Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.211
123.205.628
 
Tơ trời lắng sâu cùng “ Đồng vọng”
Hoàng Thị Thu Thủy

 

 

Có lần anh Võ Văn Hân nhắn nhủ với tôi: viết kịch bản Trang thơ Đất nước về sợi tơ trời đi em, lúc đó như là một gợi ý hay, bởi tôi cũng đang lúng túng chọn đề tài cho trang thơ sẽ phát sóng truyền hình số sắp đến; thế là tôi ngẫu hứng viết luôn: tơ trời ai thả mà vương, mà thương, mà nhớ, mà sầu, mà yêu... sợi tơ của đất trời, của lòng người, của thực và ảo, của vấn vương vương vấn và sự linh diệu, huyền diệu đó trở thành giai điệu cảm xúc trong thơ ca như tơ trời run rẩy rót nhạc xuống trần gian.

 

Khi nhận tập thơ “Đồng vọng” anh gửi tặng, giở tập thơ ra tôi gặp bài thơ “Sợi tơ trời” của anh: “Sương thu/ giăng mắc nơi nơi/ Thả buông những sợi/ tơ trời mong manh/ Vì lời nói dối/ còn xanh/ Tình yêu/ không chín/ Nên đành… rứa thôi/ Tơ trời/ buộc chẳng thành đôi/ Câu thơ đắp mộ/ tình tôi… lỡ làng”. Sợi tơ trời lắng lọc trong anh qua biết bao năm tháng, biết bao trải nghiệm để rồi thành thơ, một bài thơ hay về thi tứ, câu thơ ngắt nhịp ngắn với ý tứ như nhịp trái tim đang rung lên những xúc cảm về ký ức buồn mà đẹp, bởi khi nhận ra tình yêu chưa đủ độ chín thì đành phải xa nhau: “Vì lời nói dối/ còn xanh/ Tình yêu/ không chín/ Nên đành… rứa thôi”. Rứa thôi – phương ngữ miền Trung (răng, ri, mô, rứa…), chỉ 2 chữ đơn giản mà trong nó có cả khí khái, mạnh mẽ, dứt khoát; khi mà “Tơ trời/ buộc chẳng thành đôi/ Câu thơ đắp mộ/ tình tôi… lỡ làng”. Thường người ta xót thương cho phận gái lỡ làng, nay cái tôi thi nhân chấp nhận cái lỡ làng vì tơ trời mong manh. Tơ trời mong manh mới là sự nuối tiếc, băn khoăn, phấp phỏng, mong ngóng… cho biết bao lứa đôi. Bài thơ “Sợi tơ trời” viết về tình yêu “không chín” nhẹ nhàng mà sâu lắng suy tư.

 

Có lẽ tơ trời vương vấn, nên những bài thơ “Không tên số 1”, “Không tên số 3”, “Chợ tình Khau Vai”… là những mong đợi, hoài niệm, vấn vương: “Gió đưa hẹn ước về trời/ Hoa xoan rụng tím thay lời biệt ly/ Quên đi nhớ lại làm gì/ Đoái thương/ ngọn gió xuân thì lang thang” (Không tên số 3); “Cầm lòng đành vậy em ơi/ chuyện ngày xưa cũ để rồi nợ nhau” (Chợ tình Khau Vai).

Huế trong thơ anh như là cố nhân, nhiều bài thơ anh viết về Huế như trải lòng, như tâm sự, như độc thoại… bởi vì Huế vẫn là “duyên nợ” với người con một chốn ba quê: “Về với anh với Huế nghe em/ Ta gói ghém kỉ niệm thời trẻ dại/ Thả xuống dòng Hương dịu dàng êm ái/ buông bỏ nhẹ nhàng… vạn sự tùy duyên” (Huế tháng ba). “Vạn sự tùy duyên” đã khiến cho cảm xúc thơ của anh nhẹ nhàng, vượt thoát trước biết bao bộn bề, lo toan của cuộc sống. Nhờ tùy duyên mà anh đốn ngộ: “Ngộ ra làm kiếp con người/ Sân si buông bỏ cho đời hiền lương/ vô ngã vô úy vô cương/ Thân là hạt bụi vô thường mà thôi/ mai sau cưỡi hạc về trời/ Ngoảnh nhìn cõi tạm mỉm cười… vô ưu” (Ngộ)…

Anh viết về mạ - da diết, đau đáu một nỗi nhớ thương, “người mẹ quê” trong thơ anh mang vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam: tảo tần, chịu thương chịu khó, một lòng vì chồng, vì con: “Bơ vơ trong chiều nhớ mạ/ Hoa nở sang vườn… mạ ơi” (Cuối giêng vườn mạ); “Tháng mười ngày xưa mạ trông/ Chờ con về ăn cơm mới/ Ruộng sau mùa gặt lũ tới/ cua ốc mạ bắt ngoài đồng/ chừ không có mạ… ai mong?/ Quê hương xa xôi vời vợi/ Tháng mười mùa đông đang tới/ nhớ mạ liêu xiêu… tháng Mười” (Chạm vào nỗi nhớ tháng mười); “Nhớ ngày xưa cũ tháng Mười/ Rúc vào nách mẹ ấm hơi trầu nồng” (Mưa quê); “Mạ ơi!/ Con đưa mạ về bên đôộng cát/ ba đang chờ đó mạ ơi” (Lạy mạ… con đi). Bài thơ “Lạy mạ… con đi” nấc nghẹn trong ngày tử biệt sinh ly của anh với mạ. Mạ trong thơ anh chân quê, giản dị mà trái tim người con như anh rung lên từng nhịp thương cảm. Nỗi thương cảm bởi không biết anh đã từng làm cho mạ khổ khi ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”; hay bởi anh đi biền biệt xa quê. “Cùng một lứa bên trời lận đận”, chúng tôi cùng tốt nghiệp Đại học bên dòng sông Hương thơ mộng, rồi ra trường các anh nhận nhiệm sở ở Tây Nguyên xa xôi, những năm tháng đó, mạ anh ở quê “Quê nhà độ này mưa lũ/ mênh mông con nước trắng đồng… / ruộng sau mùa gặt lũ tới/ cua ốc mạ bắt ngoài đồng” (Chạm vào nỗi nhớ tháng mười). Thi tứ mượt mà, câu chữ được viết ra từ nỗi lòng của người con thương mạ, nên những bài thơ viết về mạ trong thơ anh thực sự hay, đọc lên cảm xúc thật xúc động. Viết về mẹ mỗi nhà thơ có những dấu ấn riêng, với anh Võ Văn Hân thì đây cũng là thành công trong thi hứng.

Huế vừa chớm thu, đọc những bài thơ thu trong tập thơ “Đồng vọng”, lòng chợt xao xuyến, bâng khuâng, không biết có phải “đồng bệnh tương liên” không? Nếu như “Niệm thu”, “Thương thu” cảm thu từ trong thi tứ; thì “Sáng thu Hà Giang”, “Thu Cố đô”, sắc thu, trời thu, cảm thu đã rất riêng, rất mới trong lối viết của thi nhân.

Bình minh trên cao nguyên đá/ Mênh mang đất trời Hà Giang/ Miên man Thu vàng biên viễn/ Mây ôm núi Mã Pí Lèng/ Bậc thang ruộng như phím đàn/ Lúa vào mùa vàng óng ả/ Tím trắng đỏ vàng chen đá/ Hoa tam giác mạch ngậm sương/ Nhạc ngựa reo vang trên đường/ Đàn môi ai gọi trong sương/ Rộn ràng chợ phiên em tới/ Xốn xang đất trời biên cương” (Sáng thu Hà Giang). Bức tranh thu qua thi hứng của nhà thơ vừa rất riêng, riêng ở vùng đất biên viễn; vừa như một bức họa với sắc màu tươi xinh, rộn rã – “thi trung hữu họa” – trong thơ có nhạc. Phép so sánh trong câu thơ “Bậc thang ruộng như phím đàn” quá hay, ai từng đến Hà Giang mới nhận ra cái hay của lối nhìn đậm chất thơ nhạc của thi sĩ. Bài thơ nếu phổ nhạc, chắc hẳn sẽ có ấn tượng sâu sắc với người nghe. Màu sắc tươi tắn: Tím trắng đỏ vàng, vàng óng ả …; âm thanh rộn ràng: Nhạc ngựa reo vang, Đàn môi ai gọi, Rộn ràng chợ phiên; tâm trạng xốn xang, rạo rực: Xốn xang đất trời biên cương… Bức tranh thu Hà Giang đẹp đến hoàn mĩ. Cả bài thơ là sự chuyển động của không gian, thời gian và cái nhìn tinh tế, lối cảm nhận rất riêng của thi sĩ.

Ở Huế, mùa thu đến và đi cứ như nàng vừa xõa tóc hong khô thì thu đi qua lúc nào không biết, nghĩa là thời gian thu chỉ ngắn ngủi, có thể se se buổi sáng, hiu hắt buổi chiều hay chút lạnh ban đêm, rồi sau đó là mùa mưa bão. Bởi vậy, người tinh tế sẽ cảm nhận về mùa thu ở Huế vừa bằng tâm thức, vừa bằng kí ức, vừa bằng sự nuối tiếc gom lại.

Tháng Tám Thu về ngoài phố/ Heo may với lá tự tình/ Đóa sen Tịnh Tâm nở muộn/ Thẫn thờ tím biếc hoàng hôn/ Tháng tám lá còn vấn vương/ Xa cành bao nỗi nhớ thương/ Phận mỏng dãi dầu mưa nắng/ Lặng rơi trong nỗi vô thường/ Tháng tám dáng Thu thương thương/ Ngực buồn hoang hoải sông Hương/ Hoàng thành trăng non soi bóng/ Tiếng đàn ai trong đêm buông” (Thu Cố đô). Không gian thu chuyển động từ gần đến xa, từ cái nhìn cận cảnh “Đóa sen Tịnh Tâm nở muộn” đến sự lắng lọc tâm hồn bằng nghệ thuật dùng động tả tĩnh: “Tiếng đàn ai trong đêm buông”. Cảm giác như anh đã trải qua biết bao mùa thu ở Huế để gom lại bằng một tứ thơ “Thu Cố đô”. Chỉ chấm phá vài nét mà bức tranh thu ở Huế vừa là ngoại cảnh, vừa là tâm cảnh, vừa có chiều kích của không gian, vừa có thời gian hiện hữu. Bài thơ được nhà thơ viết bằng tâm như nhà vẽ tranh thủy mặc: vẽ bằng tâm, không vẽ bằng tay…

Đi và viết. Những địa danh, những nơi anh từng đến để lại cảm xúc trong anh, những vần thơ viết về Ải Chi Lăng, nàng Tô Thị, Hà Giang, Khau Vai… dạt dào cảm xúc, lắng đọng suy tư, tri thức văn học, lịch sử, văn hóa đã hòa quyện trong anh, để câu chữ anh viết ra cô đúc mà dư ba. Thơ chỉ là một mảnh, một phiến đoạn của cảm xúc, nên khi viết ra những bài thơ về những nơi anh đã đi qua với thi hứng dạt dào anh đã gửi gắm vào đó biết bao mong đợi.

Tôi từng dạy với sinh viên ngành văn hóa, du lịch về Chợ tình Khau Vai và cũng từng “lẩn thẩn” mơ ước, nay đọc bài thơ của anh, cảm nhận của tôi là quá hay: “Cầm long đành vậy em ơi/ Chuyện ngày xưa cũ để rồi nợ nhau/ Dặn lòng còn có kiếp sau/ Đá vàng nguyện ước bên nhau trọn đời/ Tháng ba thắm cánh đào phai/ Nàng xuân ước hẹn Khau Vai cùng về/ Dẫu rằng lỗi hẹn với thề/ Vàng phai đá nát… cũng về Khau Vai/ Sương mai thấm ướt bờ vai/ Chợ tình ta nhớ/ Khau Vai/ Mình chờ” (Chợ tình Khau Vai). Bài thơ tình hơn cả chợ tình. Dù đã chấp nhận, đành chịu, thôi thì… “Cầm long đành vậy em ơi/ Chuyện ngày xưa cũ để rồi nợ nhau”. Vậy mà vẫn khao khát, mong chờ, hi vọng: “Vàng phai đá nát… cũng về Khau Vai”. Thế mới là cái tôi trữ tình bạo liệt, dứt khoát, rõ ràng, bản lĩnh. Thơ tình là vậy, ngôn từ trong sáng nhưng chứa đựng biết bao tình yêu, nỗi mong chờ, và phiên chợ tình văn hóa này sẽ là điểm đến cho những đôi lứa mãi ngóng nhau dù không được ở bên nhau.

Thơ là xúc cảm trào dâng của tâm hồn. Nhà thơ nữ Ba Lan Wisława Szymborska - người được mệnh danh là “Mozart của thơ”, được giải Nobel văn chương năm 1996, bà cho rằng bất kỳ bài thơ nào cũng có thể được gọi là “khoảnh khắc”. Tập thơ “Đồng vọng” đã có những “khoảnh khắc” lắng sâu bởi thi hứng, và cũng bởi tác giả có ý thức lập tứ nên ở tập thơ có sự đa dạng về thể loại, nhịp điệu, âu đó cũng là nhờ “tơ trời” đã lắng sâu, vương vấn…

             Huế ngày 1/8/2023

                                                                                      

 

 

Hoàng Thị Thu Thủy
Số lần đọc: 389
Ngày đăng: 10.08.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Thiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức - Tiểu Mai
Thanh Thảo, hát giữa gió mưa - Nguyễn Đức Tùng
Review tiểu thuyết “Người đọc” - Nguyễn Phin
Thơ Vũ Trọng Quang: Soi thấy mình, bọn văn-nghệ-trẻ-trai mình ngày xưa Sài Gòn… - Phạm Nga
Thơ Đoàn Quân… - Đặng Ngọc Như
Về tuyển thơ Tình Người - Hoàng Thị Bích Hà
Vài suy nghĩ khi đọc “Ăn Mày Dĩ Vãng” - Vũ Thị Hương Mai
Vào “Lặng lẽ vườn thơ” – khám phá một hồn thơ nở muộn - Hoàng Thị Bích Hà
Mảnh đất ít người nhiều ma - Nguyễn Anh Tuấn
Trò chuyện với thiên thần của Trương Văn Dân - Nguyễn Viện
Cùng một tác giả