Buổi sáng đông. Gió nhiều quá.
Mấy cành trúc xập xòe cong rạp xuống sát tận mặt chiếc ghế đá của công viên. Những chiếc lá trúc khô, ngọn cong như ngòi viết, bay tứ tung mỗi khi có một đợt gió mạnh khó chịu thổi tràn qua. Nếu là ngòi viết, hẵn những lá trúc đã viết được nhiều điều về cuộc sống. Như viết rằng hôm nay, không khí thật mát mẻ, trong lành.
Một chiếc xích lô đỗ xịch ngay lối vào công viên. Từ trên xe, một bàn chân nhỏ thó nằm trong một chiếc dép da cũ mèm bước xuống lòng đường, rồi một thân hình khẳng khiu nhanh nhẹn dịch chuyển theo sau. Yên vị. Thọc tay vào túi quần. Móc ra một nắm tiền. Miệng cười móm mém. Chọn loại tiền một cách rụt rè và đưa tiền một cách dứt khoát. Người đạp xích lô nhận tiền, khúm núm cười. Không biết bao nhiêu. Nhưng hình như cả hai: người đưa và người nhận đều có vẻ thật vui.
Gập cúi người, từng bước hơi vòng vèo vì chân vòng kiềng. Miệng đang lẫm nhẫm đếm. Những con số đang chiếm tâm trí: 4 - 7, 1 - 10, 3 - 8, 2 - 9, 5 - 6… Tất cả đều qui về Mười Một. Tương sinh rồi tương khắc. Tương khắc rồi tương sinh. Một quãng đường cực ngắn Anh cũng lầm thầm niệm số. Sự kỳ diệu của các con số để trị bệnh cứ ám ảnh anh. Miệng cứ giản ra rồi chúm chúm lại, liên tục. Cứ vậy, cái hình người ốm nheo nhách nhưng ít đau bệnh ấy chậm rãi đến bên bàn cà phê.
Tôi ồn ả: Hôm nay đại ca oai quá! Cà phê quán cốc mà cũng có xe đưa xe dón. Chủ nhân của cái miệng chum chúm ấy lại cười lỏn lẻn. Tay chân thì cứ lóng ca lóng cóng. Mắt chớp lia. Cái miệng móm mém lại nhai tóp tép, trẹo tới trẹo lui mặc dù trong đó hoàn toàn không hề có thứ gì để nhai. Chốc chốc, bàn tay khẳng khiu lại đưa lên tháo sợi dây thun cột tóc, vuốt mấy sợi xám lẫn bạc loe hoe, rồi túm lại thành một túm nhỏ xíu xiu sau ót, như đuôi con thằn lằn ngọ ngoạy.
Với những thân hữu của góc cà phê này, của buổi sáng nay thì quả là chuyện lạ. Bởi vì đối tượng anh cho đồng tiền của anh rong chơi không phải là đối tượng thường nhật.
Mỗi ngày, tôi thường quan sát hai người đàn ông ấy một cách lặng lẽ. Đã mấy năm nay rồi. Lúc đầu không chú ý, dần dà chợt thấy khác thường. Tưởng là thói quen hàng ngày của họ, tưởng họ quan hệ thân thuộc, anh em họ hàng với nhau vì cả hai khá giống nhau. Cùng có cặp mắt trẻ thơ trong sáng. Nụ cười mĩm luôn thường trực trên môi. Người bị móm lúc nào cũng như cười. Anh và hắn đều móm. Nên đều như đang cười. Như đang đầy niềm vui. Chỉ khác là…
Bàn tay chắc đậm thường ngày chìa ra sau lưng anh là của người béo tốt. Hắn mập mạp, dáng nhanh nhẹn, áo quần có vẻ tươm tất hơn Anh. Khuôn mặt hắn không có những nếp nhăn dúm dó như Anh. Hắn đứng đó và cười cười. Như bị tâm thần.
Anh đưa bàn tay ốm nhỏ, móng tay cong quắp, bám đầy khói vàng, thọc sâu vào túi quần. Người nhổm lên, nghiêng lệch cả qua một bên, như sắp chực té. Một nắm tiền lẻ được móc ra. Tiền xu có, tiền giấy có… Tất cả như nhàu nhẫu, cuộn tròn. Một bàn tay còn lại lựa lựa, chọn chọn; rồi nhặt lấy vài tờ khoảng bốn, năm ngàn. Miệng vẫn tiếp tục câu chuyện dang dở với mọi người trong bàn cà phê, mắt không hề quay lại nhìn người đang chìa tay đứng sau lưng mình. Chỉ hơi xoay người lại và khuỷu tay hơi ngoặc về phía sau để đặt mấy đồng tiền vào bàn tay mập mạp kia. Không biểu lộ cảm xúc. Không hề quan sát xem người nhận tiền hôm nay có vẻ mặt như thế nào, ăn mặc ra sao… Không bận tâm. Xong thủ tục, người đàn ông cười cười, rồi quày quã quay lưng, bước thật nhanh ra khỏi công viên. Một lát sau, ta đã có thể thấy hắn cầm một ổ bánh mì đi ngang qua. Một lát sau, đã có thể thấy hắn dẫn một con chó nhỏ đi vệ sinh ở một góc khuất công viên.Anh thiếu nợ hắn chăng? Và Anh trả nợ?
Nhìn vẻ bề ngoài, không ai biết hắn bị tâm thần. Bởi may mắn; hắn bị tâm thần nhẹ, thuộc tuýp người hiền; sinh hoạt bình thường. Chỉ thỉnh thoảng khi trời nóng bức, hắn mới lên cơn cởi phăng áo chạy rong quanh xóm một lát rồi về nhà ngồi khóc tỉ tê như bị thất tình.
Tôi thích nhìn cảnh tượng hai người miệng móm như anh em ruột thịt có cách cho và cách nhận tiền bạc với nhau một cách khác thường.
Cuối cùng thì anh kể. Và nguyên nhân là do tôi tò mò hỏi.
“Đại sư tỷ biết không, năm 1954, bố tui đi tập kết biền biệt. Mẹ một nách bươn chải nuôi ba con thật khốn đốn. Tui là đứa con thứ hai. Đến tuổi đi lính, trốn mãi không được nên xin làm lính kiểng (vì vỏ vẻ viết được vài truyện ngắn). Tui đóng quân ở vành đai khu đô thị mới nổi tiếng về ăn chơi, cũng là một nơi hay xảy ra chiến sự. Nơi đó có một nhà thơ trẻ lãng đãng cùng thời đã từng tâm sự: “Nếu mai đụng trận ta còn sống/ Về ghé Sông Mao phá phách chơi…” Trời đất, sao giống suy nghĩ của tui quá trời. Mẹ già thỉnh thoảng dăm tháng đôi lần mua sắm, gói gém, gồng gánh đi về quê thăm bà con một vài hôm. Việc ai người nấy làm, nấy biết, để ý làm gì.
Hôm đó, trời đang tối như mực. Bỗng nhiên, từng đợt pháo sáng thi nhau lập loè, bung cánh. Chiến sự nổ ra gần quá. Những loạt mìn nổ rền trời đất. Đạn bay chíu chít trên đầu. Thằng bạn thân vô phúc nhô ra khỏi miệng hầm làm gì không biết, bị dính ngay một viên đạn tỉa của một xạ thủ bộ đội. Thằng bạn từ từ oặt người xuống, tím tái, co giật, xuôi tay. Không thấy một giọt máu. Vì viên đạn cắm ngọt xớt cách phía trên trán vài phân, tóc che lấp dấu. Viên đạn đó, lẽ ra là dành cho tui.
Người đàn ông tâm thần kia là em của thằng bạn. Chiến tranh đã qua đi, nhưng nỗi đau chiến tranh thì vẫn ở lại. Mọi người đều khổ ải vì chiến tranh. Nên tui chẳng gợn chút bận tâm vì sao em bạn cứ mỗi buổi sáng lại đến nơi này để đứng sau lưng, cười cười tuệch toạc”.
Tôi biết Anh không quan tâm đến đồng tiền vì vợ Anh rất tuyệt vời trong lo toan. Mỗi ngày, “bà quản gia tốt bụng” đều dúi vào tay Anh vài chục ngàn. Tuỳ nghi sử dụng. Bớt vài ngàn cho em bạn chẳng sao. Vả lại, dù Anh cho nhiều hay ít hắn cũng mặc kệ. Hôm nào không có em bạn thì phải tìm người khác. Một người quét rác ở công viên. Một người bạn văn chương túng quẫn. Một em bé bán vé số… Miễn là một ngày có một viên sỏi trắng để bỏ vào một cái lon sữa bò có nhành cây khô mà Anh đặt là cây Hạnh phúc.
Bạn bè Anh nhiều vô kể. Ai cũng quý cái tâm trong sáng của Anh. Có người trả ơn Anh giúp đỡ bằng cách tặng tiền in sách. Anh lại càng có điều kiện vung tiền cho bạn bè. “To give is to receive. He wants to share”. Cho tức thị nhận. Anh muốn được chia sẻ. Tiền bạc là phù du. Ngày ba bữa, vui chơi, rong ruổi cùng bè bạn. Chỉ thiếu cái thằng bạn vô phúc. Và em bạn thay mặt. Nhưng, cái tên của thằng em, Anh cũng không biết. Biết để làm gì. Gọi em bạn là thân mật nhất. Như cái người đạp xích lô, anh cũng chẳng biết tên tộc. Chỉ gọi thứ Bảy. “Cái thằng, con lóc nhóc cả năm đứa. Nghèo rớt mồng tơi. Thuê xích lô trả tiền ngày để đạp, mong kiếm đủ tiền đong gạo. Nó ở sát nhà cũ của tui. Thương mấy đứa nhỏ, tui hay lén lão bà bà xúc gạo cho nó. Bữa đó, tự nhiên nó xuất hiện ở ngõ hẽm nhà mới.Tui thấy, bèn dắt xe đạp về cất. Rồi leo lên xích lô cho nó chở đi lòng vòng suốt đường này qua phố nọ, sau đó trực chỉ quán cà phê”. Thì ra, anh đã giúp người nghèo rất tự nhiên theo cách riêng của mình. Và, Bảy xích lô đã nhận tiền xe gấp năm gấp bảy lần mà không hề áy náy.
Vợ anh càu nhàu: Có chiếc xe đạp con gái mới tặng, lại đem cho ai mất tiêu rồi. Anh cười cười, biết lỗi: Cho con gái thằng Lâm hàng xóm chớ cho ai. Con bé đi học xa quá, tội nghiệp. Em không muốn tui tích đức cho em sao?
Trăng trong vườn nhà anh vằng vặc. Thật yên tĩnh.Giữa mông lung sương khói, tiếng chuông chùa sát cạnh vườn nhà anh thỉnh thoảng ngân vọng vào đêm. Cái lều tạm của Anh như đang rướn mình lên ngắm những bông hoa Hoàng hậu (Móng bò) màu hồng đào phất trước cửa. Cây bồ đề nhỏ loà xòa nhành lá xuống ngôi mộ của liệt sĩ - bố Anh như cộng hưởng với ánh trăng để tạo nên cái chất hư vô thoát tục. Cạnh chiếc bàn đá đặt ở góc sân, tôi ngồi nghe chị làu bàu nho nhỏ. Chị lạ lùng gì tánh ông chồng lãng tử, giống trẻ con hơn là ông lão dù đã sắp thất thập niên.
Trăng mờ mờ cắt lằn ngang, lằn dọc trên khuôn mặt khắc khổ của Anh. Có lúc, lại giãn ra cười như trẻ thơ. Lúc thì co dúm lại khi chị bực mình nhăn nhó. Nhưng hầu như bao giờ cũng vậy, Anh đều kết thúc sự tiếp thu tội lỗi bằng cử chỉ gãi gãi đầu. Những cái móng tay vàng ệch và nhỏ thó lại có việc mà làm.
Hồn nhiên sống. Lúc thì như một nhà hiền triết giảng giải Kinh Dịch thật say sưa. Lúc thì như đứa trẻ cần có một bảo mẫu chăm sóc, nhắc nhở và bảo mẫu – chính là lão bà bà có khuôn mặt đẹp như quý bà thanh lịch… Nếu Anh có thêm một nhánh cây bẻ ở đâu đó, một cây gậy cầm tay múa may quay cuồng, thì đích thị là đệ tử Bùi Giáng tiên sinh. Tôi thường gọi Anh là Khô Lâu Thiền Sư, anh có vẻ thích thú, lại cười cười mom móm.
Hôm nay, bàn cà phê vắng một chỗ. Trời mưa rả rích. Em bạn đến. Nhưng không có Anh.Em bạn cười móm mém rồi quay lưng.
Trận mưa hôm qua dội vào Anh. Cứ lang thang qua nhiều con phố. Niệm số. Đếm bong bóng vỡ. Và gục ngã vì viêm phổi cấp. “Quản gia” đưa vội vào viện. Khó thở, phải thở oxy. Lạnh thấu xương, phải uống nước thật nóng, bỏng cả miệng… Anh nằm co quắp trên giường rộng, đệm trắng toát, tựa như con mèo già lông đẫm phền phệt mồ hôi. Trông thật chán.
Anh lầm thầm: không qua khỏi mùa đông, ung thư phổi giai đoạn 1. Tôi lo phát sốt vì không lẽ Khô Lâu Thiền Sư muốn đi theo thi sĩ họ Bùi sớm vậy.
Thế nhưng vài hôm, Anh lại bảo: qua rồi, bệnh vặt. Trời chưa gọi. Còn phải lén lão bà bà giúp thằng em bạn, để nó khỏi quanh quẩn tìm mình. Hôm nào ra viện, kêu thằng Bảy chở đi lòng vòng, trả nhiều tiền hơn một chút để nó sắm quần áo cho con vào năm học mới.
Và tôi biết. Chiếc xích lô lại vẫn giúp Anh hàng ngày đi rong khắp phố. Vòng quay xe đạp sẽ vẫn rong chơi hàng ngày trên con đường đến trường. Em bạn sẽ vẫn rong chơi trên hành trình tìm kiếm Anh và tìm kiếm bản thân mình. Anh sẽ vẫn rong chơi cùng những con số bí hiểm. Và đồng tiền có ích vẫn cứ rong chơi mãi mãi với thế gian.
Ma lực. Rong chơi thong dong và rong chơi mê mải mệt nhoài.