Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.179
123.221.748
 
Bang giao giữa chính quyền Đàng Trong với Nhật Bản thế kỷ XVI-XVII qua các bức quốc thư
Nguyễn Hoàn

           

 

            Để xây dựng, phát triển Đàng Trong “hội nhập và sáng tạo” (chữ dùng của nhà Việt Nam học Li Tana), Chúa Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn kế nghiệp đã sớm có tầm nhìn hướng ra biển, mở mang ngoại thương với các nước, đặc biệt trong đó có Nhật Bản. Đánh giá về tình hình trấn nhậm Thuận Hóa (sau đó kiêm luôn Quảng Nam) của Nguyễn Hoàng tính đến năm 1572, tức là sau hơn 10 năm Nguyễn Hoàng vào Ái Tử, trong đó có việc buôn bán với nước ngoài, “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn (viết năm 1776) viết: “Cai trị hơn mười năm, chính sự khoan hòa… Thuyền buôn ngoại quốc đều đến mua bán, đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang, ai cũng cố gắng, trong cõi đều an cư lạc nghiệp” (1). “Đại Nam thực lục” của Quốc sử quán triều Nguyễn, phần viết về Chúa Nguyễn Hoàng, cũng ở mốc thời gian năm 1572 đã viết tương tự “Phủ biên tạp lục”: “Bấy giờ chúa ở trấn hơn 10 năm, chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang, nhân dân đều yên cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, không có trộm cướp. Thuyền buôn các nước đến nhiều. Trấn trở nên một nơi đô hội lớn” (2). Để có “thuyền buôn các nước đến nhiều”, Chúa Nguyễn Hoàng là người khởi đầu và các chúa Nguyễn kế nghiệp đã chủ động tìm cách thúc đẩy quan hệ bang giao với các nước, trong đó có Nhật Bản.

 

            Tình hình bang giao giữa chính quyền Đàng Trong với Nhật Bản thế kỷ XVI-XVII còn để lại dấu ấn trong các di tích, di vật, tư liệu, trong đó có bộ sách “Ngoại phiên thông thư” do Cận Đằng Thủ Trọng (Kondō Morishige), bề tôi của Mạc phủ Nhật Bản Tokugawa thu thập và biên soạn, hoàn thành năm 1818. “Ngoại phiên thông thư” sưu tầm thư từ bang giao của Mạc phủ Tokugawa với các nước, gồm 27 quyển, trong đó có 4 quyển, từ quyển 11 đến 14 là “An Nam quốc thư” (thư từ bang giao của Đàng Trong, Đàng Ngoài với Nhật Bản). Ở Việt Nam, học giả Sở Cuồng Lê Dư là người quan tâm sớm nhất đến việc sưu tầm các bức quốc thư này. Ông đã sưu tầm và giới thiệu 35 bức quốc thư (trong tổng số 56 bức quốc thư của “An Nam quốc thư”) trên 2 số “Nam phong tạp chí” (bản chữ Hán), trong đó số 54, tháng 12 năm 1921 đăng 25 bức và số 56, tháng 2 năm 1922 đăng 10 bức. Từ đó về sau, các học giả, nhà nghiên cứu đã sưu tầm được 56 bức thư của Chúa Nguyễn và Chúa Trịnh giao dịch với Mạc phủ Tokugawa. Từ nguồn thư đã được những người đi trước sưu tầm, cộng với nguồn của chính mình sưu tầm từ các cơ quan lưu trữ ở Nhật Bản, TS Võ Vinh Quang đã sưu tầm được 79 bức quốc thư giao dịch giữa Đại Việt với Nhật Bản, trong đó có 48 bức quốc thư của các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, còn lại là 31 bức quốc thư của Đàng Ngoài. Cuốn “Việt-Nhật thông thư (Các bức quốc thư bang giao giữa chính quyền Đàng Trong với Nhật Bản thế kỷ XVI-XVII)”, PGS TS Đỗ Bang chủ nhiệm đề tài, TS Võ Vinh Quang sưu tầm, phiên dịch, chú thích, NXB Hà Nội, 2022 đã in 48 bức quốc thư bang giao giữa các chúa Nguyễn ở Đàng Trong với Nhật Bản. Đây là tư liệu được công bố do TS Võ Vinh Quang sưu tầm, giám định, thuộc đề tài “Lịch sử Việt Nam, tập 11 (Đàng Trong 1558-1771)”, mã số KHXH-LSVN.11/14-18 của bộ “Lịch sử Việt Nam” do PGS TS Đỗ Bang làm chủ nhiệm và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì đề tài. Trong số 48 bức quốc thư này, có 20 bức dưới thời Chúa Nguyễn Hoàng (trong các năm 1591-1611), 21 bức thư dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (trong các năm 1614-1635), 5 bức thư dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Thái (Trăn) (năm 1688) và 2 bức thư dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Chu (năm 1694).

 

            Đầu tiên, xin dẫn lại một sự việc mà “Đại Nam thực lục” đã nêu. Theo “Đại Nam thực lục”, có sự việc Nguyễn Phúc Nguyên đánh nhau với giặc biển ở Cửa Việt: “Ất Dậu, năm thứ 28 (1585), bấy giờ có tướng giặc nước Tây Dương hiệu là Hiển Quý (Hiển Quý là tên hiệu của bọn tù trưởng phiên, không phải là tên người) đi 5 chiếc thuyền lớn, đến đậu ở Cửa Việt để cướp bóc ven biển. Chúa sai hoàng tử thứ sáu lĩnh hơn 10 chiếc thuyền, tiến thẳng đến cửa biển, đánh tan 2 chiếc thuyền giặc. Hiển Quý sợ chạy. Chúa cả mừng nói rằng: “Con ta thực là anh kiệt”, và thưởng cho rất hậu. Từ đó giặc biển im hơi” (3). Cách sự việc “Đại Nam thực lục” nêu trên 16 năm sau, trong thư của Đô Nguyên soái Thụy Quốc công nước An Nam gửi Đức Xuyên Gia Khang (Tokugawa Ieyasu) ngày 05 tháng 05 niên hiệu Hoằng Định 2 (1601), nhân vật Hiển Quý lại xuất hiện trong một tình huống khác (Quan Đại đô đường ở Thuận Hóa tranh chấp với các thuyền của Hiển Quý, chẳng may bị mất mạng, quân Thuận Hóa muốn giết Hiển Quý để báo oán): “Thiên hạ Thống binh Đô Nguyên soái Thụy Quốc công nước An Nam nay rất mong đợi ý tình quý báu của Gia Khang công (Tokugawa Ieyasu), trước sai Bạch Tân Hiển Quý đưa thuyền đến mua bán thông thương kết tình giao hảo, lại được ban cho thư từ cùng viên Đô đường quan (trấn nhậm xứ Thuận Hóa) trước đã từng qua lại với nhau. Nay, ta mới nhận chức Đô Thống nguyên soái, muốn hai nước giao thương giống như trước đây. Chẳng may, đến khoảng tháng tư năm ngoái, thuyền Hiển Quý neo đậu ở cửa biển Thuận Hóa, bị sóng to gió lớn khiến thuyền bị phá vỡ, không biết cậy nhờ ai. Quan Đại đô đường (trấn nhậm) Thuận Hóa chẳng biết Hiển Quý là thương nhân tốt, tranh chấp cùng các thuyền (của Hiển Quý), vì chuyện đó mà quan Đô đường bị lụy thân. Do đó các tướng soái (Thuận Hóa) dấy quân báo oán, ngày ngày luôn muốn giết chết Hiển Quý. Ta ở Đông Kinh nghe tin này không yên, luyến tiếc không thôi. Vào năm ngoái, ta vâng lệnh Thiên triều trở lại trấn lớn (Thuận Quảng), thấy Hiển Quý vẫn còn ở nước ta. Ta muốn phát cấp thuyền (cho Hiển Quý) về nước, ngặt vì thời tiết không thuận. Kịp đến hôm nay may mắn thấy thương thuyền của quý quốc lại đến, Hiển Quý hiểu chuyện, nên ta không thể không vui mừng. Bèn cẩn thận bày biện chút lễ mọn nhằm tỏ bày tình ý, mong được dung nạp ít (quà mọn này). Ngoài (lễ mọn ấy), riêng có một phong thư, phiền ngài chuyển lên cấp trên (Thiên Hoàng Nhật Bản), ban tình quý mến cho Hiển Quý được trở lại (nước ta), để kết tình anh em giữa hai nước, để nghĩa tình trời đất được thông giao” (4). Dù Hiển Quý là ai, đã làm những việc gì, là “giặc biển” như “Đại Nam thực lục” nêu hay là “thương nhân tốt” như thư của Đô Nguyên soái Thụy Quốc công nước An Nam nêu, nhưng qua “câu chuyện Hiển Quý”, một chuyện tranh chấp mà Chúa Nguyễn đã hóa giải khéo léo, “chuyển oán thành ân”, phía Nhật Bản càng thấy rõ rằng cần phải tìm cách thúc đẩy quan hệ giao thương với Đàng Trong sao cho đảm bảo an toàn, tin cậy, thuận tiện và hiệu quả hơn. Đáng chú ý, để tạo căn cứ pháp lý cho việc giao thương, Nhật Bản đã có cơ chế cấp giấy phép có dấu triện đỏ cho thuyền buôn hoạt động (thuyền này gọi là Châu Ấn thuyền, Shuinsen). Thư của Thần quân (Tokugawa Ieyasu) hồi đáp thư của Đại Đô thống Thụy Quốc công nước An Nam, tháng 10 năm Tân Sửu niên hiệu Khánh Trường thứ 6 (1601) đã đề cập việc phải thực hiện nghiêm túc quy định về Châu Ấn thuyền: “Thư tín đến tay, ta đọc đi đọc lại đôi ba lượt. Từ đất Trường Kỳ (Nagasaki) ở nước ta, thương thuyền được xuất phát, đến vùng đất của ngài thì bị gió lớn làm hỏng thuyền, mà bọn hung đồ còn giết người, thì người của quý quốc đáng nên răn dạy vậy. Đến nay túc hạ vẫn vỗ về nuôi nấng người ở thuyền ấy, lòng từ và ân huệ thật sâu sắc thay… Nay nước ta bốn phương vô sự, các nơi đều yên bình. Thương nhân (nước ta) lui tới buôn bán ở các lục địa, không thể có điều trái với quốc chính (của các nước), nên rất yên tâm thay. Thuyền của bản quốc nếu ngày khác đến vùng này thì phải trình quốc thư có ấn triện mới là chứng cứ xác thực. Thuyền nào không có ấn triện thì không được chấp thuận”.

            Trong quan hệ đối ngoại, giao thương với Nhật Bản, Chúa Nguyễn Hoàng dùng phép khôn khéo “nhu viễn nhân” (mềm mỏng với người phương xa) để thu phục nhân tâm. Phép này giúp hóa giải, giải tỏa tâm lý cho cả hai bên khi gặp những tình huống không mong muốn xảy ra, từ đó tìm cách gắn kết mối quan hệ thân thiết hơn nữa. Trong 2 thư của Chúa Nguyễn Hoàng hiểu thị (bảo ban, khiến người xem hiểu mà lĩnh ý) các khách buôn Nhật Bản, đó là thư ngày 15 tháng 4 niên hiệu Hoằng Định thứ 7 (1606) và thư ngày 8 tháng 5 niên hiệu Hoằng Định thứ 7 (1606), sau khi nhắc chuyện cũ 3 thương thuyền Nhật Bản đến buôn bán, được Chúa hậu đãi yến tiệc, nhưng họ lại lỗ mãng cướp bóc vật sản của thương nhân, áp bức dân tình, phụ nữ, bất đắc dĩ Chúa phải sai tướng dưới trướng đến hỏi tội họ, Chúa Nguyễn Hoàng đã bày tỏ lòng mình với các thương nhân Nhật Bản mới đến: “Nay, các ngươi cũng là những thương nhân Nhật Bản, vốn muốn đi đến nước ngoài buôn bán. Các ngươi gặp gió không thuận nên ghé đến vùng đất của nước ta, tự mình dâng lên 5 đôi bình phong. Ta thấy việc đó cũng nảy sinh tình cảm xót xa. Ta trước đã có tờ hiểu thị, khiến các ngươi biết đức độ của ta. Nay, các ngươi lại đến xin lệnh, ta ban cho các ngươi 1 chiếc thuyền lớn đi biển với chiếc cờ 1 mặt (có chữ) “phụng mệnh”, và gửi tặng phương vật đến Quốc vương Nhật Bản gồm 20 cân trầm hương, 5 xấp lụa bạch thục quyên, đợi kỳ gió thuận thì các ngươi trở về đất nước (Nhật Bản). Các ngươi nên bẩm bạch lại đầy đủ khiến mọi người biết được đức “nhu viễn nhân” của ta, tờ hiểu dụ đến nơi, hãy nghe và hiểu rõ ràng. Nay ta có lời hiểu thị! Ngày 8 tháng 5 niên hiệu Hoằng Định thứ 7 (1606)”.

 

            Trong giao thương, việc đi lại bằng đường biển của thuyền buôn Nhật Bản có khi gặp bất trắc, rủi ro khó lường. Những lúc đó, Chúa Nguyễn thường tìm cách giúp đỡ. Thư của Đại Đô thống Thụy Quốc công nước An Nam (Nguyễn Phúc Nguyên) gửi Gia Đằng Thanh Chính (Katō Kiyomasa) ngày 24 tháng 5 niên hiệu Hoằng Định thứ 11 (1610) có nêu sự việc chủ thuyền Lâm Hữu của Nhật Bản đến buôn bán ở Xiêm La, nhưng vì Xiêm La đang có loạn nên thuyền này phải tìm đến Đàng Trong. Chúa Nguyễn đã chân tình tiếp đãi Lâm Hữu, cho Lâm Hữu lưu lại Đàng Trong để tiến hành việc mua bán. Thư của Đại Đô thống nước An Nam gửi Giám quân Trường Cốc Xuyên Tả Binh Vệ Hàm Đằng Quảng (Kangun Hasegawa Sa-hyōe hako Fujihiro) ngày 6 tháng 5 niên hiệu Hoằng Định thứ 12 (1611) nêu sự việc chủ thuyền Nguyên Điền (Harada) đi sứ nước Đại Nê (Brunei), gặp sóng to gió lớn nên tạm neo đậu ngoài hải cảng Đàng Trong, ba lần muốn tiến vào nhưng chẳng dám. Chúa Nguyễn thấu hiểu sự tình, bèn cho thuyền này lưu trú để sau đó quay về lại Nhật Bản.

 

            Thư đi tin lại, tình cảm hai bên Việt-Nhật ngày càng gắn bó mật thiết, sâu sắc. Thư của Đại Đô thống Thụy Quốc công nước An Nam trả lời thư Nhất vị Nguyên Gia Khang (Shuichi-I Minamoto Ieyasu) ngày 13 tháng 5 niên hiệu Hoằng Định thứ 7 (1606) đã nhấn mạnh rằng Nhật Bản và An Nam cùng chung một không gian “sao trời”: “Nay, nước Nhật Bản cùng nước An Nam tuy khác nhau về bờ cõi, song lại cùng tinh tượng (sao trời) thì (hai nước) đều nằm cùng trong sao Thiên xu (chỉ Phương Bắc/ thuộc chòm sao Bắc Đẩu). Cúi nhờ ơn Quốc vương (tức chỉ Đức Xuyên Gia Khang-Tokugawa Ieyasu) có lòng bao dung mênh mông như biển, ân huệ lan đến tận nước tôi, không năm nào là không khiến người đến thông thương buôn bán, rồi tặng binh khí để dùng. Bản chức (tôi) đội ơn sâu dày đó, biết làm sao báo đáp hết như tấm lòng tin tưởng ở tôi”. Vào tháng giêng niên hiệu Khoan Vĩnh thứ 2 (1625), trong một lá thư hồi đáp gửi cho Quốc vương nước An Nam, Đại Hiến công (Tokugawa Iemitsu) đã xúc động nhắc đến một kỷ vật quý được Chúa Nguyễn tặng, đó là chiếc gối báu làm nên những “giấc vàng”: “(Hai nước chúng ta) dẫu cương vực cách biệt, nhưng tình tâm giao thông tỏ thân thiết đủ đầy. Một chiếc gối báu (ngài gửi) tôi đã nhận, lấy nó để đặt vào làm yên giấc thái sơn (vững vàng), mà tinh thần (hồn cốt) như du ngoạn qua cõi tiên của mười châu ba đảo, ắt như được tận mắt đất nước của quý ngài vậy, còn ân huệ nào hơn thế nữa!… Hàng năm, thương thuyền đến đi buôn bán từ chốn ấy của ngài, thực là may mắn to lớn vậy”.

 

            Đặc biệt, qua các bức quốc thư cho thấy, Chúa Nguyễn và gia tộc đã tìm cách thúc đẩy mối bang giao với Nhật Bản vượt lên quan hệ ngoại giao thông thường, làm sâu sắc, phong phú thêm cho mối quan hệ này, thông qua các “chất keo kết dính”, thông qua việc tạo lập các mối quan hệ “máu thịt”. Thư của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên gửi Bản Đa Thượng Dã Giới Chính Thuần (Honda Kouzukenosuke Masazumi) ngày 6 tháng 5 niên hiệu Hoằng Định thứ 6 (1605), cho biết, Chúa Nguyễn đã nhận Di Thất Lang (Yashichirou), một nhà buôn Nhật Bản làm con nuôi: “Di Thất Lang (Yashichirou) là người (mà ta) thấy rằng được đức trời giáo dưỡng, trung hậu tốt lành, nên ta nhận làm con nuôi, yêu quý hơn thương khách mà thêm phần răn bảo, thực là tình ý hợp nhau. Hôm nay, Di Thất Lang về nước, ta không nguôi tưởng nhớ, bèn vừa viết đôi lời vào thư, gửi cùng theo gió niềm khích lệ. Rất mong các hạ thấy được niềm yêu mến của ta với Di Thất Lang… Sang năm, lại tính toán cho Di Thất Lang sửa sang chỉnh bị 3 chiếc thuyền, khiến (Di Thất Lang) đến bản trấn (Đàng Trong) để giao dịch bình thường mà vẹn tròn ân nghĩa đôi đường. Ta có chút vật hạng nhỏ mọn (2 xấp lụa trắng, 1 mảnh kỳ nam) nhờ (Di Thất Lang) dâng tặng để lấy làm tin”. Di Thất Lang quê ở Nagasaki, được Mạc phủ Tokugawa cấp Châu Ấn thuyền buôn bán ở Quảng Nam, giữ vai trò trung gian trong quan hệ giao thương giữa Nhật Bản với Đàng Trong. Có lúc các thương nhân Nhật Bản đến Đàng Trong nhưng không tuân thủ đúng chỉ thị của Mạc phủ Tokugawa, trong buôn bán có phần buông tuồng, phóng túng, sinh ra tệ đoan, phía Mạc phủ Tokugawa đã giao Di Thất Lang đến “ban tờ thư trát, cùng tính mưu dàn xếp việc đúng sai, xét cứu tội trạng nặng hay nhẹ, tuân thủ theo nền chính sự của quốc gia ấy mà có biện pháp trách phạt vậy” (trích thư của  Thượng Dã Giới Đằng Nguyên Chánh Thuần (Kozuke Nosuke Fujiwara Masazumi) trả lời thư Đại Đô thống nước An Nam, ngày 12 tháng 10 năm Mậu Ngọ, niên hiệu Nguyên Hòa thứ 4 (1618)).

 

            Giữa thời giao thương Việt-Nhật gắn bó như vậy, đặc biệt, có một mối quan hệ “máu thịt” được vun bồi, đó là cuộc hôn nhân giữa ông Araki Sotaro, một thương nhân Nhật Bản với một công nữ thuộc dòng tộc Chúa Nguyễn. Người công nữ này có tên gọi theo tiếng Nhật là Wukaku (Vương Gia Cửu), ngoài ra, còn có một cái tên thân mật nữa là Anio-san. Hình ảnh lễ cưới của đôi uyên ương Việt-Nhật này hàng năm được tái hiện trong điệu múa dâng lên thần linh tại Lễ hội đại diện cho tỉnh Nagasaki: “Nagasaki Kunchi”. Mộ của hai người hiện được bảo tồn, giữ gìn cẩn thận tại tỉnh Nagasaki. Lâu nay, các nhà nghiên cứu cho rằng, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã gả con gái của mình là công chúa Ngọc Hoa (có người cho là con nuôi) cho Araki Sotaro, từ đó người con gái này có cái tên Nhật Bản là Anio-san (Wukaku). Nhưng theo TS Võ Vinh Quang, Anio-san (Wukaku), vợ của Araki Sotaro là con gái Trấn thủ Quảng Nam Nguyễn Phúc Kỳ (con trai của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên), tức là cháu gái của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên chứ không phải là con của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (5). Các nhà nghiên cứu thường cho rằng, bức thư của Quốc chủ nước An Nam gửi cho Mộc Thôn Tông Thái Lang (Kimura Soutaro), tức chính là thương nhân Araki Sotaro (Hoang Mộc Tông Thái Lang) ở đất Trường Kỳ (Nagasaki), ngày 22 tháng 4 niên hiệu Hoằng Định thứ 20 (1619) là thư của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Nhưng theo TS Võ Vinh Quang, thư này là của Trấn thủ Quảng Nam Nguyễn Phúc Kỳ. Trong thư này có đề cập việc ban quốc tính (họ Nguyễn) cho thương nhân Araki Sotaro, đặt họ tên Việt cho Araki Sotaro là Nguyễn Thái Lương (“Thái” nghĩa là to lớn, vĩ đại; “Lương” nghĩa là tốt đẹp thâm sâu, tài năng xuất chúng): “Luyến xem nhà Nguyễn ta từ ngày lập quốc đến nay, chăm lo thi hành nhân nghĩa, người phương xa thì tìm đến, kẻ ở gần thì vui hòa, ân huệ thấm đẫm khắp muôn nơi. Nay có chủ thuyền Hoang Mộc Tông Thái Lang (Araki Sotaro) nước Nhật Bản cưỡi tàu vượt biển, vinh hạnh đến nước ta, vào bái kiến (ta) nguyện mong vui sướng hầu cận dưới gối (với bậc cha mẹ). Ta bèn nâng cao hơn cho ý muốn (tốt đẹp) này, ban thêm vào họ quý tộc là Nguyễn Thái Lương, danh xưng ấy có hàm ý là hiển hùng (hùng mạnh rỡ ràng). (Điều ấy) chẳng phải là đặc biệt ban cho sự vinh hiển xán lán ở chốn cung đình sao! Ấy cũng giữ bền lợi ích thông hảo giữa hai phương trời Nam - Bắc (chỉ Đàng Trong - Nhật Bản). Kinh Thi từng có lời rằng:

Chi chỉ, chi giác, chi đính, nhĩ tài xứng lệnh tử chi tài

Như nhật, như nguyệt, như tùng, ngã thọ đẳng Nam Sơn chi thọ

(Dấu chân kỳ lân, sừng kỳ lân, đỉnh đầu kỳ lân, tài năng của ngươi xứng đáng là người con hiền tài xuất chúng. Như trời, như trăng, như cây tùng cây bách, (sự nghiệp của gia tộc) ta trường tồn với sự vững bền của núi Chung Nam). Tốt đẹp thay, thịnh vượng thay!”. Nhờ tạo dựng được những mối quan hệ “máu thịt”, thân tình đặc biệt như vậy, Chúa Nguyễn đã kết nối, thúc đẩy hơn nữa việc thương nhân Nhật Bản đến buôn bán nhộn nhịp với Đàng Trong.

Trong bang giao với Nhật Bản, Chúa Nguyễn không chỉ mua bán hàng hóa mà còn mua tiền kim loại của Nhật Bản, nghĩa là quan hệ không chỉ trên lĩnh vực thương mại mà còn cả lĩnh vực tiền tệ nữa. Nhà Việt Nam học Li Tana tán đồng với ý kiến cho rằng “các đồng tiền kim loại Nhật không phải là những người khách thỉnh thoảng mới đến mà là một phần thông thường của cuộc sống” tại Đàng Trong (6). Với mong muốn được chủ động nguồn tiền kim loại, Chúa Nguyễn đã đề nghị Nhật Bản đúc tiền giúp cho Đàng Trong. Chỉ trong một ngày là ngày 13 tháng 6 niên hiệu Chính Hòa thứ 9 (1688), Quốc vương An Nam (Chúa Nguyễn Phúc Thái) đã gửi cho Nhật Bản đến 3 bức thư, trong đó 1 bức gửi cho Đại Quốc vương điện hạ nước Nhật Bản, 2 bức thư gửi cho quan Trường Kỳ phụng hành (bộ máy quan chức chủ lực của Mạc phủ Tokugawa). 3 bức thư này đều đề nghị Nhật Bản giúp cho việc đúc tiền. Thư gửi Đại Quốc vương điện hạ nước Nhật Bản bày tỏ ý nguyện tha thiết: “Trộm nghĩ: nước tôi kinh phí của cải nhiều, chỉ dùng tiền. Ngặt vì chưa có khả năng tự chế tạo (tiền tệ) thành công, khiến cho vật dụng hàng hóa đều không đầy đủ. Xa nghe: đất đai của quý quốc vốn có đồng tốt, biết cách tạo tiền tệ. Nếu có điều này, sao chẳng rộng lòng đúc (tiền) để cứu giúp (vùng đất) hiếm tiền. Rất mong quý quốc tiến hành thích hợp việc thời dụng, ban bố lệnh đúc tiền, lập ra phép độ vẹn toàn, đúc thành nguồn lợi của muôn loài, thông lưu bản quốc, dày thêm cho việc buôn bán, ấy là hai nước cùng được ích lợi vậy. Mong quý quốc đem lòng nhân gửi vào việc thông thương hóa vật, tâm ý gửi vào tài sản, tạo ra trăm vạn xâu tiền để thấm nhuần cho muôn dân của chín cõi. Điều đó tất làm cho người của bốn phương thêm chất chứa nghĩa thân tình. Từ nay về sau, hai nước thông hiếu, tín nghĩa tới lui, gần xa như nhất thể, Hồ - Việt một nhà. Việc đó tốt đẹp lắm thay”.

 

Việc mở mang bang giao của chính quyền Đàng Trong với Nhật Bản (cũng như với các nước khác) cho thấy, Chúa Nguyễn Hoàng và các đời chúa kế nghiệp về sau đã sớm vượt lên cách nghĩ cũ kỹ “trọng nông ức thương”, hướng tầm nhìn ra biển, thúc đẩy ngoại thương, khiến cho “Đàng Trong của thế kỷ 17 đã trở thành người bạn hàng số một của Nhật Bản và là một diễn viên lớn trong các quan hệ thương mại rộng lớn của châu Á” (7). Các quan hệ bang giao này đã giúp Chúa Nguyễn gia tăng thêm nguồn lực, sức mạnh để góp phần làm nên hình hài chữ S của đất nước Việt Nam thân yêu. Các quan hệ bang giao này còn góp phần làm giàu cho vốn liếng và kinh nghiệm ngoại giao Việt Nam hiện nay và mai sau.

……………………………

            (1) Lê Quý Đôn toàn tập, tập I Phủ biên tạp lục, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 50.

(2) Đại Nam thực lục, tập I, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2002, tr. 31.

(3) Đại Nam thực lục, tập I, sđd, tr. 32.

(4) Những thư từ bang giao giữa chính quyền Đàng Trong với Nhật Bản được dẫn từ sách Việt-Nhật thông thư (Các bức quốc thư bang giao giữa chính quyền Đàng Trong với Nhật Bản thế kỷ XVI-XVII), PGS TS Đỗ Bang chủ nhiệm đề tài, TS Võ Vinh Quang sưu tầm, phiên dịch, chú thích, NXB Hà Nội, 2022.

(5) TS Võ Vinh Quang, Trấn thủ Quảng Nam Nguyễn Phúc Kỳ với bức quốc thư ban quốc tính cho hào thương Araki Sotaro, Tạp chí Phát triển Kinh tế-Xã hội Đà Nẵng, số 124, tháng 4/2020, tr. 58-68.

(6) Li Tana, Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế-xã hội Việt Nam thế kỷ 17-18, NXB Trẻ, TP.HCM, tr. 157.

            (7) Li Tana, sđd, tr. 245.

 

 

Nguyễn Hoàn
Số lần đọc: 544
Ngày đăng: 17.07.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tui-đàn-bà đọc thơ Đoàn Quân “ Nghe em hát về Hà Nội” - Nguyễn Ngọc Hạnh
99. Vua Lê Thánh Tông. 5 - Hồ Bạch Thảo
“Cứu cánh” – nghĩa gốc là gì ? - Phan Văn Thạnh
Tản mạn về rượu nho (11) (Kỳ cuối) - Nguyên Lạc
Đôi điều về tập thơ Tình ngỡ buông dòng của nhà thơ Đoàn Quân - Phan Trang Hy
98. Vua Lê Thánh Tông. 4 - Hồ Bạch Thảo
Niềm thao thức của đất - Hoàng Dục
Khách lãng du qua những miền đất yêu mến - Hồ Sĩ Bình
Những thời điểm quan trọng trong cuộc chiến chống Nguyên Mông; lần đầu tiên được chuyển sang ngày tháng Dương Lịch. - Hồ Bạch Thảo
Tản mạn về rượu nho (10) - Nguyên Lạc
Cùng một tác giả