơn và Thúy Vân;

- Phủ Ngọc Ma quản lĩnh 1 châu: Trịnh Cao;

 - Phủ Lâm An quản lĩnh 1 châu: Quy Hợp.

 III- Thuận Hóa hai phủ:

- Phủ Triệu Phong quản lĩnh 6 huyện: Đan Điền, Kim Trà, Tư Vinh, Hải Lăng, Vũ Xương, Điện Bàn và 2 châu: Thuận Bình, Sa Bôi;

 - Phủ Tân Bình quản lĩnh 2 huyện: Khang Lộc, Lệ Thủy và 2 châu: Minh Linh, Bố Chính.

IV- Hải Dương bốn phủ:

- Phủ Thượng Hồng quản lĩnh 3 huyện: Đường Hào, Đường An và Cẩm Giàng;

 - Phủ Hạ Hồng quản lĩnh 4 huyện: Gia Phúc, Tứ Kỳ, Thanh Miện và Vĩnh Lại;

- Phủ Nam Sách quản lĩnh 4 huyện: Thanh Hà, Thanh Lâm, Tiên Ninh và Chí Linh;

 - Phủ Kinh Môn quản lĩnh 7 huyện: Giáp Sơn, Đông Triều, An Lão, Nghi Dương, Kim Thành, Thủy Đường và An Dương.

 V- Sơn Nam mười một phủ:

 - Phủ Thường Tín quản lĩnh 3 huyện: Thanh Đàm, Thượng Phúc và Phú Xuyên;

- Phủ Ứng Thiên quản lĩnh 4 huyện: Thanh Oai, Chương Đức, Sơn Minh và Hoài An;

 - Phủ Lỵ Nhân quản lĩnh 5 huyện: Nam Xang, Kim Bảng, Duy Tiên, Thanh Liêm và Bình Lục;

- Phủ Khoái Châu quản lĩnh 5 huyện: Đông An, Kim Động, Tiên Lữ, Thiên Thi và Phù Dung;

 - Phủ Thiên Trường quản lĩnh 4 huyện: Nam Chân, Giao Thủy, Mỹ Lộc và Thượng Nguyên;

Phủ Nghĩa Hưng quản lĩnh 4 huyện: Đại An, Vọng Doanh, Thiên Bản và Ý Yên;

- Phủ Thái Bình quản lĩnh 4 huyện: Thụy Anh, Phụ Dực, Quỳnh Côi và Đông Quan;

 - Phủ Tân Hưng quản lĩnh 4 huyện: Ngự Thiên, Duyên Hà, Thần Khê và Thanh Lan;

 - Phủ Kiến Xương quản lĩnh 3 huyện: Thư Trì, Vũ Tiên và Chân Định;

 - Phủ Trường An quản lĩnh 3 huyện: Gia Viễn, Yên Mô và Yên Khang;

 - Phủ Thiên Quan quản lĩnh 3 huyện: Phụng Hóa, An Hóa và Lạc Thổ.

 VI- Sơn Tây sáu phủ:

- Phủ Quốc Oai quản lĩnh 5 huyện: Từ Liêm, Phúc Lộc, Yên Sơn, Thạch Thất và Đan Phượng;

 - Phủ Tam Đái quản lĩnh 6 huyện: An Lãng, An Lạc, Bạch Hạc, Tiên Phong, Lập Thạch và Phù Khang;

- Phủ Lâm Thao quản lĩnh 4 huyện: Sơn Vi, Thanh Ba, Hoa Khê và Hạ Hoa;

 - Phủ Đoan Hùng quản lĩnh 5 huyện: Đông Lan, Tây Lan, Sơn Dương, Đương Đạo và Tam Dương;

 - Phủ Đà Dương quản lĩnh 2 huyện: Tam Nông và Bất Bạt;

- Phủ Quảng Oai quản lĩnh 2 huyện: Mỹ Lương và Minh Nghĩa.

VII- Kinh Bắc bốn phủ:

- Phủ Từ Sơn quản lĩnh 5 huyện: Đông Ngàn, Yên Phong, Tiên Du, Võ Giàng và Quế Dương;

 - Phủ Thuận An quản lĩnh 5 huyện: Gia Lâm, Siêu Loại, Văn Giang, Gia Định và Lang Tài;

 - Phủ Bắc Hà quản lĩnh 3 huyện: Kim Hoa, Hiệp Hòa và Yên Việt;

 - Phủ Lạng Giang quản lĩnh 6 huyện: Phượng Nhỡn, Hữu Lũng, Yên Dũng, Bảo Lộc, Yên Thế và Lục Ngạn.

 VIII- An Bang một phủ:

- Phủ Hải Đông quản lĩnh 3 huyện: Hoa Phong, Yên Hưng, Hoành Bồ và 4 châu: Tân Yên, Vạn Ninh, Vân Đồn, Vĩnh An.

IX- Tuyên Quang một phủ:

 - Phủ Yên Bình quản lĩnh 1 huyện: Yên Phúc và 5 châu: Thu Vật, Lục Yên, Vị Xuyên, Đại Man và Bảo Lạc.

 X- Hưng Hóa ba phủ:

- Phủ Quy Hóa quản lĩnh 3 huyện: Trấn Yên, Yên Lập, Văn Chấn và 2 châu: Văn Bàn, Thủy Vĩ;

- Phủ Gia Hưng quản lĩnh 1 huyện: Thanh Xuyên và 5 châu: Phù Hoa, Mộc Châu, Việt Châu, Mai Châu, Thuận Châu;

- Phủ Yên Tây quản lĩnh 10 châu: Lai Châu, Luân Châu, Quỳnh Nhai, Chiêu Tấn, Hợp Phì, Kiêm Châu, Tuy Phụ, Hoàng Nham, Lễ Toàn và Tung Lăng.

 XI- Lạng Sơn một phủ:

-Phủ Trường Khánh quản lĩnh 7 châu: Lộc Bình, Văn Uyên, Thoát Lãng, Thất Tuyền, Văn Lan, Yên Bác và Ôn Châu.

XII- Ninh Sóc ba phủ:

 - Phủ Phú Bình quản lĩnh 7 huyện: Bình Tuyền, Phổ Yên, Đồng Hỉ, Tư Nông, Đại Từ, Phú Lương, Văn Lãng và 2 châu: Vũ Nhai, Định Hóa;

- Phủ Thông Hóa quản lĩnh 1 huyện: Cảm Hóa và 1 châu: Bạch Thông;

- Phủ Cao Bằng quản lĩnh 4 châu: Thượng Lang, Hạ Lang, Thạch Lâm và Quảng Uyên.

 Phụng Thiên một phủ: - Quản lĩnh 2 huyện: Thọ Xương và Quảng Đức.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 21.

Bấy giờ tại nhà Minh, dòng dõi Hồ Nguyên Trừng con Hồ Quí Ly, dựa vào tài chế súng  nên mấy đời được sủng ái. Bản thân Trừng từng giữ chức Thượng thư bộ Công; con Thúc Lâm làm Hữu thị lang bộ Công; cháu Thế Vinh được làm Trung thư xá nhân tại kinh đô:

Ngày 11 tháng 4 năm Thành Hoá thứ 5 [21/5/1469]

Dùng con của viên Hữu Thị lang bộ Công Lê Thúc Lâm, tên Thế Vinh làm Trung thư Xá nhân. Thúc Lâm gốc người Giao Chỉ; cha là Trừng, con Lê Quí Ly, em [anh mới đúng] Lê Thương, vốn là tù binh bị bắt về. Thái Tông Văn Hoàng đế tha tội cho, ban cho chức quan, chuyên chế tạo súng, đạn, thuốc nổ tại Binh Trượng cục, cuối cùng giữ chức Thượng thư bộ Công. Thúc Lâm kế nghiệp, vẫn tiếp tục chế tạo quân khí. Ðến nay xin cho con là Thế Vinh được làm quan tại kinh đô, để tiện bề phụng dưỡng Thiên tử nghĩ đền người phương xa, nên chấp thuận.” (Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 81)

Ngày 12 tháng 5 [21/6/1469] làm lễ xướng danh Tiến sĩ; Vua ban áo mũ, đãi yến:

Ngày 12, xướng danh các tiến sĩ là bọn Phạm Bá. Vua ban ân mệnh, cho mũ, đai, y phục và ban yến ở Lễ bộ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 51b.

Năm ngoái, triều đình ta cử 2 sứ bộ sang nhà Minh. Sứ bộ Dương Văn Đán đến dâng biểu tiến cống, ngày 2/10/1469 được ban yến và thưởng y phục. Riêng sứ bộ Tạ Chủng vào ngày 4/10/1469 đến tố cáo Thổ quan phủ Trấn An, Quảng Tây Sầm Tổ Đức, và bọn Phong Lão, Hoàng Tĩnh Nam thuộc châu Khâm, Quảng Đông, vượt biên giới quấy phá. Sự việc đưa xuống bộ binh; viên Thượng thư Bạch Khuê viện dẫn những lời tố cáo rằng thuyền An Nam đến ăn trộm ngọc trai tại biển Quảng Đông, và chiếm đất tại huyện Bằng Tường; bèn đổ lỗi cho phía An Nam tâu như vậy là cố ý muốn che tội:

Ngày 29 tháng 7 năm Thành Hóa thứ 5 [ 4/9/1469]. Người coi giữ hồ ngọc trai Quảng Đông, Phụng ngự Trần Di tâu rằng vào tháng 5 năm nay, có hơn 10 chiếc thuyền sơn đen đến ăn trộm ngọc trai tại hồ Thanh Anh, Dương Mai. Nghe lời bọn chúng nói, biết là người Di Giao Chỉ. Xin sắc dụ Quốc vương An Nam nghiêm cấm và trừng trị. Bộ Hộ bàn rằng:

Chỉ là lời nghe thoáng qua  về bọn Di ăn trộm ngọc trai , không đủ bằng cớ để ban sắc dụ. Nên ra lệnh quan ty sở tại nghiêm phòng.

Ngoài ra Tuần phủ, Đô Ngự sử cũng tâu:

 “ Xin đợi đến lúc Quốc vương Lê Hạo gửi Sứ thần đến triều cống, hãy ban sắc dụ.” (Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 81)

Ngày 27 tháng 8 năm Thành Hóa thứ 5 [ 2/10/1469]. Quốc vương An Nam Lê Hạo sai bọn Bồi thần Dương Văn Đán dâng biểu, triều cống sản vật địa phương. Ban yến, cùng các vật như y phục lụa đoạn có phân biệt. Lại giao cho Văn Đán lụa đoạn, gấm hoa văn để ban cho Vương.” (Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 82)

Ngày 29 tháng 8 năm Thành Hóa thứ 5 [ 4/10/1469]. Quốc vương An Nam Lê Hạo tâu rằng Thổ quan phủ Trấn An, Quảng Tây Sầm Tổ Đức; bọn Phong Lão, Hoàng Tĩnh Nam, thuộc châu Khâm (2), Quảng Đông vượt biên giới quấy phá. Sự việc đưa xuống bộ Binh bàn bạc; bọn Thượng thư Bạch Khuê tâu rằng:

Nước này vô cố tập trung người xâm chiếm đất biên giới tại huyện Bằng Tường (3), Quảng Ðông, lại dung túng vượt biên ăn trộm ngọc trai; nay tâu như vậy là muốn che tội. Xin mệnh Tổng binh Lưỡng Quảng này điều tra sự thực để xử lý. Vẫn nên sắc cho Quốc vương nước này tuân theo luật lệ, giữ gìn lãnh thổ, không buông thả cho bọn gian sinh sự.

Thiên tử chấp thuận.” (Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 82)

Ngày 16 tháng 11, tuyên bố đổi niên hiệu từ  Quang Thuận sang Hồng Đức. Ngày 18, ban sắc dụ về trường hợp các quan được thăng chức, hoặc bổ dụng, phải báo về địa phương; Xã trưởng cam đoan lý lịch tốt mới được chấp thuận:

 “Mùa đông, tháng 11 ngày 16 [19/12/1469], đại xá. Đổi [52a] niên hiệu, lấy năm sau làm Hồng Đức năm thứ 1.

 Ngày 18 [21/12/1469], sắc dụ quan viên văn võ và dân chúng cả nước rằng: "Trẫm nghĩ, người ta sở dĩ khác giống cầm thú là vì có lễ làm khuôn phép giữ gìn. Nếu không có lễ thì tình dục bừa bãi, phóng đãng xằng bậy, không gì không làm. Từ nay về sau, các sắc quan lại, ai được thăng chức hay bổ dụng, thì Lại bộ phải sức giấy cho phủ, huyện, xã, bắt xã trưởng phải làm tờ đoan khai là tên ấy đã đủ tuổi quy định, giá thú làm theo hôn lễ thì mới tâu cho lên để thăng bổ như lệ, Nếu để cho kẻ xấu lạm dự vào hàng quan chức, thì viên đó bị thích chữ đi đày". Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 51b.

Sau lời tố cáo của Sứ thần Tạ Chủng nước ta vào ngày 4/10/1469 về việc người Trung Quốc cướp phá tại biên giới. Triều đình nhà Minh tỏ vẻ phục thiện hơn; vào ngày 23/10/1469 bắt người Quảng Đông cướp phá tại châu Vĩnh An tỉnh Quảng Ninh nước ta, đem xử chém đầu tại biên giới:

Ngày 19 tháng 9 năm Thành Hóa thứ 5 [ 23/10/1469].Dân thuộc các huyện như Thuận Đức, Quảng Đông gồm bọn Diêu Minh 7 người, vượt biển cướp tại châu Vĩnh An [huyện Mông Cái, Quảng Ninh], Giao Chỉ,  phá nhà dân. Quan điều tra biết được rõ ràng trình lên; xin chém đầu treo tại biên cảnh thuộc châu Khâm. Thiên tử cho phép. (Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 83)

Tháng 12 [2/1-31/1/1470]. Hạ chiếu cho các phủ và huyện khuyên nhủ dân làm ruộng và trồng dâu. Cấm tư nhân, chợ búa, không được mua bán sử dụng mũ nón quân đội:

 “Nhà vua chú ý về việc làm ruộng: trước đây đã hạ lệnh cho bộ Hộ tùy theo địa thế hoặc khơi hoặc lấp những đường nước ở ruộng nương, không để cho chỗ nào ngập lụt hoặc khô cạn; lại đưa công văn về thừa ti các xứ bắt phải khám xét kỹ đê điều ở các sông, nếu có chỗ nào lúa má bị ngập lụt hoặc ruộng đất bị bỏ hoang, thì tâu bày để nhà vua biết. Đến đây hạ chiếu cho phủ huyện phải xét ruộng nương đất cát, khuyên bảo đôn đốc dân làm ruộng trồng dâu.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 21.

Cấm chợ búa trong dân gian bán nón thuỷ ma và nón sơn đỏ. Vua dụ quan viên và trăm họ cả nước rằng: "Những thứ áo giáp, mũ trụ là để cho khí thế quân đội trang nghiêm, như [52b] thứ nón thủy ma và nón sơn đỏ là của thân quân vẫn đội để túc vệ. Nay chợ búa dân gian có nhiều người bán, nên cấm hẳn đi" Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 52a.

Tháng giêng năm Hồng Đức năm thứ 1 [1/2-2/3/1470] ( Minh Thành Hoá năm thú 6). Ra sắc chỉ về việc hành xử lúc có tang cha, mẹ, chồng:

 “Con để tang cha mẹ, vợ để tang chồng phải theo quy chế chung là 3 năm, không được theo ý riêng tự tiện làm trái lễ, phạm pháp. Con để tang cha mẹ mà vợ cả, vợ lẽ có chửa thì bắt tội đi đày. Vợ để tang chồng mà dâm loạn bừa bãi, hoặc chưa hết tang đã bỏ áo trở, mặc áo thường, hoặc nhận lễ hỏi của nguời khác, hay đi lấy chồng khác [53a] đều phải tội chết cả. Nếu đương có tang, ra ngoài thấy đám trò vui mà cứ mê mải xem không tránh, thì xử tội đi đày. Nếu kẻ nào tham của, hiếu sắc mà lấy vợ cả vợ lẽ của kẻ đại ác phản nghịch, cùng là người Man thông dâm với vợ cả vợ lẽ của anh em đã chết rồi, cùng những kẻ làm quan lại mà nhận hối lộ thì tùy tội nặng nhẹ mà xử tội.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 52b.

Tháng 2 [3/3-1/4/1470], Vua trở về Tây Kinh, Thanh Hóa; thấy cảnh đồng ruộng lúa tốt, bèn cảm khái làm thơ ca tụng:

Vua ngự về Tây Kinh. Vua nói:

Năm trước ta đến Phúc Quang đường (4) thì ruộng nương Động Bàng ít nước không thể cấy lúa được. Năm nay nước nhiều, luá chiêm [53b] mênh mông bát ngát. Rồi vịnh luôn bài thơ tứ tuyệt rằng:

 Vạn khoảnh thanh thanh thị hạ điền,

Tề dân đương vĩ thực vi tiên.

Thôn đầu tam lưỡng nông phu đáo,

 Giai vị kim niên thắng tích niên.

 ( Đồng chiêm muôn khoảnh lúa xanh tươi,

 Dân coi miếng ăn chính của trời.

 Đầu xóm nông phu dăm kẻ đến,

Năm nay bảo vượt mọi năm rồi).

 Bấy giờ là lúc vua đến bái yết Phúc Quang đường ở xã Động Bàng.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 53a.

Tháng 8 [26/8-24/9/1470], Chúa Chiêm Thành là Trà Toàn mang quân sang lấn cướp Hóa Châu; tướng Phạm Văn Hiển địch không nỗi, phải rút quân dân vào thành chống giữ và cấp báo về triều:

Trà Toàn hung hãn, hoang dâm, bạo ngược, khinh thường mọi người, tự phụ là giỏi, không sửa lễ cống theo chức phận của mình, lại thường gây sự họa hoạn ở nơi biên cảnh; rồi sai sứ thần sang cầu viện với nhà Minh, thân hành đem hơn mười vạn quân thủy, quân bộ cùng voi ngựa đến đánh úp Hóa Châu [Thừa Thiên]. Viên tướng giữ Hóa Châu là Phạm Văn Hiển đánh nhau với quân Chiêm, không địch nổi, phải đóng cửa thành chống giữ, cho người phi ngựa đem văn thư cáo cấp về triều đình.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 21.

Tháng 10 [24/10-22/11/1470], nhà vua sai các sứ bộ Nguyễn Đình Mỹ, Quách Đình Bảo đem việc Chiêm Thành đánh úp Hóa Châu sang báo với nhà Minh và phân trần về điều dân Quảng Đông tố cáo thuyền An Nam mò trộm ngọc trai tại ven biển. Đến tháng 5 năm sau sứ bộ đến nơi; nhưng tên Nguyễn Đình Mỹ thì ghi là Nguyễn Đình Anh, chắc chép nhầm. Qua chiếu thư,  triều đình nhà Minh vẫn nằng nặc cho rằng An Nam âm mưu thôn tính Chiêm Thành, nhưng vẫn che dấu tự cho là nạn nhân; nên Vua Minh cực lực khuyên ngăn, không được gây hấn. Riêng việc mò lặn hồ ngọc trai, thì tâu rằng có thể dân chài thấy sơ hở, sinh ra trộm cắp; hứa sẽ ngăn ngừa:

Mùa đông, tháng 10, sai sứ sang nhà Minh: Nguyễn Đình Mỹ tâu việc Chiêm  Thành quấy nhiễu biên giới, Quách Đình Bảo tâu việc bị mò trộm trân châu và việc địa phương bị lấn cướp.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 55a.

Ngày 27 tháng 5 năm Thành Hóa thứ 7 [15/6/1471]. Quốc vương An Nam Lê Hạo sai bọn Bồi  thần Quách Đình Bảo, Nguyễn Đình Anh đến triều đình tâu:

 “ Nước thần và Chiêm Thành kế cận, từ triều trước đã bị xâm lăng. Thời Tuyên Đức [ 1426-1435 ] 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa (5) bị mất; từ đó châu Hóa bị vây mấy lần, khiến người một phương phải mệt nhọc chạy để cứu lấy mạng sống. Trộm nghĩ đất đai nhân dân nhận của triều đình, truyền cho con cháu đễ vĩnh viễn làm phiên thần. Nay Chiêm Thành phản lễ nghĩa, dối trời, dày xéo dân biên giới, không một năm nào yên ỗn. Thần muốn mang binh đi đánh dẹp, lại sợ sai lời dạy bảo của Thánh Thiên tử, nhịn đi thì phụ tấm lòng ân nghĩa của bề tôi, tiến thoái lưỡng nan! Nay kính cẩn sai Bồi thần đến kinh khuyết trần tấu.”

Bản tấu được đưa xuống bộ Binh bàn bạc, rồi được tâu lên rằng:

Lòng tham của Hạo không cùng, âm mưu thôn tính Chiêm Thành lại dương ngôn là nạn nhân. Xin ban sắc văn để ngăn ngừa sự gian trá.

 Thiên tử bèn sắc rằng:

An Nam ngươi và Chiêm Thành đều được triều đình ban tước và đất, đời đời nạp cống làm phiên thần Trung Quốc nơi biên giới, há lại gây oán, hưng binh đánh lẫn nhau. Sách Xuân Thu (6) nêu trách nhiệm người hiền phải yên phận, thuận theo lý, giữ lãnh thổ, bỏ oán thù, dập tắt tranh dành. Ngươi trước hết phải làm trọn đạo hòa mục với lân bang, lại cấm đoán bọn đầu mục không sinh sự gây hấn. Nếu như có mưu kế thôn tính, thì không phải là phước cho nước ngươi, nên cẩn thận, cẩn thận!

Về phần Chiêm Thành, đợi khi Sứ nước này đến, xét kỹ sự thực, sẽ có sắc ngăn ngừa. Trẫm thay trời cai trị vạn vật, đối xử chung một lòng nhân, không nỡ để hai nước các ngươi vướng vào họa binh đao; nên đặc biệt ra chỉ dụ khuyên răn để biểu thị sự lo lắng. Ngươi hãy thừa theo Trẫm mệnh, không được sơ hốt.” (Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 84).

Ngày 9 tháng 6 năm Thành Hóa thứ 7 [26/6/1471]. Ban cho bọn Bồi thần Nguyễn Đình Anh yến và các loại lụa như thải (7), đoạn (8), sa (9), quyên (10), có sai biệt. Khi Đình Anh trở về, ban sắc cho Lê Hạo nội dung cấm người trong nước không được vượt biên cảnh cướp phá.

Trước đó vệ châu Liêm, Quảng Đông tâu:

 “ Người Giao Chỉ lái thuyền  lớn hai cột buồm vượt biển, đến mò lặn hồ ngọc trai, cùng cướp hàng hóa của khách. Các phủ Quỳnh Lôi tại ven biển cũng tâu hải tặc bất thình lình cướp giết người và súc vật. ”

 Thiên tử sắc cho Hạo điều tra trong nước, nếu có người làm ác như vậy, chiếu theo pháp luật trừng trị. Lại răn thuộc cấp từ nay trở về sau giữ lễ nghĩa, không dung dưỡng người dưới xâm phạm biên cảnh. Nay Hạo nhân sai Bồi thần đến triều cống, bèn dâng tấu như sau:

“ Thần nghe lời ngọc của Thiên tử sợ sệt vô cùng, bèn sai người đi khắp nơi điều tra, tập hợp quan lại và kỳ lão nơi vùng biển hỏi han, họ đều nói trăm họ nơi đây không ai dám vi phạm, chưa từng lái thuyền ra biển ăn trộm ngọc trai và cướp của. Nhưng quan quân vệ Thanh Hóa nước thần từng báo rằng có đám hải tặc khoảng 30 chiếc thuyền, bí mật ghé bờ biển để cướp của giết người. Quan quân biên phòng xua thuyền ra đánh bắt, bọn chúng bèn trương buồm chạy trốn xa. Nay qua lời Quảng Đông tâu; thần e sợ sự việc giống như vậy, nhưng không chắc.”

 Hạo lại tâu rằng:

 “ Nước thần vị trí ở nơi góc biển u tịch, có dân sống bằng nghề chài lưới, theo chiều gió liều hiểm nguy để mưu sinh, lúc thấy sơ hở sinh trộm cắp, khó đoan chắc được sự việc không xẩy ra. Nhưng việc ăn trộm châu ngọc, dung túng cho bọn cường đạo làm điều gian, thần tuy là kẻ ngu cũng tự hiểu được đó là trái đạo. Thánh Thiên tử anh minh thấy nơi vạn dặm, rũ lòng ban ơn thương xót mà xét cho.”

 Đến nay lại giao sắc cho Đình Anh mang về, để hiểu dụ Hạo.” (Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 85).

Tháng 11 [23/11-21/12/1470]; nhà vua tự làm tướng đi đánh Chiêm Thành, bèn hạ lệnh tuyển hoàng nam từ 15 tuổi trở lên bổ sung vào quân ngũ, triệu tập lính tinh nhuệ 26 vạn người. Một mặt ra sắc lệnh cho thừa chính sứ ở Sơn Nam (11) thu thêm gạo của các hạng quân nhân, lại điển và sinh viên mỗi người 15 ống gạo, hạng hoàng đinh và người già mỗi người 12 ống gạo, để làm lương cho quân ăn. Ngày mồng 6, sai Thái sư Đinh Liệt, Quận công Lê Niệm điều thủy quân thuộc 3 phủ vệ đi trước. Ngày mồng 7, Vua làm lễ tại Thái miếu, trình bày tội ác của giặc và kế hoạch hành quân. Ngày 16, Vua thân hành dẫn đại quân theo sau; ra lệnh các quan cúng lễ các đền thờ thần dọc đường để cầu thắng trận. Ngày 25, trên đường hành quân, Vua bàn vấn đề đạo lý và thiên văn với danh Nho Đỗ Nhuận; chứng tỏ sở học của Vua rất sâu:

Ngày mồng 6 [28/11/1470], sai Thái sư Lân quận công Chinh lỗ tướng [58b] quân Đinh Liệt, Thái bảo Kỳ quận công Chinh lỗ tướng quân Lê Niệm đem thủy quân 3 phủ vệ Đông, Nam, Bắc đi trước. Ban hành 24 điều lệnh đánh Chiêm Thành trao cho các quân doanh và các vệ ty Cẩm y, Kim ngô, Thần vũ, Điện tiền.

 Ngày Tân Tỵ, mồng 7 [29/11/1470], vua tấu cáo ở Thái miếu rằng:

Thần là kẻ ít tuổi bất tài, vào nối nghiệp lớn, chỉ mong yên dân giữ nước đâu dám dùng nhảm việc binh. Chỉ vì giặc Chiêm Thành ngu xuẩn, nó điên cuồng nhòm ngó nước ta. Không sợ trời tạm bợ cho qua; với nước ta, nó gây thù địch. Trước thì đánh cướp châu Hóa để hòng chiếm đoạt đất đai, sau lại sang báo nhà Minh, âm mưu diệt hết tông miếu. Là phường cha chó, mẹ lợn nhuốc nhơ; làm việc cướp, giết vua bạo nghịch. Để vỗ cho Thi Nại béo no; nó dao thớt cắt xẻo Tượng Quận, chứa ác ngập trời, làm hại khắp cõi. Thần đã bàn bạc nơi miếu đường, lại lắng hỏi ở lòng dân. Mọi người đều cho rằng nó là loài rắn độc hung tàn, là mối lo cho sinh linh trong cõi. [59a] Phải kíp đem quân hỏi tội, treo thủ cấp nó bên đường. Thần bất đắc dĩ, theo nguyện vọng của mọi người, đem đại quân đi hỏi tội. Giáp binh rầm rập kéo ra ngoài cõi, uy quyền mảy may không mượn tay ai.

 Ngày Canh Thìn mồng 6 tháng này [28/11/1470], lệnh sai Chinh lỗ tướng quân Lân quận công Đinh Liệt, Phó tướng Kỳ quận công Lê Niệm đem 10 vạn thủy quân đi trước.

 Ngày 16 Canh Dần [8/12/1470], thần đốc xuất 15 vạn thủy quân tiếp sau. Tiến sâu vào đất giặc, không bỏ lỡ thời cơ. Trên là nối chí căm thù của tổ tông ông cha, dưới lo cứu nguy cho muôn vàn lưu dân điêu đứng, tính mưu kế cho con cháu, diệt kẻ thù của tổ tông. Cúi mong anh linh của các thánh ở trên trời phù hộ cho, để trong khi dàn quân bày trận được biển lặng gió im. Quân ta trổ oai phong hùm gấu, xác giặc chất thành đống kình nghê . Khí yêu ma quét sạch, chốn thanh miếu cáo thành. Thu công bình định được mau; nhờ [59b] ở thánh thần giúp đỡ. Thần kính dâng bản tâu lên.

Ngày 16 [8/12/1470], vua thân hành dẫn quân đại quân tiến tiếp sau. Sai bọn Tả đô đốc Lê Huy Cát, Hữu đô đốc Lê Cảnh Huy ở lại kinh giữ nước. Ngày hôm ấy, ngự giá khởi hành, trời mưa nhỏ, gió bấc. Tư thiên giám Tạ Khắc Hải tâu rằng:

Mưa là mưa nhuần quân, gió từ phương bắc là gió hòa.

 Cho nên khi thuyền đi vua đi, có câu thơ rằng:

 Bách vạn sư đồ viễn khai hành,

Xao bồng vũ tác nhuận quân thanh.

 (Trăm vạn quân đi đánh cõi xa,

Mui thuyền mưa đội thấm quân ta) .

 Đó là ghi sự thực.

Sai Lại bộ thượng thư Nguyễn Như Đổ tế đền Đinh Tiên Hoàng. Dọc đường, hễ qua đền thờ thần nào đều sai quan tới dâng lễ tế, để cầu cho quân đi thắng trận.

Ngày 25 [25/12/1470] đêm ấy, Đỗ Nhuận hầu trước mặt vua. Nhân nói đến hai chữ "Đạo lý", vua bảo rằng:

‘Đạo là việc đương nhiên, rõ ràng dễ hiểu, lý là cớ dĩ nhiên, mầu nhiệm khó thấy. Ta từng làm bài thơ về hai chữ ấy, lâu ngày mới xong’.

Nhuận thưa [60a] rằng:

‘Lý học của đức vua rất sáng tỏ uyên bác; trong chỗ hỗn nhiên mà phân biệt rất rõ ràng, rất tinh vi hàm súc, thể hiện ra ở lời thơ, không phải người học vấn tầm thường có thể mong mà theo kịp được’.

Vua lại nói về thiên văn học, chỉ ra rằng sự vận hành của Nhị thập bát tú (12) và Ngũ tinh (13) đều có xâm phạm tới nhau. Nếu sao nọ phạm vào sao nào đó thì ứng với một việc nào đó.

 Xem thế, có thể thấy được đôi nét về tầm học rộng hiểu sâu của vua. Vua xem địa đồ nước Chiêm, đổi lại tên sông tên núi.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 58a.

 Ngày mồng 3 tháng chạp, xa giá nhà Vua đến Thiết Sơn thuộc huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Bấy giờ thủy quân của bọn Đinh Liệt và Lê Niệm xuất phát từ trước, trong quân bị hỏa tai, quân sĩ vừa chết vừa bị thương hơn 30 người; bọn Án sát  Đinh Thúc Thông và Nguyễn Tài  đàn hặc việc này; Vua ban sắc khen. Ngày mồng 7, các Thổ quan châu Ngọc Ma đến chầu. Ngày 18, thùy quân đến đất Chiêm Thành:

Tháng 12, ngày mồng 3 [24/12/1470],đại giá xuất phát từ Thiết Sơn, thưởng tiền cho bọn Án sát sứ Đinh Thúc Thông, Nguyễn Tài theo thứ bậc khác nhau. Vua ban sắc dụ khen rằng:

 ‘Việc được thua của sáu quân là trách nhiệm của tướng quân, mà cơ lợi hại trong một dinh trách nhiệm thuộc về án sát. Bọn Thái sư Đinh Liệt nắm quân không có kỷ luật, nhu nhơ như trò trẻ con, các ngươi biết làm sớ ngỏ tâu lên, ta khen bọn các ngươi, thưởng cho tiền công, hãy đến mà nhận [60b] lấy".

 Ngày mồng 7 [28/12/1470], thổ quan phủ Ngọc Ma [Cam Môn, Cam Cớt, thuộc Ai Lao] là Cầm Lệ đến chầu, tiến cống sản vật, đó là bắt chước lễ ngày xưa, vua đi tuần đến núi lớn ở địa phương thì chư hầu đến chầu.

Ngày 18 [8/1/1474], thủy quân vào đến đất Chiêm Thành.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 60 a.

 

 

Chú thích:

1.Long tiên: giấy vàng vây ngân nhũ và vẽ rồng. Hắc lạn: giấy vàng quanh rìa vẽ mực đen. Khám hợp: giấy trắng viết chữ mực.

2.Châu Khâm, Trung Quốc vị trí giáp với tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam.

3.Bằng Tường:nay thuộc huyện Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, sát ải Nam Quan.

4.Phúc Quang đường: Tại xã Động Bàng huyện Yên Định, nay thuộc tỉnh Thanh Hoá, do Lê Thánh Tông dựng vào năm Quang Thuận, tức là điện để Hoàng thái hậu thay áo.

5.Thời nhà Hồ lấy đất Chiêm Động và Cổ Lũy của của Chiêm Thành chia thành 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa; nay là tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi; thời Minh đô hộ Chiêm Thành lấy lại.

6.Kinh Xuân Thu là sách sử ký nước Lỗ, do Khổng Tử soạn ra.

7.Thải: hàng tơ lụa 5 sắc

8.Ðoạn: một loại lụa, có thứ đoạn hoa, có thứ đoạn trơn

9.Sa: lụa mỏng

10.Quyên: Lụa mộc, lụa sống.

11.Sơn Nam: Thuộc các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình ngày nay.

12.Nhị thập bát tú: 28 chòm sao. Thiên văn học cổ Trung Quốc chia sao trên trời thành 28 chòm gọi là "tú"; 4 phương, mỗi phương có 7 chòm:

Phương Đông có các chòm: "Dốc, Cương, Chi, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ;

Phương Bắc: Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy,Thất, Bích;

 Phương Tây: Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tát, Chủy, Sâm;

 Phương Nam: Tinh, Quỷ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn.

13.Ngũ tinh: Năm sao: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hồ Bạch Thảo
Số lần đọc: 302
Ngày đăng: 11.07.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Cứu cánh” – nghĩa gốc là gì ? - Phan Văn Thạnh
Tản mạn về rượu nho (11) (Kỳ cuối) - Nguyên Lạc
Đôi điều về tập thơ Tình ngỡ buông dòng của nhà thơ Đoàn Quân - Phan Trang Hy
98. Vua Lê Thánh Tông. 4 - Hồ Bạch Thảo
Niềm thao thức của đất - Hoàng Dục
Khách lãng du qua những miền đất yêu mến - Hồ Sĩ Bình
Những thời điểm quan trọng trong cuộc chiến chống Nguyên Mông; lần đầu tiên được chuyển sang ngày tháng Dương Lịch. - Hồ Bạch Thảo
Tản mạn về rượu nho (10) - Nguyên Lạc
Tản mạn về rượu nho (9b) - Nguyên Lạc
Phật giáo là một tôn giáo - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả
Biển Giao Chỉ (lịch sử)
109. Vua Lê Uy Mục. (tiểu luận)